TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến, Huệ Trang và Đức Phong

 

TẬP 29

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang ba mươi, dòng thứ sáu đọc từ dưới lên.

“Cánh hữu tấn giả, như Yếu Giải vân: Đương tri ngô nhân đại sự nhân duyên, Đồng Cư nhất quan tối nan thấu thoát” (tiến cao hơn nữa sẽ như sách Yếu Giải đã nói: “Phải nên biết, đối với đại sự nhân duyên của chúng ta, một cửa ải Đồng Cư khó vượt thoát nhất”). Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói như thế. Đoạn văn giảng về Tông Thú này rất dài, cũng nhằm thuyết minh một chủ đề vô cùng quan trọng trong tu học Tịnh Tông, giảng về phương hướng tu học và mục tiêu của chúng ta, ắt phải hiểu rất rõ ràng, rành rẽ thì chúng ta mới có thể thành tựu trong một đời này. Qua câu này, Ngẫu Ích đại sư đã nhắc nhở chúng ta: Cần phải biết rằng, đối với chúng ta, nói theo cách bây giờ là những kẻ phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đó là chuyện lớn, còn có chuyện nào khác lớn hơn được nữa? Liễu sanh tử, thoát tam giới, thành Phật quả viên mãn rốt ráo, còn có chuyện gì lớn hơn chuyện này? Trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn nói: Ngài vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trong cõi đời; nói cách khác, những chuyện khác thì những bậc thánh hiền, hào kiệt thông minh, trí huệ trong thế gian này có thể giải quyết, chỉ riêng chuyện này là họ chẳng có cách nào, chẳng ai có thể giải quyết, nên chư Phật, Bồ Tát mới xuất hiện trong cõi đời. Nếu có ai khác có khả năng giải quyết, chư Phật, Bồ Tát chẳng cần phải chuốc lấy phiền phức! Khải thị này rất quan trọng, chúng ta phải học tập. Một ải Đồng Cư là khó nhất, [hễ vượt qua được cửa ải này thì] những cõi trên đó đều thuận tiện hơn. Đúng như ngạn ngữ thế gian đã nói: “Phàm sự khởi đầu nan” (凡事起頭難: Mọi việc khởi đầu đều khó khăn). Tu học Phật pháp là trở về tự tánh, cũng là một bước khởi đầu rất khó, khó “thấu thoát” nhất, “thấu” (透) là hiểu rõ, “thoát” (脫) là giải thoát, thoát ly lục đạo luân hồi, thoát ly tam giới.

Tiếp theo đó, cụ Niệm Tổ viết: “Cái dĩ Đồng Cư độ chi phàm phu” (bởi lẽ, phàm phu trong cõi Đồng Cư), tức là lục đạo phàm phu, “tu đoạn tận Kiến Tư nhị Hoặc, phương đắc Lậu Tận Thông, thỉ tiệt sanh tử lưu, xuất Đồng Cư, nhi thăng Phương Tiện Hữu Dư độ, thử danh thụ xuất tam giới, kỳ sự thậm nan dã” (phải đoạn hai thứ Hoặc là Kiến Hoặc và Tư Hoặc, mới đắc Lậu Tận Thông, cắt đứt dòng chảy sanh tử, thoát khỏi Đồng Cư, vượt lên cõi Phương Tiện Hữu Dư. Đó gọi là “vượt khỏi tam giới theo chiều dọc”, chuyện này rất khó). Do đâu mà có phàm phu trong lục đạo? Nay chúng ta cũng hiểu rõ: Lục đạo là cảnh giới do Kiến Tư phiền não biến hiện. Cách nhìn sai lầm, cách nghĩ sai lầm; Kiến Hoặc là cách nhìn sai lầm, Tư Hoặc là cách nghĩ sai lầm, cũng có nghĩa là quý vị nhìn sai, nghĩ trật đối với chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Do vậy, biến hiện cảnh giới sai lầm; cảnh giới sai lầm là lục đạo luân hồi. Đấy là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, trong đó có cả thánh lẫn phàm, đã được giới thiệu trong phần trước. Phải đoạn hai loại đại phiền não này, hai loại phiền não lớn này đều là vô lượng vô biên. Nhằm thuận tiện dạy bảo, đức Phật đã quy nạp lại, quy nạp Kiến Hoặc thành tám mươi tám phẩm, quy nạp Tư Hoặc thành tám mươi mốt phẩm, chia ra thành chín địa, mỗi địa gồm chín phẩm, chín lần chín thành tám mươi mốt phẩm, đều phải đoạn tận [tám mươi mốt phẩm ấy] thì mới có thể cắt đứt dòng sanh tử, tức là đoạn luân hồi sanh tử trong lục đạo, lục đạo chẳng còn nữa. Do vậy, lục đạo là giả, chẳng thật. Quý vị đã đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ chẳng có lục đạo. Kẻ chưa đoạn Kiến Tư phiền não, vẫn ở trong lục đạo. Cộng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau! Kiến Tư phiền não nhiều như thế, nên để thuận tiện dạy học, đức Phật đã quy nạp Kiến Tư phiền não thành năm loại lớn để nói cho tiện. Kiến giải sai lầm thì điều đầu tiên là hiểu lầm thân thể là chính mình. Đó là sai lầm đầu tiên; vì thế, thứ đầu tiên phải phá trong Kiến Hoặc là Thân Kiến, thật sự giác ngộ thân chẳng phải là chính mình. Thân là gì? Thân là cái ta có, chẳng phải là ta. Rốt cuộc trong Phật pháp có nói đến Ngã hay chăng? Có! Có Chân Ngã. Quý vị thấy trong Đại Bát Niết Bàn của Như Lai có bốn tịnh đức, tức là có bốn thứ chân thật, đó là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, bốn tịnh đức này thật sự có. Thường là gì? Vĩnh hằng, bất sanh, bất diệt, chẳng có biến hóa; đó là Chân Thường. Chân Lạc là gì? Hai bên khổ và vui đều không có, đó là Chân Lạc. Khổ và Lạc là tương đối, tương đối sẽ chẳng vĩnh hằng. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta: Ngay cả sự vui trên thế gian này phải từ bỏ, trong ấy có đạo lý, nó là giả, chẳng thật. Nếu thật thì có bỏ cũng bỏ chẳng được! Hễ có sanh thì có diệt; phàm những gì có sanh và có diệt đều gọi là pháp sanh diệt, đều là chẳng thật.

Thân thể có sanh, có diệt, linh tánh bất sanh, bất diệt, linh tánh là chính mình. Huệ Năng đại sư kiến tánh, đã tìm được linh tánh, linh tánh là như thế nào? Đầu tiên là thanh tịnh, “nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, chưa từng bị ô nhiễm. Dẫu đọa lạc trong ngạ quỷ hay trong địa ngục, vẫn chẳng bị ô nhiễm. Đức Phật cũng thường nói tới ô nhiễm, cái bị ô nhiễm là gì? A Lại Da bị ô nhiễm, bản thân A Lại Da cũng là pháp sanh diệt; do vậy, nó chẳng thật. Nó là từ chân khởi vọng, biến thành vọng. Đó là điều thứ nhất [trong Kiến Hoặc], là cội nguồn của hết thảy các biến hóa chẳng chân thật. Trong các tôn giáo thường nói tới Tạo Vật Chủ (Tạo Hóa), ai là Tạo Vật Chủ? A Lại Da là Tạo Vật Chủ, pháp Đại Thừa giảng điều này rất rõ ràng. Sách Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán cũng cho biết: Nhất niệm bất giác, từ trong tự tánh biến hiện A Lại Da. A Lại Da có ba tế tướng: Nghiệp tướng, chuyển tướng, cảnh giới tướng; nói theo danh từ khoa học hiện thời là năng lượng, thông tin, và vật chất, [những điều này] có cùng một ý nghĩa với A Lại Da. Năng lượng là nghiệp tướng của A Lại Da, thông tin là chuyển tướng của A Lại Da, vật chất là cảnh giới tướng của A Lại Da. Trừ những thứ này ra, trọn khắp pháp giới, hư không giới, chẳng có một pháp nào để có thể được! Tất cả hết thảy trang nghiêm nơi y báo và chánh báo đều từ nó biến hiện ra, nên gọi là “duy thức sở biến”. Nó là năng biến (chủ thể có khả năng biến), hết thảy các pháp là sở biến (cái được biến hiện). Đã có thể biến thì nhất định phải có “cái có thể sanh” (năng sanh). Nếu không có năng sanh, nó sẽ biến gì? Tự tánh năng sanh, năng hiện; A Lại Da là năng biến, sở biến. Phật pháp giảng rất rõ ràng, thấu triệt. Trong Phật pháp, A Lại Da còn được gọi bằng danh từ “thần thức”, thần thức là gì? Người thế gian chúng ta gọi [“thần thức”] là “linh hồn”, cũng có người gọi nó là “linh tánh”, [gọi bằng danh từ nào cũng] đều được! Nếu nó giác ngộ thì gọi là linh tánh, khi nó mê thì gọi là linh hồn. Linh tánh và linh hồn là cùng một chuyện, là một thứ, là chính mình, còn thân thể chẳng phải là chính mình. Trong Phật pháp nói linh hồn, “vong linh” được nhắc tới trong sự siêu độ chính là linh hồn, nó không thoát khỏi tam giới, mà cũng chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu có thể đoạn hết Kiến Tư, sẽ vượt thoát lục đạo luân hồi, chẳng gọi là “linh hồn” nữa, mà gọi là “linh tánh”, vì sao? Nó đã giác ngộ. Chẳng giác sẽ chẳng thể thoát khỏi luân hồi; hễ giác ngộ bèn vượt thoát. Vì vậy, A La Hán được gọi là Chánh Giác. Người thế gian cũng giác ngộ, khoa học gia giác ngộ, triết học gia giác ngộ, nhà tôn giáo cũng giác ngộ, chẳng thể nói họ không giác ngộ. Tuy giác ngộ, nhưng Phật chẳng nói họ là Chánh Giác theo tiêu chuẩn của Chánh trong Phật pháp. Phải tuân theo tiêu chuẩn nào thì mới được gọi là Giác? Chẳng có Kiến Tư phiền não thì là Chánh Giác. Nếu còn có Kiến Tư phiền não sẽ là tà giác, chẳng gọi là Chánh Giác. Kiến phiền não là sai lầm về mặt kiến giải, quý vị còn có Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến, dẫu giác ngộ to tát cách mấy cũng chẳng thể gọi là Chánh Giác! Quý vị còn có những Tư Hoặc như tham, sân, si, mạn, nghi, tức là đã suy nghĩ sai lầm. Đức Phật quy nạp vô lượng vô biên Kiến Tư phiền não thành mười điều, Kiến Hoặc gồm năm điều, Tư Hoặc gồm năm điều. Chỉ cần có những thứ ấy, sẽ không thể gọi là Chánh Giác. Chánh Giác chẳng có cả mười thứ ấy, chẳng dễ dàng! Nhưng mười điều ấy chẳng phải là không thể đoạn, vì sao? Chúng chẳng thật, trong tự tánh không có những thứ ấy!

Phật, Bồ Tát dạy chúng ta, những gì có sẵn trong tự tánh thì nhất định phải bảo trì, vĩnh viễn bảo trì; những gì trong tự tánh không có, hãy buông xuống ngay lập tức. Thật sự chịu buông xuống, sẽ chứng quả, sẽ thành Chánh Giác. Thành Chánh Giác là chứng quả A La Hán. Thành Chánh Đẳng Chánh Giác là chứng quả vị Bồ Tát, thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là thành Phật. Trong kinh giáo Đại Thừa, đức Phật thường giảng những điều này, thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta, khởi đầu bằng đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc thì mới có thể đắc Lậu Tận Thông. Lậu Tận Thông là gì? Lậu (漏) là Kiến Tư phiền não, chữ Lậu là tỷ dụ. Ví như một chén trà, dưới đáy có lỗ thủng, bị hỏng rồi, đựng nước, nước sẽ bị rịn ra. Cũng giống như Pháp Tánh của chúng ta, hoặc nói là tự tánh hay bổn tánh đều được, đều có cùng một ý nghĩa, [trong bổn tánh] hễ có Kiến Tư phiền não, sẽ giống như tự tánh có thiếu sót, vô lượng vô biên công đức đều bị rò rỉ. Lậu Tận là chẳng còn rò rỉ, “chẳng rò rỉ” sẽ thông suốt. “Thông” (thần thông) ấy chính là loại cuối cùng trong sáu món thần thông, A La Hán mới đắc Lậu Tận Thông. Tam quả thánh nhân A Na Hàm chỉ đắc năm thứ thần thông trước đó, tức Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng, Thần Túc. Thần Túc là phi hành biến hóa. Bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Trung Quốc có nói Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép biến hóa, quá nhỏ, quá ư nhỏ bé! So với hắn (Tôn Ngộ Không), [thần thông của] A La Hán to hơn rất nhiều, Ngài có thể biến hóa [tùy ý], bởi lẽ, A La Hán mới có trọn đủ Lục Thông, cuối cùng đắc Lậu Tận, vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo. Vì sao? Chẳng có nhân trong lục đạo, đương nhiên chẳng thể thấy các hiện tượng trong lục đạo. Lục đạo giống như nằm mộng, quý vị tỉnh giấc mộng, cảnh giới trong mộng hoàn toàn không còn nữa! Cảnh giới ấy không có, xuất hiện cảnh giới gì? Xuất hiện cõi Phương Tiện Hữu Dư, tiến cao hơn. Cõi Phương Tiện Hữu Dư là tứ thánh pháp giới, tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật trong mười pháp giới, gồm bốn tầng cấp khác nhau!

Nếu tiến cao hơn nữa, còn phải đoạn phiền não, quý vị thấy đoạn hết Kiến Tư phiền não, còn có Trần Sa phiền não. Trần Sa phiền não do đâu mà có? Do phân biệt mà có. Tâm phân biệt khởi lên vô lượng, vô biên, vô tận, vô số tác dụng; đức Phật dùng Trần Sa làm tỷ dụ, [phiền não] nhiều như trần sa (cát bụi). Thật đấy, chẳng giả! Những thứ ấy vẫn là hư vọng, trong tự tánh thanh tịnh tâm không có phiền não. Nếu có những thứ ấy, Bình Đẳng Tánh Trí sẽ bị chướng ngại. Có Trần Sa phiền não, quý vị sẽ chẳng bình đẳng. Tự tánh là bình đẳng, tự tánh là pháp môn Bất Nhị chân chánh. Bất Nhị là Nhất, Nhất mới là bình đẳng, Nhị sẽ không bình đẳng. Do vậy, có thể buông phân biệt xuống, đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng còn phân biệt nữa, các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều trở về tự tánh, một pháp giới mà! Khi đạt đến một pháp giới, duyên chín muồi, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, buông khởi tâm động niệm xuống, sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thật sự chẳng khởi tâm, chẳng động niệm. Cảnh giới bên ngoài là gì? Trọn chẳng phải là vô tri. Vô tri là vô minh, quý vị vẫn chưa giác ngộ. Trí huệ Bát Nhã hiện tiền, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Trí huệ, đức năng dùng để làm gì? Dùng để phổ độ chúng sanh. Tuy phổ độ chúng sanh, vẫn chẳng khởi tâm động niệm y như cũ. Chẳng khởi tâm, không động niệm, nên có thể độ hết thảy chúng sanh trong trọn khắp pháp giới, hư không giới, người ấy thành Phật, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường nhắc nhở, chỉ dạy chúng ta điều này. Do vậy, phải chiếu theo thứ tự thuận ấy để tiến cao hơn từng bước. Trong tứ thánh pháp giới, từ Thanh Văn tiến lên Bích Chi Phật, từ Bích Chi Phật tiến lên Bồ Tát, từ Bồ Tát tiến lên Phật, tức là Tương Tự Phật. Lại tiến lên cao hơn bước nữa thì mới là một vị Phật thật sự, thoát lìa mười pháp giới. Biết mười pháp giới cũng chẳng thật, mười pháp giới vẫn là mộng cảnh. Giác ngộ điều này, chẳng thấy mười pháp giới nữa, đã tỉnh rồi. Do điều này có thể biết: Lục đạo là cảnh trong giấc mộng!

Thực sự tỉnh giấc mộng mười pháp giới, sau khi tỉnh lại, trước mắt người ấy là cảnh giới gì? Là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật, Bồ Tát, còn gọi là Nhất Chân pháp giới. Trong cõi Thật Báo có tướng, vì người trong cõi Thật Báo đều đã chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác phải biết điều này; nhưng họ còn có giai tầng địa vị vì còn có tập khí vô minh vô thỉ chưa đoạn! Chẳng có cách nào đoạn tập khí. Mỗi cá nhân mang theo tập khí dầy hay mỏng khác nhau. Tập khí nặng nề là Thập Trụ, Thập Hạnh; tập khí nhẹ hơn là Thập Hồi Hướng, Thập Địa; nhẹ hơn tí nữa là Đẳng Giác. Chẳng có tập khí sẽ là địa vị Diệu Giác. Tuy nói là bốn mươi mốt địa vị, thật ra, kinh Hoa Nghiêm đã nói rất hay: “Một tức hết thảy, hết thảy chính là một”. Nói tới Sơ Trụ Bồ Tát, Sơ Trụ Bồ Tát là “nhất”, “hết thảy” là gì? Bốn mươi hai địa vị. Trí huệ, công đức, đạo lực của bốn mươi mốt địa vị khác phơi bày, hiển lộ viên mãn trong địa vị này, chẳng có mảy may sai biệt nào. Bởi lẽ, cõi Thật Báo thật sự là một thế giới bình đẳng, chẳng có thứ gì bất bình đẳng. Đoạn sạch tập khí vô thỉ vô minh, lúc ấy mới có thể trở lại Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang là tự tánh, [trở về Thường Tịch Quang là] trở về tự tánh. Trong tự tánh, trí huệ, đức tướng viên mãn hết thảy đều hiện tiền. Khi nào sẽ hiện tiền? Chúng sanh có cảm, sẽ tự nhiên hiện tiền. Vì người ấy hiện tiền chẳng khởi tâm động niệm; khởi tâm động niệm còn không có, lấy đâu ra phân biệt, chấp trước! Do chuyện này, tiến lên từng bước một khó khăn lắm, quá ư khó khăn!

“Kim thử vãng sanh pháp môn, nãi xả Đồng Cư uế, nhi sanh Đồng Cư tịnh, đắc sanh Cực Lạc, tức đoạn sanh tử, cố danh hoành xuất tam giới” (nay pháp môn vãng sanh này, bỏ cõi Đồng Cư uế để sanh vào cõi Đồng Cư Tịnh, được sanh vào Cực Lạc, liền đoạn sanh tử, nên gọi là ra khỏi tam giới theo chiều ngang). Tịnh Độ mầu nhiệm ở chỗ này! Quý vị thấy chúng ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới vẫn ở trong cõi Đồng Cư. Trong phần trước, đã nói rất rõ ràng: Cõi Đồng Cư trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là Tịnh Độ, cõi Đồng Cư trong thế giới này là uế độ. Đều là Đồng Cư, nhưng thật sự [thánh và phàm] chẳng ở cùng! Do nguyên nhân nào? Giáo dục! Trong thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật thực hiện giáo dục thành công. Trong thế giới này, Thích Ca Mâu Ni Phật giáo dục chẳng thành công ư? Đúng vậy! Rốt cuộc vấn đề ở chỗ nào? Chẳng do Phật, trong kinh giáo thường nói: “Phật Phật đạo đồng, pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Bất đồng ở chỗ nào? Bất đồng ở chỗ căn tánh của chúng sanh khác nhau, chúng ta chớ nên không biết điều này. Người vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, đúng như trong kinh điển đã nói, nhiều thiện căn, lắm phước đức, lắm nhân duyên, đó là thiện căn, phước đức, nhân duyên tích lũy từ vô lượng kiếp [đến nay] đã viên mãn, nên mới có thể vãng sanh. Viên mãn sẽ có thể chẳng vãng sanh hay chăng? Không thể nào! Vì chỉ cần quý vị viên mãn thì viên mãn là cảm, Phật, Bồ Tát liền biết, sẽ tự nhiên ứng, sự cảm ấy gọi là “minh cảm” (冥感: cảm ngấm ngầm). Quý vị chẳng dấy lên ý niệm cầu các Ngài, nhưng chính các Ngài tự đến, vì duyên của quý vị đã chín muồi, Phật bèn đến giúp đỡ quý vị sanh về thế giới Cực Lạc. Tới thế giới Cực Lạc, phẩm vị cũng do chính mình cảm được, chẳng phải do A Di Đà Phật an bài cho quý vị, phải biết điều này. Do vậy, chúng ta hiểu rõ đạo lý này, liễu giải chân tướng sự thật, biết phải nên tu theo cách nào. Ta đến thế giới Cực Lạc nâng cao phẩm vị của chính mình, học theo A La Hán chẳng chấp trước, học Bồ Tát chẳng phân biệt, tận tâm tận lực học tập. Học tập nơi đâu? Học tập trong cuộc sống, công việc, học tập, xử sự, đãi người, tiếp vật, thảy đều phải học tập, bất luận thuận cảnh hay nghịch cảnh, nhất định phải học theo năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử. Cảnh giới gì cũng đều có thể tiếp cận, tiếp xúc, vấn đề là quý vị phải hiểu, hiểu điều gì? Ta luyện tập trong cảnh giới, đó là tu hành, tu hành thật sự! Học chẳng chấp trước, chẳng phân biệt, không khởi tâm, không động niệm, thật sự tu! Không câu nệ nghi thức, khởi tác dụng to lớn chẳng ngăn ngại. Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới liền đoạn sanh tử, lục đạo luân hồi sanh tử chẳng còn nữa, đấy là chỗ thù thắng của Đồng Cư Tịnh Độ; vì thế, gọi là “hoành xuất tam giới”.

“Nhi vãng sanh chi nhân, bất đãi đoạn thử Kiến Tư nhị Hoặc, đản năng phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, tiện mông Phật nguyện minh gia, quyết đắc vãng sanh Tịnh Độ, kỳ sự chí dị, cố danh Dị Hành Đạo” (Nhưng người vãng sanh chẳng đợi đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chỉ cần phát Bồ Đề tâm, một bề chuyên niệm, sẽ được Phật ngấm ngầm gia hộ, quyết được vãng sanh Tịnh Độ. Chuyện này dễ dàng nhất, nên gọi là Đạo Dễ Hành). Được bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì, quý vị nhất định được vãng sanh. Cụ Niệm Tổ nói: “Như thị phương tiện trực tiệt” (phương tiện thẳng thừng, gọn gàng như vậy), “phương” (方) là phương pháp, “tiện” (便) là tiện nghi (便宜), có nghĩa là phương pháp thích hợp nhất giúp cho quý vị thành tựu trong một đời, thẳng thừng, nhanh chóng, chẳng có mảy may vòng vo nào! “Thù thắng hy hữu”: Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, chẳng tìm được [pháp môn nào khác] dễ dàng như vậy! Cũng có thể nói phương tiện này dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, thẳng thừng, nhanh chóng, trực nhập (tiến nhập trực tiếp), do nguyên nhân nào? Đều do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì. “Nãi thập phương thế giới chi sở vô. Cố tri Cực Lạc Đồng Cư, thắng ư thập phương Phật độ” (mười phương thế giới đều chẳng có [cõi nào giống như vậy]. Vì thế, biết cõi Đồng Cư trong Cực Lạc vượt trỗi mười phương cõi Phật). Không chỉ vượt trỗi cõi Đồng Cư hiện thời của Thích Ca Mâu Ni Phật, mà đối với các cõi Phàm Thánh Đồng Cư của mười phương chư Phật Như Lai, sự tịnh – uế trong ấy khác biệt rất lớn; có thể nói: Chỉ có một mình Tây Phương Cực Lạc thế giới là cõi thuần tịnh, vô uế.

Lại đọc đoạn kế tiếp: “Hựu đới nghiệp vãng sanh, nhưng thuộc phàm phu, đản vô thoái chuyển, nhất sanh thành Phật, cố vãng sanh Đồng Cư, diệc tức viên sanh tứ độ dã” (Lại nữa, đới nghiệp vãng sanh tuy vẫn thuộc phàm phu, nhưng chẳng thoái chuyển, thành Phật trong một đời, nên vãng sanh Đồng Cư cũng chính là sanh về bốn cõi trọn vẹn). Điều này vô cùng trọng yếu! Chúng ta niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc, chính mình nhất định phải biết ta vẫn là phàm phu; nhưng như thế nào? Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ chẳng thoái chuyển, không chỉ là Vị Bất Thoái, mà đồng thời chứng đắc Hạnh Bất Thoái và Niệm Bất Thoái trong cõi Đồng Cư; điều này giống như Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo và Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo. Sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư thuộc địa vị gì? Hạ hạ phẩm vãng sanh. Quý vị có chứng đắc quả vị Bồ Tát hay không? Không! Chưa chứng đắc, nhưng ngang cấp! Chúng tôi thường nói: “Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị đã hưởng thụ sự đãi ngộ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm”. Vì [địa vị] thấp nhất trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm là Sơ Trụ Bồ Tát, tức Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, đến Tây Phương Cực Lạc thế giới được bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, quý vị sẽ “giai tác A Duy Việt Trí Bồ Tát” (đều là Bất Thoái Chuyển Bồ Tát). Vì thế, vãng sanh Đồng Cư giống như đã viên mãn đạt được bốn cõi, một tức là nhiều, nhiều tức là một. Cõi Phương Tiện, cõi Đồng Cư, cõi Thật Báo, cõi Thường Tịch Quang [của Cực Lạc] đều dung hợp một chỗ, chẳng tách rời, sanh về một là sanh về hết thảy, như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền đều ở trong cõi Thật Báo. Trong bốn cõi Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật nơi thế gian này, chúng ta chẳng thấy hàng Bồ Tát trong cõi Thật Báo, chúng ta cũng chẳng thấy được Bồ Tát và Thanh Văn trong cõi Phương Tiện! Nhưng quý vị vãng sanh thế giới Cực Lạc sẽ khác hẳn, trong cõi ấy không có chướng ngại. Nay chúng ta gọi [sự chướng ngại ấy] là “chiều không gian” (không gian duy thứ, spatial dimension). Bên cõi kia không có chiều không gian. Vì vậy, hằng ngày gặp mặt đại Bồ Tát. Chư Phật Như Lai thường đến thế giới Cực Lạc giúp A Di Đà Phật giáo hóa chúng sanh, quý vị mỗi ngày đều được tiếp xúc. Những vị đại thánh đại hiền là bạn bè, giúp quý vị tiến cao hơn, đến nơi nào khác để tìm được pháp duyên thù thắng ấy? Thật rõ ràng, thật minh bạch, quý vị đối với Tây Phương Tịnh Độ khắng khít một mực, chẳng có ý niệm thứ hai, trong đời này ta nhất định phải đến đó, không đến không được! Tín nguyện kiên định!

Lại xem tiếp đoạn kế đó: “Phương Tiện Hữu Dư độ, nhược nhân niệm Phật công thâm” (Cõi Phương Tiện Hữu Dư, nếu người niệm Phật công hạnh sâu xa), công phu niệm Phật sâu dầy. “Dĩ ly tạp loạn chi tâm, chuyên niệm nhất cú danh hiệu, tâm khẩu tương ứng, tự tự phân minh” (Dùng cái tâm lìa tạp loạn, chuyên niệm một câu danh hiệu này, tâm và miệng tương ứng, từng chữ phân minh). Ở chỗ này, chuyên niệm một câu danh hiệu, tâm và miệng tương ứng, từng chữ phân minh, đấy là công phu thành phiến, đó là điều kiện phải hội đủ để vãng sanh cõi Đồng Cư.

Lại xem tiếp: “Tâm bất ly Phật, Phật bất ly tâm, niệm niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, như thị niệm Phật, danh Sự nhất tâm” (tâm chẳng lìa Phật, Phật chẳng lìa tâm, niệm niệm tiếp nối, chẳng gián đoạn. Niệm Phật như thế gọi là Sự nhất tâm). Kiến Tư phiền não đã đoạn; tiếp đó nói: “Nhược đạt thử cảnh giới”, quý vị đạt tới cảnh giới ấy, “tuy bất cầu đoạn Hoặc, nhi Kiến Tư phiền não tự nhiên đoạn lạc” (tuy chẳng cầu đoạn Hoặc, mà Kiến Tư phiền não tự nhiên đoạn rớt). Vì thế, Kiến Tư phiền não là phiền phức, cần phải đoạn. Càng muốn đoạn, càng chẳng đoạn được, vì sao? Ý niệm “muốn đoạn” chính là chấp trước kiên cố, mà Kiến Tư phiền não cũng là chấp trước, chấp trước chẳng thể đoạn chấp trước! Vậy thì làm sao? Không quan tâm tới nó là được rồi! Chỉ cần thật sự nắm vững cương lãnh tu học như kinh đã dạy: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” sẽ thành công. Chuyện gì khác cũng đều chẳng mong tưởng, Kiến Tư phiền não sẽ tự nhiên đoạn. Chẳng cần nghĩ ta phải làm như thế nào để đoạn sạch Ngã Chấp, phá trừ Thân Kiến, phá sạch Biên Kiến, đừng bận lòng vì những chuyện ấy! Niệm niệm chỉ nghĩ đến chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đấy là Bồ Đề tâm. Ở trong ấy, không có chấp trước, phân biệt, vọng tưởng. Chúng ta biến đổi sức chú ý, hãy chuyên chú nơi nhất tâm, chuyên chú nơi “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, chuyên chú cầu sanh Tịnh Độ, thân cận Di Đà, đó là đúng, chẳng sai một tí nào! Những thứ khác đều chẳng cần nghĩ tới, chẳng nghĩ tới chẳng phải là buông xuống ư? Trong cuộc sống hằng ngày, niệm niệm chẳng quên “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, chân tu! Trong cuộc sống, đừng bị ô nhiễm bởi cuộc sống; trong công việc, đừng bị ô nhiễm bởi công việc, trong xử sự đãi người tiếp vật, cũng không bị hoàn cảnh nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau) ô nhiễm, cũng không bị hoàn cảnh vật chất ô nhiễm, thật sự tu hành. Lúc đó mới có thể khế nhập “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại” của kinh Hoa Nghiêm, như vậy thì quý vị vãng sanh Tịnh Độ, chẳng ở trong cõi Phương Tiện Hữu Dư, mà là trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Tổ sư đại đức thường khám nghiệm học trò: “Ngươi có hiểu hay không?” Vấn đề thật sự là chính mình có hiểu hay không? Luôn luôn giác, chỗ nào cũng giác.

Lại xem tiếp đoạn dưới: “Thật Báo Trang Nghiêm độ. Nhược ức Phật, niệm Phật, lịch lịch phân minh, hành, trụ, tọa, ngọa, duy thử nhất niệm, vô đệ nhị niệm” (Cõi Thật Báo Trang Nghiêm: Nếu nhớ Phật, niệm Phật, rành mạch, phân minh, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ có một niệm này, không có niệm thứ hai). Mấy câu này nói về công phu thành phiến, công phu thành phiến sẽ có thể vãng sanh. Nói thật ra, chúng ta mong đời này làm được một bước, sanh về nơi đâu? Sanh về cõi Đồng Cư. Tiếp đó là: “Bất vị tham, sân, phiền não chư niệm chi sở tạp loạn, thị danh Sự nhất tâm” (Chẳng bị các niệm tham, sân, phiền não làm loạn thì gọi là Sự nhất tâm). Đó là buông Kiến Tư phiền não xuống. Trong đoạn trước đã nói, trong tâm không có Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ, Giới Thủ, Tà Kiến, không có! Tham, sân, si, mạn, nghi cũng không có, đấy là Sự nhất tâm, sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư trong thế giới Cực Lạc. “Sự thượng tức đắc, Lý thượng vị triệt, thuộc Định môn nhiếp, vị hữu Huệ cố” (Đã đắc về mặt Sự, nhưng chưa thấu triệt Lý, thuộc về Định môn, do chưa có Huệ). Ở đây dùng Giới, Định, Huệ để giảng, do đây có thể biết: Sanh về cõi Đồng Cư là thuộc vào Giới môn. Đức Phật dạy chúng ta trì giới niệm Phật, giới ấy rất thanh tịnh, mọi giới đều giữ được, điều này khẩn yếu lắm! Nay chúng tôi nói là “vun bồi ba căn bản”, ba căn bản ấy là Giới, vun bồi vững bền ba căn ấy là được rồi, vì sao? Quý vị là “thiện nam tử, thiện nữ nhân” như trong kinh đã nói, quý vị có phần! Quý vị là thiện nam tử, thiện nữ nhân vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, Phật nhất định đến tiếp dẫn quý vị, phải hiểu đạo lý này! Dẫu niệm Phật tốt đẹp, niệm nhiều cách mấy đi nữa, cổ nhân nói niệm đến mức độ nào? “Gió thổi chẳng lọt, mưa tạt không ướt”, niệm đạt tới công phu như vậy, nhưng nếu không có Giới, quý vị vẫn chẳng thể vãng sanh, vì sao? Quý vị chẳng phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân! Công phu ấy có phải là phí uổng hay chăng? Chẳng phí uổng! Công phu ấy sẽ là thiện căn cho đời sau, chứ đời này chưa vãng sanh được! Khi nào sẽ có thể vãng sanh? Khi nào Giới thanh tịnh, quý vị sẽ vãng sanh. Giới luật thanh tịnh cũng thuộc loại Niệm Phật tam-muội, vừa mới đắc tam-muội, công phu không sâu, rất cạn! Sự nhất tâm công phu sâu hơn, thật sự đắc Niệm Phật tam-muội, chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động; do vậy người ấy có Định, nhưng chưa khai Huệ. Đối với bản kinh này, người ấy đạt được tâm thanh tịnh, đạt được tâm bình đẳng, nhưng chưa giác. Giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, chưa đạt được điều này; vì thế, người ấy sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư.

“Nhược ư bách xích can đầu, cánh tấn nhất bộ, ư tự bổn tánh, hốt nhiên khế hợp” (nếu ở đầu sào trăm thước, tiến thêm một bước nữa, bỗng nhiên sẽ khế hợp bổn tánh của chính mình). Sự khế hợp ấy là kiến tánh, minh tâm kiến tánh, buông khởi tâm động niệm xuống. Khởi tâm động niệm là vô minh, vô thỉ vô minh là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm chẳng có mở đầu; chẳng thể nói nó có khởi đầu, chẳng thể nói nó có nguyên nhân, nó chẳng có nguyên nhân, điều này rất khó hiểu! Trong hội Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn đã dùng hình ảnh “Diễn Nhã Đạt Đa mê đầu nhận ảnh” (anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa lầm nhận hình bóng cái đầu của chính mình [phát cuồng]) để hình dung, mong sao từ thí dụ ấy, quý vị sẽ có thể hiểu được, có thể hiểu đại khái. Những lời Phật nói ấy bao hàm những nghĩa vô cùng sâu! “Liễu tri năng niệm, sở niệm, duy thị nhất tâm, bất trụ hữu niệm, bất lạc vô niệm” (hiểu rõ năng niệm và sở niệm chỉ là một tâm, chẳng trụ hữu niệm, chẳng rơi vào vô niệm). Đây là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, thanh tịnh, bình đẳng, giác hiện tiền, đấy là kiến tánh. “Liễu tri” là kiến, năng niệm và sở niệm chỉ là nhất tâm, năng niệm là ta, là chính mình, duy tâm sở hiện, đức A Di Đà Phật được niệm cũng là duy tâm sở hiện, nhất tâm, vô nhị tâm. Chẳng trụ hữu niệm, chẳng rớt vào vô niệm, trên mặt Sự thì có, niệm Phật chẳng gián đoạn; nơi Lý thì chẳng có! Cớ sao về Lý chẳng có? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ lời Di Lặc Bồ Tát nói: “Một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, quý vị sẽ hiểu rõ: Có niệm hay không? Không có niệm, về Lý không có; nhưng Sự thì sao? Nơi Sự là tướng “tương tục tương tự” (gần như là tướng liên tục). Về căn bản, tướng tương tự tương tục chẳng tồn tại! Vì sao niệm? Pháp vốn là như thế, tự nhiên, chẳng khởi tâm động niệm. Chẳng khởi tâm động niệm, nhưng Phật hiệu lại chẳng gián đoạn! Đó là gì? Tập khí vô minh từ vô thỉ. Có thể nói theo cách như vậy được hay không? Có thể đoạn tập khí ấy hay không? Chẳng thể đoạn! Vì sao chẳng thể đoạn? Trong nhân địa đã từng phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”; vì thế, vô niệm mà niệm chính là sự hiện hữu cụ thể của nguyện này. Trong sự hiện hữu ấy, chẳng có khởi tâm động niệm, đương nhiên không có phân biệt, chấp trước, cảnh giới ấy chẳng thể nghĩ bàn! Chẳng vướng mắc hai bên. Chẳng trụ hữu niệm là chẳng chấp Có. Không rơi vào vô niệm là chẳng chấp Không. Nhị biên hợp nhất, chẳng thấy nhị biên nữa! Có nhị biên thì là Biên Kiến. Không có nhị biên sẽ gọi là Chánh Tri Chánh Kiến, Phật Tri Phật Kiến.

Tiếp đó, trích dẫn lời Liên Trì đại sư đã nói trong Sớ Sao, đều là nói về niệm Phật: “Nhược ngôn kỳ hữu, tắc năng niệm chi tâm, bổn thể tự không, sở niệm chi Phật, liễu bất khả đắc” (Nếu nói là có thì cái tâm năng niệm bản thể vốn là không, đức Phật được niệm trọn chẳng thể được!). Trong một cái khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, trọn chẳng thể được! “Nhược ngôn kỳ vô, tắc năng niệm chi tâm, linh linh bất muội” (Nếu nói nó là Không thì cái tâm năng niệm sáng suốt linh thông chẳng mê mờ). Chúng ta nhìn từ tướng: “Sở niệm chi Phật, lịch lịch phân minh” (đức Phật được niệm vằng vặc phân minh). Vì thế, đối với sự niệm Phật ấy, quý vị chẳng thể nói người ấy hữu niệm, mà cũng chẳng thể nói người ấy vô niệm; cũng có thể nói người ấy hữu niệm, và cũng có thể nói người ấy vô niệm. “Vô niệm nhi niệm, niệm nhi vô niệm, ngôn tư lộ tuyệt, bất khả trạng huống” (Vô niệm mà niệm, niệm nhưng vô niệm, nói năng lẫn suy nghĩ đều dứt bặt, chẳng thể diễn tả được). Trong cảnh giới ấy, không có cách nào dùng ngôn ngữ để diễn tả rõ ràng! Càng nói càng mơ hồ, phạm vi công dụng của ngôn ngữ hữu hạn; quả thật có những chỗ ngôn ngữ chẳng thể diễn đạt được! “Tư” (思) là thức thứ sáu, tức Ý Thức, có năng lực rất lớn, bên trong nó có thể duyên tới A Lại Da, bên ngoài nó có thể duyên đến hư không pháp giới, nhưng nó chẳng duyên tự tánh. Vì vậy, ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt, không thể diễn đạt được! Không thể diễn tả thì chẳng có cách gì nói, mà cũng chẳng có cách nào hình dung. “Duy thị nhất tâm, thanh tịnh bổn nhiên chi thể, cánh hữu hà pháp nhi đắc tạp loạn, thị danh Lý nhất tâm, thuộc Huệ môn nhiếp, kiêm đắc Định cố” (Chỉ là nhất tâm, bản thể vốn sẵn thanh tịnh, há còn có pháp nào tạp loạn được nó. Điều đó gọi là Lý nhất tâm, thuộc về Huệ môn, kèm thêm đắc Định). Trí huệ đã khai, đương nhiên có Định, không có Định thì làm sao có thể khai trí huệ cho được? Trí huệ khởi tác dụng, nhưng công phu định lực chẳng mất. Nếu bỏ mất công phu định lực, sẽ chẳng có Huệ. Tác dụng của không có Định là phiền não, phiền não khởi tác dụng. Tác dụng của có Định là trí huệ. Nếu chúng ta dùng tựa đề kinh [Vô Lượng Thọ] để nói, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí huệ, nhưng chưa viên mãn. Tâm bình đẳng khởi tác dụng là đại trí huệ, vẫn chưa viên mãn. Giác tâm khởi tác dụng là trí huệ viên mãn. Giác tâm khởi tác dụng, tâm bình đẳng hay bất bình đẳng, thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh? Đương nhiên là thanh tịnh, bình đẳng! Thanh tịnh là Định, bình đẳng cũng là Định, chỉ có chữ Giác là trí huệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh hiện tiền viên mãn, nó nương vào đâu? Nương vào thanh tịnh và bình đẳng. Quý vị phải biết: Trong mười pháp giới, chúng ta nói tới nhân tố thứ nhất, Phật là tâm bình đẳng, Bồ Tát là tâm thanh tịnh, quý vị thấy nó trọng yếu lắm!

Do vậy, người tu hành phải thời thời khắc khắc cảnh giác chính mình, một khi tâm chẳng thanh tịnh, bèn ngay lập tức quay đầu, ta sai rồi! Cớ sao chẳng thanh tịnh? Khởi phân biệt, chấp trước, sẽ chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng. Chỗ mầu nhiệm của Tịnh Tông khiến cho Tịnh Tông là phương tiện bậc nhất trong các phương tiện chính là gì? Lập tức bảo quý vị hãy trở về với A Di Đà Phật, khôi phục cái tâm thanh tịnh của chính mình! Trong cái tâm thanh tịnh của chính mình, chỉ có một câu A Di Đà Phật. Ngay từ đầu, đã chẳng nói rồi đó sao? Nhớ Phật, niệm Phật, vằng vặc phân minh, đi, đứng, nằm, ngồi, chỉ có một niệm này, không có niệm thứ hai nào! Khi ấy, tâm quý vị là thanh tịnh, bình đẳng, nhưng sau khi quý vị bỏ Phật hiệu đi, tâm quý vị lại chẳng thanh tịnh, lại bất bình đẳng. Chúng ta dốc công sức tu tập ở chỗ này, tu đến mức tâm thanh tịnh hiện tiền, vẫn chẳng thể bỏ phương pháp này, vẫn dùng phương pháp này, tu đến mức tâm bình đẳng, vẫn y như cũ, chẳng bỏ phương pháp này! Thật sự thành Phật, vẫn chẳng lìa bỏ phương pháp này, khi ấy, [niệm Phật] nhằm dạy chúng sanh. Trước khi thành Phật, phương pháp này là tự lợi. Chính mình đã thành tựu, một câu Phật hiệu này vẫn niệm đến cùng, nhằm hóa độ người khác. Tự hành, dạy người, chỉ có một pháp này. Căn tánh của chúng sanh khác nhau, như Thích Ca Mâu Ni Phật giảng hết thảy các kinh, đối với căn cơ nào, Ngài bèn giảng pháp môn đó, nhưng tới cuối cùng đều hướng dẫn về Cực Lạc. Qua những lời trình bày, hướng dẫn của tổ sư đại đức, chúng ta thấy hết thảy các pháp môn do đức Thế Tôn đã nói cả đời trong suốt bốn mươi chín năm, cuối cùng quy về đâu? Quy về Hoa Nghiêm, trở về Hoa Tạng. Hoa Tạng đến cuối cùng, hai vị đại Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền suất lãnh bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Tạng đến bái phỏng A Di Đà Phật, dẫn về Cực Lạc. Từ kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy được chuyện này! Hành động ấy của Văn Thù và Phổ Hiền đương nhiên là thuận theo ý của Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na Phật không có ý này, Văn Thù và Phổ Hiền sẽ chẳng thể làm như vậy được! Tỳ Lô Giá Na Phật tán đồng, Tỳ Lô Giá Na Phật hoan hỷ, vì sao? Thân cận A Di Đà Phật sẽ thành tựu mau chóng! Chư Phật Như Lai mong cho hết thảy chúng sanh lập tức thành Phật, đấy là bổn nguyện của chư Phật Như Lai. Do vậy, cổ đức nói rất hay: “Ngàn kinh vạn luận, đâu đâu cũng chỉ về”, chẳng có một pháp nào chẳng quy về Tịnh Độ.

Do vậy, trong giáo pháp Đại Thừa, chúng tôi cũng thường nói có ba khoa mục chung. Thứ nhất là giới luật, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, bất luận pháp môn nào cũng đều chẳng thể rời khỏi giới luật; giới luật là cơ sở. Hiện thời, chúng ta nói là “vun bồi căn bản giáo dục”, quý vị chẳng thể không có căn bản. Giới luật là cội rễ, tức căn bản. Khoa mục chung thứ hai cần phải tu tập là Lý, Lý là gì? Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến, đó là Lý. Đây là khoa mục chung bắt buộc [phải học] trong bất luận pháp môn nào. Thứ ba là quy túc, tức là Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận pháp môn nào đến cuối cùng thảy đều trở về thế giới Cực Lạc. Ba đại khoa mục chung, chúng ta chẳng thể nào không nghiêm túc học tập. Thưa quý vị, ba đại khoa này trọn đủ viên mãn trong bộ kinh chẳng được coi như quá dài này, chúng ta chớ nên không biết. Sự tu học của chúng ta lấy những điều này làm căn bản chánh yếu, là môn chủ yếu để học tập, là khóa trình tu tập chánh yếu. Hết thảy các kinh, thậm chí kinh điển của các tôn giáo khác đều là khóa trình phụ trợ cho chúng ta. Quý vị thông suốt một môn này, sẽ thông suốt hết thảy toàn bộ các kinh; hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian cũng đều thông.

Chúng ta xem câu chót do cụ Niệm Tổ [đã viết trong đoạn này]: “Niệm Phật nhược đạt Lý nhất tâm, phá nhất phần vô minh, tắc sanh Thật Báo Trang Nghiêm độ, đồng thời phần chứng Thường Tịch Quang Tịnh Độ” (Nếu niệm Phật đạt đến Lý nhất tâm, phá một phần vô minh, sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, đồng thời chứng một phần Thường Tịch Quang Tịnh Độ). Lý nhất tâm nhất định là phá vô minh, vô minh là gì? Khởi tâm động niệm. Phá bằng cách nào? Sáu căn của chúng ta thấy sắc, nghe tiếng chẳng khởi tâm, không động niệm, sẽ chẳng có vô minh. Khởi tâm động niệm, vô minh tồn tại; khởi tâm động niệm là vô minh. Chúng ta có thể làm được điều này hay không? Chẳng thể nói là không làm được, nhưng rất khó, so với thanh tịnh và bình đẳng còn khó hơn! Có thể nói là cả đời này chúng ta có thể thành tựu hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào công phu tu học cá nhân, mà cũng là nói quý vị có thể buông xuống hay không! Buông xuống có tầng lớp, chúng ta chẳng phải là bậc thượng thượng căn, trước hết, phải buông chấp trước xuống, khôi phục cái tâm thanh tịnh, rồi lại buông phân biệt xuống, khôi phục tâm bình đẳng. Cuối cùng, chẳng khởi tâm, không động niệm, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác hiện tiền. [Hành nhân] bắt đầu chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thành Phật, theo kinh Hoa Nghiêm, chư vị phải hiểu [người như vậy] là Sơ Trụ Bồ Tát. Chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, thấy cảnh giới của Thập Trụ và cảnh giới của Thập Địa vô cùng tương tự, do nguyên nhân gì? Chư Phật Như Lai chứng đến viên mãn rốt ráo, chẳng khởi tâm, không động niệm. Khởi tâm động niệm thảy đều không có, còn có gì hay chăng? Thứ gì cũng đều không có! Toàn bộ trí huệ và đức tướng trong tự tánh đều hiện tiền. Do vậy, quý vị nói bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm là bình đẳng hay bất bình đẳng? Thật sự bình đẳng. Trong khi học tập, chúng tôi đã từng báo cáo tỉ mỉ cùng quý vị, chẳng thể nói bốn mươi mốt địa vị ấy là có, mà cũng chẳng thể nói là không. Vì sao chẳng thể nói là có? Khởi tâm động niệm còn không có, lấy đâu ra bốn mươi mốt địa vị? Nếu có bốn mươi mốt [địa vị], chẳng phải là trong ấy có phân biệt ư? Nếu quý vị chấp trước [những địa vị ấy] là có, đó chẳng phải là nẩy sanh chấp trước ư? Do chấp trước là có, do phân biệt bèn nói là bốn mươi mốt [địa vị], há có đạo lý ấy? Đó là gì? Đó là mười pháp giới, chứ trong cõi Thật Báo đâu có những danh xưng ấy! Chẳng thể nói là có! Vì sao chẳng thể nói là không? Tuy chẳng khởi tâm động niệm, nhưng có tập khí, tập khí có mức độ dày hay mỏng khác nhau! Người đã chứng đắc từ lâu, tập khí cũng rất mỏng, người đến nay mới chứng đắc, tập khí cũng rất nồng đậm. Do nói theo [mức độ] tập khí [dầy hay mỏng] mà có bốn mươi mốt cấp bậc, chuyện là như vậy đó, phải hiểu rõ ràng, minh bạch. Chúng ta có thể thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch hay không? Chẳng dễ dàng! Chúng ta [hiểu phải] làm như thế nào, đó là giải ngộ, nhưng chưa khế nhập cảnh giới, vì sao? Khế nhập cảnh giới sẽ không động tâm, nay chúng ta vẫn động tâm, vẫn khởi tâm động niệm. Vì thế, chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, cầu ở nơi đâu? Chỉ cầu cõi Phàm Thánh Đồng Cư, phải biết điều này! Vì sao? Quý vị đặt vững mục tiêu ở nơi đó, ổn thỏa, thích đáng, chắc chắn sẽ thành tựu, chẳng thất bại. Nếu quý vị nâng mục tiêu cao hơn, sẽ chẳng chắc ăn, vì quý vị thiếu trí huệ, thiếu định lực, thiếu khả năng ấy. Do vậy, nhất định phải hiểu bản thân thật rõ ràng, rành rẽ!

Trong đoạn lớn kế tiếp, giảng rất nhiều về cõi Thật Báo, chúng ta lại xem kinh văn: “Thật Báo Trang Nghiêm độ nãi Pháp Thân đại sĩ chi sở du cư, Biệt Giáo Sơ Địa, Viên Giáo Sơ Trụ dĩ thượng chư đại sĩ thỉ đắc sanh thử” (Cõi Thật Báo Trang Nghiêm là chỗ ngao du, cư trụ của hàng Pháp Thân đại sĩ, các đại sĩ từ Sơ Địa trong Biệt Giáo hay Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên mới được sanh về cõi ấy). Nếu chúng ta niệm tới Lý nhất tâm, quý vị hiểu Lý nhất tâm là minh tâm kiến tánh, là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, hoặc Sơ Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. “Phá nhất phần vô minh, chứng nhất phần Pháp Thân, phương sanh thử độ” (phá một phần vô minh, chứng một phần Pháp Thân, mới sanh vào cõi ấy). Nói “một phần vô minh” có nghĩa là gì? Chúng ta học Hoàn Nguyên Quán, sẽ hiểu khá rõ khái niệm này. Theo Di Lặc Bồ Tát đã nói, nay chúng ta nói theo cách bây giờ là một giây, hiện thời nói đến thời gian luôn dùng một giây làm đơn vị, một giây phải chia thành bao nhiêu phần? Chúng tôi thường nói, một giây khảy ngón tay bốn lần, sẽ là một nghìn hai trăm tám mươi triệu, [tức là] một phần của một nghìn hai trăm tám mươi triệu phần của một giây là một phần vô minh. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới xuất hiện trong [một niệm] vô minh ấy, mỗi niệm đều là một phần vô minh. Nếu đoạn sạch một phần vô minh ấy, mười pháp giới sẽ chẳng còn, quý vị sẽ chứng một phần Pháp Thân, hết thảy các pháp là chính mình, còn thân thể thì sao? Thân thể này cũng là một phần trong đó, chẳng lọt ra ngoài, y báo và chánh báo trang nghiêm trọn khắp pháp giới hư không giới được biến hiện trong một niệm vô minh. Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, một phần vô minh ấy cũng là tâm tưởng. Lúc ấy, liễu giải hết thảy các pháp và chính mình có mối quan hệ: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”, đó chính là luân lý được giảng trong Đại Thừa Phật pháp. Trong tâm Bồ Đề, chân thành là Lý thể, Pháp Thân Lý thể, Chân là chẳng giả, vĩnh hằng không thay đổi; Thành: Chẳng phải là hư ngụy. Luân lý ấy là: Trọn khắp pháp giới hư không giới chỉ là chính mình. Pháp Thân: Pháp là hết thảy các pháp, hết thảy các pháp là thân của chính mình, đó cũng là hết thảy các pháp. Quý vị chỉ chấp trước thân xác này là thân của chính mình thì trật rồi, hết thảy các pháp mới là thân của chính mình. Như thân thể của chúng ta là do vô số tế bào hợp thành, nếu quý vị chấp trước một tế bào trong đó là chính mình thì đã sai mất rồi, mỗi tế bào đều là chính mình, làm sao quý vị có thể chấp trước một tế bào cho được?

Khi nào quý vị thật sự giác ngộ, khắp pháp giới hư không giới do nhất tâm của chính mình hiện, duy tâm sở hiện, toàn là chính mình. Cũng giống như chúng ta nằm mộng, sau khi tỉnh mộng, chính quý vị hãy suy nghĩ kỹ càng, tất cả hết thảy người, sự, vật trong mộng, có gì chẳng phải do tâm chính mình biến hiện? Chúng ta dùng mộng cảnh [làm tỷ dụ] vì mộng cảnh dễ hiểu, ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, toàn bộ mộng cảnh do nhất tâm hiện ra. Sau đấy, quý vị lại mở rộng, vũ trụ như chúng ta nhận biết trong hiện thời cũng do nhất tâm của chính mình hiện ra, hết sức giống với mộng cảnh, chẳng giả tí nào. Đấy là quan niệm luân lý trong Phật pháp được giảng đến mức rốt ráo viên mãn. Luân lý như tổ tiên chúng ta đã nói chỉ giảng về mối quan hệ giữa con người với nhau, mục tiêu chung cực là: “Phàm là người, đều phải yêu thương”, điều đó gọi là Đức. Phật pháp giảng [luân lý] rất viên mãn, nhưng tổ tông chúng ta có nói tới [những điều ấy] hay không? Có chứ! Trong Luận Ngữ đã thật sự nói đến: “Phiếm ái chúng, nhi thân nhân” (yêu thương rộng khắp mọi người, thân cận kẻ nhân từ), “chúng” là gì? “Chúng” là chúng sanh, do các duyên hòa hợp mà sanh ra các hiện tượng. Ta do các duyên, tức Tứ Đại và Ngũ Uẩn hòa hợp, hoa, cỏ, cây cối cũng do các duyên hòa hợp, núi, sông, đại địa vẫn là các duyên hòa hợp. [Nói tới] Ngũ Uẩn là đã hoàn toàn khái quát các duyên. Trong Ngũ Uẩn, Sắc là vật chất, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tinh thần; tinh thần và vật chất vĩnh viễn chẳng thể tách rời. Cây cối, hoa, cỏ có Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay không? Có! Chúng tôi ở đây mười năm, trồng những loài rau và cây cối, chúng tôi trò chuyện với chúng, những cây cối, hoa cỏ ấy hiểu được ý nghĩ của chúng ta. Chúng ta ưa thích, tôn trọng, yêu thương chúng, cây cỏ sẽ đặc biệt xanh tươi, hoa đặc biệt thơm, trái đặc biệt ngọt, chúng hiểu được ý nghĩ của chúng ta. Không chỉ thực vật có Thọ, Tưởng, Hành, Thức, mà khoáng vật cũng có, có thứ nào chẳng do Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thành tựu? Đức Phật đã giảng trọn hết. Tiến sĩ Giang Bổn Thắng làm thí nghiệm với nước, nước là khoáng vật, nó có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Vì sao? Trong tự tánh vốn sẵn có kiến văn giác tri, khi đã giác ngộ thì gọi là kiến văn giác tri, vì trong kiến văn giác tri không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong Thọ, Tưởng, Hành, Thức có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, hễ mê liền biến thành tám thức, trong tám thức có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Theo quan niệm luân lý của Phật pháp, biết hết thảy các pháp và chính mình là một Thể, quý vị dùng tâm gì để đối đãi? Thân thiết như cha và con!

Tình thân trong Phật pháp là đại từ đại bi, không có pháp nào chẳng có quan hệ với chính mình. Nếu quý vị nói có một pháp đối lập, mâu thuẫn với chính mình, quý vị đã lầm lẫn quá đỗi rồi! Chính quý vị đã mê hoặc, điên đảo tận gốc, làm sao có chuyện như vậy được? Do vậy, trong lục đạo, người giác ngộ hòa quang đồng trần với chúng sanh trong lục đạo, nhưng người ấy hiểu rõ ràng, minh bạch, [chẳng mê hoặc, điên đảo như chúng sanh]. Chúng sanh trong lục đạo đều mê hoặc, điên đảo, mê mất tự tánh, người ấy là bậc giác ngộ, những chúng sanh ấy đã làm rất nhiều chuyện xấu, trái nghịch tự tánh, người ấy có ghim trong lòng hay không? Chẳng để ở trong lòng. Người ấy có trách móc họ hay không? Chẳng trách móc họ! Vì sao? Người ấy khẳng định hết thảy chúng sanh tánh vốn lành, nơi hữu tình gọi là Phật Tánh, tánh vốn lành, nơi vô tình gọi là Pháp Tánh, vẫn là tánh vốn lành. Trong tự tánh, chẳng tìm được một chút mảy may thiếu khuyết nào, tìm không được, viên mãn mà! Nhỏ nhất là vi trần cũng đầy đủ trí huệ và đức tướng, lớn như hư không pháp giới vẫn trọn đủ trí huệ và đức tướng, thật đấy, chẳng giả! [Người đã] mê sẽ làm chuyện sai trái, quý vị phải dạy họ, giúp họ quay đầu, đó là đúng; chư Phật, Bồ Tát làm theo cách ấy. Tuyệt đối chẳng hề có ý niệm muốn trừng phạt người đó. [Nếu thấy] kẻ đó đã làm bao nhiêu chuyện xấu, phải trừng phạt kẻ đó, [người có cái nhìn như thế] sẽ chẳng phải Bồ Tát, chưa giác ngộ, vẫn là lục đạo phàm phu. Thật sự giác ngộ sẽ chẳng thể nào có ý niệm ấy, ai thật sự giác ngộ? Từ A La Hán trở lên, các Ngài đã đắc Chánh Giác, đối với hữu tình chúng sanh trong mười pháp giới, chẳng cần biết họ làm chuyện sai quấy nào, cũng thấy họ giống như con cái của chính mình, quý vị có thể trách móc chúng nó hay chăng? Có thể vứt bỏ chúng nó hay không? Không! Sẽ cố gắng dạy dỗ chúng. Dùng tấm lòng yêu thương để dạy bảo, chẳng có kẻ nào không thể dạy dỗ thành tốt đẹp, không có một ai chẳng thể quay đầu, chỉ là họ mê sâu hay cạn khác nhau. Mê sâu sẽ khó quay đầu một chút, phải tốn thời gian dài hơn một chút, nhưng chắc chắn sẽ quay đầu. Kẻ chẳng thể quay đầu trong đời này, [sẽ quay đầu trong] đời sau, Phật, Bồ Tát độ chúng sanh đời đời kiếp kiếp chưa hề gián đoạn. Đời này có thể quay đầu, có thể thành tựu, đều là do thiện căn, phước đức, nhân duyên đã tích lũy đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, đến đời này chín muồi, nên đắc độ. Chưa chín muồi phải giúp cho kẻ ấy chín muồi, chưa gieo thiện căn sẽ giúp cho kẻ ấy gieo thiện căn, tâm ấy bình đẳng, không có dầy, mỏng, chẳng có cao, thấp, nên gọi là “phổ độ”.

Chúng ta xem đoạn tiếp theo: “Thử độ đại sĩ, sắc tâm tự tại, thân độ hỗ hiện, ư nhất hào đoan hiện bảo vương sát, ư vi trần lý chuyển đại pháp luân” (Các bậc đại sĩ trong cõi ấy sắc và tâm tự tại, thân và cõi hiện lẫn nhau, trong một đầu lông hiện cõi bảo vương, trong một vi trần chuyển đại pháp luân). Ngài đắc đại tự tại, những chuyện này hoàn toàn là thật, chẳng có câu nào là vọng ngữ hay khoa trương! Như Lai là “đấng nói lời thật, nói sự thật, nói đúng như sự thật”, “như ngữ” là gì? Hoàn toàn là chân tướng sự thật. Các bậc đại sĩ trong cõi ấy (Thật Báo Trang Nghiêm), nói thật ra, rất nhiều vị đại Bồ Tát đã thành Phật từ nhiều kiếp lâu xa, nay Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật ở nơi đây, Ngài là giáo chủ. Một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật ủng hộ, vô lượng chư Phật dùng thân phận Bồ Tát đến giúp Thích Ca Mâu Ni Phật tiếp dẫn, giáo hóa, thành tựu chúng sanh, đến làm trợ thủ. Phàm phu chúng ta thấy hình như có cao, thấp, trên thực tế là bình đẳng, hoàn toàn bình đẳng. Vì giáo hóa chúng sanh, hằng thuận chúng sanh, do chúng sanh có bất bình đẳng, có cao, thấp, nên Bồ Tát cũng thị hiện sự cao thấp cho quý vị thấy. “Thân độ hỗ hiện” (thân và cõi hiện lẫn nhau), nhờ vào Sắc và Tâm tự tại, vì sao tự tại? Chẳng chướng ngại! Chẳng có gì chướng ngại ư? Không có Vô Minh chướng ngại, không có Trần Sa chướng ngại, không có Kiến Tư chướng ngại. Kinh Hoa Nghiêm nói buông toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống sẽ chẳng có chướng ngại, đắc tự tại. Thân và cõi hiện lẫn nhau, câu này hay quá! Thân tự tại, cõi tự tại; thân thanh tịnh, cõi bèn thanh tịnh; thân bình đẳng, cõi bèn bình đẳng. Thân chẳng tự tại, chúng ta sống trên đại địa này cũng chẳng tự tại, vì sao? Cảnh chuyển theo tâm, tướng do tâm sanh. Nếu chúng ta thấu triệt, hiểu rõ ý nghĩa này, nếu có thể vận dụng trong cuộc sống hằng ngày thì mới thật sự được thụ dụng!

Sáu câu tiếp đó nói rõ đức dụng tự tại của các Ngài: Trong một đầu lông, sách Hoàn Nguyên Quán đã nêu một ví dụ là một hạt vi trần, một vi trần là y báo nhỏ nhất. Một sợi lông thật sự là chánh báo nhỏ nhất, trên thân thể chúng ta, một sợi lông là nhỏ nhất, [“nhất hào đoan” là] chót đầu một sợi lông, “nhất hào đoan” quả thật đã chỉ điều này. Trong đầu một sợi lông hiện “bảo vương sát”, bảo vương sát là gì? Cõi nước của chư Phật là tam thiên đại thiên thế giới, ở nơi đâu? Trong đầu một sợi lông! Đầu lông chẳng phóng to, đại thiên thế giới chẳng rút nhỏ, vì sao? Xứng tánh. Tự tánh không có lớn hay nhỏ, chẳng có trước hay sau, cũng có nghĩa là trong tự tánh không có thời gian, chẳng có không gian, tự tại! “Ư vi trần lý chuyển đại pháp luân” (Trong một vi trần chuyển đại pháp luân), “vi trần” là một hạt vi trần, vi trần là nhỏ nhất, đây là nói về y báo. Hai câu trước nói về chánh báo. [Tuy nói về y báo và chánh báo], nhưng có cùng một ý nghĩa, hiện cõi bảo vương và chuyển đại pháp luân có cùng một ý nghĩa. Thị hiện cõi nước để làm chuyện gì? Dạy học làm đầu, chuyển đại pháp luân là dạy học làm đầu, ở trong ấy, giúp kẻ mê mất tự tánh quay đầu là bờ! “Xứng tánh trang nghiêm, vô chướng, vô ngại”, hoàn toàn khác thế gian này, chúng ta phải hiểu ý nghĩa sâu xa, uyên áo, kín nhiệm ở đây, nghĩa gì vậy? Chúng ta và chư Phật, Bồ Tát, Pháp Thân đại sĩ chẳng hai, chẳng khác, vì sao nay các Ngài có thể, mà chúng ta chẳng thể? Các Ngài không có chướng ngại, chúng ta có chướng ngại; không có chướng ngại là thật, có chướng ngại là giả. Chúng ta bị hại bởi điều gì? Bị hại bởi các hành pháp bất tương ứng. Các hành pháp bất tương ứng toàn là giả, [chúng là] những khái niệm trừu tượng sai lầm tạo thành chướng ngại. Câu cuối cùng: “Viên Giáo Sơ Trụ dĩ thượng trực chí Đẳng Giác Bồ Tát, tứ thập nhất vị Pháp Thân đại sĩ giai thuộc thử độ, vị vị giai phần chứng Thường Tịch Quang độ” (Từ bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên cho đến Đẳng Giác Bồ Tát, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ đều thuộc về cõi này, địa vị nào cũng đều phần chứng cõi Thường Tịch Quang). Hôm nay đã hết thời gian rồi, ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu học từ câu này!