báo ân

Phật Quang Đại Từ Điển

I. Báo ân. Ý là đền trả ân đức. Là một trong ba ruộng phúc. Tức báo đền ơn đức cha mẹ, sư trưởng, tam bảo và quốc vương. Ơn có nhiều thứ khác nhau, trong nhiều kinh điển có nói đến, như kinh Hiếu tử, kinh Phụ mẫu trọng ân, chuyên nói về ơn cha mẹ. Trong kinh Phật thăng đao lợi thiên vị mẫu thuyết pháp, tức ghi chép việc đức Phật vì nhớ ơn mẫu hậu a ha ma da mà lên cung trời Đao lợi nói pháp cho mẫu hậu nghe; kinh Chính pháp niệm xứ quyển 61 nêu lên bốn ơn là ơn mẹ, ơn cha, ơn Như lai, ơn thầy dạy; kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán quyển 2 phẩm Báo ân, nêu lên bốn ơn là ơn cha mẹ, ơn chúng sinh, ơn quốc vương và ơn Tam bảo.

Trí giác thiền sư tự hành lục thì nêu bốn ơn là ơn thầy dạy bảo, cha mẹ nuôi nấng, quốc vương giữ gìn và thí chủ cung cấp. Về việc làm để trả ơn thì như kinh Hiếu tử nói, kính khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành, qui y Tam bảo, giữ gìn năm giới để còn sống thì được yên vui, sau khi chết được sinh cõi trời, đó là việc làm báo ân; nếu chỉ làm cho miệng, bụng, tai, mắt của cha mẹ được thỏa mãn thì dù có hai vai cõng cha mẹ đi chu du bốn biển cũng không phải là hạnh của người con hiếu. Trong các kinh phần nhiều lấy việc giáo hóa lợi tha làm hạnh báo ân, bố thí, cúng dường, tụng kinh, dựng tháp, tạo tượng cũng là hạnh báo ân. Lại thường mở các pháp hội để báo ân, như Sắc tu bách trượng thanh qui quyển thượng Báo ân chương nêu hai hội Quốc kị và Kì đảo. Báo bản chương nêu các hội Phật giáng đản, Phật thành đạo niết bàn, Đế sư niết bàn (tức Đế sư Bát tư .ba đời Nguyên) v.v… đều là các pháp hội được mở để báo ân Phật tổ, quốc vương.

Tại Nhật bản, Tịnh độ chân tông cho việc xưng danh niệm Phật là hạnh báo ân tổng quát. Ngoài ra, các tông phái, hàng năm đến ngày kị Tổ sư, làm các Phật sự gọi là Báo ân giảng. [X. kinh Tạp a hàm Q.47; kinh Tăng nhất a hàm Q.11; kinh Đại phương đẳng đại tập Q.6; kinh Đại bảo tích Q.87 Đại thần biến hội; kinh Phụ mẫu ân nan báo; kinh Đại phương tiện Phật báo ân Q.1, Q.2, Q.7; luận Đại trí độ Q.49; luận Đại tì bà sa Q.66; Pháp uyển châu lâm Q.50 Báo ân thiên].

II. Báo ân(1058-1111). Vị tăng thuộc tông Tào động đời Bắc Tống. Người huyện Lê dương tỉnh An huy, họ Lưu. Đã từng làm quan, sau hâm mộ pháp xuất thế mà xuất gia, tham vấn Thiền sư Nghĩa thanh ở núi Đầu tử thuộc Thư châu, ngộ được tâm yếu.

Mở pháp tràng ở chùa Thiếu lâm, Tây kinh (Lạc dương Hà nam), sau dời về Thiền viện Sùng ninh bảo thọ núi Đại hồng (Hồ bắc), đổi Luật viện thánh Thiền viện, làm trú trì đời thứ nhất, phát dương tông phong Tào động. Kết giao thân mật với Vô tận cư sĩ Trương thương anh. Niên hiệu Chánh hòa năm đầu đời Huy tôn thị tịch, thọ năm mươi tư tuổi, tuổi hạ ba mươi hai. Cứ theo truyền thì sư có các trứ tác: Tào động tông phái lục, Thụ Bồ đề tâm giới văn, Lạc phát thụ giới nghi văn, nhưng nay đều đã mất. [X. Liên đăng hội yếu Q.28; Ngũ đăng hội nguyên Q.14; Gia thái phổ đăng lục Q.3; Tục truyền đăng lục Q.10].