TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 19 tháng 05 năm 2010

 

TẬP 44

Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ 47.

Chúng ta coi đoạn Đinh- Phán Giáo. Đệ nhất, tứ giáo dữ ngũ giáo, cổ kim chư sư phán phần giáo tướng giả phàm hữu thập nhị gia, kỳ trung tối trước giả nãi Thiên Thai sở lập chi tứ giáo, dữ Hiền Thủ tông chi ngũ giáo.

Phán giáo, cũng có nghĩa là sau này chư vị tổ sư phát minh ra, tam tạng, nhị tạng, ngũ thời, phân giáo. Vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn toàn không có, sau này chư vị Tổ sư, đem sự dạy học của Đức Thế Tôn trong suốt 49 năm ra nghiên cứu, nghiên cứu rốt cuộc Ngài đã dùng phương pháp nào? Nghiên cứu về những thứ đó, cho nên đã đem phân ra rất nhiều khoa mục, đối với các vị học Phật đời sau này mà nói, thật sự tiện lợi rất nhiều, nhưng nói tóm lại, những thứ này rất đáng để tham khảo. Nếu không thể giữ vững những nguyên tắc này, thì là bạn sai đấy. Thời giáo một đời của đức Thế Tôn rất linh hoạt, trong kinh Đức Phật đã nói rất rõ ràng: “Như Lai vô hữu định pháp khả thuyết”. Trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói cho chúng ta thấy rõ, “tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Cho thấy Đức Phật tùy theo căn tánh của chúng sanh, tùy theo trình độ của chúng sanh, không có phương pháp nhất định, như trước đây chúng ta học đến “cứu cánh phương tiện”, đó là đại trí huệ, đại thần thông mới có thể làm được. Chứ không giống như phương pháp phân ra của hàng hậu học, những phương pháp này đều biểu hiện qua một đời thuyết pháp của Đức Thế Tôn, đó là những điều mà người học Phật chúng ta chẳng thể không biết.

Phán giáo, giáo là dạy học, dùng ngôn ngữ ngày nay mà nói, là chế độ dạy học, người xưa nói là nghi thức dạy học, cho nên có giáo nghĩa, có giáo pháp, pháp là phương pháp, nghi là nghi thức, ngày nay chúng ta nói là chế độ. Ví dụ như lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, thạc sĩ, đều thuộc về chế độ, ngày xưa gọi những cái đó là giáo nghĩa. Phương pháp là phương pháp dạy học, đối với hàng lợi căn dùng phương pháp nào? Hàng độn căn dùng phương pháp nào? Phương pháp nhân người mà khác. Nghi thức là y theo tiến độ không tương đồng mà có sự sai biệt. Bắt đầu học tập, là sơ nhập môn, gọi là tiểu học, sau đó từ từ hướng thượng nâng cao lên, nâng lên đến trung học, nâng lên đến đại học, nâng lên đến nghiên cứu sở. Phương pháp như vậy gọi là tiệm giáo, từ từ hướng thượng nâng lên. Còn một loại nữa là đốn giáo, cái gọi là thiên tài nhi đồng, họ không cần phải trải qua nhiều tầng lớp như vậy, vừa nhập môn là họ có thể vào lớp thạc sĩ, tiểu học, trung học, đại học, họ không cần phải học, đó là trường hợp đặc biệt, có người như vậy không? Có, nhưng không nhiều, rất ít.

Từ đó cho thấy, cách nói pháp này, vì người mà bất đồng, vì thời mà bất đồng, vì việc mà bất đồng, vì nơi chốn mà bất đồng, nếu bạn hiểu được hết, thì gọi là khế cơ.

“Cổ kim chư sư”, đó là thời xa xưa, chứ không phải ngày nay, đại khái phân khoa phán giáo là vào thời Tùy Đường. Nói “cổ” là trước đời Tùy Đường, cổ nhân, nói “kim” đại khái vào thời Tùy Đường, các vị tổ sư nói phân khoa phán giáo có 12 học phái. Trong 12 học phái này, nổi tiếng nhất là Thiên Thai và Hiền Thủ, cho nên người học giáo sau này, không nương vào Thiên Thai thì nương vào Hiền Thủ, cho đến năm Dân Quốc đầu tiên cũng còn như vậy. Ngày nay chúng ta còn học những thứ này nữa hay không? Ngày nay không học nữa, đến thời của chúng tôi là đã không học rồi. Không học thì làm sao đây? Thầy Lý đã đơn giản hóa những thứ này, viết thành một cuốn sách mang tên, Nội Điển Giảng Tọa Chi Nghiên Cứu, chúng ta nương vào cuốn sách này. Cuốn sách này nghĩa là gì? Nghĩa là đơn giản hóa tứ giáo và ngũ giáo, đây là thích hợp với người thời nay, không nói kỹ như bậc cổ nhân, nhưng mà thích hợp với khẩu vị của người thời nay.

“Thiên Thai tứ giáo viết tạng thông biệt viên”. Dưới đây giải thích sơ lược: “Tạng giáo” chính là Tiểu thừa, tạng ở đây là tam tạng, nghĩa là tam tạng kinh luật luận, mở ra ba khoa mục này. Kinh tạng, nói về định học, Luật tạng nói về giới học, nói về quy củ, Luận tạng là nghiên cứu thảo luận, khai mở trí huệ. Ở trong đó có rất nhiều điều hỏi đáp. Mới vào cửa Phật cần nên học những điều này, học giới tu định khai trí huệ.

Thứ hai là Thông Giáo, vị Đại thừa trung thông thuyết tam thừa, thông bỉ tam căn. Thông giáo ở đây nghĩa là, trước thông với Tiểu thừa, sau thông với Đại thừa. Ở trong đó nói có Thanh Văn thừa, có Duyên Giác thừa, có Bồ tát thừa. Thanh Văn là Tiểu thừa, Duyên Giác là trung thừa. Nếu như nói nhị thừa, là Duyên Giác và Thanh Văn hợp lại, gọi là Tiểu thừa giáo, Bồ tát là Đại thừa. Nói tam thừa là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát. “Thông bỉ tam căn”, tam căn thượng trung hạ đều giảng đến, ở đây giống như bậc trung học của Phật giáo vậy.

Biệt Giáo, vị Đại thừa kinh trung sở thuyết giáo pháp, bất thông Tiểu thừa đẳng giả thị dã. Ở trong đây không có giáo nghĩa Tiểu thừa, thật sự nâng cao rồi, nhưng mà nó vẫn còn có thể hướng thượng nâng cao lên nữa, hướng thượng nâng cao lên đến viên giáo, ở đây ví cho đại học, viên giáo ví cho thạc sĩ.

Tứ giả Viên Giáo, vị pháp giới tự tại, cụ túc viên mãn, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, vô ngại pháp môn đẳng thị dã. Đây mới là viên mãn đại thừa, ở trong đó nói đa phần là pháp thân Bồ tát, đến Phật quả cứu cánh.

Đây là giáo tướng của Thiên Thai, nghĩa là nghi thức dạy học, cách dạy học, người thời này nói là chế độ dạy học, như vậy mọi người dễ hiểu.

“Hiền Thủ tông phân giáo”, Hiền Thủ là tông Hoa Nghiêm. Hiền Thủ đại sư, là tổ đời thứ ba của tông Hoa Nghiêm. Thứ nhất, sơ tổ của tông Hoa Nghiêm là hòa thượng Đỗ Thuận, nhị tổ là Vân Hoa, tam tổ là Hiền Thủ. Sự kiến lập phân giáo này, đã hoàn thành vào đời Hiền Thủ đại sư, thành lập nên một thế hệ rất tốt. Cho nên tông Hoa Nghiêm không gọi là tông Đỗ Thuận mà gọi là tông Hiền Thủ, Ngài là một nhân vật rất quan trọng trong 5 vị tổ đầu tiên của tông Hoa Nghiêm, cũng có nghĩa là sự kiến lập nên tông Hoa Nghiêm đến tay Ngài mới được coi là viên mãn, giống như làm nhà vậy, đến đời Ngài mới làm xong, bắt đầu làm là hai vị tổ trước.

Phán giáo Ngài nói: “Thánh giáo vạn sai, yếu duy hữu ngũ”, thánh giáo, thánh chỉ cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc đại thánh. Một đời Ngài giáo hóa khác nhau rất nhiều, tất cả pháp Ngài nói trong suốt 49 năm, yếu là đem quy nạp lại tinh giản có 5 loại: Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đốn giáo, Viên giáo. Thiên Thai lấy đốn và viên hợp lại là một gọi là Viên Giáo. Ngài Hiền Thủ từ trong viên giáo lại mở ra đốn giáo, tiểu giáo là tiểu học, thỉ giáo là trung học, chung giáo là đại học, đốn viên là nghiên cứu sở, giảng kỹ hơn tông Thiên Thai một chút.

Dưới đây giới thiệu, thứ nhất tiểu thừa giáo: “Sở thuyết duy thị nhân không, túng thiểu thuyết pháp không, diệc bất minh hiển, vị tận pháp nguyên cố”. Cho nên trong Tiểu thừa giáo giảng nhiều nhất là về nhân ngã không, pháp không có nói, nhưng nói không nhiều, nói không được rốt ráo, chỉ nhắc qua thôi. Cho nên hàng Tiểu thừa, đối với duyên khởi của vạn pháp họ không hiểu rõ, duyên khởi về lục đạo thì nói rất nhiều, không nói đến duyên khởi của các pháp, chỉ nói duyên khởi của lục đạo, cho nên sự tu tập của hàng Tiểu thừa, quả vị cao nhất là siêu việt lục đạo. Lục đạo từ đâu mà có? Lục đạo là kiến tư hoặc phiền não biến ra, đoạn hết kiến tư phiền não, thì lục đạo không còn nữa. Lục đạo không còn nữa, cảnh giới xuất hiện ra là Tứ thánh pháp giới: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, sau đó nói về thập pháp giới, thêm vào tứ pháp giới, thập pháp giới. Trong thập pháp giới, tứ pháp giới này gọi là Tịnh độ, lục đạo phàm phu trước, sáu pháp giới này là uế độ, là nhiễm ô, tứ thánh pháp giới thanh tịnh không nhiễm ô. Trong nhiễm ô nói đến thiện ác, bạn tu thiện thì ở ba đường lành, bạn làm ác thì vào 3 đường dữ, cảnh giới này từ trong tâm niệm biến hiện mà có. Đạo lý này trong Đại thừa giáo nói rất rõ ràng minh bạch: “Tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”.

Thông thường người ta không hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng sự thật là gì? Tất cả chúng sanh có tâm vô tâm khởi một niệm lên, mà không biết một niệm này ảnh hưởng đến mức nào, không biết tâm niệm này sẽ tạo nên kết quả như thế nào, họ hoàn toàn không biết, Bồ tát Đại thừa thì biết được. Ở trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, thấy được ba loại châu biến này, thì không thể lường được! Một tâm niệm cực kỳ vi tế, thậm chí tâm niệm đó chính bản thân chúng ta còn không biết được. Vì sao vậy? Tập khí mà, tập khí nhỏ nhoi, khởi lên một niệm, tâm niệm khởi lên là châu biến pháp giới, bạn xem mức ảnh hưởng có lớn không? Tin tức châu biến pháp giới này, ngày nay các nhà khoa học gọi là tin tức, trong Đại thừa giáo gọi là chuyển tướng, nó là năng biến, cảnh giới tướng là sở biến, tùy theo tâm niệm này mà biến. Niệm thiện thì biến thành cảnh giới thiện, niệm ác thì biến thành cảnh giới ác, ác niệm biến thành ngũ trược ác thế, niệm thiện biến thành thế giới Cực lạc, tâm niệm biến hiện, tâm niệm thiện ác đều không có, mới gọi là tịnh niệm. Chỉ cần có những tâm niệm này, thì đều là nhiễm ô, đều là không thanh tịnh. Đến Tứ thánh pháp giới, đoạn hết kiến tư phiền não, cũng có nghĩa là hai bên thiện ác đều không có, nó không tồn tại nữa, cho nên mới gọi Tứ thánh pháp giới là tịnh niệm, nơi mà những người này sống gọi là Tịnh độ, cái lý là ở chỗ này. Vẫn còn nhiễm tịnh thì đó không phải thật sự thanh tịnh, thật sự thanh tịnh là gì? Là ngay cả nhiễm tịnh cũng không còn. Bạn xem nhiễm tịnh vẫn là đối lập, vẫn là nhị pháp không phải là nhất pháp, trong nhất pháp, trong nhất pháp không có nhiễm tịnh. Nói cách khác, tất cả những thứ đối lập đều không tồn tại, đó gọi là nhất chân pháp giới, đó là thật báo trang nghiêm độ, đó là Viên giáo, đến Thật báo trang nghiêm độ là Viên giáo.

Đại thừa chung giáo, chung giáo là Đại thừa, Đại thừa là viên mãn, Đại thừa viên mãn hướng thượng nâng cao gọi là nhất thừa. Trong kinh Pháp Hoa nói: Duy có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba. Hai là Đại thừa tiểu thừa, ba là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát, không có! Đó là giả thiết. Chỉ có pháp nhất thừa, không hai cũng không ba. Nhất thừa chính là Phật thừa, bạn vốn là Phật, bây giờ bạn quay về tự tánh, là bạn thành Phật, cho nên đây là điểm cuối cùng của Đại thừa. Điểm cuối cùng của Đại thừa ở đâu? Là Phật pháp giới trong Thập pháp giới. Họ chưa kiến tánh, vẫn như xưa dùng A Lại Da, nhưng mà họ dùng A Lại Da một cách viên mãn. Vì sao vậy? Vì họ tiếp thu sự chỉ dạy của Phật Bồ tát, họ y giáo tu hành. Cho nên về mặt hình tướng, thấy họ và Phật không khác. Vì vậy Trí Giả đại sư nói về “Lục Tức Phật”, gọi những người này là Tương Tư Tức Phật, rất giống, rất giống Phật, nhưng chưa thể gọi là chân Phật. Vì sao vậy? Vì họ chưa thể chuyển thức thành trí, tâm mà họ dùng vẫn là A Lại Da, thật sự thành Phật, thì A Lại Da chuyển biến thành Tứ trí bồ đề, đó là chân tâm, họ vẫn còn dùng A Lại Da, nếu như chuyển bát thức thành tứ trí, thì đó là chân Phật, nhất chân pháp giới, gọi đó là minh tâm kiến tánh, Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh, trong Pháp tướng tông thì gọi là chuyển thức thành trí. Chuyển thức thứ sáu thành Diệu quan sát trí, chuyển thức thứ 7 thành Bình đẳng tánh trí, chuyển A Lại Da thành Đại viên cảnh trí, chuyển Tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí, chuyển biến như thế thì vị này chính là chân Phật. Chân Phật vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, cho nên Thiên Thai đại sư gọi đó là Phần Chứng Tức Phật. Từ sơ trụ của Viên Giáo đến đẳng giác đều gọi là Phần Chứng Tức Phật, đẳng giác trở lên là viên mãn, gọi là cứu cánh viên mãn.

Điều này trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta học được rất nhiều, 41 tầng lớp ở đây đều là minh tâm kiến tánh, đều là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, cho nên là chân bình đẳng. Trong chân bình đẳng vì sao vẫn còn có 41 cấp bậc vậy? Tập khí vô thỉ vô minh, mang theo nhiều ít không đồng nhau. Vừa mới chứng được Sơ trụ của Viên Giáo, không khởi tâm, không động niệm, nhưng mà tập khí không khởi tâm, không động niệm vẫn còn. Tập khí đó không sao cả, không giống như phân biệt chấp trước, tập khí phân biệt chấp trước vẫn còn tạo nghiệp, tập khí không khởi tâm không động niệm nó không tạo nghiệp, cho nên nó không chướng ngại, đoạn tận, đoạn sạch những tập khí này, thì đó chính là cứu cánh viên mãn Phật. Cho nên chỉ cần buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hoặc giả chúng ta nói buông bỏ khởi tâm động niệm, đây chính là Viên giáo. Viên giáo không khởi tâm, không động niệm, đốn giáo cũng không khởi tâm, không động niệm. Đốn giáo là lập tức buông bỏ, hạng người này rất khó tìm, viên giáo, buông bỏ khởi tâm động niệm mới là Viên giáo. Nhưng mà viên giáo từ từ từng bước từng bước hướng thượng nâng cao, đó là Viên giáo. Đốn giáo, đốn giáo không đi qua tiểu, thỉ, chung, không đi qua, thật sự gọi là một bước lên trời.

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế, Ngài tham học 12 năm, biết rằng không viên mãn, nên buông bỏ những thứ học được trong 12 năm này, nhập định dưới cội cây bồ đề, hốt nhiên đại ngộ, đó là đốn. Lập tức buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, không có thứ lớp, buông bỏ hết, nên đã thành Phật.

Vào đời Đường ở Trung Quốc, Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông thị hiện là đốn giáo, Ngài không phải là viên giáo. Ngài không đi qua tiểu, thỉ, chung, ngài không đi qua, chỉ ở trong phương trượng của ngũ tổ Hoằng Nhẫn, canh ba nửa đêm vào đó thân cận với ngũ Tổ, tổ sư giảng đại ý kinh Kim Cang cho Ngài, giảng đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, thì Ngài hốt nhiên đại ngộ. Đó là nguyên nhân gì vậy? Ngũ tổ giảng đến chỗ này, thì Ngài buông bỏ khởi tâm động niệm. Đây là đốn xả, xả là buông bỏ, đốn xả, không phải Ngài bỏ từ từ. Căn tánh của chúng ta ngày nay không giống như Ngài, chúng ta không phải là đốn căn, chúng ta là tiệm căn. Chúng ta học tập trong kinh giáo, công phu thật sự là gì? Công phu thật sự chính là buông bỏ, mỗi năm buông bỏ một chút, mỗi năm buông bỏ một chút, mấy mươi năm từ từ buông bỏ, có được kết quả, đó gọi là tiệm tu. Chúng ta học tiểu giáo, buông bỏ tiểu giáo, học thỉ giáo lại buông bỏ thỉ giáo, học chung giáo lại buông bỏ chung giáo, như thế từ từ đi đến viên giáo. Đâu là viên giáo? Hoa Nghiêm là viên giáo, Pháp Hoa là viên giáo, kinh Vô Lượng Thọ là viên giáo, từ từ chúng ta học thành.

“Đại thừa thỉ giáo, vị thị nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh chi nghĩa”. Vẫn chưa nói đến điều này, Đại thừa mới bắt đầu chưa nói đến điều này. “Bất hứa định tánh xiển đề thành Phật”, cho nên nói Nhất Xiển Đề không thể thành Phật. Xiển Đề là tiếng Ấn độ, có nghĩa là gì? Là không có thiện căn. Người không có thiện căn thì làm sao có thể thành Phật được. Nhưng Viên giáo thì không nghĩ như vậy, Viên giáo cho rằng, tất cả chúng sanh vốn là Phật. Câu này không thể nói ở chỗ đó, nói thì họ hoài nghi, họ không tin, cho nên chỉ nói rằng người không có thiện căn thì không thể thành Phật. “Vị tận đại thừa cực tắc chi đàm, cố danh vi thỉ” đây là Đại thừa thỉ giáo.

Chung giáo, chung giáo là nói về trung đạo, giảng về diệu hữu, giảng về định tánh, định tánh là A La hán, Xiển Đề là chúng sanh không có thiện căn, tất cả đều có thể thành Phật. “Phương tận đại thừa chí cực chi thuyết, cố danh viết chung”. Những gì chúng ta học ngày nay, chúng ta học đến chỗ nào đây? Chúng ta học đến đại thừa chung giáo, đốn và viên chúng ta chưa có phần.

Đốn giáo, duy thuyết chân tánh, nhất niệm bất sanh, tức danh vi Phật, bất y địa vị tiệm thứ nhi thuyết, cố danh vi đốn. Giống như những điều Huệ Năng đại sư gặt hái được, Ngài là đốn giáo, đốn xả, đốn ngộ, đốn chứng, đốn thành. Cho nên y vào lý mà nói, phàm phu thành Phật phải cần bao nhiêu thời gian? Một niệm. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau giác là thành Phật, giác ngộ đó là giác ngộ gì? Là buông bỏ khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, là chân giác ngộ. Ngày nay chúng ta không giác ngộ được là vì sao? Là vì không buông bỏ được khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước. Chúng ta cũng có thể ngộ, nhưng không phải là đốn ngộ, là sự tích lũy việc tu học trong mấy chục năm, nghĩa là trong kinh điển nói cho chúng ta biết, “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”. Hàng ngày không rời kinh điển Đại thừa, ngày ngày đọc tụng, học tập, chúng ta biết, sự ngộ của chúng ta gọi là giải ngộ. Chư vị tổ sư, như Đức Thích Ca, ngài Lục Tổ, các Ngài chứng ngộ, hiệu nghiệm của chứng ngộ, các Ngài thật sự hưởng được. Chúng ta giải ngộ là hiểu được, nhưng trên thực tế thì chưa làm được, không làm được thì sao đây? Chưa làm được thì vẫn còn chịu sự thống khổ của sanh tử luân hồi, may mà gặp được pháp môn đới nghiệp vãng sanh này. Nếu như chúng ta thật sự giác ngộ, bản thân chúng ta nên suy xét chính mình, chúng ta không thể đốn xả khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước, suy nghĩ thử xem e rằng đời này không thể đoạn sạch, chẳng những không đoạn được khởi tâm động niệm, mà phân biệt chấp trước cũng không đoạn sạch, nếu không đoạn sạch thì không ra khỏi lục đạo. Một đời chúng ta tu tập, quả báo ở đâu? Quả báo ở cõi nhân thiên, có thể nói kiếp sau chắc chắn không đọa vào ba đường ác, có thể được thân người. Tu hay hơn một chút, chưa đoạn hết dục, sanh về trời dục giới, nếu như dục thật mỏng thật mỏng, bạn về cõi trời sắc giới, bạn sanh về cõi trời. Nếu hoàn toàn khống chế được dục vọng, thực tế là gốc chưa đoạn, hoàn toàn có thể khống chế, thật sự không khởi tác dụng, sanh về cõi trời vô sắc giới, vẫn chưa ra khỏi lục đạo luân hồi. Như thế nên biết rằng siêu việt lục đạo luân hồi là việc làm vô cùng khó khăn, gặp được pháp môn Tịnh độ, đối với chúng ta mà nói đây và chuyện vui lớn, pháp môn này không cần đoạn hoặc, chỉ cần hàng phục được nó là đủ rồi. Bạn có năng lực hàng phục được kiến tư phiền não, nghĩa là hàng phục được chấp trước; Tôi không chấp trước tất cả pháp, tôi thật sự có thể hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, thì chắc chắn bạn có thể sanh về Phàm thánh đồng cư độ ở  tây phương Tịnh độ, chắc chắn bạn được vãng sanh. Công phu của bạn tiến lên một bước, bạn lại có năng lực hàng phục được trần sa phiền não, nghĩa là bạn có năng lực không phân biệt, khống chế được phân biệt, bạn sanh về phương tiện hữu dư độ ở thế giới tây phương Cực lạc. Nếu công phu của bạn cao lên một tầng nữa, bạn khống chế được khởi tâm động niệm, ở trong tất cả pháp của thế và xuất thế gian, thật sự không khởi tâm không động niệm, thì bạn sanh về Thật báo trang nghiêm độ ở thế giới tây phương Cực lạc. Cho nên Ngẫu Ích đại sư nói rất hay: Được vãng sanh hay không là ở chỗ có tín nguyện hay không, chân tín thiết nguyện thì được vãng sanh, vãng sanh về nơi Tứ độ tam bối cửu phẩm, đó là ở chỗ công phu niệm Phật cao thấp của bạn. Ở thế giới Cực lạc không cần phải lo, không cần phải suy nghĩ đến những thứ này. Thế giới Cực lạc là gì? Là bình đẳng, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất. Mặc dù sanh về Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng bình đẳng với Thật báo độ, điều này không thể nghĩ bàn. Như vậy nghĩa là sao? Ngày nay chúng ta ở phàm Thánh đồng cư độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, địa cầu này là Phàm thánh đồng cư độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tứ thánh pháp giới của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta không thấy. Thật báo trang nghiêm độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta không thấy, đó là vì sao? Vì không giống nhau, ở trong đây như người thời nay nói rằng, không gian duy thứ bất đồng. Các Ngài có thể thấy chúng ta, chúng ta không thấy được các Ngài, nhưng mà ở thế giới tây phương Cực lạc thì không như vậy, tuy chúng ta là Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, không đoạn một phẩm nào của kiến tư phiền não, đạt đến thế giới tây phương Cực lạc, là được bổn nguyện oai thần của đức Phật A Di Đà gia trì, trí huệ thần thông đạo lực của chúng ta, tương đồng với Bồ tát  A Duy Việt Trí. A Duy Việt Trí là gì? Sơ trụ của viên giáo trở lên, là Thật báo độ. Nói một cách khác, Bồ tát ở Thật báo độ nơi thế giới tây phương Cực lạc, Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, đều ở bên đó, ngày nào cũng có thể gặp được, họ là học trò của đức Phật, quan hệ của chúng ta là bạn học, họ là đàn anh của chúng ta. Chúng ta học tập có bất cứ khó khăn nào, họ đều giúp đỡ chúng ta, cho nên bạn sanh về thế giới Cực lạc, chắc chắn bạn không bị thoái chuyển. Nguyên nhân gì vậy? Rất nhiều người lo cho bạn, bạn muốn thoái chuyển cũng không được, đây là chỗ thù thắng không gì sánh bằng của thế giới Cực lạc, chúng ta chẳng thể không biết.

Ở đoạn đốn giáo này phía sau vẫn còn, như “Tư Ích kinh vân: Đắc chư pháp chánh tánh giả, bất tùng nhất địa chí ư nhất địa”. Đắc chư pháp chánh tánh, vì sao vậy? Tất cả được lưu xuất từ tự tánh. Hơn nữa sau khi bạn có thể nghe được, là bạn có thể minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, giống như ngài Huệ Năng vậy.

“Lăng Già kinh vân: Sơ địa tức Bát địa, nãi chí vô sở hữu hà thứ đẳng”. Ở trong đây không có thứ đệ, thật là nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, Sơ địa tức Bát địa đó là ví dụ. Sơ trụ, trong kinh Hoa Nghiêm Sơ trụ tức Sơ địa, Bát trụ tức Bát địa, nó không có giai cấp, không có thứ đệ, đây gọi là đốn giáo.

Sau đây là viên giáo, “thống cai tiền tứ, viên mãn cụ túc: Viên là gì? Trước đây nói về tiểu, thỉ, chung, đốn, đều bao hàm hết, viên mãn cụ túc. “Sở thuyết duy thị vô tận pháp giới, tánh hải viên dung, duyên khởi vô ngại, tương tức tương nhập, đế võng trùng trùng, chủ bạn giao tham vô tận, vô tận nhất vị tức nhất thiết vị, nhất thiết vị tức nhất vị. Thị cố thập tín mãn tâm, tức nhiếp nhất thiết vị, viên thành chánh giác”, đó là viên giáo. Trong kinh điển đại thừa, Hoa Nghiêm là viên giáo, Pháp Hoa là viên giáo, bộ kinh này cũng là viên giáo. Chưa sanh về thế giới tây phương Cực lạc thì không viên, vừa vãng sanh là viên rồi, đến thế giới Cực lạc, thật sự là nhất tức nhất thiết, nhất vị tức nhất thiết vị, nếu như chúng ta sanh về bên đó, địa vị khi chúng ta đi, là Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, là vị thứ như vậy. Nhưng mà đến thế giới Cực lạc, cái vị này lập tức biến thành nhất thiết vị, nếu chúng ta qua lại với Quan Âm và Thế Chí, qua lại thì chắc chắn là địa vị bằng nhau. Nếu địa vị không bằng nhau thì không thể qua lại được, như thế thì bạn biến thành đẳng giác rồi. Đây gọi là pháp khó tin, thật sự không thể nghĩ bàn! Phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm, mà có thể qua lại với Bồ tát thượng thượng phẩm ở Thật báo trang nghiêm độ. Bậc cổ đức cho chúng ta biết, tất cả kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, Ngài không nói điều này, chỉ nói qua ở trong pháp môn Tịnh độ, tuyệt đối không phải do bản thân mình tu thành, là bổn nguyện oai thần gia trì của đức Phật A Di Đà. Cho nên tôi thường nói đến thế giới tây phương Cực lạc bạn đón nhận sự tiếp đãi, ngày nay người ta nói là cấp biệt, bạn đến địa vị nào? Địa vị Bồ tát A Duy Việt Trí, hưởng quyền lợi của Bồ tát A Duy Việt Trí, quyền lợi của Bồ tát địa, Sơ địa tức là Bát địa. Chúng ta hiểu rõ lý này, biết được chân tướng sự thật rồi, mà bạn còn chấp nhận đi đường vòng nữa hay sao? Tôi tin rằng những người thật sự hiểu được rõ ràng, họ sẽ buông bỏ vạn duyên, buông bỏ tất cả pháp của thế và xuất thế gian, như đại sư Liên Trì vậy. Đại sư Liên Trì thị hiện cho chúng ta thấy, đối với pháp môn này Ngài không hiểu rõ ràng minh bạch, Ngài cũng muốn thông tông thông giáo, quảng học đa văn. Sau khi hiểu rõ ràng rồi, Ngài bèn nói rằng: “Tam tạng thập nhị bộ nhường cho người khác ngộ”, quí vị ai muốn học thì đi mà học, “tám vạn bốn ngàn hạnh để cho người khác hành”, quí vị thích cái nào thì cứ đi mà học. Bản thân Ngài chỉ một bộ kinh Di Đà, một câu niệm Phật, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, không có tâm niệm thứ hai, làm cho chúng ta thấy. Không hiểu rõ ràng minh bạch, và sau khi hiểu rõ ràng minh bạch, là hai người, chứ không phải là một người. Pháp môn này thành tựu rồi, chúng ta coi Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, coi những chuyện vãng sanh trong đại tạng kinh, là những người xưa, quan sát kỹ những người niệm Phật xung quanh chúng ta, đại đa số đều là 3 năm. Người ta ba năm là có thể thành công, vì sao chúng ta ba năm mà không thành công được? Người ngoại quốc nói tai nạn, chẳng phải là 2012 sao? Chúng ta còn cách 2012 còn đúng 3 năm, người giác ngộ nên làm thế nào đây? Nên khắc kỳ thủ chứng, tôi có được thế giới tây phương Cực lạc rồi, tai nạn đến cũng được, không đến cũng được, chẳng liên quan gì đến tôi. Nó đến thì mình về thế giới Cực lạc, nó không đến mình ở đây thêm vài năm nữa cũng được, ở mấy năm nữa để làm gì? Ở lại để độ chúng sanh. Vì sao vậy? Vì bản thân mình đã được độ rồi, mình được độ rồi, thì mới có thể độ người, bạn mới thật sự là vô ngại. Bản thân mình còn chưa được độ, mà muốn độ người, trong kinh nói rất hay, “vô hữu thị xứ”, nghĩa là không có cái lý này. Muốn độ người trước phải độ mình. Ngày này chúng ta biết được, độ mình không gì khác ngoài việc buông bỏ, buông bỏ thì được độ. Buông bỏ kiến tư phiền não, thì bạn chứng được quả A La Hán, buông bỏ trần sa phiền não, bạn sẽ thành Bồ tát, buông bỏ vô minh phiền não, bạn sẽ thành Phật, tất cả đều ở trong một niệm. Học Phật là học điều gì? Học buông bỏ, không được học phân biệt chấp trước, học phân biệt chấp trước thì bạn sẽ bị thiệt thòi lớn. Vì sao vậy? Trong tự tánh thanh tịnh không có gì hết, nó chỉ có trí huệ, đức năng, tướng hảo, trong tự tánh vốn sẵn có, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong tự tánh vốn không có. Bạn vốn là Phật, nhưng bị những thứ này che lấp, khiến cho Phật tánh của bạn không thể hiện tiền, khiến cho trí huệ của bạn không thể hiện tiền, đức năng không thể hiện tiền, tướng hảo không thể hiện tiền. Trong tất cả kinh điển đức Phật đã nói cho chúng ta biết rõ, ngày nay chúng ta cũng học được, cũng hiểu rõ, điểm khiếm khuyết hiện nay chính là buông bỏ, xem bạn buông bỏ được bao nhiêu, nhưng đừng lo, chân thật niệm Phật cầu sanh Tịnh độ là được rồi. Bạn có thể buông bỏ được bao nhiêu, sau khi về đến thế giới Cực lạc, địa vị Tứ độ tam bối cửu phẩm không tương đồng. Chỉ cần phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, sanh về tây phương Tịnh độ, vãng sanh về thế giới tây phương Cực lạc chắc chắn tương đồng. Sanh về nơi đó phẩm vị không giống nhau, điều này liên quan đến việc bạn buông bỏ được bao nhiêu. Cho nên điều này không phải là cạnh tranh với người khác, mà là cạnh tranh với chính mình. Tôi muốn phẩm vị cao, thì tôi phải buông bỏ nhiều một chút, tôi cũng không muốn cao như vậy, thì chỉ cần niệm Phật qua loa là được rồi, thâm tín thiết nguyện thì chắc chắn bạn được vãng sanh.

Đoạn thứ hai dưới đây nói về nhị giáo. Nhị giáo, phán giáo trên đây tuy có bất đồng, nhưng nhị giáo đốn và tiệm thì các học thuyết khác đồng nhiếp.

Trước đây có giảng qua, đời Tùy Đường phân giáo có 12 học thuyết, 12 học thuyết này trong cuốn Hoa Nghiêm Sớ Sao đều có đề cập đến. Quan trọng nhất ngoài Thiên Thai và Hiền Thủ ra, còn có một nhị giáo cộng đồng, mỗi vị Tổ sư phán giáo đều khẳng định đốn tiệm nhị giáo. Phật giáo Trung Quốc tự xưng là tôn giáo, các vị nên biết rằng, Phật giáo không phải là tôn giáo, nhưng bản thân Phật giáo xưng là tôn giáo, khác với ý nghĩa của tôn giáo ngày nay, Trung Quốc xưng tôn giáo chính là đốn tiệm nhị giáo, Thiền tông thuộc về đốn giáo, ngoài  ra đều thuộc về tiệm giáo. Thiền tông nói đốn ngộ, không có giai cấp, ngoài Thiền tông ra, bao gồm 9 tôn phái của tiểu thừa, đều thuộc về tiệm giáo, cũng có nghĩa là từng bước từng bước hướng thượng nâng lên, chỉ có Thiền tông không có giai cấp, họ khai ngộ là thành Phật. Thành Phật là giai cấp nào? Ít nhất là Sơ trụ của Viên Giáo, họ thật sự siêu việt lục đạo, siêu việt Thập pháp giới, điều này không phải người thường mà có thể làm được.

Chúng ta thấy được hai điển hình, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đốn giáo, đốn xả, lập tức buông bỏ, một lần là buông bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước. Người thứ hai biểu diễn cho chúng ta thấy, là Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông, Ngài cũng là đốn xả, đốn ngộ, đốn chứng. Ngày xưa năm đức Phật 30 tuổi, Huệ Năng đại sư 24 tuổi. Vấn đề ở chỗ có chịu buông bỏ hay không, vấn đề này không ở người khác, mà hoàn toàn ở mình, hơn nữa người người bình đẳng.

Đốn, tôi thấy có viên đốn, và không viên đốn. Thế nào gọi là không viên đốn? Nếu bạn đem kiến tư, ý tôi muốn nói là chấp trước trong kinh Hoa Nghiêm, buông bỏ chấp trước, bạn chứng được A La hán, đó cũng là đốn, đốn chứng A La Hán, nhưng mà không viên mãn, chứng Phật mới là viên mãn. Nếu bạn buông bỏ được phân biệt, thì bạn chứng được quả vị Bồ tát, Bồ tát ở đây là Phật Bồ tát trong thập pháp giới, nghĩa là hai tầng bên trên của Tứ thánh pháp giới, Phật, Bồ tát, bên dưới là Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn, Duyên Giác là buông bỏ kiến tư phiền não, Phật Bồ tát là buông bỏ trần sa phiền não, nghĩa là không còn phân biệt, không phân biệt, vẫn còn khởi tâm động niệm, sau khi buông bỏ khởi tâm động niệm, đó là viên đốn, là đốn ngộ viên mãn. Thập pháp giới không có, người này siêu việt thập pháp giới, người này sanh về Thật báo trang nghiêm độ của chư Phật Như Lai, sanh về nơi đó, đây mới gọi là viên đốn, không phải là chuyện dễ dàng đâu. Chúng ta ngày nay không có năng lực này, kêu chúng ta lập tức buông bỏ kiến tư phiền não thì ta buông không được, chúng ta làm từ từ, buông từng chút từng chút, xả từng chút từng chút. Cho nên đứng về mặt căn tánh mà nói, so với người xưa chúng ta còn cách quá xa, nhưng cũng còn may, cũng còn buông bỏ được một chút, mỗi năm buông một chút, năm nào cũng buông, tích lũy lại 3,50 năm, thì cảnh giới cũng khá đấy. Nếu như chỉ học mà không chịu buông bỏ, nói cho quí vị biết, như thế là biến thành Phật học rồi. Tri thức của bạn rất phong phú, cảnh giới của bạn không thể nâng cao, nói về cảnh giới thì bạn vẫn dậm chân tại chỗ. Bạn có thể nói thiện đạo, bạn giảng kinh điển giống như người xưa hình dung là ba hoa chích chòe, sanh tử vẫn là sanh tử, bạn không ra khỏi lục đạo luân hồi, ở trong lục đạo tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển. Ở đây có nghĩa là nói được không làm được, không có trí huệ chân thật. Do đó, sau khi hiểu rõ, tu tập là điều quan trọng hơn tất cả, tu tập chính là buông bỏ. Không chịu buông bỏ, thì không ra khỏi được luân hồi lục đạo, chân tướng sự thật này chẳng thể không biết.

Chúng ta đọc đoạn văn này: Nhị giáo, phán giáo trên đây tuy có bất đồng, nhưng đốn tiệm nhị giáo các học thuyết đồng nhiếp. Hai tông Thiên Thai và Hiền Thủ, cũng lấy đốn tiệm mà phân làm tứ giáo ngũ giáo. Ngũ Giáo Chương vân: “Hoặc phân vị nhị, sở vị tiệm đốn, dĩ thỉ chung nhị giáo, sở hữu giải hạnh, binh tại ngôn thuyết, giai vị thứ đệ, nhân quả tương thừa, tùng vi chí trước, thông danh vi tiệm”

Trong tông Thiên Thai, tạng, thông, biệt, đều thuộc về tiệm giáo. Ở trong ngũ giáo, của tông Hiền Thủ, tiểu, thỉ, chung, có thể nói đều thuộc về tiệm giáo.

“Ngôn thuyết đốn tuyệt”, tuyệt ở đây là đoạn hết. “Lý tánh đốn hiển, giải hạnh đốn thành, nhất niệm bất sanh tức thị Phật đẳng”, bình đẳng với Phật, đây gọi là đốn. Đốn là một lần, một thời là buông bỏ hết, không phải làm từ từ từng tí từng tí một đâu, một lần là xả bỏ hết.

Đời nhà Tùy ở Trung Quốc, ngài Huệ Viễn đại sư, phân bổn kinh dạy rằng, ở đây đưa Huệ Viễn đại sư làm ví dụ, cuốn chú giải của Huệ Viễn đại sư rất lưu hành ở Trung Quốc. Ngày xưa tôi học kinh Hoa Nghiêm ở Đài Trung, là học cuốn chú giải của Ngài. Ngài Huệ Viễn đây không phải ngài Huệ Viễn đời Tấn, tên gọi hoàn toàn giống nhau, ở trong Phật giáo sử, gọi là Tiểu Huệ Viễn, ngài là người đời nhà Tùy. Các vị sau này thấy ở trong cuốn chú sớ của người xưa, thấy Tiểu Huệ Viễn là chỉ cho Ngài. Ngài có chú giải kinh Vô Lượng Thọ, chú giải rất hay, ngài đã dùng cuốn sách của Khang Tăng Khải, dịch vào đời Ngụy, là cuốn lưu thông rộng rãi nhất trong năm loại nguyên dịch, ngài phán bộ kinh này chính là Tịnh Ảnh Sớ. Tịnh Ảnh Sớ là bộ sớ do ngài Huệ Viễn đại sư viết vào đời Tùy.

“Kim thử kinh giả, nhị tạng chi trung, Bồ tát tạng thu”, ở đây chỉ cho kinh Vô Lượng Thọ, trong nhị tạng nói thuộc về Bồ tát tạng. “Vị căn thục nhân đốn giáo pháp môn”, ngài phán Kinh Vô Lượng Thọ này thành đốn giáo, “vân hà tri đốn”, làm thế nào để biết được nó là đốn giáo? “Thử kinh chánh vi phàm phu trung nhân, yếm úy sanh tử, cầu chánh định giả, giáo lệnh phát tâm, sanh ư Tịnh độ, bất tùng tiểu đại, cố tri thị đốn”. Chúng ta suy nghĩ thử xem nó có thuộc về đốn giáo hay không? Thật sự phát tâm cầu sanh Tịnh độ, thì phải xả bỏ cái thế gian này, nếu bạn không buông bỏ thì không đi được đâu, bạn không thể mang theo thế giới Ta bà này. Cho nên hòa thượng trong niệm Phật đường là Đường Chủ, dắt dẫn người niệm Phật, thường xuyên nhắc nhở mọi người, thân tâm thế giới tất cả buông bỏ hết, nhất tâm chuyên niệm cầu sanh Tịnh độ, đây là câu nói cửa miệng của Đường Chủ. Thời thời khắc khắc nhắc nhở mọi người, thân tâm thế giới phải buông bỏ hết, đốn xả đây, thế bạn mới được vãng sanh chứ. Người thông minh nên biết rằng, những thứ mang đi được, thì mới nỗ lực nghiêm chỉnh mà làm, những thứ không mang được thì buông bỏ hết, không cần phải bận tâm nữa. Bạn nhìn xem cái gì có thể mang đi được? Niệm Phật, câu niệm Phật này mang theo được, cái tâm phát Bồ đề tâm này mang theo được, còn những cái khác thì không mang theo được, không mang theo được thì phải xả bỏ hết, mang theo được bạn nhất hướng chuyên niệm. Thật sự đây không phải từ tiểu đại, nó không phải là tiệm tu, nó là đốn giáo, trong một đời là thành tựu được.

“Minh Đại Hựu sư phán tiểu bổn viết, đốn tiệm phân chi, thử thuộc đốn giáo”. Đại Hựu pháp sư có chú giải cuốn kinh Di Đà, trong chú giải ngài phán pháp môn này, cũng khẳng định nó thuộc về đốn giáo. Tiệm giáo phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới có thể thành tựu, đốn giáo thì một đời là được viên mãn.

Chư vị tổ sư ở Trung Quốc, phân bổn kinh làm hai đại và tiểu đa số đều nói như vậy, nên biết rằng trong nhị giáo bổn kinh thuộc về đốn giáo.

Trên đây y theo đốn tiệm nhị giáo mà phán. Nếu y theo ngũ giáo tiểu, thỉ, chung, đốn, viên của tông Hiền Thủ, phán giáo tướng của bổn kinh. Ở đây dùng ngũ giáo của tông Hiền Thủ là tiêu chuẩn.

Chư vị tổ sư của Tông tịnh độ từ xưa đến này, từ trong ra ngoài, vì cơ duyên bất đồng, mà dùng từ có khác, nhưng thực chất của nó, không ai chẳng dùng bổn kinh, chẳng những thuộc về viên đốn giáo, mà còn là đốn trong đốn, viên trong viên vậy. Ở đoạn sau lão cư sĩ còn giải thích.

Đời Thanh Bành Nhị Lâm cư sĩ, tức là Bành Tế Thanh, Bành Nhị Lâm chính là Bành Tế Thanh, ở trong Khởi Tín Luận phân bổn kinh là: Khỏi Tín Luận ở đây không phải là Đại Thừa Khởi Tín Luận, là Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, do cư sĩ Bành Tế Thanh viết ra. Ở trong bài luận văn đầu tiên ông ấy phán kinh Vô Lượng Thọ. “kinh Vô Lượng Thọ là, Như Lai gọi là tánh của viên giáo”. Bành cư sĩ, thông tông thông giáo, hiển mật viên dung, là một vị tại gia cư sĩ, ông ấy là người vào thời Càn Long nhà Thanh. Xuất thân từ vọng tộc, phụ thân của ông làm quan rất lớn, là Binh bộ thượng thư của hoàng đế Càn Long, giống như bộ trưởng Bộ quốc phòng ngày nay. Cha của ông ấy, người này rất thông minh, thanh niên 19 tuổi đi thi tiến sĩ, thi đỗ tiến sĩ, bởi vì môi trường trong gia đình tốt, nên không làm quan. Ông ấy thích học Phật, suốt ngày sinh hoạt cùng các vị cao tăng trong đạo Phật, ông ấy rất chuyên tâm học, rất thành tựu, cho nên ông ấy viết cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, và cuốn tiết bổn kinh Vô Lượng Thọ, không phải là hội tập mà là tiết bổn, phía sau có đề cập đến. Ông từng nói một câu, sau này người ta thường dẫn chứng, ông nói: Pháp môn này là một ngày hy hữu khó gặp trong vô lượng kiếp. Chúng ta có nhân duyên gặp được pháp môn này, ý nghĩa rất gần với câu trong kệ khai kinh. Kệ khai kinh do Võ Tắc Thiên viết, “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”, Bành Tế Thanh cư sĩ nói, một ngày hy hữu khó gặp trong vô lượng kiếp. Bạn gặp được pháp môn này, sau khi gặp rồi bạn phải nắm chắc lấy nó, không được xem thường mà bỏ qua, như thế thì thật đáng tiếc, thật đáng tiếc, vô lượng kiếp mới chỉ gặp một lần, câu nói này khiến cho chúng ta biết quí trọng, “thân người khó được, Phật pháp khó gặp”, có thể được nghe pháp viên trong viên, đốn trong đốn trong Phật pháp, tìm ở đâu ra chứ? Chúng ta được nghe rồi mà lại bỏ qua, không thể nắm bắt được, không thể thành tựu trong một đời này, nguyên nhân vì sao vậy? Tuy nghe nói, nhưng hiểu không được thấu triệt, hiểu không được rõ ràng, sơ ý cẩu thả, không nghiêm chỉnh học tập, suốt đời này vẫn chịu sự luân hồi lục đạo như cũ, bạn xem có đáng tiếc không. Cho nên chư Phật Bồ tát thị hiện ở thế gian này, vì chúng ta mà hội tập, hoàn thiện bổn kinh này. Lại gặp được Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ, cuối đời ngài bị bệnh mà vẫn hoàn thành cuốn chú giải này, thật không dễ dàng! Trong cuốn chú giải dẫn chứng kinh luận xưa và nay, luận sớ có 193 bộ, chứng minh rằng những điều trong kinh điển nói, những điều chư vị tổ sư nói, làm tăng trưởng lòng tin của chúng ta đối với pháp môn này, dụng tâm vất vả, thật sự là từ bi đến cùng tột. Đọc kinh không hiểu, chúng ta coi lại cuốn chú giải này, trong cuốn chú giải này thấy được rất nhiều điều trong kinh nói, rất nhiều điều chư vị Tổ sư nói trong luận sớ, còn không động lòng sao? Còn không biết sự quí giá của bộ kinh này sao? Sau thời mạt pháp 9 ngàn năm, tất cả chúng sanh nương vào đâu để được độ? Nương vào bộ kinh này đấy. Bộ kinh này phải lưu thông với số lượng lớn, lần đầu tiên tôi in cuốn chú giải này, đã in 1 vạn cuốn. Lần đầu tiên in cuốn hội tập của Hạ Liên lão, cũng in 1 vạn cuốn. 1 vạn cuốn phân lượng quá ít, trên quả địa cầu này có 60 ức người, cũng may nhiều năm nay, chúng tôi lợi dụng ti vi vệ tinh, lợi dụng mạng Internet, đem sự học tập của chúng tôi, thông qua những truyền thông hiện đại ngày nay, chia sẻ cùng những người có duyên trên toàn thế giới.

Gần đây nghe nói, thiên tai càng ngày càng nhiều, thật sự từ góc độ truyền thông cho chúng ta thấy, tần số không ngừng nâng cao, tai nạn càng ngày càng nghiêm trọng. Cho nên chúng tôi tạm thời ngừng kinh Hoa Nghiêm, hy vọng dùng thời gian 1 năm, chúng ta ôn tập lại từ đầu cuốn chú giải của Hoàng Niệm lão. Hạ lão và Hoàng lão không phải là người thường, người bình thường không thể làm được việc như vậy. Chúng ta làm cách nào để báo ơn đây? Y giáo phụng hành, lưu thông rộng rãi, đó thật sự là báo Phật ân, báo ân cho hai vị này.

Dưới đây dẫn chứng lời của Đạo Ẩn pháp sư người Nhật, cuốn Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải, cuốn chú giải này là của Đạo Ẩn pháp sư viết: “ Trực phán bổn kinh vi bổn nguyện nhất thừa, đốn cực đốn tốc, viên dung viên mãn chi giáo, bỉ thổ đại đức đa đồng thử thuyết”. Bỉ thổ là nước Nhật. Tịnh độ tông ở Nhật rất hưng thịnh, vào đời Tùy Đường, nước Nhật đã cử đi không biết bao nhiêu cao tăng đến Trung Quốc du học, họ đã thân cận Thiện Đạo đại sư, thân cận Trí Giả đại sư, cho nên hai vị đại sư này ở Nhật rất nổi tiếng. Trong các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật, đều có thể thấy được tượng đắp, tượng vẽ đại sư, ở phật giáo Trung Quốc không thấy, nhưng ở Nhật Bản thì thấy được. Người Nhật đối với Tổ sư tôn trọng hơn người Trung quốc, người Trung quốc thứ nhất là kính Phật, thứ hai là kính tổ sư, người Nhật thứ nhất là kính Tổ sư, thứ hai là kính Phật. Có lý đấy, tổ sư gần với chúng ta hơn, giống như chúng ta thứ nhất là kính cha mẹ, thứ hai là kính tổ tông. Người Nhật truyền thừa truyền thống văn hóa Trung quốc, cho đến ngày nay vẫn không suy. Đây là chỗ đáng cho chúng ta tôn kính.

“Đại Kinh Thích viết, Thiên Thai, Chân Ngôn tuy giai minh đốn giáo, nhiên bỉ hứa đoạn hoặc chứng lý, cố do thị tiệm giáo dã, minh vị đoạn hoặc phàm phu, trực xuất tam giới giả, thiên thị thử giáo.”

Ở đây dùng Thiên Thai, Chân ngôn là Mật tông, để so sánh. Thiên Thai và Mật Tông tuy nhiên đều gọi là đốn giáo, nhưng họ thế nào? Họ cũng đồng ý đoạn hoặc chứng lý, đoạn hoặc chứng lý vẫn thuộc về tiệm giáo, tiệm thứ, giống như chúng tôi vừa giảng. Đoạn kiến tư phiền não chứng A La hán, kế đến đoạn trần sa chứng Bồ tát, cuối cùng đoạn vô minh mới chứng được Phật quả. Là đốn đoạn, nó vẫn còn là từng cấp bậc từng cấp bậc. Kinh Vô Lượng Thọ này không như vậy, nói về phàm phu chưa đoạn hoặc, chưa đoạn một phẩm phiền não nào, là có thể trực tiếp siêu xuất tam giới, chẳng những siêu xuất tam giới, mà còn siêu xuất Thập pháp giới, thiên thị thử giáo. Khi đem so sánh hai cái này, cho nên giáo này là đốn trong đốn, chứng minh sự kiến giải này là có lý do, chứ chẳng phải tùy tiện nói.

“Hựu Nhật Khê sư vân”, tên ngài là Nhật Khê, cũng là người Nhật. “Thánh đạo chư giáo, lý thị viên dung, ích, lợi ích thị cách thiên, dĩ kỳ đốn cơ nan đắc dã. Thị dĩ giáo tuy viên đốn, vọng cơ tự thành tiệm, Tịnh độ ngôn viên đốn giả, ư viên mãn tốc tật lợi ích”

Đây là đứng từ góc độ khách quan để quan sát. Thánh đạo chư giáo, ở đây nói đến toàn bộ Phật giáo, tất cả kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm. Chư giáo là tất cả kinh, lý là viên dung, điều này là chân thật. Vì sao vậy? Vì kinh giáo Đại thừa tiểu thừa, đều lưu xuất từ trong tự tánh của đức Thế Tôn mà ra, thì làm gì có chuyện không viên dung! Nhưng mà lợi ích thì không đồng, cá nhân mỗi người được lợi ích không tương đồng, đó là gì vậy? Đó là dĩ kỳ đốn cơ nan đắc. Căn tánh Viên đốn quá khó, trong ức vạn người khó có được một người, bậc căn cơ như Lục Tổ Huệ Năng, ba thầy giáo của tôi đều nói với tôi, Phương Đông Mỹ tiên sinh, Chương Gia đại sư, thầy Lý, ba người này không họp lại nhưng nói với tôi những lời giống nhau: Bậc căn tánh giống như Lục Tổ Huệ Năng, trước Lục Tổ Huệ Năng không có, chưa từng thấy. Từ khi Lục Tổ Huệ Năng qua đời cho đến ngày nay, cũng không thấy có, chỉ có duy nhất một người, không tiền tuyệt hậu, cho nên 3 vị Thầy đều nhắc nhở tôi, thầy không được học theo ngài, học không được đâu. Phương Đông Mỹ tiên sinh nói với tôi, đó gọi là một bước lên trời, lên được thì thành công, không lên được mà ngã xuống thì tan xương nát thịt. Cho nên ba vị thầy đều nhắc nhở tôi, đừng học Đàn Kinh, đừng học ngài Huệ Năng. Phương Đông Mỹ tiên sinh giới thiệu với tôi, học Phật nên hạ thủ từ Pháp tướng tông, từ Bách Pháp Minh Môn mà nhập môn, giống như leo cầu thang vậy, từng bậc từng bậc mà bước lên, thì thật sự được lợi ích. Chương Gia đại sư muốn tôi tu tâm thanh tịnh, học theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm mô phạm, nói tôi đọc Thích Ca Phương Chí, đọc Thích Ca Phổ. Học Phật đầu tiên nhận biết đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài là một người như thế nào, thì sự học tập của chúng ta sẽ không bị lầm đường, sẽ không bị lạc lối. Tôi quen biết thầy Lý, Thầy Lý giới thiệu cho tôi pháp môn tịnh độ. Đem cuốn hội tập bổn kinh Vô Lượng Thọ truyền lại cho tôi, thật là hữu dụng. Cho nên nói căn tánh không tương đồng, chúng ta không phải dạng viên đốn căn tánh, nên cần phải nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, kiên nhẫn miệt mài. Trong sự học tập của bạn nếm được mùi vị, gọi là pháp vị. Chư vị tổ sư thường nói rằng: “Thế vị đâu đậm bằng pháp vị”. Thế vị là nói về lục đạo luân hồi, mang ra so với Phật pháp thì còn cách xa lắm, pháp vị thật sự đậm hơn thế vị. Pháp vị là sự hỷ duyệt được lưu xuất từ trong tự tánh. Khổng Phu Tử đã đạt được, bạn xem câu đầu tiên trong Luận Ngữ: “Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”. Bạn có thể học được từ chỗ thánh nhân, đem áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của chính mình, thì trong nội tâm của bạn sẽ sanh pháp hỷ. Duyệt ở đây, hỷ duyệt được lưu xuất ra từ trong nội tâm, không phải từ môi trường bên ngoài, không liên can gì tới ngoại cảnh, cho nên Khổng Phu Tử đã nếm được. Các vị Tổ sư trong Phật giáo nói còn nhiều hơn nữa, sau khi bạn thật sự khế nhập vào kinh điển, nếm được pháp vị, thường sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn. Các vị chớ nên xem thường hai câu này, hai câu này nếu như bạn hiểu rõ, thì bạn sẽ được lợi ích lớn. Ngạn ngữ của thế gian thường nói: “Nhân phùng hỷ sự tinh thần sảng”. Nói cách khác, bạn phải cảm nhận được dưỡng sinh, người có tuổi từ trung niên trở lên đều cảm nhận được tầm quan trọng của việc dưỡng sinh, thân tâm khỏe mạnh rất quan trọng, đó là phước báo thật sự. Khỏe mạnh từ đâu mà có? Khỏe mạnh từ tâm hoan hỷ mà có. Nếu ngày nào bạn cũng mặt mày nhăn nhó khổ sở, chắc chắn bị nhiều bệnh, thì lấy đâu ra tâm hoan hỷ nữa, cho nên không khỏe mạnh. Mạnh khỏe có từ tâm hoan hỷ, ngày nào cuộc sống cũng vui vẻ, thì người này thân tâm khỏe mạnh, không sanh bách bệnh, tuổi tác tăng trưởng, già mà không suy, đó là phước báo đấy. Bạn muốn có được phước báo lớn này, thì trong kinh điển Đại thừa có rất nhiều, chỗ nào cũng có, đây là Phật pháp đối với chúng ta trực tiếp nhất, cũng là một số ít lợi ích. Bạn có được sự lợi ích này, thì chắc chắn thân tâm khỏe mạnh, gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thuận lợi, rộng ra thì xã hội an định, thế giới hòa bình, trong Phật pháp gọi đó là tiểu lợi, chứ không phải là đại lợi. Đại lợi ích là giúp cho bạn thành Bồ tát, thành Phật, bạn có năng lực ở trong biến pháp giới hư không giới giáo hóa chúng sanh, đó là đại lợi ích.

Bởi vì đốn cơ khó được, như chúng ta không thuộc về hàng đốn cơ, cho nên giáo tuy viên đốn, thật vậy, “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, viên nhân xem tất cả kinh điển mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, không có câu nào chẳng phải là pháp viên đốn. Cho nên chúng ta chẳng phải là hàng căn cơ viên đốn, xem Hoa Nghiêm, xem Pháp Hoa, xem bộ kinh này, đều biến thành tiệm giáo, đó là sự thật.

“Tịnh độ ngôn viên đốn giả”, ở đây quay trở lại pháp môn mà chúng ta đang tu học ngày nay, “ư viên mãn tốc tật lợi ích”, ư ở đây có nghĩa là tại. Vì sao nói Tịnh độ là viên đốn? Vì nó nhanh chóng khiến cho người tu học đạt được lợi ích viên mãn, vãng sanh về thế giới tây phương Cực lạc, chính là được lợi ích viên mãn, đây là sự thật, không dối gạt đâu. Phàm phu, hạ phàm, phàm phu hạ đẳng, không có trí huệ, người thời nay nói không có văn hóa. Gặp được pháp môn này, họ tin tưởng, thậm chí họ nghe không hiểu, chỉ cần họ tin tưởng, nghe thấy pháp môn này hay như vậy, lại dễ dàng như thế, chỉ có một câu A Di Đà Phật. Bạn xem có dễ dàng không, khăng khăng không bỏ cứ thế mà niệm, là có thể thành tựu, hơn nữa thời gian để thành tựu không lâu, 3 năm, 5 năm là thành công rồi, người này về thế giới tây phương Cực lạc để làm Phật, đạt được lợi ích cứu cánh viên mãn, bạn thấy có hay không! Bạn nghĩ xem pháp môn này, kinh điển này có thuộc về viên đốn hay không? Có thể nói được đấy.

Dưới đây nói: “Cái chỉ kỳ tha thánh giáo, tuy cụ viên dung chi lý, đản chúng sanh căn cơ thô thiển, mạt minh kỳ chỉ, vô do nhiếp giải khởi hạnh, nhi mông pháp ích, thị cố pháp tuy viên đốn, đản dĩ hành nhân cơ thiển, đốn pháp thành tiệm, viên pháp thành thiên”.

Đây là chân tướng sự thật, cho nên giáo, phân tông phân giáo, đối với hàng căn cơ nông cạn có cái hay, còn đối với hàng căn tánh viên đốn, thì không có lợi ích gì. Điều này chúng ta chẳng thể không biết, đặc biệt là những bạn phát tâm tương lai học giảng dạy, nhất định phải hiểu rõ ràng. Bản thân chúng ta tu tập thế nào? Dùng phương pháp nào để dạy người, bản thân mình tu bộ kinh này là viên đốn đại kinh, nếu hiểu rõ bộ kinh này, thì công phu niệm Phật của bạn có thể đạt đến sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn.  Những kinh luận khác chưa học qua có thể thông đạt được không? Được! Thật sự là thông một bộ kinh thì tất cả kinh khác đều thông đạt, thành tựu một pháp môn, thì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều thành tựu. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”, không sai chút nào. Bạn thật sự có thể tin được, là bạn có phước đấy.

Chúng ta học tiếp đoạn dưới đây: “Đản Tịnh tông tắc bất nhiên, nhân nhân năng hành giai đắc chân thật chi lợi, bất lao đoạn hoặc, trực xuất tam giới, cố thật vi đốn trung chi đốn viên mãn chi giáo dã”.

Hoàng lão kết luận hay quá! Tịnh độ tông không giống như Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tam Luận, Pháp Tướng, Mật Tông. Vì sao vậy? Những tông phái đó học tập thật sự phân chia ra rất nhiều tầng lớp, giống như đi học vậy, bạn phải từ tiểu học, trung học, đại học, nghiên cứu sở, phải tốn thời gian rất dài, mà chưa chắc đã có kết quả. Vì sao vậy? Vì giáo lý học nhiều, sẽ biến thành thường thức, biến thành tri thức, chứ không phải là trí huệ. Vì sao vậy? Vì chưa buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Cho nên bạn vẫn sống trong thế giới phiền não khổ não như xưa, bạn không thể giải thoát, bạn không được đại tự tại, bạn không có được sự vui sướng thật sự. Muốn đạt được sự lợi ích của Phật pháp thật sự, thì nhất định bạn phải buông bỏ tập khí phiền não, hồi quy tự tánh, tự tánh thuần tịnh thuần thiện. Lão tổ tông của Trung Quốc nói rất hay: “Bổn tánh bổn thiện”. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”, phải quay về với bổn thiện mới có được niềm vui, mới có được pháp hỷ. Mục tiêu cuối cùng trong việc giảng dạy của đạo Phật, là dạy chúng ta hồi quy tự tánh, phương hướng là một, mục tiêu là một, nhưng phương pháp thì có rất nhiều, cho nên có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Chúng ta muốn trong một đời này được thành tựu, thì trong vô lượng pháp môn này chỉ chọn một cửa, bạn không nên chọn 2 cửa, 3 cửa, hai cửa, ba cửa bạn không vào được đâu, một cửa thì vào được, sau khi vào được thì bạn sẽ được tất cả, cái bạn được là viên mãn. Đức Phật nói ra nhiều pháp môn như thế, là để cho người căn tánh bất đồng chọn lựa, chẳng phải kêu bạn phải học hết, bạn học hết là bạn sai đấy. Giống như đang học đại học vậy, chỉ có thể học một khoa thôi, 4 năm thì tốt nghiệp, nếu bạn học hết tất cả mọi khoa, thì 400 năm bạn cũng không thể tốt nghiệp được, bạn không thể thành tựu được, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, là đúng rồi. Thật sự hiểu rõ Tịnh tông, ai ai cũng có thể tin, lợi ích chân thật, không cần đoạn hoặc, mà siêu việt được Thập pháp giới, không chỉ tam giới, siêu việt Thập pháp giới, cho nên là viên mãn đại giáo đốn trong đốn, câu này nói không sai một chút nào. Hy vọng các bạn chuyên cần nỗ lực, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, ai ai cũng được thành tựu, hơn nữa rất mau được thành tựu. Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.

 HẾT TẬP 44