diệm khẩu

Phật Quang Đại Từ Điển


(焰口) I. Diệm khẩu: Tên loài quỉ đói. Cũng gọi Diện nhiên. Thân thể loài quỉ này ốm o khô đét, cổ họng nhỏ như kim, miệng khạc quỉ]. ra lửa. Vì đời trước keo kiệt bỏn xẻn nên bị quả báo này. Quỉ Diệm khẩu có lần đã hiển hiện trong lúc ngài A nan nhập định, do đó đã trở thành là nguồn gốc của nghi thức Phóng diệm khẩu (nghi thức thí thực) trong Phật giáo. [X. kinh Diệm khẩu ngã. II. Diệm khẩu. Cũng gọi Phóng diệm khẩu. Là pháp sự Thí thực ngã quỉ (cho quỉ đói ăn) được cử hành căn cứ theo kinh Cứu bạt Diệm khẩu ngã quỉ đà la ni. Trong pháp hội này đối tượng chủ yếu được cho ăn là những chúng sinh trong đường quỉ đói. Pháp hội thí thực ngã quỉ là một Phật sự nhằm cứu độ loài quỉ đói cũng như cầu siêu cho những người chết. Thời xưa, lúc ngài A nan đang nhập định ở trong rừng, bỗng thấy một quỉ đói (tên là Diệm khẩu) thân hình gầy đét, dáng mặt xấu xí, đầu bù tóc rối, móng tay nhọn hoắt và dài, bụng to như núi, cổ nhỏ như kim, phun lửa trước mặt, ngài A nan sợ hãi hỏi lí do. Quỉ đói bảo vì đời trước keo kiệt bủn xỉn, tham lam không biết chán, cho nên sau khi chết rơi vào đường quỉ đói, biến thành thân hình thế này và chịu đói khổ quanh năm. Quỉ đói lại bảo với Ngài A nan rằng ba ngày sau Ngài sẽ chết và cũng rơi vào đường quỉ đói như tôi. A nan sợ quá, vội vàng đến trước đức Phật cầu xin cứu độ, đức Phật bèn nói kinh Diệm khẩu và pháp thí thực cho A nan nghe, rồi ngài bảo: Nếu như ông có thể bố thí thức ăn uống cho hằng hà sa số quỉ và các tiên nhân, thì không những chẳng bị rơi vào đường ấy mà còn kéo dài tuổi thọ, các quỉ thần thường đến hộ vệ và gặp được việc tốt lành. Về pháp thí thực ngã quỉ, các kinh ghi chép có chỗ rõ ràng đầy đủ, có chỗ chỉ ghi tóm tắt. Cứ theo kinh Cứu bạt diệm khẩu ngã quỉ đà la ni chép, thì khi làm phép thí thực, người cúng dùng một chén nhỏ trong đựng nước sạch, bỏ vào đó ít hạt cơm hoặc bún, bánh v.v…, rồi đặt chén trên lòng bàn tay trái, tay phải kết ấn đặt trên miệng chén, tụng 7 biến chú, kế tiếp, tụng danh hiệu của bốn đức Như lai: Đa bảo, Diệu sắc thân, Quảng bác thân, Li bố úy, sau đó khảy móng tay bảy lần rồi đổ rải chén thức ăn trên đất sạch.Người đời sau căn cứ vào Du già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi tăng ích khoa nghi mà chia làm hai phần Kính cúng và Bi thí: 1. Kính cúng chia làm bảy hạng mục: Thăng tòa, Nhập định, Sái tịnh, Qui y, Đạo tràng quán, Hiến mạn đồ la và Phổ cúng dường. 2. Bi thí chia làm sáu hạng mục: Nhập định, Triệu thỉnh, Hiển thí thực, Diệt chướng, Mật thí và Hồi hướng. Khi làm phép thí này, nên làm vào hai giờ Tuất và Hợi (khoảng 19 giờ đến 23 giờ), bởi vì qua giờ này thì quỉ thần không thể ăn được. Những kinh điển đầu tiên liên quan đến Diệm khẩu được truyền vào Trung quốc là kinh Cứu diện nhiên ngã quỉ đà la ni và chú Cam lộ đà la ni do ngài Thực xoa nan đà dịch vào đời Đường, cả hai bản đều có chép thần chú tên là: Biến thực chân ngôn, Cam lộ chân ngôn, nghĩa là lấy một chén nước, trì mười biến chú, rồi tung lên hư không, nước ấy liền biến thành cam lộ. Về sau có: kinh Cứu bạt diệm khẩu ngã quỉ đà la ni do ngài Bất không dịch là bản dịch khác của kinh Cứu diện nhiên ngã quỉ đà la ni thần chú mà ngài Thực xoa nan đà đã dịch từ trước. Ngài Bất không còn dịch: kinh Du già tập yếu cứu A nan đà la ni diệm khẩu nghi quĩ, Du già tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo a nan đà duyên do (phân nửa phần trước của kinh Nghi quĩ, ngài Bất không dịch làm một bản riêng để lưu hành), Thí chư ngã quỉ ẩm thực cập thủy pháp. Trong đó, hành pháp theo thứ tự được nói trong kinh Du già tập yếu cứu A nan đà la ni Diệm khẩu nghi quĩ là: Chân ngôn phá địa ngục, chân ngôn triệu ngã quỉ, chân ngôn triệu tội, chân ngôn tồi tội, chân ngôn định nghiệp, chân ngôn sám hối, chân ngôn thí cam lộ, chân ngôn khai yết hầu, danh hiệu bảy đức Như lai, chân ngôn phát tâm bồ đề, chân ngôn tam muội da giới, chân ngôn thí thực, chân ngôn nhũ hải, chân ngôn phổ cúng dường, chân ngôn phụng tống.Từ đó về sau, pháp thí thực ngã quỉ trở thành nghi thức làm hàng ngày của người tu Mật giáo. Sau đó, vào cuối đời Đường đầu đời Ngũ đại, xã hội Trung quốc loạn lạc liên miên, Mật giáo thất truyền, pháp thí thực cũng theo đó mà mất. Đến đời Tống, đối với pháp thí thực, các sư không được hiểu rõ lắm. Trong Kim viên tập của ngài Tuân thức có các thiên: Thí thực chính danh, Thí thực pháp, Thí thực văn, Thí thực quán tưởng v.v… nhưng đó không phải nghi quĩ của Mật giáo mà chỉ là chân ngôn lấy trong kinh rồi thêm vào phương pháp quán tưởng của tông Thiên thai mà thôi. Trong thiên Thí thực chính danh có: Hộc thực, Minh đạo, Thủy lục. Hộc thực là chỉ cho Diệm khẩu thí thực; Minh đạo là đại trai Vô già Minh đạo ở đời Đường; cũng là một hành pháp của Mật giáo; còn Thủy lục là nghi thức hưng khởi vào đời Tống. Ba hành pháp kể ở trên lúc bấy giờ thực hành lẫn lộn, không phân biệt được. Lại có ngài Tông hiểu soạn bộ Thí thực thông lãm, trong đó có thiên Thí thực tu tri, cũng chủ trương thí khoáng dã quỉ thần (cho quỉ thần ở nơi đồng nội ăn) và Thí quỉ tử mẫu cứu bạt diệm khẩu ngã quỉ đều là thí thực. Thiên lợi sinh trong Thích môn chính thống quyển 4 cũng chủ trương thuyết này. Xem đó thì biết, đối với pháp Diệm khẩu thí thực, các sư ở đời Tống có ý khôi phục, nhưng đã chưa thành. Ở đời Nguyên, Lạt ma giáo từ Tây tạng truyền vào Trung quốc, nên Mật giáo cũng theo đó mà được khôi phục. Trong Kinh tạng có Du già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi, không rõ người dịch. Nhưng xét theo cách dùng chữ phiên âm chân ngôn thì biết sách này được dịch vào đời Nguyên. Thứ tự hành pháp trong sách này giống với kinh Du già tập yếu cứu a nan đà la ni diệm khẩu nghi quĩ. Nhưng trước phần chân ngôn phá địa ngục còn có thêm các phần: Tam qui, Đại luân minh vương chú, Chuyển pháp luân bồ tát chú, Tam thập ngũ Phật, Phổ hiền hành nguyện kệ, Vận tâm cúng dường, Tam bảo thí thực và Nhập quan âm định; và sau chân ngôn phá địa ngục trong Du già tập yếu cứu a nan đà la ni diệm khẩu nghi quĩ kinh, sách này còn thêm: Tôn thắng chân ngôn, Lục thú kệ, Phát nguyện hồi hướng kệ, Cát tường kệ, Kim cương tát đỏa bách tự chú, Thập loại cô hồn văn và Tam qui y tán. Từ đây, pháp Du già thí thực được khôi phục trở lại. Vào đời Minh, do sự truyền thừa của các sư không thống nhất, nên lại rơi vào tình thế hỗn tạp. Nay được biết, nghi thức thí thực thời Minh có Du già diệm khẩu thí thực khoa nghi. Về sau, Thiền sư Thiên cơ lược bỏ chỗ rườm rà và soạn thành Tu tập du già tập yếu thí thực đàn nghi mà người đời gọi là Thiên cơ diệm khẩu. Ngài Thiên thai Linh tháo có soạn chú thích và đặt tên là Tu tập du già tập yếu thí thực đàn nghi ứng môn. Trong đó chỉ có phần văn Triệu thỉnh cô hồn là bất đồng. Ngài Liên trì Châu hoành hiệu đính lại Thiên cơ diệm khẩu mà biên thành Tu thiết du già tập yếu thí thực đàn nghi, cũng gọi là Du già tập yếu thí thực nghi quĩ và soạn chú giải, đặt tên là Thí thực bổ chú. Năm Khang hi 32 (1693) đời Thanh, ngài Đức cơ ở núi Bảo hoa lại sửa đổi chút ít bản của ngài Châu hoành, rồi biên thành sách Du già diệm khẩu thí thực tập yếu, đời gọi là Hoa sơn diệm khẩu. Đến năm Càn long thứ 6 (1741), ngài Phúc tụ ở núi Bảo hoa lại nhân đó mà làm Du già thí thực nghi quán. Ngoài ra, còn có ngài Tịch tiên soạn Du già diệm khẩu chú tập toản yếu nghi quĩ. Nghi thức diệm khẩu được lưu hành trong các chùa Phật giáo ở đời Thanh phần nhiều là hai loại Thiên cơ và Hoa sơn. [X. Diệm Khẩu (Chu thúc ca, Trung quốc Phật giáo nhân vật dữ chế độ].