chiêm ba quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(瞻波國) I. Chiêm ba quốc. Chiêm ba, Phạm, Pàli: Campà,dịch ý là Vô thắng. Một nước xưa nằm về mạn nam nước Phệ xá li thuộc trung Ấn độ. Còn gọi là Chiêm bà quốc, Chiêm bặc quốc, Xiển bặc quốc, Diệm ba quốc, Chiên ba quốc. Cứ theo Đại đường tây vực kí quyển 10 chép, thì đô thành nước này nằm về nam ngạn sông Hằng. Thời kiếp sơ, có một thiên nữ xuống nơi này, Thiên nữ sinh được 4 con đều lập đô tại Châu thiệm bộ, Chiêm ba là một trong số đó, đây là những đô thành được sáng lập đầu tiên tại châu Thiệm bộ. Chiêm ba có vài chục ngôi Già lam đã cũ nát, có hơn hai trăm vị tăng Tiểu thừa, hơn hai mươi đền thờ trời, chứng tỏ tình hình các đạo khác ở lẫn lộn. Nhưng cứ theo Trường a hàm quyển 5 kinh Điển tôn và quyển15 kinh Chủng đức, Sử thi La ma da na (Phạm: Ràmàyaịa) chép, thì Chiêm ba là đô thành của nước Ương già Phạm: Aíga) vốn gọi là Mã lợi ni (Phạm: Màlinì), đến thời vua Chiêm ba kiến lập thành này mới đặt tên theo mình. Trong các kinh điển cho thấy nước Chiêm ba là nơi Đức Phật đã đến giáo hóa nhiều lần. Như kinh Tạp a hàm quyển 30 chép, đức Phật từ nước Ma yết đà qua nước Chiêm ba du hóa đến Tu ma (Phạm: Sambha). Luật thập tụng quyển 40 chép, nước Chiêm ba là một trong sáu đô thành lớn mà đức Phật đã đến nói pháp, và đã từng ở đây nói các kinh Thập thượng trong Trường a hàm quyển 9 và kinh Chủng đức quyển 15, kinh Chiêm ba trong Trung a hàm quyển 9 và kinh Ưu bà di quyển 52 v.v…… Lại như Chiêm bà kiền độ chép trong luật Tứ phần quyển 44, luật Thập tụng quyển 30 đã được chế định tại nước này.Về vị trí hiện nay của nước Chiêm ba, cứ theo sự khảo chứng của nhà khảo cổ học người Anh là Cunningham, thì ở vào Ba gia phô (Bhagalpur) của Mạnh gia lạp (Bengal) hiện nay. Lại cứ theo sự khảo chứng của học giả Đức thị (N. L. Dey) thì giáo tổ của đạo Kì na là Đại hùng (Phạm: Mahàvira) cũng đã từng hoằng pháp tại nước này, cho nên đây là đất thánh của Kì na giáo và vẫn còn có nhà thờ Đại hùng. [X. kinh Trường a hàm quyển 3 – kinh Tăng nhất a hàm Q.1 phẩm Tựa, Q.48 kinh Hải bát đức – kinh Hiền ngu Q.5 phẩm Kim thiên – A dục vương truyện Q.1 – Cao tăng pháp hiển truyện – Phiên Phạm ngữ Q.8 – S. Hardy: Manual of Buddhism – A. Cunningham: Ancient Geography of India – N. L. Dey: The Geographycal Dictionary of Ancient and Mediaeval India – T. W. Rhys Davids: Buddhist India]. II. Chiêm ba quốc, còn gọi là nước Lâm ấp. Một nước xưa nằm về mạn nam Thuận hóa thuộc miền nam Việt nam. (xt. Lâm Ấp Quốc).