ẨN NIỆM PHẬT

Phật Quang Đại Từ Điển

Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Là một pháp môn bí mật Dị an tâm (an tâm khác lạ) của Tịnh độ chân tông. Nghi thức khi truyền giáo là phải vào trong kho thóc, buồng để men rượu, rồi mới làm phép bí mật, cho nên gọi là Ẩn niệm Phật (niệm Phật kín). Thông thường còn gọi là Thồ tàng bí sự, Kiện tỏa pháp môn, Ngự tàng pháp môn, Nội chứng giảng, Dạ trung pháp môn, Ngự tiêu tử giảng v.v… Nguồn gốc của pháp môn này không được rõ, có thể là bắt đầu từ cuối thời đại Bình an, rồi đến thời tổ sư của tông Tân nghĩa chân ngôn là Giác tông mới thịnh hành. Lúc đầu, dùng chân ngôn niệm Phật, niệm cầu Tức thân thành Phật.

Tư tưởng của Ẩn niệm Phật dựa vào các thư tịch, như Đại nhật kinh khai đề của Không hải, Bát-nhã tâm kinh bí kiện, Vô lượng thọ Như lai cúng dường tác pháp thứ đệ, Ngũ luân cửu tự minh bí mật thích của Giác tông v.v… Về mặt thực tiễn thì lấy Nhất kì đại yếu bí mật tập, Hiếu dưỡng tập làm cơ sở. Về sau, thu dụng giáo nghĩa Nhất niệm tức đắc vãng sinh, Hiện sinh bất thoái nhập chính định tụ của Chân tông. Vào năm Bảo lịch thứ 4 (1754) và trong năm Nguyên lục (1688- 1704), bị Giang hộ mạc phủ (bộ tư lệnh quân đội) đàn áp, đã có nhiều người tử đạo, nhưng vẫn còn hơn bốn vạn tín đồ. Thế lực của phái này đến nay vẫn mạnh, con số tín đồ có đến vài chục vạn.

Địa bàn hoạt động thì lấy Đảm trạch ở phía nam huyện Nham thủ, Hòa hạ, Tì quán, Tây bàn tỉnh, làm trung tâm. Có rất nhiều phái khác nhau, nhưng đều lấy Thân loan, Thị tín phường, Liên như, Kiện ốc v.v… làm tông tổ mà lập phái. Tóm lại, những người tu hành theo pháp môn bí mật này, khi hành đạo hoặc hội họp, đều giữ kín, không cho ai biết, vì thế đưa đến tình trạng người ngoài nhòm ngó, nghi ngờ và hiểu lầm, mà cái lí do bị nhà cầm quyền đàn áp cũng là ở đó.