TU TẬP THÂN KHẨU Ý
THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
THE CULTIVATION OF
BODY-SPEECH-MIND
IN BUDDHIST POINT OF VIEW
THIỆN PHÚC
Lời Đầu Sách
Theo Phật giáo, tu tập thân-khẩu-ý cũng đồng nghĩa với việc đóng bớt phần nào sáu cánh cửa luân hồi, vì mọi thứ trên đời này đều do ba thứ thân-khẩu-ý tạo tác. Vì vậy, điều phục được thân-khẩu-ý cũng đồng nghĩa với việc tránh xa được sáu nẻo luân hồi. Cũng theo Phật giáo, nơi thân có ba thứ cần được điều phục hay ba giới về thân. Thứ nhất là không sát sanh: Chúng ta chẳng những không phóng sanh cứu mạng, mà ngược lại còn tiếp tục sát sanh hại mạng nữa, chẳng hạn như đi câu hay săn bắn, vân vân. Thứ nhì là không trộm cắp: Chúng ta chẳng những không bố thí cúng dường, mà ngược lại còn lại tiếp tục ích kỷ, keo kiết, trộm cắp nữa. Thứ ba là không tà dâm: Chúng ta chẳng những không đoan trang, chánh hạnh, mà ngược lại còn tiếp tục tà dâm tà hạnh nữa. Nơi khẩu có bốn thứ cần được điều phục hay bốn giới cần phải giữ gìn. Thứ nhất là không nói dối: Chúng ta chẳng những không nói lời ngay thẳng chơn thật, mà ngược lại luôn nói lời dối láo. Thứ nhì là không nói lời đâm thọc: Chúng ta không nói lời hòa giải êm ái, mà ngược lại luôn nói lưỡi hai chiều hay nói lời xấu ác làm tổn hại đến người khác. Thứ ba là không chửi rủa: Chúng ta chẳng những không nói lời ôn hòa hiền dịu, mà ngược lại luôn nói lời hung ác như chữi rũa hay sỉ vả. Thứ tư là không nói lời vô tích sự:
Chúng ta không nói lời chánh lý đúng đắn, mà ngược lại luôn nói lời vô tích sự. Nơi ý có ba thứ cần được điều phục hay ba giới về ý. Thứ nhất là không ganh ghét: Chúng ta không chịu thiểu dục tri túc, mà ngược lại còn khởi tâm tham lam và ganh ghét. Thứ nhì là không xấu ác: Chúng ta chẳng những không chịu nhu hòa nhẫn nhục; mà lại còn luôn sanh khởi các niềm sân hận xấu ác. Thứ ba là không bất tín: Chúng ta chẳng những không tin luật luân hồi nhân quả; mà ngược lại còn bám víu vào sự ngu tối si mê, không chịu thân cận các bậc thiện hữu tri thức để học hỏi đạo pháp và tu hành. Trong tu tập Phật giáo, vấn đề điều phục tâm ý là vô cùng quan trọng. Thường thì tâm có nghĩa là tim óc.
Tuy nhiên, trong Phật giáo, tâm không chỉ có nghĩa là bộ óc và trí tuệ; mà nó còn có nghĩa là “Thức” hay quan năng của tri giác, giúp ta nhận biết một đối tượng cùng với mọi cảm thọ của nó liên hệ đến cái biết này. Như vậy tu tâm chính là pháp môn “Tứ Chánh Cần” mà Đức Phật đã dạy: Tu tâm là cố làm sao diệt trừ những bất thiện đã sanh; những bất thiện chưa sanh thì giữ cho chúng đừng sanh. Đồng thời cố gắng nuôi dưỡng và củng cố những thiện tâm nào chưa sanh. Đối với hành giả, tự kiểm soát mình là yếu tố chính dẫn đến hạnh phúc. Đó chính là năng lực nằm sau tất cả mọi thành tựu chân chính. Nhất cử nhất động mà thiếu sự tự kiểm soát mình sẽ không đưa mình đến mục đích nào cả. Chỉ vì không tự kiểm được mình mà bao nhiêu xung đột xảy ra trong tâm. Và nếu những xung đột phải được kiểm soát, nếu không nói là phải loại trừ, người ta phải kềm chế những tham vọng và sở thích của mình, và cố gắng sống đời tự chế và thanh tịnh. Ai trong chúng ta cũng đều biết sự lợi ích của việc luyện tập thân thể.
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta không chỉ có một phần thân thể mà thôi, chúng ta còn có cái tâm, và tâm cũng cần phải được rèn luyện. Rèn luyện tâm hay thiền tập là yếu tố chánh đưa đến sự tự chủ lấy mình, cũng như sự thoải mái và cuối cùng mang lại hạnh phúc. Đức Phật dạy: “Dầu chúng ta có chinh phục cả ngàn lần, cả ngàn người ở chiến trường, tuy vậy người chinh phục vĩ đại nhất là người tự chinh phục được lấy mình.” Chinh phục chính mình không gì khác hơn là tự chủ, tự làm chủ lấy mình hay tự kiểm soát tâm mình. Nói cách khác, chinh phục lấy mình có nghĩa là nắm vững phần tâm linh của mình, làm chủ những kích động, những tình cảm, những ưa thích và ghét bỏ, vân vân, của chính mình. Vì vậy, tự điều khiển mình là một vương quốc mà ai cũng ao ước đi tới. Ngược lại, tệ hại nhất đối với con người nói chung và hành giả tu Phật nói riêng, là tự biến mình thành nô lệ của dục vọng. Nói tóm lại, theo Phật giáo, kiểm soát thânkhẩu-ý là mấu chốt đưa đến cuộc sống an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc, cũng như cuộc tu giác ngộ và giải thoát. Nó là vua của mọi giới hạnh và là sức mạnh đằng sau mọi sự thành tựu chân chánh.
Chính do thiếu kiểm soát thân-khẩu-ý mà các xung đột khác nhau đã dấy lên trong tâm chúng ta. Nếu chúng ta muốn kiểm soát thân-khẩu-ý, chúng ta phải học cách buông xả những khát vọng và khuynh hướng của mình và phải cố gắng sống biết tự chế, khắc kỷ, trong sạch và điềm tĩnh. Chỉ khi nào ba gọng kềm thân-khẩu-ý của chúng ta được chế ngự và hướng vào con đường tiến hóa chân chánh, lúc đó thân-khẩu-ý của chúng ta mới trở nên hữu dụng cho người sở hữu nó và cho xã hội. Ngược lại, thân-khẩuý loạn động, phóng đãng là gánh nặng cho cả chủ nhân lẫn mọi người. Nói tóm lại, theo quan điểm Phật giáo, tất cả những sự tàn phá trên thế gian nầy đều tạo nên bởi những con người không biết chế ngự thânkhẩu-ý của mình.
Quyển sách nhỏ có tựa đề “Tu Tập Thân Khẩu Ý Theo Quan Điểm Phật Giáo” này không phải là một tập sách nói về giáo lý tu tập thâm sâu của nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần vạch ra những lời Phật dạy về giáo pháp tu tập căn bản và những lợi lạc của sự tu tập Thân-Khẩu-Ý trong Phật giáo. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là đạt được trí huệ giác ngộ giúp chúng ta đạt được cứu cánh thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Tu Tập Thân Khẩu Ý Theo Quan Điểm Phật Giáo” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý căn bản về tu tập Thân-Khẩu-Ý trong nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ.
Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Cẩn đề,
Thiện Phúc