diễn nhã đạt đa

Phật Quang Đại Từ Điển


(演若達多) Phạm:Yajĩadatta. Cũng gọi Diên nhã đạt đa, Da nhã đạt đa. Dịch ý là Từ thụ….., nghĩa là do tế lễ cầu trời mà xin được (cầu tự). Cứ theo kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm quyển 4 chép, thì trong thành Thất la, có anh chàng Diễn nhã đạt đa, một hôm, vào buổi sáng, anh ta lấy gương soi mặt, nhìn thấy cái đầu, cả lông mày và mắt nữa, rất khoái, nhưng bỗng nhiên lại giận cái đầu tại sao không thấy mặt, bèn cho bóng hiện trong gương là yêu ma, rồi vô cớ phát điên lên, vứt gương bỏ chạy. Nội dung câu truyện trên đây, đầu thật của mình ví dụ chân tính, còn đầu trong gương là cái bóng giả. Thấy đầu, lông mày và mắt trong gương mà khoái là ví dụ nhận cảnh giả làm chân tính rồi cố bám dính không buông bỏ; giận và trách cái đầu của mình tại sao không thấy lông mày và mắt, là ví dụ mê trái chân tính. Lăng nghiêm kinh văn cú (Vạn tục 20, 285 hạ) nói: Nên biết, phàm phu ưa thích cái có giả nên chẳng thấy chân không, Nhị thừa bị vướng mắc ở một bên không nên chẳng thấy diệu hữu, Bồ tát thì đắm muôn hạnh mà không thấy Trung đạo, Biệt giáo bị kẹt trong Đãn trung nên không thấy pháp giới… đều là khùng bỏ chạy cả (…). Đó là do tâm người chứ không phải gì khác, bởi thế biết vọng vốn không có nguyên nhân. Ngoài ra, khi bàn về vấn đề có hay không có cái ta, luận Câu xá quyển 30 lại nêu ra Thiên thụ (Đề bà đạt đa) và Từ thụ (Diễn nhã đạt đa) làm ví dụ, bởi vì hai người này là những cái tên thường thấy ở Ấn độ. [X. Câu xá luận quang kí Q.30; Thành duy thức luận thuật kí Q.1 phần đầu; Tông kính lục Q.5; Đại Phật đính thủ lăng nghiêm toản chú Q.4].