TỪ ĐIỂN TÁC PHẨM
KINH – LUẬT – LUẬN
PHẬT HỌC VIỆT NAM
Biên soạn: Thích Hạnh Thành
LỜI NÓI ĐẦU
Đạo Phật xuất hiện tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VII Tr. TL, do Đức Phật Thích-ca Mâu-ni khai sáng. Trải qua 45 năm truyền bá chân lý giải thoát tối hậu, những giáo lý Ngài đã tuyên thuyết được gọi là Kinh, những gì đã chế định trong sinh hoạt tu tập, hoằng hóa của Tăng Ni được gọi là Giới-luật. Tương truyền, Đức Phật thường dùng ngôn ngữ Pàli để thuyết giảng. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, chư vị Tổ sư đã phân biệt, chỉnh lí hoặc giải thích để chỉ rõ yếu nghĩa của Kinh điển thì gọi là Luận. Từ đó, Kinh-Luật-Luận là Tam tạng Thánh điển của Phật giáo được truyền thừa ban đầu qua hình thức khẩu truyền và lưu truyền qua ba lần Kết tập Kinh điển tại Ấn Độ. Đến khoảng thế kỷ thứ I Tr. TL, Đại Hội Kết tập Kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Tích Lan, Tam tạng lần đầu tiên được viết trên lá Bối, đây là những văn bản Kinh điển nguyên thủy và lưu truyền đến ngày nay.
Tại Việt Nam, Phật giáo đã du nhập vào đến nay có hơn 2.000 năm. Thời bấy giờ, trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước bị đô hộ hơn một ngàn năm bởi các triều đại phong kiến phương Bắc-Trung Quốc. Vì thế, Phật giáo Việt Nam bị ảnh hưởng gần như hoàn toàn của Phật giáo Trung Quốc, tất nhiên Kinh điển sử dụng cũng đều là Đại tạng Kinh chữ Hán. Đến thời kỳ Phật giáo nước nhà hưng thịnh, nhà Lý đã khởi sự việc khắc mộc bản, rồi sang thời nhà Trần vào năm Tân Hợi (1311), Vua Trần Anh Tông ban chiếu sắc cho Tôn giả Pháp Loa và Thiền sư Bảo Sái phụng hành thực hiện công trình khắc bản gỗ Đại tạng Kinh, nhưng đó vẫn là Kinh luật chữ Hán. Mãi cho đến thời kỳ Pháp thuộc (1867-1945), người Việt buộc phải sử dụng tiếng Việt La-tinh hóa, từ đó cho đến những thập niên 50, 60, các cao Tăng Việt Nam như HT. Khánh Anh (1895-1961), HT. Trí Tịnh (1917-2014), HT. Hành Trụ (1904-1984), HT. Trí Quang (1923-2019), HT. Thanh Từ, HT. Trí Nghiêm (1911-2003), HT. Thiện Siêu (1921-2001),… và các Cư sĩ, dich giả như Tâm Minh-Lê Đình Thám (1897-1969), Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), Tuệ Nhuận-Văn Quang Thùy (1887-1967), Hồng Tai-Đoàn Trung Còn (1908-1988),… mới quyết định phiên dịch Kinh điển từ Hán cổ ra tiếng Việt La-tinh để truyền bá Phật pháp được rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Như vậy, Phật giáo Việt Nam có khoảng thời gian mười sáu, mười bảy thế kỷ hầu hết sử dụng Kinh điển chữ Hán, từ thời kỳ du nhập cho đến giai đoạn dịch Kinh điển ra Việt ngữ, đó là khoảng thời gian mà hàng hậu tấn chúng ta phải suy ngẫm và kinh nghiệm.
Lúc ban đầu, tại các lớp gia giáo của sơn môn, Phật học đường chư vị giáo thọ đa phần căn cứ vào nguyên bản Kinh văn chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, sau đó mới có những văn bản viết tay (cảo bản), không bao lâu thì chính thức thực hiện in ấn và xuất bản. Những tác phẩm Kinh Luật được dịch sang tiếng Việt La-tinh và xuất bản đầu tiên hiện nay chưa được xác định niên đại và văn bản có còn lưu trữ hay không? Theo chỗ chúng tôi sưu tra, biên soạn thì quyển Kinh A-di-đà – Hồng Danh – Vu Lan do Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ấn hành vào năm 1934, là một trong những tác phẩm Kinh được xuất bản rất sớm, bản này hiện được Thư viện Huệ Quang-Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (Tp. Hồ Chí Minh) bảo quản tại phòng lưu trữ.
Và cũng trong quá trình biên soạn, đã đi nhiều nơi, tôi nhận thấy chỉ có khoảng bốn, năm Thư viện lớn của Phật giáo tại Tp. Hồ Chí Minh là còn bảo quản, lưu trữ khá tốt những Kinh luận dịch ra tiếng Việt La-tinh trong thời kỳ đầu, ngoài ra thì nhiều phòng Kinh sách, cả đến một số không nhỏ Thư viện của chùa cũng không còn việc bảo lưu những ấn bản pháp bảo xa xưa đó. Một khi lưu trữ đã không có, thì việc tìm kiếm các văn bản liên quan đến thống kê, tra cứu về Kinh sách Việt ngữ cũ lại càng khó khăn vô vàn.
Thực trạng này, những Học giả, giới nghiên cứu Phật giáo sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc nghiên cứu về các ấn phẩm cũ của Kinh điển chữ Việt La-tinh. Từ đó, tôi khởi lên ý nghĩ cần phải có một quyển sách mô tả sơ lược về các tác phẩm Kinh điển dịch ra Việt ngữ, một phần giúp cho việc thống kê, tra cứu, một phần có tác dụng bảo lưu tên tuổi tác phẩm. Thế là, những ý nghĩ trên khiến cho tôi thực hiện công trình biên soạn này phải mất hơn hai năm. Lúc đầu, khi biên soạn ở dăm ba Thư viện tôi chỉ định làm quyển Mục lục, nhưng dần dần về sau số lượng tác phẩm tăng lên nhiều đến tầm vóc quy mô nên người biên soạn quyết định lấy tên là Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam, vì xét thấy những Từ điển cùng loại như “Từ Điển về Từ Điển”, có khổ 13 x 19cm, có 281 trang, bìa mềm; “Từ điển-Sách Công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc”, khổ 14.5 x 20.5cm, có 309, bìa mềm, vẫn gọi là Từ điển.
Tác giả mong rằng Từ điển Tác Phẩm Kinh Luật Luận Phật Học Việt Nam này sẽ góp phần giúp cho những ai muốn tìm hiểu sơ lược, con số thống kê, phân loại, tra cứu nhanh các tác phẩm Kinh luận Việt ngữ đã xuất bản được tiện lợi hơn.
Trong quá trình biên soạn Từ điển này, tác giả rất may mắn được Thầy Không Hạnh quản thủ Thư viện Huệ Quang cho tiếp cận, biên soạn tại phòng lưu trữ Kinh sách của Thư viện và các nhân viên làm việc tại đây đã ân cần hỗ trợ, cung cấp cho văn bản thống kê một số Kinh sách Việt ngữ; quí Sư cô làm việc tại Thư viện Viện Nghiên cứu PHVN cũng tận tình giúp đỡ. Nhân đây chúng tôi xin được chân thành tri ân sâu sắc đến quí vị.
Về phần người biên soạn, đây là cả tâm thành kính Pháp bảo. Nhưng do kiến thức và khả năng của tác giả có hạn nên Từ điển này khó tránh khỏi những vụng về, sơ suất. Chúng tôi rất mong các bậc thiện tri thức, quí độc giả cao minh chỉ giáo để lần tái bản Từ điển này được hoàn hảo hơn.
Núi Dinh, ngày 27 – 6 – 2021 (Tân Sửu)
Sa-môn Thích Hạnh Thành
Cẩn bút