TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 5 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong, Trịnh Vân và Huệ Trang
TẬP 8
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin ngồi xuống. Xin xem dòng thứ tư trong trang bảy của bản kinh.
Chúng ta xem từ chỗ “chí ư khế cơ, tắc cánh thị bổn kinh chi độc thắng” (còn về khế cơ thì càng là chỗ thù thắng độc đáo của kinh này), xem từ chỗ này. “Kinh trung chi trì danh pháp môn, phổ bị tam căn, tề thâu phàm thánh. Thượng thượng căn giả, chánh hảo toàn thể thừa đương; hạ hạ căn giả, diệc khả y chi đắc độ” (Pháp môn trì danh trong kinh này thích hợp khắp ba căn, thâu trọn phàm thánh. Bậc thượng thượng căn rất hợp để gánh vác toàn thể. Kẻ hạ hạ căn cũng có thể nương theo kinh này mà đắc độ). Lần trước, chúng ta học tập đến chỗ này. Tiếp theo đó là: “Thượng tắc Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Thân đại sĩ, diệc quân phát nguyện cầu sanh” (trên thì như Văn Thù, Phổ Hiền, Pháp Thân đại sĩ cũng đều phát nguyện cầu sanh), đến phần sau, chúng ta sẽ thấy cụ Niệm Tổ dẫn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm [để làm chứng cho nhận định trên đây]. “Hạ chí Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung niệm Phật, diệc tất tùy nguyện đắc sanh” (dưới thì đến Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung niệm Phật, ắt cũng được tùy nguyện vãng sanh), dưới thì nói đến căn tánh nào? Nói đến kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác. Ngũ Nghịch là gì? Là kẻ tạo tác tội nghiệp cực nặng. Trong kinh nói, tội Ngũ Nghịch, Thập Ác nhất định đọa địa ngục A Tỳ, vào rất dễ, thoát ra rất tốn sức, quá khó khăn!
Ngũ Nghịch: Thứ nhất là “giết cha”, thứ hai là “giết mẹ”. Ân đức cha mẹ to lớn, trong kinh Phật có một bộ kinh chuyên giảng về điều này là Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh. Trong Đại Tạng Kinh, kinh này có hai bản dịch, thứ nhất là bản dịch của ngài An Thế Cao, bản này chắc chắn không phải là ngụy kinh vì trong Dịch Kinh Mục Lục có bản này. Bản thứ hai do ngài Cưu Ma La Thập dịch, bản này không đáng tin, vì trong mục lục các kinh do La Thập đại sư phiên dịch không thấy bộ này, rất có thể là do người đời sau ngụy tạo, mạo nhận tên La Thập đại sư; nhưng những điều được giảng trong ấy cũng khá lắm, chúng ta có thể coi như một loại sách khuyến thiện, nên Đại Tạng Kinh cũng thâu nhận. Được thâu nhận là vì có những thứ quả thật là ngụy tạo, nhưng do nội dung cũng rất tốt, cổ đại đức cũng đưa vào Đại Tạng, chúng ta học tập kinh giáo chớ nên không biết. Những loại này có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Nếu muốn học, muốn giảng giải bên ngoài, tốt nhất là dùng bản của ngài An Thế Cao, có căn cứ! Giết cha, giết mẹ, xong luôn!
Thứ ba là “giết A La Hán”. A La Hán giống như thầy; trong thế gian này, A La Hán giáo hóa một phương, công đức cũng hết sức thù thắng, quý vị giết hại Ngài. Hại Ngài là chuyện nhỏ, Ngài chẳng trách quý vị, người ta đã chứng quả thành thánh nhân, trọn chẳng ghi nhớ cừu hận. Kết tội ở chỗ nào? Nhiều người không có ai giáo hóa! A La Hán vốn giáo hóa cả vùng này, quý vị giết Ngài đi, duyên nghe pháp của cả vùng này bị đoạn, kết tội từ chỗ này! Nếu Ngài dạy học rất rộng, thời gian rất lâu, tội của quý vị cũng rất sâu, rất nặng, đó gọi là tội Đẳng Lưu, vẫn là đọa trong địa ngục A Tỳ.
Thứ tư là “làm thân Phật chảy máu”. Phật phước báo to lớn, không ai có thể hại chết Phật, nhưng có thể khiến Phật chảy một chút máu. Chuyện này xuất phát từ Đề Bà Đạt Đa, Đề Bà Đạt Đa muốn hại Thích Ca Mâu Ni Phật, ông ta rất ganh ghét Thích Ca Mâu Ni Phật, dù là đệ tử Phật, và trong quan hệ thế gian là anh em họ [của Phật]. Cho nên có quan hệ rất sâu, anh em họ mà! Ganh ghét vì Thích Ca Mâu Ni Phật sau khi thành Phật có nhiều tín đồ, được thập phương cung kính cúng dường. Ông ta thấy vậy, không chịu được, luôn nghĩ đủ mọi cách hại Phật. Có một ngày, ông ta tính toán: Mỗi ngày Thích Ca Mâu Ni Phật đi khất thực phải đi theo con đường dưới vách núi, Đề Bà Đạt Đa chuẩn bị sẵn một tảng đá lớn trên đỉnh vách núi, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật đi phía dưới, bèn đẩy xuống, nghĩ Phật sẽ bị đá đè chết. Phật phước báo to lớn, có thần hộ pháp, thần hộ pháp là Vi Đà Bồ Tát, ở trên không trung dùng Kim Cang xử ngăn tảng đá. Bị chặn lại, tảng đá vỡ thành mảnh nhỏ, sau khi các miểng đá rơi xuống, một miểng cắt trúng chân Phật, chảy một chút máu. Chảy một chút máu gọi là “làm thân Phật chảy máu”. Nếu nay chúng ta muốn làm thân Phật chảy máu, nhưng Phật lại không ở trên đời, cho nên đây là chuyện không thể được; nhưng có chuyện giống như thế, tội nặng bằng, đó là gì? Chính là khởi ác niệm muốn hủy diệt hình tượng Phật, điều này cũng giống như làm thân Phật chảy máu!
Do vậy, công đức tạo tượng chẳng thể nghĩ bàn! Một pho tượng được đắp tại một nơi nào đó, bao nhiêu người trông thấy bức tượng Phật ấy, gieo một chủng tử Phật vào A Lại Da Thức, họ bèn có duyên với Phật. Trong một đời này, chủng tử ấy chưa thể nẩy mầm, chưa thể trưởng thành, chẳng sao cả! Đời kế tiếp hoặc đời sau nữa, gặp duyên, chủng tử này bèn khởi hiện hành, sẽ khởi tác dụng. Bởi lẽ, kẻ được Phật hóa độ chính là những chúng sanh căn cơ đã chín muồi, Phật nhất định giúp cho kẻ ấy thành Phật trong đời này. Chúng sanh căn cơ đã chín muồi là do đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đã tích lũy các công đức, đến đời này công đức tu học bèn chín muồi. Trong Thiền Tông, bậc đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật chính là chúng sanh căn cơ chín muồi; nếu luận về căn tánh sẽ được gọi là bậc thượng thượng căn, họ đều thuộc về hạng thượng thượng căn. Trong Giáo Hạ, bậc được gọi là “đại khai viên giải”, thật sự triệt ngộ sẽ có cảnh giới giống như bậc minh tâm kiến tánh trong Thiền Tông. Trong pháp môn Niệm Phật, họ được gọi là “Lý nhất tâm bất loạn”. Quý vị thấy danh xưng khác nhau, Tịnh Tông là Lý nhất tâm bất loạn, Giáo Hạ là đại khai viên giải, Tông Môn là đại triệt đại ngộ, nhưng đều là minh tâm kiến tánh. Quý vị phải biết: Mục tiêu chung cực (cuối cùng, rốt ráo) của niệm Phật vẫn là minh tâm kiến tánh. Cho nên đức Phật mới nói, như kinh Kim Cang đã chép: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”. Vì sao bình đẳng? Đạt tới mục tiêu giống nhau là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh trong Niệm Phật là Lý nhất tâm bất loạn; chứ Sự nhất tâm bất loạn vẫn chưa đạt đến [minh tâm kiến tánh]. Trong mười pháp giới, tứ thánh pháp giới là Sự nhất tâm bất loạn, công phu ấy coi như khá lắm, vượt thoát lục đạo luân hồi. Nếu chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, công phu niệm Phật ấy là công phu thành phiến. Công phu thành phiến cũng có chín phẩm, vì trong cõi trời từ Tứ Vương Thiên cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là hai mươi tám tầng, mỗi tầng khác nhau! Đây là kiến thức Phật học thông thường, chúng ta phải biết. Trong Sự nhất tâm bất loạn có tứ thánh pháp giới, trong Tiểu Thừa là Tứ Quả, Tứ Hướng, nhưng trong tứ thánh pháp giới, trên A La Hán còn có Bích Chi Phật, còn có Bồ Tát, còn có Phật, thảy đều thuộc về Sự nhất tâm bất loạn. Nếu chứng đắc Lý nhất tâm bất loạn, sẽ vượt thoát, không còn thuộc trong mười pháp giới, đã thành Phật, đạt đến Nhất Chân pháp giới, sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Đây là chúng sanh hữu duyên với Phật.
Sự thù thắng trong Tịnh Độ Tông, nói thật ra, vô cùng thù thắng, vì sao? Tịnh Độ Tông chẳng đoạn một phẩm phiền não. Đoạn phiền não đúng là chẳng dễ dàng! Đoạn được một phẩm phiền não sẽ là thánh nhân, chẳng phải là phàm nhân. Quý vị đoạn được một phẩm Kiến Tư phiền não, sẽ chứng đắc quả Tu Đà Hoàn trong Tiểu Thừa, còn trong Đại Thừa, nói theo kinh Hoa Nghiêm, sẽ là địa vị Sơ Tín trong Thập Tín. Tuy địa vị chẳng cao, mới là bậc thánh nhân nhỏ tí, [điều này] giống như một trường học trong Phật giáo: Học lớp Một Tiểu Học, quý vị đã bước vào trường. Sơ Tín Vị Bồ Tát là học sinh lớp Một Tiểu Học, thật sự là đệ tử Phật. Công phu đoạn phiền não bình đẳng và giống như Tu Đà Hoàn; cho nên vị ấy thật sự là tiểu thánh, chưa rời khỏi lục đạo. Tuy chưa rời khỏi lục đạo, vị ấy chắc chắn chẳng đọa trong tam ác đạo. Do vậy, chứng đắc gì? Vị Bất Thoái trong ba món Bất Thoái. Vĩnh viễn chẳng đọa làm phàm phu, chẳng ở trong ác đạo. Dù không có Phật xuất thế, [nhằm lúc] thế gian không có Phật pháp, vị ấy vẫn có thể [thành tựu], trong lục đạo có thọ mạng nhất định, sanh trong nhân gian hoặc cõi trời, từ nhân gian chết bèn sanh lên trời, thọ mạng trong cõi trời đã hết bèn sanh xuống nhân gian, bảy lần qua lại trong nhân gian và cõi trời, sẽ thành Độc Giác. Đó là khi không có thầy, vị ấy là Độc Giác. Vì sao có thể thành Độc Giác? Độc Giác không ai dạy. Chúng ta có thể suy ra Ngài là bậc thiện căn sâu dầy. Phật, Bồ Tát vẫn chiếu cố vị ấy, tuy chiếu cố, nhưng không lộ rõ. Chúng ta là người bình thường không cảm nhận được, nhưng vị ấy có cảm nhận, thấy sắc, nghe tiếng đều có lãnh ngộ. Điều kiện cơ bản để lãnh ngộ là tâm địa thanh tịnh, điều này rất trọng yếu. Trong Phật pháp nói “đắc tam-muội”, tâm địa thanh tịnh, tâm thanh tịnh sanh trí huệ. Nếu gặp Phật, Bồ Tát giáo hóa chúng sanh trong thế gian này, vị ấy sẽ trở thành Thanh Văn, nghe Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp bèn khai ngộ. Không gặp Phật, Bồ Tát giảng kinh, thuyết pháp, vẫn có thể khai ngộ, tuy thời gian lâu hơn một chút, khổ cực hơn một chút, nhưng năng lực lãnh ngộ của vị ấy rất mạnh. Nếu chúng ta hỏi: Vị tiểu thánh như vậy, nếu xét theo điều kiện trong hiện tại là Thập Tín vị Đại Thừa của Phật, để được vào học lớp Một Tiểu Học, phải có đủ những điều kiện nào? Kinh điển thuộc giáo pháp Đại Thừa thường nói: Quý vị phải đoạn hết năm thứ Kiến Hoặc. Đối với Kiến Tư phiền não, Kiến là gì? Chúng ta gọi nó là “cách nhìn”. Có năm cách nhìn sai lầm to lớn, quý vị hãy bỏ sạch mới là đúng. Trên nữa là Tư Hoặc, tức là tư tưởng sai lầm, hay cách nghĩ sai lầm. Cách nghĩ sai lầm là gì? Tham, sân, si, mạn, nghi. Quý vị phải biết: Trong tự tánh không có những thứ ấy, những thứ ấy chẳng thật! Trong tự tánh không có, nhưng nay quý vị đang có. Hiện tại, do quý vị có những thứ này bèn có lục đạo luân hồi, sai lầm nơi tư tưởng!
Sai lầm nơi kiến giải: Thứ nhất là Thân Kiến, chấp trước thân là ta, ta ở đâu? Nhất định là ở đây, đây là ta. Phiền phức to! Quý vị vĩnh viễn chẳng thể thoát khỏi lục đạo. Chúng ta học Phật, học đã lâu năm như thế, tuy chưa khế nhập cảnh giới, nhưng đức Phật đã giảng quá nhiều, chúng ta cũng nghe và hiểu rõ, biết thân chẳng phải là ta, thân là gì? Thân là ngã sở, tức là cái mà ta có. Quần áo ta mặc trên người do ta sở hữu, nhưng y phục của ta chẳng phải là ta. Chư vị phải biết, cái mà ta sở hữu sẽ có sanh diệt, nhưng Ngã bất sanh bất diệt. Thân thể có thể bất sanh bất diệt hay không? Chẳng thể! Thân có sanh diệt, nhưng Ngã không có sanh diệt. Các triết gia ngoại quốc cũng rất thông minh, họ nói Ngã là gì? Họ không nói tới thân, họ nói: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” (Cogito ergo sum)[1], cao minh hơn người bình thường một chút. Ta có thể suy nghĩ, cái “có thể suy nghĩ” là ta, cái thân xác thịt này chẳng thể suy nghĩ, nó là vật chất; cũng có nghĩa là họ nói: Trong thân thể này, phần tinh thần là ta. Vật chất có sanh diệt, tinh thần chẳng sanh diệt, [quan điểm này] cao hơn [cách nhìn của] người bình thường một chút. Phương Đông chúng ta thường gọi [“tinh thần”] là “linh hồn”, linh hồn là ta, chấp trước điều này. [Tuy chúng ta] chấp trước điều này, nhưng linh hồn tuy bất diệt, nó vẫn bỏ thân trong lục đạo để đầu thai. Chuyện này là thật, tuyệt đối chẳng phải giả. Hiện thời, được coi như có chứng cứ khoa học rõ ràng là trong thuật thôi miên của phương Tây. Rất nhiều người đã xem báo cáo bác sĩ Ngụy Tư (Brian L. Weiss)[2] của Hoa Kỳ; thật ra, theo các đồng học bên Mỹ đã bảo tôi, còn có rất nhiều người cao minh hơn ông ta, nhưng họ chưa in sách. Sau khi sách của ông Weiss ra đời, đã được dịch thành hơn ba mươi thứ tiếng khác nhau lưu thông trên cả thế giới, ông ta bèn nổi danh. Đương nhiên cũng kể như là rất khá, ông ta là một người rất thành công trong lãnh vực thôi miên. Mấy bữa gần đây, hình như ông ta đang ở Úc, các đồng học bên Úc cho biết ông ta đang ở Úc, tôi vốn muốn mời ông ta đến báo cáo, nhưng ông ta cũng hết sức bận rộn, các nơi đều mời ông ta. Qua thôi miên, biết con người có đời quá khứ, quá khứ không chỉ là một đời. Có người được thôi miên đã nói ra mười mấy đời, hai mươi mấy đời. Tôi đọc báo cáo của ông Weiss, đã có một người gần như là nhớ mấy chục đời, tính ngược lại gần như là hơn bốn ngàn năm trước, nhằm thời thượng cổ, bọn họ không có nhà ở, sống trong hang hốc, sống trong thời đại như thế đó! Đấy là linh hồn chuyển thế.
Lục đạo là thật, chẳng giả. Tại cổ Ấn Độ, trong thời Thích Ca Mâu Ni Phật, Ấn Độ là đất nước tôn giáo, các tín đồ tôn giáo đều có công phu Thiền Định, trong giới học thuật đều biết tu Thiền Định. Trong Thiền Định có thể đột phá chiều không gian, cũng có nghĩa là trong lục đạo mà họ có thể đột phá chiều không gian, nhờ Tứ Thiền Bát Định, có thể thấy được Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, phía dưới có thể thấy địa ngục A Tỳ. Chuyện này chẳng giả, ai đắc Định đều có thể thấy. Quý vị hỏi những người đắc Định, thưa hỏi về trạng huống địa ngục và thiên đường mà họ đã thấy, họ sẽ nói cho quý vị nghe, mọi người đều nói như nhau, chẳng giả! Họ chẳng dùng dụng cụ khoa học, mà dùng công phu Thiền Định để đột phá chiều không gian. Hiện thời, khoa học biết quả thật có các chiều không gian tồn tại, nhưng vẫn không biết dùng phương pháp nào để đột phá, chưa tìm ra phương pháp. Tại cổ Ấn Độ, những vị đại đức trong giới tôn giáo, học thuật từ mấy ngàn năm trước, nếu nói theo Ấn Độ Giáo, các trưởng lão Ấn Độ Giáo bảo tôi, họ đã có lịch sử lâu tới một vạn năm, nhưng hiện thời, giới học thuật trên thế giới thừa nhận [lịch sử nhân loại] là tám ngàn năm trăm năm, sớm hơn Phật giáo năm ngàn năm. Họ (các trưởng lão Ấn Độ Giáo) tự nói [lịch sử] lâu đến một vạn năm, tôi tin tưởng, họ không chú trọng ghi chép lịch sử mà là đời đời truyền cho nhau.
Đột phá chiều không gian là chuyện khác hẳn, cảnh giới hoàn toàn khác nhau, nhưng đều không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nói thật ra, đối với linh hồn, tôi nghĩ thánh nhân Trung Quốc cũng biết chuyện này, biết nhưng không nói. Vì sao không nói? Chẳng phải là cảnh giới của quần chúng thế tục. Không nói tốt hơn! Nói ra sẽ nhiễu loạn tâm tư của họ, khiến họ suy nghĩ lung tung, chẳng thà không nói, [đại chúng] chưa đạt đến trình độ mà! Vì thế, phu tử giảng về nhân đạo và thiên đạo, rất ít nói tới quỷ thần. Đây là nói “cơ cảm bất đồng”, cho nên phương pháp giáo học khác hẳn. Khi Lục Tổ Huệ Năng đại sư khai ngộ đã nói Ngã là gì? Tự tánh là Ngã. Đây là nói theo Phật pháp, tự tánh là Ngã. Nếu nói theo thế tục, sẽ không thể gọi là linh hồn, mà gọi là linh tánh. Hồn chẳng linh. Nếu hồn là linh, quý vị đến đầu thai trong thế gian, nhất định có thể chọn gia đình đại phú đại quý, cuộc sống thoải mái hơn! Nếu quý vị đến đầu thai trong nhà bần cùng, chẳng phải là lầm lạc hay sao? Mê, chẳng ngộ, bất giác. Vì thế, phu tử nói rất hay. Trong kinh Dịch, Ngài đã giảng trong phần Hệ Từ Truyện: “Du hồn vi biến, tinh khí vi vật”[3], hai câu này nói rất hay! Quỷ hồn có tốc độ rất nhanh, dao động không ngừng, chẳng thể ở yên, [dao động với] tốc độ rất nhanh, đúng là “du hồn”, thuyết này rất có lý. Trong Phật pháp nói đến “mê hồn”, nó đã mê rồi, mê mà chẳng giác, không biết đó là chính mình; nói thật ra, [thần hồn, mê hồn, hay du hồn] chính là A Lại Da Thức như trong nhà Phật đã nói. A Lại Da Thức là mê. Hễ giác sẽ không gọi là A Lại Da Thức, mà gọi là tự tánh, gọi là pháp tánh. Cùng một chuyện, nhưng do mê hay ngộ mà có danh hiệu khác nhau!
Phàm phu chúng ta và Phật có cùng một tánh, một tự tánh, một linh tánh, chẳng có mảy may sai biệt nào! Qua bộ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư, chúng ta đã biết thông tin này. Lão nhân gia đã giảng rất tỉ mỉ, giảng vô cùng tinh vi tuyệt diệu. Sau khi chúng ta học xong, tuy chẳng chứng ngộ, nhưng có giải ngộ, chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này. Chắc chắn Phật, Bồ Tát, tổ sư chẳng lừa gạt chúng ta, chúng ta phải có lòng tin kiên định. Chúng ta học Phật chẳng có gì khác, chính là nhằm tìm lại diện mục của chính mình. Vì thế, đề mục bài luận văn của Ngài (Hiền Thủ quốc sư) là Vọng Tận Hoàn Nguyên, “hoàn nguyên” là tìm lại, kiếm lại cái Ngã thật sự. Thân là giả ngã, ngỡ thân là Ngã, quý vị đã sai mất rồi! Về trật nhà rồi! Vì thế, trước hết, phải giác ngộ thân chẳng phải là Ngã, thân là ngã sở hữu (cái mà ta có). Thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật này, đã thật sự thấu hiểu, quý vị có sợ chết nữa không? Không sợ! Vì sao? Không có sanh tử, quý vị sợ cái gì! Bỏ thân mạng giống như thay quần áo. Cởi bỏ quần áo dơ, vứt bỏ nó để thay một bộ mới. A Lại Da Thức là như vậy, Phật pháp gọi A Lại Da Thức là “thần thức”. Thân thể này già rồi, chẳng tiện sử dụng nữa, bèn đổi sang cái mới, nhưng có người càng đổi càng tốt, có kẻ càng đổi càng tệ. Mối quan hệ này lớn lắm. Trong lục đạo, nhân thiên là tốt đẹp, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục rất tệ, quý vị đổi lấy cái thân nào? Ở đây nói tới nghiệp nhân quả báo, quý vị tâm thiện, hạnh thiện, tiêu chuẩn thiện ác là gì? Là tự tánh, Tánh Đức trong tự tánh. Cốt lõi của Tánh Đức trong tự tánh, nói theo kiểu thông thường hiện thời là Ái, trong Phật pháp gọi là “từ bi”, cổ nhân Trung Quốc gọi là “nhân nghĩa”, trong bản tánh là Ái. Quả thật, sau khi kiến tánh, lòng Ái trong tự tánh sẽ tự nhiên lưu lộ, chắc chắn chẳng phân biệt, quyết định chẳng chấp trước, lòng Ái trọn khắp vũ trụ, khắp pháp giới, giống như ánh sáng, như sóng điện từ, trọn pháp giới hư không giới thảy đều cảm nhận được.
Hiện thời, trong ý niệm của chúng ta, khởi tâm động niệm rất phi phàm, bất luận là thiện niệm, hay ác niệm, vừa dấy động sẽ trọn khắp pháp giới, nhưng chính chúng ta không biết. Vì sao? Sách Hoàn Nguyên Quán bảo chúng ta: Bất luận là hiện tượng vật chất hay hiện tượng tinh thần, các vật chất cũng có hiện tượng dao động, bất luận vật chất nào cũng đều có hiện tượng dao động. Do vậy, các khoa học gia hiện thời bảo vũ trụ trong tình trạng dao động, trên thực tế điều gì cũng không có, vật chất do dao động mà hình thành, tinh thần cũng do dao động mà hình thành. Nếu không có dao động, tinh thần và vật chất cũng chẳng tồn tại. Cách nói này cũng rất gần với cách Phật pháp giảng về căn nguyên của vạn vật trong vũ trụ. Trong kinh Phật có nói: “Nhất niệm bất giác, nhi hữu vô minh”, [nghĩa là] từ nhất niệm bất giác mà sanh khởi vạn vật, nhất niệm là dao động. Thế nhưng khoa học gia không giảng nhất niệm rõ ràng, còn kinh Phật giảng rõ ràng. Chúng ta xem cuộc đối thoại giữa Phật và Di Lặc Bồ Tát trong Bồ Tát Xử Thai Kinh[4]; trong bộ kinh này có một đoạn đối thoại như vậy. Đức Phật hỏi Di Lặc Bồ Tát: “Tâm hữu sở niệm”, [nghĩa là] bọn phàm phu chúng ta, tức phàm phu trong lục đạo, trong tâm khởi lên một niệm, đức Phật bèn hỏi: “Trong một niệm ấy có bao nhiêu niệm?” Chúng ta nghĩ không ra, trong một niệm lại còn có mấy niệm nữa ư? Ai có thể nghĩ đến vấn đề này? Tôi nghĩ khoa học gia thông minh nhất trong hiện tại cũng không nghĩ đến. Trong một niệm có mấy niệm? Nói cách khác, nhất niệm này do bao nhiêu tế niệm hợp thành? Câu hỏi này mới có ý nghĩa, có bao nhiêu niệm? Tiếp đó, lại hỏi: Có mấy tướng? Có mấy thức? Tướng là hiện tượng vật chất, thức là hiện tượng tinh thần. Đức Phật nêu câu hỏi như thế!
Di Lặc Bồ Tát là một nhà tâm lý học trong Phật giáo; nếu coi Phật giáo như giáo dục thì Ngài chuyên môn dạy tâm lý học. Ngài đáp lời đức Thế Tôn, trên thực tế, hai vị đàm thoại để bọn chúng ta nghe, chẳng phải là không biết. Di Lặc Bồ Tát nói một khảy ngón tay, thời gian khảy ngón tay rất ngắn, người trong thế gian này khởi lên một niệm ước chừng bằng thời gian khảy ngón tay. Trong khoảng khảy ngón tay, có bao nhiêu tế niệm? Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Đơn vị là trăm ngàn, một trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn thành ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, người Trung Quốc nói là ba trăm hai mươi triệu, một cái khảy ngón tay đó nghe! Một cái khảy ngón tay là ba trăm hai mươi triệu. Trong kinh Phật đã nói [như thế], còn các khoa học gia chưa nói! Di Lặc Bồ Tát nói: “Niệm niệm thành hình”, “hình” (形) là vật chất, Phật gọi nó là tướng, tức Tướng Phần, Tướng Phần của A Lại Da Thức. “Hình giai hữu thức”, mỗi hình đều có thức. Đây là nói vật chất và tinh thần đồng thời sanh ra, không có trước sau. Trong vật chất nhất định có tinh thần, trong tinh thần nhất định có vật chất. Đối với vật chất, trong kinh Phật có một danh từ là Vô Biểu Sắc. [Những vật chất mà] chúng ta có thể thấy bằng mắt thường là Hữu Biểu, đây là hiện tượng vật chất. Chúng ta không thể thấy Vô Biểu Sắc, nhưng nó thật sự tồn tại, có thể cảm nhận nó hay không? Có thể!
Vô Biểu Sắc là gì? Chúng ta đã từng thấy. Giữa Hương Cảng và Cửu Long là biển[5], là nước biển, chẳng phải là nước ngọt, mà là nước biển, chúng ta đều thấy. Nay chúng ta ngồi trong nhà, chúng ta nghĩ tới nước trong biển, có thể có khái niệm rõ ràng hay không? Hỏi quý vị có sắc hay không? Có! Chính quý vị cảm nhận rất rõ ràng, nhưng người khác không thấy. Đó là vật chất, điều này cho thấy trong tinh thần có vật chất. Tinh thần là gì? Tinh thần là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Thọ, Tưởng, Hành, Thức do đâu mà có? Từ “thấy, nghe, hay, biết” vốn sẵn có trong tự tánh. Thấy, nghe, hay, biết là Tánh Đức. Hễ giác ngộ thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức không còn nữa, chúng chuyển biến thành thấy, nghe, hay, biết. Nếu mê thì thấy, nghe, hay, biết biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chuyện là vậy đó, biến chất rồi! Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm thứ cảm nhận[6] của phàm phu trong lục đạo, chẳng thật! Do vậy, trong kinh đức Phật đã nói: Thân chúng ta do Ngũ Uẩn hòa hợp, tạo thành thân thể này. Các duyên hòa hợp [gọi là] chúng sanh. Mỗi cá nhân được gọi là chúng sanh, vì do các duyên hòa hợp mà sanh. Trong ấy có sắc pháp, sắc pháp là vật chất, là hình; có Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tâm pháp. Thọ là năm thức đầu (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức), Tưởng là thức thứ sáu (ý thức), Hành là thức thứ bảy (Mạt Na, còn gọi là Ý Căn), thức cuối cùng là A Lại Da, đó là hiện tượng tinh thần.
Vì thế, chúng ta nói duy vật hay duy tâm đều trật! Tâm và vật có cùng một nguồn, là một chuyện, quyết định chẳng tách rời. Chúng ta là động vật có Thọ, Tưởng, Hành, Thức rất rõ ràng, thực vật có hay không? Có! Khoáng vật có hay không? Có! Tiến sĩ Giang Bổn Thắng của Nhật Bản rất hiếm có! Nước là khoáng vật, ông ta quan sát nước cẩn thận, [nhận thấy] nước có thể thấy, nghe, hiểu ý nghĩ của con người, nó có thấy, nghe, hay, biết. Đó là khoáng vật có thấy, nghe, hay, biết! Tôi bảo ông ta: “Không riêng mình nước có thấy, nghe, hay, biết; tất cả khoáng vật đều có thấy, nghe, hay, biết. Hiện thời, ông chỉ thấy được Sắc của nó, thấy được sắc tướng, nhưng nó còn có thanh, hương, vị, ba thứ này, ông vẫn chưa phát hiện được. Ông hãy gắng tiếp tục nỗ lực, trong bất luận vật chất nào cũng có hương, ông có thể ngửi được, nó có vị, có âm thanh, nay ông chỉ thấy được sắc tướng của nó”. Từ ba ngàn năm trước, đức Phật đã nói rõ như thế, nay ông ta làm thí nghiệm mới thấy được một điều, ông ta bội phục. Vốn nghĩ Phật giáo là mê tín, không dám tiếp xúc, nay ông ta đã hiểu rõ, tin tưởng. Chúng tôi giảng kèm thêm một đoạn dông dài vào phần “làm thân Phật ra máu” như thế, những điều này đều thuộc loại kiến thức Phật học thông thường.
Điều cuối cùng trong Ngũ Nghịch là “phá hòa hợp Tăng”, cũng đọa địa ngục A Tỳ. Thuở tôi còn trẻ, giảng kinh tại Đài Bắc, tôi nhớ lúc đó đã bốn mươi mấy tuổi, có một vị lão cư sĩ là bạn cũ của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy chúng tôi. Vị này tuổi nhỏ hơn thầy Lý một chút, khi ấy, cụ cũng ngoài sáu mươi tuổi, tôi mới vừa bốn mươi mấy tuổi, cụ hơn tôi nhiều lắm là hai mươi tuổi. Có một hôm cụ mời tôi dùng cơm, cạnh trạm xe lửa có một tiệm cơm chay tên là Công Đức Lâm, thuộc thành phố Đài Bắc. Tôi tới Công Đức Lâm thì cụ đã đến rồi, đến nơi thấy chỉ có hai người chúng tôi, cụ chẳng mời ai khác, chỉ mời một mình tôi! Chọn món ăn xong, khi đang ăn, cụ hỏi tôi: “Pháp sư Tịnh Không, thầy có biết vì sao hôm nay tôi mời thầy dùng cơm hay không?” Tôi nói: “Tôi không biết”. Cụ bảo: “Có một chuyện tôi muốn hỏi ý thầy”. Tôi hỏi: “Chuyện gì vậy?” Cụ nói: “Chuyện này nghiêm trọng lắm! Trong Ngũ Nghịch, tội giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, rất ư là ít!” Khi ấy, đúng là ít, chứ nay thì chẳng ít! Quý vị đọc báo, đọc tạp chí, sẽ thấy giết cha, giết mẹ, anh em giết nhau, giết thầy, giết bạn học là chuyện thường nghe nói tới. Thưa quý vị, năm mươi năm trước không có hiện tượng này, rất ít thấy chuyện này xảy ra, “chỉ có một điều là phá hòa hợp Tăng, điều này nghiêm trọng lắm”. Tôi hiểu ý cụ, các đồng học học Phật, bất luận tại gia hay xuất gia, ganh ghét, chướng ngại, hủy báng lẫn nhau là phá hòa hợp Tăng. Cụ nói chuyện này nghiêm trọng, tạo tội này sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Tôi cười nói: “Chúng ta hãy ăn cơm, không có chuyện gì đâu!” Cụ thấy tôi rất thong dong, cảm thấy rất lạ, sao lại không có chuyện gì? Ta hỏi ngược lại: “Thưa lão cư sĩ! Cụ học Phật sớm hơn tôi”. Cụ học Phật với Ấn Quang đại sư, là bạn học của thầy Lý, lúc đó, tôi học Phật đại khái cũng được mười mấy năm. Tôi nói: “Tôi không chỉ chưa được thấy hòa hợp Tăng, mà còn chưa hề nghe nói tới, cụ thấy ở đâu có Tăng đoàn hòa hợp?” Tôi vừa hỏi, cụ cũng cười theo. Hai người xuất gia ở cùng một chỗ luôn cãi nhau, Tăng đoàn hòa hợp từ đâu mà có? Chưa hề thấy! Cụ bận lòng chuyện này làm gì? Hiện thời không có Tăng đoàn hòa hợp, chúng ta dùng cơm là được rồi. Thật đấy!
Kinh nói rất hay, nếu ở nơi đây xuất hiện một Tăng đoàn hòa hợp, bốn người trở lên ở cùng một chỗ cộng tu, thật sự thực hiện Lục Hòa Kính, kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu, thân hòa đồng trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân, làm được sáu điều này, sẽ thật sự là đạo tràng của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhất định cảm hết thảy chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, nơi này sẽ không có tai nạn. Thật đấy, chẳng giả đâu! Trong đời này, từ lúc tôi bắt đầu học Phật, biết chuyện này, bèn lưu ý, mong có được một Tăng đoàn hòa hợp như thế xuất hiện, nhưng tìm không ra. Ba mươi năm trước, tức năm 1977, tôi đến Hương Cảng lần đầu tiên để giảng kinh, bên Hương Cảng các đại đức pháp sư không ít, từ các nơi trong đại lục vân tập về cuộc đất ấy. Trong số đó, cũng có một pháp sư trẻ tuổi, đại khái chừng bốn mươi mấy tuổi, tuổi tác chẳng chênh lệch với tôi cho mấy, lớn hơn tôi mấy tuổi là pháp sư Tẩy Trần. Ở Hương Cảng, mọi người đều biết pháp sư Giác Quang và pháp sư Tẩy Trần, hai vị này là lãnh tụ của giới Phật giáo Hương Cảng. Sư Tẩy Trần là người Đông Bắc, sư Giác Quang cũng là người Đông Bắc, chúng tôi nói chuyện rất hợp ý. Đặc biệt là pháp sư Tẩy Trần, tôi đã từng thỉnh cầu Sư vài lần, tôi nói: “Thầy có thể tìm năm người xuất gia hay không? Tôi sẽ tham gia. Tôi ghi danh, thầy là người cầm đầu. Năm người chúng ta thi hành Lục Hòa Kính. Chúng ta thành lập Tăng đoàn này”. Lần đầu tiên tôi đến Hương Cảng giảng kinh suốt bốn tháng, giảng kinh Lăng Nghiêm. Giảng xong đã hết thời gian lưu trú, tôi trở về Đài Loan, tôi nói thầy hãy tiếp tục nỗ lực để chúng ta cùng làm, Sư cũng rất hoan hỷ. Không làm thành công! Chẳng dễ dàng, tìm không ra!
Phải thực hiện Lục Hòa Kính ra sao? Thưa quý vị, thực hiện ba căn bản của Nho, Thích, Đạo thì Lục Hòa Kính sẽ thực hiện được! Quý vị nghĩ coi có đúng hay không? Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp, Sa Di Luật Nghi của người xuất gia, chỉ cần làm được một trăm phần trăm bốn món căn bản này, đoàn thể ấy sẽ là Lục Hòa Kính, là một Tăng đoàn danh phù hợp thực chất. Chẳng tu Lục Hòa Kính, chẳng đạt được tiêu chuẩn Lục Hòa Kính, chẳng thể xưng là Tăng đoàn! Khi chúng ta niệm Tam Quy Y, “quy y Tăng, chúng trung tôn”, “Chúng” là đoàn thể, là tổ chức xã hội. Trong tất cả các đoàn thể xã hội, đoàn thể của đệ tử Phật tôn quý nhất, vì sao? Hòa thuận. Tổ tiên Trung Quốc bảo: “Hòa vi quý” (hòa là quý), họ thực hiện chữ Hòa. Trong đoàn thể ấy, chắc chắn chẳng thấy có tranh chấp, chắc chắn chẳng thấy nổi nóng. Hiện thời, chúng ta có thể thấy hay không? Đi tìm khắp nơi [vẫn chẳng thấy]! Vì sao Phật pháp suy? Không có Tăng đoàn! Tăng đoàn hình thức thì có, Tăng đoàn thực chất không có! Hiện thời phiền phức lắm! Tai nạn nhiều quá, làm thế nào để hóa giải tai nạn? Có một Tăng đoàn xuất hiện trong thế gian này, địa cầu sẽ được cứu, chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ, tai nạn gì cũng đều không có. Có ai chịu phát tâm hay không? Không ai hết. Vì sao? Tự tư, tự lợi không buông xuống được, tiếng tăm, lợi dưỡng không buông xuống được, hưởng thụ ngũ dục lục trần không buông xuống được. Vậy là không có cách nào cả! Cùng nhau chịu nạn, không có đường nào để đi được nữa! Vì thế, quý vị có chịu buông xuống, bỏ mình vì người khác hay không? Nói thật ra, vì người khác thật ra là vì chính mình; vì chính mình thì thật ra là tự mình hại mình.
Phật, Bồ Tát, thánh hiền biết chuyện này, nhưng phàm phu mê hoặc, điên đảo không biết, trước mắt niệm niệm đều mong chiếm được một chút tiện nghi. Có tiện nghi chiếm được, nhưng cũng có những điều chẳng chiếm được, vì sao chiếm được? Do trong mạng có [nên quý vị mới chiếm được], quý vị nói xem có phải là oan uổng hay không? Trong mạng có, bèn đạt được! Trong mạng không có, dùng cách nào cũng đều chiếm không được. Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay: “Nhất sanh giai thị mạng, bán điểm bất do nhân” (Cả đời đều do số mạng, chẳng có được nửa điểm do con người quyết định). Mạng do đâu mà có? Mạng là do quý vị tạo nghiệp trong đời trước. Trong đời quá khứ tạo thiện nghiệp, quý vị đến [thế giới này để] hưởng phước, trong mạng quý vị có [phước báo ấy]. Trong đời quá khứ tạo tác nghiệp bất thiện, quý vị hứng chịu khổ báo, chẳng do người khác ban cho, tự làm, tự chịu! Nhất định phải hiểu đạo lý này, quyết định chớ nên oán trời, hờn người! Oán trời hờn người là tội lại chồng thêm tội. Đây là chân tướng sự thật. Trước khi chúng ta chưa học Phật, chưa tiếp xúc Phật pháp thì không biết. Sau khi tiếp xúc Phật pháp, vui thích học tập, càng ngày càng hiểu rõ, càng ngày càng minh bạch, tai họa vì sao mà có ? Hạnh phúc vì sao mà có? Rõ ràng, rành rẽ. Đoạn ác, tu thiện, sám trừ nghiệp chướng, tích công lũy đức, hạnh phúc sẽ đưa đến. Hạnh phúc thật sự là gì? Phước báo thế gian là giả, chẳng thật, giống như hoa Đàm thoáng hiện! Phước báo cõi trời cũng chẳng thật, tuy thời gian dài hơn nhân gian một chút, nhưng vẫn là hữu hạn. Nay chúng ta biết, với thân phận của chúng ta, với trình độ của chúng ta, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đệ nhất phước, đệ nhất đức, có thể hay không? Thật sự có thể!
Nếu đã xác định một phương hướng, một mục tiêu như vậy, quý vị sẽ dám buông xuống, buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông ngũ dục lục trần xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống, Tăng đoàn hòa hợp sẽ xuất hiện chẳng khó. Cổ nhân có thể làm được, nhưng người thời nay không làm được. Vì sao cổ nhân có thể làm được? Giác ngộ sẽ làm được! Vì sao người thời nay không làm được? Chẳng giác ngộ, bị tiếng tăm, lợi dưỡng dụ dỗ, mê hoặc, đọa lạc trong ấy, không thể tự dẹp trừ, cho nên làm không được. Làm không được là do chưa giác ngộ, hễ giác ngộ bèn làm được. Do vậy, khi tôi mới học Phật, Chương Gia đại sư thường bảo tôi: “Phật pháp là chuyện biết khó, hành dễ”. Đúng vậy! Hành rất dễ, mê hay ngộ đúng là trong một niệm, chẳng khó, nhưng biết chuyển mê thành ngộ, khó lắm! Quý vị thật sự nhận rõ cái gì là thật, cái gì là giả, khó lắm, chẳng dễ dàng! Đúng là cần phải giống như Phật, Bồ Tát nhận biết như thế này: Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng! Xa lìa hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần chẳng phải là chuyện khó, vấn đề là quý vị có thật sự hiểu rõ hay không? Giảng rõ ràng, đơn giản nhất là bài luận văn Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của Hiền Thủ quốc sư, bài này chẳng dài. Chẳng dài mà mọi người chúng ta cùng nhau học tập cũng gần như mất cả một hai trăm giờ, hết sức hữu ích!
Chúng ta đã hiểu rõ Ngũ Nghịch, năm thứ này hoàn toàn trái nghịch Tánh Đức, chẳng phải do ai khác trừng phạt quý vị, địa ngục cũng do chính quý vị biến hiện, chẳng do người khác tạo, đó là đọa địa ngục A Tỳ. Thập Ác là trái nghịch với Thập Thiện, tạo tác sát sanh, tà dâm, trộm cắp. Giết, trộm, dâm là thân nghiệp. Giết, trộm, dâm là gì? Kẻ bình thường chúng ta chỉ thấy thô tướng, không biết đến [tướng] vi tế, kinh Phật giảng rất tỉ mỉ, chẳng thể không biết. Sát là giết hại, ta không giết, nhưng ta tổn hại chúng sanh, đó là một phần của Sát! Bất cứ khi nào, hễ có thể được, nhất định đừng tổn hại một chúng sanh nào thì quý vị mới thực hiện viên mãn điều này. Hễ quý vị còn có ý niệm và hành vi tổn hại chúng sanh, tức là quý vị chưa làm được điều này. Đúng vậy, chẳng dùng dao giết chúng sanh, nhưng lời lẽ gây tổn thương, khởi tâm động niệm gây tổn thương, đều tính là sát! Đối với trộm cắp thì trộm cắp vi tế là gì? Chiếm tiện nghi. Chiếm một chút ít tiện nghi từ người khác là nghiệp trộm, giới “chẳng trộm cắp” sẽ chẳng tinh sạch! Chiếm tiện nghi nơi người khác, chiếm tiện nghi của quốc gia, làm thế nào để nạp thuế cho quốc gia ít hơn một chút, tìm kẽ hở trong luật lệ. Hoàn toàn hợp pháp, nhưng quý vị có ý niệm: Nay ta tìm được điều này trong luật pháp, có thể đóng thuế ít hơn một chút, đó là cái tâm trộm cắp, tâm trộm cắp chưa dứt! Lại mở rộng ra, đối hoa, cỏ, cây cối, có tâm trộm cắp, đối với núi, sông, đại địa cũng có tâm trộm cắp. Cứ nghĩ chiếm một chút tiện nghi, luôn mong hưởng thụ khá hơn người khác một chút, hễ có ý niệm này tức là tâm trộm cắp chưa đoạn, rất vi tế!
Do mười điều này tương phản với Thập Thiện nên gọi là Thập Ác. Triển khai ra, trong Tiểu Thừa sẽ biến thành ba ngàn điều, từ mười điều biến thành ba ngàn điều. Nói như thế nào? Thí dụ như sát sanh. Trong điều sát sanh này, có chứa đựng chín điều kia, mười nhân với mười thành một trăm; mỗi điều trong một trăm điều ấy lại có mười điều, bèn biến thành một ngàn; trong mỗi điều của một ngàn điều lại có mười điều, càng nói càng vi tế, ba ngàn oai nghi của Tiểu Thừa do đây mà ra. Đại Thừa lại càng nhiều! Đại Thừa Bồ Tát đem Thập Thiện Nghiệp triển khai thành tám vạn bốn ngàn oai nghi, tám vạn bốn ngàn điều! Vì thế, Thập Thiện Nghiệp đạo viên mãn, tám vạn bốn ngàn cũng không phạm một điều nào, người ấy bèn thành Phật. Chúng ta chẳng phạm mười điều này, mười điều rất thô, sẽ là người lương thiện, là người tốt. “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” trong kinh Phật được dùng theo tiêu chuẩn này. Thập Thiện chưa làm được, sẽ chẳng phải là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Làm được Thập Thiện mới gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Mở kinh điển ra, quý vị thấy “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, ta có thuộc trong số đó hay không? Ta có thể được coi là thiện nam tử, thiện nữ nhân hay không? Tiêu chuẩn là có làm được mười điều này hay không? Lấy chuyện này làm tiêu chuẩn, chẳng phải là nói tùy tiện!
Đối nghịch của Thập Thiện là Thập Ác. Chúng ta quan sát cẩn thận xã hội hiện tại, chẳng phải là xã hội Thập Thiện, mà là xã hội Thập Ác. Quý vị thấy ba nghiệp nơi thân là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, miệng nói dối, nói đôi chiều, ác khẩu, nói thêu dệt; ý tham, sân, si, ai nấy đều trọn đủ, xã hội này phiền quá, chắc chắn có tai nạn. Vì thế, đối với bộ phim “2012” do người Mỹ thực hiện, mấy chục năm qua tôi chưa từng xem phim, mà cũng không xem TV, một đồng tu trong Phật môn mua vé dẫn tôi đi xem. Xem xong, tôi nói chuyện với mọi người, mới biết phim này được cùng lúc chiếu trên toàn cầu. Đây là chuyện lớn, chẳng phải là chuyện nhỏ, đây là cõi trời cảnh cáo chúng ta. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tạo Ngũ Nghịch, Thập Ác, tai nạn sẽ diễn ra giống như trong phim. Vì thế, có rất nhiều người hỏi tôi về cách nhìn này, tôi nói: Chúng tôi nhìn từ nhân quả. Hiện thời, cư dân trên địa cầu nghĩ gì, nói gì, làm gì? Quý vị triển khai tiêu chuẩn Thập Thiện để xét, liền biết toàn bộ là Thập Ác, chẳng có một điều thiện nào! Tai nạn là thật, chẳng giả chút nào. Có thể cứu vãn tai nạn hay không? Câu trả lời là khẳng định! Chỉ cần cư dân trên địa cầu hồi tâm chuyển ý: “Ta hiểu rõ rồi, ta biết làm như vậy thì sau này, quả địa cầu sẽ chẳng còn nữa! Tất cả tai nạn sẽ đều xuất hiện”. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật bảo chúng ta: Tâm tham cảm Thủy Tai, trong tương lai nước biển dâng lên nhấn chìm toàn bộ lục địa là do tâm tham cảm ứng. Cái gì cũng đều tham, ngay cả học Phật cũng tham. Học Phật còn phải đốt một nén hương, đấy là tâm tham. Phật bảo chúng ta buông xuống tâm tham, chẳng phải là thay đổi đối tượng tham! Phải diệt trừ tâm tham, phải hiểu đạo lý này. Sân khuể cảm ứng Hỏa Tai. Hiện thời, nhiệt độ địa cầu tăng lên, chuyện này thuộc về sân khuể. Do vậy, chính chúng ta phải có cảnh giác cao độ! Gặp chuyện chẳng vừa ý, trong tâm cảm thấy khó chịu, phẫn hận, chính là quý vị đã thêm dầu vào lửa khiến cho nhiệt độ địa cầu tăng cao hơn, quý vị có trách nhiệm! Ngu si cảm Phong Tai, ngạo mạn cảm động đất. [Các tai nạn] đều có nhân: Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác cảm vời những tai nạn ấy. Vì thế, đức Phật dạy chúng ta một câu về bí quyết tiêu tai miễn nạn, đó chính là: “Cần tu Giới, Định, Huệ, tức diệt tham, sân, si” (siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si), tai nạn sẽ bị hóa giải. Chúng ta yêu cầu mọi người trên toàn thế giới thực hiện [bí quyết trên đây] sẽ là chuyện không thể xảy ra được, làm không được, chúng ta chỉ có thể yêu cầu Phật môn đệ tử. Người học Phật chúng ta có chung một vị thầy là Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta đều là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, hãy nên tiếp nhận lời giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật, nghiêm túc tu hành, đoạn ác, tu thiện, sám hối, sửa lỗi. Nếu đệ tử Phật trên toàn thế giới đều có thể làm như vậy, có cứu được quả địa cầu này hay không? Có chứ! Cứu được!
Trên thế giới này, tôi nghe rất nhiều người bảo tôi, [so với] các tôn giáo trên toàn thế giới, rốt cuộc Phật giáo vẫn kể như có tín đồ rất đông, ước tính chừng bảy ức người. Số người trên cả thế giới hiện thời là sáu mươi bảy ức người, tính ra [Phật giáo] là một phần bảy, con số này rất đáng kể, giữa bảy người có một người quay đầu, sáu người kia sẽ được hưởng lây. Trong kinh, đức Phật đã giảng rất rõ ràng, chúng sanh tạo nghiệp có cộng nghiệp và biệt nghiệp; đối với các đệ tử chúng ta, điều này là một sự cổ vũ hết sức to lớn, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, phải nhớ câu này! Cộng nghiệp bất thiện, chúng ta chuyên tu thiện nghiệp, do vậy, đòi hỏi chính mình phải nghiêm túc thi hành viên mãn ba món căn bản, người xuất gia còn phải thực hiện Sa Di Luật Nghi. [Người xuất gia] có ba món căn bản ấy kể ra cũng khá lắm, nhưng thiếu Sa Di Luật Nghi thì không được, vì sao? Có lỗi với Phật, Bồ Tát! Nếu quý vị xuất gia thì phải thật sự thực hiện. Không xuất gia thì còn được, tu tốt đẹp Thập Thiện Nghiệp đạo là được rồi, Phật cũng thừa nhận quý vị là đệ tử Phật. Trên thực tế, trọn đủ ba món căn bản thì mới có thể trọn đủ điều kiện học Phật. Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước đã nói rõ ràng, quý vị mới có thể tiếp nhận Tam Quy Ngũ Giới. Bởi lẽ, Tam Quy Ngũ Giới chẳng phải là vô điều kiện, phải có điều kiện nào mới có thể tiếp nhận Tam Quy Ngũ Giới? Thiện nam tử, thiện nữ nhân mới có thể tiếp nhận phép “rửa tội” này! Thiện nam tử, thiện nữ nhân ắt phải làm được điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”, bốn câu này! Thi hành “hiếu thân, tôn sư” (hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy) bằng Đệ Tử Quy; bởi lẽ, làm được Đệ Tử Quy thì “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” sẽ làm được. Thi hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên thì “từ tâm chẳng giết” sẽ làm được. Cuối cùng là Thập Thiện Nghiệp Đạo thì mới có thể trở thành Phật môn đệ tử. Ngày nay Phật pháp suy vi, vì sao suy? Chúng ta coi nhẹ cơ sở giáo dục này, cho nên Phật pháp suy đồi. Vấn đề không xuất pháp từ Phật pháp, mà xuất phát từ bản thân các đồng học học Phật chúng ta trong một đời này, chúng ta chẳng học nghiêm túc! Thích Ca Mâu Ni Phật đã không còn trụ thế, bản thân chúng ta tuyên bố là đệ tử của Ngài, nhưng lão nhân gia có thừa nhận hay không, chúng ta không biết, tự cho là đã được Ngài thừa nhận; thật ra, chẳng phải!
Kinh này giảng rất hay, dẫu trót tạo nghiệp Ngũ Nghịch, Thập Ác, nhất định đọa địa ngục A Tỳ, gặp pháp môn này cũng được cứu, “lâm chung niệm Phật, diệc tất tùy nguyện đắc sanh” (lâm chung niệm Phật, ắt cũng được vãng sanh theo ý nguyện). Tạo tội nghiệp nặng nề dường ấy có cứu được hay không? Cứu được! Một niệm hồi đầu! Cổ nhân Trung Quốc thường nói: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán” (lãng tử quay đầu, vàng chẳng đổi). Đừng nghĩ hắn tạo lắm điều ác nghiệp, hễ hắn quay đầu bèn là đại thiện nhân. Thiện hay ác chỉ trong một niệm, hắn có thể quay đầu lại, chẳng dễ dàng! Cho thấy điều gì? Chứng tỏ hắn có thiện căn rất sâu dầy. Trong một đời này, không có ai dạy hắn, nên hắn mê, tạo ác nghiệp nhiều ngần ấy, hễ có người cảnh tỉnh hắn, hắn sẽ ngay lập tức quay đầu. Chẳng phải là không có đạo lý. Do điều này có thể biết: Giáo dục trọng yếu lắm! Thế gian có người xấu hay chăng? Không có người xấu. Trong mắt Phật, chẳng có ai xấu! Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật thường nói: “Hết thảy chúng sanh vốn là Phật”, những kẻ tạo tác Ngũ Nghịch Thập Ác có là Phật hay không? Họ vốn là Phật. Yêu ma quỷ quái có là Phật hay không? Vốn là Phật. Không ai chẳng phải là Phật, Phật thấy toàn bộ hết thảy chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Nhưng trong lục đạo, những vị Phật này có vị mê, có vị ngộ, có vị mê rất sâu, có vị mê cạn hơn một chút, căn tánh mỗi người khác nhau, thiện căn, phước đức, nhân duyên không giống nhau, chẳng thể không biết [điều này]!
Đối với bốn câu tiếp theo, nếu quý vị thật sự giác ngộ, tiếp xúc pháp môn này, thật sự có thể tin tưởng, lý giải, thật sự làm, khó lắm, đáng quý thay! Pháp môn này gọi là “pháp khó tin”, mọi người quý vị vừa tiếp xúc bèn tin tưởng, tôi rất bội phục, tôi chẳng bằng quý vị. Phải mất một thời gian dài mười mấy năm, tôi mới thật sự tiếp nhận pháp môn này. Thuở còn trẻ, đi học trong trường chịu ảnh hưởng của giáo viên, chịu ảnh hưởng giáo dục của đạo Tin Lành, nghĩ các tôn giáo khác đều là mê tín, Phật giáo là mê tín nhất, các tôn giáo khác chỉ thờ một vị thần, một vị chân thần duy nhất, đó là tôn giáo cao cấp, Phật giáo thần nào cũng đều thờ, là đa thần giáo, phiếm thần giáo, là tôn giáo thuộc cấp thấp, làm sao có thể tiếp nhận [Phật giáo] được? Cũng may là thuở trẻ tôi rất ưa thích Triết Học, tìm được một vị thầy là tiên sinh Phương Đông Mỹ, theo học Triết Học với cụ. Trong khóa học khái luận Triết Học cuối cùng, cụ giới thiệu Triết Học trong kinh Phật, tôi được nhập môn như thế. Trong kinh điển Phật giáo, lão nhân gia đặc biệt ưa thích kinh Hoa Nghiêm, bảo tôi: Đây là “khái luận của Triết Học trong kinh Phật”, cụ dùng danh từ này để giới thiệu kinh Hoa Nghiêm. Cụ nói trong kinh ấy có lý luận hoàn mỹ, có phương pháp tinh tế, cuối cùng lại còn kèm theo biểu diễn. Tìm không ra một bộ sách giáo khoa thứ hai nào giống như vậy trên khắp thế giới. Đó là thật, chẳng giả. Có kèm theo biểu diễn, phần sau là năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài để biểu diễn cho quý vị xem. Do vậy, tôi cũng đặc biệt yêu thích bộ kinh này, hết sức hữu duyên, nhưng đối với Tịnh Tông đúng là có bài xích, thoạt đầu cho rằng: Nói chung, pháp môn này do Thích Ca Mâu Ni Phật giảng cho các bà già, chẳng dành cho phần tử tri thức. Pháp sư Sám Vân[7] giúp đỡ tôi, tôi ở thảo am của Ngài nửa năm, làm công quả tại thảo am. Thời gian rảnh rỗi, Ngài muốn tôi đọc Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, đọc Di Đà Kinh Yếu Giải, Sớ Sao, Viên Trung Sao. Do vậy, tôi có ấn tượng rất sâu đối với ba bản này, cũng hết sức ưa thích, không phản đối Tịnh Độ Tông, cũng rất tôn trọng, nhưng không muốn học, có hứng thú rất sâu đối với kinh điển Đại Thừa. Thầy Lý khuyên tôi tu Tịnh Độ, tôi theo cụ học Giáo, đương nhiên chẳng thể phản đối, nhưng chẳng phải là thật tâm học, tu cho có lệ, thầy cũng nhìn thấy điều này!
Khi nào mới thật sự nhận thức Tịnh Độ? Giảng kinh Hoa Nghiêm, lúc ấy tôi ở Đài Loan. Tôi nhớ là năm tôi hai mươi sáu tuổi, quen biết tiên sinh Phương Đông Mỹ. Năm tôi hai mươi sáu tuổi vẫn còn đi làm, ba mươi tuổi nghỉ việc, một lòng mong học Phật pháp. Do Chương Gia đại sư chỉ dạy, Ngài khuyên tôi xuất gia, muốn tôi học theo Thích Ca Mâu Ni Phật. Tôi rất vâng lời, quả thật là thật thà, nghe theo, cũng thật sự làm. Tôi theo thầy Lý mười năm để học kinh giáo, theo lão nhân gia đến năm thứ hai bèn xuất gia, duyên xuất gia chín muồi! Sau khi xuất gia, tôi giảng kinh dạy học các nơi. Năm Dân Quốc 60 (1971), tôi bắt đầu giảng Hoa Nghiêm kinh lần đầu tiên, Thầy Lý giảng tại Đài Trung, tôi đến nghe [thầy giảng] quyển thứ nhất để nghe kinh này bắt đầu như thế nào, nghe xong một quyển này, tôi có khả năng giảng một bộ Bát Thập Hoa Nghiêm. Tôi giảng ở Đài Bắc, tôi nhớ đã giảng hình như hai năm, chưa đầy ba năm đã giảng đuổi kịp tiến độ của thầy, vì cụ mỗi tuần chỉ giảng một giờ; cụ giảng kinh hai tiếng, nhưng có phiên dịch sang Đài ngữ[8], nên trên thực tế là mỗi tuần giảng một giờ. Khi ấy, mỗi tuần tôi giảng ba lần, mỗi lần là một tiếng rưỡi, nên mỗi tuần giảng bốn giờ rưỡi, bằng với cụ giảng cả tháng. Vì thế, tôi đuổi kịp cụ rất nhanh, tiến độ đuổi kịp cụ, sau đấy, bèn vượt lên trước.
Phải biết cũng mất mười năm, giảng kinh Hoa Nghiêm được phân nửa, khi ấy là Bát Thập và Tứ Thập Hoa Nghiêm cùng giảng, mỗi tuần tôi giảng Bát Thập Hoa Nghiêm hai ngày, giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm một ngày. Giảng được phân nửa, có một hôm, đột nhiên nghĩ Văn Thù, Phổ Hiền tu pháp môn gì? Thiện Tài đồng tử học pháp môn gì? Kinh Hoa Nghiêm giảng được phân nửa, còn có nửa sau, lật phần sau ra xem, lật xem tới phần sau, tới quyển ba mươi chín trong bản Tứ Thập Hoa Nghiêm, thấy Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát thảy đều phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, điều này khiến tôi hết sức chấn động. Hơn nữa, thấy không riêng gì Văn Thù, Phổ Hiền tự mình phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, mà còn suất lãnh bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm sang thế giới Cực Lạc gặp A Di Đà Phật. Ngạc nhiên quá! Hai vị đại Bồ Tát này trợ thủ của Tỳ Lô Giá Na Phật, hai vị đại trợ thủ đem toàn bộ học trò của Tỳ Lô Giá Na Phật sang thế giới Cực Lạc, Tỳ Lô Giá Na Phật chẳng tức giận ư? Đem toàn bộ học trò của ta đi? Tỳ Lô Giá Na Phật không chỉ chẳng giận, mà còn hết sức hoan hỷ.
Sau đấy, tôi đọc kỹ, môn sinh đắc ý, đệ tử truyền pháp của Văn Thù Bồ Tát là Thiện Tài đồng tử, lại coi xem Ngài học gì? Trước kia, đúng là hời hợt, vô ý, giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm đến phân nửa mà chẳng nhìn ra vấn đề này, phải dụng tâm mới thấy được, mới nhận ra: Thiện Tài và thầy của Ngài vốn tu pháp môn Tịnh Độ. Nhìn từ chỗ nào? Từ lần tham phỏng thứ nhất, do thầy giới thiệu, Văn Thù Bồ Tát giới thiệu Thiện Tài đi tham phỏng tỳ-kheo Cát Tường Vân. Tỳ-kheo Cát Tường Vân tu Ban Châu tam-muội. Ban Châu tam-muội là gì? Còn gọi là Phật Lập tam-muội, chuyên tu trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Lúc ấy mới biết, người Trung Quốc thường bảo vị thiện tri thức (thầy) thứ nhất là “tiên nhập vi chủ” (điều gì tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), Ngài tu môn này! Sau đó nhìn vào quá trình tham học, đối với mỗi một vị thầy, Thiện Tài đều luyến đức lễ từ (hâm mộ đức hạnh, kính lễ, từ tạ), quý vị hãy chú ý quan sát, Thiện Tài tham học điều gì cũng đều thấy, đều học, đều hiểu, nhưng chẳng tu, Ngài tu gì? Niệm Phật. Nhìn đến cuối cùng, mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát dẫn về Cực Lạc, một vị đầu, một vị cuối [đều tu Tịnh Độ], chẳng phải là rõ rệt ư? Ngài môn nào cũng học, môn nào cũng đều hiểu, nhưng chính Ngài chuyên dốc công sức nơi pháp môn Niệm Phật. Từ chỗ này, tôi mới tiếp nhận Tịnh Độ, thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch, thầy khuyên tôi, tôi chẳng có lòng tin sâu xa như thế. Lại từ Hoa Nghiêm, từ Pháp Hoa, từ Lăng Nghiêm tổng kết, tôi mới biết cái hay của Tịnh Độ, Tịnh Độ thù thắng. Thật không dễ dàng! Tôi thấy quý vị chỉ vừa nghe bèn tiếp nhận, tôi rất bội phục, sao tôi lại khó khăn như thế? Mất mười mấy năm mới thật sự tiếp nhận pháp này!
Pháp môn này “hoành xuất tam giới, viên đăng tứ độ, đốn dữ Quán Âm, Thế Chí tịnh kiên, khả kiến thử pháp môn chi cứu cánh phương tiện, thiện ứng quần cơ dã” (vượt khỏi tam giới theo chiều ngang, lên trọn vẹn bốn cõi, nhanh chóng cùng Quán Âm, Thế Chí sánh vai, đủ thấy pháp môn này là phương tiện rốt ráo đến tột cùng, khéo thích ứng mọi căn cơ), đây là nói thật, chẳng giả! “Hoành xuất” còn gọi là “hoành siêu”, vì tám vạn bốn ngàn pháp môn đều là tiến lên từng bậc, đó là thụ xuất (thoát tam giới theo chiều dọc), chẳng phải là hoành xuất (vượt thoát tam giới theo chiều ngang). Kinh Hoa Nghiêm chẳng phải là một ví dụ rất hay ư? Quý vị thấy địa vị Thập Tín, trên Thập Tín là Thập Trụ, trên Thập Trụ là Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, Diệu Giác, giống như chúng ta đi học, Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, Nghiên Cứu Sinh, đó gọi là thụ xuất. Pháp môn Tịnh Tông không cần, ngay từ nhân đạo bèn vượt ngang ra, không cần phiền phức như thế! Từng bước một như vậy thì đến bao giờ quý vị mới có thể thoát ra? Vượt ngang ra, sang thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật tiếp dẫn quý vị. Sau khi đến bên ấy, bèn lên trọn bốn cõi, đây là điều đặc biệt. Thích Ca Mâu Ni Phật có bốn cõi Tịnh Độ hay không? Có, nhưng theo chiều dọc, không phải là “viên đăng”. Quý vị phải trèo từng bước một. Lục đạo là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, tứ thánh pháp giới là cõi Phương Tiện, thế giới Hoa Tạng là Nhất Chân pháp giới, là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, tiến lên nữa là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, trong thế giới Hoa Tạng vẫn phải tiến lên từng bước một! Tịnh Độ khác hẳn, bốn cõi của A Di Đà Phật không có giới hạn. Nói cách khác, nói theo các khoa học gia hiện tại, Tịnh Độ không có các chiều không gian. Thập phương thế giới thảy đều không có hiện tượng này, chỉ có thế giới Cực Lạc đặc biệt, không có các chiều không gian, bốn cõi ở cùng một chỗ. Vì thế, một sanh, hết thảy sanh!
Quý vị hãy xem ví dụ do cụ Hoàng nêu tiếp theo đó. Quán Âm, Thế Chí đang ở nơi đâu? Các Ngài ở trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nay chúng ta niệm Phật vãng sanh là sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Trong thế giới này, cõi Phàm Thánh Đồng Cư không thấy cõi Phương Tiện Hữu Dư, có giới hạn, có chướng ngại; chúng ta sanh trong nhân đạo của lục đạo, chẳng thể thấy thiên đạo. Cõi trời có hai mươi tám tầng, tầng dưới không thể thấy tầng trên, nhưng tầng trên có thể trông thấy tầng dưới. Nhưng cái hay của thế giới Cực Lạc là do so với điều gì? Thập phương thế giới chư Phật Như Lai dạy học đều là từ Tiểu Học, Trung Học, đến Đại Học, đều theo cách như vậy. Hơn nữa, lớp Một và lớp Hai Tiểu Học mỗi lớp có phòng học riêng, chẳng ở cùng một chỗ. Phòng học của A Di Đà Phật to lớn, từ Tiểu Học, Trung Học cho đến lớp Tiến Sĩ đều ở cùng một chỗ, lên lớp trong cùng một phòng học, tình hình là như vậy đó, thảy đều ở cùng một chỗ, điều này rất đặc thù. Do vậy, nói: “Sanh về một là sanh về hết thảy”. Chúng ta là hạ hạ phẩm vãng sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, quý vị đến thế giới Cực Lạc, có thể thấy Quán Âm, Thế Chí, có thể thấy Văn Thù, Phổ Hiền, đều ở nơi đó. Thường cùng những vị này ở cùng một chỗ, như vậy là quý vị may mắn quá! Họ là Pháp Thân đại sĩ, quý vị không hiểu, các Ngài sẽ dạy quý vị. Ngoại trừ Phật dạy bảo ra, các Bồ Tát nhiều ngần ấy giúp đỡ quý vị, nâng đỡ quý vị, quý vị cũng thành tựu rất nhanh. Đây là chỗ thù thắng khôn sánh của thế giới Cực Lạc; cho nên cảm được thập phương chư Phật tán thán. Nói “viên đăng tứ độ” là không có cấp bậc. “Đốn” có nghĩa là ngay lập tức, quý vị lập tức sánh vai cùng Quán Âm Bồ Tát, Thế Chí Bồ Tát, đều là học trò của A Di Đà Phật, các Ngài biến thành lớp đàn anh của chúng ta.
“Khả kiến thử pháp môn chi cứu cánh phương tiện, thiện ứng quần cơ” (có thể pháp môn này là phương tiện rốt ráo đến tột cùng, thích ứng mọi căn cơ), căn tánh nào gặp pháp môn này thảy đều đắc độ, vấn đề là quý vị có tin hay không, quý vị nghe có hiểu hay không? Thật sự tin tưởng, nghe chẳng hiểu cũng không sao, một câu A Di Đà Phật thật thà niệm, niệm đến công phu thành phiến sẽ tự tại vãng sanh, biết trước lúc mất. Rất nhiều người suốt đời chưa hề nghe kinh, không biết chữ, niệm một câu A Di Đà Phật, niệm ba năm công phu thành tựu, có người đứng mất, có người ngồi mất, chẳng ngã bệnh, nói đi là đi, chẳng khó khăn gì! Mấy năm trước, cư sĩ Hoàng Trung Xương ở Thâm Quyến đã làm mẫu cho chúng ta xem. Ông ta nghe nói về pháp môn này, bèn tự mình phát tâm làm thí nghiệm, thử coi có đúng là ba năm có thể vãng sanh hay không. Ông ta bế quan tại Thâm Quyến, cư sĩ Hướng Tiểu Lỵ hộ quan, hai năm mười tháng bèn biết trước lúc mất, Phật tiếp dẫn ông ta, còn thiếu hai tháng mới đủ ba năm, thật đấy, chẳng giả đâu! Chúng tôi khuyên mọi người ở chỗ này, ông ta tạo chứng minh, thực hiện Tác Chứng Chuyển trong Tam Chuyển Pháp Luân, chứng minh chuyện này là thật, chẳng giả. Chúng ta có muốn vãng sanh hay không? Muốn vãng sanh thì dùng cách của ông ta là được. Mấu chốt là gì? Triệt để buông xuống! Sở dĩ quý vị chẳng đi được là vì quý vị chưa buông xuống, còn tham luyến thế gian này, mê hoặc, điên đảo. Thật sự giác ngộ thì cái gì cũng chẳng cần, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, không có chuyện nào khác. Quý vị thấy trường thời huân tu mất bao lâu? Ba năm, một ngàn ngày! Huân tu một ngàn ngày quý vị bèn đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Thiện Đạo đại sư nói rất hay: “Vạn tu, vạn nhân khứ” (vạn người tu, vạn người đến), pháp môn này chẳng sót một ai. Tu hành mà bị bỏ sót, nguyên nhân do chính quý vị, chính quý vị phải chịu trách nhiệm, không thể trách A Di Đà Phật, không thể trách kinh Vô Lượng Thọ, không thể trách ai hết, chỉ trách chính mình chẳng đúng pháp. Mỗi ngày nghe kinh mà chẳng hiểu, thật đấy, vì sao nghe không hiểu? Bộp chộp, hời hợt! Quý vị hoài nghi pháp môn này, đối với kinh giáo này, quý vị tin chẳng sâu, không hiểu thấu triệt, cho nên có chướng ngại.
Đoạn tiếp theo vẫn giảng về khế cơ, đoạn này có ngụ ý sâu xa, chúng ta hãy đọc kinh văn: “Hựu khế cơ giả, diệc ngụ khế hợp thời cơ chi nghĩa” (lại nữa, khế cơ bao hàm ý nghĩa khế hợp thời cơ). Đoạn này giảng rất hay, cho thấy trí huệ chân thật của cụ Hoàng Niệm Tổ, rất trọng yếu. Phù hợp gì? Phù hợp thời cơ trong xã hội hiện thời. “Như Lai thùy từ, độc lưu thử kinh, ư chư kinh diệt tận chi tối hậu bách niên” (Đức Như Lai rủ lòng Từ, riêng lưu lại kinh này một trăm năm cuối sau khi các kinh đã bị diệt hết). Trong tương lai, Phật pháp sẽ tiêu mất trên thế gian này, bị tiêu diệt, vì sao? Pháp là duyên sanh, duyên không còn, pháp sẽ diệt, duyên sanh, duyên diệt; chẳng phải là bất diệt, nó là pháp được sanh bởi nhân duyên, cho nên cũng chẳng phải là thật. Trong kinh Bát Nhã, đức Phật bảo chúng ta: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên bỏ, huống gì phi pháp). Giảng rất thấu triệt! Phật pháp tốt đẹp, đừng nên tham, chớ nên khởi tâm tham, khởi tâm tham là sai! Trong kinh Kim Cang, đức Phật có nêu tỷ dụ, Ngài dùng thuyền bè vượt sông làm tỷ dụ. Vượt sông cần phải có chiếc thuyền nhỏ, hoặc là bè kết bằng gỗ hay bằng thân tre, dùng để vượt sông. Ngài nói pháp giống như thuyền để vượt sông, giúp quý vị từ bờ này vượt sang bờ kia, đến bờ kia, quý vị phải bỏ, bỏ thì mới lên bờ được. Nếu quý vị chẳng bỏ thì sai mất rồi, vĩnh viễn không thể lên bờ được. Vì thế, Phật dạy chúng ta: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (Pháp còn phải bỏ, huống gì phi pháp). “Bỏ” có nghĩa là quý vị đừng chấp trước, đừng ghim trong lòng, ghim trong lòng là trật! Vì sao? Nó là pháp hữu vi, nó là pháp duyên sanh, chẳng phải là tự tánh. Quý vị có thể buông xuống hết thảy sẽ kiến tánh, tánh mới là pháp chân thật duy nhất, bất sanh bất diệt, thứ gì cũng trọn đủ, thứ gì cũng viên mãn; trí huệ trọn đủ, đức năng trọn đủ, tướng hảo trọn đủ! Nay ta gọi tướng hảo là phước báo, là thứ quý vị vốn sẵn có trong tự tánh, chẳng phải tìm từ bên ngoài, bên ngoài không có, lại còn vĩnh viễn hưởng thụ bất tận. Đó mới gọi là Bảo! Thật sự là bảo, Tự Tánh Tam Bảo. Đây là thứ mà Phật dạy chúng ta hãy thật sự mong đạt được, tìm lại, nay đã mê mất, hãy tìm về!
Do vậy, quý vị nhất định phải biết, trí huệ do đâu mà có? Chính mình vốn sẵn có. Quý vị cầu trí huệ, chẳng có chuyện này! Cái mà quý vị cầu được là tri thức, tri thức và trí huệ là hai chuyện [khác nhau]. Cầu trí huệ bằng cách nào? Phải định cái tâm, tâm thanh tịnh sanh ra trí huệ. Tâm chúng ta bất định, trong tâm có cả đống thứ lộn xộn, vì vậy, trí huệ chẳng sanh, mà sanh phiền não. Tâm thanh tịnh sanh trí huệ. Bởi lẽ, trí huệ phát xuất từ buông xuống, [hễ buông xuống] trí huệ bèn xuất hiện; không buông xuống, sẽ vĩnh viễn chẳng có trí huệ, cái mà quý vị học được toàn là tri thức. Tri thức có thể giải quyết vấn đề nhỏ nhặt; nhưng giải quyết vấn đề vẫn còn có những rắc rối về sau. Khi khoa học kỹ thuật giải quyết vấn đề, nếu giải quyết vấn đề lớn sẽ có những hậu quả to lớn, vấn đề nhỏ sẽ có hậu quả nhỏ. Giải quyết vấn đề nhỏ còn được, chứ giải quyết vấn đề lớn sẽ gây ra tai nạn cho cả thế giới, cuối cùng là địa cầu có ngày diệt vong là do khoa học kỹ thuật gây ra! Người Trung Quốc thông minh. Năm 1982, tôi đến Mỹ lần đầu, lần thứ hai là năm 1983, cư sĩ Trầm Gia Trinh mời tôi tới giảng kinh tại Nữu Ước. Đến Nữu Ước, có một bữa, ông ta mời tôi dùng cơm, khách mời cũng rất nhiều, có rất nhiều người Mỹ tại địa phương, tôi nghĩ họ đều là bạn thân của Trầm lão cư sĩ. Có một người hỏi tôi: “Hiện thời người Tây Phương chúng tôi đối với người Hoa có cách nhìn khác với thuở xưa. Trong quá khứ, nói chung là coi thường người Hoa, nghĩ người Hoa thiếu văn hóa, là lũ người dã man. Nay chúng tôi biết: Trên cả thế giới, nếu một chọi một, người Hoa là hạng nhất, có trí huệ, rất có khả năng. Một chọi một, người Hoa là bậc nhất. Nhưng đem hai người so với hai người, người Do Thái bậc nhất; đem so từng ba người một, người Nhật Bản bậc nhất”. Cuối cùng, hỏi tôi một câu: “Vì sao người Hoa các ông thiếu đoàn kết?” Tôi nghe xong, bèn cười, tôi biết họ đều tin theo Cơ Đốc Giáo hay Thiên Chúa Giáo, bèn nói: “Đấy là do Thượng Đế an bài”. Ông ta rất kinh ngạc, lẽ nào là do Thượng Đế an bài? Tôi nói: “Nếu người Hoa đoàn kết, quý vị còn có cơm ăn nữa hay chăng?” Mọi người đều cười xòa. Thật ra, ông ta chê cười chúng ta chẳng đoàn kết; họ biết người Hoa thật sự thông minh, nhưng thiếu đoàn kết, vẫn còn may, họ còn có cơm ăn. Gặp chuyện như thế. Ở Mỹ, tôi gặp chuyện như vậy rất nhiều.
Hiện tại, do khoa học kỹ thuật đổi mới mỗi ngày, đã phá hoại sinh thái (ecological environment) của địa cầu đến mức nghiêm trọng, nên trên địa cầu có lắm tai nạn như thế, chẳng phải là không có nguyên nhân, mà do con người gây ra! Chúng ta nhất định phải hiểu, nếu tiếp tục phá hoại như vậy, tôi ước đoán, tối đa mười năm nữa sẽ tận thế. Hiện thời, các nơi bị tai nạn, đó là gì? Đó là điềm báo trước đại tai nạn, chúng ta đã thấy, mà nếu chẳng nghiêm túc nỗ lực, chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi tai nạn này! Do vậy, chúng ta chẳng thể không biết, không thể chẳng sốt sắng nỗ lực học Phật. Hóa giải tai nạn không có gì khác, hãy khuyên lơn, hướng dẫn mọi người hồi tâm chuyển ý, đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức hòng giải trừ tai nạn. Hôm nay đã hết thời gian, chúng ta học tập tới chỗ này!
***
[1] Đây là một câu nói nổi tiếng của triết gia René Descartes của Pháp. Câu nói này được tìm thấy trong hai tác phẩm Discourse of Method và Principles of Philosophy của ông.
[2] Brian Leslie Weiss (sinh năm 1944) là một bác sĩ tâm lý, tốt nghiệp tiến sĩ Y Khoa từ đại học Yale. Ông làm chủ nhiệm khoa Tâm Lý tại Mount Sinai Medical Center ở Miami, Florida. Năm 1980, khi thực hiện thôi miên một nữ bệnh nhân, ông đã kinh ngạc khi nghe bà ta kể chuyện đời quá khứ, và những dữ kiện này được kiểm chứng khi tra cứu các hồ sơ lưu trữ tại các nơi đã được bệnh nhân nhắc đến.
[3] Hai câu này đã được cư sĩ Từ Tỉnh Dân giảng trong tác phẩm Độc Dịch Giản Thuyết như sau: “Sinh mạng chúng ta do âm dương của cha mẹ giao hội mà sinh thành, thần hồn của chính mình nhập vào thai mẹ, nhờ vào tinh khí của cha mẹ mà thành thân thể, đó là ý nghĩa của câu ‘tinh khí vi vật’. Đó gọi là sanh. Thân mạng của ta rốt cuộc già suy, âm dương tách lìa nhau; do vậy, thần hồn mất nơi nương cậy, đó gọi là chết. Thần hồn đã mất nơi nương tựa nên gọi là Du Hồn (hồn lang thang), cho đến khi gặp âm dương giao hợp, cảm lấy tướng khí phận để nương vào, lại bắt đầu một cuộc sống mới, nên nói ‘du hồn vi biến”.
[4] Bồ Tát Xử Thai Kinh do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào thời Diêu Tần, gồm năm quyển, chia thành ba mươi sáu phẩm, nội dung vô cùng phong phú, giảng về hạnh đức, tánh đức của Phật trước khi giáng sanh thị hiện thành Phật. Đức Phật giảng kinh này tại Sa La Song Thụ Lâm trước khi nhập Niết Bàn.
[5] Hương Cảng (Hong Kong) gồm ba khu vực chính: Cửu Long (Kowloon, nằm trên đất liền, thuộc tỉnh Quảng Đông), đảo Hương Cảng và đảo Lạn Đầu (Lantau, Đại Dự Sơn). Lãnh thổ Hương Cảng có hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ. Ở đây, hòa thượng Tịnh Không nói đến cái eo biển thường gọi là vịnh Victoria nằm giữa bán đảo Cửu Long và đảo Hương Cảng.
[6] Vì sao nói Thọ, Tưởng, Hành, Thức là năm thứ cảm nhận? Năm thứ cảm nhận chính là khổ, lạc, ưu, hỷ, xả. Năm thứ cảm nhận này do quá trình tâm lý Thọ, Tưởng, Hành, Thức sanh khởi.
[7] Pháp sư Sám Vân (1915-2009), họ Tào, pháp danh Thành Không. Sư được sinh ra tại một tiểu trấn bên bờ sông Áp Lục, thuộc địa phận tỉnh An Đông, gần biên giới Đại Hàn. Sư từng sang Nhật du học về ngành Mỹ Thuật. Năm hai mươi bốn tuổi bắt đầu học Phật, thọ Cụ Túc Giới năm ba mươi tuổi tại chùa Quảng Tế, Bắc Kinh, từng theo học tại Bắc Bình Phật Giáo Học Viện. Năm 1948, Sư đến Phước Châu theo học với pháp sư Từ Châu. Năm 1949, Sư rời Hoa Lục sang Đài Loan. Năm 1956, Sư lập Ấn Hoằng Mao Bồng (thảo am Ấn Hoằng) tại núi Quán Âm, thuộc trấn Bồ Lý, huyện Nam Đầu, Đài Loan. Ngôi chùa này bị thủy tai phá hủy vào ngày Bảy tháng Tám năm 1959. Năm 1963, Sư dựng chùa Liên Nhân tại làng Thủy Lý huyện Nam Đầu. Năm 1966, sáng lập Đại Chuyên Thanh Niên Trai Giới Học Hội. Pháp sư Sám Vân giữ luật rất nghiêm, không ăn quá Ngọ, mỗi ngày sau bốn giờ chiều, nữ chúng không được ở lại chùa, cũng không cho phép ai ở lại qua đêm. Sư rất chú tâm hoằng truyền Tịnh Tông, Ngài được coi là một trong số các vị pháp sư đóng góp rất nhiều trong việc truyền bá pháp môn Tịnh Độ tại Đài Loan.
[8] Đài ngữ gọi đầy đủ là Đài Loan Ngữ, là một ngôn ngữ được coi như tiếng mẹ đẻ của đại bộ phận dân chúng Đài Loan, tuy trong công sở và trường học, tiếng Quan Thoại được dùng như ngôn ngữ chính thức. Đài ngữ thật ra là một thứ tiếng địa phương thuộc ngữ hệ Mân Nam (ngôn ngữ của tỉnh Phước Kiến). Do thời Trịnh Thành Công chiếm đóng Đài Loan và sau khi Khang Hy tái chiếm Đài Loan, đa phần di dân đến Đài Loan từ vùng Chương Châu và Tuyền Châu cũng như một số huyện ở phía Nam tỉnh Phước Kiến chiếm đa số, nên tiếng nói của họ dần dần chiếm ưu thế. Đặc biệt là khi Quốc Tánh Gia Trịnh Thành Công đuổi quân xâm lăng khỏi Đài Loan, thành lập căn cứ chống nhà Thanh, quân sư Trần Vĩnh Hoa chịu trách nhiệm giáo dục, do họ Trịnh lẫn Trần Vĩnh Hoa (Trần Cận Nam) đều là người Tuyền Châu, binh lính đa số tuyển mộ từ Tuyền Châu, nên giọng Tuyền Châu (Phước Kiến) trở thành ngôn ngữ chính thức của đảo Đài Loan thời đó. Đài Ngữ gần với tiếng Phước Kiến vùng Hạ Môn nhất, nhưng có những đặc thù riêng và những từ ngữ đặc biệt của Đài Loan, cũng như một số từ ngữ vay mượn từ tiếng Nhật và ngôn ngữ của thổ dân Đài Loan. Ở đây, do cụ Lý Bỉnh Nam thường nói bằng giọng Sơn Đông, nên phải có người dịch sang Đài Ngữ để thính giả hiểu cụ đang nói gì.