TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 26 tháng 05 năm 2010
Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội HongKong
TẬP 50
Các vị pháp sư, các vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang năm mươi hai, hàng thứ sáu từ dưới đếm lên, bắt đầu xem từ đoạn giữa.
Kim y Thám Huyền Ký sở thuyết Thập Huyền thứ đệ, dẫn chứng kinh văn, dĩ minh bổn kinh thật cụ Thập Huyền. Ư thị tắc xác chứng bổn kinh chánh thuộc viên giáo tức thị trung bổn Hoa Nghiêm.
Đoạn trước chúng tôi giảng đến chỗ này, dưới đây chính là đồng với Thập Huyền Môn của kinh Hoa Nghiêm, tổng cộng có mười đoạn. Hoàng Niệm Lão y cứ vào Thám Huyền Ký của quốc sư Hiền Thủ. Thám Huyền Ký là cuốn chú giải Lục Thập Hoa Nghiêm, nói về thứ đệ của Thập Huyền.
Dẫn chứng kinh văn: Dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh văn của kinh Vô Lượng Thọ cũng có Thập Huyền, nói lên kinh Vô Lượng Thọ thật sự cũng có đầy đủ Thập Huyền Môn. Thập Huyền Môn chỉ có trong kinh Hoa Nghiêm.
Khi Đức Thế Tôn còn trụ thế, suốt bốn mươi chín năm giảng kinh thuyết pháp, chỉ ở pháp hội Hoa Nghiêm, Ngài giảng về chân tướng sự thật, những kinh khác Ngài không nói đến. Trong bộ kinh này thật sự nói lên thật tướng của các pháp, chúng ta nói áo bí thật tướng các pháp đều được tiết lộ, hy hữu thù thắng không gì bằng. Không hề biết rằng kinh Vô Lượng Thọ cũng có đủ, cho nên người xưa giảng kinh Vô Lượng Thọ, chính là trung bổn Hoa Nghiêm, kinh Di Đà là tiểu bổn Hoa Nghiêm. Đây là có căn cứ, chứ chẳng phải tùy tiện nói đâu. Liên Trì đại sư viết cuốn Sớ Sao cho kinh Di Đà, cũng chỉ ra áo nghĩa trong kinh, có liên quan tới Thập Huyền.
Dĩ chứng như thượng chi thuyết giai thị thật tướng ngữ phi nhân tịnh tông hành nhân chi vọng tự tôn đại dã.
Liên Trì đại sư đưa kinh Di Đà lên bằng với kinh Hoa Nghiêm, ngang bằng nhau. Khi đó giảng kinh Hoa Nghiêm là toàn viên, giảng kinh Vô Lượng Thọ, kinh Di Đà, một bộ phận thuộc về viên gọi là phân viên. Không thể nói là toàn bộ, mà một bộ phận tương đồng với kinh Hoa Nghiêm, đây là lời khiêm nhường, lời này vào thời đó, nó có ý nghĩa của thời đại. Thật sự mà nói, ba bộ kinh này, là kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh Hoa Nghiêm, thực tế mà nói là một bộ kinh. Kinh Vô Lượng Thọ là giảng kỹ, kinh Di Đà là lược thuyết, nội dung không khác nhau. Cho nên đã nhiều năm rồi tôi thường khuyên bảo mọi người: Quí vị thật sự muốn tu Tịnh Độ, hoằng dương Tịnh Độ, muốn giảng tốt kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, thì chẳng thể không đọc Hoa Nghiêm. Vì sao vậy? Bởi kinh Hoa Nghiêm giảng kỹ kinh Vô Lượng Thọ, giảng kỹ kinh Di Đà. Quí vị có nền tảng này rồi, quí vị đọc tiếp hai bộ kia thì sẽ hiểu thấu được. Hai bộ kinh này kinh văn không dài, nghĩa lý thâm sâu huyền diệu, không khác gì Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.
Thứ đệ ở đây hoàn toàn tương đồng với Thám Huyền Ký, bây giờ chúng ta xem điều thứ nhất.
Nhất, đồng thời cụ túc tướng ưng môn. Điều này vô cùng quan trọng, điều này có thể nói là tổng thuyết, chín điều sau gọi là biệt thuyết, điều này là tổng. Chú trọng vào đâu? Vào đồng thời, đồng thời cũng đồng xứ. Đồng thời đồng xứ tương ưng, tương ưng với ai? Tương ưng với biến pháp giới hư không giới.
Thám Huyền Ký do đại sư Hiền Thủ viết, lúc trước chúng ta đã từng học qua, Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, bài luận văn này do đại sư Hiền Thủ viết. Bài luận văn này là nói kỹ về đồng thời cụ túc tương ưng. Quí vị xem giảng về duyên khởi của vũ trụ, chúng ta dùng ngôn từ thời nay mà nói, chính là triết học tối cao mà Phương Đông Mỹ tiên sinh nói. Năm xưa thầy Phương giới thiệu triết học trong kinh Phật cho tôi. Thầy nói: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là nhà triết học vĩ đại nhất trên thế gian này. Triết học trong kinh Phật là đỉnh cao nhất trong thế giới triết học”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Đồng thời cụ túc tương ưng môn”, chính là đỉnh cao nhất, chẳng những là đỉnh cao nhất của triết học, cũng là đỉnh cao nhất của khoa học. Triết học và khoa học ngày nay đều không nói đến cảnh giới này, cho nên vấn đề của nó rất nhiều, trong Phật Pháp hoàn toàn giải quyết được, đồng thời đồng xứ tương ưng. Vì sao vậy? Chúng ta xem ba đoạn trước trong bài luận văn của đại sư Hiền Thủ, chẳng phải đã hiểu rõ rồi sao? Vũ trụ từ đâu mà có? Vạn vật từ đâu mà có? Ta từ đâu mà có? Ta cùng vạn vật và vũ trụ có liên quan gì? Đây là vấn đề rất lớn! Vấn đề này giải quyết được rồi, thì những thứ khác đều là chuyện nhỏ, đều là nhỏ nhặt tầm thường không đáng kể. Thật sự hiểu được rõ ràng minh bạch rồi, con người chúng ta ở thế gian này, chuyện kiết hung họa phước bản thân mình có thể làm chủ được, thọ mạng dài ngắn bản thân mình cũng có thể làm chủ được, môi trường chúng ta sinh sống, xã hội ngày nay loạn động, địa cầu thiên tai rất nhiều. Dùng phương pháp nào để đối phó, quí vị đều biết cả rồi. Vì sao vậy? Bởi đồng thời cụ túc tương ưng môn sao không giải quyết được? Phương pháp này vi diệu cực kỳ!
Chúng ta xem Niệm Lão dẫn chứng đoạn văn này, trước giảng về những điều trong kinh Hoa Nghiêm nói, sau đó giảng những điều trong bộ kinh này nói. Chúng ta xem đoạn văn của Ngài:
Phu Hoa Nghiêm giáo lý dĩ duyên khởi vi chủ, pháp giới nhất thiết tận thành nhất đại duyên khởi, nhất pháp thành nhất thiết pháp, nhất thiết pháp thành nhất pháp, nhất thời cụ túc viên mãn hiển hiện, cố viết cụ túc tương ưng.
Đầu tiên giải thích danh xưng của môn này, môn này gọi là đồng thời cụ túc tương ưng môn. Vì sao sử dụng danh xưng này? Giáo lý của Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm giảng gì? Giảng về thật tướng của các pháp, đây là danh từ trong kinh Phật. Dùng ngôn từ ngày nay, là nói về chân tướng của nhân sanh vũ trụ. Thật sự là chân tướng, không giả dối chút nào. Ngày nay triết học và khoa học đối với vấn đề này còn đang tìm tòi, chưa có định luận, đang thăm dò. Những điều trong kinh Hoa Nghiêm nói không phải là thăm dò, không phải là tìm tòi, mà là khẳng định. Cao hơn so với các nhà khoa học và triết học. Chúng ta thắc mắc: Vì sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết được? Vì sao các nhà khoa học không biết mà Ngài biết? Sao Ngài biết? Trong kinh Hoa Nghiêm có câu, phẩm Xuất Hiện, chúng tôi chưa giảng đến phẩm Xuất Hiện, còn ở phía sau. Ngài nói :Tất cả chúng sanh đều có đức tướng và trí huệ của Như Lai. Điều này thật ghê gớm! Tất cả chúng sanh bao gồm quí vị bao gồm cả tôi, tất cả chúng ta đều ở trong đó. Tất cả chúng sanh, thế nào gọi là chúng sanh? Là hiện tượng chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi, gọi là chúng sanh. Cho nên chúng sanh chẳng những bao gồm con người, con người chúng ta do chúng duyên hòa hợp mà sanh. Tứ đại ngũ uẩn hiện ra cái thân này. Tứ đại là nói về hiện tượng vật chất của thân thể chúng ta, thọ tưởng hành thức là nói về hiện tượng tinh thần của thân thể chúng ta. Tất cả đều là chúng duyên hòa hợp, hiện tượng vật chất Đức Phật nói có bốn loại: Địa, thủy, hỏa, phong, hình thành hiện tượng vật chất. Thọ, tưởng, hành, thức hình thành hiện tượng tâm lý. Tâm và vật đồng thời sanh khởi, tâm và vật không thể tách rời. Trong tâm nhất định có vật, trong vật chắc chắn có tâm, không thể tách rời nó.
Quí vị xem trong kinh Đức Phật đưa ra một ví dụ: Nhất trần, vi trần. Vi trần này là gì? Khoa học ngày nay nói là nguyên tử, điện tử, lạp tử, chính là lạp tử, lạp tử cơ bản. Thời cận đại, trong lượng tử lực học, giảng về một thứ nhỏ hơn vật này, gọi là quang tử, hiện tượng vật chất. Hiện tượng vật chất này do tứ duyên hợp thành, chúng duyên mà! Thật sự nó là vật chất, rất nhỏ, mắt thường không thấy được, dùng kính hiển vi thì có thể thấy được, nhìn thấy nó là hiện tượng vật chất, cho nên dùng địa để tượng trưng, địa là đại địa, tượng trưng cho vật chất. Thủy, hỏa, phong, thủy là gì? Thủy là độ ẩm, ở trong vật chất rất nhỏ này, nó có độ ẩm, nếu nói mang điện, thì nó mang dòng điện âm. Hỏa là nhiệt độ, là điện dương, ngày nay chúng ta gọi là đới điện. Điện dương chính là Hỏa Đại trong kinh Phật nói, điện âm chính là Thủy Đại trong kinh nói. Danh từ tuy khác, nhưng chỉ là một thứ. Hơn nữa nó là Động, chứ không phải Tĩnh. Cho nên Phong tượng trưng cho Động, nó không phải trạng thái Tĩnh, nó đang Động. Động này ngày nay khoa học nói là hiện tượng ba động. Các nhà khoa học thời cận đại rất giỏi, họ cho chúng ta biết, họ nghiên cứu về nguyên tử, điện tử, nghiên cứu đến kết luận cuối cùng, họ khẳng định rằng thế gian này tuyệt đối không có vật chất, không có vật chất. Vật chất là gì? Là địa thủy hỏa phong. Trên thực tế vật chất là một hiện tượng ba động, tần suất ba động không đồng nhau, cho nên khiến cho chúng ta nhìn thấy vô số hình sắc. Ba động chậm, tần suất chậm một chút, trên thực tế là chậm, nhưng chúng ta không thể tưởng tượng được, tưởng tượng không ra. Nó biến thành thể cứng, cát, đá, biến thành những thứ này là tần suất chậm. Tần suất nhanh một chút thì biến thành thực vật, nhanh hơn chút nữa thì biến thành động vật, nhanh nữa như là những điện từ, sóng quang ngày nay. Ngoài hiện tượng ba động ra thì không có gì nữa, đây là những điều các nhà khoa học ngày nay nói, các nhà lượng tử lực học nói, hoàn toàn tương đồng với trong kinh Đức Phật nói.
Cho nên Hiền Thủ đại sư ví dụ, trong Hoàn Nguyên Quán ví dụ, nói là nhất trần. Nhất trần là gì? Chính là một quang tử, một nguyên tử. Thời gian nó tồn tại rất ngắn, hơn nữa mỗi cái, nếu chúng ta dùng những lời trong kinh Đức Phật nói, mỗi hạt vi trần, đều là một thứ đơn độc, không liên tục. Chúng ta thấy hiện tượng vật chất, mắt thấy sai rồi, đó là một hiện tượng liên tục. Khi chúng tôi giảng kinh, chúng tôi thường dùng danh từ tướng tương tư tương tục để nói. Nếu tôi dùng lượng tử lực học nói, thì tướng tương tư tương tục này vẫn chưa đúng, không phải là tướng tương tục, mà là tướng liên tục. Dùng tướng tương tục là trên dưới phải tương đồng, nhưng tôi biết, tôi dùng tương tư, nghĩa là nó tuyệt đối không phải là tương đồng, nó tương tư, tướng tương tư tương tục. Các nhà khoa học dùng danh từ này rất hay, tướng liên tục, nó không phải là tướng tương tục, mỗi cái đều độc lập riêng. Thực tế mà nói Ngài đưa ra ví dụ, và chúng tôi đưa ra hiện tượng đó hoàn toàn tương đồng, giống như chúng ta xem phim điện ảnh vậy, phim là tướng khung từng khung, nó là tướng đèn huyễn, từng khung từng khung, tuyệt đối không có tương đồng, nó không phải tương đồng. Chiếu với tốc độ quá nhanh, cặp mắt của chúng ta bị nó lường gạt, cho là thật có, nhưng nó không có thật.
Các nhà khoa học cũng dùng phim điện ảnh làm ví dụ, tương đồng với ví dụ tôi dùng. Từ đó quí vị có thể thấy được, nó là giả, nó không có thật. Phim này khi máy chiếu phim chiếu lên, trên màn hình, thời gian của nó là một giây hai mươi bốn tấm, nghĩa là hai mươi bốn tấm liên tục, mỗi tấm không giống nhau, mỗi tấm đều độc lập, không có tương đồng, hơn nữa nó đã qua rồi thì không còn tìm lại được nữa. Điều này nhất định phải hiểu, không thể tìm lại được nữa, chuyện là như vật, đây gọi là chân tướng! Những hiện tượng trong vũ trụ ngày nay, tốc độ của nó nhanh cỡ nào? Trong kinh Nhân Vương đức Phật nói, đó không có thật, đó là đức Phật phương tiện nói. Đức Phật dạy một búng móng tay có sáu mươi sát na, nghĩa là một phần sáu mươi của một búng móng tay gọi là một sát na. Trong một sát na có chín trăm sanh diệt. Chúng ta búng móng tay nhanh, một giây có thể búng được bốn lần. Nếu là bốn lần, bốn nhân với sáu mươi nhân với chín trăm, bằng hai mươi mốt vạn sáu ngàn lần, một giây có hai mươi mốt vạn sáu ngàn tấm phim. Sao quí vị có thể thấy nó là giả được? Phim điện ảnh của chúng ta ngày nay, một giây chỉ có hai mươi bốn tấm, một phút của nó có thể chiếu là hai mươi mốt vạn sáu ngàn tấm. Điều này trong kinh Nhân Vương nói, đây là phương tiện nói như vậy.
Chúng ta thấy Bồ Tát Di Lặc, đối thoại với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thì hoàn toàn khác, điều Bồ Tát Di Lặc nói có lẽ là thật. Lúc bấy giờ Đức Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát “tâm hữu sở niệm”, nghĩa là phàm phu chúng ta khởi lên một niệm, thời gian của ý niệm này rất ngắn, khởi lên một ý niệm, trong một ý niệm này, có bao nhiêu hiện tượng ý niệm liên tục? Có bao nhiêu tướng? Có bao nhiêu thức? Tướng nghĩa là hiện tượng vật chất, thức nghĩa là hiện tượng tinh thần, niệm là ba động, trong ba động này, có mấy hiện tượng vật chất, mấy hiện tượng tinh thần xuất hiện? Khi Bồ Tát Di Lặc trả lời, cũng dùng búng móng tay. Một búng móng tay không phải sáu mươi sát na, một búng móng tay là ba mươi hai ức bá thiên niệm, đây không phải là hai mươi mốt vạn sáu ngàn, ba mươi hai ức bá thiên niệm, “niệm niệm thành hình”, Đức Phật hỏi mấy tướng? Niệm niệm đều có hiện tượng vật chất, ở trong mỗi hiện tượng vật chất đều có thức. Thức là gì? Thức là thọ tưởng hành thức, nghĩa là hiện tượng tinh thần, trong mỗi hiện tượng vật chất đều có. Bồ Tát Di Lặc nói: “Thức niệm cực vi tế bất khả chấp trì”. Quá vi tế, không có cách nào nắm bắt được nó, nó có thật. Oai thần của Phật. Ở đây nói Phật, trong kinh Hoa Nghiêm bậc Sơ trụ trở lên thì gọi là Phật. Bồ Tát Sơ trụ trở lên, cho nên bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, họ đều có năng lực nhìn thấy, họ có năng lực có thể nhập vào cảnh giới này. Cho nên không phải Đức Phật dùng cơ giới để phát hiện ra, Ngài ở trong thiền định, trong thâm sâu của thiền định nhìn thấy, nhìn thấy chân tướng sự thật. Nếu chúng ta dùng búng móng tay, cũng dùng bốn lần búng móng tay, thì một giây có bao nhiêu ý niệm? Một giây có một ngàn hai trăm tám mươi triệu, chứ chẳng phải là hai mươi mốt vạn sáu ngàn, một ngàn hai trăm tám mươi triệu!
Đây chính là quang tử mà các nhà khoa học lượng tử ngày nay nói, họ đã phát hiện ra, thật không dễ dàng! Chúng ta chẳng thể không khâm phục họ. Họ đã sử dụng cái gì? Họ đã dùng cơ giới để phát hiện ra. Mắt thường không thể thấy được, ba động cực kỳ vi tế. Hiện tượng này, trên thực tế chính là A Lại Da mà trong kinh Đức Phật nói. Một niệm bất giác, từ trong chân tánh, sanh khởi lên một thứ hư vọng không có thật, gọi là A Lại Da. Tự tánh là chân tâm, vĩnh hằng bất biến, A Lại Da là vọng tâm. Vọng tâm từ đâu mà có? Từ trong hiện tượng ba động sinh ra. Ba động vào lúc nào? Chính là ở một niệm ngay đây. Điều này nhất định phải biết, nó không phải là quá khứ, không phải là vị lai, mà ở ngay đây. Quí vị cần nên biết rằng, một niệm ngay đây nó không tồn tại, nó vừa động là lập tức không còn, nhanh hơn tia chớp nữa, niệm thứ hai lại xuất hiện, niệm thứ hai không còn thì niệm thứ ba lại xuất hiện, cho nên nó là tướng liên tục. Như chúng ta xem tướng liên tục trong phim ảnh, đây là nói lên hiện tượng vật chất của vũ trụ. Chẳng những hiện tượng vật chất của lục đạo là như vậy, mà pháp giới tứ thánh cũng như vậy, thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng, và Báo Độ của chư Phật, cũng là cảnh giới này, không hề sai khác. Cho nên trong kinh nói: “ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, không nói rằng, trừ Thật Báo Trang Nghiêm Độ của chư Phật Như Lai ra, không hề nói như vậy. Thật Báo Độ của chư Phật Như Lai cũng như vậy. Vì sao thế giới của các Ngài tốt, còn thế giới của chúng ta lại kém như vậy? Ở đây nói đến: Đồng thời cụ túc tương ưng môn. Đồng thời cụ túc tương ưng môn, thì thế giới của chúng ta đây phải giống như thế giới Cực Lạc chứ? Như vậy thì mới có thể nói được! Vì sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Sự khác biệt này từ đâu mà có? Sự khác biệt này từ ý niệm mà có, nghĩa là hiện tượng tâm lý, thọ tưởng hành thức, ý niệm có khác biệt, mỗi ý niệm đều khác nhau. Vật chất nương vào đâu để có sự biến hóa? Trong kinh điển Đại Thừa thường nói, tâm năng sanh, năng hiện hiện tượng này. Hiện tượng biến hóa này là thức, trong tâm không có, trong tâm không có phân biệt, không có chấp trước, cho nên trong tâm sanh ra hiện tượng này nó không biến hóa. Sinh ra biến hóa là phân biệt chấp trước, phân biệt chấp trước là mỗi niệm của chúng ta không giống nhau. Vũ trụ là một thể, cho nên mới đồng thời đồng xứ cụ túc tương ưng, nó là một thể mà! Nếu không phải là một thể thì làm sao có thể tương ưng được?
Giống như cơ thể của chúng ta vậy, cơ thể của chúng ta có bao nhiêu tế bào hợp thành, tế bào là nguyên tử hợp thành, nguyên tử là điện tử hợp thành. Truy xét đến cuối cùng là quang tử, cơ thể của quí vị có bao nhiêu? Nhưng nhiều lạp tử như thế hợp thành cơ thể này, mỗi một lạp tử đều có liên quan đến toàn thân này, đồng thời đồng xứ tương ưng. Đồng xứ là gì? Là một cơ thể này, cho nên động một sợi lông là toàn thân cảm nhận được, đây chính là đồng thời đồng xứ tương ưng. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này! Hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi, chúng ta vô tình hay hữu ý khởi lên một ý niệm, động một sợi tóc mà toàn thân cảm nhận được, khắp cả vũ trụ có thể cảm nhận được. Ý niệm này bất luận là quí vị vô tình hay hữu ý, ý niệm này là thiện hay ác. Đây chính là ba châu biến mà trong Hoàn Nguyên Quán nói: Thứ nhất là “châu biến pháp giới”, một ý niệm cực kỳ vi tế châu biến pháp giới. Vì sao vậy? Bởi trong tự tánh không có thời gian, không có không gian. Không có thời gian là không có trước sau, không có không gian là không có cự lý. Cho nên ý niệm vừa khởi là châu biến pháp giới, một niệm thiện châu biến pháp giới, một niệm ác cũng châu biến pháp giới. Chẳng nên nghĩ rằng một ý niệm này không sao hết, chúng ta khởi lên một niệm là cả pháp giới đều chấn động. Nếu trong một ý niệm này thêm vào một chút phân biệt chấp trước, thì là xuất sanh vô tận, xuất sanh vô tận là biến hóa, tâm hiện thức biến. Người xưa nói: “Kéo một sợi tóc động toàn thân”, quí vị cầm cọng tóc kéo một chút thì toàn thân đều cảm nhận được. Chúng ta hiểu được đạo lý này rồi, chúng ta khởi một ý niệm thì khắp cả vũ trụ đều cảm nhận được.
Ngày nay chúng ta thắc mắc: Thế giới Cực Lạc, thế giới Hoa Tạng, vì sao lại đẹp như vậy? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho chúng ta biết, người dân sống ở thế giới đó, đều là thiện niệm không có ác niệm. Ngài giới thiệu thế giới Cực Lạc cho chúng ta: “Giai thị chư thượng thiện căn câu hội nhất xứ”, cho nên thế giới đó mới đẹp như vậy. Thế giới của chúng ta ngày nay vì sao ra nông nỗi này? Ngày nay con người sống trên quả địa cầu này ý niệm bất thiện. Ý niệm bất thiện biến ra cái gì? Thân tâm nhiều bệnh không khỏe mạnh. Quả địa cầu này thiên tai gì cũng có, chẳng phải là như vậy sao? Chúng ta hiểu được đạo lý này rồi, vậy có thể làm cho thân tâm mình phục hồi lại khỏe mạnh chăng? Có thể làm cho quả địa cầu này phục hồi trở lại bình thường chăng? Được! Ý niệm! Đối trị cách nào đây? Sửa tâm mình chân chánh là được rồi! Thế nào là chánh? Thuận theo quy luật của đại tự nhiên là chánh, trái ngược lại với quy luật của đại tự nhiên là tà, là sai. Cư dân sống trong sát độ của chư Phật tâm địa thanh tịnh, giống như cảnh giới khi Huệ Năng đại sư kiến tánh nói: “ Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”. Người xưa dạy chúng ta: “Nhân tánh bổn thiện”, hai câu đầu trong Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Thiện ở đây không phải là thiện trong từ thiện ác, thiện trong từ thiện ác quá nông cạn. Chữ thiện đó là tán thán, chữ thiện đó là hình dung, hình dung điều gì? Hình dung nó không khiếm khuyết điều gì. Viên mãn, không khiếm khuyết, đó là tự tánh! Khi nào thì tự tánh xuất hiện trạng thái này? Không chấp trước, không phân biệt, không khởi tâm động niệm gọi đó là bổn thiện. Khởi tâm động niệm là bất thiện, A Lại Da xuất hiện, đó là bất thiện. Cho nên bổn thiện so ra còn cao hơn Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Bổn thiện là tâm tánh hoàn toàn hiển lộ, nghĩa là chân tánh của chính mình hiển lộ. Trong chân tánh không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần. Trong kinh hình dung nó là một ánh quang minh, gọi là Đại Quang Minh Tạng. Tịnh Độ Tông gọi cảnh giới này là Thường Tịch Quang. Trên thực tế thêm vào một chữ độ, đó là kiến giải của phàm phu, nói về tứ độ: Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Độ, Thường Tịch Quang Độ. Trên thực tế nói Thường Tịch Quang chính là Thường Tịch Quang, không cần thêm chữ độ vào đó nữa, điều này chúng ta cần nên hiểu, thêm chữ độ là do Đức Thế Tôn phương tiện nói như vậy. Trong Thường Tịch Quang không có thân, cũng không có độ, cũng có nghĩa là không có hiện tượng vật chất và tinh thần, nhưng quí vị chẳng thể nói nó là không, nó năng biến. Cho nên đại sư Huệ Năng nói: “Đâu ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”, nó biến được, bản thân nó không có gì hết, nhưng nó có thể biến được tất cả. Khi nó bất biến thì: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Trong Thường Tịch Quang có đủ tất cả, không thiếu thứ gì, chỉ cần hiện tượng ba động phát sanh, thì vũ trụ sẽ hiện tiền, vạn vật sẽ hiện tiền, cơ thể của chúng ta sẽ hiện tiền. Cơ thể nghĩa là một hiện tượng vật chất, một hiện tượng tinh thần. Hai hiện tượng này, theo sự phân biệt chấp trước của quí vị, từ từ biến thành thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Chuyện là như vậy! Chúng ta khởi lên một ý niệm, chẳng những ảnh hưởng đến thập pháp giới của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà thập pháp giới trong sát độ của tất cả chư Phật mười phương đều bị ảnh hưởng. Vì sao vậy? Bởi một tự tánh biến mà. Khắp vũ trụ cùng với mình là một thể, cho nên nó mới có thể đồng thời đồng xứ cụ túc tương ưng. Nếu chẳng phải là nhất thể, thì làm sao quí vị có thể giải thích được? Cho nên thật sự là một thể thì có thể giải thích được. Hiểu được đạo lý này rồi, đối với đạo lý này hiểu một cách rõ ràng minh bạch, không còn một chút hoài nghi nào hết.
Xã hội ngày nay loạn động, thiên tai quá nhiều, khu vực HongKong của chúng ta đây không bị thiên tai có được chăng? Được! Chỉ cần ở HongKong có thể tụ tập được một hai trăm người, thiểu số người này là có thể cứu được khu vực HongKong đây. Một hai trăm người đây thật sự hồi tâm chuyển ý, đoạn ác tu thiện. Tiêu chuẩn của thiện ác là gì? Người xưa rất từ bi, các Ngài đã nói rõ cho chúng ta biết, từ đại cương mà nói là Hiếu để, đây là nòng cốt của Chánh pháp. Người xưa nói: “Hiếu thân tôn sư”, Đức Phật cũng nói như vậy. Điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước: Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Tiêu chuẩn của thập thiện nghiệp là gì? Những điều trong kinh luận nói toàn là tiêu chuẩn, nói rất nhiều, nhưng chúng ta không chịu làm. Người xưa nói rất hay, quí vị xem từ hiếu để dẫn đến Ngũ Luân: “Phu tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín”. Nói phụ tử, quân thần, phu phụ, trưởng ấu, bằng hữu, đây là đạo, là quy luật tự nhiên. Giảng thân, giảng nghĩa, giảng biệt, giảng tự, giảng tín, đây là đức, thuận theo đạo quí vị thực hành thì đó chính là đức. Từ đây là dẫn đến Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức, truyền thống văn hóa của Trung Quốc chính là những điều này.
Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây là nguyên tắc cơ bản làm người, bắt buộc phải tuân thủ, quí vị không tuân thủ thì không gọi là người. Con người và cầm thú khác biệt, chính là ở chỗ con người biết Ngũ Thường, cầm thú thì không biết.
Tứ Duy: Lễ nghĩa liêm sỉ.
Bát Đức: Hiếu để trung tín nhân ái hòa bình, chỉ có mấy chữ vậy thôi.
Quí vị xem Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh, cho đến hoàng đế Càn Long soạn cuốn Tứ Khố Toàn Thư, đều không tách rời những điều này, đây là đại cương của truyền thống văn hóa. Ở trong Phật pháp chính là Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện, rất đơn giản.
Tam Quy là Giác, Chánh, Tịnh.
Ngũ Giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Thập Thiện, Tiểu thừa nói rộng ra là ba ngàn oai nghi, Đại thừa nói rộng ra là tám vạn bốn ngàn tế hạnh, là viên mãn, là thành Phật rồi. Nói rất tinh giản cốt yếu, đây là đạo, đây là tánh đức, tùy thuận tánh đức, nếu bản thân chúng ta thật sự hiểu rõ, dùng mấy điều này để phản tỉnh. Người xưa dạy tiểu học, ngày nay mọi người học tập Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy nghĩa là những điều này cụ thể thực hành, thực hành trong cuộc sống, thực hành trong công việc, thực hành trong việc đối nhân xử thế. Quí vị làm được là quí vị đang hành đạo, cuộc sống hàng ngày là hành đạo, bất luận quí vị làm nghề gì, công việc của quí vị là hành đạo, tiếp nhân xử thế chẳng việc nào không phải hành đạo, trong đạo Phật gọi là hành Bồ Tát đạo. Thật sự làm được như vậy, thân tâm khỏe mạnh, không sanh bá bệnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội hài hòa, thiên hạ thái bình. Bất cứ tai họa gì trên địa cầu này cũng được hóa giải, đều không còn nữa. Đa số người ta không hiểu, họ vẫn còn tạo nghiệp, thiểu số người giác ngộ, trong một ngàn người có một người giác ngộ, một vạn người có một người, mười vạn người có một trăm người, một trăm vạn người có một ngàn người, một phần ngàn. Một người hành đạo, chín trăm chín mươi chín người được thơm lây, công đức rất ít đó, mọi người cùng hưởng.
Tôn giáo ở Tây Phương họ dùng phương pháp, lúc cần cấp khi tai họa xảy đến, tập thể ý niệm cầu nguyện, có được hiệu quả. Nhưng nên biết rằng đây là trị ngọn, chứ không phải trị gốc, vì sao vậy? Bởi khi cầu nguyện bị gián đoạn, thì tai họa lại hiện tiền. Trị bổn dùng phương pháp nào? Dạy học. Người xưa thật sự có trí huệ, nói cho chúng tử tôn đời sau biết: “ Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, tin rằng con người dạy tốt được. Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế ngày nào Ngài cũng dạy học, giảng kinh thuyết pháp không một ngày nào gián đoạn. Ba mươi tuổi khai ngộ là Ngài bắt đầu dạy, bảy mươi chín tuổi nhập Niết Bàn, dạy học suốt bốn mươi chín năm dài. Con người có thể dạy dỗ được, nếu quí vị không dạy, không dạy học sẽ học những điều xấu. Kết quả của việc học điều xấu này là gì? Là chính mình thân tâm không được khỏe mạnh, gia đình không hài hòa, xã hội không an định, thiên hạ chẳng thái bình, đó là học điều xấu.
Nếu họ học tập lời dạy của thánh hiền, thánh hiền dạy điều gì? Dạy luân lý. Luân lý là gì? Luân lý nói về quan hệ, quan hệ giữa người với người, quan hệ Ngũ Luân. Phật pháp nói rất cứu cánh, ngoài chuyện quan hệ giữa người và người ra, quan hệ giữa con người với động vật, quan hệ giữa con người với thực vật như hoa cỏ cây cối, quan hệ giữa con người và sơn hà đại địa, quan hệ giữa con người và thiên địa quỷ thần, thiên địa quỷ thần chính là quan hệ sinh vật bất đồng không gian mà ngày nay khoa học nói, quan hệ giữa con người với vũ trụ, tất cả đều là luân lý. Cho nên giảng về điều này, chỉ có Đức Phật mới giảng giải viên mãn, tất cả các quan hệ đều làm tốt rồi, thì không có chuyện gì xảy ra nữa. Sự đối ứng của quan hệ, đó chính là đạo. Lòng tin của mình kiên cố, đoạn tất cả ác, hành tất cả thiện, sức mạnh đó đến từ giáo dục nhân quả. Cho nên thánh nhân bình thiên hạ, đưa xã hội trở nên tốt như vậy, chính là ba cách giáo dục: Luân lý, đạo đức, nhân quả. Người xưa nói: “Tín nhân quả thiên hạ đại trị chi đạo dã. Bất tín nhân quả thiên hạ đại loạn chi đạo dã”. Nói rất hay! Điều này khiến cho xã hội an định, thế giới hòa bình. Vẫn còn một số người, họ hy vọng hướng thượng nâng cao lên. Được, hướng lên nữa, đó chính là giáo dục triết học, giáo dục khoa học. Trong sự giáo dục của cổ thánh tiên hiền có, chẳng phải không có. Thời xưa không gọi là khoa học, triết học, những danh từ này là thời cận đại, từ Phương Tây truyền đến. Trong truyền thống ngày xưa có triết học không? Có! Có khoa học không? Có! Trong kinh Hoa Nghiêm triết học và khoa học giảng lên đến tột đỉnh. Bài văn của Quốc sư Hiền Thủ không dài, rất ngắn, nói hết rồi! Chúng ta cùng nhau học tập, sử dụng hơn hai trăm giờ, rất lợi ích.
Trong lúc xã hội loạn động, địa cầu thiên tai vô số, chúng ta vẫn có thể ngày nào cũng sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn. Chúng ta học được trong kinh Hoa Nghiêm, không ưu sầu, không phiền não, bản thân hiểu được làm cách nào, cảnh giới hiện tiền biết được dùng phương pháp nào để đối phó. Những điều này chúng ta biết ơn Đức Phật, chẳng phải do sự dạy dỗ của Đức Phật, bản thân chúng ta chắc chắn không thể được. Tin rằng khoa học cũng có thể đạt được giáp ranh này, đạt được giáp ranh này là quí vị giải ngộ, bản thân quí vị không được thực dụng. Vừa rồi nói giống như thực dụng của Phương Tây, đau đầu trị đầu, đau chân trị chân, trị ngọn không trị gốc. Cho nên đồ của Phương Tây, chúng ta nhìn qua là hiểu, những thứ này của chúng ta họ không hiểu được. Chúng ta hiểu được những nguyên lý nguyên tắc đó, thì ý nghĩa này sẽ không khó hiểu.
Đoạn đầu nói về giáo lý Hoa Nghiêm, trong đạo Phật nói giảng dạy. Giáo có bốn loạn: Giáo, Lý, Hành, Quả. Giáo là văn tự là ngữ ngôn. Sự y cứ của văn tự ngữ ngôn là gì? Y vào lý luận, đạo đức. Đạo lý là gì? Đạo lý là chân tướng sự thật của vũ trụ vạn pháp. Thuật ngữ trong đạo Phật gọi là : “Thật tướng của các pháp”, thật là chân thật, chân thật như vậy. Sau khi hiểu rồi, quí vị phải thực hành ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó gọi là Hành, quí vị được lợi ích. Hành ở ngay bản thân mình, khỏe mạnh, hạnh phúc mỹ mãn, hành ngay trên thân mình. Hành ở đại tự nhiên, phong điều vũ thuận, muôn vật được mùa, non nước xinh tươi, thiên tai chẳng có, quí vị thật sự được lợi ích. Đó là gì? Đó là Hành. Quí vị đem những lý luận này biến thành cuộc sống của chính mình, biến thành hành vi của mình. Phía sau là Quả. Quả là gì? Quả là quí vị không ngừng hướng thượng vươn lên. Trong đạo Phật nói quí vị đã thành bậc A La Hán, thành Bồ Tát, thành Phật, không ngừng hướng thượng vươn lên. Trong đạo Phật nói Phật, Bồ Tát, A La Hán, là danh xưng của học vị, giống như chúng ta đi học. Hướng thượng nâng cao là sao? Quí vị có được học vị học sĩ, tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp nghiên cứu sở, có được học vị thạc sĩ, tốt nghiệp tiến sĩ, quí vị có học vị tiến sĩ, đây là không ngừng hướng thượng vươn lên. Phật là học vị cao nhất trong sự giáo dục của đức Phật, gọi là Phật, học vị thứ hai là Bồ Tát, học vị thứ ba là A La Hán, là danh xưng học vị.
Đức Phật dạy chúng ta: “ Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, nói cách khác, quí vị vốn có được học vị cao nhất. Vì sao bây giờ quí vị lấy không được? Bởi quí vị có chướng ngại. Chướng ngại là gì? Chướng ngại là phiền não, phiền não vô lượng vô biên. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phân phiền não thành ba loại:
Thứ nhất là vô minh phiền não. Vô thỉ vô minh phiền não, đây là nói mê. Quí vị mê quá sâu dày, thời gian mê quá lâu, hoàn toàn không hiểu rõ chính mình, không hiểu rõ vũ trụ.
Thứ hai là phân biệt phiền não.
Thứ ba là chấp trước phiền não.
Quí vị có ba loại phiền não này, khiến cho trí huệ, năng lực, tướng hảo của quí vị hoàn toàn bị biến chất, chẳng phải không có, mà biến chất. Trí huệ biến thành gì? Trí huệ biến thành phiền não. Đức năng biến thành gì? Đức năng biến thành tạo nghiệp. Còn tướng hảo? Tướng hảo biến thành lục đạo luân hồi. Biến chất rồi! Nếu chúng ta chuyển tâm lại, những cảnh giới biến chất này, từ từ phục hồi trở lại bình thường. Phục hồi trở lại bình thường, thì quí vị chính là A La Hán, là Bồ Tát, là Phật. Quí vị nên nhớ rằng, A La Hán, Bồ Tát, Phật chẳng phải là thần tiên, chẳng phải địa vị gì trong xã hội, mà là danh xưng của học vị. Đây là nói về sự tu học của quí vị, từng bước từng bước hướng thượng vươn lên, đạt đến cứu cánh viên mãn. Cứu cánh viên mãn là gì? Là vô sở bất tri, vô sở bất năng, đó là học vị tối cao.
Khi đạt được học vị Phật rồi, thật sự đạt được đồng thời cụ túc tương ưng môn, đạt được rồi, chứng được rồi. Đây chẳng phải là lý luận, là những người này, đích thân họ chứng được cảnh giới này. Họ chứng được cách nào? Họ đã buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, hồi quy tự tánh, là chứng được!
Cho nên tu học Phật Pháp từ thỉ đến chung, thỉ là sơ phát tâm, chung là thành Phật. Họ tu điều gì? Tu buông bỏ. Vì sao phải buông bỏ? Bởi tất cả đều là giả, tất cả đều là bất khả đắc, quí vị cho là thật có, là quí vị sai. Nếu quí vị không buông bỏ, quí vị sẽ bị thiệt thòi lớn, quí vị buông bỏ, sẽ được đại tự tại. Từ từ đức tướng và trí huệ trong tự tánh sẽ hiển lộ, hưởng không tận, trong tự tánh có đủ tất cả không thiếu thứ gì.
Cho nên giáo lý Hoa Nghiêm lấy duyên khởi làm chủ. Khởi là gì? Là sanh khởi, sanh khởi vũ trụ, sanh khởi vạn pháp, sanh khởi ta là duyên, gọi là duyên khởi. Duyên thứ nhất chính là ba động, ba động này cực kỳ vi tế, trong kinh đức Phật nói là vô thỉ vô minh. Vô minh là động, minh là bất động, minh là quang minh, là tánh đức, nó bất động, bất sanh bất diệt, chắc chắn không nhiễm ô. Tuy quí vị đọa vào địa ngục A Tỳ, tự tánh của quí vị cũng không nhiễm ô, tự tánh của quí vị cũng không động, đây là nói về chân tâm của quí vị. Có hiện tượng nhiễm ô, có hiện tượng động, là vọng tâm chẳng phải chân tâm. Biết dùng chân tâm chính là pháp thân Bồ Tát, là Phật.
Vọng tâm, dùng vọng tâm một cách chính xác, không dùng sai, không dùng tà, là Bồ Tát và A La Hán. Vì sao vậy? Bởi họ tiếp nhận sự dạy dỗ của Đức Phật. Học sinh ngoan, biết nghe lời, y giáo phụng hành, họ làm đúng.
Pháp giới nhất thiết tận thành nhất đại duyên khởi. Đây chính là câu : “Đâu ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp” mà đại sư Huệ Năng nói. Vạn pháp ở đây chỉ cho cái gì? Đại sư Huệ Năng nói vạn pháp, ở đây nói là pháp giới, nói tất cả pháp giới. Pháp giới ở đây không phải chỉ khu vực giảng dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phạm vi giảng dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bao lớn? Là tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới lấy hệ ngân hà làm đơn vị. Bao nhiêu hệ ngân hà? Mười ức. Mười ức hệ ngân hà là khu vực giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khu vực giảng dạy này không lớn lắm. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy, khu vực giảng dạy của một số Đức Phật, là hai tam thiên đại thiên thế giới, thậm chí là năm, mười, hai mươi đại thiên thế giới. Nghĩa là so với khu vực giảng dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lớn hơn gấp mười lần, hai chục lần. Khu vực giảng dạy lớn nhất là của Đức Phật A Di Đà. Khu vực giảng dạy của Đức Phật A Di Đà lớn cỡ nào? Không ai có thể tính đếm được, khu giáo hóa của ngài bao gồm cả quốc độ của chúng ta ở trong đó.
Pháp giới nhất thiết tận thành nhất đại duyên khởi. Câu này rất quan trọng, đây là chân tướng sự thật. Quí vị thật sự hiểu rồi thì một pháp thành tất cả pháp. Một pháp là gì? Là một vi trần. Cơ thể của chúng ta cũng là một vi trần, không phải là rất nhiều vi trần sao? Không phải! Một vi trần! Quí vị có thể hiểu được ý nghĩa này không? Nếu quí vị không hiểu được ý nghĩa này, thì quí vị cứ liên tưởng đến khi chúng ta xem phim, quí vị thấy những hình ảnh trên màn hình, quí vị nói những hình ảnh này là một tấm ảnh ảo, hay là có rất nhiều tấm ảnh ảo? Chắc chắn quí vị trả lời: Rất nhiều! Tôi cho các vị biết, chỉ có một cái. Quí vị nhìn thấy chẳng phải một màn hình đó sao? Đoạn trước, đoạn trước qua rồi. Đoạn sau? Đoạn sau vẫn chưa tới, chỉ có một cái, đây gọi là nhất đại duyên khởi. Cho nên đức Phật dạy chúng ta điều gì? Là ở ngay đây, ngay ý niệm này, đây là một pháp, một pháp thành tất cả pháp. Tất cả pháp đó là gì? Là tương tục. Các nhà khoa học ngày nay nói là liên tục, liên tục hay, có ý nghĩa hơn tương tục. Tương tục sợ rằng, trước và sau cùng một thứ, liên tục thì không đồng. Ý niệm của chúng ta nhanh, niệm trước diệt, niệm sau sanh, niệm niệm khác nhau, niệm niệm tìm không thấy, nhưng niệm niệm sanh ra biến hóa rất lớn.
Tối hôm kia tôi ở Bố Lý Tư Bản, cũng mấy tháng rồi tôi không đến đó, gặp mặt các bạn học, tôi thấy trong giảng đường ngồi kín cả. Họ muốn tôi giảng một giờ, họ đưa ra một vấn đề: “Phương pháp hóa giải thiên tai”. Giảng đề này truyền hình trực tiếp, dùng Internet truyền đi, ngày nay có rất nhiều người hỏi tôi vấn đề này.
Lúc trước tôi ở Tuyết Lê phỏng vấn mười tôn giáo, ngày xưa chưa bao giờ nói đến vấn đề này, ngày nay mọi người đều đưa ra vấn đề này, tôi nghĩ chắc là xem qua bộ phim 2012 của Mỹ, chiếu khắp toàn cầu, có thể bị ảnh hưởng từ bộ phim đó, đều đưa ra vấn đề này hỏi tôi. Phật giáo thấy thế nào đối với vấn đề này? Dùng phương pháp nào để đối phó? Tôi nói với họ rằng: Ngày nay dự ngôn rất nhiều, dự ngôn của xưa nay và các nhà khoa học đưa ra những phán đoán có căn cứ, mọi người đều quan tâm đến chuyện thiên tai, rốt cuộc là có hay không? Những điều trong Phật Pháp nói, bất cứ dự ngôn nào đưa ra đều không xác định, có thể có cũng có thể không. Phật Pháp trả lời, tuyệt đối không lấp lửng nước đôi, nó có đạo lý, cùng đạo lý trong lượng tử lực học, vì ý niệm của con người thay đổi trong từng sát na. Các nhà dự ngôn khi họ nói những lời đó, là lúc họ nhìn thấy tâm của cư dân sống trên quả địa cầu này, tạo thành một môi trường như thế nào, nhưng họ muốn một chuyển biến, thì chuyển biến không còn. Giống như chúng ta đi đến một ngã ba đường, con đường kia rất khó đi, có nhiều tai nạn, có chó sói hổ báo. Quí vị đi đến đó đột nhiên nhớ ra mình đi bên này, thì chẳng phải lập tức thay đổi rồi sao? Đây là không xác định. Nếu quí vị vẫn chọn đi con đường đó, thì có thể sẽ gặp tai nạn. Những tai nạn này vì sao thành hình? Vì tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, ngũ dục lục trần, những thứ này. Người xưa thường nói: “Người này làm người bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa”, người này đi đến đường cùng, chắc chắn tai nạn phát sanh. Nếu thấy tai nạn này hiện ra trước mặt, lập tức quay đầu, nghĩa là giác ngộ mình không thể làm việc xấu nữa, và không thể có ác niệm nữa, ý niệm đó vừa chuyển thì tai nạn không còn nữa. Cho nên rất nhiều dự ngôn. Có! Rất chính xác! Nhưng chỉ hiện tiền thôi, còn rất nhiều điều nói mà không có. Chẳng phải không có, mà do ý niệm của quí vị thay đổi. Cho nên sự cầu nguyện đó đã khởi lên tác dụng, khi cầu nguyện ý niệm của họ chánh, chứ chẳng phải tà. Cho nên khi có năng lực họ có thể khiến cho thiên tai tạm ngừng không phát sinh, nhưng chúng tôi thường nói đó là trị ngọn không trị gốc. Thời gian cầu nguyện rất ngắn, sau khi cầu nguyện xong ác niệm lại sanh khởi, cho nên cảnh giới đó lại hiền tiền, chính là lý này! Người xưa rất giỏi, họ thật có trí, chú trọng dạy học! Dạy học là thời gian dài, là mãi mãi, cho nên có thể nhổ tận gốc tai nạn. Quí vị nhìn cách dạy học của người xưa quí vị sẽ hiểu, người xưa có trí, có phương pháp, có kinh nghiệm, có hiệu quả. Người xưa dạy cho người đời sau, từ khi nào thì bắt đầu dạy? Từ khi mang thai, gọi là thai giáo, người ngoại quốc không có, họ không hiểu được đạo lý này. Cho nên Đệ Tử Quy chẳng phải dạy cho các em nhỏ học, Đệ Tử Quy dạy cho ai? Đệ Tử Quy dạy cho trẻ sơ sinh. Đứa bé ra đời, nó biết thấy, nó biết nghe, nó đã bắt đầu học tập rồi. Ngày nay người Phương Tây mới biết được, họ dùng cái gì để biết được? Dùng phương pháp thôi miên, họ phát hiện ra. Khiến cho người này thôi miên, họ quay trở lại, trở lại lúc trẻ sơ sinh, trở lại trong tử cung của người mẹ. Sau đó hỏi họ trong tử cung như thế nào, họ biết rất rõ, họ không mê hoặc. Mẫu thân khởi tâm động niệm, tất cả việc làm, họ đều cảm nhận được, điều này chứng minh rằng, người xưa nói về thai giáo rất có lý. Đứa trẻ ra đời, trong lúc thôi miên hỏi họ, khi đứa trẻ sinh ra, họ đều biết rõ ràng, người lớn ở trước đứa trẻ lời nói việc làm, tất cả động tác, nó đều biết hết, nó thật sự đang học tập. Quí vị nghĩ xem từ khi ra đời đến năm ba tuổi là một ngàn ngày, một ngàn ngày này gọi là giáo dục cội rễ. Cho nên Đệ Tử Quy là cho mẹ thực hành cho trẻ sơ sinh xem, trước ba tuổi ngày nào nó cũng xem. Phàm là mặt trái, những việc bất thiện, tuyệt đối không để nó nhìn thấy, không được để nó nghe thấy, không được để nó tiếp xúc, gọi là đồng mông dưỡng chánh. Một ngàn ngày khi cội rễ đã trồng xuống rồi, ngạn ngữ có câu: “Tam tuế khán bát thập”, ba tuổi trồng xuống cội rễ này thì tám mươi tuổi cũng không thay đổi. Cách giáo dục này quá hay! Cho nên người xưa thật sự đã thực hành được tam cương bát mục trong đại học, nghiêm chỉnh thực hành: Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ. Bình thiên hạ, bình là công bằng, thiên hạ công bằng, rất có đạo lý!
Chúng ta đã đánh mất những thứ ngày của người xưa, đại khái khoảng một trăm năm rồi. Sau khi Mãn Thanh mất nước, Trung Quốc bất hạnh, xã hội đại loạn, quân phiệt cắt cứ. Vừa mới thống nhất thì người Nhật lại phát động chiến tranh với Trung Quốc tám năm. Tám năm chiến tranh này đã đánh mất đi nền văn hóa truyền thống, đây là sự tổn thất lớn không gì bằng, gia đình truyền thống không bao giờ thấy được nữa. Thật sự bi ai, gia đình không còn nữa! Gia đình truyền thống là đại gia đình, thông thường là năm đời sống chung với nhau. Gia đình họ sống cùng nhau là thân, trong gia đình này thân ái tinh thành, tất cả do dạy dỗ mà ra. Cho nên có gia đạo, đại gia đình này giống như tổ chức xã hội, có gia đạo, gia quy, gia học, gia nghiệp, gia nghiệp là sự nghiệp. Người thời nay không còn nhà nữa, không có nhà thật bi ai! Bi ai lớn nhất là già rồi phải làm sao? Khi chưa già thì không biết, khi già rồi thì biết được rất đáng thương, đi đâu đây? Viện dưỡng lão! Chúng tôi đã đến tham quan rất nhiều viện dưỡng lão. Tâm trạng của người trong viện dưỡng lão thế nào? Ngồi ăn chờ chết. Quí vị thấy người trong viện dưỡng lão, ngày nào có người chết: “Lại có người đi rồi, ngày nào đến lượt mình đây?” Đó là tâm trạng gì vậy? Người xưa nói, người già vui nhất là dưỡng lão ở nhà, khi già về vui với con cháu, nghỉ hưu, nghỉ công việc rồi. Quí vị nghĩ xem gia đình lớn như vậy, mấy trăm người, lớp trẻ mười bảy mười tám tuổi gần trăm người, hàng ngày quây quần bên bạn, vui biết mấy! Cho nên ngày xưa không bao giờ phải lo lắng cho người già, không có chuyện này, dưỡng lão ở nhà. Khi nghỉ hưu rồi thì trở về quê hương. Ra làm việc bên ngoài, ở bất cứ nơi đâu, thì gia đình là hậu thuẫn của quí vị, hậu thuẫn đáng tin nhất, hậu thuẫn mạnh nhất, quí vị không cần phải lo.
Khi còn nhỏ gia đình dạy quí vị, gia học, gia học chính là tư thục, nghĩa là trường học của đệ tử trong gia đình. Chế độ cổ xưa này khiến cho chúng ta thường hoài niệm. Nhưng ngày nay nếu muốn phục hồi lại như xưa, lấy bà con huyết thống làm nền tảng cho một gia đình, thì không thể rồi! Tôi thường suy nghĩ, thường nghe thấy rất quen thuộc “xí nghiệp gia”, đột nhiên tôi nghĩ đến xí nghiệp. Dùng xí nghiệp để phục hồi lại gia học truyền thống ngày xưa: Gia quy, gia học, gia nghiệp, vậy thì đất nước chúng ta sẽ phục hưng trở lại.
Ông chủ là đại gia trưởng, nhưng nhất định ông chủ phải xem tất cả công nhân của như anh chị em trong một gia đình của mình vậy. Người công nhân lớn tuổi là chú bác của mình, cần dưỡng già. Con của công nhân là cháu chắt của mình, phải dạy dỗ chúng, phục hồi lại tinh thần gia đình truyền thống, trên thế giới là độc nhất vô nhị. Vì sao đất nước chúng ta cả năm ngàn năm rồi có địa vị trên thế giới, vĩnh viễn bất suy bất bại. Trên thế giới có tứ đại văn minh cổ, ba cái không còn, chỉ còn Trung Quốc. Lý gì vậy? Giáo dục! Chống đỡ được Trung Quốc chính là gia đình, gia đình của Trung Quốc quá hoàn mỹ. Vì sao gia đình làm được tốt như vậy? Nương vào giáo dục! Nếu không có giáo dục, gia đình quí vị sao có thể đại công vô tư được? Từ nhỏ đã dạy bọn trẻ đại công vô tư, chẳng thể có tâm riêng tư. Vì sao sống trên thế gian này? Vì gia đình của tôi. Họ yêu gia đình, là họ sẽ yêu ruộng đất của họ, yêu xóm làng, yêu quê hương họ, yêu quê hương chính là yêu đất nước. Tình thương này từng lớp từng lớp rộng ra. Cho nên chữ “thân” là cội rễ giáo dục, đều từ chữ này mà ra, thân là thân yêu. Mục đích đầu tiên của giáo dục thời xưa là, phụ tử thân yêu, làm thế nào để có thể duy trì trong suốt cuộc đời không thay đổi. Đây là mục đích đầu tiên của giáo dục. Mục đích thứ hai là phát triển rộng rãi tình thân yêu này. Từ thương yêu cha mẹ, thương yêu anh chị em, thương yêu gia tộc, thương yêu xóm làng, thương yêu xã hội, thương yêu đất nước mình. Sau đó thì rộng ra thương yêu nhân loại: “Phàm là người, đều muốn được yêu thương”. Giáo dục yêu thương! Quí vị yêu thương họ, quí vị sẽ không hại họ, đây là điều chắc chắn.
Niên đại 70, tiến sĩ Thang Ân Tỉ người Anh nói: “Giải quyết vấn đề của thế kỷ 21, chỉ có học thuyết Khổng Mạnh, và đại thừa Phật giáo”, đây là người Anh nói. Hình như năm 2006, lần thứ hai tôi phỏng vấn London, ở trường đại học Kiếm Kiều, ở trường đại học London, tôi giao lưu với các bạn học hệ Hán học, tôi dạy họ hai tiết. Giáo thọ của họ cũng tham dự, tôi hỏi mọi người: Thang Ân Tỉ là người Anh, quí vị rất quen thuộc, lời ông ta nói có thật không? Quí vị có tin chăng? Thầy giáo và học sinh nhìn tôi cười, không nói gì, tôi cũng cười với họ. Tôi lại hỏi: Thang Ân Tỉ nói sai rồi hả? Họ cũng không trả lời tôi, cuối cùng tôi nói với mọi người, Thang Ân Tỉ không nói sai, nhiều người đã giải thích sai câu nói này của ông ấy. Vì sao vậy? Nói đến Nho, hẳn quí vị nghĩ đến Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam kinh, trong trường học những môn này. Nói đến Phật, nhất định quí vị nghĩ đến Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, đây là kinh luận Đại thừa. Quí vị đều nghiêm chỉnh học tập, đều lấy những tài liệu này để viết luận văn tiến sĩ. Không sai, quí vị có thể lấy được học vị, tương lai có thể trở thành một vị giáo thọ nổi tiếng, có thể trở thành nhà Hán học Âu châu. Quí vị không thể giống như tôi, từ sáng đến tối hoan hỷ, mỉm cười, vui không gì bằng, quí vị không thể! Trong tương lai tuy quí vị có được học vị, làm giáo thọ, làm nhà Hán học, nhưng quí vị vẫn sống trong thế giới đau khổ, thế giới phiền não và đau khổ. Vì sao vậy? Bởi quí vị không giải thấu được lời nói của tiến sĩ Thang Ân Tỉ. Quí vị ngày nay đang làm việc Nho học, Đạo học, Phật học, tôi học khác quí vị, tôi và quí vị học tương phản nhau. Quí vị xem ngày nay viết chữ, đều giống như tiếng Anh viết từ trái qua phải, khi chúng ta xem, đọc là Nho học, Đạo học, Phật học. Chúng tôi đọc là từ phải qua trái. Chúng tôi đọc cách nào đây? Chúng tôi đọc là học Phật, học Nho, học Đạo, khác nhau mà! Quí vị học là Nho học, Đạo học, Phật học, tôi học là học Nho, học Phật, học Đạo, cũng là hai chữ, quí vị đọc từ bên này, tôi đọc từ biên kia, nên hiệu quả khác nhau.
Học Nho là phải học giống như Khổng Tử, Mạnh Tử, học Phật thì phải giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, học Đạo phải giống như Lão Tử, Trang Tử, thật sự được lợi ích! Ngược lại quí vị xem nó như một học thuật để nghiên cứu, không liên quan gì đến cuộc sống và sinh hoạt của quí vị, quí vị không được lợi ích, quí vị vẫn sống trong môi trường phiền não và thống khổ như cũ. Cho nên nhắc đến Nho, quí vị sẽ nghĩ đến Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh, quí vị không nghĩ đến Đệ Tử Quy. Phật Pháp quí vị nghĩ đến kinh điển Đại thừa mà không nghĩ đến Thập Thiện Nghiệp. Đệ Tử Quy là gì? Là thực hành Tứ Thư, Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh. Đạo Nho nói hay, phương pháp thứ lớp dạy người tu học: Bác học, thẩm vấn, thận tư, minh biện. Quí vị học như vậy là đúng! Nhưng điều cuối cùng thì không làm. Điều cuối cùng là gì? Là đốc hành! Quí vị chẳng thực hành. Học Phật, đạo Phật nói bốn chữ: Tín, Giải, Hành, Chứng. Quí vị chỉ có hai chữ trước là Tín và Giải, không có Hành, không có Hành sao có Chứng? Đạo Nho không đốc hành, trong đạo Phật không Hành Chứng, chính là điều người ta thường nói: Học mà không dùng được! Những thứ quí vị học không khởi tác dụng, cho nên sự dạy học có trí huệ của thánh hiền quí vị không được lợi ích.
Ngày hôm đó tuy tôi nói không nhiều, diễn giảng ở mỗi trường học chỉ có một giờ, nhưng đã khiến họ thông hiểu, học rồi thì phải hành.
Lưu Tố Vân cư sĩ giảng mười bốn giờ ở đây, mọi người đều hoan hỷ, đều muốn học với cô ấy, cô ấy nói cô ấy chỉ có sáu chữ: Chân thật, nghe lời, thật hành. Nếu chúng ta chân thật, nghe lời, mà không chịu hành, thì chẳng có cách nào, sẽ chẳng học được gì ở cô ấy. Hai chữ sau rất quan trọng, phải thật hành. Thế xuất thế gian, từ cổ chí kim, từ trong ra ngoài, các vị đại thánh tiên hiền, sự thành tựu của họ, dùng sáu chữ của Lưu Tố Vân đây là đủ rồi. Đúng là chân thật, nghe lời. Nghe lời ai? Nghe lời thánh hiền. Người xưa nói: Không nghe lời lão nhân, thất bại ở trước mặt”. Lão nhân là ai? Là Khổng Mạnh, là Lão Trang, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu quí vị không nghe lời, thì thất bại ở ngay trước mặt, quí vị nghe lời, hay biết mấy! Cho nên quí vị phải có niềm tin.
Thái độ cầu học một đời của Khổng Phu Tử đã nói rất rõ ràng: “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ”. Đối với hai câu này trong Luận Ngữ, tôi phục sát đất. Có người hỏi tôi: Trong Luận Ngữ hai câu nào quan trọng nhất? Tôi nói là hai câu này!
“Thuật nhi bất tác”, ngài không sáng tạo, không phát minh. Những điều Ngài học, Ngài tu, Ngài dạy, Ngài truyền lại, đều là những thứ của cổ thánh tiên hiền. Không như chúng ta ngày nay, con người ngày nay trong đầu họ muốn sáng tạo, phải có sáng kiến, phải có phát minh, phải cạnh tranh với mọi người. Sai rồi! Quí vị nên biết rằng, sáng ý, phát minh là tâm quí vị động. Ngài “tín nhi hiếu cổ”, nên tâm Ngài định, Ngài không sáng tạo, không phát minh, tâm Ngài vĩnh viễn là định. Định thì có thể khế nhập tự tánh, tâm của chúng ta ngày nay động, thì làm sao có thể hiểu được những lời dạy của người xưa, làm sao có thể cảm nhận được. Tâm dao động, chẳng những không học được những lời dạy của cổ nhân, mà lời dạy của người thời nay quí vị cũng không học được, đạo lý trong đây rất thâm sâu! Quí vị tham thấu triệt rồi mới hiểu được người thời nay thật sự không như bậc cổ nhân. Xã hội thời xưa là thừa bình thịnh thế, cuộc sống của mọi người thật sự trong an định, hài hòa, hạnh phúc mỹ mãn. Tuy là bần cùng họ cũng vui, tâm họ định, họ tuân thủ quy củ, tuân thủ đạo đức, hiểu luật nhân quả. Hoàn toàn khác với sự tư duy của người thời nay, người thời nay suy nghĩ lung tung. Ngày nay vẫn còn có người dạy họ, ai dạy vậy? Ti vi dạy, Internet dạy. Dạy điều gì? Dạy bạo lực, dạy sắc tình, dạy sáng tạo, dạy sát đạo dâm vọng. Điều này thế nào? Quá đáng sợ!
Chúng ta may mắn, sống trong thế giới như vậy mà vẫn gặp được giáo pháp Đại thừa, gặp được kinh Vô Lượng Thọ, gặp được kinh Hoa Nghiêm, thật hy hữu! Thật sự hiểu được thì lợi ích không thể nghĩ bàn!
Đây là nói về một pháp thành tất cả pháp, tất cả pháp khởi một pháp, hỗ tương khởi lên tác dụng. Chúng ta khởi lên một ý niệm, sẽ ảnh hưởng đến pháp giới hư không giới, pháp giới hư không giới cũng ảnh hưởng đến chúng ta, hỗ tương nhau.
Chú ý, nhất thời cụ túc, nghĩa là ngay đây. Cho nên trong kinh Phật ghi chép về thời gian không ghi ngày tháng năm nào. “Như thị ngã văn, nhất thời…” Nhất thời là sự thật. Nhất thời là gì? Nghĩa là ngay đây, ở ngay trước mặt. Viên mãn hiển hiện, cố viết cụ túc tương ưng. Đây là giải thích sơ lược về Đồng thời cụ túc tương ưng môn.
Dưới đây dẫn chứng: Hoa Nghiêm Diệu Nghiêm Phẩm viết: Nhất thiết pháp môn vô tận hải, đồng hội nhất pháp đạo tràng trung.
Nhất thiết pháp môn vô tận hải, là quá lớn, quá nhiều, không chỉ là tám vạn bốn ngàn pháp môn. Trong tứ hoằng thệ nguyện nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, nghĩa là không chỉ tám vạn bốn ngàn, tám vạn bốn ngàn không phải là một định số, triển khai ra là vô lượng vô biên, chính là nhất thiết pháp môn vô tận hải. Từ đó chúng ta cảm nhận xem, đó chính là chân thật nghĩa của Đức Phật, không thể coi đó là một con số.
Đồng hội nhất pháp đạo tràng trung. Nhất pháp là gì? Là một vi trần. Vô lượng vô biên thế giới ở đâu? Ở trong một vi trần. Điều này không dễ hiểu đâu, ở trong một vi trần có vô lượng vô biên pháp. Khoa học ngày nay tương đối tiến bộ, chúng ta nhìn thấy thể điện tinh, nhưng móng tay rất nhỏ đây, nhưng trong đó hàm chứa rất nhiều thứ, một bộ Đại Tạng Kinh, chỉ ở trong một cái đĩa nhỏ, cảm thấy ngạc nhiên quá! Kỳ lạ quá! Sự thật khoa học và chân tướng sự thật còn cách nhau rất xa. Chân tướng sự thật là gì? Là một vi trần, mắt thường không thể thấy được. Một vật nhỏ như thế, ở trong đó chứa đựng bao nhiêu thứ? Chứa đựng biến pháp giới hư không giới. Móng tay của chúng ta lớn như thế này, trong đây mới chứa đựng có một bộ Đại Tạng Kinh thì có đáng là bao. Thật sự là như vậy, trong kinh thường nói: “ Giới tử nạp Tu Di”. Hạt cải rất nhỏ, núi Tu Di rất lớn, núi Tu Di để ở trong một hạt cải, hạt cải không to ra, núi Tu Di không nhỏ lại, mà đạt vào được. Sự sự vô ngại! Điều này chúng ta không cách nào tưởng tượng được, nhưng nó là chân tướng sự thật. Vì sao vậy? Vì trong tự tánh không có tương đối, tìm không ra tương đối. Lớn nhỏ là tương đối, không có lớn nhỏ, cho nên trong nhỏ có thể dung nạp được lớn. Lớn dung nạp nhỏ thì chúng ta chẳng nghi ngờ, nhỏ dung nạp lớn thì chúng ta không biết, nó không có lớn nhỏ.
Đồng hội nhất pháp đạo tràng trung, đồng thời đồng xứ.
Đại Sớ viết. Đại Sớ ở đây chính là Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, do Thanh Lương đại sư viết, Ngài đã viết một ví dụ: “Như hải nhất tích, cụ bách xuyên vị”. Một giọt nước trong biển cả, nước từ các dòng sông nơi tám phương bốn phía, đều chảy về biển cả. Một giọt nước biển, nhưng có đủ vị của tất cả các dòng sông trong đó. Dùng ví dụ này để nói đến: “Thị vi thử môn chi huyền nghĩa”. Nghĩa là nói đồng thời đồng xứ, không có lớn nhỏ, không có trước sau, cũng chẳng có cự ly, đồng thời tương ưng, là một thể. Đây là đúc kết của kinh Hoa Nghiêm, một khái niệm rất quan trọng, là chân tướng sự thật.
“Kim thử kinh trung”. Lại nói đến kinh Vô Lượng Thọ.
“Cụ hiển thử đồng thời cụ túc tương ưng chi huyền môn”. Trong kinh Hoa Nghiêm có đoạn văn như vậy, kinh Vô Lượng Thọ cũng có.
“Như kinh trung Chí Tâm Tinh Tấn Phẩm”. Nghĩa là bộ kinh này.
“Pháp Tạng Tỳ Kheo”. Pháp Tạng Tỳ Kheo là tiền thân Đức Phật A Di Đà. Khi chưa thành Phật xuất gia tu hành, pháp danh của Ngài là Pháp Tạng, địa vị Tỳ Kheo.
“Ư bỉ nhị thập nhất câu đê Phật độ công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát sở nhiếp Phật quốc siêu quá ư bỉ.”
Đây là đoạn kinh văn trong kinh Vô Lượng Thọ. Dưới đây lão cư sĩ giải thích cho chúng ta hiểu:
“Kinh trung nhị thập nhất câu đê Phật độ, biểu vô lượng Phật độ”. Nhị thập nhất ở đây không phải là số chữ. Câu đê, là tên gọi một đơn vị trong số lượng của Ấn độ, số lượng này rất lớn, là một trong mười đại số. Hai mươi mốt là nói lên sự viên mãn. Thông thường đức Phật dùng thất để nói lên sự viên mãn, ngay trong kinh Di Đà cũng nói thất: “Thất trùng lan thuẫn, thất trùng hàng thọ”, đều là dùng thất. Thất là gì? Là bốn phương, trên, dưới, và giữa, là ý nghĩa như vậy, nên viên mãn.
Trong kinh Hoa Nghiêm thường dùng mười để biểu pháp, vì kinh Hoa Nghiêm là viên giáo. Mật tông cũng không tách rời Hoa Nghiêm, Mật tông dùng mười sáu biểu pháp nói lên sự viên mãn, hai mươi mốt nói lên sự viên mãn. Cho nên ý nghĩa biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, thuật ngữ của tông nào cũng dùng đến.
Đây chính là vô lượng vô biên, vô cùng vô tận sát độ của chư Phật, là ý nghĩa như vậy.
“Pháp Tạng Tỳ Kheo nhiếp vô lượng Phật độ vi nhất Cực Lạc Tịnh Độ. Thị tức Hoa Nghiêm trung nhất thiết chư pháp đồng thời đồng xứ, vi nhất đại duyên khởi nhi tồn tại, cụ túc tương ưng chi nghĩa.”
Đồng thời đồng xứ ở đây, chúng ta nên biết, trong kinh Hoa Nghiêm nói đồng thời đồng xứ, thường dùng một vi trần, một sợi lông để làm ví dụ. Một vi trần giống như chúng tôi vừa nói, các nhà khoa học ngày nay nói nguyên tử, điện tử, lạp tử. Trong lượng tử lực học nói là quang tử, cái nhỏ nhất trong vật chất, một đơn vị nhỏ nhất, nói một sợi lông là chánh báo. Đạo Phật nói về y báo và chánh báo, y báo thì không có vấn đề gì, khái niệm về chánh báo nhất định phải rõ ràng. Chánh báo là chỉ cho bản thân của chúng ta, gọi là chánh báo, ngoài bản thân ta ra những thứ còn lại đều là y báo. Y báo là gì? Là nói về môi trường. Môi trường sinh hoạt của ta, có rất nhiều người, là con người, công việc, môi trường, trong môi trường cuộc sống của chúng ta. Nó là y báo, chẳng phải là chánh báo, chánh báo chỉ có một mình ta. Nếu quí vị nói chánh báo, thì quí vị là chánh báo, tôi là y báo của quí vị, không bao gồm chánh báo. Khái niệm này nhất định phải rõ ràng. Không nên cho rằng, chánh báo là nó về thân người, đó là sai, chánh báo là nói về mình. Y báo chính là môi trường để quí vị nương vào đó mà tồn tại. Môi trường con người sự việc, môi trường vật chất, môi trường tự nhiên, đều là nói về y báo.
Quí vị xem, Ngài cũng nói về nhiếp vô lượng vô biên sát độ của chư Phật, đương nhiên là tất cả chúng sanh trong vô lượng vô biên Phật độ, hữu tình vô tình đều bao gồm hết trong đó.
Nếu nói về hữu tình chúng sanh, nói đến chỗ tối cao là chư Phật Như Lai, nói đến chỗ thấp nhất, mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy bọ bay cựa động là con vật nhỏ. Ngày nay nói càng vi tế hơn đó là virus, virus cũng là sinh vật rất nhỏ, mắt thường không thấy được, đặt vào kính hiển vi thì chúng ta nhìn thấy. Bất đồng tần số không gian thì sao? Như thế giới chúng ta đây, có lục đạo luân hồi, có lục đạo chúng sanh. Ngoài cõi người ra, cục bộ cõi súc sanh chúng ta có thể thấy được, trong súc sanh đạo còn rất nhiều chúng ta không thấy được. Như địa ngục, ngạ quỷ, cõi trời, tần số không gian không giống với chúng ta. Tần số cao hơn chúng ta, họ có thể thấy được chúng ta, chúng ta không thấy được họ. Không nhìn thấy chẳng thể nói là không có, nhìn thấy cũng chẳng thể nói là có. Đây là chân tướng sự thật, đều là một loại huyễn giác, cho nên trong cảnh giới thiên biến vạn hóa, quí vị phải luyện công phu. Luyện gì vậy? Luyện bất động! Không bị môi trường bên ngoài làm động.
Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy như vậy, nếu quí vị tu tập như thế mà thành công rồi, quí vị có thể chuyển cảnh giới, nếu tâm quí vị động theo cảnh giới bên ngoài, là quí vị bị môi trường chuyển, bị môi trường chuyển thì rất khổ đấy! Khi quí vị bất động, chuyển được cảnh giới, quí vị tự tại, vui sướng, cho nên nói: “Nhược năng chuyển cảnh, tắc đồng Như Lai”. Như Lai ở đây có hai nghĩa, song quan ngữ. Một là nói về tự tánh, Như Lai là tự tánh. Một là nói về người tu hành đã chứng được quả vị Như Lai, nghĩa là người minh tâm kiến tánh. Họ được tự tại, họ không bị cảnh giới bên ngoài làm động, điểm này rất quan trọng. Hôm nay sắp hết giờ rồi, ngày mai chúng tôi giảng tiếp đoạn này. Làm thế nào để không bị cảnh giới chuyển? Thuận cảnh bên ngoài không tham luyến, nghịch cảnh bên ngoài không sân nhuế, thì quí vị sẽ không bị nó chuyển. Người hủy báng quí vị, người nhục mạ quí vị, người hãm hại quí vị, coi như không, trong tâm không dính mắc điều gì, quí vị thành công rồi, quí vị chuyển được cảnh giới. Chẳng những quí vị không oán hận họ, mà còn cảm ơn họ. Vì sao vậy? Bởi họ đến khảo quí vị, xem quí vị động hay bất động? Quả nhiên bất động, thông qua rồi, thầy giáo giỏi! Bản thân mình không bị tổn thương, họ cũng không tạo nghiệp tội, đối với họ cũng có lợi. Nếu như mình nổi giận, muốn báo thù, thì hai bên đều bị tổn thương. Quí vị xem, một ý niệm chân chánh thì cả hai đều được lợi ích, một ý niệm bất chánh thì hai bên đều bị tổn thương. Đó chính là không bị cảnh giới chuyển, mà mình chuyển được cảnh giới. Cũng có nghĩa là trong cảnh giới, quí vị có thể buông bỏ thất tình ngũ dục. Đó là gì? Là trí huệ làm chủ, quí vị sẽ được đại tự tại. Đoạn này ngày mai chúng ta tiếp tục học nữa.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.
HẾT TẬP 50