bồ tát giới kinh điển

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩薩戒經典) Chỉ chung những kinh điển thu chép các giới luật mà Bồ tát phải thụ trì. Những kinh điển này được chia làm bốn loại: 1. Kinh Bồ tát địa trì do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương, gồm 10 quyển, thu vào Đại chính tạng tập 30. 2. Kinh Phạm võng do ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Diêu Tần, gồm 2 quyển, thu vào Đại chính tạng tập 24. 3. Kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp, cũng gọi là kinh Anh lạc, gồm 2 quyển, do ngài Trúc phật niệm dịch vào đời Diêu Tần, thu vào Đại chính tạng tập 24. 4. Ba loại Bồ tát giới bản được thu vào Đại chính tạng tập 24: a. Bồ tát giới bản, 1 quyển, cũng gọi Địa trì giới bản, gồm những giới điều được chép riêng ra từ phẩm Phương tiện xứ giới trong kinh Bồ tát địa trì quyển 4, do ngài Đàm vô sấm dịch vào đời Bắc Lương, để tiện việc thụ trì đọc tụng. b. Kinh Ưu bà tắc ngũ giới uy nghi, 1 quyển, do ngài Cầu na bạt ma dịch vào đời Lưu Tống, là cùng bản của Địa trì giới bản, nhưng khác dịch. Ngài Cầu na bạt ma còn dịch kinh Bồ tát thiện giới, 1 quyển, thu vào Đại chính tạng tập 30. c. Bồ tát giới bản một quyển, do ngài Huyền trang dịch vào đời Đường. Cũng gọi Du già sư địa quyển 40, quyể 41 do ngài Huyền trang dịch. Trong những luật điển ghi ở trên, dựa theo thuyết của các học giả xưa nay, có thể tổng hợp lại làm hai loại là: Phạm võng và Du già; kinh Anh lạc và kinh Phạm võng đều thuộc về Phạm võng giới bản, ngoài ra có thể qui hết vào Du già giới bản. Hai hệ thống luật điển này có những chỗ khác nhau rất lớn sau đây: 1. Phạm võng giới bản do dức Phật Thích ca nói; Du già giới bản do bồ tát Từ thị Di lặc nói. 2. Phạm võng giới bản nói rõ 10 giới nặng, 48 giới nhẹ, là những giới mà tăng và tục đều có thể thụ ngay, gọi là Đốn lập giới. Du già giới bản thì lấy ba tụ tịnh giới, bốn pháp tha thắng xứ làm mẫu mực, tuy cũng chung tăng và tục, nhưng trước phải thụ giới của bảy chúng Tiểu thừa trong thời gian lâu mà không trái phạm thì mới nhận giới Bồ tát, nên gọi là Tiệm lập giới. 3. Phạm võng giới bản nghiêm khắc, rườm rà hơn, người nhận lãnh phải tuyệt đối làm theo đúng những điều được chỉ bảo, khéo giữ uy nghi, ngăn ngừa tất cả sự nhơ nhuốm dù nặng hay nhẹ. Còn Du già giới bản thì phương tiện khéo léo hơn, thông quyền đạt biến, thị nhiễm, phi phạm, có khai, có giá (có chỗ cho phép, có chỗ cấm chỉ).Ở Trung quốc, xưa nay Phạm võng giới bản thịnh hành hơn, còn ở Tây tạng thì thụ trì Du già giới bản, chứ không tin và biết đến Phạm võng. Thời gần đây, ngài Thái hư lấy Du già giới bản làm tiêu chuẩn hành trì cho bốn chúng đệ tử. [X. Bồ tát giới bản tiên yếu; Bồ tát giới kinh nghĩa sớ Q.thượng ; Du già bồ tát giới bản dữ Phạm võng kinh lược đàm (Minh tính, Hiện đại phật giáo học thuật tùng san tập 89); Giới luật học cương yếu (Thánh nghiêm)]. (xt. Bồ Tát Giới Bản).