đại thừa huyền luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(大乘玄論) Gồm 5 quyển, do ngài Gia tường Cát tạng (544 – 623) soạn vào đời Tùy, thu vào Đại chính tạng tập 45. Toàn sách dùng tư tưởng cơ bản trung đạo không quán của tông Tam luận để luận chứng Phật pháp Đại thừa. Đại sư Gia tường – người tập đại thành Tam luận học – đã căn cứ theo các kinh, luận như: Niết bàn, Duy ma, Đại phẩm bát nhã, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Kim cương, A hàm, Trung luận, Bách luận, Thập nhị môn luận, Đại trí độ, Thành thực, Bà sa v.v…, đồng thời, nghiên cứu các bản chú sớ của các bộ kinh Pháp hoa, Đại phẩm, Duy ma, Hoa nghiêm, Niết bàn, Thắng man, Di lặc, Nhân vương, Quán kinh, Vô lượng thọ, Kim quang minh, Kim cương v.v…, rồi lại viện dẫn thuyết của các ngài Cưu ma la thập, Tăng triệu, Đạo sinh v.v…, rồi mỗi mỗi thêm phần bình luận với nghĩa lí tinh thâm, tư tưởng hàm súc mà tạo ra bộ Đại thừa huyền luận này, bao quát các vấn đề quan trọng của các kinh điển kể trên. Nội dung luận này gồm 8 môn: 1. Nhị đế nghĩa (10 chương): Giải thích rõ nghĩa chân đế, tục đế và bàn chung về các vấn đề của giới Phật giáo Nam Bắc triều, là một trong những giáo nghĩa rất trọng yếu của tông Tam luận. 2. Bát bất nghĩa(6 chương): Nói về nghĩa Bất nhất, bất nhị, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất xuất, bất sinh, bất diệt. 3. Phật tính nghĩa(10 chương): Nói rõ ba nhân Phật tính. 4. Nhất thừa nghĩa (3 chương): Giải thích nghĩa Nhất thừa trong kinh Pháp hoa. 5. Niết bàn nghĩa (3 chương): Giảng giải nghĩa Niết bàn, nghĩa Phật tính và nghĩa Nhất thừa, đều chịu ảnh hưởng kinh Niết bàn đương thời. 6. Nhị trí nghĩa (12 chương): Nói về hai trí quyền, thực cùng với nghĩa Nhất thừa đều có quan hệ mật thiết với giáo học Pháp hoa. 7. Giáo tích nghĩa (3 chương): Nêu rõ dấu tích khuôn mẫu một đời giáo hóa của đức Phật. 8. Luận tích nghĩa(5 chương): Nói về đại cương luận Đại trí độ và Tam luận, có rất nhiều điểm giống nhau với nửa sau của Tam luận huyền nghĩa. Nhìn chung, bộ luận này chịu khá nhiều ảnh hưởng lí luận phán giáo đương thời, là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ngài Cát tạng, dùng để lí giải tông Tam luận, rất được các học giả nói chung, và tông Tam luận nói riêng, xưa nay tôn trọng. [X. Tam luận tông chương sớ; Đông vực truyền đăng mục lục Q.hạ].