định quang như lai

Phật Quang Đại Từ Điển

(定光如來) Định quang, Phạm, Pàli: Dìpaôkara. Âm Hán: Đề hòa kiệt la, Đề hoàn kiệt. Cũng gọi Đĩnh quang Như lai, Nhiên đăng Như lai, Phổ quang Như lai, Đăng quang Như lai. Danh hiệu của đức Phật xuất hiện ở quá khứ từng thụ kí cho đức Thích tôn. Cứ theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 13 chép, thì ở thời quá khứ xa xưa có vị vua tên là Địa chủ, đem một nửa cõi Diêm phù đề của mình chia cho bầy tôi là Thiện minh cai trị, khi đệ nhất phu nhân của Thiện minh là Nhật nguyệt quang sinh con thì khắp châu Diêm phù đề sáng rực rỡ. Diện mạo người con đoan chính, đủ 32 tướng, nhân đó đặt tên là Đăng quang. Năm 29 tuổi, người con xuất gia học đạo, liền thành chính giác, hiệu là Đăng quang Như lai. Vua Thiện minh cùng với 40 ức chúng đến nghe Như lai nói pháp. Đăng quang Như lai là con vua Thiện minh, ra đời dưới thời vua Địa chủ và được nhà vua cúng dường. Còn vua Địa chủ thì chính là tiền thân của đức Thích tôn. Luật Tứ phần quyển 31 thì nói Định quang Như lai là con của Đại thần Đề diêm phù bà đề dưới triều vua Thắng oán, được vua cúng dường. Bấy giờ có tỉ khưu tên là Di khước tung hoa lên thân đức Như lai và cởi áo bằng da nai trải lên chỗ đường sình lầy để Như lai đi qua. Nhân đó, Di khước được đức Như lai thụ kí. Di khước đây chính là tiền thân của đức Thích tôn. Về thời đại đức Định quang Như lai xuất hiện, theo kinh Tăng nhất a hàm quyển 13 và kinh Phật bản hạnh tập quyển 3, thì Ngài ra đời đã từ nhiều kiếp lâu xa về quá khứ. Còn kinh Tu hành bản khởi quyển thượng và kinh Thái tử thụy ứng bản khởi quyển thượng thì cho rằng Ngài xuất hiện cách đây 91 kiếp. Trong các đức Phật thời quá khứ, Định quang Như lai là nổi tiếng hơn cả, bởi vậy, các kinh luận phần nhiều lấy Ngài làm trung tâm để nói về sự xuất hiện của chư Phật trước và sau Ngài. Như kinh Đại A di đà quyển thượng nói, sau đức Định quang có 33 đức Phật, kinh Bình đẳng giác quyển 1 thì cho rằng sau Ngài có 38 đức Phật. Hiện nay, trên cửa tháp Sơn kì (Phạm: Sànchì) ở Ấn độ có bức tranh khắc nổi hình đức Định quang Như lai hóa ra tòa thành lớn. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.38, Q.40; kinh Đạo hành bát nhã Q.6; kinh Phóng quang bát nhã Q.6; phẩm Chuyển pháp luân trong kinh Trung bản khởi Q.thượng; luận Đại tì bà sa Q.71]. (xt. Địa Chủ Vương).