duy tâm

Phật Quang Đại Từ Điển


(唯心) Phạm: Citta-màtra. Tất cả sự tồn tại trong vũ trụ đều do tâm biến hiện, ngoài tâm không có pháp nào tồn tại. Tâm là bản thể chân thực duy nhất của vạn hữu. Hoa nghiêm nhất thừa thập huyền môn (Đại 45, 518 trung), nói: Ba cõi hư vọng, chỉ do tâm tạo. Tông Pháp tướng giải thích tâm là thức A lại da và nói vạn pháp duy thức; tông Hoa nghiêm thì giải thích là tâm Như lai tạng tự tính thanh tịnh, hàm ý là chân như theo duyên sinh ra các pháp. Trong Thập bất nhị môn chỉ yếu sao quyển thượng, ngài Tri lễ dùng hai từ duy tâm và do tâm để phân biệt thuyết Duyên khởi của Đại thừa và Tiểu thừa. Kệ của Bồ tát Như lai lâm trong phẩm Dạ ma thiên cung Bồ tát thuyết kệ trong kinh Hoa nghiêm (60 quyển) quyển 10 (Đại 9, 465 hạ), nói: Tâm như thợ vẽ giỏi Vẽ các thân năm ấm Tất cả trong thế giới Không pháp nào chẳng tạo Tâm Phật cũng như vậy Phật chúng sinh cũng thế Tâm, Phật và chúng sinh Cả ba không sai khác Ở đây, theo tông Hoa nghiêm, tâm là năng tạo (người tạo tác). Phật và chúng sinh là sở tạo (những thứ được tạo ra), người ngộ Như lai tạng là Phật, người mê Như lai tạng là chúng sinh. Duyên khởi có dơ có sạch khác nhau, nhưng tự thể của tâm thì giống nhau, cho nên tâm, Phật và chúng sinh không sai khác. Trái lại, phái Sơn gia trong tông Thiên thai cho Phật, tâm và chúng sinh cùng là pháp tam thiên, cho nên không những chỉ tâm là năng tạo, mà Phật và chúng sinh cũng là năng tạo. Cũng thế, chẳng phải chỉ Phật và chúng sinh là sở tạo, mà tâm cũng là sở tạo. Còn tông Pháp tướng giải thích nghĩa này là chỉ có thức không có cảnh, tông Chân ngôn thì bảo ba mật (thân, ngữ, ý) của Phật và của chúng sinh là bình đẳng. [X. Phẩm Thập địa trong kinh Hoa nghiêm (60 quyển) Q.25; Thập địa kinh luận Q.8; luận Thành duy thức Q.2; Thành duy thức luận thuật kí Q.2 phần cuối; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí].(xt. Sơn Gia, Sơn Ngoại; Duy Thức).