TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC
ĐẠO UYỂN

 

Từ Điển Phật Học Đạo Uyển

Lời nói đầu

Đức Phật và giáo pháp của Ngài đã xuất hiện hơn 2500 năm, những lời dạy ngàn vàng của Ngài đã là niềm an ủi cho rất nhiều người. Đứng trên ngưỡng cửa của năm 2000 – một thiên niên kỉ mới, chúng tôi tự đặt câu hỏi cho mình, liệu Phật pháp còn đủ năng lực để vượt qua những thử thách, những vấn đề mà thời đại chúng ta đưa ra hay không? Mặc dù con người đã đạt rất nhiều thành tích trong lĩnh vực khoa học, đời sống hằng ngày đã rất nhiều biến đổi so với thời xưa, nhưng các câu hỏi chính của cuộc đời mà mỗi người chúng ta đến một lúc nào đó sẽ phải tự đặt ra cho chính mình vẫn chưa được giải đáp thích đáng.

Cách đặt câu hỏi có thể khác nhau nhưng nội dung của chúng lại không khác, chúng tôi tạm nêu ba câu hỏi tiêu biểu cho tất cả những câu hỏi khác về cuộc đời là »Ta là ai? Từ đâu đến và sẽ đi về đâu?«

Trong thời gian biên soạn quyển sách này – hay đúng hơn – khi bắt đầu đặt bút viết thì chúng tôi tự tin là đã tìm được cho chính mình lời giải đáp cho những vấn đề nêu trên. Mặc dù giữa đức Phật và chúng ta cách nhau một khoảng thời gian đáng kể, nhưng những bài thuyết pháp của Ngài về những thắc mắc, khổ lòng của con người, của một kiếp người vẫn còn giá trị như thuở nào. Ba chân lí của Ngài nhằm chỉ đặc tính của cuộc sống vẫn không hề mất giá trị, đó là tất cả các sự vật hiện hữu đều vô thường, vô ngã và vì thế chúng gây khổ.

Từ sau khi Phật nhập Niết-bàn đến nay đã có vô số người nương vào đạo của Ngài mà tìm được câu trả lời cho cuộc sống. Các vị này cũng đã lập lên những tông phái khác nhau, đóng góp rất nhiều trong việc tạo một nền tảng vững chắc, một hệ thống triết lí, tâm lí tuyệt đỉnh, đầy sức sống để giáo lí của Ngài được truyền đến ngày nay. Mỗi tông phái Phật giáo đều mang một sắc thái riêng biệt nhưng cái cốt tuỷ của chúng thì vẫn là một, ví như những mặt khác nhau của một hạt minh châu. Trong quyển sách nhỏ này, chúng tôi cố gắng diễn tả những khía cạnh đó bắt đầu từ nguồn gốc Ấn Độ cho đến lúc chia thành những trường phái ở các nước như Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam v.v…

Thật sự mà nói thì chúng tôi chỉ là những cư sĩ mộ đạo, không dám tự xưng là đã nắm vững lí thuyết Phật pháp. Nhưng cái may mắn, cái »duyên« của chúng tôi là có nhiều cơ hội nghiên cứu sách vở, kinh điển của nhà Phật bằng nhiều thứ tiếng – có thể tự gọi là »con mọt sách« với những giới hạn tự nhiên của nó vậy. Bước khởi đầu của chúng tôi là một quyển sách giới thiệu Phật giáo bằng Đức ngữ – với tựa là Lebendiger Buddhismus im Abendland của Lạt-ma Gô-vin-đa (dịch phóng là Phật pháp sinh động tại Tây phương).

Nó mang lại cho chúng tôi một cảm giác sung sướng, an tâm, ví như một người nào đó tìm lại được báu vật đã đánh mất từ bao giờ, một cảm giác rất mới mẻ »mình cũng có thể nhìn cuộc đời với một cặp mắt khác hẳn xưa nay«. Sau đó chúng tôi bắt đầu thu thập tất cả những tài liệu mà sách trích dẫn, nghiền ngẫm ngày này qua ngày nọ và cuối cùng, những tài liệu đó đã đạt một số lượng đáng kể.

Ban đầu, chúng tôi chỉ muốn học hỏi cho chính mình nên không có ý định ra một quyển sách, hoặc biên soạn bất cứ cái gì vì quan niệm rằng, tất cả những gì đáng nói đều đã được nói, đáng viết đều đã được viết. Dạng sơ khởi của quyển sách này chỉ là vài trang mà chúng tôi dành để dịch tên của các bộ kinh và một vài danh từ quan trọng để có thể trao đổi với các đạo hữu khác. Dần dần, các tài liệu thu thập này vọt lên một cách bất ngờ và khi cầm một quyển từ điển viết bằng Đức ngữ trên tay với tên »Lexikon der Östlichen Weisheitslehren« (Từ điển minh triết phương Đông) nói về »Bốn trụ chống trời« của Á châu là Phật, Ấn Độ (hinduism), Lão và Khổng giáo – được trình bày rõ ràng, có khoa học, dễ hiểu – quyết định của chúng tôi đã rõ, và kết quả là quyển sách quí độc giả đang cầm trên tay.

Chúng tôi lấy phần Phật giáo trong quyển tự điển nói trên làm sườn và bổ sung thêm nhiều chi tiết. Hai khía cạnh của đạo Phật được để ý đến nhiều hơn hết trong quyển sách này là triết và tâm lí học. Như quí vị sẽ thấy, nó không phải là một quyển từ điển thuần tuý vì nó không chú ý đến tất cả những thuật ngữ đạo Phật, nhưng mỗi thuật ngữ trong đây đều được trình bày, giảng nghĩa cặn kẽ hơn trong một quyển từ điển bình thường. Nếu độc giả theo các mũi tên hướng dẫn mà tìm những chữ liên hệ thì sau đó sẽ thấy là hầu hết tất cả những thuật ngữ quan trọng tạo nền tảng của đạo Phật đều được trình bày, giải thích trong một phạm vi nhất định.

Mật giáo giữ một phần đáng kể trong sách này vì như chúng tôi thấy, Kim cương thừa (vajrayāna) của Tây Tạng – toà nhà tâm lí học vĩ đại của đạo Phật – vẫn chưa thoát khỏi tấm màn huyền bí, vẫn còn mờ ảo đối với Phật tử tại Việt Nam, đôi lúc còn bị hiểu lầm.

Trong phạm vi những gì trình bày được và được phép trình bày, chúng tôi cố gắng giảng nghĩa một cách dễ hiểu những thuật ngữ thường được sử dụng trong các trường phái thuộc Mật giáo. Đại diện cho Kim cương thừa ở đây là Phật giáo Tây Tạng và thời cuối của Đại thừa Ấn Độ, biểu hiện qua hình ảnh của 84 vị Đại thành tựu giả (mahāsiddha).

Về Thiền tông thì chúng tôi biên soạn một cách tổng quát về Ngũ gia thất tông tại Trung Quốc, các Đại Thiền sư Nhật Bản và Việt Nam với hệ thống truyền thừa mạch lạc. Nhân đây chúng tôi phải nhắc đến Hoà thượng Thích Thanh Từ với những bản dịch Việt ngữ vô cùng quí giá như Thiền sư Trung Hoa I-III, Bích nham lục, Thiền sư Việt Nam. Hầu hết tất cả những gì nói về Thiền Trung Quốc và Việt Nam chúng tôi đều nương vào lời dịch của Hoà Thượng để trình bày. Nếu nhắc lại trong từng đoạn thì e rằng giảm bớt phần nào công lao của Sư. Nhân đây một lời chân thành cảm ơn Hoà thượng và các vị trong ban phiên dịch.

Chúng tôi cũng thành thật cảm ơn tất cả những vị khác đã phiên dịch những tác phẩm cơ bản của Phật giáo ra Việt ngữ và nói chung là tất cả các bậc thầy đã dịch những bản kinh, luận ra những ngôn ngữ mà chúng tôi có thể tiếp thu được để thực hiện quyển sách này (xem thư mục tham khảo). Chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm mình chỉ là những người góp nhặt những gì đã có, cố gắng phiên dịch trung thật như có thể, xắp xếp các từ mục thành một tập có đầu đuôi để chúng được ra mắt độc giả. Nhưng mỗi bản dịch – dù chính xác thế nào đi nữa – cũng là một bài luận giải trình bày mức độ »hiểu biết« và »không hiểu biết« của người soạn dịch. Vì thế chúng tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn cho nội dung và cách trình bày trong quyển sách này. Như Tôn giả A-nan-đà bắt đầu trong mỗi bài kinh »Như vầy tôi nghe« thì trong quyển sách này quí độc giả có thể đặt trước mỗi thuật ngữ được trình bày »Như vầy tôi hiểu« và »tôi« là chúng tôi, soạn và dịch giả. Chúng tôi biết rõ giới hạn khả năng của mình và những sơ sót trong quyển sách đầu tay này. Cầu mong quí đạo hữu bỏ qua và chúng tôi rất vui mừng nếu được quí vị đóng góp ý kiến, bổ sung những gì còn thiếu sót.

Trân trọng!