TỪ ĐIỂN THIỀN TÔNG
HÁN-VIỆT
漢越禪宗辭典
(CHÌA KHÓA THIỀN TẠNG)
HÂN MẪN & THÔNG THIỀN BIÊN DỊCH
LỜI TỰA
Thiền tông – Căn cứ vào lịch sử hình thành và phát triển của nó, bằng vào rất nhiều truyền thuyết sinh động và thiền ngữ kì dị tuyệt vời, cộng với ảnh hưởng dài lâu sâu sắc của nó đối với văn hóa Đông phương, cùng sự xâm nhập không ngừng của nó vào nền văn hóa Tây phương hiện nay đã tạo thành một thế giới Thiền sâu xa và rộng lớn.
Trong thế giới thiền ấy, có lúc như hoa đỏ liễu xanh (Hoa hồng liễu lục), mắt ngang mũi dọc (Tỵ thụ nhãn hoành) rất phổ thông, rất bình thường; đôi khi như bụi hồng đáy biển (Hải để hồng trần), tuyết trắng trong lửa (Hỏa trung bạch tuyết) thật đặc biệt, thật lạ lùng khiến mọi người vừa sợ vừa ngờ.
Thiền quả là cao xa khó hiểu nhưng lại gần gũi giản dị, vừa bình thường thực tế vừa siêu hình thần bí, khó nắm bắt, không thể nghĩ bàn, đầy ắp những câu đố khó hiểu. Song càng khó hiểu càng gợi cho người đọc, người nghe bao niềm say mê, bao nỗi thắc mắc….
Nhằm giải đáp những thắc mắc đó và đáp ứng yêu cầu của số đông độc giả về một quyển sách công cụ thực dụng cho việc nghiên cứu, cho những ai muốn đọc và hiểu được các sách vở Thiền tông bằng chữ Hán, chúng tôi cho ra đời quyển Từ điển Thiền tông Hán-Việt này.
Trong khi soạn dịch, chủ yếu chúng tôi dựa vào quyển Thiền Tông Từ Điển nguyên tác Hán văn do Viên Tân chủ biên. Riêng 1⁄3 số mục từ thuộc phần thuật ngữ, chúng tôi chọn lấy định nghĩa của sách trên rồi thay phần thí dụ trích dẫn của sách thiền Trung Quốc bằng các đoạn trong văn bản Thiền tông Việt Nam, mục đích giới thiệu các tác phẩm Thiền tông của các bậc tiền bối nước ta không hề thua kém của nước người. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số tài liệu khác có liệt kê phía sau sách này.
Trước hết chúng tôi xin thành kính tri ân quý Hòa thượng, Thượng tọa đã dày công dạy dỗ, dẫn dắt chúng tôi và đặc biệt ghi ân quý vị học giả, giáo sư của các sách chúng tôi tham khảo.
Thứ đến, trong quá trình biên dịch, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tích cực của Đại đức Nguyên Chơn, Nhuận Châu, Sư cô Hạnh Huệ, cư sĩ Định Huệ đã đọc và chữa bản thảo; cư sĩ Đỗ Quốc Bảo đã hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chế bản chữ Hán rất công phu trong quyển sách này; nhân đây chúng tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn thật chân thành.
Do tính phức tạp của thuật ngữ Thiền tông trong các tác phẩm chữ Hán về văn học Thiền, do điều kiện biên dịch và khả năng của dịch giả còn có hạn, Từ Điển Thiền Tông Hán-Việt khó tránh khỏi những sơ suất này hay khác. Với lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi mong muốn quý độc giả cao minh chỉ giáo để sách này trong lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Hân Mẫn – Thông Thiền
Kính ghi