BẢN SƠ PHẬT

Phật Quang Đại Từ Điển

Phạm: Àdi buddha. Tức là Phật lúc ban đầu, nguyên thủy nhất, căn bản nhất. Mật giáo kim cương thừa (Phạm: Vajra-yàna) ở thời kì sau tại Ấn độ, cho rằng Bản sơ Phật là nguồn gốc của các pháp, là người sáng tạo muôn vật, đồng thời, có thuyết thừa nhận năm Phật ở trong định (Phạm: Dhyàni buddha) cũng từ nơi Phật bản sơ mà ra. Cứ theo kinh Đại thừa trang nghiêm bảo vương (Phạm: Kàraịđda vyùha) bản tiếng Phạm chép, thì ở kiếp đầu tiên xuất hiện Bản sơ Phật, Tự sinh giả (Phạm: Svayambhù, người tự sinh), hoặc Bản sơ chủ (Phạm:Àdi nàtha, chủ đầu tiên), dựa vào Thiền định mà sáng tạo thế giới, lại từ tinh thần của mình mà sản sinh ra bồ tát Quán tự tại (Phạm:Avaloki tezvara), lại từ hai con mắt của vị Bồ tát này mà sinh ra mặt trời, mặt trăng, từ nơi trán sinh ra Đại tự tại thiên (Pham: Mahezvara), từ nơi vai sinh ra Phạm thiên, từ nơi tâm tạng sinh ra Na la diên thiên (Phạm: Nàràyaịa), từ nơi răng nanh sinh ra Biện tại thiên nữ (Phạm: Sarasvatì). Cứ theo Tự sinh phú lan na. (Phạm: Svayambhù puràịa) bản tiếng Phạm chép, thì Bản sơ Phật đầu tiên xuất hiện tại Ni bạc nhĩ (Nepàl) trong tư thái lửa cháy;bồ tát Văn thù sư lợi liền dựng Tự sinh chi Phật Bản Sơ đề (Phạm: Svaymabhù caitya, tháp tự sinh) để bảo tồn lửa ấy.

Vào thế kỉ thứ X trở về sau, để thống hợp tư tưởng Ngũ Phật tại định mà giữa các học Tăng ở chùa Na lan đà (Phạm: Nàlandà) đã nảy sinh tư tưởng Phật bản sơ. Đến đời sau, phái Ngải tư vĩ lực tạp (Phạm:Aizvarika) của Ni bạc nhĩ và Lạt ma giáo của Tây tạng thu dụng làm giáo nghĩa. [X. M. Monier Williams: Buddhism; H. Kern: Manual of Indian Buddhism; Benoytosh Bhattacharyya: An Introduction to Buddhist Esoterism; M. Wintermitz: Geschichte der indischen Literatur, Bd.II; H.V. Glasenapp: Der Buddhismus).