đồ tượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(圖像) Cũng gọi Miêu bản đồ tượng. Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Chỉ cho các bức tranh vẽ tượng Phật, Bồ tát, Tổ sư, hình mạn đồ la, Biệt tôn, đàn, vật cúng dường v.v… Thông thường vẽ các đường nét, không tô mầu, bức nào quan trọng thì vẽ trên lụa để cất kĩ. Trong Mật giáo, sự truyền thừa về sự tướng rất phức tạp, cho nên cũng có khá nhiều loại đồ tượng. Các tác phẩm ở thời kì đầu như: Bí tạng kí của sư Không hải, Chư thuyết bất đồng kí của sư Chân tịch đều là những công trình nghiên cứu về đồ tượng. Các tập đồ tượng được chỉnh lí, biên tập từ cuối thời kì Bình an đến đầu thời kì Liêm thương thì có: Tôn dung sao, Biệt tôn tạp kí, Giác thiền sao, A sa phọc sao… Các Miêu bản đồ tượng phần lớn đã bị thất lạc, số còn lại thì được chia ra để cất giữ tại các chùa: Đề hồ, Nhân hòa, Giáo vương hộ quốc, Cao sơn, Thạch sơn và núi Cao dã… Thời đó, có rất nhiều vị tăng họa sĩ giỏi, chuyên vẽ tranh Phật, về sau cũng tham dự việc tạo tác đồ tượng. Ngoài ra, các đồ tượng của Thai tạng giới và Ngũ bộ tâm quán cũ do ngài Viên trân mang từ Trung quốc về Nhật bản đã được sao vẽ phỏng theo lại nhiều lần làm cho việc nghiên cứu về đồ tượng ở đời sau càng thêm phức tạp.