A TỊ ĐỊA NGỤC

Phật Quang Đại Từ Điển

(阿鼻地獄) Là một trong tám địa ngục nóng, A tị, tiếng Phạm là Avìci. Còn gọi là A tì địa ngục, A tị chỉ địa ngục. Dịch ý là Vô gián địa ngục. Kinh Quán Phật tam muội hải quyển 5 phẩm Quán Phật tâm (Đại 15, 668 trung): Vì sao gọi là địa ngục A tị? – A là không, Tị là ngăn che; A là không, Tị là cứu; A là không gián cách, Tị là không động đậy; A là rất nóng bức, Tị là rất buồn bã; A là không thoải mái, Tị là không dừng trụ. Không thoải mái, không dừng trụ, gọi là địa ngục A tị. A là lửa bốc, Tị là nóng cháy. Lửa mạnh đốt tâm, gọi là địa ngục A tị. Phẩm Quán Phật tâm còn nói, địa ngục này nằm ở tầng dưới cùng của các địa ngục, có bảy lớp thành sắt, bảy tầng lưới sắt, bảy lớp nội thành có rừng gươm. Ở dưới có mười tám ngăn, chung quanh bảy lớp đều là rừng dao. Có mười tám ngục tốt, A tị có bốn cửa ra vào, trên các ngưỡng cửa có tám mươi cái chõ, nước đồng sôi phun lên, từ cửa chảy tràn vào. Những chúng sinh giết cha hại mẹ, sỉ nhục sáu thân, sau khi chết phải rơi vào địa ngục này. Các chúng sinh chịu khổ ở địa ngục A tì đều không thể kham nổi những cực hình như bị rang, rán (chiên), vì đau đớn quá mà kêu gào, cho nên, nơi đây còn được gọi là Atị hoán địa ngục (địa ngục kêu gào). Lại vì lửa mạnh đốt người nên gọi là A tị tiêu nhiệt địa ngục (địa ngục nóng đốt). Lại vì địa ngục A tị rộng mông mênh, không một sức phàm nào có thể thoát ra được, nó kiên cố cũng như một thành trì lớn, cho nên cũng gọi là A tị đại thành [X. kinh Trường a hàm Q.19 phẩm Địa ngục; kinh Đại lâu thán Q.2 phẩm Nêlê; kinh Khởi thế Q.4 phẩm Địa ngục; luận Câu xá Q.11; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.2]. (xt. Vô Gián Địa ngục).