bạch vân tông

Phật Quang Đại Từ Điển

(白雲宗) Còn gọi là Vân Tông. Là một phái thuộc tông Hoa Nghiêm. Từ đời Tống về sau, lưu hành ở vùng Giang Nam. Do tăng Thanh Giác (1043 – 1121) chùa Bảo Ứng ở Tây Kinh (nay là Lạc Dương) sáng lập vào khoảng năm Đại quan (1107 – 1110) đời Huy tôn nhà Bắc Tống. Vì sư Thanh Giác trú trì am Bạch Vân ở Hàng Châu, lấy chỗ ở mà đặt tên, nên gọi là Bạch Vân tông. Tín đồ của tông này ăn chay cả nên người ta gọi là dân đạo ăn rau, còn gọi là rau Bạch Vân, rau Thập Địa. Thanh Giác có viết Chứng tông luận, Tam giáo biên, Thập địa ca, Sơ học kí và Chính hành tập, phát huy giáo nghĩa tông Hoa Nghiêm. Tông này lấy kinh Hoa Nghiêm làm chỉ qui của giáo pháp một đời của đức Phật, lập giáo tướng Thập địa tam thừa đốn tiệm nhị giáo làm giáo thuyết. Tông này chia quả vị tu hành làm mười ngôi (mười bậc), tức là: 1. Tu đà hoàn quả. 2. Tư đà hàm quả. 3. A na hàm quả. 4. A la hán quả. 5. Bích chi phật quả. 6. Viễn hành địa. 7. Bất động địa. 8. Thiện tụê địa. 9. Pháp vân địa.10. Diệu giác địa. Trong đó, bốn ngôi trước là Thanh văn thừa, ngôi thứ năm là Duyên giác thừa, ngôi thứ sáu đến thứ chín là Bồ tát thừa, ngôi thứ mười là Phật thừa. Đem phối trí ngôi thứ nhất với Sơ thiền, ngôi thứ hai với Nhị thiền, ngôi thứ ba với Tam thiền, ngôi thứ tư với mười ba Phạm thiên trong Tứ thiền, ngôi thứ năm với mười tám Phạm thiên, bốn ngôi từ thứ sáu đến thứ chín với bốn Vô sắc thuộc Không vô biên xứ.., năm ngôi sau lần lượt phối với Bát nhã, Duy thức, Pháp hoa, Thiền, Hoa nghiêm, và cho rằng chín ngôi trước là Tiệm giáo, ngôi thứ mười là Đốn giáo; so sánh thì ngôi thứ chín còn thua ngôi thứ mười một bậc, cho nên gọi ngôi thứ mười là Đẳng giác Đại thừa. Lấy Hoa Nghiêm làm Đốn giáo Phật thừa mà chê Thiền tông và Pháp Hoa là Tiệm giáo, đặc biệt bài xích Thiền tông. Tông này đề xướng thuyết ba giáo Nho, Thích, Đạo là đồng nhất, coi trọng đức trung hiếu từ thiện, tín đồ sớm hôm tụng kinh lễ bái, làm ruộng để sống, không chuộng rượu thịt, không lấy vợ, các cuộc hội họp của tông đoàn đều cử hành vào ban đêm. Tông này bị Thiền đồ đương thời coi là đảng tà và rất bài xích. Chứng tông luận của Thanh giác bị vạch ra là có tính cách ngang ngược đối với triều chính, cho nên, vào năm Chính hòa thứ 6 (1116), Thanh Giác bị đưa đi đày ở Quảng Nam thuộc Ân Châu. Đến năm Tuyên hòa thứ 2 (1120) được tha, tháng chín năm sau thì tịch, thọ bảy mươi chín tuổi. Được đưa về táng tại Dư Hàng, Nam Sơn, dựng tháp Bạch Vân, cất viện Phổ An (tức sau này là chùa Đại phổ Ninh). Học trò là Chính Bá, Tuệ Năng thừa kế sự nghiệp của thầy, vẫn noi theo phong độ cúng dường Pháp bảo, làm ruộng để sống, đồ chúng càng đông. Đến thời Ninh tôn nhà Nam Tống, có Trầm trí nguyên, ở am Bạch Vân, tự xưng là Đạo Dân. Năm Gia thái thứ 2 (1202), tâu xin nhà vua ban cho tên Ngạch, nào ngờ có một viên quan tâu vua về việc ăn rau thờ ma, gian dân kết bè đảng, sáng lập am riêng, mê hoặc ngu dân, nhà vua hạ lệnh phá am, Trầm Trí Nguyên phải chạy trốn đến nơi khác. Sau khi nhà Nam Tống mất, tông này, khác với Phật giáo phổ thông, là các Tăng quan, đặt sở Tổng quản trị của tông Bạch Vân, đặt ti Tăng lục của tông, sai Đạo An ở chùa Phổ ninh tại Nam sơn làm chức Tăng lục. Đến đời Nguyên, phát triển thành đại Giáo đoàn. Năm Chí nguyên thứ 14 (1277) đời Thế tồ, trú trì Đạo An và tín đồ chùa Đại Phổ Ninh ở Nam Sơn của tông Bạch vân, khuyến hóa in Đại tạng kinh; đến năm Chí nguyên thứ 27 thì hoàn thành, tức đời gọi là Nguyên tạng, còn gọi là bản Đại Phổ ninh tự. Năm Diên hựu thứ 6 (1319) đời Nhân tông nhà Nguyên, đài Ngự sử tâu nhà vua là các tăng thuộc sở Tổng quản trị của tông Bạch vân để tóc, không nuôi cha mẹ, trốn dịch, hại dân. Cùng năm ấy, vào tháng 10 (có thuyết nói tháng 7), Trung thư tỉnh lại tâu Tổng quản Trầm minh nhân đoạt hai vạn khoảng ruộng của dân, dụ dỗ ngu tục mười vạn người, phong tước càn bậy. Vua bèn tịch thu sách, ấn của Trầm Minh Nhân, rồi đuổi về làm dân, phá bỏ sở Tổng quản trị, và các ty Tăng lục, Tăng chính…, tăng phải hoàn tục hết, cấm chỉ không được lưu truyền. Vua Thái Tổ nhà Minh (ở ngôi 1368 – 1398) cũng hạ lệnh nghiêm cấm tông này. Trở về từ năm Nguyên hựu thứ 8 (1093), Thanh Giác khai sáng tông đến đây cộng tất cả là hai trăm hai mươi bảy năm, và từ đó, tông Bạch vân tuyệt tích. [X. Thích thị kê cổ lược Q.4; Phật tổ thống kỉ Q.47, Q.54; Nguyên sử bản kỉ thứ 21 đến 27].