Trang Bị Lúc Lâm Chung
Thích Hồng Nhơn
Trích Thư cho người em Tịnh Độ
Trang bị lúc lâm chung
Ngày 29 tháng 07 Nhâm Tuất 1982.
Thưa anh!
Đã một lần “đứng bên bờ vực thẳm của hư không”, em nhận thấy rằng, chết là một cái khổ mà trước khi lâm chung là giai đoạn đau khổ nhất, thân thể rã rời, đau nhức ép ngặt, tâm ý kinh hoàng, tinh thần dao động. Nếu không có một ý chí sắt đá, một định lực vững chãi, chắc chắn chúng ta sẽ không làm thế nào có thể giữ vững được chánh niệm. Mong anh hãy chỉ cho em làm thế nào để khỏi bị dao động khi lâm chung sắp đến, và cần trang bị những tư lương gì cho việc lâm chung!
Em thân thương của anh!
Lâm chung là một giai đoạn vô cùng quan trọng cho người tu Tịnh nghiệp, vì chỉ một sơ xuất nhỏ, một ý tưởng sai lầm sẽ phải ân hận đến thiên thu. Vì thế, chúng ta phải biết rõ ràng việc gì sắp xảy ra khi người tu Tịnh nghiệp sắp lâm chung. Một tiếng khóc nhỏ, một chút lay gọi, một lời hỏi han, cũng có thể làm tan đi công đức tu tập trọn đời. Em hãy nghe lời chư Tổ dạy…
Hòa thượng Thiện Đạo nói: “Tất cả những người niệm Phật, khi lâm chung cần phải không sợ chết. Thường nghĩ đời này nhiều khổ, nếu được bỏ thân này, vãng sinh Tịnh độ, nhận vô lượng khoái vui, đó là một việc vừa ý, như cởi bỏ áo rách để mặc áo gấm, đâu có ai còn luyến tiếc áo cũ làm gì! Vì thế, khi bị bệnh, thường nghĩ thân này vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Căn dặn người nhà hoặc người thăm bệnh, đừng đem những việc lộn xộn thế tục nói trước mặt mình, cũng đừng đem những lời quá lưu luyến để an ủi, cầu nguyện an lành. Những lời nói ấy đều là giả dối không ích lợi gì”.
Nếu bệnh nặng sắp chết, bà con quyến thuộc không đặng kêu khóc, than vãn, buồn rầu làm loạn tâm thần người bệnh. Cần phải cùng nhau niệm Phật, trợ niệm vãng sinh. Đợi khi hơi dứt đã lâu (chừng hơn tám giờ sau), sau đó buồn khóc cũng chưa muộn. Nếu biết sống tạm, thác về, nên không cần than khóc. Huống chi, được vãng sinh Tịnh độ, còn thương tiếc làm gì, để làm người bệnh phải loạn tâm!
Có người bình thường niệm Phật, lễ sám, phát nguyện cầu sinh Tây phương, nhưng đến khi bệnh lại sợ chết, không nghĩ đến chuyện vãng sinh. Đợi đến hơi tiêu, mạng mất, thần thức bị lôi về cõi khác, mới thực hành thập niệm nào có ích gì? Sinh tử là việc lớn, cần phải hết lòng gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, muôn đời chịu khổ. Điều này, người niệm Phật cần phải ghi nhớ.
Trong Long Thơ Tịnh Độ có ghi: “Có người hỏi: “Kẻ hạ phẩm hạ sinh, khi lâm chung tướng địa ngục đã hiện, có thể chí tâm niệm mười câu Nam Mô A Di Đà Phật thì biến tướng địa ngục thành hoa sen vãng sinh về Tịnh độ được chăng?”. Thật ra, lòng từ bi của Phật rất sâu, oai lực của Phật rất lớn, nên có thể biến địa ngục thành hoa sen. Như một người suốt đời làm ác, nhưng một ngày bỏ tà làm chánh trở thành lương dân. Nhờ vào Phật lực tiêu diệt tội ác cũng như thế. Con côn trùng muôn kiếp ngàn đời không thể đi xa một trượng, nhờ đeo mão người mà có thể đi được ngàn dặm. Nương Phật lực vãng sinh Tịnh độ cũng như thế. Có vô tình khi lâm chung niệm Phật cũng được vãng sinh. Người giết hại làm khổ cho chúng sinh, luôn luôn mang theo những điều oan ức trong lòng, làm sao mà được giải thoát? Thật ra, người sinh Tịnh độ đới nghiệp vãng sinh, sau khi tu hành đắc đạo, phát Bồ tát tâm độ thoát tất cả chúng sinh. Huống chi, những kẻ oan thân không được độ thoát, đâu còn oan oan tương báo nữa!
Trong Thiên Như Hoặc Vấn nói: “Một đời tạo ác, lâm chung niệm Phật, đới nghiệp vãng sinh. Như thế thì suốt đời chỉ lo việc thế tục, đến khi lâm chung niệm Phật cũng được vãng sinh, cần gì phải khổ sở ăn chay niệm Phật?”. Thật khổ, thật khổ! Kẻ nghịch ác phàm phu, khi lâm chung mà niệm Phật là kẻ đã có nhiều căn lành, nên gặp được bậc thiện tri thức mà được niệm Phật, đó là một điều may mắn trong ngàn người không được một. Trong Quần Nghi Luận nói: “Có mười hạng người khi lâm chung không thể niệm Phật được
- Chưa chắc gặp được bạn lành, không người khuyên niệm Phật.
02. Nghiệp khổ trói thân, không rảnh rang niệm Phật.
03. Bị kinh phong không nói được.
04. Bị cuồng loạn tâm ý.
05. Gặp nạn nước lửa.
06. Gặp cọp sói.
07. Bạn ác phá hoại lòng tin.
08. Hôn mê đến chết.
09. Chết ngoài trận.
10. Bị rớt từ trên cao. Những cái chết không kịp trối, không kịp trở tay, do đó không thể có chánh niệm”.
Ngoài những ác duyên kể trên, bị bệnh mà chết cũng chưa khỏi gió đao cắt thân, bốn đại chia lìa, đau khổ ép ngặt, run rẩy sợ sệt không niệm Phật đặng. Hoặc không bệnh mà chết, duyên đời chưa hết, rối loạn lo âu; lại thêm vợ khóc, con kêu, trăm vạn thứ lo, niệm Phật không được. Khi chưa chết nhận ốm đau khổ não, kêu la rên rỉ suốt ngày; chạy chữa thuốt men, tạp niệm nổi lên, không niệm Phật được. Khi chưa bị bệnh, nhưng tuổi già sức yếu, tướng suy hiện ra, lụm cụm khó khăn, sầu than lo buồn, không niệm Phật được. Khi chưa già, việc đời chồng chất, lòng lo mệt trí, nghĩ ngợi lung tung, ý thức mờ mờ, không niệm Phật được. Hoặc có người thanh nhàn tự tại, có chí tu hành, nhưng không chịu cực cố gắng tu hành, việc làm không quyết. Khi cảnh giới hiện ra, theo nó mà điên đảo, thiếu nghị lực khắc phục, không niệm Phật được. Chúng ta thấy, khi già, bệnh, những ngày còn trẻ, thanh nhàn… vẫn còn những việc đè nặng trong lòng, còn không niệm Phật được, huống chi, lúc lâm chung làm sao có thể niệm Phật được!
Cuộc đời là một giấc mơ, sinh tử chỉ trong chốc lát. Cửa thiên đường chưa mở, địa ngục sớm đã thành. Sống chết chưa rõ ràng, phút giây liền thành gốc khổ. Mắt vừa nhắm lại là lúc chịu khổ bắt đầu, mới biết việc làm hằng ngày là tạo nhân cho khóa sắt, vạc dầu nơi địa ngục. Nếu để mất thân người, muôn kiếp e sẽ khó gặp! Dù người sắt nghe qua cũng phải sợ sệt, sao ta không quyết tâm niệm Phật để đợi đến lâm chung? Người sinh ở đời, sống được bao lâu? Khác gì điện chớp, lửa nháng, nhắm mắt là qua đời khác. Sao chúng ta không quét dọn thân tâm, bỏ hết việc đời, được một ngày sáng suốt, niệm một ngày hồng danh? Được một giờ công phu, tu một giờ Tịnh nghiệp? Tu được như thế, khi lâm chung, chết tốt, chết xấu ta đều đã lo sẵn, đường về của ta sáng sủa rõ ràng. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng, đến khi lâm chung, ăn năn không còn kịp nữa.
Ưu Đàm đại sư dạy: “Người tu Tịnh độ, mỗi niệm đều nghĩ cõi đời là vô thường, có thành ắt có hoại, có sinh ắt có tử. Nếu không nghe được Phật pháp, luân chuyển trong ba cõi, bỏ thân này lại bắt thân kia, trong sáu ngõ bốn loài không bao giờ ra khỏi. Hôm nay, ta có duyên lành được nghe chánh pháp, được tu Tịnh nghiệp, chỉ hết lòng niệm Phật lìa bỏ báo thân này sẽ sinh về Tịnh độ, vào trong liên hoa nhận các sự vui, vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử, không còn luân hồi. Đây chính là một việc rất lớn cho những bậc trượng phu phải hoàn thành trong một đời. Nên khi vừa có bệnh tật, chính yếu phải quyết tâm niệm Phật, gội rửa thân tâm, đừng cho lo nghĩ. Thân ngồi ngay ngắn, mặt hướng về Tây, chuyên tưởng niệm Phật A Di Đà, Quán Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và vô số hóa Phật hiện ở trước mặt mình. Nhất tâm xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, mỗi tiếng tiếp nối khắn khít không bao giờ dứt. Không nên nghĩ nhớ việc đời, tham luyến thế tục. Nếu có lòng luyến ái khởi lên, phải chí thành cấp thiết niệm Phật. Ở trong mỗi niệm sẽ diệt trừ tội chướng, chỉ một niệm Phật liên tục, quyết định vãng sinh”.
Liên Trì đại sư dạy: “Chết sống có mạng, nên người trong lúc bệnh, nên sinh lòng giải thoát, dù có sống hoặc chết cũng không tỏ lòng sợ sệt. Lại nữa, quá khứ, hiện tại và vị lai đều như huyễn, hết lòng dứt bỏ, gắng giữ chánh niệm”. Ngài Đại Trác nói: “Giàu sang vinh hiển là việc ở ngoài thân, cho đến tay chân, xương cốt cũng thế. Cần phải tận tình buông bỏ, không còn một vật. Nếu còn một chút là tâm không chí thành niệm Phật, ắt sẽ theo nghiệp lôi đi. Khi niệm Phật, vọng tưởng không ngăn được, phải niệm chậm, rõ ràng, tha thiết để điều phục. Ta phải nghĩ: “Giàu sang vinh hiển, cùng khổ gian nan chỉ là nửa giấc mộng buồn, tất cả đều thuộc về duyên đời trước. Sức người không thể làm được, quyết định dứt bỏ, một lòng niệm Phật sẽ được vãng sinh”.
Trong Tịnh Độ Thần Chung dạy: “Tư lương trang bị cho Tịnh độ phải thực hiện đủ hằng ngày. Nếu không biết lo xong việc lớn, làm ràng buộc lúc lâm chung, chỉ trong khoảnh khắc thật khó vô cùng. Lúc sinh tiền chỉ dong ruỗi, khi vô thường đến xin chậm lại không đặng. Lúc sống mê đắm, khi lâm chung tâm ý mơ màng không tỉnh ngộ đặng. Lúc sống giàu sang vui chơi, đến khi lâm chung không mượn nhờ ai được. Lúc sống tìm đường chạy trốn, khi lâm chung không thể trốn lánh được. Tất cả đều do tâm tạo ra. Người tỉnh sẽ lên liên đài, kẻ mê sẽ theo ba đường sáu nẻo; uế tịnh chỉ trong chốc lát phân chia, theo mỗi con đường thật là nguy hiểm. Cứu cánh của sự giải thoát sinh tử không ngoài bốn chữ nhất tâm chánh niệm. Trong đạo nhập thế như Nho học, còn phải vận dụng công phu hằng ngày để dùng khi có việc gấp, chính là ý này. Nếu không lo sẵn lúc bình yên mà muốn trong giây lát thành công, như nói người chỉ cần mười niệm được vãng sinh, nhưng duyên trần trói buộc, tứ đại rã tan, đau nhức bức bách, muốn có đủ mười niệm thật là khó. Mười niệm vãng sinh, trong kinh nói rõ và đức Như Lai nhiều kiếp đưa tay tiếp dẫn, nhưng ta không bỏ dữ làm lành, tập tu để tội diệt phước sinh, khi lâm chung muốn được nhất tâm thật là vô cùng khó”.
Vĩnh Giác Ngươn Hiền thiền sư dạy: “Công phu của người tu Tịnh nghiệp cần phải chứa nhóm lúc bình thời, đợi khi lâm chung cuối cùng còn lại nhất niệm rất cần thiết. Vì người sinh về cõi uế, cõi tịnh, vào Thánh, vào phàm đều từ một niệm này mà luân chuyển. Phần nhiều, ta thấy những người niệm Phật, bình thường đều nói cầu sinh Tịnh độ, nhưng khi lâm chung lại không có chánh niệm. Hoặc tham sống sợ chết, lưu luyến thịt da. Mắt thấy vợ con không đành dứt bỏ, hoặc nghĩ nhớ gia tài không thể buông bỏ, cảnh giới không thuận, nuốt hận lâm chung. Hoặc bệnh khổ bức bách, đau khổ mà mất. Nếu mất chánh niệm đành chịu luân hồi. Dám khuyên mọi người, cần phải nghe theo lời kinh, giữ chắc chánh niệm. Mọi việc phải buông bỏ, chỉ nhất tâm niệm Phật. Than ôi! Chết là một việc lớn, giây lát qua đời, một niệm lẫn nhầm, muôn kiếp chịu khổ, cần phải đề phòng!”.
Em thân thương của anh!
Một học sinh muốn thành danh cũng phải vất vả mười năm đèn sách. Một võ sĩ muốn nổi tiếng cũng phải khổ công luyện tập cả đời. Đó chỉ là một chút hư danh còn phải khổ công như thế, hà tất chúng ta quyết chí tu hành, một đời thoát khỏi sinh tử, chứng quả thành Phật, không quyết tâm gia công làm sao có thể thành tựu được! Thật ra, đúng như lời Phật dạy: “Khi lâm chung chỉ cần nhất tâm niệm Phật là được vãng sinh Cực lạc”. Nhưng trong hoàn cảnh đứng bên bờ vực thẳm, ngàn cân treo sợi tóc, nếu chúng ta không có một công phu vững chãi, một lòng tha thiết niệm Phật, một định lực thâm hậu, chắc chắn khó có thể thành tựu. Hãy đọc kỹ lời dạy trên để cố gắng thực hành!