nhất tâm tam trí

Phật Quang Đại Từ Điển

(一心三智) Cũng gọi Tam trí nhất tâm, Bất tư nghị tam trí. Trong 1 tâm cùng lúc chứng được 3 loại trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. Tông Thiên thai chủ trương tu tập Không quán, Giả quán và Trung quán thì có thể chứng được 3 trí. Nếu nương vào 3 quán thứ lớp của Biệt giáo mà tu tập thì theo thứ tự có thể được 3 trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. Nhưng nếu tu tập theo 3 quán không thứ lớp của Viên giáo thì có thể trong 1 tâm đồng thời được cả 3 trí, gọi là Nhất tâm tam trí. Ma ha chỉ quán quyển 5, thượng (Đại 46, 55 trung) nói: Nếu nói tất cả pháp đều do nhân duyên sinh, thì đó là cách nói phương tiện theo tình của Đạo chủng trí. Nếu nói tất cả pháp là 1 pháp thì đó là cách nói theo trí của Nhất thiết trí. Còn nếu nói chẳng phải 1 chẳng phải tất cả, cũng gọi Trung đạo nghĩa, thì đó là cách nói chẳng phải quyền chẳng phải thực của Nhất thiết chủng trí. Như trên nói: Một quyền thì tất cả quyền, 1 thực thì tất cả thực và tất cả chẳng phải quyền chẳng phải thực dàn trải ra khắp tất cả, đó chính là 3 trí không thể nghĩ bàn vậy. Luận Đại trí độ quyển 27 (Đại 25, 260 trung) nói: Trong 1 tâm được Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí, dứt tất cả tập khí phiền não. Ngày xưa, ngài Tuệ văn ở Bắc Tề đọc đến câu này liền hoát nhiên đại ngộ, sau đó truyền cho ngài Tuệ tư, ngài Tuệ tư lại truyền cho ngài Trí khải. Ngài Trí khải bèn tu tập theo đó mà chứng được lí viên dung của Nhất tâm tam quán, Nhất cảnh tam đế. Và 2 pháp này đã trở thành giáo nghĩa nòng cốt của tông Thiên thai. [X. Quán vô lượng thọ Phật kinh sớ diệu tông sao Q.2; Phật tổ thống kỉ Q.6].