ÂM NGHĨA

Phật Quang Đại Từ Điển

(音義) Là sách giải thích về hình thái, cách phát âm và ý nghĩa của văn tự. Tại Trung quốc, từ rất sớm, đã có sách âm nghĩa phổ thông về sách sử, sách kinh, chẳng hạn, trong kinh Phật, có Thập tứ âm huấn tự của ngài Tuệ duệ đời LưuTống, Nhất thiết kinh âm của ngài Đạo tuệ đời BắcTề, nhưng hai sách này đều đã mất. Đến đời Đường, có Nhất thiết kinh âm nghĩa hai mươi lăm quyển của ngài Huyền ứng, Hoa nghiêm kinh (bản dịch mới) âm nghĩa hai quyển của ngài Tuệ uyển, Nhất thiết kinh âm nghĩa trăm quyển của ngài Tuệ lâm, Tục nhất thiết kinh âm nghĩa mười quyển của ngài Hi lân v.v… Cách sắp xếp ngữ vựng trong các bộ sách nêu trên đều y theo thuận tự của nguyên bản.

Cho đến đời BắcTống, trong Thiệu hưng trùng điêu đại tạng âm ba quyển của ngài Xử quan thì sắp xếp theo bộ thủ chữ Hán, là một loại sách âm nghĩa theo thể tài Tự điển. Loại sách âm nghĩa do người Nhật bản soạn thuật, thì đại khái lấy Vạn diệp giả danh và Hòa huấn (thứ tự cách đọc tiếng Nhật) để biên tập và sắp đặt mà thành, chẳng hạn như Đại Bát-nhã kinh âm nghĩa (nay chỉ còn quyển trung); chú thích Hán văn tường tế hơn thì có Pháp hoa kinh thích văn3 quyển của Trọng toán, và Tịnh độ tam bộ kinh âm nghĩa tập 4 quyển của Tín thụy. Còn có hình thức sử dụng Âm huấn (thứ tự cách đọc tiếng Nhật) và Phiến giả danh, chẳng hạn như Pháp hoa kinh âm nghĩa 2 quyển của Tâm không. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.15 Đạo an truyện; Khai nguyên thích giáo lục Q.8; Tống cao tăng truyện Q.25; Trung quốc Phật giáo sử tịch (Trần Viên) Q.3, Q.4].