nhật chiếu tứ châu

Phật Quang Đại Từ Điển

(日照四洲) Mặt trời chiếu khắp 4 châu. Cứ theo kinh Khởi thế nhân bản quyển 1 chép, lúc kiếp sơ, cõi thế gian đang còn tối đen thì bỗng nhiên mặt trời, mặt trăng và các tinh tú xuất hiện, từ đó bắt đầu có ngày đêm, năm tháng và thời tiết. Mặt trời mọc ở hướng đông, di chuyển quanh lưng chừng núi Tu di, soi xuống 4 châu mà có ngày đêm khác nhau. Bốn châu là: Đông phất bà đề (Thắng thân châu), Nam diêm phù đề (Thắng kim châu, Thiệm bộ châu), Tây cù da ni (Tây ngưu hóa châu) và Bắc uất đơn việt (Thắng xứ, Câu lô châu). Theo Pháp uyển châu lâm quyển 4, mặt trời đi quanh núi Tu di và chiếu xuống 4 châu tạo ra 4 tình hình khác nhau về ngày đêm như sau: 1. Ở Nam diêm phù đề lúc giữa trưa, thì ở Đông châu mặt trời lặn, ở Tây châu mặt trời mọc và ở Bắc châu thì đúng nửa đêm. 2. Ở Tây cù da ni lúc giữa trưa, thì ở Nam châu mặt trời lặn, ở Bắc châu mặt trời mọc và ở Đông châu thì đúng nửa đêm. 3. Ở Đông phất đề bà lúc giữa trưa, thì ở Bắc châu mặt trời lặn, ở Nam châu mặt trời mọc và ở Tây châu đúng nửa đêm. 4. Ở Bắc uất đơn việt lúc giữa trưa, thì ở Tây châu mặt trời lặn, ở Đông châu mặt trời mọc và ở Nam châu thì đúng nửa đêm.