TRUNG ĐẠO ĐỆ NHẤT NGHĨA
Thích Nữ Trí Hải
Toàn thể kinh Kim Cương, hay nói rộng hơn, toàn bộ kinh Bát Nhã 600 quyển, là cốt yếu nhằm thuyết minh chân lý đệ nhất nghĩa gọi là tánh Không, hay Bát Nhã, hay Trung Đạo. Bồ tát Long Thụ có bài kệ:
Nhân duyên sở sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc vị thị giả danh
Diệc danh Trung đạo nghĩa
(Các pháp do duyên sinh
Ta nói đó là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng nghĩa là Trung đạo)
Thông thường, người ta hiểu Trung đạo là con đường giữa, tựa như thuyết Trung dung của Khổng giáo, hay tệ hơn, là quan điểm “trung lập”, không theo bên này hay bên kia, một loại chủ trương “ba phải”, cầu may. Trung đạo trong giáo lý Phật không dính dấp gì đến những thứ “trung” như vậy.
Ý nghĩa cốt cán của Trung đạo đệ nhất nghĩa là tánh Không (Sunyatà), hình thái phủ định tuyệt đối, cái không rốt ráo triệt để, vượt ngoài đối đãi, hình dung, tướng trạng. Không phải vì không có hình tướng mà gọi là Không, cho nên không nói tướng Không mà nói tánh Không. Vì tự bản chất vạn pháp là không, không phải vì do hiện tượng khi còn khi mất mà bảo không, cho nên nói là tánh Không. Trên căn bản tánh Không này, thì hư không ta thấy trước mắt cũng không phải là không một cách triệt để, vì hư không còn có đối lập với hình sắc, nhờ hình sắc mà hiện rõ hư không. Vậy cái không này cũng không dính dấp gì đến tánh Không của Trung đạo, vì nó còn tương đối với cái có, nương tựa vào cái có, vào sắc tướng, đó chỉ là cái Không ở trong không gian. Như mọi vật mà năm giác quan ta tiếp xúc, khi còn ta gọi nó Có, khi mất ta gọi nó Không. Đây là cái không mà chúng ta đều quen thuộc, cái không trong không gian, do năm giác quan nhận biết.
Còn một cái Không khác do ý thức nhận biết, do tư duy suy luận mà biết, đó là cái Không trên phương diện thời gian. Ta thấy mọi người sống sẽ chết, hoa nở sẽ tàn, những gì có hình sắc tướng trạng đều dần dần đi đến chỗ tan rã, biến hoại. Vì lẽ vô thường đó, ta nói mọi sự là không, nghĩa là tuy hiện đang còn đó mà chẳng bao lâu sẽ mất đi: trẻ đó rồi già đó, giàu đó rồi nghèo đó, sướng đó rồi khổ đó, vinh đó rồi nhục đó… Cuộc đời này chỉ là một cơn mộng ảo:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Cái không này là cái không trên phương diện thời gian, cái không của suy luận, của ký ức, của tâm thức dệt nên, cái không ta hội ý được qua lẽ vô thường. Chúng ta phần nhiều khởi công tu tập đều do nhận thức cái không này, nghĩa là một cái không còn ở trong tương lai, chưa xảy đến, nhưng nhờ quan sát mọi sự xung quanh, nhờ kinh nghiệm sống mà ta hiểu được nó sẽ là không, do đó ta không còn tham luyến, bám víu những sở hữu hiện tại. Vì cuộc đời, thân này là vô thường, khổ nên ta nói nó là không. Cái không này đồng nghĩa với vô ngã trong giáo lý nguyên thủy. Giáo lý này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Trung Bộ kinh. Phật thường hỏi:
– Này các Tỳ kheo, con mắt, hình tướng là thường hay vô thường?
– Bạch Thế Tôn, là vô thường.
– Lỗ mũi, mùi hương, lưỡi và vị v.v… (cả năm giác quan còn lại và đối tượng năm giác quan ấy) là thường hay vô thường?
– Bạch Thế Tôn, đều là vô thường.
– Cái gì vô thường là lạc hay khổ?
– Bạch Thế Tôn, là khổ.
– Cái gì vô thường, khổ thì có nên nhận nó là ta hay của ta chăng?
– Không nên.
Lý vô ngã trong kinh điển nguyên thủy là như vậy. Đó là quan điểm Không của các bộ phái tiểu thừa, cái không đồng nghĩa với vô thường vô ngã, cái không trên phương diện thời gian.
Tánh Không hay “Trung đạo đệ nhất nghĩa đế” của kinh Kim Cương cũng không thuộc vào cái Không đề cập ở trên, một cái Không được suy luận đối chiếu mà thành. Ngược lại, tánh Không của Trung đạo hay Bát Nhã thì vượt ngoài ý thức tư duy so sánh. Tánh Không này là do Bồ tát Quán Tự Tại “quán chiếu” mà thấy ngay lập tức nó là không, không phải suy nghĩ lôi thôi dài dòng. Bát Nhã tâm kinh dạy: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” nghĩa là soi thấy năm uẩn đều zéro. Như X quang rọi vào con người thì thịt thà mặt mũi biến mất, chỉ còn trơ bộ xương. Trí Bát Nhã cũng vậy, soi một cái thì dù thiên hình vạn trạng sờ sờ ra đó mà vẫn thấy nó là Không một cách rõ rệt. Đây mới là cái không triệt để, nằm ngay trong cái có, không cần phải không các cái có, nghĩa là các tướng, mới gọi rằng không, cho nên nói tánh Không. Thấy được tánh Không này thì mới “vượt qua hết thảy khổ ách.” Khổ ách vẫn còn đó mà cũng như không đối với vị Bồ tát soi thấy bằng trí tuệ Bát Nhã; vị ấy không cần tránh xa khổ ách, kết bè đóng tàu dời chỗ ở v.v… Tâm kinh còn dạy thêm: Đối với vị Bồ tát đã soi thấy năm uẩn đều không, thì tâm vị ấy không còn bị cảnh làm cho chướng ngại[Tâm không bị chướng ngại: tâm vô quái ngại], vì không bị cảnh chướng ngại nên không sợ hãi[Tâm không sợ hãi: vô hữu khủng bố], xa lìa điên đảo mộng tưởng, rốt ráo được vắng lặng an vui. Không bị cảnh làm chướng ngại, cảnh khổ vẫn có đó mà coi như không mới gọi là tánh Không; còn tránh cảnh này tìm cảnh khác thì vẫn là “điên đảo” và “mộng tưởng”. Sống trong tánh Không hiện tiền linh diệu có nghĩa là không hy vọng mộng tưởng về tương lai, không tìm kiếm, ước mơ, ruổi rong theo trần cảnh, tâm hoàn toàn vắng lặng, đó là cứu cánh Niết bàn.
Vì sao mọi sự sờ sờ ra đó mà soi thấy là không được? Bài kệ trên đã nói rồi:
Các pháp do duyên sinh
Nên ta nói là không
Vậy tánh không hay Trung đạo có nghĩa là duyên sinh, do nhiều điều kiện tác thành, có nhưng có một cách không thật, có mà cũng như không, vì được kết hợp bởi những cái không phải nó. Duy Thức gọi là y tha khởi. Mỗi sự vật, mỗi pháp trên thế gian đều do những cái không phải nó[Không phải nó: tha, cái khác] mà sinh khởi, cho nên nó thực sự không phải là nó. Bánh mì mà thành bánh mì được chính nhờ nó vốn không phải là bánh mì mà là do một cái khác, bột mì hay bo bo làm nên. Ta có thể nói như sau về bánh mì:
- Cái gọi là bánh mì (giả danh)
- Không phải bánh mì (không)
- Mới thành bánh mì (trung đạo)
Pháp quán của tông Thiên Thai là nhất tâm tam quán, nghĩa là quán trong một sát na tâm gồm đủ cả ba khía cạnh giả, không, và Trung đạo dựa theo giáo lý Phật dạy trong kinh Kim Cương: “Tu Bồ Đề, Phật nói Bát Nhã ba la mật, tức không phải Bát Nhã ba la mật, ấy chỉ tạm gọi là Bát Nhã ba la mật.”
Trung đạo có nghĩa là không kẹt ở tướng giả của sự vật, cũng không kẹt ở tướng Không. Kẹt ở tướng giả, chấp tướng, gọi là chấp tục đế, thái độ của phàm phu. Kẹt ở tướng Không, chấp Không, là chấp chân đế, thái độ của nhị thừa. Không kẹt ở giả, cũng không kẹt ở không, vượt trên cả hai sự vướng mắc là Trung đạo đệ nhất nghĩa đế, thái độ của Đại Thừa Bồ tát. Vì thấy rõ tánh Không nên ở trong sinh tử (tục đế) mà không nhiễm sinh tử cũng không chán sinh tử, chứng chân đế Niết bàn mà không tham luyến Niết bàn. Nói rõ hơn, vì thấy rõ tánh Không nên Bồ tát thấy sinh tử Niết bàn không phải là hai (bất nhị), các ngài không cần lìa chúng sinh để tìm Phật, lìa sinh tử để tìm Niết bàn, vì các ngài đã thấy Phật trong chúng sinh, thấy Niết bàn trong sinh tử. Còn tránh còn tìm là vì còn tham luyến mà chưa được, và còn sợ mất mát. Bồ tát trái lại, thân tuy lăn lộn trong sinh tử mà tâm thường vắng lặng an vui vô dục, nên các ngài không ngán sinh tử.
Trong câu kinh trên, thì Phật thuyết Bát Nhã ba la mật là trung đạo, có nghĩa rằng Phật vẫn dùng ngôn ngữ, nhưng không chấp ngôn ngữ. Tức Phi bát Nhã ba la mật là Không quán. Trong chân thật trí thì không có người biết, đối tượng bị biết, không một thành kiến nào trong đầu óc, tâm hồn rỗng rang vắng lặng hoàn toàn mới “soi” rõ được mọi sự vật. Trí mà tự cho mình trí là hết trí, như kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy: “Tri kiến lập tri tức vô minh bản”, cho rằng ta biết ta thấy đã là cội gốc vô minh.
Nói giản dị hơn, muốn học một điều gì, ta phải thực tâm thấy mình ngu dốt mới lắng hết lòng dạ mà nghe ngóng học hỏi với tất cả khiêm cung. Còn nếu tự cho mình đã biết thì không còn thái độ học hỏi, óc đầy cả thành kiến thì không thể học điều gì mới lạ. Đó là một tâm thức không trống rỗng thư thái để đón nhận chân lý, mà đầy chật những cái biết nửa vời, sai lạc, ví như một tấm gương phủ đầy bụi không thể phản ảnh được cảnh vật bên ngoài. Thị danh Bát Nhã ba la mật là giả quán.
Trí Bát Nhã là cái trí vắng lặng mà không có gì không biết, vắng lặng (tịch) nhưng thường sáng suốt (chiếu), sáng suốt mà không loạn động, vẫn thường tịch. Nó vượt trên những đối đãi sắc không, sanh diệt, đoạn thường… gọi là Trung đạo Bát bất: không sanh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi.
Hiểu Trung đạo có được những ích lợi gì cho cuộc sống?
– Về phương diện Tri thức, hiểu Trung đạo thì từ bỏ mọi quan điểm, lập trường chủ thuyết v.v… vì mỗi lập ngôn đều bao hàm mâu thuẫn, phi lý: nói thiện đã bao hàm ác, nói sanh đã bao hàm diệt, cho nên Trung đạo phủ nhận tất cả những khái niệm tư duy, những tạo tác của tâm thức mà không đưa ra một chủ thuyết nào để gây thêm thống khổ.
– Về phương diện hành động, hiểu Trung đạo thì sống hết mình với hiện tại, không đứng núi này trông núi nọ, bôn ba theo trần cảnh, mà chỉ giữ tâm vắng lặng. Tâm lặng thì không còn vấn đề gì nữa, chỉ có cái tâm lăng xăng mới đẻ ra những vấn đề. Tâm lặng thì cảnh có cũng như không.
Đức Phật lo ngại chúng ta dễ chấp Trung đạo Bát Nhã tánh Không, rồi ngồi không, nên ngài nhắc đi nhắc lại hai hạnh tu quan trọng trong lục độ là bố thí và nhẫn nhục. Ngài cũng dạy, trong đời mạt pháp, ai trì giới và tu phước sẽ hiểu được lý Bát Nhã cao sâu này. Nghĩa là phải hành đạo mới hiểu đạo, chứ không phải chỉ nói lý thuyết suông, đọc văn tự mà hiểu được. Trì giới tu phước theo tinh thần Kim Cương là không thấy có mình trì giới tu phước mới là trì giới tu phước một cách rốt ráo (ba la mật). Kinh này như vậy triệt để đề cao hành động trong tinh thần vô trú và sự khởi tâm thường hằng, chân thật, không do ngoại cảnh thúc đẩy mà khởi tâm (bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm).
Sự khởi tâm do ngoại cảnh thúc đẩy chỉ là một “phản xạ có điều kiện”, không phải là khởi tâm chân thật, lâu dài. Khởi tâm do ngoại cảnh thúc đẩy thì khi cảnh mất, tâm cũng mất. Phật tử khởi tâm kiểu này sẽ dẹp chuông mõ sớm. Do đó Phật dạy “ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm”: hãy khởi tâm mà không dính mắc vào đâu cả.