TỪ BI & NHÂN CÁCH
Nguyên tác: His Holiness Dalai Lama
Dịch Việt: Thích Nguyên Tạng

 

Lời người dịch

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14, sinh năm 1935, tại sơn thôn Takster, miền Ðông Bắc Tây Tạng, được nhân dân Tây Tạng sùng bái như một vị Phật sống, hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðối với người Tây Tạng thì ngài sinh ra để làm Phật vương và lãnh đạo tối cao về thế quyền và giáo quyền ở đất nước này. Ngài được công nhận là hậu thân của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 13 (viên tịch vào năm 1933) và ngay sau đó được tấn phong làm Dalai Lama thứ 14, lúc chỉ mới lên bốn tuổi.

Tuy nhiên ngài đã thừa kế tước vị Dalai Lama trong một giai đoạn bấp bênh nhất của toàn bộ lịch sử với danh hiệu cao quý này, vì Trung Cộng đã cưỡng chiếm Tây Tạng và ngài đã đến tỵ nạn ở tiểu bang Dharamsala, miền Bắc nước Aán Ðộ từ năm 1959. Từ đó, ngài đã ủng hộ triệt để cho chính sách bất bạo động, ngay cả những lúc đối đầu với những cuộc tấn công khủng khiếp nhất. Chính vì thế mà năm 1989, ngài được trao giải thưởng Nobel về hòa bình và hiện nay, cũng trong thận phận người tỵ nạn, ngài thường xuyên đi đến nhiều miền đất trên thế giới để kêu gọi hòa bình, và khi có thể ngài nói lên tiếng nói tự do giải phóng cho dân tộc Tây Tạng.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã vượt qua những ngăn cách của địa lý, tôn giáo và chính trị bằng đạo phong oai nghiêm, giản dị, sâu sắc và giàu lòng từ bi của mình. Trong những bài giảng và những lần đi vòng quanh thế giới, mọi người đều cảm mến và kính phục. Với bài viết “Từ Bi và Nhân Cách” sau đây, ngài đã giải thích rõ ràng và chí lý tại sao lòng từ bi không thể tách rời khỏi con người và cuộc sống. Và hơn lúc nào hết là chính lúc này, chúng ta rất cần sử dụng và phát triển đức tính tự nhiên ấy, vốn vẫn đang tiềm ẩn trong mỗi con người của chúng ta.

Tập sách nhỏ này được ấn hành để thể hiện lòng tôn kính và ngưỡng mộ của người dịch đối với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14, ngài viếng thăm Úc châu vào trung tuần tháng 5 năm 2002 này, đây là món quà khiêm tốn để dâng tặng đến Người và cũng để chia sẻ bức thông điệp tình thương của Người đối với cộng đồng nhân loại đang sống trong cảnh hận thù, bạo động, chia rẽ và khổ đau.

Melbourne, Mùa Phật Ðản 2002. TK.Thích Nguyên Tạng
 

TỪ BI VÀ NHÂN CÁCH

Mục đích của cuộc sống

Một câu hỏi lớn vẫn hiện hữu trong cuộc sống, cho dù chúng ta có suy nghĩ về nó một cách có ý thức hay không, đó là “Mục đích của cuộc sống là gì ?” Tôi đã từng tự vấn điều này và muốn chia sẻ những ý nghĩ của mình với hy vọng nó sẽ định hướng, sẽ hữu ích thiết thực cho các bạn.

Tôi tin rằng mục đích của cuộc sống là đạt được hạnh phúc. Từ lúc mới sinh ra, mọi người ai cũng muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Ðiều đó không phải do điều kiện xã hội, giáo dục hay ý thức hệ ảnh hưởng, mà từ trong tiềm thức của con người, chúng ta chỉ đơn giản khao khát được sự thỏa mãn.

Tôi không biết vũ trụ bao la với vô số dãy thiên hà, trăng, sao và các hành tinh kia có một ý nghĩa sâu xa nào không, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ít nhất con người đang hiện hữu trên quả địa cầu phải đương đầu với bao thử thách trong việc tạo ra một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình. Vì thế khám phá những gì có thể đem lại niềm hạnh phúc vô biên là điều rất quan trọng 

Làm thế nào để được hạnh phúc

Trước hết, chúng ta có thể chia hạnh phúc và khổ đau thành hai loại: tinh thần và thể chất. Trong hai phạm trù này, tinh thần (tâm) tạo sự ảnh hưởng nhiều nhất đối với mọi sinh hoạt trong đời sống của chúng ta. Trong khi điều kiện thể chất chỉ đóng vai trò thứ yếu trừ khi chúng ta bệnh nặng hoặc bị tước đi những nhu cầu cơ bản nhất. Một khi nhu cầu về thể chất được thỏa mãn, người ta thường lãng quên nhu cầu về tinh thần. Tuy nhiên tâm thức ta sẽ ghi nhận mọi sự kiện dù nhỏ nhoi đến mấy. Cũng vì thế mà chúng ta cần phải nỗ lực hết sức mình để có thể đem lại sự bình yên cho tâm hồn.

Từ chút ít kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy rằng sự bình yên tuyệt đỉnh của nội tâm xuất phát từ lòng thương yêu và sự nhiệt thành.

Càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác thì bản thân mình càng cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn. Chính khi vun xới sự nhiệt tình và thân thiện với người khác đã giúp tâm hồn ta trở nên nhẹ nhàng, thanh thản. Thực hành tâm từ bi này, chúng ta sẽ thanh tẩy hết mọi nỗi bất an hay sợ hãi nào xảy đến trong đời sống và chúng ta sẽ đạt được một sức mạnh tâm linh để có thể đối mặt với bất kỳ mọi chướng ngại. Ðó là yếu tố cơ bản để thành công trong cuộc sống.

Còn sống trong cõi đời này thì chúng ta hẳn còn gặp những trần ai. Mỗi lần như thế nếu ta chán nản và bi quan, ta sẽ mất đi tiềm lực để đương đầu với những khó khăn. Ngược lại, ta nên biết rằng không chỉ riêng ta mà mọi người ai cũng đều phải chịu khổ. Nhận ra viễn cảnh thực tế ấy sẽ giúp ta có thêm quyết tâm để vượt qua nghịch cảnh. Quả thật vậy, với thái độ này, mỗi chướng duyên mới xảy ra là một cơ hội quý giá để giúp ta phát triển tâm linh.

Từ đó, chúng ta cố gắng dần dần phát triển lòng từ nhiều hơn. Chúng ta không những cảm thông một cách chân thành với những nỗi đau của người khác mà còn giúp họ loại bỏ những khổ đau ấy. Kết quả, chúng ta sẽ đạt được sự nhẹ nhàng, thanh thản và tăng thêm sức mạnh của nội tâm.

Nhu cầu yêu thương của chúng ta

Nói một cách rốt ráo, lý do nào lòng từ bi lại đem đến hạnh phúc và an lạc cho con người, đơn giản chỉ vì lòng từ bi của chúng ta vượt thắng hết tất cả mọi thứ khác. Trên tinh thần đó, nhu cầu yêu thương luôn hiện diện trong nền tảng chính yếu của sự hiện hữu của loài người. Nhu cầu ấy kết tinh từ sự tương hỗ sâu sắc giữa người với người. Dù tài giỏi và đa năng đến đâu, một cá nhân sống tách biệt, độc lập thì sẽ không tồn tại. Người ta có thể cảm thấy sung mãn và bất cần đến ai trong thời hoàng kim nhất của cuộc đời, nhưng khi ngã bệnh, dù họ là ai, già hay trẻ, cũng đều cần đến sự giúp đỡ săn sóc của người khác.

Cố nhiên, sự lệ thuộc lẫn nhau là quy luật cơ bản của tự nhiên. Không chỉ sinh vật cao cấp như con người mà cả những loài côn trùng thấp kém nhất cũng đang mang tính xã hội. Dù không có giáo dục, luật pháp hay tôn giáo, chúng sanh vẫn tồn tại trong sự hỗ tương dựa vào nhận thức bẩm sinh về cộng đồng của chúng. Sự vật hiện tượng ở mức độ tế vi nhất cũng bị sự phụ thuộc lẫn nhau này chi phối. Môi trường sống xung quanh ta như đại dương, mây, rừng núi và cỏ hoa, tất cả đều phát triển lệ thuộc vào nhau trong một dạng năng lượng vi tế hợp nhất. Nếu không có sự tương tác thích hợp này, chúng sẽ tự tan rã và tiêu diệt.

Cũng vì loài người tồn tại lệ thuộc vào sự giúp đỡ của nhau, cho nên nhu cầu lòng từ bi trở thành một nền tảng bất khả phân ly của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải có trách nhiệm quan tâm thật sự đến lòng từ và sự an lành của người khác.

Chúng ta cần phải xem xét về một nghi vấn: Bản chất con người thật sự là gì? Chúng ta không giống như những vật thể được tạo ra bằng máy. Nếu chúng ta đơn thuần là những thực thể máy móc, khi đó chính những máy móc có thể tự làm vơi đi những nỗi khổ đau và đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, bởi lẽ chúng ta không phải là  những tạo vật đơn lẻ, nên thật nhầm lẫn để đi tìm kiếm nhu cầu hạnh phúc ở bên ngoài. Thay vào đó, chúng ta phải quay về nguồn cội và bản tâm của mình để khám phá những nhu cầu thực sự mà chúng ta cần đến.

Gác lại những vấn đề phức tạp về sự tạo thành và tiến hóa của vũ trụ, ít nhất chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng mỗi chúng ta đều là sản phẩm các bậc cha mẹ. Nói chung, sự hiện diện chúng ta không phải xuất phát từ ước vọng nhục thể mà từ sự ao ước và quyết định tác tạo một đứa trẻ của các bậc sinh thành. Những quyết định đó được dựa trên tình thương và bổn phận trách nhiệm. Tình thương bao la ấy của cha mẹ đã thể hiện qua việc nuôi nấng đứa con từ lúc chào đời cho đến khi nó biết tự lo cho bản thân mình. Vì thế, ngay từ lúc thọ thai, tình thương của cha mẹ đã gắn chặt đến tiến trình tạo ra đứa con.

Hơn thế nữa, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào sự chăm sóc của cha mẹ từ những giai đoạn đầu sự phát triển. Theo một số nhà khoa học, trạng thái tinh thần của phụ nữ có mang, vui hay buồn đều ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.

Bày tỏ tình thương là một điều vô cùng quan trọng trong thời gian sanh con, vì việc đầu tiên của chúng ta là bú sữa mẹ, tự nhiên chúng ta cảm thấy gần gũi với mẹ và người mẹ cũng có cảm nhận giống như ta qua việc người đặt ta nằm bú chỗ thích hợp. Nếu người mẹ giận dữ và buồn phiền, thì dòng sữa thiêng liêng ấy sẽ không còn tươi mát và ngọt ngào nữa.

Kế đến là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển trí não của đứa trẻ, từ lúc mới sanh ra cho đến ít nhất là ba hoặc bốn tuổi. Trong một thời gian dài như vậy, cử chỉ yêu thương, chăm sóc và vuốt ve âu yếm là yếu tố quan trọng cho sự phát triển tốt của đứa trẻ. Nếu đứa trẻ không được chăm sóc, mơn trớn, ôm ấp và yêu thương, sự phát triển của nó sẽ bị tổn thương và não bộ của nó sẽ không lớn mạnh hoàn hảo được.

Một đứa trẻ không thể lớn được nếu thiếu sự chăm sóc của người khác. Cho nên tình thương là chất dinh dưỡng quan trọng nhất cho đứa trẻ. Niềm hạnh phúc thời thơ ấu, giảm thiểu tối đa sự khiếp sợ và sự phát triển mạnh mẽ về lòng tự tin của đứa trẻ, đều tùy thuộc trực tiếp vào tình yêu thương.

Ngày nay có nhiều trẻ em lớn lên trong những gia đình không được hạnh phúc. Nếu đứa trẻ không tiếp nhận được tình thương thực sự và nuôi dưỡng phù hợp, khi trưởng thành chúng khó mà thương kính cha mẹ của chúng và cố nhiên, chúng sẽ khó mà thương yêu bất cứ người nào khác. Ðó là một sự thật đáng buồn.

Khi đứa trẻ đến tuổi đi học, nhu cầu của chúng là sự quan tâm giúp đỡ của thầy cô giáo. Bởi vì, thầy cô giáo không chỉ dạy học ở trường, mà còn có trách nhiệm chuẩn bị hành trang cho đứa trẻ bước vào đời. Nhờ vậy, mà người học trò mới cảm thấy tin tưởng và kính trọng . Những gì được thầy cô giáo dạy dỗ sẽ để lại trong đứa trẻ những ấn tượng khó phai nhòa. Ngược lại, những bài giảng của thầy cô giáo không cho thấy sự quan tâm đúng mức đến tương lai hạnh phúc của học trò thì những lời dạy của họ chỉ được xem là tạm thời và sẽ bị lãng quên theo năm tháng.

Tương tự, một người bệnh và đang được điều trị trong bệnh viện bởi một bác sĩ có tấm lòng nhân hậu. Vị bác sĩ này luôn bày tỏ tình cảm, săn sóc tận tụy và mong muốn cho bệnh nhân mau chóng bình phục, thì người bệnh ấy sẽ cảm thấy được an ủi và dễ chịu. Ðó chính là phương pháp chữa bệnh hiệu quả nhất mà không cần đến khả năng hay kỹ thuật cao của người bác sĩ. Ngược lại, nếu một bác sĩ thiếu tình cảm, tỏ ra không thân thiện, nóng tánh và thiếu sự quan tâm, bệnh nhân ấy sẽ cảm thấy khó chịu và sầu lo, mặc dù đó là một bác sĩ giỏi, bệnh đã được chẩn đoán và thuốc đã được kê toa hợp lý. Chắc chắn cảm giác yên bình và sự hồi phục hoàn toàn của bệnh nhân này phải khác hẳn so với người kia.

Ngay cả trong đời sống hằng ngày, chúng ta tham gia vào các cuộc nói chuyện, nếu người nói có thái độ hòa nhã, chân thành, tình cảm, chúng ta sẽ thích nghe và đối đáp một cách vui vẻ. Câu chuyện sẽ trở nên sôi nổi, cho dù đề tài nói chuyện không mấy gì hấp dẫn. Trái lại, nếu người nói có thái độ lạnh lùng và thô lỗ thì tức khắc ta cảm thấy khó chịu và muốn nhanh chóng chấm dứt câu chuyện. Từ việc nhỏ như thế cho đến việc quan trọng khác, tình thương và sự tôn trọng người khác rất cần thiết cho đời sống hạnh phúc của con người.

Gần đây, tôi có gặp một nhóm khoa học gia tại Hoa Kỳ. Họ cho biết rằng tỷ số người bệnh tâm thần tại xứ sở này đang gia tăng rất cao — khoảng mười hai phần trăm dân số. Cuộc thảo luận ấy đã cho thấy rõ rằng nguyên nhân chính của bệnh tâm thần không phải do thiếu thốn điều kiện vật chất mà chính là do mất mát tình thương yêu từ người khác.

Vì thế, như tôi đã nói từ lúc đầu, dù chúng ta có ý thức về nó hay không, từ khi mới sinh ra, nhu cầu tình thương đã có sẵn trong huyết quản của mỗi chúng ta. Ngay cả con thú hay kẻ thù đi chăng nữa đều bị tình yêu thương chi phối và cuốn hút một cách tự nhiên.

Tôi tin rằng, không có ai sinh ra mà không cần đến tình thương. Và điều đó đã minh chứng rằng, con người không thể giới hạn trong khuôn khổ thuần vật chất, dù các trường phái triết học, tư tưởng hiện đại đã cố gắng chứng minh tính đơn thuần vật chất của con người. Không có một đối tượng vật chất nào, dù đẹp đẽ bao nhiêu và có giá trị đến mức nào cũng giúp ta cảm nhận được niềm yêu thương. Bởi vì cội nguồn yêu thương sâu xa và bản chất chân thật của chúng ta đã nằm sẵn trong tự tánh chủ thể của tâm.

Phát triển lòng Từ bi

Một vài người bạn của tôi đã nói rằng tình thương và từ bi là tốt đẹp và tuyệt vời, nhưng chúng không thật sự liên quan đến đời sống của chúng ta. Họ bảo rằng thế giới chúng ta không phải là một nơi mà lòng tin về sức mạnh của từ bi có ảnh hưởng hay nó có một sức mạnh thật sự. Họ tuyên bố rằng bản chất của giận dữ và thù hằn có quá nhiều trong tâm của con người đến nỗi thiện tâm của họ bị nó khống chế. Tôi không đồng ý về điều đó.

Chúng ta biết rằng loài người đã hiện hữu khoảng một trăm ngàn năm nay. Tôi tin rằng, trong suốt thời gian ấy, nếu lòng người bị hận thù chế ngự thì lẽ ra dân số thế giới không gia tăng. Tuy nhiên hiện nay, dù có chiến tranh, chúng ta vẫn thấy dân số thế giới tăng vọt hơn bao giờ hết. Ðiều này đã cho thấy rõ ràng lòng từ bi luôn trội hơn những thứ khác trên thế giới. Và đó là lý do tại sao các biến cố đau buồn lại là “tin tức thời sự”; bởi vì các sinh hoạt mang tính từ bi là một phần trong đời sống hằng ngày, đến nỗi chúng đã trở thành tự nhiên và bình thường mà chúng ta hoàn toàn lãng quên chúng.

Trên đây tôi chính yếu chỉ nói đến lợi ích tinh thần của lòng từ, tuy nhiên, nó cũng góp phần đáng kể cho thể chất của chúng ta. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, sự ổn định tinh thần và sự khỏe mạnh về thể chất liên hệ mật thiết với nhau. Không cần phải thắc mắc, chính sự giận dữ và sầu muộn sẽ làm cho ta thêm bệnh hoạn. Ngược lại, nếu tâm ta thanh thản và an lạc, thân thể của ta không dễ rơi vào trạng thái bệnh đau.

Tuy nhiên, cũng có một sự thật rằng tất cả chúng ta đều có bản tánh bẩm sinh tự cho mình là trung tâm, điều đó đã ngăn cản lòng từ của ta đối với người khác. Do vậy, nếu ta muốn có hạnh phúc thực sự thì phải đạt được tâm tịch tĩnh và tâm tịch tĩnh này chỉ phát nguồn từ thái độ của yêu thương mà thôi. Nhưng làm thế nào để phát triển được lòng từ ? Rõ ràng chỉ nghĩ về sự tốt đẹp của lòng từ thôi chưa đủ, mà chính chúng ta cần phải nỗ lực quan tâm hơn nữa để phát triển nó, chúng ta phải lợi dụng những sinh hoạt trong đời sống hằng ngày để chuyển hóa nó vào trong suy nghĩ và hành động của chúng ta.

Trước hết, chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của lòng từ bi là gì? Có nhiều hình thức về lòng từ bi xen lẫn với ham muốn và luyến ái. Chẳng hạn như, tình thương yêu cha mẹ dành cho con cái thường liên kết mạnh mẽ với nhu cầu tình cảm riêng tư. Vì thế, nó không phải là lòng từ bi hoàn toàn. Lại nữa, trong hôn nhân, tình yêu giữa vợ chồng, đặc biệt là thuở ban đầu, khi mới yêu nhau mỗi người chưa rõ tánh tình sâu kín của nhau, nên càng lệ thuộc vào luyến ái hơn là tình yêu chân thật. Lòng ham muốn của ta quá mạnh đến nỗi chúng ta xem những ai mà ta yêu thương là đều người tốt cả, trong khi những người ấy có thể có nhiều tánh xấu. Thêm nữa, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ tốt về người mình thương yêu một cách thái quá. Do vậy, một khi thái độ của người mình thương thay đổi thì ta cảm thấy thất vọng, khổ đau và cũng thay đổi cách nhìn của mình. Ðiều này đã chứng minh rằng tình yêu ấy do nhu cầu cá nhân thúc giục nhiều hơn là bằng thái độ quan tâm thực sự đến người khác.

Lòng từ bi thực sự không chỉ là sự phản hồi tình cảm mà còn là sự tận tụy mạnh mẽ dựa trên lý trí. Vì thế, thái độ từ bi chân thành đối với người khác không hề bị đổi thay thậm chí người kia cư xử trái ngược.

Cố nhiên, phát triển lòng từ bi này không phải là việc dễ dàng. Ðể bắt đầu, chúng ta hãy xem xét mấy điều sau đây:

Quán thấy rằng người dễ thương và thân thiện hay người khó ưa và hận thù, nói cho cùng họ cũng là con người giống như mình, họ cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Hơn thế nữa, họ còn có khả năng vượt qua khổ đau và đạt được hạnh phúc như chúng ta. Ðến đây bạn nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng về ước nguyện hạnh phúc và có quyền để đạt được nó, tự nhiên bạn nhận ra sự đồng cảm và gần gũi với mọi người. Bằng cách tập làm quen tâm vị tha của bạn đối với tất cả mọi người, bạn sẽ phát triển tinh thần trách nhiệm đối với người khác: với ước nguyện giúp họ một cách tích cực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ðiều này được áp dụng bình đẳng cho mọi người, không có ý chọn lựa bất kỳ đối tượng nào, miễn sao họ cũng là những người từng cảm nhận được hạnh phúc và khổ đau như chúng ta. Không có một nền tảng lý luận nào để phân biệt với họ, hoặc thay đổi sự quan tâm của mình đối với họ khi họ có thái độ tiêu cực.

Tôi xin nhấn mạnh rằng việc phát triển lòng từ hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta, miễn sao ta có thời gian và chịu kiên nhẫn. Tất nhiên, thái độ tự cho mình là trung tâm điểm, sự tham ái phân biệt về cảm giác độc tôn, sự hiện hữu “tự ngã”, đã ngăn cản mạnh mẽ sự phát triển của lòng từ bi. Trong thực tế, lòng từ bi chân chánh chỉ có thể hiện bày khi các loại ái chấp trên được loại bỏ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể bắt đầu và phát khởi lòng từ ngay bây giờ được. 

Làm sao để phát khởi lòng từ bi

Chúng ta nên bắt đầu bằng cách cởi bỏ những chướng ngại lớn nhất của lòng từ là sân hận và oán ghét. Như chúng ta đã biết, sân hận và oán thù là những cảm xúc vô cùng mãnh liệt và chúng ta lấn át toàn tâm của ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể điều phục chúng. Nếu không, những cảm xúc tiêu cực này sẽ gây phiền nhiễu cho ta. Nếu không nỗ lực loại bỏ chúng, chúng sẽ cản trở sự tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta.

Khởi đầu, thật có lợi cho ta khi kiểm tra lại cơn giận dù có giá trị hay không. Trong một lúc nào đó, chúng ta cảm thấy nản lòng bởi một tình cảnh khó xử thì dường như sân hận rất có ích, mang lại cho ta nhiều năng lực, sự tự tin và tính quyết đoán hơn.

Ở đây, chúng ta nên khảo sát trạng thái tinh thần của mình một cách cẩn thận. Rằng chính sân hận có cho ta thêm năng lực, nhưng nếu ta kiểm tra lại bản chất của năng lực này, chúng ta sẽ khám phá ra đó là năng lực mù quáng. Chúng ta không thể chắc chắn rằng hậu quả của nó tốt hay xấu. Bởi vì chính cơn giận dữ đã che khuất đi phần quan trọng nhất trong não bộ của ta, đó là phần lý trí. Vì vậy, năng lực của sân hận không đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Nó có thể gây ra tổn thương lớn và thái độ cư xử sai quấy. Hơn nữa, nếu cơn giận gia tăng đến cực điểm, con người ta sẽ trở nên điên loạn, hành động theo hướng làm tổn hại cho mình cũng như cho người khác.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển một dạng năng lực mạnh mẽ tương đương, nhưng đó là dạng năng lực chế ngự để đối phó những tình huống khó khăn.

Năng lực chế ngự này không chỉ xuất phát từ thái độ từ bi mà còn phát khởi từ lý trí và lòng kiên nhẫn. Ðây là loại thuốc giải độc mạnh nhất để đối trị sân hận. Rủi thay, nhiều người đã phán quyết một cách sai lầm rằng những phẩm chất này cũng giống như những dấu hiệu của sự yếu đuối. Tôi tin rằng điều trái ngược này là sự thật: rằng chúng là những dấu hiệu thật sự của sức mạnh nội tại. Bởi vì tính chất của lòng từ vốn nhu hòa, yên bình, cảm thông nhưng rất mạnh mẽ. Chính những người thiếu lòng nhẫn nại là những người mất niềm tin và bất an. Thế thì, theo tôi, dễ nổi giận là một dấu hiệu rõ ràng của sự yếu đuối.

Vì thế, khi xảy ra vấn đề gì, chúng ta hãy cố gắng từ tốn, giữ thái độ chân thành và nghĩ rằng kết quả đó là công bằng. Cố nhiên, nhiều người đã có thể lợi dụng bạn và nếu thái độ thờ ơ của bạn vô tình khuyến khích những áp lực bất công, thì bạn phải có lập trường hay quan điểm cứng rắn. Tuy nhiên, điều này nên được hành xử với từ tâm và nếu cần thiết, bạn nên bày tỏ quan điểm của bạn cũng như dùng biện pháp đối phó mạnh mẽ, nhưng không nên giận dữ và tỏ ra có ác ý.

Bạn nên biết rằng, dù kẻ thù dường như muốn hại bạn, nhưng cuối cùng những hành động tiêu cực ấy chỉ làm hại cho chính họ mà thôi. Ðể kiểm soát tính ích kỷ, và trả thù của mình, bạn nên nhớ lại sự khao khát muốn thực hành lòng từ và tinh thần trách nhiệm của bạn nhằm giúp người khác tránh khổ đau do hành nghiệp của họ đã tạo ra.

Như vậy, phương pháp bạn đang sử dụng đã được chọn lọc một cách cẩn thận, sẽ có hiệu quả hơn, chính xác hơn và mạnh mẽ hơn. Sự trả thù dựa trên năng lực giận dữ mù quáng hiếm khi đánh trúng vào mục tiêu xóa bỏ thù hận.

Bạn và thù

Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh việc suy nghĩ về lòng từ, lý trí và sự kiên nhẫn là điều rất tốt nhưng chưa đủ để phát triển chúng. Chúng ta phải chờ đợi những khó khăn nảy sinh rồi nỗ lực thực hành chúng.

Ai là người tạo ra cơ hội đó cho ta? Tất nhiên, không phải là bạn bè của ta mà đó chính là kẻ thù của ta. Họ là những người gây ra nhiều trở ngại nhất cho ta. Vì vậy, nếu chúng ta muốn học hỏi, chúng ta nên xem kẻ thù kia là người thầy tốt nhất của mình.

Ðối với người muốn nuôi dưỡng lòng từ bi, thực hành lòng khoan dung là cần thiết và kẻ thù là người không thể thiếu được. Vì vậy, chúng ta nên biết ơn kẻ thù của chúng ta, vì chính họ là người có thể giúp đỡ phát triển tâm tịch tĩnh an lạc của mình. Cũng có những trường hợp trong đời sống cá nhân hay cộng đồng, do hoàn cảnh đổi thay kẻ thù đã trở thành bè bạn.

Vì sân hận và oán thù là những cảm xúc luôn luôn có hại, và nếu ta không luyện tập tâm mình và cố gắng làm giảm bớt những năng lực xấu ấy thì chúng sẽ tiếp tục gây trở ngại và làm rối loạn các nỗ lực phát triển tâm an lạc của ta. Do đó, tâm sân hận mới là kẻ thù đích thực của ta. Ðối với những năng lực này, chúng ta cần phải đương đầu và đánh bại chúng vì chúng không phải là kẻ thù tạm thời trong đời sống của chúng ta.

Tất nhiên, theo bản chất tự nhiên, tất cả chúng ta đều thích có bạn. Tôi thường đùa rằng nếu bạn thật sự rất ích kỷ thì chính bạn phải rất vị tha. Bạn nên chăm sóc người khác, quan tâm đến sự bình an của họ, giúp đỡ họ, phục vụ họ, kết bạn nhiều hơn, cười nhiều hơn. Kết quả ra sao? Ðến khi bạn cần đến sự giúp đỡ, bạn sẽ có nhiều người khác đến với bạn. Ngược lại, nếu bạn quên đi hạnh phúc của người khác, theo thời gian đó, chính bạn sẽ là người mất mát. Và có thể nào tình bạn lại phát sinh từ những cuộc cãi vã và giận hờn, ganh tyï và tranh đua căng thẳng không? Tôi không nghĩ như thế. Chỉ với lòng yêu thương mới có thể đem lại cho chúng ta những người bạn thân thiện và chân thật nhất.

Trong xã hội vật chất ngày nay, nếu bạn có tiền bạc và quyền lực, dường như bạn có nhiều bạn bè. Nhưng họ không phải là bạn bè thật sự của bạn mà là bè bạn của tiền bạc và quyền lực của bạn mà thôi. Một khi tiền bạc và sự ảnh hưởng của bạn không còn nữa, bạn sẽ thấy rất khó khăn để tìm ra dấu vết của những người bạn thấp kém này.

Cái trở ngại ở đây chính là mọi việc trên đời này đều diễn ra tốt đẹp, nên ta quá tự tin rằng mình có khả năng giải quyết được mọi việc và cảm thấy không cần bạn bè, nhưng khi sức khỏe và địa vị suy tàn, chúng ta chợt tỉnh, là ta đã sai lầm đến mức nào. Chính lúc ấy, ta mới biết ai là người giúp đỡ ta thực sự và ai là người vô dụng hoàn toàn. Vì thế để chuẩn bị cho giây phút đó, để có những người bạn chân thành, những người thật sự giúp đỡ ta khi ta cần, chúng ta phải trao dồi lòng vị tha nhân ái đối với tất cả mọi người ngay từ hôm nay.

Mặc dù, có thể sẽ có người cười tôi khi tôi nói rằng chính bản thân tôi rất thích có thật nhiều bạn. Tôi rất thích những nụ cười thân thương. Vì điều này mà tôi phải học cách có được nhiều bạn và làm thế nào để có được nhiều nụ cười hơn và đặc biệt là những nụ cười chân thành thật sự. Thật ra có nhiều kiểu cười, như cười mỉa mai, cười giả tạo hay cười xã giao. Có nhiều nụ cười không đem lại cảm giác hài lòng và đôi khi chúng còn tạo ra sự nghi ngờ và sợ hãi nữa. Những nụ cười ấy có phải là nụ cười thật sự không? Nụ cười thật sự sẽ mang lại chúng ta cảm giác tươi mát và dễ chịu. Tôi tin tưởng đó là nụ cười duy nhất của loài người. Nếu đó là nụ cười của chúng ra muốn, chúng ta hãy tạo ra những lý do để cho chúng xuất hiện. 

Lòng từ bi và cuộc sống

Ðể kết luận, tôi xin mở rộng vài ý ngoài đề tài của bài viết này để trình bày quan điểm rộng hơn: hạnh phúc của cá nhân có thể góp phần vào sự cải thiện một cách có hiệu quả và sâu rộng của toàn cộng đồng nhân loại

Bởi vì tất cả chúng ta đều chia xẻ một nhu cầu tình thương yêu như nhau, nên có thể chúng ta cảm nhận rằng mọi người mà chúng ta gặp, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều là anh chị em của ta. Dù cho có sự khác biệt giữa những khuôn mặt mới, quần áo hay cử chỉ, vẫn không có sự khác biệt nào cả giữa chúng ta với người ấy. Thật là khờ dại khi dựa vào những khác biệt ở bề ngoài, vì bản chất cơ bản của chúng ta đều giống nhau.

Cuối cùng, nhân loại là một và hành tinh nhỏ bé này là ngôi nhà duy nhất của chúng ta. Nếu chúng ta muốn bảo vệ ngôi nhà này thì mọi người chúng ta cần phải biết ý nghĩa sống động của tình thương yêu bao la, lòng từ bi. Chỉ với thái độ này, chúng ta mới có thể chuyển hóa được những động cơ ích kỷ làm cho con người dối gạt và lạm dụng lẫn nhau. Nếu bạn có một tấm lòng rộng mở và chân thành, tự nhiên bạn cảm thấy tự tin và có giá trị, và cũng không làm cho người khác sợ hãi.

Tôi tin rằng, ở mỗi tầng lớp trong xã hội, từ gia đình, chủng tộc, quốc gia và thế giới, chìa khóa cho một thế giới hạnh phúc hơn và thành công hơn là thực hiện phát triển lòng từ bi. Chúng ta không cần theo một tôn giáo, cũng không cần chạy theo một ý thức hệ nào. Ðiều cần thiết là tất cả chúng ta phải tự phát triển nhân cách tốt đẹp của bản thân mình.

Tôi đã cố gắng tiếp đón bất cứ người nào mà tôi có dịp gặp như là một người bạn cũ. Ðiều này mang lại cho tôi một cảm giác hạnh phúc thật sự. Ðó là một trong những phương pháp để thực hành lòng từ.

********

Dịch từ quyển “Compassion and the Individual”, Tenzin Gyatso the Fourteen Dalai Lama, Wisdom Publication, Boston, USA, 1994.