1 H-Từ Điển Đạo Uyển – Tạng Thư Phật Học

H-Từ Điển Đạo Uyển

Ha

Từ Điển Đạo Uyển

呵; C: hē; J: ka;
Trách mắng nghiêm khắc; phê bình, khiển trách.

Hạ Bổng

Từ Điển Đạo Uyển

下棒; C: xiàbàng; J: abō;
Lối khai thị trong Thiền tông, dùng gậy để đánh, xem như là sự khuyến khích trong công phu thiền.

Hà Ca-Diếp

Từ Điển Đạo Uyển

河迦葉; C: hé jiāshě; J: ka kashō;
Kết hợp phiên âm và phiên dịch tên của Nadī-Kāśyapa; Na-đề Ca-diếp (那提迦葉).

Hạ Căn

Từ Điển Đạo Uyển

下根; C: xiàgēn; J: gekon;
Căn cơ thấp kém. Chỉ người có nghiệp duyên nông cạn và đần độn, khó tu tập đạt giải thoát (như Độn căn 鈍根). Thường những ngưòi nầy cần có phương chước giáo hoá đặc biệt để trước mắt, họ có thể nắm bắt những điểm chính yếu của thế giới quan biểu hiện qua sự chiêm nghiệm về đạo Phật. Đó là thấp nhất trong ba căn cơ, hai hàng kia là Trung căn (中根) và Thượng căn (上根; theo kinh Niết-bàn 涅槃經).

Hà đẳng

Từ Điển Đạo Uyển

何等; C: héděng; J: kadō;
Có hai nghĩa: 1. Biết bao? Thế nào? 2. Xiết bao!

Hạ địa

Từ Điển Đạo Uyển

下地; C: xiàdì; J: geji;
1. Cảnh giới hiện hữu bên dưới đối tượng của thế giới khách quan được nhận biết bởi hành giả (s: adhara-svābhūmi); 2. Trong sự phân chia các cõi trong tam giới thành 9 bậc (cửu địa 九地), hạ địa chính là ba cõi thấp cuối cùng; 3. Giai vị thấp nhất trong Bồ Tát Thập địa.

Hạ Hạ

Từ Điển Đạo Uyển

下下; C: xiàxià; J: gege; S: mṛdu-mṛduka.
Bậc thấp trong hàng thấp kém nhất. Kinh văn Phật giáo thường định rõ những loại như phiền não, tái sinh ở cõi trời, căn cơ của chúng sinh… thành 9 loại, là 3 dạng của các bậc thượng, trung, hạ, lại chia thành ba thứ nữa, kết quả là 9.

Hạ Hạ Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

下下品; C: xiàxiàpǐn; J: gegehon;
Bậc thấp trong hàng thấp kém nhất. Hạ hạ.

Hà Huống

Từ Điển Đạo Uyển

何況; C: hékuàng; J: kakyō;
Từ ngữ nhấn mạnh vào sự phủ định hoặc khẳng định.

Hạ Liệt

Từ Điển Đạo Uyển

下劣; C: xiàliè; J: geretsu;
1. Thấp kém, thấp hơn, xấu hơn; 2. Xấu, thoái hoá (s: hīna, līna, lūha).

Hạ Liệt Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

下劣乘; C: xiàlièshèng; J: geretsujō;
Một cách gọi Tiểu thừa.

Hạ Ngữ

Từ Điển Đạo Uyển

下語;; C: xiàyǔ; J: agyo;
Chỉ những lời dạy của một vị Thiền sư dành cho một vị đệ tử. Những lời văn của một vị thầy về một Ngữ lục nào đó hoặc một Công án cũng được gọi là hạ ngữ.

Hạ Phẩm

Từ Điển Đạo Uyển

下品; C: xiàpǐn; J: gebon;
Lớp dưới, bậc thấp, hạng dưới. Thường được dùng để so sánh năng lực của hành giả, như Hạ phẩm Bồ Tát (theo Du-già luận 瑜伽論).

Hạ Sinh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

下生經; C: xiàshēng jīng; J: geshō kyō;
Tên viết tắt của Di-lặc hạ sinh kinh (彌勒下生經).

Hà Tất

Từ Điển Đạo Uyển

何必; C: hébì; J: kahitsu;
Có các nghĩa: 1. Cần gì phải; sao phải?; 2. Có thể như thế nầy…, có thể như thế kia. Từ ngữ biểu thị tính chất phỏng chừng, không dứt khoát.

Ha Trách

Từ Điển Đạo Uyển

呵責; C: hēzé; J: kashaku; S: vigarhante; P: vigarahati;
Quở trách nghiêm khắc, phê phán, khiển trách, quở trách.

Hà Trạch Thần Hội

Từ Điển Đạo Uyển

荷澤神會; C: hézé shénhuì; J: kataku jin’e; 686-760 hoặc 670-762;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Lục tổ Huệ Năng. Sư có công lớn trong việc thuyết phục triều đình nhà Ðường công nhận dòng thiền của Lục tổ là chính tông và Tổ là người thừa kế chính của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Sự quan hệ với triều đình, và nói chung các người cầm quyền chính trị, không làm cho phái thiền Hà Trạch của Sư hưng thịnh mà ngược lại, chỉ sau vài đời tàn luỵ. Kế thừa Sư, trong phái sau này chỉ có một vị còn được nhắc nhở đến, đó là Thiền sư Khuê Phong Tông Mật, vị Tổ thứ năm của Hoa nghiêm tông.
Sư họ Cao, quê ở Tương Dương. Lúc nhỏ Sư theo thầy học Nho, hiểu rành Lão Trang. Trên đường tìm thầy chứng đạo, Sư đến Bảo Lâm tự ở Tào Khê, nơi Lục tổ hoằng hoá.
Gặp Sư, Tổ hỏi: “Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến, có đem được gốc (bản) đến chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?” Sư thưa: “Lấy vô trụ làm gốc, thấy tức là chủ.” Tổ bảo: “Sa-di chớ nói càn.” Sư thưa: “Hoà thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?” Tổ đánh Sư ba gậy, hỏi: “Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?” Sư thưa: “Cũng đau cũng chẳng đau.” Tổ bảo: “Ta cũng thấy cũng chẳng thấy.” Sư hỏi: “Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?” Tổ bảo: “Chỗ ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, nếu ngươi đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước ngươi nói thấy chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sinh diệt. Ngươi không thấy tự tính mà dám cợt với người.” Nghe qua Sư thất kinh, quì sám hối. Tổ bảo: “Nếu ngươi tâm mê không thấy nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tính, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi được. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết tự thấy, lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?” Sư lễ bái trăm lạy cầu xin sám hối. Một hôm Tổ bảo chúng: “Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?” Sư bước ra thưa: “Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tính của Thần Hội.” Tổ bảo: “Ðã nói với các ngươi là không tên không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên Phật tính. Sau này ngươi ra trụ trì thì cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải.” Sư lễ bái lui ra. Từ đây, Sư ở lại hầu hạ Tổ năm năm đến khi Tổ tịch, không lúc nào rời.
Khoảng 20 năm sau khi Tổ nhập diệt, Sư hội họp tất cả những Thiền sư danh tiếng miền Nam, và tuyên rằng, Huệ Năng chính là người nối pháp của Ngũ tổ và Thần Tú – lúc bấy giờ được vương triều công nhận là pháp tự của Thiền tông – vô cớ đoạt danh hiệu này của Huệ Năng, không phải là người được truyền y bát. Sư không nhọc công đi đến tận Trường An và Lạc Dương để nêu rõ và bảo vệ quan niệm này. Kết quả của việc làm mạo hiểm này là Sư bị lưu đày xuống miền Nam. Nhưng sau một cuộc nổi loạn (755-757), triều đình nhớ lại danh tiếng của Sư, muốn nương danh này để lấy lại lòng tin của dân. Sư được mời đến trụ trì chùa Hà Trạch (trước khi bị lưu đày Sư đã trụ trì ở đây). Từ đây Sư rất có uy tín trong triều đình và cuối cùng Huệ Năng và các vị thừa kế được công nhận là Thiền chính tông.
Ðời Ðường niên hiệu Thượng Nguyên, Sư từ biệt đại chúng, nửa đêm thị tịch. Vua ban hiệu là Chân Tông Ðại sư. Tác phẩm Hiển tông kí của Sư vẫn còn lưu hành.

Hà Trạch Tông

Từ Điển Đạo Uyển

荷澤宗; C: hézé-zōng; J: kataku-shū;
Một nhánh của Thiền tông Trung Quốc, bắt nguồn từ Thiền sư Hà Trạch Thần Hội, một môn đệ của Lục tổ Huệ Năng. Ngược với giáo lí và quan niệm thiền định của Phật giáo Ấn Ðộ – được Bồ-đề Ðạt-ma truyền sang Trung Quốc và kế tiếp đến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn – Thần Hội nhấn mạnh rằng, Giác ngộ không thể đạt được qua những phương pháp tu tập thiền định và tiến lên từng cấp bậc. Cách tu tập thiền định chính là thực hiện được trạng thái “Vô tâm”, một trạng thái trực tiếp dẫn đến kinh nghiệm Kiến tính, Ðốn ngộ. Mặc dù sư Thần Hội rất có công trong việc xiển dương Nam tông thiền – được xem là một móc ngoặt cực kì quan trọng cho Thiền tông Trung Quốc – tông của sư không được xếp vào Ngũ gia thất tông và tàn lụi chỉ sau vài thế hệ.
Vị Thiền sư nổi danh duy nhất của tông này sau sư Thần Hội là Khuê Phong Tông Mật, nhưng vị này cũng không nổi danh với tính cách một vị Thiền sư mà là vị Tổ thứ năm của Hoa nghiêm tông. Sau khi tịch, Thần Hội được phong danh hiệu Chân Tông Ðại sư.

Ha-Lê Bạt-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

訶梨跋摩; S: harivarman; tk. 4; dịch nghĩa là Sư Tử Khải, Sư Tử Giáp;
Là vị Tổ của Thành thật tông. Sư sinh trong một gia đình Bà-la-môn ở Trung Ấn, trước học ngoại đạo, sau gia nhập Tăng-già tu tập theo giáo lí của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda). Quan niệm của Sư lại không tương ưng với học thuyết của Hữu bộ nên sau một thời gian ngắn, Sư rời bộ này và bắt đầu nghiên cứu kinh điển và thông cả Tam tạng. Sau Sư đến Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra) chung học Ðại thừa kinh điển với những nhà sư thuộc Ðại chúng bộ (s: mahāsāṅghika). Trong thời gian này, Sư viết Thành thật luận (成實論; s: satyasiddhiśāstra), phát triển tư tưởng tính Không (s: śūnyatā). Thành thật luận được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán văn và sau này trở thành bài luận cơ bản của Thành thật tông.

Hải ấn Tam-Muội

Từ Điển Đạo Uyển

海印三昧;; S: sāgara-mudrā-samādhi; C: hăi-yìn sānmèi; J: kaiin sanmai;
Định thâm diệu mà Đức Phật an trú khi ngài giảng kinh Hoa Nghiêm. Tất cả chúng sinh trong 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai đều bao gồm trong tâm nầy. Chữ Ấn có nghĩa là “phản chiếu”. Như vậy, tâm an định giống như biển lớn, có thể phản chiếu mọi hiện tượng. Trong tư tưởng kinh Hoa Nghiêm, các pháp đều biểu hiện tuỳ theo tâm nầy.

Hải Ấn Tự

Từ Điển Đạo Uyển

海印寺; C: hăiyìn sì; J: kaiinji;
Một trong những ngôi chùa lớn ở Hàn Quốc, xâu dựng đầu tiên năm 892. Là nơi chạm khắc mộc bản in Tam tạng kinh Hàn Quốc, vẫn còn được lưu trữ nơi đây. Hải Ấn tự vẫn là một trung tâm tu tập Thiền trong thời cận đại. Đây là nơi xuất thân của vị cao tăng đã viên tịch Sŏngch’ŏl.

Hải Đông

Từ Điển Đạo Uyển

海東; C: hăidōng; J: kaitō;
Thuật ngữ mang ý tôn trọng do người Trung Hoa thường dùng để chỉ cho người Hàn Quốc. Thường được người Trung Hoa dùng để gọi tên các vị tăng Hàn Quốc hay những tác phẩm quan trọng của Hàn Quốc.

Hải Đông Cao Tăng Truyện

Từ Điển Đạo Uyển

海東高僧傳; C: hăidōng gāosēng zhuàn; J: kaitō kōsō den; K: haedong kosŭng jŏn
Sách của Giác Huấn (覺訓; k: kakhun)

Hải đức

Từ Điển Đạo Uyển

海徳; C: hăi dé; J: kaitoku;
Đức rộng lớn mênh mông như biển.

Hải Hội

Từ Điển Đạo Uyển

海會; C: hăihuì; J: kai’e;
1. Theo truyền thống thiền, thuật ngữ nầy thường chỉ cho sự tụ hội rất đông tăng ni. Chùa hoặc tự viện; 2. Buổi lễ có nhiều vị cao tăng tham dự; 3. Thuật ngữ chỉ cho phần mộ hay lăng tẩm.

Hàm Hư

Từ Điển Đạo Uyển

涵虚; C: hánxū; J: kanko; K: hamhŏ
Xem Hàm Hư Đắc Thông (涵虚得通)

Hàm Hư Đắc Thông

Từ Điển Đạo Uyển

涵虚得通; C: hánxū détōng; J: kanko tokutsū; K: hamhŏ tŭkt’ong (1376-1433)
Thuỵ hiệu là Kỉ Hoà (己和, k: kihwa). Nguyên là tăng sĩ trước thời kì Cao Li thuộc Thiền tông Hàn Quốc, sư là nhân vật lĩnh đạo Phật giáo kiệt xuất thuộc thế hệ của này. Hàm Hư vốn là một nhà Nho học nổi danh, nhưng sư chuyển sang Phật giáo vào lúc 21 tuổi sau cái chết của một người bạn thân. Sư hành cước khắp các sơn tự ở Hàn Quốc, cho đến khi sư có dịp may trở thành đệ tử của Quốc sư Vô Học (無學). Các tác phẩm của Kỉ Hoà là một pha trộn giữa sự đả phá tôn sùng ngẫu tượng và ngôn ngữ thiền đốn ngộ, cùng nhận thức sâu sắc về giáo môn. Do vậy, sư tiếp nhận ở Tri Nột tinh thần hợp nhất giữa Phật giáo thiền tông và giáo môn. Trong số các tác phẩm của sư, có 4 tác phẩm đặc biệt tạo nên ảnh hưởng sâu đậm về sau cho Thiền tông Hàn Quốc. Đó là: 1. Luận giải về kinh Viên Giác, nhan đề Viên Giác kinh giải thuyết nghi (圓覺經解説誼; k: wŏn’gakkyŏng hae sŏrŭi), 2. Biên soạn và phụ chú về 5 luận giải nổi tiếng về kinh Kim Cương, 3. Biên soạn và phụ chú về Vĩnh Gia tập, nhan đề Vĩnh Gia tập khoa chú thuyết nghi (永嘉集科註説誼). Cũng như kết quả từ tác phẩm thứ tư của mình là Hiển chính luận (顯正論), Hàm Hư đã tự xem mình là Phật tử chính bị tố cáo trong sự phê phán của Tân Nho gia và sư cũng phản ứng quyết liệt sự phê phán của Tân Nho giáo đối với Phật giáo thời bấy giờ. Sư viên tịch trong lúc trú tại chùa Tịnh Thuỷ (淨水寺), toạ lạc tại đầu phía nam đảo Giang Hoa (江華島), nay Phật tử vẫn còn được viếng tháp của sư ở nơi đây. Có một luận án tiến sĩ phân tích hành trạng và tác phẩm của Hàm Hư của Muller (1993); và bản dịch của Muller (1999) về luận giải kinh Viên Giác của Hàm Hư.

Hàm Hư Đường Đắc Thông Hoà Thượng Ngữ Lục

Từ Điển Đạo Uyển

涵虚堂得通和尚語録; C: hánxūtáng détōng héshàng yŭlù; J: kankodō tokutsū ōshō goroku; K: hamhŏ tang tŭkt’ong hwasang ŏrok;
Tóm tắt tiểu sử của Thiền sư Hàn Quốc Hàm Hư Đắc Thông (1376-1433).

Hán

Từ Điển Đạo Uyển

漢; C: hàn; J: kan;
1. Tên một con sông ở Trung Hoa; 2. Một người, một thiếu niên, xuất phát từ cách gọi thông tục thời xưa “một người gốc Hán”; 3. Dân tộc Hán, chủng tộc của những người được đồng nhất với dân tộc Trung Hoa; 4. Một triều đại ở Trung Hoa. Tiền Hán từ 206 trước CN-8 sau CN. Hậu Hán từ 25-220 sau CN; 5. Nước Trung Hoa; 6. Trong ngôn ngữ thiền chỉ cho một người, một gã, một kẻ.

Hân

Từ Điển Đạo Uyển

欣; C: xīn; J: gon;
1. Mong muốn, hi vọng, mong mỏi, ao ước; 2. Vui lòng, hạnh phúc, thích thú.

Hân Lạc

Từ Điển Đạo Uyển

欣樂; C: xīnlè; J: gongyō;
1. Mong cầu niềm vui; 2. Niềm hân hoan, hạnh phúc, khoái cảm (prasanna-citta).

Hàn Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

寒山; C: hánshān; J: kanzan; tk. 7;
Một dị nhân trong Phật giáo Trung Quốc đời Ðường. Ông thường được nhắc đến cùng với Thập Ðắc và Thiền sư Phong Can. Cả ba vị đều là những nhân vật độc đáo trong lịch sử Thiền tông, tạo thành một trong những đề tài hấp dẫn của lối vẽ tốc hoạ bởi các nghệ sĩ thiền. Những bài thơ của Hàn Sơn khắc trên vách đá được sưu tầm và lưu truyền dưới tên Hàn Sơn thi.
Ông là một thi sĩ sống ẩn dật cơ hàn trong một hang đá núi Thiên Thai, thường đến viếng Thiền sư Phong Can (豐干; c: fēnggān; j: bukan) ở chùa Quốc Thanh. Nơi đây ông gặp Thập Ðắc, một người phụ bếp trong chùa. Thập Ðắc (拾得, Thập Ðắc có nghĩa là “lượm được”; c: shide; j: jittoku) hay để dành thức ăn còn sót lại trên bàn của chư tăng cho ông. Ông thường đi tới đi lui ở hành lang, thỉnh thoảng kêu to một mình rồi tự than: “Khổ quá! Khổ quá! Họ cứ lăn trôi mãi trong tam giới” và khi bị đuổi đi thường vỗ tay cười lớn rời chùa.
Về Thập Ðắc thì cũng không ai biết gì, chỉ rõ là ông bị bỏ rơi lúc còn nhỏ trong rừng, được Phong Can – vị trụ trì tại chùa Quốc Thanh – tìm thấy và bồng về chùa nuôi dưỡng. Phong Can thì nổi danh vì sư cảm hoá được cả cọp, xung quanh am của sư có cọp dữ qua lại và vì vậy, sư thường được trình bày dưới dạng cưỡi cọp trong các bức tranh.
Một hôm Thập Ðắc quét sân chùa, vị sư trụ trì hỏi: “Chú tên là Thập Ðắc vì Phong Can mang chú về. Vậy chú tên họ là gì? ở đâu đến?” Thập Ðắc nghe hỏi vậy liệng cây chổi và đứng khoanh tay trước ngực. Sư trụ trì không hiểu. Hàn Sơn chợt đi ngang qua, đấm ngực kêu: “Ối! Ối!” Thập Ðắc hỏi: “Làm gì thế, huynh?” Hàn Sơn bảo: “Chú có biết nói: ›Nhà hàng xóm chết, người hàng xóm chia buồn, không?‹” Rồi cả hai cùng nhảy múa, vừa la vừa cười bỏ đi.
Trong lời dẫn của tập Hàn Sơn thi, Lưu Khâu Dận – một vị quan mộ đạo tại Ðài Châu – có ghi lại chút ít về Hàn Sơn và Thập Ðắc. Khi được Phong Can chữa khỏi bệnh, ông hỏi: “Vùng này có vị nào mà tôi có thể theo học được chăng?” Phong Can đáp: “Ai nhìn họ thì không nhận ra, ai mà nhận ra họ thì không cần nhìn. Nếu ông muốn yết kiến thì không nên tin vào cặp mắt thịt – và sẽ nhận ra họ. Hàn Sơn là Văn-thù, ẩn cư trên chùa Quốc Thanh, Thập Ðắc là Phổ Hiền, trông giống như một gã ăn xin, phong cách như cuồng…”.

H 26: Hàn Sơn và Thập Ðắc, tranh của Châu Văn (周文; j: shūbun, ?-1460), một hoạ sĩ người Nhật.
Nghe như vậy, Lưu Khâu liền đến chùa Quốc Thanh tìm hai vị. Vừa thấy mặt, ông làm lễ cung kính. Việc này làm các vị sư trong chùa ngạc nhiên, hỏi: “Ðại nhân sao lại lễ các gã ăn xin này?” Hàn Sơn và Thập Ðắc liền cười to và nói: “Phong Can này lắm chuyện, đáng bị quở phạt vụ này.” Cả hai chạy trốn thật nhanh, không ai theo kịp. Khi Lưu Khâu đến tìm cúng dường lần nữa thì gặp Hàn Sơn và Hàn Sơn thấy ông liền la lớn: “Các ngươi hãy cố gắng!” Nói xong, ông lui vào một hang đá không bao giờ trở ra nữa, Thập Ðắc cũng mất tích luôn. Sau đây là một bài thơ của ông (Trúc Thiên & Tuệ Sĩ dịch):
憶得二十年。徐歩國清歸
國清寺中人。盡道寒山癡
癡人何用疑。疑不解尋思
我尚自不識。是伊爭得知
低頭不用問。問得復何爲
有人來罵我。分明了了知
雖然不應對。却是得便宜
Ức đắc nhị thập niên
Từ bộ Quốc Thanh quy
Quốc Thanh tự trung nhân
Tận đạo Hàn Sơn si
Si nhân hà dụng nghi
Nghi bất giải tầm ti
Ngã thượng tự bất thức
Thị y tranh đắc tri
Đê đầu bất dụng vấn
Vấn đắc phục hà vi
Hữu nhân lai mạ ngã
Phân minh liễu liễu tri
Tuy nhiên bất ứng đốI
Khước thị đắc tiện nghi.
Nhớ hai mươi năm trước
Thả bộ Quốc Thanh về
Trong chùa ai cũng nói
Hàn Sơn là gã si
Người si cần chi nghi
Nghi không hiểu tầm ti (tư)
Riêng ta còn chẳng biết
Thì y biết nỗi gì
Cúi đầu đừng hỏi nữa
Hỏi được lại làm chi?
Có người đến chửi ta
Ta biết rõ tức thì
Tuy nhiên không ứng đối
Thế mà được tiện nghi
Sự trầm tĩnh khinh an, tự tín bất động xuất phát từ hai nhân vật này cho thấy rằng, nó chỉ có thể là biểu hiện từ tâm giác ngộ. Tự mình tu tập, chẳng theo tông phái nào, cũng chẳng sống trong chùa theo luật chật hẹp mà vẫn đi trên Phật đạo, “cuồng điên” nhưng trí huệ lại cao siêu xuất thế. Có lẽ vì sự dung hoà của những kiến giải mâu thuẫn người ta tìm được ở hai đại nhân này mà hình tượng của họ đã và vẫn còn gây nhiều cảm hứng cho những người cư sĩ mộ đạo, trở thành những đề tài bất hủ trong nghệ thuật giới thiền.

Hàng Châu Thiên Long

Từ Điển Đạo Uyển

杭州天龍; C: hángzhōu tiānlóng; J: kōshū tenryū; ?-?;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Ðại Mai Pháp Thường và là thầy truyền “Thiền một ngón tay” cho Thiền sư Kim Hoa Câu Chi.

Hành

Từ Điển Đạo Uyển

行; S: saṃskāra; P: saṅkhāra;
1. Theo Ấn Ðộ giáo thì saṃskāra có nghĩa là “ấn tượng,” “hậu quả,” được dùng chỉ những ấn tượng, khả năng tiềm tàng trong thâm tâm. Những saṃskāra này được hình thành qua những hành động, ý nghĩ, kể cả những hành động trong những tiền kiếp. Tất cả những saṃskāra này tạo thành thân thể con người, tạo thành cái mà người ta thường gọi là “bản năng”.
2. Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật. Hành được xem là một ý định, một chủ tâm có thể dẫn tới một tạo tác. Chủ động tạo tác là Hành mà thể thụ động của một sự việc xảy ra cũng là Hành. Hành là uẩn thứ tư trong Ngũ uẩn (五蘊; s: pañcaskandha; p: pañcakhan-dha) và là yếu tố thứ hai trong Mười hai nhân duyên (s: pratītyasamutpāda; p: pa-ṭicca-samuppāda). Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Vì hành động bao gồm Thân, khẩu, ý nên người ta cũng phân biệt Hành thuộc thân, khẩu hay ý. Hành mang lại một sự tái sinh (được hiểu là một hành động hay cả một cuộc đời), không có Hành thì không có Nghiệp và không có tái sinh. Hành quyết định phương thức tái sinh vì hành có tốt, có xấu. Hành sinh Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa) và chính thức này đi tìm cha mẹ để tái sinh và quyết định thể tính của con người mới.

Hành Cước

Từ Điển Đạo Uyển

行腳; J: angya;
Nghĩa là đi chu du đây đó tham học; có hai loại hành cước: 1. Các chuyến hành trình của thiền sinh trẻ và 2. Các cuộc tham vấn, đọ sức, trau dồi kinh nghiệm sau khi ngộ đạo.
Thực hiện các cuộc hành cước loại thứ nhất là các vị đã chấm dứt giai đoạn sơ khởi trong các Thiền viện nhỏ, đi cầu học với các Thiền sư đại gia với hi vọng được thu nhận làm môn đồ (Quải tích). Các chuyến đi đó thường thường rất xa, nhọc nhằn và nguy hiểm, là những thử thách thể chất và tinh thần các thiền sinh. Qua việc gặp nhiều hiểm nguy và cảnh ngộ khác nhau, thiền sinh tập luyện một tâm thức dày dặn và tỉnh giác. Hành lí thường là một cái nón vành rộng, nhằm che mắt để thiền sinh bớt rong ruổi theo cảnh tượng bên ngoài. Ngoài ra thiền sinh có một túi nhỏ đựng quần và giày vải. Trên ngực, thiền sinh mang hai bộ áo, mùa hè và mùa đông, đũa ăn cơm, Bát khất thực, dao cạo râu và vài bộ kinh. Trên lưng là áo mưa lá. Một khi thiền sinh đã vượt qua bao gian nan đến nơi, các vị này hay bị từ chối không cho vào, mục đích là thử thách lòng kiên trì. Có khi các vị phải đứng hàng ngày trời chờ đợi, trong mưa gió lạnh lẽo rồi mới được cho vào. Sau đó các vị phải toạ thiền hàng tuần trong sự cô tịch trước khi chính thức được thâu nhận làm đệ tử. Câu chuyện sau – được Thiền sư Chí Minh ghi lại trong Vườn thiền rừng ngọc (Thiền uyển dao lâm, bản dịch của Thông Thiền) – trình rõ những thử thách khó khăn mà thiền sinh phải vượt qua trước khi được thu nhập làm môn đệ:
“Hoà thượng Diệp Huyện Quy Tỉnh (nối pháp Thủ Sơn Tỉnh Niệm) tính tình nghiêm khắc lạnh lùng, cuộc sống đạm bạc khô khan khiến cho thiền sinh rất kính sợ. Có hai vị thiền sinh là Phù Sơn Pháp Viễn và Thiên Y Nghĩa Hoài riêng đến tham vấn. Gặp lúc mùa đông tuyết rơi, Thiền sư Tỉnh quở mắng thậm tệ rồi lấy nước tạt ướt cả áo quần của chúng tăng. Các vị tăng khác đều giận mà bỏ đi, chỉ còn hai vị Viễn và Hoài ở lại. Họ để nguyên y phục rồi ngồi đợi từ sáng đến trưa, Thiền sư Quy Tỉnh đến quở rằng: ›Các ngươi chẳng chịu đi, ta sẽ đánh các ngươi!‹ Viễn đến trước mặt Quy Tỉnh thưa: ›Hai đứa con đi từ ngàn dặm đến để tham học với Hoà thượng, há vì một gáo nước của Thầy tạt mà bỏ đi. Nếu Thầy có đánh chết, con cũng chẳng chịu đi.‹ Quy Tỉnh cười nói: ›Hai ông muốn tham thiền ư? Hãy vào nhà cất hành lí.‹”
Thuộc vào loại thứ hai là các chuyến hành cước sau khi đạt đạo, khi các vị Thiền sư muốn trau dồi kinh nghiệm giác ngộ với những bậc thượng thủ khác trước khi trụ trì hoằng hoá chúng. Chính những cuộc tiêu diêu du và những Pháp chiến sản sinh từ đây là một trong những điểm đặc sắc nhất của Thiền tông. Các Ðại thiền sư như Triệu Châu Tòng Thẩm, Vân Môn Văn Yển, Lâm Tế Nghĩa Huyền, Tam Thánh Huệ Nhiên, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch… đều diêu du đây đó sau khi đã đắc đạo nơi Bản sư. Các cuộc đọ sức của Triêụ Châu với các đệ tử đắc pháp của  Mã Tổ vẫn còn vang vọng đến ngày nay.

Hành Phật

Từ Điển Đạo Uyển

行佛; J: gyōbutsu; nghĩa là “hành động như Phật”;
Danh từ được dùng để chỉ sự chú tâm tuyệt đối vào việc tu tập để Kiến tính, ngộ đạo.

Hành, Trụ, Toạ, Ngọa

Từ Điển Đạo Uyển

行住坐臥; J: gyō-jū-za-ga; nghĩa là đi-đứng-ngồi-nằm, cũng được gọi là bốn uy nghi (四威儀; tứ uy nghi);
Biểu thị này muốn nói rằng, hành giả tham thiền phải thiền trong tất cả hành động hằng ngày như đi, đứng, ngồi, nằm.
Ði-đứng-ngồi-nằm ở đây có nghĩa là: tâm niệm (chú tâm) tuyệt đối trong lúc thực hành bốn uy nghi và nói chung là trong lúc thực hành bất cứ việc gì, trong mọi hành động.
Câu chuyện sau đây của Ðại thiền sư Nhật Bản Nhất Hưu Tông Thuần (j: ikkyū sōjun, 1394-1481) nêu rõ sự quan trọng này:
Một hôm, một ông khách đến tham vấn: “Thỉnh Hoà thượng viết vài quy tắc cơ bản để đạt trí huệ.” Sư cầm bút lên viết ngay: “Tâm niệm.” Ông ta hỏi: “Chỉ vậy thôi sao, Hoà thượng còn gì viết thêm không?” Sư viết hai lần liên tiếp: “Tâm niệm, tâm niệm.” Ông khách bảo: “Chẳng thấy trí huệ sâu sắc cao cả gì ở đây.” Sư lại viết ba lần liên tiếp: “Tâm niệm, tâm niệm, tâm niệm.” Ông khách nổi cáu, hỏi: “Tâm niệm có nghĩa gì?” Sư trầm tĩnh đáp: “Tâm niệm là tâm niệm.”

Hào

Từ Điển Đạo Uyển

毫; C: haó; J: gō;
1. Lông dài nhỏ và nhọn; lông măng; 2. Đầu mút của ngọn bút lông; Một phần ngàn của một ounce; 4. Lông tơ trên cây cối; 5. Một nguyên tử.

Hào Li

Từ Điển Đạo Uyển

毫釐; C: haólí; J: gōri;
Một đơn vị rất nhỏ. Rất nhỏ. Số dây bằng tơ từ miệng tằm nhả ra với một độ dày được gọi là một Mịch (糸), Mười mịch là một hào (毫), 10 hào là một li (釐). Một từ ngữ chỉ cho sự nhỏ bé hoặc không quan trọng.

Hào Li Thiên Lí

Từ Điển Đạo Uyển

毫釐千里; C: haólí qiānlĭ; J: gōrisenri;
Sự lệch lạc dù nhỏ nhất lúc ban đầu sẽ dẫn đến sự lạc đường cả ngàn dặm.

Hát

Từ Điển Đạo Uyển

喝; C: “Ho!”, “Hè!”; J: “Katsu!”;
Một tiếng hét không có ý nghĩa cụ thể, được các vị Thiền sư sử dụng làm phương tiện để hoằng hoá như một cây gậy, Phất tử. Tiếng hét này cũng được chư vị sử dụng để trình bày kinh nghiệm chứng ngộ của mình, sử dụng như một phương tiện chuyển hoá tất cả những văn tự ngôn ngữ bình thường. Như một cây gậy được vung lên đúng lúc, một tiếng hét hợp thời điểm có thể là một yếu tố dẫn thiền sinh đến kinh nghiệm Kiến tính.
Theo truyền thuyết thì người đầu tiên sử dụng tiếng hét để giáo hoá chúng là Mã Tổ Ðạo Nhất, một vị Thiền sư nổi danh với giọng hét như sấm. Tương truyền rằng, Thiền sư Bách Trượng nghe tiếng hét của Mã Tổ mà ù tai ba ngày. Cũng nổi danh không kém Mã Tổ trong việc sử dụng tiếng hét – và thêm vào đó là cây gậy (Bổng hát) – là sư Lâm Tế Nghĩa Huyền.
Lâm Tế phân biệt bốn loại hét (tứ hát) sau: 1. Tiếng hét như bảo kiếm của vua Kim cương; 2. Tiếng hét như bốn vó của Kim mao sư tử đang vồ trụ đất; 3. Tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ và 4. Tiếng hét mà không có tác dụng của tiếng hét.
Lâm tế lục ghi lại rất nhiều trường hợp sư sử dụng tiếng hét. Sau đây là hai ví dụ (bản dịch của Thích Duy Lực):
“Tăng hỏi: ›Sư tuyên nói gia khúc tông phong ai? Nối pháp vị nào?‹ Sư đáp: ›Ta ở nơi Hoàng Bá ba lần hỏi Phật pháp, ba lần bị đánh.‹ Tăng do dự muốn nói. Sư bèn hét rồi nói rằng: ›Không lẽ hướng vào Hư không mà đóng đinh chăng?‹”.
“Tăng hỏi: ›Thế nào là đại ý Phật pháp?‹ Sư không đáp, dựng đứng Phất tử. Tăng bèn hét. Sư cũng hét. Lúc ấy, vị tăng do dự, sư bèn đánh.”

Hạt

Từ Điển Đạo Uyển

曷; C: hé; J: katsu;
Tại sao? Thế nào? Khi nào?

Hỉ

Từ Điển Đạo Uyển

喜; S, P: muditā;
Một trong Bốn phạm trú. Hỉ là niềm vui theo với hạnh phúc của người khác. Tu dưỡng tâm hỉ là nhằm đối trị tâm ganh ghét và nhằm xóa dần ranh giới giữa ta và người. Hỉ là một trong bốn tâm vô lượng của một đức Phật, đó là tâm đại hỉ khi thấy có ai rời bỏ được Khổ và Luân hồi.

Hi Dương Sơn

Từ Điển Đạo Uyển

曦陽山; C: xīyángshān; J: giyōsan; K: hŭiyangsan;
Hi dương tông, một trong 9 tông phái Phật giáo Hàn Quốc thời xưa, do Pháp Lãng (法朗, k: pŏmnang) và Trí Sân Đạo Hiến (智詵道憲, k: chisŏn tohŏn) sáng lập

Hiền Kiếp Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

賢劫經; S: bhadrakalpika-sūtra; có nghĩa là kinh của kiếp hạnh phúc;
Kinh Ðại thừa, nói về 1000 vị Phật sẽ ra đời trong “hiền kiếp” này, trong đó đức Thích-ca Mâu ni là vị thứ tư, vị thứ năm là Di-lặc, Phật sẽ ra đời. Kinh này là đặc trưng các kinh nói về cuộc đời chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền… trong Phật giáo.

Hiện Quang

Từ Điển Đạo Uyển

現光; ?-1221
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái thiền Vô Ngôn Thông đời thứ 14, là vị Tổ khai sơn của phái Yên Tử thời nhà Trần sau này. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Trí Thông và sau truyền lại cho đệ tử là Ðạo Viên.
Sư tên tục là Lê Thuần, quê ở thành Thăng Long, mồ côi từ nhỏ. Năm 11 tuổi, Sư được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi nhưng chưa ngộ được ý chỉ thì Thường Chiếu đã viên tịch.
Sư dạo khắp nơi cầu đạo và khi đến chùa Thánh Quả, nơi Thiền sư Trí Thông trụ trì, Sư nhân một câu bỗng tỉnh ngộ, ở lại đây hầu hạ một thời gian. Sau đó, Sư lui vào núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An sống ẩn dật và sau này lại đến núi Yên Tử cất am cỏ ở dưỡng già. Vua Lí Huệ Tông rất kính trọng đạo hạnh của Sư, sắp bày đủ lễ đón tiếp nhưng Sư một mực từ chối.
Mùa xuân năm Tân Tị, niên hiệu Kiến Gia thứ 11 đời Lí Chiêu Hoàng, Sư ngồi ngay thẳng trên một tảng đá nói kệ:
幻法皆是幻。幻修皆是幻
二幻皆不即。即是除諸幻
Huyễn pháp giai thị huyễn
Huyễn tu giai thị huyễn
Nhị huyễn giai bất tức
Tức thị trừ chư huyễn
*Huyễn pháp đều là huyễn
Huyễn tu đều là huyễn
Hai huyễn đều chẳng nhận
Tức là trừ các huyễn.
Nói kệ xong, Sư an nhiên thị tịch. Ðệ tử là Ðạo Viên thực hành đầy đủ lễ táng trong núi.

Hiện Thân

Từ Điển Đạo Uyển

現身; hoặc Hiện tướng;
Là Hiện thân của những vị Hộ thần (s: iṣṭadevatā), Bồ Tát (s: bodhisattva), nói chung là tất cả những vị được tôn thờ trong Ðại thừa Phật giáo. Ðặc biệt trong truyền thống Phật giáo tại Tây Tạng, người ta thường thấy hai cách trình bày hiện thân của một vị, đó là dạng phẫn nộ (s: krodha) và tịch tịnh (s: śānta). Ví dụ như Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara) dưới dạng tịch tịnh và Ma-ha Ka-la (s: mahākāla) trong trạng thái phẫn nộ. Trong những Nghi quỹ (s: sādha-na), hiện thân của một vị Hộ thần dưới hai dạng nêu trên là biểu tượng của hai loại Chủng tử tương ưng trong tâm của người tu tập: 1. Thanh tịnh và 2. Hung hăng, phá hoại.
Như vị Thiền sư hiện đại người Tây Tạng là Chog-yam Trung-pa nói, “phẫn nộ” ở đây không nên hiểu là một tâm trạng, cảm xúc phụ thuộc vào cái tự ngã và “phá hoại” “hung hăng” ở đây cũng không nên hiểu theo lẽ “bất thiện” thông thường. Những năng lượng tiềm tàng được biểu hiện qua các vị phẫn nộ cũng rất có ích và cần thiết trong quá trình tu chứng như những vị tịch tịnh. Cái được tiêu huỷ, phá hoại ở đây chính là những Ảo ảnh gây chướng ngại trên con đường đạt giải thoát và chủ thể đang sợ hãi, cảm thấy bị công kích chính là cái ngã – đúng hơn là cái huyễn ngã chưa từng có thật – của hành giả. Sự tôn sùng các vị dưới hai dạng tại Tây Tạng – không phân biệt tốt xấu theo lẽ thường – cũng thường gây sự hiểu lầm rằng, Phật tử ở đây “tôn thờ quỷ thần ngoại đạo”
Song song với Phật gia (s: buddhakula), Kim cương thừa (s: vajrayāna) cũng thừa nhận và tôn sùng “100 gia đình của chư vị hộ thần cao quý tịch tịnh và phẫn nộ.” 100 vị này tường được nhắc đến trong Tử thư và là một phần của giáo lí Ma-ha du-già (s: mahāyoga) được Liên Hoa Sinh (s: padma-sambhava) Ðại sư truyền sang Tây Tạng. Các vị Hộ thần này được xếp vào hai Man-đa-la và hai Man-đa-la này được xem như là sự mở rộng của Phật gia – vốn đã bao gồm năm vị Phật.

Hiền Thủ Pháp Tạng

Từ Điển Đạo Uyển

賢首法藏; 643-712
Ðại sư Trung Quốc, Tổ thứ ba của Hoa nghiêm tông.
Sư người nước Khang Cư (sogdian), cha làm quan cho triều đình Trung Quốc. Một hôm người mẹ nằm mộng thấy mình nuốt mặt trời, mặt trăng và sau đó thụ thai Sư. Năm 16 tuổi, Sư đốt một ngón tay cúng dường chư Phật để tỏ lòng thành cầu đạo của mình. Năm 17 tuổi, Sư đi đi đây đó tìm thầy học đạo nhưng không gặp ai có thể truyền diệu pháp và vì vậy Sư vào núi sống ẩn dật, kham khổ tu tập. Một đêm Sư mơ thấy hào quang sáng chói, tự nghĩ “Phải có một vĩ nhân thuyết pháp gần đây”. Sáng hôm sau Sư đến một ngôi chùa gần đó nghe Trí Nghiễm Pháp sư giảng Hoa nghiêm kinh. Nghe xong Sư vui mừng và trở thành môn đệ của ông. Nhờ sự tận tình chỉ dạy của Trí Nghiễm, Sư hội được yếu chỉ Hoa nghiêm tông.
Năm Ất Mùi (695), Vũ Hậu thỉnh Sư vào cung thuyết giải Hoa nghiêm kinh. Sư đang thuyết thì hào quang từ miệng thoát ra. Vũ Hậu chứng kiến việc này vui mừng, liền ban hiệu là Hiền Thủ. Sư thuyết giải rất nhiều lần kinh Hoa nghiêm, Nhập Lăng-già, Ðại thừa khởi tín luận, Phạm võng… và viết nhiều luận chú giải với bài nổi tiếng nhất thời đó là Tâm kinh lược sớ. Sư cũng giúp Huyền Trang dịch kinh sách nhưng việc này không kéo dài vì quan niệm khác biệt của hai trường phái.
Năm Tiên Thiên thứ nhất, Sư thị tịch. Vì công lớn của Sư trong việc làm hưng thịnh tông Hoa nghiêm nên sau này người ta cũng gọi tông này là Hiền Thủ tông và xem Sư là vị Tổ thứ nhất.

Hiệp Chưởng

Từ Điển Đạo Uyển

合掌; J: gasshō;
Chắp hai tay trước ngực, một cách chào hỏi của các dân tộc Á châu (ấn hiệp chưởng, Ấn).
Khi chắp tay lại, người ta có thể cảm nhận được – dù chỉ là một khoảnh khắc – âm dương dung hoà, trí phân biệt gián đoạn.

Hổ Khâu Thiệu Long

Từ Điển Đạo Uyển

虎丘紹隆; C: hǔqiū shàolóng; J: kukyū jōryū; 1077-1136;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế đời thứ 12, phái Dương Kì. Sư là pháp tự của Thiền sư Viên Ngộ Khắc Cần.
Sư quê ở Hàm Sơn, xuất gia lúc 9 tuổi, tu học dưới nhiều thầy rồi sau đó mới đến yết kiến Viên Ngộ. Viên Ngộ gặp Sư liền hỏi: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do li kiến, kiến bất năng cập” (Thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy đó chẳng phải là Tính thấy, cái Thấy mà do lìa tướng Thấy mới là cái Tính thấy siêu việt), rồi đưa nắm tay lên hỏi: “Thấy chăng?” Sư thưa: “Thấy.” Viên Ngộ bảo: “Trên đầu lại để đầu.” Sư nghe câu này bỗng tỉnh. Viên Ngộ quở: “Thấy cái gì?” Sư bèn thưa: “Tre dầy chẳng ngại nước chảy qua.” Viên Ngộ hài lòng.
Sau Sư đến Hổ Khâu dạy chúng. Nơi đây, đạo rất được mộ, chúng rất thịnh hành. Khoảng niên hiệu Thiệu Hưng, Sư có chút bịnh rồi tịch.

Hô Kim Cương Tan-Tra

Từ Điển Đạo Uyển

S: hevajra-tantra;
Một Tan-tra được biên soạn trong thế kỉ thứ 9, được xếp vào hạng Vô thượng du-già tan-tra. “He-vajra” có thể dịch là “Hô, xin chào! Chân như tuyệt đối!” Tan-tra này được nhiều Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) tu luyện và là Tan-tra Phật giáo được nghiên cứu kĩ nhất tại Tây phương.

Hộ Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

護法; S: dharmapāla; P: dhammapāla;
1. Người bảo vệ chính pháp. Trong Kim cương thừa (s: vajrayāna), người ta tin rằng có một số thiên nhân chuyên bảo vệ chính pháp. Hành giả hành trì Nghi quỹ (s: sādha-na), tụng đọc Man-tra thì được các vị đó bảo hộ. Bên cạnh các vị Hộ Pháp chính thống như Ma-ha Ca-la (s: mahākāla, nghĩa là Ðại Hắc, 大黑) – được xem là một dạng xuất hiện của Quán Thế Âm – người ta còn kể thêm các vị Hộ Thế (護世; s: lokapāla), là các vị thần thệ nguyện theo Phật.
Ðối với hành giả của Kim cương thừa thì các vị Hộ Pháp chuyên trách bảo vệ họ trước những hiểm nguy và ảnh hưởng xấu liên quan đến chuyện tu học. Tuy nhiên các hành giả đó phải được chân truyền sự hỗ trợ từ vị thần bảo hộ, Hộ Thần (t: yidam) của mình. Vị Ðại Hắc (s: mahākāla), Hộ Pháp của tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) và Ðạt-lại Lạt-ma thường được trình bày như một vị thần cao lớn, da đen. Vị này có bốn trách nhiệm lớn đối với trở ngại khó khăn của người tu hành: điều phục, giúp đỡ, thu hút, huỷ diệt. Các vị Hộ Thế trong Phật giáo Tây Tạng được chinh phục – theo truyền thuyết – là nhờ công của Ðại sư Liên Hoa Sinh. Ðó là các vị thần của đạo Bôn (t: bon) đã được điều phục thành các vị phục vụ Phật pháp. Các vị đó thường là hiện thân của các lực lượng thiên nhiên. Người ta còn nhắc đến các vị Hộ Thế Tứ thiên vương. Các vị này xuất hiện từ lâu trong tranh tượng Ấn Ðộ và cũng được tôn thành Hộ Pháp.

H 27: Hộ Pháp.
2. Luận sư của Duy thức tông (s: vijñāna-vāda), sống trong thế kỉ thứ 6-7 sau Công nguyên, môn đệ của Trần-na (s: dignāga) và về sau trở thành viện trưởng của viện Na-lan-đà (s: nālandā). Sau đó Sư đến Giác Thành (bodh-gayā) và trở thành viện trưởng viện Ðại Bồ-đề (s: mahābodhi). Sư mất năm 32 tuổi. Hầu như mọi tác phẩm của Sư đều thất lạc cả.
Sư viết luận giải về Bách luận (s: śataśāstra) của Thánh Thiên (s: āryadeva), về Duy thức nhị thập tụng (s: viṃśatikāvijñap-timātratākārikā) của Thế Thân (s: va-subandhu). Tư tưởng luận giải của Sư còn được tìm thấy trong tác phẩm Thành duy thức luận của Huyền Trang. Hộ Pháp và các môn đệ nhấn mạnh tính “duy tâm” (s: citta-mātra) tuyệt đối của Duy thức học, cho rằng thế giới “không gì khác hơn là sự tưởng tượng.”
3. Hộ Pháp, Cao tăng Tích Lan (1865-1933), sáng lập hội Ðại Bồ-đề (mahābodhi society) năm 1891 nhằm phục hưng viện Ðại Bồ-đề tại Giác Thành. Sư là tăng sĩ đầu tiên của thời cận đại tự nhận mình là một người Vô gia cư (s: anāgārika; xem Khất sĩ). Năm 1925, Sư sáng lập hội Ðại Bồ-đề ở Anh, London.

Hộ Thần

Từ Điển Đạo Uyển

護神; S: sādhita, iṣṭadevatā; T: yidam; E: deity; cũng có thể gọi là Thiên thần (天神);
Thần hộ vệ người tu tập trong hệ thống Tan-tra, Vô thượng du-già; là linh ảnh biểu hiện của một Nghi quỹ (s: sādhana). Những Hộ Thần này được tạo bằng sức mạnh quán tưởng của một người tu luyện Nghi quỹ (s: sādhaka, tantrika) và chỉ có người này mới thấy được “sự sống” của linh ảnh này. Hộ Thần là hình ảnh tưởng tượng, là những “thần hỗ trợ như ý” đi theo hộ vệ người đã tạo ra họ (s: sādhaka). Khi một người tu tập tạo ra một Hộ Thần, người ta có thể hiểu rằng, người ấy muốn Hộ Thần này truyền lại tất cả những năng lượng tiềm tàng trong nghi quỹ đang được tu luyện.
Những Hộ Thần thường được nhắc đến mang tên của những Tan-tra quan trọng nhất, đó là Bí mật tập (s: guhyasamāja), Cha-kra sam-va-ra (“Người chặn đứng bánh xe”, bánh xe đây là Vòng sinh tử), Hô kim cương (s: hevajra; còn được gọi là Hê-ru-ka; t: heruka) và Thời luân (s: kālacakra). Trong tranh tượng, các vị Hộ Thần thường được trình bày dưới hai dạng, tịch tịnh (s: śānta) và phẫn nộ (s: krodha). Trong cả hai trường hợp, những vị này luôn luôn cũng được diễn tả với một nữ nhân, một Du-già-ni (s: yoginī) trong tư thế giao phối (s: yuganaddha; t: yab-yum).
Trong Kim cương thừa tại Tây Tạng, Hộ Thần là một vị thần dành riêng cho mỗi người; vị này phải phù hợp với căn cơ và tâm lí của hành giả. Hộ Thần là dạng xuất hiện của Báo thân (s: saṃbhogakāya), phải được hình dung thành linh ảnh trong các Nghi quỹ – tức là phải được nhìn bằng nội quán. Hộ Thần có thể có những hình tượng hiền từ hoặc phẫn nộ khác nhau, mỗi vị thuộc về một vị Phật trong hệ thống Ngũ Phật. Tại Tây Tạng, những vị Hộ Thần phổ biến nhất là Quán Thế Âm (t: chen-resi), vị nữ thần Ða-la (s: tārā) và những vị được truyền trong các bộ Tan-tra cực kì bí mật như “Lợn kim cương” (金鋼母豬; Kim cương mẫu trư; t: dorje phagmo).
Khác với truyền thống Tan-tra của Ấn Ðộ giáo, Phật giáo Tây tạng không xem Hộ Thần là người chuyên trách bảo vệ mình, các vị chỉ là những biểu tượng nói lên tính cách riêng của mỗi hành giả và tính cách đó chính là phương tiện để chuyển hoá tâm thức. Hộ Thần cũng là mối nối giữa hành giả và dòng tu và giáo pháp của dòng đó.
Hộ Thần cũng được chia thành nhiều loại có tên khác nhau, mỗi loại có một tính chất riêng:
Nam Hộ Thần (chủ từ bi):
hiền từ: Bà-già-phạm (s: bhagavat);
nghiêm nghị: Không hành nam (s: ḍāka);
phẫn nộ: Hê-ru-ka (s: heruka).
Nữ Hộ Thần (chủ trí huệ):
hiền từ: Bà-già-bà-đề (s: bhagavatī)
nghiêm nghị và phẫn nộ: Không hành nữ (s: ḍākinī).
Các vị Nam và Nữ Hộ Thần cũng thường được trình bày trong tư thế giao phối (Yab-yum) như vị Nam Hộ Thần Cha-kra sam-va-ra và Nữ Hộ Thần Kim Cương Bhai-ra-va (s: vajrabhairava) và từ đó phát sinh ra nhiều biểu tượng cực kì phức tạp.

Hộ Thế Giả

Từ Điển Đạo Uyển

護世者; S, P: lokapāla;
Tên gọi chung của bốn vị Thiên vương, bốn vị thần thủ hộ thế giới.

Hô-Ma

Từ Điển Đạo Uyển

呼魔 (麼); C: hūmó; J: koma;
Phiên âm chữ homa từ tiếng Phạn, Hộ-ma (護摩).

Hoá

Từ Điển Đạo Uyển

化; C: huà; J: ke;
Có các nghĩa sau: 1. Dạy dỗ, hướng dẫn (s: asādhya); 2. Điều hoà; 3. Biểu lộ thông qua sự chuyển hoá (s: nirmāṇa); 4. Tái sinh; 5. Hoá thân Phật (nirmāṇa-kāya); 6. Sự qua đời của một cao tăng.

Hoà

Từ Điển Đạo Uyển

和; C: hé; J: wa;
1. Hoà dịu, uyển chuyển, hoà nhã, mềm dẻo, ngoan ngoãn; 2. Hoà hợp, thích nghi, hoà thuận, hoà điệu (trong âm nhạc cũng như cách dùng trong thành ngữ); 3. Hài hoà, sự hoà thuận, sự hoà giải.

Hoa đạo

Từ Điển Đạo Uyển

花道; J: kadō;
Một trong những phương pháp tu luyện tâm thức xuất phát từ Thiền tông Nhật Bản. Hoa đạo ở đây có một ý nghĩa cao xa, tổng quát hơn là nghệ thuật cắm hoa, trưng bày. Hoa đạo là một phương pháp tiêu diệt ranh giới giữa chủ thể và khách thể, “Ta chính là hoa và hoa chẳng khác ta”. Ðây là một cách tu luyện rất hay cho những người có chút ít hiểu biết về thẩm mĩ.

Hoá đạo

Từ Điển Đạo Uyển

化道; C: huàdào; J: kedō;
Dạy dỗ và khuyến hoá chúng sinh, dẫn dắt họ đến bờ giải thoát.

Hoá địa Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

化地部; C: huàdì bù; J: kejibu; S: mahīśāsaka;
Một tông phái Tiểu thừa, chi nhánh của Hữu bộ (有部; s: sarvāstivāda; sthavira), hình thành 300 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Quan điểm của phái nầy rất gần với Đại chúng bộ (大衆部; s: mahāsāṃghika), đặc biệt quan điểm về quá khứ và tương lai là không có thật, chỉ có hiện tại là có thật.

Hoá độ

Từ Điển Đạo Uyển

化度; C: huàdù; J:;
Giáo hoá và đem đến sự cứu độ; hướng dẫn và khuyến khích, chuyển hoá đưa đến giải thoát (theo kinh Pháp hoa 法華經).

Hoá Độ Tự

Từ Điển Đạo Uyển

化度寺; C: huàdù sì; J: keto-ji;
Một ngôi chùa ở Trường An, trú sở của Vô tận tạng (無盡藏), một tổ chức từ thiện của trào lưu Tam giai giáo (三階教); chùa này vốn được gọi là Chân Tịch tự (眞寂寺).

Hoà Hợp

Từ Điển Đạo Uyển

和合; C: héhé; J: wagō; S: saṃgraha.
1. Hợp nhất, hoà hợp, kết hợp (s: samagra); 2. Sự kết hợp của nhân và duyên. Sự hội đủ của nhiều yếu tố trong sự tạo thành một thực thể đơn nhất; 3. Theo Duy thức tông, đó là nhiều loại tạo tác hài hoà với nhau, một trong 24 pháp Tâm bất tương ưng hành.

Hoà Hợp Thức

Từ Điển Đạo Uyển

和合識; C: héhéshì; J: wagōshiki;
Được đề cập trong Đại thừa khởi tín luận. Có nghĩa A-lại-da thức là nơi của bất khả tư nghì nhiễm tịnh, của ngộ và mê.

Hoà Hợp Tính

Từ Điển Đạo Uyển

和合性; C: héhé xìng; J: wagō shō; S: sāma-grī.
Theo giáo lí của tông Duy thức, đó là một trong 24 pháp Tâm bất tương ưng hành. Đề cập đến sự thiết yếu của vô số nguyên nhân kết hợp trong mối tương quan nhân quả. Vì để cho một vật hiện hữu thì phải có sự kết hợp của vô số nguyên nhân.

Hoá Lạc Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

化樂天; C: huàlètiān; J: kerakuten;
Tầng trời thứ 5 của Lục dục thiên (六欲天). Một cõi mà sinh thể ở đó có thể trực tiếp biến hoá những đối tượng tạo khoái lạc cho chính mình. Còn gọi là Lạc biến hoá thiên (樂變化天).

Hoà Nam

Từ Điển Đạo Uyển

和南; C: hénán; J: wanan;
Sự chào kính. Lễ bái.

Hoá Nghi

Từ Điển Đạo Uyển

化儀; C: huàyí; J: kegi;
Phương pháp, hình thức của giáo lí đạo Phật.

Hoa Nghiêm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

華嚴經; S: avataṃsaka-sūtra;
Tên ngắn của Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh

Hoa Nghiêm Tông

Từ Điển Đạo Uyển

華嚴宗; C: huáyán-zōng; J: kegon-shū;
Một tông quan trọng của đạo Phật Trung Quốc, lấy Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (s: buddhāvataṃsaka-sūtra) làm giáo lí căn bản. Tông này do Pháp sư Hiền Thủ Pháp Tạng (賢首法藏; 643-712) thành lập. Trước đó, hai vị Ðế Tâm Ðỗ Thuận (帝心杜順; 557-640) và Vân Hoa Trí Nghiễm (雲華智儼; 602-668) đã nghiên cứu thành lập tông chỉ nên được xem là Sơ tổ và Nhị tổ của tông này. Về sau có Pháp sư Thanh Lương Trừng Quán (清涼澄觀; 737-820) phát triển mạnh phái này, được xem là một hiện thân của Văn-thù (s: mañjuśrī). Tổ thứ năm của Hoa nghiêm là Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密; 780-841), một Ðại sư kiêm Thiền sư xuất sắc. Năm 740, Hoa nghiêm tông được Thẩm Tường (審祥) truyền qua Nhật.
Chủ trương của tông này là xem mọi vật đều bình đẳng, mọi vật đều liên hệ lẫn nhau. Giáo pháp này được gọi là “nhất thể” – vì Hoa nghiêm quan niệm rằng tất cả đều từ Một mà ra và mọi hiện tượng chẳng qua là dạng xuất hiện của cái Một đó. Ðó là các hiện tượng của Pháp giới (法界; s: dharma-dhātu), chúng cùng xuất hiện đồng thời. Tất cả các Pháp (s: dharma) đều có 6 đặc trưng (六相; Lục tướng) trong ba cặp đối xứng là toàn thể và riêng biệt; giống nhau và khác biệt; hoà nhập và riêng tư. Dạng tĩnh của Chân như (真如; s: tathatā) là tính Không (空; s: śūnyatā), tức là Lí (理), dạng động là Sự (事). Lí và Sự tương tác qua lại với nhau mà sinh ra toàn thể vạn vật.
Giáo pháp của Hoa nghiêm tông xuất phát từ quan niệm cho rằng, tất cả đều từ Pháp thân mà ra, mọi pháp trong thế gian đều phụ thuộc lẫn nhau, không có pháp nào tồn tại độc lập.
Tất cả mọi pháp đều trống rỗng, hai mặt của Không đó là tĩnh (lí) và động (sự) đều cùng lúc tồn tại, xuyên suốt vào nhau, không ngăn ngại; mỗi hiện tượng đều đồng nhất với hiện tượng khác. Quan điểm này được Pháp Tạng trình bày qua một ẩn dụ nổi tiếng: con sư tử vàng. Sư tử biểu hiện cho thế giới hiện tượng (Sự). Vàng là lí, vàng không có một dạng riêng tư, phải xuất hiện dưới một dạng nhất định, nhưng dạng nào cũng được. Mỗi một bộ phận của con sư tử đều bằng vàng. Trong mỗi bộ phận đều có cái toàn thể và ngược lại, cái toàn thể hiện lên trong mỗi bộ phận. Mỗi hiện tượng đều là thể hiện của một cái lí duy nhất và mỗi hiện tượng nói lên tất cả mọi thứ khác. Vàng và sư tử hiện diện đồng thời, phụ thuộc lẫn nhau, bao hàm lẫn nhau. Pháp Tạng cho rằng mọi hiện tượng trong thế gian đều diễn tả cái lí đó.
Hoa nghiêm tông xem mọi sự trong thế gian được bao gồm trong bốn loại Pháp giới (Tứ pháp giới) và sáu dạng xuất hiện (lục tướng). Tứ pháp giới gồm có: 1. Sự pháp giới (事法界): thế giới của mọi hiện tượng thông thường; 2. Lí pháp giới (理法界): thể chung của nguyên lí, của tự tính tuyệt đối; 3. Lí sự vô ngại pháp giới (理事無礙法界): chỉ mối liên hệ giữa hiện tượng và bản thể, sinh thành lẫn nhau, đại diện cho nhau không hề chướng ngại; 4. Sự sự vô ngại pháp giới (事事無礙法界): chỉ sự vật tuy thiên hình vạn trạng nhưng “ăn khớp” lẫn nhau, dựa lên nhau mà có.
Lục tướng là sáu mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái riêng lẽ trên ba mặt Thể, Tướng, Dụng, được Pháp Tạng giải thích như sau: 1. Tổng tướng (總相): toàn bộ các chi tiết làm thành một tướng trạng thống nhất, ở đây được ví như toàn con sư tử; 2. Biệt tướng (別相): nói về các phần nhỏ của một Tổng tướng, các chi tiết đó đều khác với Tổng tướng, mỗi mỗi bộ phận đều có chức năng khác hẳn với Tổng tướng; Hai dạng “Tổng biệt” nói về mối tương quan về mặt nguyên lí giữa cái đơn lẽ và cái toàn thể (體; Thể); 3. Ðồng tướng (同相): tuy các bộ phận khác nhau nhưng chúng lại hoà trong một Tổng tướng, liên hệ qua lại chặt chẽ với nhau; 4. Dị tướng (異相): các bộ phận khác nhau là khác nơi tướng trạng của chúng; hai dạng “Ðồng dị” này nói về mối tương quan nơi mặt tướng trạng giữa bộ phận và toàn thể (Tướng); 5. Thành tướng (成相): sự kết hợp giữa các bộ phận để thành tổng thể; 6. Hoại tướng (壞相): mỗi bộ phận tuy là một phần của tổng thể nhưng lại có thế giới và nơi chốn riêng biệt của mình; hai dạng “Thành hoại” chỉ rõ mối liên hệ của toàn thể và cái đơn lẽ trong hoạt động và tác dụng của chúng (Dụng 用).
Tương tự như tông Thiên Thai, tông Hoa nghiêm cũng chia giáo pháp Phật Thích-ca ra nhiều thời kì, đó là năm thời giáo: 1. Thời giáo Tiểu thừa, nội dung giáo pháp chứa đựng trong các kinh A-hàm; 2. Thời giáo đầu của Ðại thừa, đó là giáo pháp của Pháp tướng tông và Tam luận tông, xem mọi pháp đều Không vì chúng dựa trên nhau mà có; 3. Thời giáo Ðại thừa đích thật là giáo pháp của Thiên Thai tông, xem mọi pháp đều là Không, nhưng chấp nhận sự trình hiện của chúng trên mặt tương đối; 4. Ðốn giáo, là giáo pháp đạt được do sự đốn ngộ mà ra, đó là trình độ của Thiền tông; 5. Viên giáo Ðại thừa, là giáo pháp của Hoa nghiêm tông.
Giáo pháp của Hoa nghiêm tông có một điểm quan trọng khác với các trường phái Ðại thừa còn lại: tông Hoa nghiêm chuyên nghiên cứu mối liên hệ giữa hiện tượng và hiện tượng, chứ không phải giữa hiện tượng và bản thể. Tông này cho rằng mọi hiện tượng đều tồn tại hoà hợp với nhau, tại vì chúng là phát biểu của một bản thể duy nhất. Chúng như những đợt sóng của một biển duy nhất. Vì thế mọi thế giới và mọi hiện tượng trong mỗi thế giới là hiện thân của một thật thể cao nhất và đồng một thể với Phật tính.
Hoa nghiêm tông (j: kegon-shū) Nhật Bản dựa trên giáo lí của Hoa nghiêm tông Trung Quốc, được Thẩm Tường (審祥; c: shěn-xiáng; j: shinshō) truyền qua Nhật năm 740. Ðại sư người Nhật đầu tiên của tông Hoa nghiêm là Lương Biện (良辨; j: roben, 689-772).
Thánh Vũ Thiên hoàng (j: shōmu, 724-748) là người muốn trị nước theo nguyên công án của tông Hoa nghiêm. Ông cho xây Ðông Ðại tự ở Nại Lương (nara), sau đổi tên là chùa Hoa nghiêm, trong đó có một tượng Phật Ðại Nhật (vairocana). Ngày nay chùa này vẫn là một trung tâm của Hoa nghiêm tông Nhật Bản. Hoa nghiêm tông đóng một vai trò quan trọng trong nền triết lí Phật giáo tại Nhật và kinh Hoa nghiêm được diễn giải để bảo vệ cho quan điểm thống nhất quốc gia.

Hoá Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

化生; C: huàshēng; J: keshō; S: upapāduka-yoni.
Có các nghĩa sau: 1. Sinh ra một cách tự nhiên, tự mình sinh ra; 2. Sinh ra một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Chúng sinh đột nhiên sinh ra một nơi nào đó, chẳng hạn, sự xuất hiện của loài ma; 3. Khác với các cách sinh khác (như noãn sinh 卵生, thai sinh 胎生, thấp sinh 濕生), loài chúng sinh sinh ra mà không có nguồn gốc đặc trưng. Đặc biệt liên quan đến giai đoạn trung gian sau khi chết (Trung hữu), khi chúng sinh hoá thân thành thần (a-tu-la), chư thiên và ngạ quỷ… Một trong Bốn cách sinh của các sinh thể (tứ sinh 四生).

Hoá Tác

Từ Điển Đạo Uyển

化作; C: huàzuò; J: kesa;
Có hai nghĩa: 1. Tạo ra bằng một năng lực khác thường; 2. Sự thị hiện sắc thân trong tình huống thích hợp của chư Phật và Bồ Tát để giáo hoá chúng sinh.

Hoà Tán

Từ Điển Đạo Uyển

和讚; J: wasan; nghĩa là “bài ca tán thán”;
Một một dạng tán tụng trong Thiền tông, trong đó Phật, Bồ Tát, các vị Tổ sư và các chủ đề thuộc Phật giáo khác được ca ngợi, tán thán. Một bài hoà tán nổi danh là Bạch Ẩn Thiền sư toạ thiền hoà tán, trong đó, sư Bạch Ẩn ca ngợi phương pháp Toạ thiền theo Ðại thừa để trực nhận được chân tính thanh tịnh.

Hoá Thân

Từ Điển Đạo Uyển

化身; C: huàshēn; J: keshin; S: nirmāṇa-kāya; còn gọi là Ứng hoá thân (應化身) hoặc Ứng thân (應身);
1. Thân nhất thời của Đức Phật. Thân thị hiện. Còn gọi là Biến hoá thân (變化身). Thân thị hiện bằng năng lực thần thông. Một trong Ba thân (三身) của đức Phật. Thân biến hoá của Phật ứng hợp sắc tướng của chúng sinh để giáo hoá và cứu độ. Còn được gọi là Ứng thân (應身; e: response body); 2. Khi Hoá thân và Ứng thân thuộc dạng siêu việt, thì Ứng thân được xem là biểu hiện của những vị có công hạnh tu tập siêu xuất, trong khi đó Hoá thân là thị hiện của những vị có công hạnh tu tập thấp hơn, hoặc dùng cho loài Phi nhân (e: non-human); 3. Theo giáo lí Tiểu thừa, Khi một vị Phật nhập niết-bàn cũng được gọi là “Hoá Phật”; 4. Phật Thích-ca Mâu-ni, thân của Phật Thích-ca Mâu-ni.

Hoa Thị Thành

Từ Điển Đạo Uyển

華氏城; S: pāṭaliputra; P: pāṭaliputta;
Một thành phố cổ của Ấn Ðộ, ngày nay là Patna. Dưới thời A-dục vương, Hoa Thị thành là kinh đô của xứ Ma-kiệt-đà (s, p: magadha) và là nơi hội nghị Kết tập lần thứ ba được tổ chức.

Hoà Thượng

Từ Điển Đạo Uyển

和尚 (上); S: upādhyāya; P: upajjhāya; C: héshàng; J: ōshō; dịch âm Hán Việt là Ưu-ba-đà-la, Ô-ba-đà-na (鄔波駄耶)
1. Là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa-di hoặc Tỉ-khâu, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực Sinh. Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Ðộ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng-già, đó là Hoà thượng và A-xà-lê (hoặc Giáo thụ; s: ācārya; p: ārcāriya). Hoà thượng là người dạy các đệ tử biết trì Giới, thực hành nghi lễ, và vị Giáo thụ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách. Vì thế mà danh từ Hoà thượng đồng nghĩa với từ Luật sư hoặc Giới sư trong thời này.
2. Vị trú trì; Tăng sĩ Phật giáo; Ở Nhật Bản, từ nầy được phát âm theo nhiều cách khác nhau: Thiền tông gọi là ōshō, Thiên thai tông gọi là kashō, Chân ngôn tông gọi là washō.
Tại Ðông và Nam Á, danh hiệu Hoà thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cả vị A-xà-lê. Muốn mang danh hiệu này một vị tăng phải đạt được những tiêu chuẩn đạo đức, thời gian tu tập (tuổi hạ)…. và danh hiệu này được ban trong một buỗi lễ long trọng. Danh từ này sau cũng được dùng chỉ những vị tăng cao tuổi, trụ trì một ngôi chùa và có đức hạnh, tư cách cao cả mặc dù chưa được chính thức phong hiệu.
Danh hiệu “Ðại Hoà thượng” cũng thường được sử dụng trong Thiền tông để chỉ những vị Thiền sư. Theo những nghi thức tụng niệm trong một Thiền viện tại Nhật Bản, thiền sinh phải tưởng niệm đến hệ thống truyền thừa từ Phật Thích-ca Mâu-ni đến vị Lão sư (j: rōshi) đang trụ trì và tụng danh hiệu của chư vị. Tên của chư vị thường được gài thêm danh hiệu “Ðại Hoà thượng” phía sau để tăng thêm vẻ uy nghiêm.

Hoà-Già-La

Từ Điển Đạo Uyển

和伽羅; C: héqiéluó; J: wagara; S: vyākaraṇa.
Phiên âm chữ vyākaraṇa từ tiếng Phạn, một trong 12 thể loại của Kinh điển Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經), nghĩa là báo trước sự chứng ngộ của đệ tử từ Đức Phật. Hán dịch là Thụ kí (授記).

Hoà-Già-La-Na

Từ Điển Đạo Uyển

和伽羅那; C: héqiéluónà; J: wakarana;
Phiên âm chữ vyākaraṇa từ tiếng Phạn,, nghĩa là báo trước sự chứng ngộ của đệ tử từ Đức Phật. Hán dịch là Thụ kí (授[受] 記). Một trong 12 thể loại của Kinh điển Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經)

Hoà-La-Na

Từ Điển Đạo Uyển

和羅那; C: héluónà; J: éwarana;
Phiên âm chữ vyākaraṇa từ tiếng Phạn, nghĩa là báo trước sự chứng ngộ của đệ tử từ Đức Phật. Hán dịch là Thụ kí (授[受] 記). Một trong 12 thể loại của Kinh điển Phật giáo (Thập nhị bộ kinh 十二部經)

Hoà-Luân

Từ Điển Đạo Uyển

和輪; C: hélún; J: warin;
Phiên âm chữ Varuṇa từ tiếng Phạn. Xem Thuỷ thiên.

Hoà-Tu Mật-đa

Từ Điển Đạo Uyển

和須蜜多; C: héxūmìduō; J: washumitta;
Phiên âm tên Vasumitra, Hán dịch là Thế Hữu.

Hoà-Tu-Cát

Từ Điển Đạo Uyển

和修吉; C: héxiūjí; J: washukitsu; S: vāsuki
Một loại vua rồng 9 đầu thường đi quanh núi Tu-di bắt rồng con để ăn.

Hoại

Từ Điển Đạo Uyển

壞; C: huài; J: e, kai;
Có các nghĩa sau: 1. Tiêu tan, hư hoại, huỷ diệt, xoá sạch. Biến đổi và hoại diệt (s: nāśā, hāni, bheda, vigayama, nāśana); 2. Sự hoại diệt một cõi giới; 3. Sự phá huỷ, sự sụp đổ (s: vināśayati); 4. Hoại diệt trên lí thuyết (s: hata).

Hoại Khổ

Từ Điển Đạo Uyển

壞苦; C: huàikŭ; J: eku;
Sự đau khổ con người trải qua khi đánh mất những thứ mình đã gắn bó. Nói chung là đau khổ vì sự hoại diệt.

Hoan

Từ Điển Đạo Uyển

歡; C: huān; J: kan;
1. Vui lòng, sung sướng, niềm vui; 2. Sự thân tình.

Hoan Hỉ

Từ Điển Đạo Uyển

歡喜; C: huānxǐ; J: kanki;
1. Niềm vui, sự hân hoan, hạnh phúc. Niềm vui phát sinh do thành tựu công hạnh tu tập, làm thăng hoa con người; 2. Giai vị đầu tiên trong Thập địa của hàng Bồ Tát (s: pramuditā), được giải thích rộng trong phẩm Thập địa của kinh Hoa Nghiêm. Trong phẩm nầy, Đức Phật định nghĩa “hoan hỉ” là “tăng trưởng niềm tin; tin và hiểu một cách trong sáng; thành tựu lòng từ bi; trang nghiêm thân bàng pháp sám hối; có lòng khoan dung; gieo trồng thiện căn không ngưng nghỉ; tam không chấp trước; không tham lợi dưỡng, không mong cầu được cung kính tôn trọng; không đắm trước cuộc sống gia đình của cải, vui thích tìm cầu trí thức viên mãn; xa lìa luống dối hư vọng; thực hành đúng với lời nói; không làm theo những gì thế gian mong muốn”. Như vây, “hoan hỉ” có nghĩa là chân chính tu tập các đức hạnh; 3. Hoan hỉ khi nhập vào Tịnh độ; 4. Tên cõi Đức A-súc-bệ Như Lai đang giáo hoá (Hoan hỉ quốc 歡喜國).

Hoan Hỉ địa

Từ Điển Đạo Uyển

歡喜地; C: huānxǐdì; J: kankiji; S: pramu-ditā.
Giai vị đầu tiên trong Thập địa của hàng Bồ Tát. Còn gọi là Cực hỉ địa (極喜地).

Hoan Hỉ Quốc

Từ Điển Đạo Uyển

歡喜國; C: huānxǐ guó; J: kanki koku;
Cõi nước đầy niềm vui. Một trong các tên gọi cõi Tịnh độ của A-súc-bà Như Lai (阿閦婆, s: akṣobhya-tathāgata). Còn gọi là Diệu hỉ (妙喜).

Hoàng Bá Hi Vận

Từ Điển Đạo Uyển

黃蘖希運; C: huángbò xīyùn; J: ōbaku kiun; ?-850;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những ngôi sao sáng chói nhất của Thiền tông đời Ðường. Sư là Pháp tự của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải và là thầy của Lâm Tế Nghĩa Huyền, người đã sáng lập dòng thiền Lâm Tế được truyền cho đến ngày nay. Sư có 13 môn đệ đắc pháp. Tướng quốc Bùi Hưu có cơ duyên được học hỏi nơi Sư và để lại hậu thế quyển sách quý báu với tên Hoàng Bá Sơn Ðoạn Tế Thiền sư truyền tâm pháp yếu, được gọi tắt là Hoàng Bá truyền tâm pháp yếu. Những lời dạy của Sư trong sách này là những nguồn cảm hứng sâu đậm nhất trong thiền ngữ.
Sư người tỉnh Mân (Phúc Kiến), Hồng Châu, thuở nhỏ xuất gia trên núi Hoàng Bá. Sư cao lớn vạm vỡ, trên trán có cục u như hạt châu, âm thanh trong trẻo, ý chí đạm bạc. Ban đầu nghe danh Mã Tổ, Sư muốn đến học đạo, nhưng khi đến nơi thì Tổ đã tịch. Sau đó Sư đến yết kiến Bách Trượng. Bách Trượng hỏi: “Chững chạc to lớn từ đâu đến?” Sư thưa: “Chững chạc to lớn từ Lĩnh Nam đến.” Bách Trượng lại hỏi: “Chững chạc to lớn sẽ vì việc gì?” Sư đáp: “Chững chạc to lớn chẳng vì việc khác” và lễ bái, hỏi: “Từ trước tông thừa chỉ dạy thế nào?” Bách Trượng lặng thinh. Sư thưa: “Không thể dạy người sau, dứt hẳn mất.” Bách Trượng bảo: “Sẽ nói riêng với ngươi.” Bách Trượng đứng dậy đi vào phương trượng, Sư đi theo sau thưa: “Con đến riêng một mình.” Bách Trượng bảo: “Nếu vậy ngươi sau sẽ không cô phụ ta.”
Một hôm Bách Trượng bảo chúng: “Phật pháp không phải là việc nhỏ, lão tăng xưa bị Mã Tổ quát một tiếng, đến ba ngày vẫn còn ù tai.” Nghe như vậy, Sư bỗng ngộ yếu chỉ, bấc giác le lưỡi.
Bách Trượng hỏi Sư: “Ở đâu đến?” Sư thưa: “Nhổ nấm núi Ðại Hùng đến.” Bách Trượng hỏi: “Lại thấy đại trùng (con cọp) chăng?” Sư làm tiếng cọp rống, Bách Trượng càm búa thủ thế. Sư tát Bách Trượng một cái, Bách Trượng cười to bỏ đi. Sau, Bách Trượng thượng đường bảo chúng: “Dưới núi Ðại Hùng có con đại trùng, các ngươi nên xem. Lão tăng hôm nay đích thân gặp và bị nó cắn.” Với lời này, Bách Trượng đã công nhận Sư là người nối pháp.
Sau Sư về trụ trì chùa Ðại An ở Hồng Châu. Học giả tìm đến rất đông. Chỗ chỉ dạy của Sư đều nhằm bậc thượng căn, hạ và trung khó hội được yếu chỉ.
Sư thượng đường: “… Người học Ðạo hễ có một niệm vọng tâm là xa Ðạo, ấy là điều tối kị. Hết thảy mọi niệm đều vô tướng, đều vô vi, tức là Phật. Người học Ðạo nếu muốn thành Phật thì hết thảy Phật pháp đều không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là chỉ đối trị với tám vạn bốn ngàn phiền não, đấy chỉ là Pháp môn giáp hoá tiếp dẫn. Vốn không có pháp nào, sự lìa bỏ chính là Pháp, người biết lìa bỏ chính là Phật. Chỉ cần lìa bỏ mọi phiền não thì không còn pháp gì để chứng đắc cả…. Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm. Tâm, cảnh đều quên chính là pháp chân thật. Quên cảnh thì dễ, quên tâm thật khó. Người ta không dám quên tâm, sợ rơi vào hư không không chỗ nắm níu, chứ không biết rằng, Không vốn vô không, chỉ một Pháp giới chân thật mà thôi vậy.”
Có vị tăng hỏi: “Làm thế nào để khỏi bị rơi vào giai cấp của quả vị?” Sư đáp: “Chỉ cần suốt ngày ăn cơm mà chưa từng cắn một hạt gạo, suốt ngày đi mà chưa từng đạp một mảnh đất. Ngay khi ấy không có tướng ngã tướng nhân nào, suốt ngày không rời một việc nào cả, không bị cảnh mê hoặc, thế mới gọi là người tự tại. Bất cứ lúc nào, bất cứ niệm nào cũng không bao giờ thấy một tướng nào cả. Ðừng cố chấp ba thời trước sau! Chặp trước không đi, chặp nay không đứng, chặp sau không đến. An nhiên vững ngồi, nhiệm vận không câu chấp, thế mới gọi là giải thoát.
Hãy cố lên! Hãy cố lên! Trong pháp môn này, ngàn người vạn người, chỉ được dăm ba. Nếu không nỗ lực công phu, ắt có ngày gặp tai ương. Cho nên nói:
Ra sức đời này cho liễu ngộ
Hoạ kia kiếp kiếp há mang hoài?…”
Ðời Ðường khoảng niên hiệu Ðại Trung, Sư tịch tại núi Hoàng Bá. Vua sắc phong là Ðoạn Tế Thiền sư. Sư để lại bài kệ sau để khuyến khích chúng (Trần Tuấn Mẫn dịch):
學道猶如守禁城。緊把城頭戰一場
不受一番寒徹骨。怎得梅花撲鼻香
Học đạo do như thủ cấm thành
Khẩn bả thành đầu chiến nhất trường
Bất thụ nhất phiên hàn triệt cốt
Chẩm đắc mai hoa phác tị hương
*Vượt khỏi trần lao việc chẳng thường
Ðầu dây nắm chặt giữ lập trường
Chẳng phải một phen sương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.

Hoàng Bá Tông

Từ Điển Đạo Uyển

黃檗宗; J: ōbaku-shū;
Một nhánh thiền thứ ba của Thiền tông Nhật Bản song song với hai nhánh lớn khác là Lâm Tế (j: rinzai) và Tào Ðộng (s: sōtō). Nhánh này bắt nguồn từ Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kì (j: ingen ryūki), người sáng lập Thiền viện chính của tông này là Vạn Phúc tự (j: mampuku-ji) giữa thế kỉ 17 tại Uji, Kinh Ðô (j: kyōto). Hoàng Bá tông là một nhánh của tông Lâm Tế, nhìn chung thì không gây ảnh hưởng bao nhiêu trong truyền thống Thiền của Nhật.
Thiền sư Ẩn Nguyên nguyên là vị trụ trì của Vạn Phúc tự – một Thiền viện nằm trên núi Hoàng Bá (s: ōbaku-san) tại Trung Quốc. Năm 1654, Sư sang Nhật hoằng hoá và chỉ bảy năm sau đó, Tướng quân Ðức Xuyên Gia Cương (j: tokugawa tsunayoshi) đem đất ban cho sư để thành lập một thiền viện theo kiến trúc đời nhà Minh. Sư đặt tên cho thiền viện này là Hoàng Bá Sơn Vạn Phúc tự. Thiền sư Mộc Am Tính Thao (j: mokuan shōtō), một đệ tử đồng hương của Ẩn Nguyên kiến lập một thiền viện khác với tên Thuỵ Thánh tự (j: zuishō-ji) tại Ðông Kinh (j: tōkyō) năm 1671, một thiền viện có công rất nhiều trong việc truyền bá Thiền tông tại đây. Tất cả 13 vị kế thừa trụ trì thiền viện này – kể từ Ẩn Nguyên, Mộc Am – đều là người Trung Quốc, vị thứ 14 mới là người Nhật đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Dòng này được chính thức công nhận là một tông phái năm 1876.
Tông này được sáng lập như một trường phái riêng biệt tại Nhật, không phải tại Trung Quốc và tên của tông này không có quan hệ gì đến Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận, thầy của Lâm Tế.

Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu

Từ Điển Đạo Uyển

黃蘗傳心法要; nguyên tên là Hoàng Bá Sơn Ðoạn Tế Thiền sư truyền tâm pháp yếu;
Một quyển sách nói về cuộc đời hoằng hoá của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận và các lời dạy của Sư, được môn đệ là Tướng quốc Bùi Hưu ghi lại.

Hoàng Long Huệ Nam

Từ Điển Đạo Uyển

黃龍慧南; C: huánglóng huìnán; J: ōryo e’nan; 1002-1069;
Thiền sư Trung Quốc, Khai tổ hệ phái Hoàng Long thuộc tông Lâm Tế. Sư là môn đệ xuất sắc của Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh). Kế thừa Sư có hai vị danh tiếng, đó là Hối Ðường Tổ Tâm và Bảo Phong Khắc Văn.
Sư họ Chương tên Huệ Nam, quê ở Học Sơn Tín Châu. Thuở bé đã thâm trầm, có tướng đại nhân, không ăn thịt cá. Năm 11 tuổi, Sư xuất gia học với nhiều thầy nhưng sau nhiều năm tu luyện vẫn còn mù mịt. Một hôm, có vị Thiền sư tên Vân Phong Văn Duyệt đến bảo Sư: “Thiền sư Hoài Trừng tuy là con cháu Vân Môn nhưng pháp đạo còn khác xa Vân Môn.” Sư hỏi: “Khác ở chỗ nào?” Văn Duyệt đáp: “Vân Môn như đơn sa đã chín phen luyện, để vào sắt liền biến thành vàng; Hoài Trừng như dược hống ngân, nhìn thấy đẹp mắt mà để vào lò liền chảy.” Nghe thầy mình bị chê Sư nổi giận cầm chiếc gối ném Văn Duyệt. Văn Duyệt xin lỗi lại nói: “Chí khí Vân Môn như vua, cam chịu ngữ tử sao? Hoài Trừng có pháp dạy người là tử ngữ. Tử ngữ mà hay làm người sống được sao?” Nói xong Văn Duyệt bỏ đi. Sư kéo lại nói: “Nếu vậy thì ai hợp ý thầy?” Văn Duyệt bảo: “Thạch Sương Sở Viên thủ đoạn vượt cả mọi nơi, thầy muốn yết kiến thì không nên chậm trễ.” Sư bèn khăn áo lên đường. Ði giữa đường, Sư nghe đồn Thạch Sương mỗi việc đều lừa đảo thiền sinh, liền thối chí không đến Thạch Sương, ở lại chùa Phúc Nghiêm giữ chức thư kí, học nơi Thiền sư Hiền. Chợt Thiền sư Hiền tịch, quận thú mời Thạch Sương đến trụ trì. Nghe Thạch Sương luận nói chê các nơi mỗi điều thuộc tà giải, Sư nhớ lại lời của Văn Duyệt lúc bình nhật rất đúng, bèn thay đổi quan niệm, tự nhủ: “Ðại trượng phu thâm tâm nghi ngờ hoài sao?”
Sư đến Thạch Sương cầu xin yếu chỉ. Thạch Sương cười bảo: “Thư kí lĩnh đồ chúng và du phương, nếu còn có nghi ngờ thì chẳng cần phải khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.” Thạch Sương gọi thị giả đem ghế mời ngồi. Sư từ chối và thành khẩn yêu cầu chỉ dạy. Thạch Sương hỏi: “Thư kí học thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: ›Tha Ðộng Sơn ba gậy.‹ Ðộng Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh?” Sư thưa: “Nên đánh.” Thạch Sương nghiêm nghị bảo: “Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu trống đánh… cũng nên ăn ba gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi?” Sư nghe vậy chẳng biết nói gì, Thạch Sương lại bảo: “Ta lúc đầu nghi không thể làm thầy ông, giờ đây đã đủ tư cách. Ông hãy lễ bái đi.” Sư lễ bái xong đứng dậy. Thạch Sương nhắc lời trước: “Triệu Châu thường nói: ›Bà già ở Ðài Sơn bị ta khám phá.‹ Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì thử chỉ chỗ khám phá xem?” Sư mặt nóng hực, mồ hôi toát ra, không biết đáp thế nào, bị Thạch Sương đuổi ra. Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Thạch Sương mắng chửi tiếp. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói: “Chính vì chưa hiểu câu quyết nghi, mắng chửi đâu phải là quy củ từ bi thí pháp.” Thạch Sương cười nói: “Ðó là mắng chửi sao?” Nhân câu này, Sư đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ. Năm ấy Sư được 35 tuổi.
Sư ở trong thất thường hỏi tăng ba câu, được người sau gọi là Hoàng Long tam quan ngữ:
1. “Người người trọn có sinh duyên, Thượng toạ sinh duyên chỗ nào?”;
2. Lúc vấn đáp qua lại, Sư duỗi tay nói: “Tay ta sao giống tay Phật?”;
3. Hỏi chỗ sở đắc của các vị tông sư, Sư liền duỗi chân nói: “Chân ta sao giống chân lừa?”
Sư lấy ba câu này hỏi hơn ba mươi năm. Nếu có người đáp thì Sư không nói phải chẳng phải, khép mắt ngồi thẳng, không ai lường ý. Có người hỏi lí do, Sư đáp: “Ðã ra khỏi cửa thì lay tay đi thẳng, chẳng cần biết có kẻ gác cửa. Từ người gác cửa hỏi phải chẳng phải, ấy là người chưa qua khỏi cửa vậy.”
Sư trụ tại Hoàng Long, môn đệ tấp nập. Ðến niên hiệu Hi Ninh năm thứ hai, ngày 17 tháng 3, Sư thị tịch, thọ 68 tuổi, được 50 tuổi hạ.

Hoàng Long Phái

Từ Điển Đạo Uyển

黃龍派; C: huánglóng-pài; J: ōryo-shū;
Một trong hai nhánh được phân ra sau Thiền Sư Thạch Sương Sở Viên trong tông Lâm Tế do Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam khai sáng. Nhánh thứ hai là phái Dương Kì do Dương Kì Phương Hội Thiền sư sáng lập (Ngũ gia thất tông).
Hoàng Mai Hoằng Nhẫn 黃梅弘忍; C: huángméi hóngrěn; J: ōbai gunin;
Ngũ tổ Hoằng Nhẫn

Hoằng Nhẫn

Từ Điển Đạo Uyển

弘忍; C: hóngrěn; J: gunin;
Tổ thứ 5 của Thiền tông Trung Quốc. Sư có hai vị kế thừa xuất sắc, đó là Lục tổ Huệ Năng và Thần Tú. Tương truyền rằng, Sư yết kiến Tứ tổ Ðạo Tín năm 14 tuổi và đã chứng tỏ trí huệ sâu xa của mình.
Sư quê ở Kì Châu, đồng hương với Tứ tổ. Một hôm Tứ tổ qua huyện Hoàng Mai, giữa đường gặp Sư, lúc bấy giờ còn là một đứa trẻ với thần sắc khác thường. Tổ hỏi: “Danh tính (姓) là chi?” Sư đáp: “Có tính, nhưng chẳng phải tính (性) thường.” Tổ hỏi: “Là tính chi?” Sư đáp: “Phật tính.” Tổ hỏi vặn lại: “Con không có tính sao?” Sư thưa: “Nhưng tính vốn Không.” Tổ lặng im Ấn chứng.
Sau khi Tứ tổ qua đời, Sư thành lập một thiền viện trên núi Hoàng Mai. Nơi đây xảy ra chuyện truyền y bát cho Huệ Năng và sự phân chia của Thiền tông ra Nam thiền Bắc thiền, biểu hiệu của một bước ngoặt lớn trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc.

Hoằng Trí Chính Giác

Từ Điển Đạo Uyển

宏智正覺; C: hóngzhì zhèngjué; J: wanshi shō-gaku; 1091-1157;
Thiền sư Trung Quốc đời thứ mười dòng Tào Ðộng, môn đệ của Thiền sư Ðan Hà Tử Thuần. Ðời sau còn nhớ đến Sư qua những cuộc tranh luận (với tinh thần bằng hữu) với Thiền sư Ðại Huệ Tông Cảo về phương pháp tu tập của hai dòng Tào Ðộng và Lâm Tế (Mặc chiếu thiền, Khán thoại thiền). Trước khi tịch, Sư nhờ Ðại Huệ hoàn tất tập Công án Thong dong lục. Ðiều đó cho thấy rằng, quan niệm của hai tông không có khác biệt quá đỗi như các môn đệ sau tìm cách chứng minh.
Sư họ Lí, quê ở Thấp Châu, xuất gia năm 11 tuổi và thụ giới cụ túc năm 14. Năm 18 tuổi, Sư đi du phương, nói với ông nội rằng “Nếu con không phát minh việc lớn, thề không trở về.” Ðến tham vấn Ðan Hà, Ðan Hà hỏi: “Thế nào là chính mình trước không kiếp?” Sư thưa: “Con ếch nuốt trăng nằm đáy giếng, canh ba chẳng mượn cuốn rèm lên.” Ðan Hà bảo: “Chưa phải, nói lại.” Sư suy nghĩ, Ðan Hà liền đánh một Phất tử, nói: “Lại nói chẳng mượn.” Sư ngay lời này đại ngộ, làm lễ bái.
Sư làm thư kí nơi Ðan Hà được bốn năm, sau dời về Viên Thông. Thiền sư Chân Yết Thanh Liễu sai tăng đi rước Sư. Chúng ra đón thấy y phục Sư rách rưới đều lấy làm lạ. Chân Yết liền sai thị giả đổi giày mới cho Sư. Sư bảo: “Tôi vì giày mà đến sao?” Chúng nghe được đều hết lòng kính phục.
Sư trụ trì được cúng không mừng, cho ra không chán, thường quá ngọ không ăn. Trước khi tịch, Sư tắm gội mặc y phục ngồi ngay thẳng nói chuyện với đại chúng. Sư sai vị tăng hầu đem bút viết thư, để lại cho Thiền sư Ðại Huệ Tông Cảo việc thỉnh người kế thừa. Thư kệ rằng:
Mộng huyễn không hoa
Sáu mươi bảy năm
Chim trắng khói lặn
Nước thu tiếp trời
Sư ném bút liền tịch, thọ 67 tuổi. Vua sắc phong là Hoằng Trí.

Hoành

Từ Điển Đạo Uyển

横; C: héng; J: ō;
1. Đường nằm ngang, ngang, bề ngang, bề rộng; 2. Nằm xuống, trải ra, đặt ngang qua; 3. Choán đầy, làm đầy; tắc nghẽn, dừng lại; 4. Thoải mái, thanh thản; 5. Tinh quái, xấu ác, sai lầm, ngang bướng, quá đáng, không tự nhiên; 6. Như là điều người ta khao khát; 7. Tạm thời.

Hoành Kế

Từ Điển Đạo Uyển

横計; C: héngjì; J: oke;
Tính toán sai lầm, khái niệm sai lầm.

Hoạt

Từ Điển Đạo Uyển

活; C: huó; J: katsu;
1. Sống, đang sống, sinh động, tràn đầy sự sống; 2. Sinh kế, cách sinh nhai; 3. Làm sinh động, truyền sự sống cho, hồi sinh. Làm sống lại.

Học Giả

Từ Điển Đạo Uyển

學者; S, P: paṇḍita;
Là người học rộng; danh từ này dùng để chỉ những người am thông kinh sách nhưng chưa xác định gì về cấp bậc (Thánh quả) họ đã đạt được trong việc tu tập trực nhận chân lí.

Hội

Từ Điển Đạo Uyển

會; C: huì; J: e;
1. Kết hợp, hợp nhất; 2. Trở về, dàn xếp; 3. Triệu tập mọi người lại; 4. Cuộc hội họp, hội nghị, hội đồng; 5. Một hội chúng tu tập. Thuật ngữ gốc tiếng Phạn chỉ cho một cuộc hội nghị nhất thời là utsava; 6. Thời gian một Thiền sư lưu lại ở một thiền viện trước khi ra đi cũng gọi là Hội; 7. Đồ chúng của một vị thầy tu học cùng nhau; 8. Hiểu, nhận ra, lãnh hội; 9. Sự chào hỏi, chào mừng, thừa nhận; 10. Sự hợp nhất, kết hợp, liên hợp (hợp đồng合同); 11. Chúng đồng phận (衆同分), một pháp trong giáo lí Duy thức

Hối Ðường Tổ Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

晦堂祖心; C: huìtáng zǔxīn; J: maidō soshin; 1025-1100; cũng được gọi là Hoàng Long Tổ Tâm;
Thiền sư Trung Quốc tông Lâm Tế đời thứ 9. Sư là môn đệ của Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam. Kế thừa Sư là Thiền sư Tử Tâm Ngộ Tân.
Sư họ Ổ, quê ở Thuỷ Hưng Nam Hùng. Năm 19 tuổi bị mù mắt, cha mẹ nguyện cho xuất gia, mắt tự nhiên sáng lại. Sư tham thiền nhiều nơi, sau đến Hoàng Long học. Nhân đọc một đoạn trong Cảnh Ðức truyền đăng lục, Sư khế hội, được Thiền sư Huệ Nam Ấn khả.
Sư dạy một vị quan tên Tạ Cảnh Ôn: “Ba thừa mười hai phần giáo – giống như chỉ thức ăn cho người. Ðã nhờ đó nói thức ăn, cốt nơi mình nếm lấy. Chính mình nếm được, liền rõ biết mùi vị kia là mặn lạt cay đắng. Tổ Ðạt-ma từ Ấn Ðộ sang chỉ thẳng tâm người thấy tính thành Phật cũng lại như thế. Chân tính đã nhân văn tự mà bày, cốt tại chính mình thấy được. Nếu hay thấy được liền rõ biết trước mắt là chân là vọng, là sinh là tử. Ðã rõ biết chân vọng sinh tử, xem lại tất cả ngữ ngôn văn tự đều là lời nói hiển bày trọn không có nghĩa thật. Như nay không hiểu bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại thấy nghe hiểu biết. Vì chẳng biết như thật chỗ đến mé chân, nhận thấy cái nghe hiểu biết này làm cái sở kiến của chính mình. Ðâu chẳng biết cái thấy nghe hiểu biết này đều nhân tiền trần mà có phân biệt. Nếu không cảnh giới tiền trần thì cái thấy nghe hiểu biết này đồng với Lông rùa sừng thỏ, trọn không có chỗ nương.
Một vị quan tên Khí Tư hỏi Sư: “Khi người lâm chung có chỉ quyết chăng?” Sư đáp: “Có.” Ông thưa: “Xin được nghe lời này.” Sư bảo: “Ðợi Khí Tư chết liền nói.” Khí Tư đứng dậy kính trọng nói: “Việc này phải là Hoà thượng mới được.”
Ỷ Công, một vị quan ở Chương Giang đến viếng Sư, bàn về câu “Hội muôn vật làm chính mình và tình cùng vô tình chung một thể” trong Triệu luận. Sư liền lấy cây thước dằn giấy gõ con chó, lại gõ cái bàn, nói: “Con chó hữu tình nên đi, cái bàn vô tình vẫn ở, tình cùng vô tình đâu thành một thể.” Ỷ Công đáp không được, Sư bèn nói tiếp: “Vừa có suy nghĩ liền thành pháp dư, đâu từng ›Hội muôn vật làm chính mình?‹”
Niên hiệu Nguyên Phù năm thứ 3, ngày 16 tháng 11, Sư viên tịch, thọ 76 tuổi. Vua sắc phong là Bảo Giác.

Hội Thông

Từ Điển Đạo Uyển

會通; C: huìtōng; J: etsū;
1. Hoà hợp và thống nhất những giáo lí (xung đột) khác nhau thành sự thông cảm hiểu biết rộng lớn và sâu sắc; 2. Xuyên qua, vượt qua sự vật.

Hôn

Từ Điển Đạo Uyển

昏; C: hūn; J: kon;
1. Tối, u ám. Tình trạng lộn xộn, tối tăm, bối rối; 2. Bóng tối, sự mờ mịt, tính lơ đãng; 3. Buổi tối, bóng đêm.

Hỗn Dung

Từ Điển Đạo Uyển

混融; C: hùnróng; J: konyū;
Trộn lẫn, hoà hợp nhau.

Hỗn độn

Từ Điển Đạo Uyển

混沌; C: hùndùn; J: konton;
Thời kì hỗn mang nguyên sơ trong thuyết nguồn gốc vũ trụ Trung Hoa.

Hống

Từ Điển Đạo Uyển

吼; C: hŏu; J: kō, ku;
Có hai nghĩa: 1. Tiếng gầm rống như sư tử; tiềng gầm của sư tử; 2. Tiếng kêu la, tiếng kêu thất thanh.

Hồng

Từ Điển Đạo Uyển

吽; C: hŏu; J: un;
Âm của chữ hūṃ trong tiếng Phạn, được xem như chủng tử chung của các thần. thường được dùng trong các Man-tra (s: mantra) và Đà-la-ni (s: dhāraṇī). Được cấu thành bởi 4 âm vị a अ, ha ह, u उ, và ma म.

Hồng Trắc

Từ Điển Đạo Uyển

洪陟; C: hóngzhì; J: ōchoku; K: hongch’ŏk.
Tăng sĩ Hàn Quốc vào thời đại Tân La (e: silla); là người sáng lập trường phái Thật tướng sơn (實相⼭; k: silsangsan) của Phật giáo Hàn Quốc, là một trong Cửu sơn vào thời kì đầu của Phật giáo thiền Cao Li. Sư cùng sang Trung Hoa với người bạn là Đạo Nghĩa (道義; k: toŭi) tham học với Thiền sư Trí Tạng (智藏).

Hồng Tự Nghĩa

Từ Điển Đạo Uyển

吽字義; C: hŏngzìyì; J: unjigi;
Ý nghĩa của chữ Hồng “Hūṃ”. 1 quyển, Không Hải (空海; j: kūkai) trứ tác năm 817. Một bản luận giải về linh tự hūm (Hồng tự 吽字), giải thích về mặt ngôn ngữ của hợp thể các âm vị h, a, ū and m (như được trình bày trong tác phẩm Lí thú thích 理趣釋 của Bất Không; s: amoghavajra). Ba âm nầy xem như có ý nghĩa chuẩn mực là Giải (解) đối với hàng phàm phu; và ý nghĩa rốt ráo là Thích (釋), cho các Đức Như Lai; và ý nghĩa bao quát, hợp thích (合釋), tổng hợp ý nghĩa chuẩn mực và rốt ráo. Theo ý nghĩa thông thường, âm ›h‹ là nguyên nhân (因; s: hetva), ›a‹ là mẹ của tất cả âm thanh (衆聲之母; A tự 阿字), ›u‹ là trừ diệt (tổn diệt 損減; s: ūna), và ›ṃ‹ là ›ngã‹ (我; s: ātman). Nghĩa rốt ráo của ›h‹ là: nguyên nhân ban đầu là không thể nắm bắt được; ›a‹ là cái tuyệt đối được định nghĩa trong Trung luận (中論; s: mādhyamikakārika), đó rõ là: biến khắp, nghĩa là âm ›a‹ biến khắp các âm thanh, thế nên có đặc tính hoàn toàn hiện hữu (有), vốn là không (空) và bất sinh (不生); ›u‹ có nghĩa Nhất thiết chư pháp tổn diệt bất khả cố (一切諸法損減不可故); và ›ṃ‹ biểu thị cho các pháp không có một tự thể thường hằng. Không Hải kết luận ›h‹ là thể của các pháp (Pháp thân 法身; s: dharma); ›a‹ là Báo thân (報身), ›ū‹ chỉ cho Ứng thân (應身), ›ṃ‹ là thân lịch sử (hoá thân 化身).

Hợp (hiệp)

Từ Điển Đạo Uyển

合; C: hé; J: gō;
1. Hợp nhất hoặc kết hợp hai thứ với nhau (s: samgati, samsarga, samnikarsa). Để cho hai vật trở thành một thể (s: sahā). Hoà hợp; 2. Sự phát sinh hoạt dụng đặc biệt của thức do sự tiếp xúc của cảnh trần, các căn và ý thức của tự ngã; 3. Xúc (觸); 4. Đồng ý, phù hợp với; 5. Sự hợp nhất nhân và duyên.
6. Trong Nhân minh học (因明; s: hetu-vidyā), Hợp là phần thứ 4 của Ngũ chi tác pháp.

Hợp Bộ Kim Quang Minh Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

合部金光明經; C: hébù jīn guāngmíng jīng; J: gōbu konkōmyō kyō; S: suvarna-prabhasa-[uttama]-sūtra.
Kinh, 8 quyển. Bảo Quý (寶貴) và những người khác dịch vào khoảng đời Tuỳ.

Hợp Chưởng

Từ Điển Đạo Uyển

合掌; C: hézhăng; J: gasshō;
Cử chỉ chắp hai bàn tay lại với nhau rồi đạt ngang ngực để tỏ lòng kính trọng. Ngữa hai bàn tay, hơi khum lại và đặt cạnh nhau.

Hư Ðường Trí Ngu

Từ Điển Đạo Uyển

虛堂智愚; C: xūtáng zhìyú; J: kidō chigu; 1185-1269;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Dương Kì. Sư nối pháp Thiền sư Vận Am Phổ Nham và là thầy của vị Thiền sư Nhật Bản danh tiếng là Nam Phố Thiệu Minh (j: nampo shōmyō). Trong sự việc gìn giữ tông Lâm Tế Nhật Bản trước sự suy tàn, các vị Ðại thiền sư tại đây như Nhất Hưu Tông Thuần (j: ikkyū sōjun), Bạch Ẩn Huệ Hạc (j: hakuin ekaku) – cả hai vị đều nằm trong hệ thống truyền thừa của Sư – thường nhắc đến phong cách, phương pháp hoằng hoá nghiêm chỉnh kỉ luật của Sư và tự xem mình là Pháp tự chính thống của Sư.

Hư Không

Từ Điển Đạo Uyển

虛空; S: ākāśa; P: ākāsa;
Khái niệm quan trọng trong đạo Phật. Hư không được hiểu là “không gian” Có hai thứ không gian: 1. Không gian do sắc thể quy định mà thành và 2. Không gian vô cùng tận. Khái niệm đầu thuộc sắc thể (Ngũ uẩn), khái niệm sau là một trong sáu yếu tố (Giới, s: dhātu), không có tự tính nhưng lại là cơ sở của mọi sắc thể và của Tứ đại chủng là đất, nước, gió, lửa. Hư không (khái niệm thứ hai) là tính Không, rời mọi sắc thể, thường còn và không thể mô tả nghĩ bàn.
Quan điểm về hư không cũng có nhiều sai khác trong các tông phái Phật giáo. Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) quan niệm rằng, hư không không chịu dưới quy luật duyên khởi; nó không gây chướng ngại, xuyên suốt mọi vật và thường còn. Còn Trung quán tông (s: mādhyamika) thì cho hư không cũng bị tuỳ thuộc, vì nó có thể bị một vật khác “chiếm giữ”. Trong các phương pháp thiền định, hư không giữ một vai trò quan trọng: trong Bốn xứ thì xứ đầu tiên là Không vô biên xứ và trong mười Biến xứ (p: kasiṇa) thì hư không là biến xứ thứ chín.

Huệ

Từ Điển Đạo Uyển

慧; S: prajñā; P: paññā;
Bát-nhã, Trí huệ

Huệ An

Từ Điển Đạo Uyển

慧安; 582-709
Thiền sư Trung Quốc, một trong mười vị đại đệ tử của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Nối pháp của Sư có Phá Táo Ðọa, Nguyên Khuê.
Sư có dung mạo đoan chính, xuất trần, sớm thông các pháp môn tu học. Trong khoảng thời gian 627-649, Sư đến núi Hoàng Mai yết kiến Ngũ tổ và ngộ được huyền chỉ. Vua Ðường Trung Tông (năm 706) ban tử y (ca-sa tía) và dùng lễ thầy trò thỉnh vào cung điện thờ phụng ba năm. Năm 709, Sư từ biệt, trở về chùa Thiếu Lâm ở Tung Nhạc và tịch tại đây ngày mồng 8 tháng 3, thọ 128 tuổi.

Huệ Cần Phật Giám

Từ Điển Đạo Uyển

慧勤佛鑒; tk. 11-12
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Lâm Tế hệ phái Dương Kì. Sư là bạn đồng học với hai vị “Phật” khác là Viên Ngộ Khắc Cần Phật Quả và Thanh Viễn Phật Nhãn dưới trướng của Thiền sư Ngũ Tổ Pháp Diễn.
Sư họ Uông, xuất gia từ nhỏ, sớm tinh thông kinh sách. Nhân lúc đọc đến câu “Chỉ đây một sự thật, còn hai thì chẳng chân”, Sư bỗng nhiên có tỉnh.
Câu chuyện ngộ đạo triệt để của Sư cũng có nhiều điểm thú vị đáng được nhắc đến tường tận. Sư vốn đã tham vấn các bậc tôn túc, sau mới đến hội của Pháp Diễn tại Thái Bình và lưu lại đây. Sư tức giận vì Pháp Diễn nói quanh co không chịu ấn chứng. Sư muốn đi nơi khác nhưng Viên Ngộ khuyên ở lại rồi sẽ thấy hiệu quả. Một hôm, Sư nghe Pháp Diễn nhắc lại chuyện sau: “Tăng hỏi Triệu Châu: Thế nào là gia phong của Hoà thượng. Triệu Châu nói: Lão tăng lãng tai hỏi to lên đi. Tăng lại hỏi to lên, Triệu Châu nói: Ông hỏi gia phong của ta, ta lại biết gia phong của ông rồi.” Sư nghe đây bỗng nhiên có tỉnh, nhưng chưa triệt ngộ, trình Pháp Diễn: “Xin Hoà thượng chỉ bày chỗ tột.” Pháp Diễn đáp: “Sum la và vạn tượng là sở ấn của một pháp.” Sư lễ bái và được phong làm thư kí. Một hôm, Sư cùng với Viên Ngộ bàn về việc Ðông Tự Như Hội (môn đệ đắc pháp của Mã Tổ) hỏi Ngưỡng Sơn về hạt minh châu trấn hải. Ðến chỗ “không lí có thể bày”, Viên Ngộ hỏi gạn Sư: “Ðã nói nhận được, đến khi đòi hạt châu, lại nói không lời có thể đáp, không lí có thể bày, là thế nào?” Sư không đáp được. Hôm sau, Sư nói với Viên Ngộ: “Ðông Tự chỉ đòi một hạt châu, Ngưỡng Sơn ngay đó trút cả giỏ.” Viên Ngộ thừa nhận câu này nhưng lại khuyên Sư tham vấn, cận kề Pháp Diễn.
Một hôm, Sư đến Phương trượng của Pháp Diễn, chưa kịp nói gì đã bị Pháp Diễn mắng chửi thậm tệ. Trở về phòng, Sư đóng cửa nằm nghỉ mà tức giận Pháp Diễn vô cùng. Viên Ngộ biết thế gõ cửa vào phòng dọ hỏi, Sư bảo Viên Ngộ: “Tôi vốn không đi, bị huynh lừa nhiều lần, bị lão ấy mắng chửi.” Viên Ngộ nghe vậy bèn cười ha hả nói: “Huynh nhớ được lời ngày trước chăng?” Sư hỏi lại lời gì, Viên Ngộ bảo: “Huynh lại nói, Ðông Tự chỉ đòi một hạt châu mà Ngưỡng Sơn trút cả giỏ.” Sư nhân đây triệt ngộ, tất cả mối nghi ngờ đều tan vỡ.
Sư được Pháp Diễn truyền pháp y và sau khi rời thầy, Sư hoằng hoá nhiều nơi, tông phong rất thịnh hành.
Trước khi tịch, Sư tắm gội đắp y ngồi ngay thẳng, cầm bút viết thư từ giã bạn bè. Vừa dừng bút, Sư tịch.

Huệ Khả

Từ Điển Đạo Uyển

慧可; C: huìkě; J: eka; 487-593;
Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc, được Bồ-đề Ðạt-ma Ấn khả. Kế thừa Sư là Tam tổ Tăng Xán. Theo truyền thuyết thì Sư đến Thiếu Lâm tự năm 40 tuổi tham vấn Bồ-đề Ðạt-ma. Ban đầu Bồ-đề Ðạt-ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Ðể chứng minh Bồ-đề tâm của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ-đề Ðạt-ma và từ đây Sư được nhận là môn đệ. Tắc thứ 41 trong Vô môn quan có ghi lại cuộc đàm thoại đầu tiên giữa Bồ-đề Ðạt-ma và Huệ Khả.
Bồ-đề Ðạt-ma ngồi nhìn vách tường. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói: “Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.” Ðạt-ma bảo: “Ðưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.” Sư đáp: “Con không thấy tâm đâu cả.” Ðạt-ma đáp: “Ta đã an tâm cho con.”
Sau sáu năm tu tập dưới sự hướng dẫn của Bồ-đề Ðạt-ma, Sư được ấn chứng, nhận y bát và từ đây Sư trở thành Nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc. Dịp truyền pháp được ghi lại trong Truyền quang lục.
Một hôm Sư nói: “Con đã dứt hết chư duyên rồi” Tổ hỏi: “Ngươi không biến thành đoạn diệt chứ?” Sư đáp: “Chẳng thành đoạn diệt.” Tổ hỏi lại: “Lấy gì chứng minh?” Sư đáp: “Rõ ràng thường biết, nói không thể được.” Tổ hài lòng, đáp: “Ðó là chỗ bí quyết tâm truyền của tất cả chư Phật, ngươi chớ nghi ngờ gì.”
Trước khi đến Bồ-đề Ðạt-ma thụ pháp, Sư tên là Thần Quang, chuyên học Nho, Lão Trang (Lão Tử, Trang Tử) và kinh sách Phật pháp. Cái hiểu biết từ sách vở này không thoả mãn lòng quyết đạt chính giác. Vì vậy Sư chú tâm đến việc tu tập Thiền định, quyết chứng nhận trực tiếp chân lí được tả trong kinh luận. Sau khi được truyền tâm ấn, Sư sống ẩn dật đây đó vì chưa muốn thâu nhận môn đệ và tập trung tâm sức nghiên cứu kinh Nhập Lăng-già theo lời khuyên của Bồ-đề Ðạt-ma. Sư lang thang đây đó, uống rượu ăn thịt, có những hành động như phàm phu. Có người hỏi vì sao thầy tu mà làm những việc này, Sư thản nhiên trả lời: “Ta tu tâm mặc ta, có liên can gì đến ngươi.”
Dầu vậy, Sư vẫn tuỳ duyên hoằng hoá và tương truyền rằng Sư có biệt tài thuyết pháp, dân chúng thường đến rất đông để nghe. Có một ông sư có thái độ chống báng, sai chú tiểu đến dọ chân tướng Sư, nhưng chú này vừa được nghe giảng cái gọi là tà đạo thì bỗng chốc chấn động tinh thần, xin lưu lại học. Vị sư lại sai chú tiểu khác đi gọi chú trước về, nhưng chú sau cũng biến luôn và cứ như thế thêm mấy chú nữa. Sau này, vị sư tình cờ gặp lại chú tiểu đầu tiên, quở: “Sao chú để ta kêu gọi nhiều lần? Ta chẳng tốn công mở mắt cho chú sao?” Chú tiểu đáp: “Mắt của tôi từ bao giờ vẫn thẳng, chỉ vì ông nên nó đâm ra lé!”
Những thành tích trong việc giáo hoá này gây sự bất bình ganh tị của những vị sư khác. Họ phong tin rằng Sư truyền bá tà giáo và thưa việc này cho quan trên. Sư bị bắt và sau đó bị xử trảm. Sư thản nhiên thuận theo, cho rằng đúng với luật nhân quả Sư có một món nợ phải trả. Việc này xảy ra năm 593, Sư thọ 106 tuổi.

Huệ Năng

Từ Điển Đạo Uyển

慧能; C: huìnéng; J: enō; 638-713;
Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Quốc, môn đệ và pháp tự của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
Trước Huệ Năng, Thiền còn mang nặng ảnh hưởng Ấn Ðộ nhưng đến đời Sư, Thiền bắt đầu có những đặc điểm riêng của Trung Quốc. Vì vậy mà có người cho rằng Sư mới thật sự là người Tổ khai sáng của Thiền Trung Quốc. Huệ Năng không chính thức truyền y bát cho ai, nên sau đó không còn ai chính thức là truyền nhân. Tuy nhiên Sư có nhiều học trò xuất sắc. Môn đệ chính là Thanh Nguyên Hành Tư và Nam Nhạc Hoài Nhượng là hai vị Thiền sư dẫn đầu hầu như toàn bộ các dòng Thiền về sau. Cả hai dòng này cũng được truyền đến Việt Nam qua Thảo Ðường, Nhất Cú Tri Giáo, Vô Ngôn Thông, Chuyết Công.
Sư là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là “Kinh,” một danh từ thường chỉ được dùng chỉ những lời nói, bài dạy của đức Phật, đó là Lục tổ Ðại sư Pháp bảo đàn kinh, một tác phẩm với ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Cũng nhờ Pháp bảo đàn kinh, người ta biết được ít nhiều về lịch sử của Huệ Năng. Sư sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, Sư bỗng nhiên có ngộ nhập. Nghe người đọc kinh nhắc đến Hoằng Nhẫn, Sư liền đến tìm học. Hoằng Nhẫn nhận ra ngay căn cơ của Sư, nhưng không truyền pháp ngay, bắt tiếp tục chẻ củi, vo gạo. Truyền thuyết nổi tiếng về việc truyền tâm ấn cho Huệ Năng và việc phân đôi hai phái Thiền Nam-Bắc được kể lại như sau:
Hoằng Nhẫn biết tới lúc mình phải tìm người kế thừa nên ra lệnh cho học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thần Tú, một đệ tử với tri thức xuất sắc mới dám làm. Thần Tú viết bài kệ, so sánh thân người như cây Bồ-đề và tâm như tấm gương sáng và người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Sư đang làm việc trong bếp, nghe đọc bài kệ biết người làm chưa Kiến tính. Sư cũng nhờ người viết bài kệ của mình như sau:
菩提本無樹。明鏡亦非臺
本來無一物。何處有(匿)塵埃
Bồ-đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật, hà xứ hữu (nặc) trần ai?
*Bồ-đề vốn chẳng cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào dính bụi trần?

H 28: Huệ Năng xé kinh (tranh của Lương Khải, tk. 13). Hình này không có một tích lịch sử gì, chỉ muốn nêu lên giáo pháp nằm ngoài văn tự của Thiền tông, được biểu hiện qua Lục tổ và phá sự chấp trước chữ nghĩa nằm trong kinh sách.
Nghe bài kệ, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Sư vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại nên nửa đêm gọi Sư vào thất và vì Sư thuyết trọn kinh Kim cương. Ðến câu “Ðừng để tâm vướng víu nơi nào” (應無所住而生其心; ưng vô sở trụ, nhi sinh kì tâm), Sư hoát nhiên đại ngộ. Ngũ tổ truyền y bát cho Sư và khuyên đi về phương Nam. Khi tiễn Sư xuống thuyền, Tổ muốn tự chèo đưa Sư sang sông, Sư bèn nói: “khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ” và tự chèo qua sông.
Suốt 15 năm sau, Sư ở ẩn, và trong thời gian này vẫn là Cư sĩ. Sau đó, Sư đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu. Ðó là nơi sản sinh Công án nổi tiếng “chẳng phải gió, chẳng phải phướn” (Vô môn quan, công án 29). Sau khi Sư chen vào nói “tâm các ông động” thì Ấn Tông, vị sư trụ trì của chùa hỏi Sư “Nghe nói y pháp Hoàng Mai đã truyền về phương Nam, phải chăng là hành giả?” Lúc đó Sư mới nhận mình là truyền nhân của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Ấn Tông sai người cạo đầu cho Sư, cho Sư gia nhập Tăng-già rồi xin nhận Sư làm thầy.
Sư bắt đầu giáo hoá ở chùa Pháp Tính, về sau về Bảo Lâm tự ở Tào Khê và thành lập Nam tông, trong lúc đó Thần Tú và đệ tử thành lập Bắc tông và cũng tự nhận là truyền nhân của Ngũ tổ. Nam tông cho rằng, giác ngộ là một sự nhảy vọt bất ngờ, mang tính trực giác trong lúc Bắc tông chủ trương dùng suy luận, tu tập dần dần theo chỉ dạy của kinh sách mà giác ngộ. Trong cuộc tranh chấp giữa hai phái đốn ngộ (ngộ ngay tức khắc) và tiệm ngộ này, Nam tông đã chứng tỏ sinh lực của mình, sản sinh vô số Ðại sư và trở thành truyền phái đích thật của Phật pháp tại Trung Quốc. Phái Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là khô kiệt.
Với Huệ Năng, được xem là người “ít học” nhất lại được truyền tâm ấn, Thiền đã qua một bước ngoặt quyết định, trở thành Thiền tông Trung Quốc với sự ảnh hưởng ít nhiều của đạo Lão. Các hiền triết Lão giáo cũng là những người cười nhạo văn tự, họ đã có ảnh hưởng lên cái “bất lập văn tự” của Thiền tông để từ sự dung hợp này, tất cả các tông phái Thiền Trung Quốc ra đời. Với Huệ Năng và các vị Ðại sư nối tiếp, Thiền tông Trung Quốc đi vào thời đại hoàng kim của đời Ðường, đời Tống. Và cho đến ngày nay, Thiền tông vẫn còn là nguồn cảm hứng sâu xa, vẫn là một pháp môn cho nhiều Phật tử.

Huệ Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

慧生; ?-1063
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 13, nối pháp Thiền sư Ðịnh Huệ.
Sư tên Lâm Khu Vũ, quê ở làng Ðông Phù Liệt. Năm lên 19, Sư xuất gia thờ Thiền sư Ðịnh Huệ ở chùa Quang Hưng làm thầy và được ấn chứng.
Sau đó, Sư du phương tham vấn đầy đủ yếu chỉ Thiền rồi trụ tại núi Trà Sơn, sau lên ngọn Bồ-đề. Ðạo hạnh của Sư từ đây lan xa. Vua Lí Thái Tông nghe danh sai sứ đến mời về kinh. Sư cố gắng từ chối nhiều lần nhưng không được, đành phải tuân lệnh vào cung. Sau khi đàm đạo với Sư, vua rất kính phục và thỉnh trụ trì chùa Vạn Tuế ở gần thành Thăng Long. Nơi đây, Sư tuỳ duyên giáo hoá học chúng cũng như các vị hiền triết trong triều đình.
Niên hiệu Gia Khánh thứ năm, Sư họp chúng nói kệ:
水火日相參。由來未可談
報君無處所。三三又三三
自古來參學。人人指爲南
若人問新事。新事月初三
Thuỷ hoả nhật tương tham
Do lai vị khả đàm
Báo quân vô xứ sở
Tam tam hựu tam tam
Tự cổ lai tham học
Nhân nhân chỉ vị Nam
Nhược nhân vấn tân sự
Tân sự, nguyệt sơ tam
*Nước lửa ngày hỏi nhau
Nguyên do chưa thể bàn
Ðáp anh không nơi chốn
Tam tam lại tam tam
Xưa nay kẻ tham học
Người người chỉ vì Nam
Nếu người hỏi việc mới
Việc mới, ngày mồng ba.
Nói xong, Sư tắm gội, thắp hương và nửa đêm viên tịch.

Huệ Trung Thượng Sĩ

Từ Điển Đạo Uyển

慧忠上士; 1230-1291
Một nhân vật lỗi lạc trong Phật giáo Việt Nam. Thượng sĩ tên thật là Trần Quốc Tung (1230-1291), con trai trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu. Ông là anh ruột của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh của hoàng hậu Thiên Cảm. Thiên Cảm là vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của Trần Nhân Tông.
Thượng Sĩ có chí khí cao siêu, khí lượng thâm trầm, dung thần nhàn nhã. Từ nhỏ ông đã sùng mộ đạo Phật, lớn lên được cử trấn đất Hồng Lộ. Năm 1251, Trần Thái Tông phong ông tước hiệu Hưng Ninh Vương. Ông cùng em là Trần Hưng Ðạo tham gia kháng chiến ba lần chống quân Nguyên Mông. Ðó là lần thứ nhất 1257-1258, lần thứ hai năm 1258 và lần thứ ba 1287-1288. Qua những lần tham gia giữ nước, ông được thăng chức Tiết Ðộ sứ, nhưng từ quan về quê sống, xưng hiệu là Huệ Trung. Dù chỉ là Cư sĩ có gia đình, nhưng ông đã theo học Phật pháp với Thiền sư Tiêu Diêu, học trò của Thiền sư Ðại Ðăng và cư sĩ Ứng Thuận Vương. Nhờ thế ông trở thành một nhà Thiền học. Trần Thánh Tông tôn ông là sư huynh và ông cũng là thầy của Trần Nhân Tông.
Thượng Sĩ là người có bản lĩnh, không câu nệ giáo điều. Lần nọ, em gái là Thiên Cảm mời ông dùng cơm, có mặt của Trần Nhân Tông. Ông gắp thịt cá tự nhiên làm Thiên Cảm ngạc nhiên hỏi: “Anh tu thiền, ăn thịt cá sao thành Phật được?” Ông cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh.” Trần Nhân Tông lần đó cũng thắc mắc, nhưng ngày sau có dịp, ông trả lời như sau (bản dịch của Nguyễn Lang):
無常諸法行。心疑罪便生
本來無一物。非種亦非萌
日日對境時。景景從心出
心境本來無。處處巴羅密
喫草亦喫肉。種生各所食
春來百草生。何處見罪福
Vô thường chư pháp hành
Tâm nghi tội tiện sinh
Bản lai vô nhất vật
Phi chủng diệc phi manh
Nhật nhật đối cảnh thời
Cảnh cảnh tòng tâm xuất
Tâm cảnh bản lai vô
Xứ xứ ba-la-mật
*Vạn pháp vô thường cả,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật,
Chẳng hạt chẳng mầm xanh.
Hằng ngày khi đối cảnh,
Cảnh đều do tâm sinh.
Tâm cảnh đều không tịch,
Khắp chốn tự viên thành.
Trần Nhân Tông nghe xong nhưng vẫn thắc mắc về chuyện tội phúc, hỏi “thế thì công phu giữ giới để làm gì”, Thượng Sĩ đọc tiếp các câu kệ (bản dịch của Nguyễn Lang):
持戒兼忍辱。招罪不招福
欲智無罪福。非持戒忍辱
如人上樹時。安中茲求危
如人不上樹。風月何所爲
Trì giới kiêm nhẫn nhục
Chiêu tội bất chiêu phúc
Dục tri vô tội phúc
Phi trì giới nhẫn nhục
Như nhân thượng thụ thời
An trung tư cầu nguy
Như nhân bất thượng thụ
Phong huyệt hà sở vi?
*Trì giới và nhẫn nhục,
Thêm tội chẳng được phúc.
Muốn siêu việt tội phúc,
Ðừng trì giới nhẫn nhục.
Như người khi leo cây,
Ðương yên tự chuốc nguy.
Nếu đừng leo cây nữa,
Trăng gió làm được gì?
Sau đó ông căn dặn Nhân Tông dừng nói những lời này ra cho kẻ sơ cơ biết.
Ngày 1 tháng 4 năm 1291, Thượng Sĩ cho kê giường ở Thiền đường tại Dưỡng Chân Trang, nằm xuôi nhắm mắt. Hầu cận khóc lóc, Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy quở “Sống chết là lẽ thường, sao lại luyến tiếc khóc than, làm náo động chân tính ta.” Nói xong, Thượng Sĩ tịch, thọ 62 tuổi.
Ông để lại rất nhiều thơ văn chỉ rõ kiến giải của một Thiền giả đắc đạo. Một trong những tác phẩm quan trọng là Huệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục do Thiền sư Pháp Loa biên soạn.

Huệ Tư

Từ Điển Đạo Uyển

慧思; C: huìsī; 515-577, cũng được gọi là Nam Nhạc Tôn giả (南嶽尊者), Tư Ðại Thiền sư (思大禪師);
Cao tăng Trung Quốc, môn đệ của sư Huệ Văn và là thầy của sư Trí Khải. Vì Trí Khải sau này về núi Thiên Thai sáng lập Thiên Thai tông nên Sư được xem là Tổ thứ ba của tông này sau Long Thụ (s: nāgārjuna) và Huệ Văn.
Sư họ Lí, người Vũ Tân (nay là huyện Thượng Thái, Hà Nam). Sư xuất gia lúc còn nhỏ sau khi chiêm bao thấy một vị tăng khuyên xuất thoát tục. Sư say mê tụng đọc kinh Diệu pháp liên hoa và ngoài việc khất thực, Sư tìm đến những chỗ trống hoang vắng, ở những gò mã, động huyệt chú tâm tụng trì kinh này. Tương truyền trong thời gian này – từ 7 đến 14 tuổi – Sư tụng kinh đến nỗi bệnh cũng tự biến, mộng thấy Phổ Hiền đến xoa đầu và sau đó đầu nổi lên nhục kế (cái chóp thịt trên đầu mà các tượng Phật hay được trình bày), văn tự chưa học mà tự nhiên thông. Trong khoảng thời gian từ 15-20 tuổi, Sư thụ giới cụ túc, tìm đến các nơi tham học và nhân đây, Sư gặp Huệ Văn và được truyền pháp “Nhất tâm tam quán”, tức là quán ba tính chất của chư Pháp là “Không, giả và trung”, một trong những giáo lí then chốt của Thiên Thai tông sau này. Sư tuân theo lời dạy của Huệ Văn, tinh tiến toạ thiền. Một hôm – mặc dù vẫn đang dày công tu tập – Sư tỏ vẻ hối tiếc vì đã để tuổi đạo luống qua, dựa lưng vào tường than thở thì bỗng nhiên ngộ được chân lí, đạt “Pháp hoa tam-muội.”
Sư đặc biệt chú trọng đến việc phụng thờ Phật A-di-đà và Bồ Tát Di-lặc và nhân khi tạo kinh Bát-nhã chữ vàng, Sư làm hộp lưu li tôn trì và nguyện rằng, khi đức Di-lặc ra đời thì kinh Bát-nhã chữ vàng này sẽ xuất hiện và được tuyên dương lần nữa. Sư là một trong những người đầu tiên đưa ra thuyết “thời kì mạt pháp” là thời kì suy vong của đạo Phật. Sư cũng đặc biệt chú trọng đến việc thực hành việc Toạ thiền và cả về việc nghiên cứu giáo lí được ghi chép lại trong Tam tạng kinh điển.
Năm 554, Sư đến Quang Châu khai đường thuyết pháp, hoằng hoá suốt 14 năm và từ đây, danh tiếng vang lừng. Nhưng cũng có nhiều người ganh ghét và nhiều lần muốn ám hại Sư bằng cách đầu độc. Tại núi Ðại Tô ở phía Nam của Hà Nam, Sư truyền pháp lại cho Trí Khải Ðại sư. Năm 568, khi đến Hành Sơn ở Hồ Nam, Sư bỗng nhiên ngộ được ba tiền kiếp của mình, ở lại đây hoằng giáo mười năm và vì thế Sư cũng mang danh hiệu là Nam Nhạc Tôn giả. Vua Tuyên Ðế cũng rất khâm phục tín ngưỡng nên ban cho Sư danh hiệu Ðại Thiền sư và vì vậy Sư cũng được gọi là Tư Ðại Hoà thượng hay Tư Ðại Thiền sư.
Năm 577, Ðinh Dậu, ngày 22 tháng 6, Sư ngồi yên an nhiên thị tịch. Vị Tổ của Luật tông là Ðạo Tuyên viết về Sư như sau trong Tục cao tăng truyện: “Phụng trì Bồ Tát giới, không thị biệt thỉnh, không nhận biệt cúng. Mặc áo vải thô, lạnh thì dùng áo độn cỏ, ăn thì ngày một bữa. Thường ở núi rừng, đêm thì tư duy, ngày phu diễn, phát ngôn sâu xa. Nhân định mà phát huệ, điều này thấy rõ nơi Tôn giả Huệ Tư.”
Các tác phẩm của Sư còn được lưu lại: 1. Pháp hoa kinh an lạc hạnh nghĩa; 2. Chư pháp vô tránh tam-muội pháp môn; 3. Ðại thừa chỉ quán pháp môn; 4. Tứ thập nhị tự môn; 5. Thụ Bồ Tát giới nghi; 6. Nam Nhạc Tư Ðại Thiền sư lập thệ nguyện văn.

Huệ Văn

Từ Điển Đạo Uyển

慧文; C: huìwén; tk. 5-6, cũng được gọi là Bắc Tề Tôn giả (北齊尊者);
Cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Bắc Tề, được xem là Tổ thứ hai của Thiên Thai tông sau Long Thụ. Người nối pháp của Sư là Huệ Tư.
Sư họ Cao, người Bột Hải, thuộc tỉnh Sơn Ðông. Sư xuất gia từ nhỏ, thông minh hơn người và tinh tiến tu học. Một hôm, Sư xem luận Ðại trí độ (大智度; s: mahāprajñāpāramitā-śāstra) của Long Thụ bỗng nhiên có tỉnh và sau đó, khi đọc Trung quán luận (s: madhyamakaśāstra), phẩm Quán thánh đế đến bài kệ:
Các pháp do nhân duyên sinh ra
Ta nói tất cả đều là Không
Cũng chỉ là giả danh tạm gọi
Cũng chính là lí nghĩa Trung đạo
Sư thông suốt được huyền nghĩa Trung đạo là “Không hữu bất nhị” (空有不二). Sư từ đây căn cứ vào giáo lí của Long Thụ mà xiển dương Phật pháp. Sau, Sư đến vùng Hoàng Hà, truyền bá giáo pháp Ðại thừa, chúng theo học có hơn ngàn người. Tại Hà Nam, Sư truyền giáo pháp lại cho sư Huệ Tư, Tổ thứ ba và từ đây, mầm mống của tông Thiên Thai được hình thành.
Không biết Sư tịch nơi nào, năm nào.

Huệ Viễn

Từ Điển Đạo Uyển

慧遠; C: huìyuǎn; 334-416;
Cao tăng Trung Quốc, đệ tử của Ðạo An. Là người sáng lập tông phái tôn thờ Phật A-di-đà và thành lập Bạch Liên xã, được xem là Sơ tổ của Tịnh độ tông tại Trung Quốc. Tác phẩm quan trọng của Huệ Viễn gồm một bài luận giải về Nghiệp (s: karma), trong đó Sư nói đến từng bước chín muồi của hành động (quả báo) và một luận đề cập đến những vấn đề “linh hồn” bất tử. Sư là người đã giúp các tăng sĩ thời bấy giờ bớt các trách nhiệm thế gian đối với vương triều để chuyên tâm tu hành.
Lúc thiếu thời, Sư học Nho, Lão Tử, Trang Tử. Qua tuổi 21, Sư được Ðạo An đưa vào Tăng-già và bắt đầu học kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitā-sūtra) và diễn giải kinh này với các khái niệm của Lão Trang. Năm 381, Sư đến Lư Sơn và sống đến cuối đời tại đó. Trong thời gian này, Lư Sơn trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng và nổi tiếng về giới luật nghiêm minh. Theo lời mời của Sư, Cao tăng người Kashmir tên là Khang Tăng Khải (s: saṅghadeva, saṅghavarman) đến Lư Sơn và dịch các tác phẩm quan trọng nhất của Nhất thiết hữu bộ (s: sarvāstivāda) sang tiếng Hán. Sư liên hệ thường xuyên với Cưu-ma-la-thập (s: kumārajīva) để trao đổi về các vấn đề thuộc về Kinh tạng (Tam tạng) và sự khác biệt giữa một A-la-hán (s: arhat) và một Bồ Tát (s: bodhisattva).
Năm 402, Sư tập hợp 123 tăng sĩ trước tượng Phật A-di-đà, thệ nguyện sinh vào cõi Tây phương Cực lạc và thành lập Liên phái và từ đây Sư được xem là Sơ tổ của Tịnh độ tông. Sư là một trong những Cao tăng Trung Quốc đầu tiên nhấn mạnh sự quan trọng của phép Thiền (s: dhyāna) trong việc tu học.

Hung

Từ Điển Đạo Uyển

凶; C: xiōng; J: kyō;
Có các nghĩa sau: 1. Xấu, ác; 2. Vận xấu, vận chẳng lành; 3. Tai hoạ, tai ương, nạn lụt, nạn hạn hán.

Hưng Dương Thanh Nhượng

Từ Điển Đạo Uyển

興陽清讓; C: xīngyōng qīngràng; J: kōoyō seijō; ?-?;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc dòng Quy Ngưỡng đời thứ năm, nối pháp Thiền sư Ba Tiêu Huệ Thanh. Sử sách chẳng viết gì về Sư ngoài những giai thoại nhỏ rải rác đây đó.
Một vị tăng hỏi Sư: “Phật Ðại Thông Trí Thắng ngồi tu mười kiếp ở đạo trường, Phật pháp không hiển hiện, không đắc Phật đạo, thế nghĩa là sao?” Sư bảo: “Hỏi thật hay.” Vị tăng hỏi: “Ðã ngồi tu ở đạo trường, sao lại không thành được Phật đạo?” Sư đáp: “Vì ông ấy không thành Phật.”

Hưng Hoá Tồn Tưởng

Từ Điển Đạo Uyển

興化存獎; C: xīnghuà cúnjiǎng; J: koke zon-shō; 830-888;
Thiền sư Trung Quốc, đắc pháp nơi Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Người thừa kế Sư là Thiền sư Nam Viện Huệ Ngung.
Sư học nơi Lâm Tế làm thị giả nhưng ngộ yếu chỉ nơi Thiền sư Ðại Giác, một môn đệ đắc pháp khác của sư Lâm Tế. Ở hội của Tam Thánh Huệ Nhiên, Sư làm Thủ toạ, thường nói: “Ta nhắm phương Nam đi hành cước, một phen gặp được đầu gậy, mà chẳng từng tìm ra một người hội Phật pháp.” Tam Thánh nghe được nói: “Ngươi đủ con mắt gì mà nói thế ấy?” Sư liền hét. Tam Thánh nói: “Phải là ngươi mới được.” Ðại Giác nghe chuyện này mong có ngày gặp thử tài.
Sau Sư đến Ðại Giác làm Viện chủ. Một hôm Ðại Giác hỏi: “Viện chủ! Ta nghe ông nói ›Nhắm phương Nam đi hành cước, một phen gặp được đầu gậy, mà chẳng từng tìm ra một người hội Phật pháp‹, ông y cứ vào đạo gì mà nói như thế?” Sư liền hét, Ðại Giác liền đánh, Sư lại hét, Ðại Giác lại đánh. Hôm sau, Sư đi ngang qua pháp đường, Ðại Giác gọi: “Viện chủ, ta vẫn còn nghi hai tiếng hét của ông hôm qua.” Sư lại hét, Ðại Giác lại đánh. Sư lại hét, Ðại Giác lại đánh. Sư bèn nói: “Tôi ở chỗ sư huynh Tam Thánh học được câu khách chủ, nay bị sư huynh bẻ gẫy rồi, xin cho tôi pháp môn an lạc.” Ðại Giác bảo: “Cái gã mù, đến trong ấy đã chịu thua, cổi áo nạp ra đánh đòn một trận.” Ngay đây, Sư ngộ pháp của Lâm Tế.
Sư dạy chúng: “Ta chỉ nghe ngoài hành lang hét, ở giá sau hét. Các ông chớ hét mù, hét loạn, dù cho hét được Hưng Hoá bay trụ đến giữa trời, lại phải rơi xuống tắt thở, đợi Hưng Hoá tỉnh dậy sẽ bảo ông ›chưa hiện tại‹. Vì cớ sao? Ta chưa từng nhằm màn lụa đỏ để chân châu, với những người các ông hét loạn trong hư không để làm gì?”
Sư cỡi ngựa, bị ngựa quăng té gẫy chân. Sư gọi: “Viện chủ! chuốt cho ta một cái chân cây” Viện chủ chuốt xong đem đến, Sư cặp vào khấp khểnh đi quanh viện, hỏi tăng chúng: “Các ngươi biết Lão tăng chăng?” Chúng đáp: “Làm sao mà không biết Hoà thượng.” Sư bảo: “Pháp sư què nói được đi chẳng được.” Sư đến pháp đường sai Tri sự đánh chuông gọi chúng. Chúng tụ họp, Sư bảo: “Lại biết Lão tăng chăng?” Chúng không đáp. Sư ném chân cây, ngồi thẳng thị tịch, thọ 59 tuổi.

Hưng Thiền Hộ Quốc Luận

Từ Điển Đạo Uyển

興禪護國論; J: kozen gokoku-ron;
Một tác phẩm của vị Thiền sư Nhật Bản Minh Am Vinh Tây (s: myōan eisai), người đầu tiên truyền Thiền học – có kết quả lâu dài – sang Nhật. Sư viết luận này để đáp lại sự phản bác, chống đối Thiền tông của những tông phái khác tại đây và trình bày trong luận này rằng, sự phát triển của Thiền tông tại đây chỉ làm cho nước Nhật ngày càng hưng thịnh. Hưng thiền hộ quốc luận là quyển sách nói về Thiền đầu tiên được viết tại Nhật.

Huống

Từ Điển Đạo Uyển

况; C: kuàng; J: kyō; S: kah vādah
Thêm vào, ngoài ra, tuy nhiên, thậm chí ít hơn. Chưa tính, chưa kể đến (s: kah vadah). Thường dùng thay đổi với chữ Huống bộ Thuỷ 況.

Hướng

Từ Điển Đạo Uyển

向; C: xiàng; J:; kō.
Có các nghĩa sau: 1. Có khuynh hướng về, tiến hành theo; 2. Phát tâm tu tập. Lúc mới phát nguyện tu tập; 3. Giai đoạn tu tập ở mức độ nhất định của một giai vị trước khi hoàn bị một giai vị đặc biệt. Ngược với thuật ngữ Quả (果) hoặc “hoàn bị”. Chẳng hạn như Tứ hướng (四向).

Hương Hải

Từ Điển Đạo Uyển

香海; 1628-1715.
Thiền sư Việt Nam, thuộc dòng Trúc Lâm Yên Tử. Không biết Sư thừa kế ai bởi vì hệ thống truyền thừa của Trúc Lâm Yên Tử bị thất lạc từ sau vị Tổ thứ ba là Huyền Quang.
Sư con nhà thế phiệt, tổ tiên làm quan triều đình. Sư thuở nhỏ đã thông minh tài trí, năm 18 tuổi thi đỗ Cử nhân, được triều đình phong làm tri phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị). Năm 25 tuổi Sư bắt đầu học đạo, ba năm sau thì từ quan xuất gia rồi dong thuyền ra đảo Tim Bút La (Cù lao Chàm ở biển Ðà Nẵng) ở biển Nam Hải, cất am để tu. Tương truyền rằng ở đây ma quái kéo đến quấy nhiễu nhưng Sư đều đối trị được. Chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) nghe danh Sư cho mời về núi Quy Kính trụ trì. Bấy giờ có quan nội giám Gia quận Công, người Ðàng ngoài nhưng được chúa Nguyễn cho dạy trong nội cung. Gia quận Công hay lui tới nghe Sư giảng pháp. Vì thế mà có kẻ ganh ghét tâu với chúa Nguyễn là hai người âm mưu định trốn về Bắc. Chúa Nguyễn không có bằng cớ nhưng buộc Sư phải vào Quảng Nam ở. Vì chuyện đó mà Sư quyết chí về Bắc. Chúa Trịnh coi trọng sư thưởng nhiều vàng bạc, về sau cho đưa Sư về Sơn Tây, lúc này Sư đã 56 tuổi. Năm Canh Thìn 1700, Sư dời sang chùa Nguyệt Ðường, học trò theo học rất đông, nơi đây Sư làm hưng thịnh phái Trúc Lâm.
Sư thường dạy chúng như sau: “Ngộ được tự tính mình thì chúng sinh là Phật, mê tự tính của mình thì Phật là chúng sinh. Giữ được tự tính mình bình đẳng thì chúng sinh là Phật, để tự tính mình gian hiểm thì Phật là chúng sinh.” Lại nói: “(Có những kẻ) Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng cái tướng, tách từng mảnh bụi của mọi vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lí không, nhưng không biết đó cũng là cái lối làm chôn vùi chân tính, lấp mất chân giác… Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình bỏ ngoại cảnh mà xem tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, Pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt… Cái bản thể của tâm và chân tướng của tính, vốn lặng lẽ chẳng phải có, chẳng phải không, không có sinh cũng không có diệt. Ta tìm nó thì không thấy, bỏ nó thì vẫn chẳng rời. Nếu ta mê cái hiện lượng của nó thì khổ sở lầm lẫn lăng xăng, nếu ngộ được chân tính của nó thì tinh thông sáng suốt. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng ngộ mới biết.”
Năm Ất Mùi Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ngày 13 tháng 5, Sư mặc áo ca-sa ngồi kết già an nhiên thị tịch, thọ 88 tuổi. Chùa Nguyệt Ðường là một thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư để lại 16 tác phẩm giải thích các kinh Pháp hoa, Kim cương, A-di-đà…

Hương Lâm Trừng Viễn

Từ Điển Đạo Uyển

香林澄遠; C: xiānglín chéngyuǎn; J: kyōrin chōon, 908-987;
Thiền sư Trung Quốc. Sư và Ðộng Sơn Thủ Sơ là hai môn đệ trội nhất của Thiền sư Vân Môn Văn Yển. Môn đệ giỏi nhất của Sư là Thiền sư Trí Môn Quang Tộ.
Nơi Vân Môn, Sư làm Thị giả. Vân Môn mỗi khi tiếp Sư đều gọi: “Thị giả Viễn!” Sư ứng: “Dạ.” Vân Môn hỏi: “Ấy là gì?” Ðó là pháp duy nhất Sư học tại Vân Môn. Sau 18 (!) năm như vậy, Sư tỉnh ngộ. Sư từ giã đi, Vân Môn bảo: “Sao chẳng nói một câu hướng thượng?” Sư suy nghĩ. Vân Môn bắt ở thêm ba năm (!) nữa.
Sau đó Sư đến chùa Hương Lâm trụ trì và hướng dẫn học giả trên thiền đạo. Có vị tăng hỏi Sư: “Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?” Sư đáp: “Ngồi lâu sinh nhọc.”
Một hôm, Sư bảo chúng: “Lão tăng 40 năm mới dồi thành một khối.” Nói xong, Sư ngồi kết già thị tịch, thọ 80 tuổi.

Hương Nghiêm Trí Nhàn

Từ Điển Đạo Uyển

香嚴智閑; C: xiāngyán zhìxián; J: kyōgen chi-kan; ?-898;
Thiền sư Trung Quốc, ngộ đạo nơi Quy Sơn Linh Hựu. Câu chuyện “sáng mắt” của Sư được nhắc nhở nhiều trong giới thiền vì nó nêu rõ quan niệm “Bất khả tư nghị” và các phương pháp hoằng hoá đặc biệt của các vị Tổ sư.
Trước khi đến Quy Sơn, Sư đã đến học nơi Bách Trượng Hoài Hải, nổi danh là đã nghiên cứu nhiều kinh luận nhưng vẫn không đoạn triệt hồ nghi. Sau khi Bách Trượng tịch, Sư đến tham vấn Quy Sơn. Quy Sơn hỏi: “Ta nghe sư đệ ở chỗ Tiên sư Bách Trượng thông minh lanh lợi, nhưng ta không hỏi đệ về chỗ học bình sinh, cũng không hỏi về kinh sách. Giờ đây hãy nói thử một câu khi cha mẹ chưa sinh xem!” Sư mù mịt không biết đâu là đâu bèn rút lui vào thất, soạn hết sách vở đã học qua nhưng trọn không tìm được câu giải đáp. Sư than: “Bánh vẽ chẳng no bụng đói” và đến Quy Sơn xin lời giải. Quy Sơn bảo: “Nếu ta nói sư đệ sau này sư đệ sẽ mắng ta, vì ta nói là việc của ta, liên hệ gì đến sư đệ?” Sư đem sách vở ra đốt hết, tự nghĩ “Ðời này không học Phật pháp nữa, làm tăng thường lo cơm lo cháo để khỏi nhọc tâm.” Sư từ giã Quy Sơn đi thẳng đến di tích của Quốc sư Nam Dương Huệ Trung, cất am tại đây. Sư ngày ngày lấy chổi quét dọn sạch mộ của Quốc sư. Một hôm Sư quét lá, một viên sỏi bay đụng vào khóm tre vang lên một tiếng. Sư nghe vậy bỗng nhiên đại ngộ, tìm được câu trả lời Quy Sơn, phá lên cười và làm bài kệ sau:
一擊忘所知。更不假修治
動容揚古路。不墮悄然機
處處無蹤跡。聲色外威儀
諸方達道者。咸言上上機
Nhất kích vong sở tri
Cánh bất giả tu trị
Ðộng dung dương cổ lộ
Bất đoạ tiểu nhiên cơ
Xứ xứ vô tung tích
Thanh sắc ngoại uy nghi
Chư phương đạt đạo giả
Hàm ngôn thượng thượng cơ.
*Tiếng dội lùm tre quên sở tri
Có gì đối trị giả tu trì
Ðổi thay thần sắc nêu đường cổ
Nếp cũ tiêu điều chẳng trệ si
Chốn chốn dạo qua không dấu vết
Sắc thanh nào nhiễm được uy nghi
Mười phương đạt giả đều như vậy
Tối thượng là đây biết nói gì.
(Trúc Thiên dịch)
Sư trở về am thắp hương hướng về Quy Sơn bái lễ: “Hoà thượng từ bi hơn cha mẹ, khi trước nếu vì ta mà nói thì đâu có ngày nay.”
Sư hỏi chúng: “Ví như có người leo cây cao, dưới là vực thẳm. Người ấy miệng ngậm cành cây, chân không đạp chỗ nào, tay không bám vào đâu. Chợt có người đến hỏi ›ý của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang‹, khi ấy phải làm sao?” Vị Thượng toạ bước ra thưa: “Chẳng hỏi khi đã leo lên cây, lúc chưa leo lên cây thế nào?” Sư cười rồi thôi.

Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

有; C: yŏu; J: u, yū; S, P: bhava;
1. Có, sở hữu; 2. Có, có được, tồn tại, xuất hiện, nằm ở, xảy ra, gồm có (s: asti, sat); 3. Được cấu tạo bởi, sự vật chất hoá, sự tạo thành, sự hoàn thành; 4. Sở hữu, quyền sở hữu, quyền được sở hữu; 5. Một vài, một người nào đó,…
[Phật học] 1. Đối nghịch với vô (無) hoặc không (空). Sự tồn tại, và sự tồn tại này được phân thành 3 loại: tồn tại ở thế gian: tương đãi hữu, giả danh hữu và pháp hữu (Tam chủng hữu 三種有); 2. Cưu-ma-la-thập thường dũng chữ Hữu (有) để dịch chữ bhavati từ tiếng Phạn, nhưng chữ Hữu 有 không thường được dùng để dịch chữ “yod pa” trong tiếng Tây Tạng, mà thường được dùng cho chữ “hgyur ba”. Nghĩa chính của chữ bhavati là trở thành, sinh ra, làm nên, cấu tạo.v.v… 3. Gồm có, sự cụ thể hoá, sự hình thành, sự hoàn thành (s: saṃbhava); 4. Xem những điều không hiện hữu là hiện hữu (s: samāropa); 5. Sở hữu, quyền sở hữu, vật sở hữu; 6. Một vài, một, một cái nào đó; 7. Hữu – chi phần thứ 10 trong 12 nhân duyên.

Hữu ái

Từ Điển Đạo Uyển

有愛; C: yŏuài; J: uai;
1. Đắm chấp vào sự hiện hữu; tham muốn hiện hữu (p: bhava-taṇhā; s: bhava-priya); 2. Chỉ những dạng khác của tham chấp trong cõi sắc và vô sắc.

Hữu Bảo

Từ Điển Đạo Uyển

有寶; C: yŏubăo; J: uhō;
Có được châu báu – tên của một kiếp (s: kalpa) trong kinh Pháp Hoa.

Hữu Bạo Lưu

Từ Điển Đạo Uyển

有暴流; C: yŏubàoliú; J: ubōru;
Dòng chảy dữ dội của sự đắm chấp vào sự hiện hữu (s: bhava-ogha), thí dụ cho lòng tham và kiêu mạn có trong cõi sắc và vô sắc. Là một trong 4 dòng bạo lưu (Tứ bạo lưu 四暴流), tương đương với Hữu lậu (有漏).

Hữu Bộ

Từ Điển Đạo Uyển

有部; C: yŏu bù; J: ubu; S: sarvāstivāda
Viết tắt của Thuyết nhất thiết hữu bộ (説一切有部).

Hữu Cấu

Từ Điển Đạo Uyển

有垢; C: yŏugòu; J: uku;
Có, bao gồm, hay dính mắc với nhiễm ô. Theo Bảo tính luận (寶性論, s: ratnagotravibhāga), dạng nhiễm ô nầy biểu thị dạng thức thấp (nhị thừa) của phiền não, khác với Hữu điểm (有點), chướng ngại liên quan đền hàng Bồ Tát.

Hữu Dư

Từ Điển Đạo Uyển

有餘; C: yŏuyú; J: uyo;
1. Còn tàn dư. Dù đã giải thoát khỏi mọi phiền não và trói buộc, nhưng vẫn còn thân thể vật chất nhiễm ô. Thường thấy dùng trong dụng ngữ “Hữu dư niết-bàn” (有餘涅槃); 2. Cái khác, cái còn lại; người khác, vật khác.

Hữu Dư Niết-Bàn

Từ Điển Đạo Uyển

有餘涅槃; C: yŏuyú nièpán; J: uyo nehan; S: sopadhiśeṣa-nirvāṇa;
1. Niết-bàn thực chứng được khi đang còn ở trong thế gian nầy. Cũng vậy, do thân thể còn lưu lại, nên được gọi là “Hữu dư niết-bàn”; 2. Sự chấm dứt các nguyên nhân luân hồi của hàng Bồ Tát; 3. Còn gọi là “niết-bàn tiểu thừa”, vì hàng Thanh Văn và Duyên Giác có thể chứng đắc được. Thuật ngữ đề cập đến sự biểu hiện của chân như tương ưng với sự chấm dứt mọi phiền não chướng. Là một trong “Tứ chủng niết-bàn” theo giáo lí Duy thức. “Hữu dư y niết-bàn”. Niết-bàn

Hữu Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

有縁; C: yŏuyuán; J: uen;
1. Có đối tượng của thức (s: sālambana); 2. Duyên khởi. Có liên quan; 3. Những nhân duyên khác nhau; 4. Nguyên nhân gián tiếp phát sinh sự hiện hữu; 4. Người mà mình gắn bó.

Hữu điểm

Từ Điển Đạo Uyển

有點; C: yŏudiăn; J: uten;
Nakamura định nghĩa thuật ngữ nầy đơn giản là “có nhiễm ô phiền não”, nhưng theo cách dùng trong Bảo tính luận (寶性論, s: ratnagotravibhāga), nó chỉ cho tập khí vi tế còn sót lại, việc chuyển hoá tập khí nầy là của hàng Bồ Tát, vượt qua phạm vi tu tập của hàng nhị thừa. Cách dùng trái ngược với Hữu cấu (有垢).

Hữu đỉnh

Từ Điển Đạo Uyển

有頂; C: yŏudǐng; J: uchō;
Tầng trời thứ tư của Sắc giới (色界). Tầng cao nhất của của thế giới hữu hình (s: bhava-agra). Xem Hữu đỉnh thiên (有頂天).

Hữu đỉnh Thiên

Từ Điển Đạo Uyển

有頂天; C: yŏudǐngtiān; J: uchōten; S: akaniṣ-ṭha.
1. Tên gọi khác của Sắc cứu cánh thiên (色究竟天), là tầng thứ tư và là tầng cao nhất trong cõi Sắc; 2. Tên gọi khác của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tầng thứ tư và là tầng cao nhất trong cõi Vô sắc.

Hữu đối

Từ Điển Đạo Uyển

有對; C: yŏuduì; J: utai;
Sự hiện hữu của một đối tượng bền chắc choán không gian và có hoặt dụng như một chướng ngại (s: pratigha). Đồng nghĩa với Hữu ngại (有礙) và phản nghĩa với Vô đối (無對).

Hữu Giáo

Từ Điển Đạo Uyển

有教; C: yŏujiāo; J: ukyō;
Giáo lí chủ trương “ngã không pháp hữu”. “Thật thể” được công nhận. Thế giới hiện hữu khách quan vô thường và biến dịch, nhưng các pháp (法) hợp thành thế giới thay đổi nầy lại có một ngã thể.

Hữu Học

Từ Điển Đạo Uyển

有學; C: yŏuxué; J: ugaku;
Bậc tu đạo chưa thành tựu, còn phải học và tiến bước trong Phật đạo, chưa đạt quả vị A-la-hán. Theo Phật giáo Tiểu thừa thì đây là bậc chưa đạt được quả vị thứ tư.

Hữu Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

有見; C: yŏujiàn; J: uken;
Tính chất có thể trông thấy được (s: sanidarśana); có thể thấy – đặc tính của vật chất, hay “sắc” (色). Khác với Vô kiến (無見).

Hữu Lậu

Từ Điển Đạo Uyển

有漏; C: yŏulòu; J: uro; S: āsrava
Dịch sang tiếng Hán là “còn chảy ra”, nhưng đó là một thuật ngữ Phật học vay mượn mô phỏng theo Kì-na giáo (e: jainism), có nghĩa là sự hiện hữu của nghiệp tăng trưởng theo linh hồn (s: jīva). Trong Phật giáo, thuật ngữ nầy có thể được so sánh với ý niệm phiền não hoặc nhiễm ô, nên nó có nghĩa là “nhiễm ô”, “phiền não”, “bất tịnh”, “không hoàn thiện” v.v…; đồng nghĩa với Nhiễm (染) và Phiền não (煩惱). Sự nhiễm ô nầy liên đới trực tiếp với duyên của vô minh, khiến thức bị đánh lừa bởi ảo tướng của chủ thể và đối tượng, yêu và ghét. Tâm giải thoát thì vận hành không vướng nhiễm ô (vô lậu 無漏, s: anāsrava); do vậy, sự phân biệt giữa hữu lậu và vô lậu ương tự như sự khác biệt giữa phàm và thánh, hoặc giữa mê và ngộ; 2. Sự nhiễm ô kết hợp với trong sắc giới (hơn là kết hợp với Dục giới hay Vô sắc giới); Tam lậu (三漏).

Hữu Lậu Tập đế

Từ Điển Đạo Uyển

有漏集諦; C: yŏulòujídì; J: uroshūtai;
Sự thật về sự huân tập có nhiễm ô.

Hữu Lậu Thiện

Từ Điển Đạo Uyển

有漏善; C: yŏulòu shàn; J: urozen;
Tính thiện bất tịnh, tương đối, còn nhiễm ô bởi tâm thức có định hướng mục đích.

Hữu Lượng

Từ Điển Đạo Uyển

有量; C: yŏuliáng; J: uryō;
Nhận thức được; phân định được, như vô số hiện tượng trong thế gian được xác định bởi tri thức hiểu biết (s: parimita).

Hữu Lưu

Từ Điển Đạo Uyển

有流; C: yŏuliú; J: uru;
Chân Đế (眞諦, s: paramārtha) dịch từ chữ āsrava trong tiếng Phạn, nghĩa là: có sự chảy thoát ra – bị phiền não, nhiễm ô, dính mắc thế tục, có định hướng mục đích. Về sau, Huyền Trang dịch là Hữu lậu (有漏).

Hữu Lưu Thiện

Từ Điển Đạo Uyển

有流善; C: yŏuliúshàn; J: uruzen;
Tính chất thiện có nhiễm bất tịnh. Hữu lậu thiện (有漏善).

Hữu Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

有一; C: yŏuyī; J: uitsu; K: yuil, 1720-1799;
Thiền sư Triều Tiên. Sư nghiên cứu lịch sử và kinh điển từ lúc niên thiếu, xuất gia và bắt đầu tu thiền vào năm 18 tuổi. Sau đó sư dành thời gian tập trung nghiên cứu các kinh quan trọng đã trở thành thông dụng trong chương trình tu tập của tăng sĩ Triều Tiên như kinh Thủ Lăng Nghiêm, luận Đại thừa khởi tín, kinh Viên Giác. Sư trứ tác rất nhiều, trong số những tác phẩm quan trọng của sư là những luận giải về 4 bộ kinh luận nói trên.

Hữu Phần

Từ Điển Đạo Uyển

有分; C: yŏufēn; J: ubun;
1. Có tướng trạng phân biệt, có sắc thân (s: sāvayava); 2. Tất cả, toàn thể (s: avayavin); 3. Cũng như là… (s: tanmayatā); 4. Sự phân biệt cõi giới mình đang hiện hữu – như là tam giới, lục thú.v.v… Mắc xích của chuỗi hiện hữu, là 3 dạng huân tập của tàng thức trong Nhiếp Đại thừa luận (攝大乘論, s: mahāyāna-saṃgrāha).

Hữu Pháp Vô Ngã Tông

Từ Điển Đạo Uyển

有法無我宗; C: yŏufă wúwǒ zōng; J: uhō muga shū;
Giáo lí của Nhất thiết hữu bộ cho rằng các pháp là có thật nhưng ngã thì không.

Hữu Phú

Từ Điển Đạo Uyển

有覆; C: yŏufù; J: ufuku;
Sự ngăn ngại, chướng ngại, sự cản trở; đặc biệt là sự cản trở tri giác thanh tịnh và chân chính.

Hữu Phú Vô Kí

Từ Điển Đạo Uyển

有覆無記; C: yŏufù wújì; J: ufuku muki;
Một trong các loại Vô kí (無記) gây chướng ngại cho sự giác ngộ, cùng với Vô phú vô kí (無覆無記). Là điều mặc dù không dứt khoát tốt hay xấu, nhưng có khía cạnh nhiễm ô làm ngăn ngại cho nhận thức trong sáng về thực tại, chẳng hạn như bốn biểu hiện quan niệm về ngã (Tứ kiến 四見) khi liên kết với mạt-na thức (s: nivṛta-avyākṛta, t: bsgribs la luṅ du ma bstan pa).

Hữu Sắc

Từ Điển Đạo Uyển

有色; C: yŏusè; J: ushiki;
Có thể trạng, có hình tướng (s: rupin).

Hữu Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

有生; C: yŏushēng; J: ushō;
Một cuộc đời; được (tái) sinh ra trong thế gian nầy (s: utpāda; t: skyes pa).

Hữu Tác

Từ Điển Đạo Uyển

有作; C: yŏuzuò; J: usa;
1. Có tác dụng. Có chức năng tạo tác (s: kārya); 2. Cái được tạo tác. Đồng nghĩa với Hữu tướng (有相), cái không phải tự vốn hiện hữu như thế. Nhận biết được tác dụng hoặc hoặt động; 3. Điều sinh ra do nhân duyên.

Hữu Tác Tứ đế

Từ Điển Đạo Uyển

有作四諦; C: yŏuzuòsìdì; J: usa shitai;
Tứ diệu đế được giải thích theo ý nghĩa thông thường trong phạm vi luật nhân quả. Khác với Vô tác tứ đế (無作四諦).

Hữu Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

有心; C: yŏuxīn; J: ushin;
1. (Loài) có tâm ý – do vậy, là loài hữu tình (s: sa-citta; t: sems daṅ bcas pa), chúng sinh; 2. Hoạt động phân biệt của tâm chấp trước. Tâm niệm phân biệt của chúng sinh; 3. Tâm trong quan niệm là một cái gì đó có thể nắm bắt được.

Hữu Tham

Từ Điển Đạo Uyển

有貪; C: yŏu tān; J: uton;
1. Mối bận tâm về tham dục trong cõi sắc và vô sắc. Xuất phát từ tham muốn sự liên tục sinh mệnh của mình; “tham đắm sự hiện hữu”; 2. Dính mắc với thế tục; 3. Theo Hữu bộ (s: sarvāstivāda), đó là tham đắm sự hiện hữu trong cõi giới cao hơn.

Hữu Thân Kiến

Từ Điển Đạo Uyển

有身見; C: yŏushēn jiàn; J: ushin ken; S: satkāya-dṛṣṭi; P: sakkāya-diṭṭhi.
Kiến chấp về ngã, không thể vượt thoát ra khỏi ý niệm về “Ngã” và “Ngã sở”. Gọi tắt là Thân kiến (身見). Phiên âm là Tát-ca-da kiến (薩迦耶見). Đây là một trong Tứ kiến liên hệ đến mạt-na thức (末那識).

Hữu Thời

Từ Điển Đạo Uyển

有時; C: yŏushí; J: uji;
1. Vào một lúc; một lúc nào đó, xảy ra đúng lúc; 2. “Hữu Thời”, nhan đề một tiểu luận nổi tiếng của Đạo Nguyên Hi Huyền trong tác phẩm Chính pháp nhãn tạng (正法眼藏, j: shōbōgenzō).

Hữu Thủ

Từ Điển Đạo Uyển

有取; C: yŏuqŭ; J: ushu;
Có dính mắc, chấp trước (s: sa-upādāna). Tương tự với nghĩa rộng và thường dùng với Hữu lậu (有漏).

Hữu Thủ Thức

Từ Điển Đạo Uyển

有取識; C: yŏuqŭshì; J: ushushiki;
1. Ý thức chấp trước. Thức uẩn trong tình trạng hữu lậu (有漏) hoặc phiền não (煩惱); 2. Theo Duy thức tông, đó là thuật ngữ bao hàm chức năng hoà hợp của thức thứ 7 và thức thứ 8.

Hưu Tĩnh

Từ Điển Đạo Uyển

休靜; C: xiūjìng; J: kyūjō; K: hyujǒng (1520-1604);
Thiền sư sống vào triều đại Triều Tiên (朝鮮; k: chosǒn), được xem là một trong 5 nhân vật quan trọng của lịch sử Phật giáo Hàn Quốc. Thường được người Hàn Quốc gọi một cách cung kính là Tây Sơn Đại sư (西山大師). Sư là một bậc thầy và một nhà trứ tác uy tín, tương truyền đã truyền dạy cho hàng trăm đệ tử, trong đó một số đã thành những vị Thiền sư rất xứng đáng. Sư đóng vai trò chính trong việc củng cố phương thức nghiên cứu và thực hành Thiền Hàn Quốc để duy trì pháp môn nầy cho đến thời hiện đại. Điều làm cho Hưu Tĩnh được kính trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc nói chung là vai trò của sư trong việc sáng lập cũng như lĩnh đạo đội quân tăng lữ, đã đóng vai trò quyết định trong việc đẩy lui cuộc xâm lăng của quân đội Nhật Bản do tướng Tú Cát Phong Thần (秀吉豊臣; j: hideyoshi toyotomi) chỉ huy.
Thêm vào năng lực phi thường như một tướng lĩnh quân đội, Hưu Tĩnh còn là một Thiền sư kiệt xuất và là tác giả của rất nhiều bản kinh văn quan trọng, nổi bật nhất là cuốn Thiền gia quy giám (禪家龜鑑; k: sǒnga kwigam), một tác phẩm hướng dẫn thực hành Thiền quán, đã được chư tăng Hàn Quốc nghiên cứu cho đến ngày nay.
Cũng như hầu hết chư Tăng trong thời đại Triều Tiên, ban đầu sư cũng được học tập triết học Tân Nho giáo. Không thoả mãn với tinh thần nầy, sư lặn lội qua nhiều tòng lâm trên những rặng núi để tham học, và cuối cùng gia nhập tăng-già. Sau khi được thừa nhận là một bậc Đạo sư, sư được Hoàng hậu Munjǒng sắc phong Tăng thống Thiền tông. Không lâu sau, sư từ bỏ trọng trách nầy, trở về lại với đời sống du phương. Sách tấn các môn đệ mình tu tập và dạy cho chư tăng khắp các tự viện trong nước. Sư tịch lúc 85 tuổi, độ cho gần 1000 đệ tử và trong số đó có 70 tăng ni. Nhiều vị đã giữ vai trò nổi bật trong sự truyền thừa Phật giáo Triều Tiên (朝鮮).
Hưu Tĩnh cũng được nổi tiếng trong nỗ lực kế tục chương trình hợp nhất việc nghiên cứu và tu tập đạo Phật. Sư được xem là nhân vật trung tâm của sự phục hưng Phật giáo Triều Tiên. Dòng Thiền Cao li hiện đại đã được kế thừa từ sư thông qua 1 trong 4 vị đệ tử lớn: Duy Chính (惟政; k: yujǒng) và Nhan Cơ (彦機; ǒngi), Thái Năng (太能; k: t’aenǔng) và Nhất Thiền (一禪; k: ilsǒn), tất cả 4 vị nầy đều là những người phụ tá cho Hưu Tĩnh trong cuộc chiến tranh chống Nhật Bản.

Hữu Tính

Từ Điển Đạo Uyển

有性; C: yŏuxìng; J: ushō;
1. Tồn tại, hiện hữu; sự sống (s: asita, astitva); 2. Có tự tính. Có bản tính; 3. Người vốn sở hữu bản chất, khả năng thành Phật. Bản tính Thanh văn, Bích chi Phật và Bồ Tát, khác với loài không có được bản tính như thế.

Hữu Tình

Từ Điển Đạo Uyển

有情; C: yŏuqíng; J: ujō; S: sattva; P: satta; dịch âm Hán Việt là Tát-đoá (薩埵), cũng được gọi là Chúng sinh (眾生), Hàm thức (含識);
Chỉ các giống có tình, có thức, nói chung là các loại động vật trong Ba thế giới.
Trước thời Huyền Trang, thuật ngữ nầy được dịch sang tiếng Hán là Chúng sinh (衆生), nhưng sau đó được địch là Hữu tình. Toàn thể chúng sinh.

Hữu Vi

Từ Điển Đạo Uyển

有爲; C: yŏuwéi; J: ui; S: saṃskṛta; T: ḥdus byas; P: saṅkhāta; nghĩa là “được tạo tác” phụ thuộc, bị ảnh hưởng, đối nghĩa với Vô vi (無爲);
Chỉ tất cả những hiện tượng, vạn vật chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Ðặc điểm chính của những Pháp hữu vi này là Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Vì thế nên tất cả những gì hữu vi đều trống rỗng (Không), Vô thường, không có tự tính; bám vào chúng là Khổ.
Trong Tiểu thừa (s: hīnayāna), người ta thường dùng những pháp hữu vi để giảng nghĩa tính chất vô thường của cuộc sống. Ðại thừa (s: mahāyāna) áp dụng danh từ hữu vi vào tất cả những hiện tượng vật chất, tâm lí của thế giới và con người. Ðây chính là nguồn gốc của giáo lí tính Không (s: śūnyatā) của Trung quán tông và học thuyết “Nhất thiết duy tâm tạo” của Duy thức tông.
Tuy nhiên, cách phân chia các pháp theo hữu vi, vô vi thay đổi theo từng tông phái (Pháp tướng tông, Câu-xá tông).
Kinh Kim cương bát-nhã ba-la-mật-đa có ghi lại (Kim cương tứ cú):
一切有爲法。如夢幻泡影
如露亦如電。應作如是觀
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
*Các pháp hữu vi ấy
Như chiêm bao huyễn mị
Bọt bèo bóng chớp mù
Nên tưởng đều như vậy.

Hữu Vi Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

有爲法; C: yŏuwéi fă:; J: uihō; S: saṃskrta, saṃskrta-dharmāḥ;
1. Những hiện tượng biểu thị khác nhau được tạo ra như một tổng hợp của nhân và duyên. Những hiện tượng hình thành do nhân duyên, những gì sinh khởi, biến dịch và hoại diệt. Các pháp được tạo tác; 2. Các pháp hữu vi. Còn có nghĩa là năm uẩn: sắc, thụ tưởng, hành, thức, tất cả các yếu tố được tạo thành do các điều kiện (duyên; s: pratyaya); 3. Nhiễm ô, phiền não; 4. Những gì nhất thời và giả tạm.

Hữu Vô

Từ Điển Đạo Uyển

有無; C: yŏuwú; J: umu;
1. Có và không (s: bhāva-abhāva; t: dṅos daṅ dṅ med). Khuynh hướng giải thích thực tại như là một hay là khác thuộc hai cực nầy là toát yếu căn bản của Phật pháp, và là một trong những ý nghĩa mở rộng nhất của thuật ngữ Trung đạo (中道); 2. Một cách diễn đạt ý niệm không (空) và hữu (有).

Hưu Yết

Từ Điển Đạo Uyển

休歇; C: xiūxiē; J: kyūgatsu;
Dừng nghỉ, chấm dứt, hoàn thành. Vượt qua.

Huyễn

Từ Điển Đạo Uyển

幻; S, P: māyā; dịch âm là Ma-da; cũng được gọi là ảo ảnh;
Ảo ảnh

Huyền Quan

Từ Điển Đạo Uyển

玄關; J: genkan; nghĩa là “Cửa ải huyền bí”;
Ðược sử dụng trong nhiều trường hợp: 1. Nhập môn, bước vào con đường tu học Phật pháp, con đường mà Phật và các vị Tổ sư hướng dẫn; 2. Chỉ ngưỡng cửa của phòng tiếp khách trong một Thiền viện hoặc một phòng tiếp khách nằm gần cửa cổng; 3. Căn phòng nằm giữa cửa nhà và phòng khách trong một ngôi nhà tại Nhật Bản.

Huyền Quang

Từ Điển Đạo Uyển

玄光; 1254-1334
Thiền sư Việt Nam, Tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử. Sư là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ còn được lưu lại. Cùng với Trúc Lâm Ðầu Ðà (Trần Nhân Tông) và Pháp Loa, Sư được xem là một Ðại thiền sư của Việt Nam và người ta xem Sư và hai vị nêu trên ngang hàng với sáu vị Tổ của Thiền tông Trung Quốc hoặc 28 vị Tổ của Thiền Ấn Ðộ.
Theo Tam tổ thật lục (三祖實錄), mẹ của Huyền Quang là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì đã 30 mà chưa có con. Ðầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy “các toà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Ðức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: ›Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Ðông Ðộ và phải nhớ lại duyên xưa.‹” Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. Lớn lên Sư dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.
Một hôm, Sư cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phụng Nhãn nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại “duyên xưa”, xin xuất gia thụ giáo (có tài liệu nói Sư thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh). Sư được cử làm thị giả của Trúc Lâm Ðầu Ðà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang.
Sau, Sư theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Yử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lí nên tăng chúng đua nhau đến học. Niên hiệu Ðại Khánh thứ 4 (1317), Sư được Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa tịch (1330), Sư kế thừa làm Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên Sư giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm.
Sư đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hoá. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334), Sư viên tịch, thọ 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền Sư Ðệ Tam Ðại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.
Sau đây là một vài bài thơ của Sư:
1. Cúc hoa 菊花 – Hoa cúc:
忘身忘世已都忘。坐久簫然一榻涼
歲晚山中無歷日。菊花開處即重陽
Vương thân vương thế dĩ đô vương
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương
*Quên mình quên hết cuộc tang thương
Ngồi lặng điều hiêu mát cả giường
Năm cuối trong rừng không có lịch
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương
(theo Thơ văn Lý-Trần)
花在中庭人在樓。焚香獨坐自忘憂
主人與物渾無競。花向群芳出一頭
Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc toạ tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
*Người ở trên lầu hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đoá hoa vừa mới nở tung.
(Bản dịch của Nguyễn Lang)
2. Ðịa lô tức sự 地爐即事 – Lò sưởi tức cảnh:
煨餘榾柮獨焚香。口答山童問短章
手把吹商和木鐸。從來人笑老僧忙
Ổi dư cốt đốt độc phần hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả xuy thương hoà mộc đạc
Tòng lai nhân tiếu lão tăng mang
*Củi hết lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình
(Bản dịch của Nguyễn Lang)
Tác phẩm của Sư: 1. Ngọc tiên tập; 2. Chư phẩm kinh; 3. Công văn tập; 4. Phổ huệ ngữ lục.

Huyền Sa Sư Bị

Từ Điển Đạo Uyển

玄沙師備; C: xuánshā shībèi; J: gensha shibi; 835-908;
Thiền sư Trung Quốc, một trong những môn đệ danh tiếng nhất của Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Nối pháp của Sư có 13 vị – với La Hán Quế Sâm hàng đầu. Vị này lại là sư phụ của Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích, người sáng lập tông Pháp Nhãn. Cảnh Ðức truyền đăng lục ghi tên tông này là Huyền Sa tông. Bích nham lục (công án 22, 56, 88) và Vô môn quan (41) có ghi lại pháp ngữ của Sư.
Sư họ Tạ, quê ở huyện Mân, Phúc Châu. Sư chẳng biết chữ, không đọc được chữ khắc trên những đồng tiền thời đó. Sư rất thích câu cá, thường cắm một chiếc thuyền nhỏ trên sông Nam Ðài để câu. Bỗng một hôm, Sư phát tâm cầu giải thoát, dẹp bỏ thuyền câu, lên núi Phù Dung theo Thiền sư Linh Huấn xuất gia, sau đến chùa Khai Nguyên ở Dự Chương thụ giới cụ túc với Luật sư Ðạo Huyền. Sư tu theo hạnh Ðầu-đà, chỉ mặc áo gai đi giày cỏ, ăn vừa đủ sống, suốt ngày ngồi im lặng, tăng chúng thấy vậy đều kính phục. Nơi đây, Sư gặp Tuyết Phong. Mặc dù chỉ nhỏ hơn 13 tuổi và theo lí thì như huynh đệ trong đạo, nhưng Sư gần gũi kính thờ Tuyết Phong như thầy trò. Tuyết Phong lên núi Tượng Cốt hoằng hoá, Sư cùng theo góp sức đắc lực. Học giả bốn phương đến tấp nập. Trong một cuộc Hành cước xuất phát từ đây, Sư vấp chân vào đá đau điếng người, bỗng nhiên đại ngộ.
Sư ứng đối nhanh nhẹn phù hợp kinh điển. Những người huyền học các nơi chưa thông đều đến cầu Sư chỉ dạy. Tuyết Phong thường bảo: “Ðầu-đà Bị là người tái sinh!”
Sau, Sư từ giã Tuyết Phong xuống núi, thu nhận môn đệ tại Huyền Sa. Từ đây học chúng đến rất đông. Công án sau đây trong Bích nham lục ghi lại cách dạy thần tốc của Sư và Thiền sư Vân Môn Văn Yển, hai môn đệ kế thừa xuất sắc của Tuyết Phong:
Một hôm, Sư thượng đường dạy chúng: “Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sinh, chợt gặp người ba thứ bệnh đến làm sao mà tiếp? Người bệnh mù thì đưa chùy, dựng Phất tử, họ lại chẳng thấy. Người bệnh điếc thì ngữ ngôn tam-muội, họ lại chẳng nghe. Người bị bệnh câm dạy y nói, lại nói chẳng được. Phải làm sao tiếp? Nếu tiếp không được người này thì Phật pháp chẳng linh nghiệm.”
Tăng đến hỏi Vân Môn. Vân Môn bảo: “Ông lễ bái đi” Tăng lễ bái xong đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận, tăng thối lui. Vân Môn bảo: “Ông không phải bệnh mù.” Lại bảo: “Ông đến gần đây.” Vị tăng đến gần. Vân Môn bảo: “Ông không phải bệnh điếc.” Vân Môn hỏi tiếp: “Hội chăng?” Tăng đáp: “Chẳng hội” Vân Môn bảo: “Ông không phải bệnh câm.” Tăng nhân đây có tỉnh.
Sư ứng cơ tiếp người 30 năm, người có mặt nghe giảng không dưới 800. Ðến đời Lương, niên hiệu Khai Bình năm thứ hai, ngày 27 tháng 11 năm Mậu Thìn, Sư thị tịch, thọ 74 tuổi, được 40 tuổi hạ.

Huyễn Thân

Từ Điển Đạo Uyển

幻身; Tạng ngữ: gyulu [sGyu lus]; S: māyākāya, māyādeha;
Là thân huyễn hoá. Trong Kim cương thừa, thân này là một thân thanh nhẹ, cao hơn thân do Ngũ uẩn tạo thành, nhưng luôn luôn hiện diện trong đó. Huyễn thân cũng được hiểu là một phần của Na-rô lục pháp (t: nāro chodrug) và một phép tu Tan-tra nhằm thanh lọc thân thể thông thường để đạt Phật quả.

Huyền Trang

Từ Điển Đạo Uyển

玄奘; C: xuánzhuǎng; 600-664; còn mang danh hiệu là Tam Tạng Pháp sư, là người tinh thông cả ba tạng, Tam tạng;
Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) ra tiếng Hán. Sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (c: fǎxiàng-zōng), một dạng của Duy thức tông (s: yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc.
Sư du hành 16 năm (629-645) Ấn Ðộ, lưu lại học tại Na-lan-đà và thăm viếng tất cả các di tích Phật giáo quan trọng. Cuộc hành trình này được ghi trong Ðại Ðường Tây vực kí, giúp hậu thế hiểu nhiều lịch sử Ấn Ðộ trong thế kỉ thứ 7. Sau khi trở lại Trung Quốc, Sư bắt tay vào công trình dịch các tác phẩm của Duy thức tông và các kinh luận khác sang Hán ngữ, như bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa (s: prajñāpāramitāsūtra) gồm 600 tập; Du-già sư địa luận (s: yogācārabhūmi-śāstra), Nhiếp Ðại thừa luận (s: mahāyāna-saṃgraha) của Vô Trước (s: asaṅga), A-tì-đạt-ma câu-xá luận (s: abhidharmakośa-śās-tra), Duy thức tam thập tụng (s: triṃśikā-vijñāptimātratāsiddhi) và Duy thức nhị thập tụng (viṃśatikāvijñāptimātratāsiddhi) của Thế Thân (s: vasubandhu). Sư cũng là tác giả của bộ luận Thành duy thức (s: vijñāpti-mātratāsiddhi), trong đó Sư tổng kết quan niệm Mười đại luận sư của Duy thức tông. Ðó là bộ luận bao gồm đầy đủ giáo lí của học phái này.
Huyền Trang sinh tại Hồ Nam. Năm lên 13 tuổi Sư đã xuất gia và Thụ giới cụ túc năm 21 tuổi. Sư tu học kinh sách Ðại thừa dưới nhiều giảng sư khác nhau và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Ðây là lí do chính thúc đẩy Sư lên đường đi Ấn Ðộ để tự mình tìm hiểu và năm 629, Sư rời Trường An. Năm 631, Sư đến Kashmir, năm 633 mạo hiểm tìm đến các dấu tích Phật như Ca-tì-la-vệ, Giác Thành và cuối cùng tìm đến đại học Phật giáo Na-lan-đà và được Giới Hiền (s: śīlābhadra) truyền Pháp môn Duy thức. Hai năm sau, Sư rời Na-lan-đà đi Tích Lan, rồi lại trở về Na-lan-đà học tiếp triết học Ấn Ðộ. Danh tiếng của Sư trở nên lừng lẫy, nhiều vua chúa mời Sư giảng dạy. Sư là người biện luận giỏi, nhiều lần thắng đại diện của Tiểu thừa cũng như phái Bà-la môn. Năm 645 Sư trở về Trường An và mang theo 520 bộ kinh sách của Tiểu thừa và Ðại thừa về Trung Quốc. Những năm sau đó, Sư tập trung dịch kinh và dịch được 75 bộ. Vì thông cả văn hệ Phạn ngữ (sanskrit) nên Sư cũng dịch ngược lại Ðạo đức kinh của Lão Tử và Ðại thừa khởi tín luận (s: mahāyānaśraddhotpāda-śāstra) sang Phạn ngữ (vì nguyên bản Phạn đã thất truyền). Ðặc điểm của các bản dịch của Huyền Trang là trình độ văn chương rất cao và rất chính xác. Sư là người có công trong việc đưa vào tiếng Hán một loạt thuật ngữ Phật giáo quan trọng.
Vào thế kỉ thứ 16, dựa vào chuyến Tây du của Huyền Trang, bộ Tây du kí của Ngô Thừa Ân ra đời, trong đó Huyền Trang có tên là Tam Tạng, mang nhiều tình tiết li kì hấp dẫn người đọc.