TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Tịnh Không pháp sư
Chuyển ngữ: Tử Hà
Biên tập: Bình Minh
Giảng ngày 07 tháng 05 năm 2010
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
TẬP 32
Các vị pháp sư, các vị đồng học, mời ngồi! Mời coi Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 33, chúng ta bắt đầu học từ hàng cuối cùng.
“Khái phu, thánh đức khó lường, ân Phật khó báo, Phật Di Đà bi tâm chí cực, thánh trí vô luân, từ đó lưu hiện, đồng cư Tịnh độ này phàm phu dễ sanh, hành nhân không cần đoạn hoặc tiêu nghiệp, chỉ cần tín nguyện trì danh, dưới chí 10 niệm, đều được vãng sanh, ra khỏi tam giới, vĩnh ly chư khổ, vị đăng bất thoái, nhất sanh bổ Phật, siêu tình ly kiến, bất khả tư nghì”.
Đoạn này rất quan trọng, khiến chúng ta có đầy đủ niềm tin đối với pháp môn niệm Phật vãng sanh, đặc biệt là nói đến, “không cần đoạn hoặc tiêu nghiệp, chỉ cần Tín-nguyện-trì danh, cho đến 10 niệm, đều được vãng sanh”. Mấy câu này quan trọng lắm! Đoạn trước chúng ta coi Hoàng lão, dẫn chứng trong Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư có mấy câu. Ngài nói: “ngũ nghịch thập ác, thập niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sanh, người ở hạ hạ phẩm, đều được tam bất thoái”. Nguyện thứ 18 trong kinh Vô Lượng Thọ, nguyện văn có mấy câu như thế này: “cho đến 10 niệm, nếu không vãng sanh, không thủ chánh giác”. Đó là Phật A Di Đà phát nguyện, các vị Tổ sư hoàn toàn y cứ theo nguyện thứ 18 này mà giảng nói, nhưng mà phía sau có 2 câu: “duy trừ ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp”. Nói cách khác, ngũ nghịch thập ác chỉ cần có niềm tin chánh pháp, không còn hoài nghi, không còn hủy báng, 10 niệm là được vãng sanh. Điều này nói rằng khi lâm chung, tình trạng này chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, lúc trước khi tôi ở Mỹ có gặp một người, bây giờ tính ra coi như là học trò của tôi, người này thật sự vãng sanh. Châu Quảng Đại tiên sinh ở Hoa Thịnh Đốn DC, suốt đời không tín ngưỡng tôn giáo, không tin bất cứ tôn giáo nào. Ông ta mở cửa hàng bánh mì bên đó, người trung hậu lão thành, không hề tiếp xúc qua tôn giáo, sau này bị ung thư, khi sắp lâm chung, người trong nhà đều bó tay cả, nên tìm đến hội Phật giáo của chúng tôi, hội Phật Giáo Hoa Phủ. Khi đó tôi đang làm hội trưởng ở đó, tôi và mấy người học trò đi đến nhà ông ấy xem, thấy ông ấy thật sự không cứu được nữa, khuyên ông ta cầu vãng sanh. Nói cho ông ấy biết, thế gian này rất khổ, không có gì đáng lưu luyến, nói cho ông ấy biết phong cảnh ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ông ấy nghe rất vui mừng, bèn nói với người thân rằng, đừng đi cầu thầy thuốc, đừng mong ông ta hết bệnh, tất cả niệm Phật A Di Đà, giúp ông ấy cầu vãng sanh. Thời gian có 3 ngày thôi, ông ấy thật sự được vãng sanh, điềm tốt hy hữu, khi đó mọi người đứng bên cạnh đều được tận mắt chứng kiến, đã nói lại tình hình đó cho tôi biết. Từ trong hiện tượng này chúng ta có thể quan sát được, khi ông ấy sắp lâm chung, đầu óc sáng suốt, không mơ hồ, đó là điều kiện thứ nhất. Nếu như mê hoặc điên đảo, thì thật là khó nói, đây là phước báo, khi lâm chung, rõ ràng minh bạch, bản thân mình lựa chọn nên đi về đâu, ông ta có năng lực này. Điều kiện thứ hai, là gặp được thiện hữu giúp đỡ, khuyên ông ấy cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thứ ba, ông ấy vừa nghe là tin nhận liền, ông ấy lý giải, ông ấy làm được, nên ông đã thành công. Điều này không dễ đâu, trong hàng ngàn vạn người mới có được một người, tuyệt đối không phải là may mắn. Cho nên đức Phật A Di Đà đã tạo dựng đồng cư Tịnh độ ở thế giới Cực Lạc, đúng là nan năng khả quí! Đồng cư tịnh độ không khác Thật báo tịnh độ, thật sự là pháp khó tin! Không cần đoạn hoặc, cũng không cần tiêu nghiệp, chỉ cần Tín-nguyện-trì danh, ba điều kiện, tín-nguyện-hạnh. Trì danh là hành, thật sự tin, thật sự phát nguyện, thật sự làm. Dưới đến 10 niệm, đó là bệnh rất nặng, 10 niệm cuối cùng là ngừng thở, cũng được vãng sanh. Hoành xuất tam giới, không phải là thụ xuất, thụ không xuất được đâu. Thụ xuất, đừng nói vãng sanh về thế giới Cực lạc, sanh về cõi Trời dục giới, cũng không dễ đâu, cũng rất khó khăn, phải có đầy đủ thượng phẩm Thập thiện, mới được sanh về cõi Trời dục giới, vĩnh viễn thoát ly lục đạo luân hồi trong tam giới. Vãng sanh về thế giới Cực lạc, không còn lục đạo nữa, bên đó tuy là đồng cư độ, không có tam ác đạo, không có A Tu La, đồng cư tịnh độ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ có hai đường là trời và người. Chúng sanh trong hai đường này, đều là chư thượng thiện căn. Cho nên sanh về bên đó, được bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia hộ, đều làm Bồ tát A duy việt trí, đều được bất thoái. Bất thoái ở đây, là đầy đủ ba loại bất thoái, quyết định trong một đời, chứng được địa vị Bồ tát đẳng giác, nhất sanh bổ xứ, Bồ tát đẳng giác. Pháp môn này cùng với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, “siêu tình ly kiến, không thể nghĩ bàn”. Siêu là siêu việt, tình là tình chấp, thức thứ 7, kiến là tà kiến, thức thứ 6. Siêu tình ly kiến, là chuyển thức thứ 6 thánh Diệu quan sát trí, chuyển Mạt na thức thành Bình đẳng tánh trí, là thành Phật thôi. Trong Pháp Tướng tông nói rất hay, lục thất nhân thượng chuyển, ngũ bát quả thượng chuyển, chuyển A lại da thành Đại viên cảnh trí, chuyển tiền Ngũ thức thành Thành sở tác trí. Người này là ai vậy? Trong kinh Hoa Nghiêm nói đó là Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên. Không những siêu việt lục đạo, mà còn siêu việt Thập pháp giới, sanh về Thật Báo Trang Nghiêm Độ của chư Phật Như Lai. Nhưng mà trong kinh này nói cho chúng ta biết, người này sanh về Đồng cư Tịnh Độ, ở trong Đồng Cư Tịnh Độ chờ đợi, trí huệ, thần thông, đạo lực, giống như pháp thân Bồ tát ở Thật Báo Độ. “điều này ở mười phương thế giới không có”, đây là sự thật, không giả dối. Trong quốc độ của mười phương chư Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni không nói như vậy, chỉ có tây phương Di Đà tịnh độ, là nơi thiên kinh vạn luận đều tán thán, cái lý ở chỗ này. Vì sao vậy? Thập phương nhất thiết chư Phật đều tán thán, cái lý là ở chỗ này, nó quá thù thắng, quá viên mãn. Mười phương chư Phật và Phật A Di Đà, các vị nên biết là bình đẳng, trí huệ bình đẳng, đức năng bình đẳng, tướng hảo bình đẳng. Phật Phật đạo đồng, không hề có chút sai biệt. Phật A Di Đà, đã kiến lập một cõi Tịnh độ thù thắng ở Tây phương, các vị Phật khác cũng nói, chúng ta cũng tạo dựng một cái đi. Được không nào? Được! Chẳng phải là không được. Vì sao chư Phật Như Lai lại không phát tâm như vậy? Phật A Di Đà tạo dựng Tịnh độ rất đẹp, các ngươi qua đó đi! Nghĩa là sao vậy? Hàm ý trong này rất thâm sâu, nói lên rằng chư Phật Như Lai đã đoạn trừ sạch sẽ tập khí phiền não. Ngày nay chúng ta, ở trong giáo pháp Đại thừa học nhiều năm như thế, chứng ngộ tuy không có, nhưng cũng có một chút giải ngộ, chúng ta lý giải, chúng ta hiểu. Hiểu cách nào đây? Không phải là khai ngộ, kinh giáo học nhiều, nghe Thế Tôn nói, nghe Bồ tát nói, nghe chư Tổ sư giảng như vậy, chúng ta hiểu được từ trong đó, kiến tư phiền não hoàn toàn đoạn hết. Phật Phật chẳng những đạo đồng, Phật Phật còn là nhất thể. Di Đà tạo Cực lạc rồi, chúng ta đem hết những chúng sanh chưa được độ này, đưa về thế giới Cực lạc, đó chẳng phải là chuyện tốt sao? Cho nên thập phương tam thế nhất thiết chư Phật Như Lai, đều biến thành tuyên truyền viên cho thế giới tây phương Cực lạc, đều giúp cho Phật A Di Đà, đi chiêu sinh, đi giới thiệu, đi bảo lãnh, làm những việc đó. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng như vậy, đem sự thù thắng vi diệu này nói cho chúng ta biết, khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh về thế giới tây phương Cực lạc, quy y với Phật A Di Đà, làm đệ tử Phật A Di Đà, ngài không đố kỵ, không làm chướng ngại, chẳng những không đố kỵ chướng ngại, mà còn thành tựu cho bạn. Các bạn nghĩ thử xem ý này có sâu không, ý này vi diệu quá, đã dạy cho chúng ta. Vì sao vậy? Vì đố kỵ chướng ngại là phiền não vô cùng nghiêm trọng. Người nào không có? Ai cũng có! Những phiền não này sanh ra là đã có rồi. Nếu bạn nói bạn không đố kỵ, thì bạn đã thành Pháp thân Bồ tát. A la hán, và Quyền giáo Bồ tát, tuy không có đố kỵ, nhưng có tập khí đố kỵ, hành vi đố kỵ không có, nhưng tập khí vẫn còn. Cống cao ngã mạn, tập khí tật đố đều đoạn trừ hết, là ai vậy? là Pháp thân Bồ tát, Sơ Trụ của Viên Giáo, Sơ Địa của Biệt Giáo. Khi đó, tập khí phân biệt chấp trước đều đoạn tận, sanh về Thật báo trang nghiêm độ, tập khí vô minh vẫn còn, đây chính là 41 giai cấp trong Thật báo độ. Bạn nên biết rằng, trong đây chắc chắn không có tập khí kiến tư hoặc, chắc chắn không có tập khí trần sa hoặc, chỉ có tập khí vô minh, cái đó không quan trọng, không ngại gì. Nên biết, đố kỵ, kiêu mạn, tập khí này chướng ngại, nó tạo nghiệp. Quả báo chiêu cảm là tam đồ, cho nên rất đáng sợ. Sự biểu diễn của chư Phật Như Lại như thế, khiến cho chúng ta thật sự thấy nhất thể, khắp cả vũ trụ này là nhất thể, ai làm cũng vậy thôi! Người khác làm, cũng vất vả, cũng mệt mỏi vậy, chúng ta đứng bên tùy hỷ tán thán, tu tùy hỷ công đức, bạn xem tự tại biết bao nhiêu, không cần phải vất vả, công đức vẫn bằng nhau. Vì sao bằng nhau? Mình người không hai, chúng sanh và Phật không hai. A Di Đà Phật tự tánh Di Đà. Nghiệp báo thân của chúng ta ngày nay, là tự tánh nghiệp báo, không xa rời tự tánh, là một chẳng phải hai. Di Đà làm và chúng ta làm có gì khác đâu! Lý này chẳng thể không hiểu, không hiểu, bạn vẫn tạo nghiệp. Cho nên trong kinh Địa Tạng nói rất hay: “chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, khởi tâm động niệm, đều là nghiệp”. Nói khó nghe một chút, “đều là tội”, bạn tạo tác là tội, không tạo tác, khởi tâm động niệm cũng là tội. Đó là niệm gì vậy? Niệm đó là tập khí phiền não, là tham sân si mạn, là tật đố chướng ngại, những tập khí này vẫn còn. Nếu như không phải chân tu tập, tập khí hiện hành thì quả báo cũng hiện hành. Chân tu tập nghĩa là sao? Trong cuộc sống hàng ngày những tập khí bất thiện này trừ bỏ hết. Thiện Tài Đồng tử biểu diễn cho chúng ta lịch sự luyện tâm. Sự, là những chuyện thế tục, bạn ở nơi này rèn luyện, luyện cho chân tâm của bạn hiện ra, thật sự buông bỏ hết tập khí phiền não, luyện cái đó. Tập khí phiền não sa thải hết, Chân tánh của bạn sẽ xuất hiện, trong Chân tánh có đầy đủ vô lượng vô biên đức tướng trí huệ, cái này bạn vốn sẵn có, bạn không hề bị đánh mất, hiện tại chỉ là mê mất mà thôi. Chư Phật Bồ tát Đại từ Đại bi, đã nhắc nhở chúng ta, còn giúp cho chúng ta phục hồi. Cho nên Niệm công giảng ở chỗ này đúng “Thánh đức nan tư, Phật ân nan báo”. Báo đáp cách nào? Y giáo tu hành chính là chân thật báo ân. Các bạn không chịu chân tu, tánh trần còn nguyên, ngày nay tôi không thật tu, thì thật là ghê sợ! Tôi lo sợ, tôi hoảng hốt! Vì sao vậy? Bây giờ tôi mới thật sự hiểu rõ, có rất nhiều người đang làm ba thời hệ niệm Phật sự, làm lễ siêu độ, thậm chí đả Phật thất, trong sớ đều dùng pháp sư Tịnh Không làm pháp chủ, nếu như tôi không dụng công tu tập, món nợ này thật ghê sợ! Nếu những chúng sanh đó không được độ, thì món nợ này đều tính trên đầu tôi, tôi thấy cái này rất lo sợ, chỉ có dụng công tu tập, đem công đức tu học hồi hướng cho họ, hồi hướng cho tất cả chúng sanh, âm dương đều lợi. Bây giờ tôi biết được, mỗi lần quí vị làm Phật sự, đều đem lại áp lực cho tôi. Áp lực này cũng tốt, ép buộc tôi không thể không thật tu, toàn tâm toàn lực tu hành.
Vãng sanh đồng cư, bèn là hoành sanh thượng tam độ. Những gì trong kinh Hoa Nghiêm nói, đều nhìn thấy hết ở thế giới Tây phương Cực lạc, cho nên Kinh Hoa Nghiêm, người xưa gọi là Đại Bổn Vô Lượng Thọ kinh, có nghĩa là giảng kỹ kinh Vô Lượng Thọ chính là Hoa Nghiêm. Lần này chúng ta dùng thời gian dài một chút, giảng kỹ Tịnh Độ Đại Kinh Giải, cũng là đồng đẳng Hoa Nghiêm, bộ kinh này giảng xong rồi, thì Hoa Nghiêm có thể lược thuyết, không cần giảng kỹ như vậy nữa. Vì sao vậy? Vì bộ kinh này đã giảng kỹ rồi, đây là một chẳng phải hai. Tứ độ, một tức là bốn, bốn tức là một, nhìn thấy ở thế giới Cực lạc.
Chứng vị bất thoái, diệc tức viên chứng tam bất thoái. Các vị nên biết, chứng tam bất thoái là Bồ tát Sơ Trụ của Viên Giáo. Vị bất thoái, hành bất thoái, niệm bất thoái đều chứng được, nhưng không thể nói là Viên. Thêm vào một chữ Viên, địa vị này cao rồi. Trong chú sớ của người xưa cho chúng ta biết, viên chứng tam bất thoái là cấp bậc nào? Thất địa trở lên, mới có thể gọi là Viên chứng tam bất thoái, đây là bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia hộ, thật sự không thể nghĩ bàn. Bác địa phàm phu lâm chung thập niệm nhất niệm vãng sanh, sanh về phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm, đến thế giới Tây phương Cực lạc, cũng có thể Viên chứng tam bất thoái. Có nghĩa là đến thế giới Tây phương Cực lạc, quyền lợi hưởng thụ là Bồ tát thất địa trở lên. Biểu người ta làm sao mà tin được? Nhưng mà ở thế gian này cũng có trường hợp như vậy, từ trường hợp này chúng ta suy nghĩ xem, thì có thể hiểu được lý này. Ví như người đến đầu thai ở thế gian, nếu như linh thể này chọn vào nhà của Đế vương, đầu thai sanh ra nó chính là thái tử, quyền lợi hưởng thụ của nó còn hơn các vị Đại thần, thậm chí còn hơn cả Tể tướng. Bạn có tin được không? Quyền lợi đó tuyệt đối không phải trí huệ năng lực của nó làm ra, mà là phụ vương cho nó. Chúng ta vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, cũng giống như ví dụ này vậy. Chúng ta chọn về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà, làm con của Phật A Di Đà, hưởng thụ trí huệ đức năng của Phật A Di Đà, có nghĩa là như vậy. Không phải quyền lợi bình thường, mà là quyền lợi thù thắng!
Hai câu dưới đây rất quan trọng, bạn chỉ hưởng thụ, không làm tròn nghĩa vụ thì không được, hai câu dưới đây chính là nghĩa vụ của bạn. Bắt buộc bạn phải tương đồng với tâm nguyện của Phật A Di Đà, nguyện của Phật A Di Đà là 48 nguyện. Tâm của Phật A Di Đà là niệm niệm phổ lợi quần sanh, chẳng có niệm nào không cả. Niệm niệm ở đây Bồ tát Di Lặc từng nói, một khảy móng tay có 32 ức trăm ngàn niệm, niệm niệm phổ lợi quần sanh. Chúng ta phải có niệm này, niệm niệm không có chính mình.
Tâm tâm lưu nhập biển giác. Trong tâm có gì? Trong tâm là giác, không có một chút mê hoặc. Biển ví dụ cho Tự tánh, Tự tánh bản giác. Trong Khởi Tín Luận, Mã Minh Bồ tát cho chúng ta biết: “bổn giác bổn hữu, bất giác bổn vô”. Bất giác là gì? Bất giác là A lại da, A lại da là vọng tâm, chứ không phải là chân. A lại da bất giác, tự tánh bổn giác. Tâm tâm, tâm tâm và niệm niệm ý của nó tương đồng. Niệm niệm là khởi dụng của Chân tâm, tâm tâm là bổn thể của Chân tâm. Nói tâm là nói về mặt thể, nói niệm là nói về mặt dụng. Thể là gì? Thể là Đại giác! Trong bồ đề tâm, giác này là tâm tâm lưu nhập biển giác, chính là chân thành. Trong Quán Kinh nói là tâm chí thành, tâm chí thành chính là biển giác, trong Khởi Tín Luận nói là trực tâm, hình dung trong tâm, không hề có chút tướng cong vạy, hoặc là chúng ta nói rõ hơn một chút, không có hiện tượng quanh co, đây là biển giác. Một niệm bất giác mà có vô minh, từ trong biển giác, biến hiện ra A lại da, A lại da chính là linh hồn trong tục ngữ của người Trung Quốc chúng tôi, trong pháp giới Tứ thánh gọi là linh tánh, trong lục đạo gọi là linh hồn. Linh hồn là mê, linh tánh là giác ngộ, tuy giác ngộ nhưng không viên mãn. Người giác ngộ không tạo nghiệp, thiện ác nghiệp đều không tạo. Người mê tạo nghiệp, tạo thiện nghiệp sanh 3 đường lành, tạo ác nghiệp sanh 3 đường ác. Những chân tướng sự thật này, chúng ta học Phật đã nhiều năm như thế, hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch, phải có một khái niệm rõ ràng.
Bạn xem Bồ tát vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, cho nên hai câu này, bây giờ chúng ta phải dụng tâm học tập. Niệm niệm phổ lợi quần sanh, tâm tâm lưu nhập biển giác. Đây gọi là chân tu hành, giác mà không mê. Làm thế nào mới có thể làm được? Bạn xem câu cuối cùng, “thị vi bổn kinh chi thú”. Như thế là hiểu rồi, tôn chỉ của bộ kinh này nói về tu tập. Chỗ về của sự tu tập, bạn xem, về chỗ phổ lợi quần sanh, lưu nhập đại hải. Chúng ta phải làm thế nào đây? Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Phát bồ đề tâm, người xưa nói rất hay, chính là phát tâm làm Phật, tâm thành Phật, phải phát tâm này. Thành Phật nghĩa là sao? Thành Phật là tâm độ chúng sanh. Nói cách khác, chính là bốn đức mà Hiền Thủ quốc sư giảng ở trong Hoàn Nguyên Quán, nhất định chúng ta phải hành tứ đức. Thứ nhất là tùy duyên diệu dụng. Diệu là gì? Diệu là tùy duyên. Trong tùy duyên không có vọng tưởng phân biệt chấp trước. Đó chính là diệu dụng, cái này không dễ làm được đâu, Phật Bồ tát cho chúng ta biết có thứ đệ, cứ làm theo đó đi. Đầu tiên học tập không chấp trước trong tùy duyên, học được thật sự thành công, bạn đã thành chánh giác, bạn đã chứng được quả A la hán. Trong kinh Hoa Nghiêm, bạn chứng được Bồ tát thất tín vị trở lên. Thất tín, bát tín, cửu tín, thập tín đều là giai vị này. Chánh giác; Hướng lên trên một bước nữa, chẳng những không chấp trước, mà tâm phân biệt cũng không còn, các vị nên biết rằng, tâm chấp trước không còn, thì tâm thanh tịnh của bạn xuất hiện, chấp trước là nhiễm ô, là Mạt na thức, nhiễm ô, nhiễm ô xóa bỏ hết, tâm thanh tịnh phục hồi. Đại sư Huệ Năng có dạy: “hà kỳ tự tánh, bổn tự thanh tịnh”. Tâm thanh tịnh của bạn hiển lộ rồi, nhưng mà chưa viên mãn, rất hữu dụng, tâm thanh tịnh sanh trí huệ. Nếu có thể không phân biệt, tiến thêm một bước không phân biệt, thì bạn sẽ thành Bồ tát chánh đẳng chánh giác, từ A la hán thăng cấp, thăng lên Bồ tát. Tiếp tục buông bỏ khởi tâm động niệm, thì bạn đã thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thành Phật rồi, đạt đến địa vị tối cao. Trong kinh Hoa Nghiêm, bạn là Bồ tát Sơ Trụ của Viên Giáo, siêu việt thập pháp giới. A la hán siêu việt lục đạo, Phật siêu việt thập pháp giới, bạn ở cõi Thật báo trang nghiêm độ, bạn ở trong Thật báo độ tu hành. Ở trong Thật báo độ tu gì? Cho quí vị biết, thật báo độ tu 53 tham. Đó đúng là niệm niệm phổ lợi chúng sanh, đồng thời, tâm tâm lưu nhập biển giác. Hai câu này không có trước sau, chỉ trong một niệm là đầy đủ, đây gọi là chân tu. Kinh Hoa Nghiêm tu cái này, kinh Vô Lượng Thọ cũng tu cái này. Cho nên Cổ đức dạy rằng, kinh Vô Lượng Thọ tức là trung bổn Hoa Nghiêm. Lời nói này không sai một chút nào, kinh A Di Đà là tiểu bổn Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm có đại trung tiểu tam bổn. Tông thú, chúng ta học đến chỗ này.
Coi tiếp đoạn thứ tư bên dưới, “phương tiện lực dụng”. Chúng ta coi kinh văn, “như kinh Đại Tỳ Lô Giá Na viết: bồ đề là nhân, đại bi là gốc, phương tiện là cứu cánh. Cho nên biết, phương tiện độ sanh, chính là kiết quy đại nguyện của chư Phật, đại trí hiển hiện, vạn đức trang nghiêm, là chỗ quả giác cứu cánh vậy”. Lực, chính là năng lượng mà chúng ta đang giảng hiện nay, năng lượng mà hiện nay khoa học nói, đó là lực. Dụng là tác dụng tha khởi. Phương là phương pháp. Tiện là tiện nghi. Phương pháp tiện nghi, chính là phương pháp thích đáng nhất, phương pháp thích hợp nhất, phương pháp hay nhất. Cho nên phương tiện không phải chỉ có một, mà là vô lượng vô biên phương tiện. Cử ra cương lĩnh để nói, nhân người bất đồng, nhân thời bất đồng, nhân địa bất đồng, nhân sự bất đồng, chư Phật Bồ tát giáo hóa chúng sanh, gọi đó là phương tiện thần thông, chẳng phải là một phương pháp. Trong kinh điển đại thừa đức Phật thường dạy, “Phật vô hữu định pháp”, đó chính là pháp phương tiện, pháp phương tiện không phải là phương pháp nhất định, tùy người, tùy việc, tùy thời mà biến hóa tha khởi, rất hoạt bát, người đương thời nói là hoạt học hoạt dụng, là ý này, nó không phải là pháp chết. Cho nên có thể khiến tất cả chúng sanh tâm sanh hoan hỷ, thế mới gọi là phương tiện. Trong kinh nói rất hay, Bồ đề là nhân, Bồ đề là giác, giác ngộ là nhân, giác là hiểu rõ, đối với chân tướng nhân sanh vũ trụ hiểu rõ, đó là nhân. Sau khi hiểu rõ, nếu như bạn không động lòng, tuy đã hiểu rõ, vô số chúng sanh đang chịu khổ chịu nạn, bạn chẳng hề quan tâm, hoặc giả quan tâm, thì cũng chỉ quan tâm đến những người có duyên, và những người liên quan đến mình, nhưng người không liên quan thì chẳng hề quan tâm, hạng người này trong Phật pháp gọi là tiểu thừa, họ thường bị chư Phật Bồ tát la rầy trách mắng, có trí huệ, có năng lực mà không chịu giúp đỡ người khác. Bồ tát đại thừa thì khác, Bồ tát đại thừa có tâm Từ bi, tâm đại bi này chính là tâm đồng tình, tâm lân mẫn, hiểu được tất cả chúng sanh và bản thân mình cùng một thể. Sanh Phật bất nhị, chúng sanh và Phật là một chẳng phải hai, đều có đức tướng trí huệ của Như Lai, đồng một tự tánh, đồng một trí huệ, đức năng giống nhau. Lực, ở đây nói là lực dụng, trong quả địa của Như Lai Thập lực, Tứ Vô Úy, cũng hoàn toàn tương đồng. Cho nên chúng sanh có cảm, chư Phật Bồ tát lập tức có ứng, chắc chắn không nói rằng, chúng sanh có cảm, Phật Bồ tát không có ứng, không có lý này. A la hán không ứng thì có, Phật Bồ tát không ứng, không hề có lý này. Ngày nay chúng ta có khổ có nạn, ngày nào chúng ta cũng cầu Phật Bồ tát, vì sao Phật Bồ tát không đến? Phật Bồ tát có đến, chẳng phải không đến. Đến rồi thì sao? Đến mà bạn không biết, Phật Bồ tát đến giúp bạn mà không giúp được, ở ngay bên cạnh bạn, vì sao không giúp được? bạn có nghiệp chướng, làm chướng ngại sự giúp đỡ của Phật Bồ tát. Việc này khi tôi mới bắt đầu học Phật, năm 26 tuổi tôi mới tiếp xúc với Phật pháp, và cũng chính năm đó mới quen biết Chương Gia đại sư. Chương Gia đại sư rất tốt với tôi, là bậc đại ân đại đức của tôi. Ngài nói với tôi: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”. Nếu như có cầu mà không ứng, thì không phải là Phật Bồ tát rồi. Số lượng của Phật Bồ tát nhiều hơn con người. Chúng ta khởi lên một niệm, tất cả chư Phật Bồ tát đều cảm ứng được, chính bản thân chúng ta không thể nhận biết được, là vì nghiệp chướng tập khí của mình quá sâu nặng. Phải làm sao đây? Bắt buộc phải hóa giải hết nghiệp chướng của chính mình, thì Phật Bồ tát cảm ứng hiện tiền. Làm cách nào để hóa giải nghiệp chướng? Đại sư dạy tôi, sám trừ nghiệp chướng, nguyện thứ tư trong thập nguyện của Phổ Hiền Bồ tát. Mỗi ngày bạn cần nên sám hối, sám hối cách nào? Thầy dạy tôi: “ không cần phải học những nghi thức quy củ đó, chỗ này nói đến phương tiện, những nghi thức đó là làm cho người khác xem, khiến cho người khác nhìn thấy cảm động, khởi phát người đó quay đầu, nghĩa là như vậy thôi. Đó là biểu diễn trên khán đài. Thật sự sám hối, không có nghi thức, chỉ có một câu: Về sau không làm nữa. Biết ý nghĩ này sai rồi, ngôn ngữ này sai rồi, hành vi sai rồi, lần sau vĩnh viễn không phạm phải lỗi lầm này nữa, đây gọi là chân sám hối. Tôi nghe xong, bèn nghĩ đây chẳng phải là trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc nói là “bất nhị quá” sao? Đúng! Khổng Tử tán thán Nhan Hồi, trong số học sinh của Khổng Tử, chỉ có Nhan Hồi làm được bất nhị quá. Lỗi lầm chỉ có một lần, ông ấy hiểu, sau này không phạm phải lỗi lầm như vậy nữa. Đạo Nho cũng nói, sử dụng ngôn từ không giống như Phật giáo, nhưng ý nghĩa hoàn toàn tương đồng, cho nên sám trừ nghiệp chướng chính là bất nhị quá, không có bất cứ hình thức nào.
Nói đến siêu độ vong linh, có chuyện như vậy không? Có! Thật sự siêu độ, cũng không có nghi thức. Chúng tôi thấy trong tự truyện của pháp sư Tán Hư, trong Ảnh Trần Hồi Ức Lục. Khi còn trẻ lão pháp sư vẫn chưa xuất gia, đến trung niên Ngài mới xuất gia. Cùng người bạn mở một tiệm thuốc bắc nhỏ, trong đó có một người bạn họ Lưu, là một Phật tử thuần thành, hàng ngày đọc kinh Lăng Nghiêm, mỗi ngày đọc một bộ, đọc 8 năm, gọi là bát tải hàn song độc Lăng Nghiêm, có công phu đấy. Cho nên siêu độ phải có công phu siêu độ mới được, không có công phu lấy gì để siêu độ đây? Một hôm vào buổi trưa, tiệm không có khách, không có ai đến cửa tiệm mua đồ, Ngài ngồi ngủ gục ở quầy, mơ mơ hồ hồ, nhìn thấy hai người đi vào, đi vào cửa tiệm, Ngài bèn ngồi dậy tiếp đón họ, nhìn kỹ hai người này là oan thân trái chủ của Ngài. Vì tiền tài tranh chấp mà đi kiện cáo, hai người này bị thua, phán quyết hai người thua, sau khi thua hai người này treo cổ tự vẫn, Ngài vô cùng hối hận, không nên vì một chút việc nhỏ bé này mà cướp đi hai mạng người. Bây giờ thấy họ đến, ngài rất lo sợ, nhưng thấy họ đi vào với thái độ rất ôn hòa, hình như không có ác ý, trong lòng hơi bình tĩnh một chút, hỏi họ; Quí vị đến đây có việc gì không? Họ nói đến xin được siêu độ, thế thì ngài yên tâm rồi, đến cầu siêu độ mà. Ngài nói; Vậy các ông muốn tôi phải làm thế nào? Hai người nói, chỉ cần ông hứa khả là được rồi. Được, tôi hứa khả! Bèn nhìn thấy hai vong hồn này, đạp vào đầu gối của Ngài, đạp vào vai ngài, thăng thiên. Dễ dàng như vậy thôi, không hề có nghi thức gì hết. Hai người này đi rồi, không bao lâu lại đến hai người nữa, là vợ của Ngài ngày trước, và con của Ngài, họ đều chết rồi, đến trước mặt Ngài cũng cầu xin siêu độ, cũng cách đó, Ngài đồng ý, nhìn thấy hai vong hồn này, cũng đạp vào đầu gối, đạp vào vai mà thăng thiên. Không có công phu thì chẳng xong, công lực này của Ngài chính là 8 năm. Trong đạo Phật thường nói, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Lực dụng như thế mà có được, bát tải hàn song độc Lăng Nghiêm, thành tựu được phương tiện lực của Ngài. Bạn xem oan thân trái chủ, thân bằng quyến thuộc Ngài đã dùng được, từ ác đạo đưa họ lên thiên đạo, tốt hơn con người rất nhiều. Đây là nói về công lực, cho nên Bồ tát có tâm Đại bi, có phương tiện, có phương tiện mới gọi là cứu cánh. Phương tiện chính là phương pháp thích hợp nhất, phương pháp đơn giản nhất, phương pháp ổn định nhất, phương pháp nhanh chóng nhất. Phương tiện là cứu cánh nghĩa là sao? Niệm Phật là phương tiện. Phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, nhưng mà phải nên nhớ rằng, niệm niệm phổ lợi chúng sanh, không nên vì mình, phạm vi phải lớn, niệm niệm là thập pháp giới, biến pháp giới hư không giới tất cả khổ nạn chúng sanh. Tâm lượng lớn như vậy, có thể làm được không? Làm được! Chỉ cần bạn dùng tâm chân thành, thì bạn sẽ làm được. Nếu như trong đây có pha một chút tự tư tự lợi, pha một chút tập khí phiền não, thì bạn sẽ không làm được, sẽ phá hoại hết toàn bộ công lực của bạn, cho nên không được pha một chút nào cả. Hàng ngày trong cuộc sống, trong công việc, trong tiếp nhân xử thế, tập cái gì? Tập buông bỏ chấp trước, buông bỏ phân biệt, tập cái đó đó, đó gọi là chân công phu. Không buông bỏ được thì phải làm sao? Không buông bỏ được, lập tức quy hướng A Di Đà Phật. Người xưa có dạy: “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, bất luận là thiện niệm hay ác niệm, không cần phải lý tới nó. Vì sao vậy? thiện niệm hay ác niệm, không phải là chân, nó là vọng niệm. Lập tức chuyển biến thành A Di Đà Phật, đây là chánh niệm, niệm niệm phổ lợi quần sanh, chính là niệm niệm A Di Đà Phật. Tôi đem công đức niệm A Di Đà Phật, hồi hướng cho tất cả chúng sanh khổ nạn, cầu chúc cho họ thân tâm khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an hòa, thiên hạ thái bình, nguyện này hay! Nên biết rằng, mỗi một niệm đều biến pháp giới hư không giới.
Hiền Thủ quốc sư có dạy trong Hoàn Nguyên Quán rằng: Mỗi một niệm đều xuất sanh vô tận, mỗi một niệm đều hàm dung có không, chính là tâm bao thái hư, lượng châu sa giới, loại tâm niệm này, mới gọi là Bồ tát đại thừa.
“Tùy duyên diệu dụng”, đó là nguyên tắc tối cao, “oai nghi hữu tắc”, là mô phạm phải làm bây giờ, không phải vì mình, là làm mô phạm tốt cho toàn thể xã hội. Phàm những gì không tốt, quyết định không làm. Khởi tâm động niệm, tự mình nghĩ xem, tâm niệm này của mình có được hay không, nếu như cả xã hội này đều giống như tâm niệm này của mình, thế giới này sẽ như thế nào đây? Nên suy nghĩ, nếu là tự tư tự lợi, nếu là tham sân si mạn, như thế có được không? Thế giới này sẽ bị hủy diệt mất. Vì sao lại có tâm niệm này? Mê hoặc! Giác ngộ thì không có. Giác ngộ; Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, đều phải làm mẫu mực hay nhất, làm gương mẫu cho xã hội, thế thì nhất định phải học theo sách Đệ Tử Quy, làm được thiên cảm ứng, làm được thập thiện nghiệp, học kỹ Sa Di Luật Nghi, đây là cơ bản nhất. Tất cả những điều này đều làm được, đó là mẫu mực hay.
Chúng ta chúc phúc cho tất cả chúng sanh khổ nạn, đó không phải là khẩu hiệu, thật sự có thể thật hiện. Tiếp nhân xử thế, thái độ của Phật giáo chúng ta là nhu hòa chất trực, bất luận là đối với ai, ngôn ngữ phải nhu hòa, thái độ nên thành kính. Chất trực là chân thành cung kính, mình phải nên học khiên tốn hữu lễ. Phải khẳng định thế gian không có người xấu, tâm niệm này vô cùng quan trọng, tâm này chính là tâm đồng thể Đại bi. Người kia tạo tội ngũ nghịch thập ác, là nhất thời mê hoặc, chẳng phải chân tâm, là vọng tâm của người đó, do tập khí bất thiện tạo thành, chân tâm của họ bổn thiện. Người này có tâm Bồ đề, tâm Bồ đề là chân tâm của họ, vẫn chưa hiển lộ, bị phiền não tập khí che mất rồi, chỉ cần bỏ đi hết chướng ngại, thì chân tâm bổn thiện sẽ hiện tiền, người này là tâm Phật, người này là tánh Phật. Tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai, cái này chẳng thể không biết, nếu bạn thật sự hiểu, thì bạn sẽ không có oan thân trái chủ. Oan thân trái chủ biến hết thành Phật Bồ tát, tuy họ vẫn chưa có thể biến ra được, nhưng mà trong tâm mình đã thay đổi rồi. Bạn nghĩ xem tâm của chúng ta có dễ chịu không, tâm của chúng ta có đẹp không? Trong kinh Phật thường dạy chúng ta: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, hoàn cảnh mà chúng ta thọ dụng có đẹp không. Có liên quan gì đến người khác không? Không liên quan gì. Nếu như có liên quan, thì hoàn cảnh của Chư Phật Bồ tát sẽ không tốt nữa. Vì sao chư Phật Như Lai vĩnh viễn ở Thật báo độ? Có sống cùng chúng ta, thì các Ngài vẫn ở Thật báo độ, chắc chắn không bị thập pháp giới lục đạo làm ảnh hưởng, thế mới gọi là được Đại tự tại, thế mới gọi là chứng đại thần thông, cho nên các ngài đầy đủ vô lượng thần thông phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Câu cuối cùng của tứ đức là “thay chúng sanh khổ”, đặc biệt là vào thời đại ngày nay, chúng sanh mê muội quá nặng, thời gian mê muội dài, chúng ta sống với họ hòa quang đồng trần.
Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, từ 19 tuổi xuất gia, đến 80 tuổi viên tịch, thời gian 60 năm trụ thế, dùng phương pháp gì? Khổ hạnh tăng! Thị hiện làm khổ hạnh tăng, mỗi ngày một bữa, ở dưới gốc cây, ba y một bát, 12 năm cầu học, 49 năm dạy học, đây là thay chúng sanh khổ, làm như vậy, cho mọi người xem, thật sự buông bỏ. Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều buông bỏ hết, không hề dính mắc. Ngài đã làm được rồi, cho nên Ngài dạy chúng ta, chính bản thân chúng ta tự biết thể lực chưa được, phương pháp sinh hoạt của Ngài chúng ta không làm được, chúng ta phải nên sanh lòng hổ thẹn. Nhu cầu cuộc sống không nên quá nhiều, quá nhiều thì làm sao xứng đáng với đức Phật đây. Chúng ta có nghĩ đến việc thay chúng sanh khổ không? Sự biểu diễn một đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc sắp lâm chung vẫn còn thuyết pháp cho chúng sanh, vẫn còn nhắc nhở người đời sau.
Hiểu ơn thì mới thật sự biết được báo ơn, không hiểu ơn thì không biết báo ơn đâu. Báo cách nào đây? Y giáo phụng hành.
Quả giác, vô thỉ vô minh đoạn tận, chứng được quả báo cứu cánh viên mãn, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là Diệu Giác Vị, thành tựu địa vị này, thì được đại viên mãn. Sau khi viên mãn, thì hoàn toàn đi giúp chúng sanh quay đầu, giúp cho chúng sanh chứng được đại viên mãn giống như mình vậy, đây gọi là cứu cánh xứ.
Cho nên sau khi kế thể tánh tông thú, luận bổn kinh, đại lực đại dụng phương tiện thắng diệu, đây chính là nguồn gốc của chương này. Đầu tiên giải nghĩa về hàm ý của danh từ “phương tiện lực dụng”. Tiếp tục coi bổn kinh lực dụng, như trong kinh Quán Phật Tam Muội có ghi: “ Phật cáo phụ vương, chư Phật xuất thế có 3 lợi ích, một là, khẩu thuyết 12 bộ kinh, pháp thí lợi ích, có thể trừ vô minh ám cấu của chúng sanh, mở trí huệ nhãn, sanh trước chư Phật, sớm đắc vô thượng bồ đề.
Đức Phật đến thế gian, xuất hiện ở thế gian, cho con người ở thế gian 3 điều lợi ích thù thắng. Lợi ích thứ nhất là gì? Là dạy học. Ngôn giáo, thân hành ngôn giáo, thân phải làm mẫu mực, làm mẫu mực cho chúng sanh coi, dùng ngôn ngữ giáo hóa chúng sanh, nói 12 bộ kinh, đức Phật giảng kinh, sử dụng 12 phương pháp khác nhau, trong văn học hiện tại nói là thể tài. Đức Phật giảng kinh có 12 loại thể tài, đây chính là tất cả kinh điển ngài đã nói 49 năm.
Pháp thí lợi ích. Đây là pháp bố thí, lợi ích này có thể trừ được vô minh ám cấu của chúng sanh. Ám cấu là phiền não, phiền não kiến tư hoặc là cấu, phiền não trần sa hoặc là ám. Vô minh trong câu này, bao gồm ba loại đại phiền não. Chúng sanh sở dĩ làm chúng sanh, chính là bị ba loại phiền não này trói buộc, không thể siêu việt được. Trong kinh Hoa Nghiêm nói cho chúng ta biết, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chấp trước là cấu, phân biệt là ám, vọng tưởng là vô minh. Ba thứ này hại chúng ta, vô lượng kiếp, ở trong lục đạo sanh tử luân hồi, khổ không kể xiết. Các vị nhất định phải hiểu rõ, ở trong lục đạo, chắc chắn thời gian ở trong ba ác đạo dài, thời gian ở ba đường thiện ngắn, điều này phải biết. Lấy thọ mạng mà nói, thời gian của cõi người rất ngắn, suốt cuộc đời người sống được trăm tuổi không nhiều, tuy sống được trăm tuổi, nhưng đem so với cõi trời, đem so với trời Đao Lợi, một ngày ở cõi trời Đao Lợi, bằng 100 năm ở cõi người, người sống được trăm tuổi, bằng một ngày ở trời Đao Lợi. Nếu như so với Tứ Vương Thiên, một ngày ở Tứ Vương thiên, là 50 năm ở cõi người, bất quá chỉ là hai ngày, hai ngày ở Tứ Vương thiên. Đó là so với cõi trên, còn so với cõi dưới, cõi ngạ quỷ, thọ mạng của quỷ dài, trong cõi quỷ một ngày, là một tháng ở nhân gian, cho nên cõi nhân gian tế bái quỷ thần, mùng một mười lăm tế tự cúng dường, vừa đúng bữa sáng, bữa tối, bữa trưa, 15 ngày một lần cúng dường. Cõi nhân gian một tháng bằng ở đó một ngày. Thọ mạng của họ, đại khái sống một ngàn tuổi là chuyện bình thường, là bạn hiểu được, ở trong cõi quỷ không dễ ra đâu. Nếu như đọa vào địa ngục thì càng phiền phức, ở địa ngục sự sai biệt về thời gian rất lớn, địa ngục bình thường, không phải rất nghiêm trọng, ngày xưa Thầy Lý khi giảng kinh nói cho chúng tôi nghe, đại khái ở nhân gian 2700 năm, bằng địa ngục một ngày, đó vẫn chưa phải là dài nhất đâu, bạn nói bạn nghĩ ra được có khó không. Thời gian, nói cho đúng, thời gian và không gian đều không có thật, chỉ là khái niệm trừu tượng, đều từ trong tâm ý thức của bạn biến hiện ra thôi, cảm thọ bất đồng, khi chúng ta ở chỗ khổ nạn, một ngày như một năm, khi vui sướng, cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh, làm sao một chút là hết mất rồi. Tất cả chúng sanh trong Thập pháp giới, quan niệm đối với thời gian đều là tánh chất này, ngày khổ cực rất khó vượt qua. Chư Phật Bồ tát ở thế gian này, giáo hóa chúng sanh, giảng kinh thuyết pháp, có thể giúp cho chúng sanh đoạn phiền não, sanh trí huệ, nếu phiền não không đoạn, trí huệ sẽ không sanh khởi, bạn có học nhiều thứ, đó chỉ là tri thức, chẳng phải trí huệ. Tri thức không thể giải quyết được vấn đề sanh tử, không thể thăng hoa linh tánh, trí huệ thì có thể. Trí huệ phát sanh từ tâm thanh tịnh, từ tâm bình đẳng. Tâm của bạn không thanh tịnh, tâm của bạn không bình đẳng, chỉ sanh phiền não, không sanh trí huệ. Nghe kinh học giáo cũng không ngoại lệ, bạn có thật sự nghe hiểu không? Thật sự được lợi ích không? Các vị Cổ đức cao minh nhìn là biết liền. nhìn từ đâu? Giống như tiêu chuẩn Ấn Quang đại sư giảng: Một phần thành kính được một phần lợi ích, thập phần thành kính được thập phần lợi ích, coi tâm thanh tịnh của bạn. Coi chỗ nào? Coi mức độ tự tư tự lợi của bạn, coi mức độ đối với danh văn lợi dưỡng của bạn. Nếu như bạn coi nhẹ sự tự tư tự lợi, coi nhẹ danh văn lợi dưỡng, chắc chắn bạn nghe kinh, thật sự nghe được tinh túy trong đó, bạn cảm nhận được. Nếu như tâm danh lợi của bạn nặng nề, dù Đức Phật có giảng kinh thuyết pháp ở đây, bạn cũng nghe không vào. Vì sao vậy? Vì bị chướng ngại làm chướng ngại, chẳng phải đức Phật không bình đẳng, mà là nghiệp chướng của mỗi người nặng nhẹ khác nhau. Người nghiệp chướng nhẹ rất dễ nhập môn, người này nghe hiểu, thật sự cảm nhận được, người nghiệp chướng sâu nặng thì không được. Nghiệp chướng sâu nặng như chúng ta thì phải làm sao đây? Chỉ có một cách duy nhất, là trường thời huân tu, ngày nào cũng nghe, nghe 20 năm, 30 năm; A! hiểu rồi, nhập môn rồi. Nghe đến 40 năm, 50 năm, từ từ khế nhập, sanh pháp hỷ, thế thì cảm nhận được.
Thái độ học tập của học sinh ngày nay không được, nó không nghe vào tai điều gì hết, bạn xem nghe kinh nghe một lần; Ê! bộ kinh này tôi nghe qua rồi. Giảng lần thứ hai; tôi không nghe kinh này đâu, tôi đã nghe rồi mà. Vốn là nghe không hiểu! Người xưa dạy: “đọc sách ngàn lần, kỳ nghĩa tự kiến”. Chúng ta ngày nay nghe kinh mà nghe được ngàn lần, thì làm gì có lý không khai ngộ! Vì sao vậy? Nghe một ngàn lần, tâm định rồi, tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm thanh tịnh sanh trí huệ, thì sẽ khai ngộ, người này thật sự nhập cảnh giới. Nhập cảnh giới cạn hay sâu, là mức độ tâm thanh tịnh của người này, có được một phần thanh tịnh, thì thâm nhập được một phần, có được thập phần thanh tịnh, thì thâm nhập được thập phần. Vì sao vậy? Vì tất cả kinh của Đức Phật nói, đều từ Tự tánh lưu xuất. Nghe hiểu là bạn khế nhập được Tự tánh, là như vậy thôi. Tự tánh của đức Phật và Tự tánh của mình là một Tự tánh, chứ không phải là hai Tự tánh. Những gì đức Phật làm là chính mình làm, những gì đức Phật nói cũng là chính mình nói, nhất định phải dùng tâm tự tánh thanh tịnh mới có thể khế nhập.
Cho nên đoạn phiền não khai trí huệ, khai trí huệ, còn phải làm sao nữa? Phải được sanh ra trước Phật. Bạn nên biết, vững vàng, nhanh chóng, thành tựu. Sanh trước Phật là vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đã nhanh chóng thành tựu, không cần vô lượng kiếp, không cần ba đại a tăng kỳ kiếp, nhanh chóng thành tựu, sớm đắc Vô thượng Bồ đề, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bạn xem lợi ích như thế, nếu chẳng phải Đức Phật xuất hiện ở thế gian này thì bạn không có được đâu.
Lợi ích thứ hai là, chư Phật Như Lai, có thân tướng trang nghiêm, vô lượng diệu hảo, nếu có chúng sanh xưng niệm quán sát, hoặc tổng tướng, hoặc biệt tướng, bất luận thân Phật hiện tại hay quá khứ, đều có thể trừ diệt tội tứ trọng ngũ nghịch của chúng sanh, ra khỏi tam đồ.
Đoạn trước nói, điều thứ nhất là khẩu nghiệp của đức Phật lợi ích chúng sanh. Điều thứ hai là thân nghiệp của Đức Phật lợi ích chúng sanh. Chư Phật Như Lai thân tướng quang minh. Người thời nay nói gì? Nói từ trường. Người Trung Quốc nói là không khí. Mỗi người có từ trường của riêng mình, mỗi người có không khí riêng của mình. Bạn xem có người từ trường tốt, chúng ta tiếp xúc với từ trường của người đó, cảm nhận thấy yên ổn, có thể khiến tâm bạn an định, ít vọng niệm, đầu óc sáng suốt, từ trường này nhiếp thọ người. Người thật sự có tu tập, có đức hạnh thì khác. Từ trường của Chương Gia đại sư tốt, cảm nhận được rõ ràng, vào đến cửa chỗ Ngài ở, không khí khác hẳn, vào trong phòng khách của Ngài, là cảm nhận thấy rất an lạc, rất dễ chịu, bạn sẽ có cảm giác đó, bạn sẽ không muốn đi, tuy Ngài không nói một câu nào, nhưng mình cũng muốn ngồi thêm mấy phút nữa, hưởng thụ từ trường của Ngài. Đây chính là thân tướng quang minh mà Phật giáo đề cập, trong khí công thì nói là khí trường, có từ trường này khiến bạn cảm nhận được.
Thân tướng của chư Phật Bồ tát, thật sự là từ trường lợi ích cho tất cả chúng sanh. Từ trường cũng biến hóa. Đoạn trước có nói, nhân người, nhân thời, nhân địa, nhân việc có khác, đều làm cho bạn cảm nhận được diệu hảo, vô lượng diệu hảo. Đó là việc tự nhiên, có thể nhiếp thọ tất cả chúng sanh.
Nếu có chúng sanh xưng niệm quán sát; Xưng là xưng danh, giống như chúng ta niệm danh hiệu Phật Bồ tát, niệm Nam mô A Di Đà Phật, niệm Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát, nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát, đó là xưng. Niệm là ức niệm, không niệm thành tiếng, trong tâm niệm, trong tâm nghĩ tưởng Phật. Chương Viên Thông nói, ức Phật niệm Phật, hiện tại vị lai chắc chắn thấy Phật. Ức niệm, trong tâm thật sự có.
Quán sát, quán sát là có hình tướng của Phật Bồ tát, hoặc tổng tướng, hoặc biệt tướng. Tổng tướng là thấy tướng toàn thân của Phật Bồ tát, biệt tướng là nhìn thấy một phần, hoặc là nhìn thấy tướng nhục kế, vô kiến đảnh tướng, vô kiến đảnh tướng trên nhục kế, hoặc là thấy tướng bạch hào, giữa chặn mày có hai cọng bạch hào quyện vào nhau, giống như viên châu. Hoặc là quán sát tướng thủ ấn của Phật Bồ tát, đó là thấy biệt tướng.
Không hỏi thân Phật hiện tại quá khứ, điều này đều không cần hỏi. Hiện tại, là Phật Bồ tát trụ thế, quá khứ thì chúng ta có thể tạo đắp hình tượng của Phật bồ tát, hoặc là vẽ, vẽ hình tượng của Phật bồ tát. Hiện nay tiện nhất là chụp hình, chúng ta nhìn thấy tượng Phật bồ tát rất trang nghiêm, tâm sanh hoan hỷ, chúng ta chụp hình lại, mang về nhà thờ cúng, đem hình tượng của Phật bồ tát ở đạo tràng mang về nhà cúng dường.
Đều có thể trừ diệt tội tứ trọng ngũ nghịch của chúng sanh. Nghĩa là sao vậy? Có nghĩa là tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, đem tâm niệm bất thiện của bạn chuyển biến. Tứ trọng là nói về giới, tứ trọng giới: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, tứ trọng giới, tội tứ trọng này đều là địa ngục. Ngũ nghịch là tội A tỳ địa ngục, ngũ nghịch là tội; Giết cha, giết mẹ, giết A la hán, Phật thì không giết được, phước báo của Ngài lớn lắm, nhưng làm thân Phật chảy máu. Đó là Đề Bà Đạt Đa, khi còn tại thế muốn hại đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông ta biết hàng ngày đức Phật đi khất thực, đều phải đi qua sườn núi này, ông ta ở bên trên lăn một cục đá rất lớn xuống, khi đức Phật đi ngang qua, ông ta lăn cục đá xuống, muốn đè chết đức Phật. Phước báo của đức Phật lớn, Bồ tát Vi Đà hộ pháp, khi đó ngài dùng chày Kim Cang chặn ngang cục đá, chặn ngang cục đá bể nát, một miểng đá văng vào chân đức Phật làm chảy máu, đó gọi là làm thân Phật chảy máu. Cuối cùng là phá hòa hợp tăng, đây cũng là tội A tỳ địa ngục. Cho nên ngày nay phá hoại hình tượng của Phật giáo, đó cũng đều là tội phá hòa hợp Tăng. Ngày nay chúng ta mang hình tướng xuất gia, sống trong xã hội này, nếu chúng ta làm những việc không đúng pháp, làm cho xã hội phê bình Phật giáo, hủy báng Phật giáo, lăng mạ Phật giáo, thì chúng ta phạm tội rồi. Cho nên tứ chúng đệ tử, phải nên thường thường nể mặt đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không thể để cho đức Phật Thích Ca mất mặt. Người xưa dạy, chúng ta nên dán vàng lên mặt đức Phật, đó là công đức. Y giáo phụng hành, để người khác tán thán đức Phật, cung kính Phật, đó chính là đã dán vàng lên mặt đức Phật rồi. Nếu như chúng ta làm không đúng pháp, vẫn còn tự tư tự lợi, vẫn là tham sân si mạn, vẫn là tổn người lợi mình, như vậy thì giống như bôi lọ nghẹ lên mặt đức Phật, làm cho xã hội khởi tâm oán hận Phật giáo, khởi tâm hủy báng Phật giáo, như vậy thì hỏng mất. Cho nên phá hoại hình tượng của Phật giáo, ngũ nghịch tội là đọa vào đại ngục A tỳ, quả báo rất nặng. Chúng ta thường thấy được tượng Phật, 32 tướng của đức Phật, có nghĩa là gì cần nên hiểu, 32 tướng là quả báo, 32 loại thiện hành chiêu cảm ra quả báo, có thể tra trong đại từ điển Phật học. Lúc trước tôi giảng kinh Kim Cang, trong kinh Kim Cang Giảng Nghĩa của Giang Vị Nông cư sĩ giảng rất rõ ràng, nghiệp nhân của 32 tướng, mỗi mỗi đều nói rõ. 80 loại tùy hình hảo, lưỡi của đức Phật le ra, có thể trùm hết khuôn mặt, gọi là Quảng trường thiệt tướng. Quả báo là gì vậy? Là đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ. Đức Phật giảng trong kinh, nếu như một người có thể 3 đời không vọng ngữ, lưỡi có thể liếm đến chóp mũi, le lưỡi ra liếm được chóp mũi là 3 đời không vọng ngữ. Đức Phật đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, cho nên lưỡi của Ngài rất mỏng, sau khi le ra có thể che hết khuôn mặt. Tướng hảo do tu mà thành, đức Phật hiện ra 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là dạy chúng ta phải tu nhân tốt, nhân tốt thì sẽ có quả báo tốt. Người tâm tốt thì tướng sẽ tốt, hành vi tốt thì thân thể khỏe mạnh, thân tâm là đại biểu tu tập của chúng ta. Bạn có thật sự tu tập không, tu như thế nào, nhìn thấy hình tướng của bạn, thấy thân thể của bạn là biết được thôi, không cần hỏi gì hết, nhìn là biết được. Công phu của bạn, là ở trên khuôn mặt của bạn, ở nơi hành vi của bạn, làm sao bạn gạt người ta được. Cho nên thường xưng niệm quán sát tượng Phật, nghĩa là sao? Nghĩa là 16 quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói. Bạn thật sự có thể tu, có thể tu chính là ngưỡng mộ đức Phật, cung kính đức Phật, quí mến đức Phật, học tập với đức Phật. Mình phải giống như ngài vậy, thế thì tứ trọng tội và ngũ nghịch tội của bạn, đều được hóa giải, ra khỏi tam đồ, vĩnh viễn không bao giờ đọa và tam ác đạo nữa.
Tùy ý mong muốn, thường sanh Tịnh độ cho đến làm Phật. Đây là nói về lợi ích, có thể tùy theo ý của mình, tôi muốn về thế giới Tây phương Cực lạc, chắc chắn bạn sẽ được mãn nguyện. Thường sanh tịnh độ cho đến ngày thành Phật, đó là lợi ích thân nghiệp của đức Phật.
Tiếp tục coi loại thứ 3, loại thứ 3 là lợi ích của ý nghiệp. Thứ 3, khuyên răn phụ vương hành niệm Phật tam muội. Đó là khuyên tất cả chúng sanh tu pháp môn niệm Phật, dùng phương pháp gì để khuyên? Ngài khuyên cha của Ngài, quan hệ phụ tử quá thân thiết, phu tử hữu thân, Ngài khuyên phụ thân của mình tu pháp môn này, chắc chắn là pháp môn tối cao. Pháp môn tối thù thắng, cúng dường phụ mẫu, dùng pháp môn nào cúng dường phụ mẫu? Pháp môn niệm Phật, Ngài không khuyên tu pháp môn nào khác, mà tu niệm Phật tam muội, làm mẫu mực cho chúng ta coi, cho nên đức Phật xuất hiện trên thế gian này, có 3 loại lợi ích của thân khẩu ý.
Dưới đây có giải thích; Phụ vương bạch Phật, Phật địa quả đức, như chân thật tướng, đệ nhất nghĩa không, nhân gì không thấy chư đệ tử hành như vậy?
Đây là sự thành tựu chân thật của Như Lai quả địa, vì sao thầy không kêu học trò của thầy học đi?
Phật cáo phụ vương, quả đức của chư Phật, có vô lượng cảnh giới thâm diệu, thần thông giải thoát, chẳng phải cảnh giới mà phàm phu có thể làm được, cho nên khuyên phụ vương hành niệm Phật tam muội.
Điều này chúng ta chẳng thể không biết, chân như thật tướng, đệ nhất nghĩa không; Được. Ai chứng được cảnh giới này? Pháp thân Bồ tát chứng được. Vì sao vậy? Vì ngài đã bỏ hết vọng tưởng phân biệt chấp trước, ngay cả tập khí phân biệt chấp trước cũng không có, chỉ có tập khí vô thỉ vô minh là chưa đoạn tận, họ tu tập, chính là Chân như thật tướng, đệ nhất nghĩa không. Ở đâu vậy? Ở Thật báo trang nghiêm độ, chẳng phải trong Thập pháp giới, càng không phải ở trong lục đạo, cho nên đức Phật đã nói với phụ vương rất hay: Quả đức của chư Phật, có vô lượng cảnh giới thâm diệu, thần thông giải thoát, đều hiển hiện ở Thật báo độ, hiển hiện ở chỗ nào vậy? Hiển hiện ở chỗ chúng sanh có cảm, Phật Bồ tát có ứng, đó đều là Pháp thân Bồ tát, ứng hóa ở biến pháp giới hư không giới, trong Thập pháp giới nơi quốc độ của chư Phật, vì Thập pháp giới chúng sanh mà làm 3 loại lợi ích như trên đã giảng, giúp chúng sanh diệt tội, giúp chúng sanh được phước, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, giúp cho chúng sanh hồi quy tự tánh, đó chẳng phải là cảnh giới của phàm phu. Thập pháp giới, Tứ thánh pháp giới, cũng là phàm phu, đó là ngoại phàm, họ còn chưa làm được, hà huống là lục đạo nội phàm. Cho nên đức Phật khuyên phụ vương hành niệm Phật tam muội. Vì sao vậy? Vì niệm Phật tam muội, vững vàng, phương tiện, nhanh chóng, dễ dàng tu tập, thành tựu không gì sánh bằng, phiền não tập khí chưa đoạn, chỉ cần khi lâm mạng chung thời, bạn thật sự điều phục được nó, phiền não tạm thời không khởi tác dụng, thì có thể vãng sanh. Một niệm hàng phục, mười niệm hàng phục, người này sanh về thế giới Cực lạc. Sanh về thế giới Cực lạc, tập khí phiền não vĩnh viễn không tái phát, điều này rất khó, hơn nữa ở thế giới Tây phương Cực lạc, phàm thánh đồng cư độ hạ hạ phẩm vãng sanh, người này sẽ được hưởng thụ quyền lợi của A duy việt trí. Thật là không thể nghĩ bàn, Ngài đã đem pháp môn tối thắng không gì bằng này, cúng dường phụ mẫu, khuyên răn phụ mẫu tu tập. Cũng là khuyên tất cả chúng sanh có duyên, thế nào gọi là có duyên? Họ chịu tin, họ chịu phát nguyện, chịu làm, gọi là người có duyên. Người có duyên chắc chắn một đời được độ. Hôm nay hết giờ rồi, chúng ta học đến đây.
HẾT TẬP 32