chân như

Phật Quang Đại Từ Điển

(真如) Phạm: Bhùta-tathatàhoặctathatà. Chỉ bản thể chân thực tràn khắp vũ trụ – là nguồn gốc của hết thảy muôn vật. Còn gọi Như như, Như thực, Pháp giới, Pháp tính, Thực tế, Thực tướng, Như lai tạng, Pháp thân, Phật tính, Tự tính thanh tịnh thân, Nhất tâm, Bất tư nghị giới. Trong sách Phật Hán dịch ở thời kì đầu dịch là Bản vô. Chân, chân thật không hư dối – Như, tính của sự chân thật ấy không thay đổi. Tức là cái mà Phật giáo Đại thừa gọi là Bản thể của muôn vật. Nhưng luận cứu một cách tường tận, thì mỗi tông, mỗi nhà giải thích danh từ Chân như đều có khác, tổng kết có thể đưa ra mấy định nghĩa như sau đây. Cứ theo các kinh điển A hàm chép, thì lí pháp duyên khởi là chân lí vĩnh viễn bất biến, cho nên gọi là Chân như. Lại cứ theo luận Dị bộ tông luân, thì trong chín vô vi mà Hóa địa bộ liệt kê, có Thiện pháp Chân như, Bất thiện pháp Chân như, Vô kí pháp Chân như, Đạo chí Chân như, Duyên khởi Chân như. Trong đây, ba tính Thiện, Bất thiện, Vô kí, tám chính đạo và lí pháp sinh tử duyên khởi, đều là chân thực và vĩnh viễn bất biến, cho nên gọi là Chân như. Phật giáo Đại thừa chủ trương: bản tính của hết thảy sự tồn tại là Nhân vô ngã, Pháp vô ngã, bản tính ấy siêu việt các tính sai biệt, cho nên gọi là Chân như – như tự tính Pháp thân của Như lai chẳng hạn. Cứ theo Phật địa kinh luận quyển 7, thì Chân như là thực tính của hết thảy hiện tượng (chư pháp), hình tướng tuy sai biệt, nhưng bản thể thì là một, lời nói, suy tư không thể lường được. Để phân biệt với quan điểm sai lầm, hư dối mà tạm gọi là Chân như thôi. Nếu cho đó là chỗ nương tựa của hết thảy pháp lành, thì gọi là Pháp giới – để tránh quan niệm cho là không, thì gọi Thực hữu – để tránh quan niệm nhận là có, thì gọi Không vô – là chân thực, thì gọi Thực tế – vì là trí không phân biệt nên tạm gọi là Thắng nghĩa. Kinh Đại bát nhã quyển 360, nêu mười hai tên gọi: Pháp giới, Pháp tính, Tính không hư dối, Tính không đổi khác, Tính bình đẳng, Tính lìa sống, Pháp định, Pháp trụ, Thực tế, Hư không giới và Bất tư nghị giới. Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 2 thì nêu ra sáu tên: Chân như, Tính không, Vô tướng, Thực tế, Thắng nghĩa và Pháp giới. Pháp hoa huyền nghĩa quyển 8 phần dưới thì nêu ra mười bốn tên: Thực tướng, Diệu hữu, Chân thiện diệu sắc, Thực tế, Tất kính không, Như như, Niết bàn, Hư không, Phật tính, Như lai tạng, Trung thực lí tâm, Phi hữu phi vô trung đạo, Đệ nhất nghĩa đế và Vi diệu tịch diệt. Ngoài ra còn gọi là Nhất như thực tướng, Chân như nhất thực, Chân thực tế, Chân thắng nghĩa đế v.v… Vì tướng chân như bình đẳng tuyệt đối nên cũng gọi là Nhất tướng. Kinh Giải thâm mật quyển 3, có nói bảy Chân như: 1. Lưu chuyển chân như (lí pháp duyên khởi). 2. Thực tướng chân như (thực tính của các pháp). 3. Liễu biệt chân như (lí pháp vạn pháp duy thức). 4 đến 7 phối hợp với bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo theo thứ tự là: An lập chân như, Tà hành chân như, Thanh tịnh chân như và Chính hành chân như. Trong bảy Chân như kể trên, ngoài Thực tướng chân như ra, sáu thứ còn lại cũng gọi là sáu Chân như, vì tự thể của các lí pháp vĩnh viễn bất biến, cho nên gọi là Chân như, đó là do các tướng trạng được hiển hiện bởi Chân như thực tướng mà đặt tên là Chân như. Thuyết của tông Pháp tướng, cứ theo luận Thành duy thức quyển 9 chép, thì Chân như là pháp xa lìa sự phân biệt hư dối, là tính Nhân vô ngã, Pháp vô ngã, tương đương với tính Viên thành thực trong ba tính. Tông này chủ truơng hết thảy hiện tượng đều từ thức A lại da sinh ra, cho nên bản thân Chân như là cái thể vắng lặng tuyệt đối, siêu việt hết thảy hiện tượng, tự thể của nó không trở thành hiện tượng, cho nên nói Chân như vắng lặng, không tạo các pháp. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 10 chép, thì Bồ tát phải đến Sơ địa mới ngộ lí Chân như. Theo thứ tự sâu, cạn của nội dung giác ngộ mà lập mười Chân như khác nhau: 1. Biến hành chân như, tức lí nhân không, pháp không tràn khắp muôn vật. 2. Tối thắng chân như, Chân như do thân hoàn toàn trụ trì giới Cụ túc mà ngộ được, vì nó có vô lượng công đức, nên gọi Tối thắng. 3. Thắng lưu chân như, giáo pháp từ Chân như lưu xuất, có phần hơn các giáo khác, mà căn bản của giáo ấy tức là Chân như. 4. Vô nhiếp thụ chân như, ý là không trở thành đối tượng của sự chấp trước. 5. Loại vô biệt chân như, nghĩa là sinh tử và Niết bàn chẳng phải hai, mê ngộ nhất như. 6. Vô nhiễm tịnh chân như, Chân như siêu việt nhơ và sạch. 7. Pháp vô biệt chân như, nghĩa là Chân như đã lìa tướng sai biệt, cho nên bất luận bàn về pháp nào thì thể của nó vẫn là một. 8. Bất tăng giảm chân như, nghĩa là đoạn diệt các phiền não ô nhiễm nó chẳng giảm, mà tu các pháp thanh tịnh nó cũng chẳng vì thế mà tăng, tức lìa sự chấp trước tăng giảm. Một khi ngộ được Chân như này, có thể biến hiện các loại hình trạng và quốc độ một cách tự tại, cho nên cũng gọi là Tướng độ tự tại sở y chân như. 9. Trí tự tại sở y chân như, ý là được tự tại đối với bốn trí vô ngại. 10. Nghiệp tự tại đẳng sở y chân như, tất cả tác dụng của thân khẩu ý, như thần thông, tổng trì, Thiền định v.v… đều được tự tại. Lấy mười Chân như trên đây làm thuận tự, từ Sơ địa đến Thập địa, tu hành mười ba la mật, đoạn trừ mười trọng chướng mà đến Bồ đề. Ngoài ra, Chân như của nhân vô ngã (Nhân không chân như) và Chân như của pháp vô ngã (Pháp không chân như) gộp lại gọi là Nhị không chân như – trong đó, Nhị thừa chỉ ngộ được Nhân không chân như, Bồ tát thì có thể ngộ Nhị không chân như. Tông Địa luận chủ trương, tự thể của thức A lại da thứ tám (tông Nhiếp luận gọi là thức A ma la thứ chín) là tâm tự tính thanh tịnh, tâm tự tính thanh tịnh ấy tức là Chân như. Thức của nó, vì chịu sự huân tập của vô minh, cho nên mới hiển hiện ra các hiện tượng nhơ và sạch. Luận Đại thừa khởi tín chủ trương, Chân như là bản thể của tâm chúng sinh, vì nó dứt tuyệt nói năng, suy tưởng nên gọi là Li ngôn chân như – nhưng nếu phải miễn cưỡng dùng lời nói mà biểu hiện, thì gọi là Y ngôn chân như, cả hai Chân như này gộp lại, gọi là Nhị chân như. Đứng về phương diện Y ngôn chân như mà nói thì thể của nó xa lìa tâm mê mà không, cho nên là Như thực không (Không chân như) – vả lại, thể của nó đầy đủ công đức thanh tịnh vô lậu rất mực trong sạch, cho nên là chân thực bất không (Bất không chân như). Đồng thời tâm chúng sinh (tức Chân như) có đủ cả Tâm chân như môn tuyệt đối bất động, và duyên với vô minh mà khởi động sinh diệt, rồi hình thành Tâm sinh diệt môn của các hiện tượng nhơ và sạch, là Tùy duyên chân như, gộp cả hai lại, cũng gọi là Nhị chân như. Thông thường, đối với pháp sinh khởi vạn hữu, nếu thuyết minh theo Chân như bất biến hoặc tùy duyên, thì gọi là Chân như duyên khởi (Như lai tạng duyên khởi). Còn hai Chân như sau đây đều là tiếng đồng loại: Thanh tịnh chân như và Nhiễm tịnh chân như, hoặc Phi an lập Chân như và An lập chân như (An lập, hàm ý là khiến vạn hữu sinh khởi đều đúng vị trí). Tông Hoa nghiêm y theo thuyết Tính khởi, chủ trương Bản thể tức hiện tượng, hàm ý Chân như vốn là muôn pháp, muôn pháp vốn là chân như. Đồng thời, chia Chân như thành Nhất thừa chân như và Tam thừa chân như – Nhất thừa chân như lại chia làm Biệt giáo chân như, Đồng giáo chân như – Tam thừa chân như lại chia làm Đốn giáo chân như, Tiệm giáo chân như, đều do lí giải Chân như một cách bất đồng mà có sự khác nhau như thế. Tông Thiên thai y theo thuyết Tính cụ, chủ trương bản thân Chân như xưa nay vốn có đủ các pháp sạch nhơ thiện ác. Lại tự tính (Chân như) của chư Phật, gọi là Vô cấu chân như, hoặc Xuất triền chân như – còn thể tính Chân như của chúng sinh, vì bị phiền não làm cho nhơ bẩn, cho nên gọi là Hữu cấu chân như, hoặc Tại triền chân như. Gộp cả hai lại, tức là Lưỡng cấu chân như (hai Chân như cáu bẩn). Cứ theo luận Ma ha diễn quyển 3 chép, thì Chân như là ngộ được lí của hai trí Thủy giác và Bản giác, cho nên lập hai nghĩa Tính chân như và Lí hư không. Lí hư không thanh tịnh có mười nghĩa: nghĩa vô ngại, nghĩa chu biến, nghĩa bình đẳng, nghĩa quảng đại, nghĩa vô tướng, nghĩa thanh tịnh, nghĩa bất động, nghĩa hữu không, nghĩa không không và nghĩa vô đắc. [X. kinh Tạp a hàm Q.12, Q.21 – Phật địa kinh luận Q.4, Q.7 – Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.12 – luận Thành duy thức Q.2 – luận Nhiếp đại thừa (bản dịch đời Lương) Q.hạ – Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Đường) Q.8 – Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần cuối].