TỪ ĐIỂN DUY THỨC HỌC &
THUẬT NGỮ PHẬT GIÁO

DICTIONARY OF THE VIJNAPTIMATRA &
BUDDHIST TERMS

VIỆT-ANH
VIETNAMESE-ENGLISH

TẬP II
VOLUME II
ENGLISH-VIETNAMESE
SANSKRIT/PALI-VIETNAMESE

THIỆN PHÚC

 

Lời Tựa

Theo Phật giáo, Duy Thức Học là môn học về Tâm và Thức. Tâm chính là thể của thức. Giáo thuyết về Duy Thức có thể được tìm thấy trong hầu hết các kinh điển Phật giáo, đặc biệt trong các kinh Lăng Già, Giải Thâm Mật, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, và Công Đức Trang Nghiêm. Duy Thức Tông còn gọi là Duy Thức Gia hay Pháp Tướng tông. Giáo lý duy thức cho rằng chỉ có duy thức bên trong là thực hữu chứ không phải là những vật thể bên ngoài. Học thuyết của Duy Thức tông chú trọng đến tướng của tất cả các pháp; dựa trên đó, luận thuyết về Duy Thức Học được lập nên để minh giải rằng ly thức vô biệt pháp hay không có pháp nào tách biệt khỏi thức được. Mục đích chính của Duy Thức Học là chuyển hóa tâm trong tu hành để đi đến giác ngộ và giải thoát. Mặc dù tông nầy thường được biểu lộ bằng cách nói rằng tất cả các pháp đều chỉ là thức, hay rằng không có gì ngoài thức; thực ra ý nghĩa chân chính của nó lại khác biệt. Nói duy thức, chỉ vì tất cả các pháp bằng cách nầy hay cách khác luôn luôn liên hệ với thức.

Thuyết nầy dựa vào những lời dạy của Đức Phật trong Kinh Hoa Nghiêm, tam giới chỉ hiện hữu trong thức. Theo đó thế giới ngoại tại không hiện hữu, nhưng nội thức phát hiện giả tướng của nó như là thế giới ngoại tại. Toàn thể thế giới do đó là tạo nên do ảo tưởng hay do nhân duyên, và không có thực tại thường tồn nào cả. Tại Ấn Độ, tông phái nầy chuyên chú vào việc nghiên cứu Duy Thức Luận và các kinh sách cùng loại, nên có tên là Duy Thức Tướng Giáo. Tác giả các bộ sách nầy là Vô Trước và Thiên Thân, họ từng có một đệ tử xuất sắc là Giới Hiền, một người Ấn Độ, sống trong tu viện Na Lan Đà. Giới Hiền là người đã lập ra Duy Thức Tông tại Ấn Độ và có nhiều công lao trong việc sắp xếp các kinh điển Phật Giáo. Sau khi trở về với Đại Thừa, Thế Thân đã hệ thống hóa các quan điểm triết học của Du Già Tông, đã quy định chủ điểm của tông nầy là “Duy Thức,” đặt sự hiện hữu của tất cả ngoại giới nơi thức. Nói tắt là chỉ có thức hiện hữu.

Trên phương diện thể tánh luận, tông nầy đứng giữa các tông phái chấp “Hữu” và chấp “Vô.” Nó không chấp vào học thuyết tất cả mọi sự thể đều hiện hữu, vì quan niệm rằng không có gì ngoài tác động của tâm, cũng không chấp vào học thuyết chẳng có gì hiện hữu, vì quả quyết rằng có sự hiện hữu của các thức. Tông nầy hoàn toàn tán đồng học thuyết “Trung Đạo,” không bao giờ đi đến cực đoan của chủ trương “hữu luận” cũng như “vô luận.”

Như vậy tông nầy có thể được mệnh danh là “Duy Tâm Thực Tại Luận” hay “Thức Tâm Luận.” Danh hiệu chính thức của nó là “Duy Thức,” hay Tánh Tướng Học, khảo cứu về bản tánh và sự tướng của các pháp.

Đây không phải là bộ Tự Điển Việt-Anh bình thường, đây cũng không phải là Toàn Tập Thuật Ngữ Duy Thức Học. Đây chỉ là một bộ sách nhỏ gồm những từ ngữ Duy Thức Học và Phật giáo căn bản, hay những từ thường hay gặp trong những bài thuyết giảng về Duy Thức Học, với hy vọng giúp những Phật tử và hành giả nào mong muốn tìm hiểu thêm về những bài giảng về Duy Thức Học bằng Anh ngữ. Đức Phật đã bắt đầu thuyết giảng Phật pháp 26 thế kỷ về trước mà giáo lý thật là thậm thâm rất khó cho bất cứ ai trong chúng ta thấu triệt, dù bằng chính ngôn ngữ của chúng ta. Bên cạnh đó, không có từ ngữ tương đương Việt hay Anh nào có thể lột trần được hết ý nghĩa của nhiều từ ngữ Phạn Pali và Sanskrit. Lại càng khó hơn cho người Việt chúng ta tránh những diễn dịch sai lầm khi chúng ta đọc những kinh điển được Việt dịch từ những kinh điển Đại thừa của Trung Hoa. Trong bộ sách này tôi đã mạo muội bỏ tất cả những dấu của chữ Hoa và Sanskrit cũng như Pali được viết theo mẫu tự La Tinh vì tôi thiết nghĩ chúng chỉ làm cho những độc giả thông thường bối rối thêm mà thôi.

Riêng đối với các bậc học giả uyên thâm chữ Hoa và chữ Bắc Phạn cũng như Nam Phạn, thì những dấu này thật sự không cần thiết, vì họ sẽ nhận ra được ngay nguyên ngữ chữ Hoa và chữ Phạn.

Cho đến khi nào có được một bộ Từ Điển Thuật Ngữ Duy Thức Học hoàn chỉnh, tôi đã mạo muội biên soạn những thuật ngữ thường dùng của Duy Thức Học Phật giáo cũng như những từ ngữ liên hệ với Duy Thức Học Phật giáo trong suốt gần hai mươi năm qua. Đồng ý là có rất nhiều lỗi lầm và sai sót trong những tập sách nhỏ nầy và còn lâu lắm những quyển sách nầy mới được xem là hoàn chỉnh, tuy nhiên, với ước mong chia xẻ chân lý, chúng tôi đã không ngần ngại cho xuất bản và truyền bá những quyển sách nầy đến tay mọi người. Hơn nữa, chính Đức Từ Phụ đã từng dạy: “Trong pháp Bố Thí, bố thí Pháp hay bố thí món quà chân lý Phật pháp là cách cúng dường cao tuyệt nhứt trên đời nầy.” Bộ Từ Điển nhỏ có tựa đề “Từ Điển Duy Thức Học & Thuật Ngữ Phật Giáo” này không phải là một bộ từ điển đầy đủ về triết thuyết Duy Thức của Phật Giáo, mà nó chỉ trình bày một số thuật ngữ căn bản và giáo lý cốt lõi của Đạo Phật về Duy Thức Học. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử ngay trong kiếp này.

Chính vì những nét đặc thù vừa kể trên mà giáo pháp nhà Phật trở nên vô cùng đặc biệt. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà giáo pháp ấy cũng là một vấn đề không dễ lãnh hội như những giáo pháp khác. Cuộc hành trình của người tu Phật đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn bộ “Từ Điển Duy Thức Học & Thuật Ngữ Phật Giáo” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu một cách tổng quát một số thuật ngữ và giáo lý căn bản Duy Thức Học cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc. Một lần nữa, hy vọng bộ sách nhỏ nầy sẽ thật sự giúp ích cho những ai muốn tìm biết thêm về Duy Thức Học và chân lý thực tánh vạn hữu.

Như đã nói trên, đây không phải là một tuyệt tác hoàn chỉnh, vì thế chúng tôi chân thành cảm tạ sự chỉ dạy của chư học giả và các bậc cao minh. Tôi cũng xin được thâm tạ thầy bổn sư là cố Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, người Sáng Lập và là Pháp Chủ Đầu Tiên của Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, và chư Tăng Ni đã từng giúp đở tôi trong tiến trình biên soạn tập sách này, cũng như những người trong gia đình đã trợ giúp tôi rất nhiều. Và trên hết, tác giả xin trước cung kính cúng dường lên ngôi Tam Bảo, sau thành kính hồi hướng tất cả công đức nầy đến chúng sanh muôn loài trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Những mong ai nấy đều thấy được sự lợi lạc của Phật pháp, để một ngày không xa nào đó, pháp giới chúng sanh đồng sanh về cõi Niết Bàn miên viễn.

Anaheim, California
Thiện Phúc

TẬP 1 II TẬP 2  II TẬP 3 II TẬP 4 II TẬP 5