BẢN HỘI

Phật Quang Đại Từ Điển

Là một loại chướng bích họa, (bức vẽ trên vách hoặc trên tấm bình phong) của Nhật Bản. Một nghệ thuật vẽ trên bản gỗ. Trên cỗ khám gọc trùng ở chùa Pháp long tại Nhật bản, trên cửa và bốn vách của cỗ khám Niệm trì Phật của Quất phu nhân, đều có các bức vẽ sơn dầu. Phong tục vẽ trên bản gỗ này bắt nguồn từ thời kì đầu Bình an bằng những bức vẽ hình Phật. Trong nhà Kim đường ở chùa Thất sinh tại Nhật bản, trên vách cũng có tượng Đế thích thiên mạn đồ la, vẽ ở đàng sau thân tượng chư Phật, bức vẽ này lấy tượng Phật Tam thế làm trung tâm, còn chín mươi tám tượng Phật ngồi khác bày ở hai bên. Vào khoảng giữa thời đại Bình an, năm Thiên lịch thứ 5 (915), người ta đã hoàn thành các bức vẽ Mạn đồ la biến hình thuộc hai giới Thai tạng và Kim cương, trên trụ cột chính giữa và cột bốn chung quanh, trong tầng thứ nhất của tòa tháp năm tầng ở chùa Đề hồ, Nhật bản. Kĩ thuật vẽ trên bản gỗ là trên nền trắng, người ta dùng sơn dầu vẽ các màu sắc mờ ảo lung linh và tươi thắm rực rỡ. Vào cuối thời đại Bình an, trên các cánh cửa, vách sau nhà Phượng hoàng, viện Bình đẳng và nhà Đại đường của chùa Phú quí, đều có vẽ tranh Tịnh độ biến tướng. Thời đại Liêm thương, trên các cửa của cỗ khám Cát tường ở chùa Lưu li cũng có các bức vẽ thuộc loại nghệ thuật vẽ bản gỗ.