TỊNH DANH HUYỀN LUẬN

QUYỂN 4

Hán dịch: Pháp sư Cát Tạng tạo.

LUẬN TÔNG CHỈ

Gồm hai phần:

  1. Định chung về tông chỉ.
  2. Giải thích riêng về hai trí.

1. ĐỊNH CHUNG VỀ TÔNG CHỈ:

Luận ghi: “Đã biết danh tự, thì nên biết chỉ thú”. Chỉ thú gồm có bốn thuyết khác nhau: Có thuyết cho rằng kinh này tên là bất tư nghị, tức dùng bất tư nghị làm tông. Nêu lên Tịnh Danh, là nói người năng thuyết, đề bất tư nghị là luận đến tông chỉ của kinh. Cho nên Triệu công dùng bốn câu để nói về bản bất tư nghị, bốn câu nói về tích bất tư nghị. Bản tích tuy khác, mà bất tư nghị chỉ là một. Có thuyết cho rằng kinh này tuy nói về bất tư nghị giải thoát, nhưng chính là lấy nhân quả làm tông. Như hội Phật Quốc ở đầu tiên nói về nhân quả của tịnh độ; phẩm Phương Tiện đến phẩm Pháp Môn Bất Nhị là nói về nhân quả của pháp thân; từ phẩm Hương Tích đến hết kinh là lập lại về hạnh tịnh quốc độ và nhân quả của pháp thân. Do đó nên lấy nhân quả làm tông. Có thuyết cho rằng kinh này lấy hai hạnh làm tông, là hạnh tịnh quốc độ Phật và hạnh thành tựu chúng sinh, như hội đầu tiên nói về hạnh tịnh quốc độ Phật, hội kế đến nói về hạnh thành tựu chúng sinh, hội phương trượng nói về hai hạnh. Phẩm Vấn Tật đến phẩm Pháp Môn Bất Nhị, là lặp lại hạnh thành tựu chúng sinh; phẩm Hương Tích là lập lại hạnh tịnh quốc độ. Hội Am viên thứ hai thì lặp lại hai hạnh. Phẩm Bồ-tát Hạnh là luận về hạnh thành tựu chúng sinh; phẩm Kiến A-súc Phật là nói về hạnh tịnh quốc độ Phật. Do đó mà kinh này lấy hai hạnh làm tông. Sau khi Bồ-tát đạt được Vô sinh pháp nhẫn, thì không còn việc gì khác, chỉ muốn làm thanh tịnh quốc độ Phật, thành tựu cho tất cả chúng sinh. Cho nên toàn bộ kinh từ đầu đến cuối đến cuối đều luận về hai hạnh trọng yếu này để làm tông chỉ của kinh. Ở đây thì cho rằng không ngoài những nghĩa trên, nhưng sự truyền học giữa thầy trò xưa nay đều lấy hai trí làm tông.

Hỏi: Theo văn nghĩa nào mà dùng hai trí làm tông?

Đáp: Trong phẩm Pháp Cúng Dường, Thiền chủ cho rằng: “Tuy ta theo Đức Phật và ngài Văn-thù nghe trăm ngàn bộ kinh, nhưng chưa từng nghe kinh Bất Tư Nghị tự tại thần thông quyết định thật tướng này. Phàm thật tướng là gốc vào đạo, Bất tư nghị thần thông là tông chỉ hóa độ chúng sinh. Điều quan yếu nhất trong pháp không điều nào hơn hai điều này; hiện tự tại thần thông tức là thật tuệ phương tiện; quyết định thật tướng tức là phương tiện thật tuệ. Tuy thật tướng mà hiện thần thông, tuy thần thông mà là thật tướng; động và tịch không hai mà quyền thật rõ ràng. Toàn bộ kinh đã nói nhiều đến pháp này. Do đó lấy hai trí làm tông. Vả lại trí độ là mẹ Bồ-tát, phương tiện là cha, là cha mẹ của Tịnh Danh tức là tông chỉ của kinh Tịnh Danh. Sự phát khởi kinh này là bắt đầu từ việc bệnh; bệnh là phương tiện, mà phương tiện là từ thật, cho nên lấy hai trí làm tông. Vả lại kinh này tên là Duy-ma-cật, lấy Bồ-tát làm giáo chủ chính là lấy tên của hai trí làm Bồ-tát. Phương tiện thật tuệ chẳng đồng phàm phu, thật tuệ phương tiện thì khác biệt với Tiểu thừa. Phương tiện thật tuệ gọi là Bồ-tát, thật tuệ phương tiện gọi là Ma-ha-tát, cho nên lấy pháp thành tựu Bồ-tát làm tông của kinh Bồ-tát.

Hỏi: Hai trí do hai cảnh sinh ra, vì sao không hợp cảnh trí để làm tông chỉ của kinh?

Đáp: Nhĩ viêm tuy là mẹ của trí nhưng ba thừa đồng quán, còn hai trí chỉ riêng là pháp Bồ-tát. Cho nên Bát-nhã chẳng thuộc Nhị thừa và Phật, chỉ thuộc Bồ-tát. Sự diệu dụng của Bát-nhã gọi là âu hòa (phương tiện). Bát-nhã còn chẳng thuộc Nhị thừa, thì âu hòa làm sao Thanh văn có phần? Vì thế nên lấy trí làm tông, mà chẳng lấy cảnh làm tông.

Hỏi: Kinh này, đầu tiên từ phẩm Phật Quốc cuối cùng đến phẩm Pháp Cúng Dường, văn tuy khác nhau, nhưng chỉ một bất tư nghị, vì sao không dùng bất tư nghị làm tông?

Đáp: Nói chung giáo lý một bộ kinh tuy đều bất tư nghị, nhưng nói riêng thì chính là dùng giải thoát làm bất tư nghị. Cho nên nói: “Chư Phật, Bồ-tát có giải thoát gọi là Bất tư nghị, nếu trụ ở giải thoát này mà có thể hiện tất cả hình, thuyết tất cả giáo, mà chúng sinh không thể lường được, cho nên gọi chung là bất tư nghị giải thoát, tức là hai trí, vì thế lấy hai trí làm tông.

Hỏi: Vì sao gọi giải thoát là hai trí?

Đáp: Hai trí không bị trói buộc, cho nên gọi là giải thoát; cảnh giới giải thoát này là chỗ tâm hành đoạn diệt, cho nên ý chẳng thể suy nghĩ đến, là cảnh giới mà ngôn ngữ bặt dứt, cho nên miệng chẳng thể luận bàn. Vậy biết hai trí tức giải thoát.

Hỏi: Giải thoát là hai trí, hai trí tức giải thoát, vậy vì sao chẳng dùng hai trí giải thoát làm thể?

Đáp: Đúng là dùng hai trí làm thể của giải thoát, chẳng dùng giải thoát làm thể của hai trí. Vì sao biết được? Kinh ghi: “Tuệ thì có phương tiện giải, phương tiện thì có tuệ giải, chẳng nói giải thoát có phương tiện, giải thoát có nơi tuệ”. Vì thế mà biết hai trí là thể của giải thoát, chẳng phải lấy giải thoát làm thể của hai trí.

Hỏi: Nếu lấy hai trí làm thể của giải thoát, vì sao chẳng gọi là hai trí bất tư nghị, mà gọi là giải thoát bất tư nghị?

Đáp: Tất cả pháp môn, đều gồm trong hai loại, đó là lập danh và biện thể. Bất tư nghị giải thoát là tên kinh, mà giải thoát này lấy hai trí làm thể cho nên tên và thể cùng nêu lên, thì nghĩa bao hàm. Nếu lấy bất tư nghị làm tên, lại lấy làm thể, thì tên và thể lẫn lộn, nghĩa không bao hàm.

Hỏi: Pháp thân vô vi là quả giải thoát, trí vô lậu là nhân giải thoát, nếu lấy giải thoát làm tông, thì nhân quả gồm đủ; nay lấy hai trí làm thể, thì chỉ được nhân sao?

Đáp: Pháp thân vô vi, trí vô lậu và bất tư nghị giải thoát, tuy có ba tên nhưng thể thì bất nhị. Không trói buộc nào không hết, gọi là giải thoát; không cảnh nào chẳng chiếu gọi là trí tuệ; chân thật có thể làm quy tắc, gọi là pháp. Tức lấy pháp làm thân, cho nên gọi là pháp thân. Thế thì không chỉ nghĩa bao hàm nhân quả, mà thể cũng đầy đủ ba đức.

2. GIẢI THÍCH VỀ HAI TRÍ: Gồm mười một môn:

  1. Phiên danh.
  2. Thích danh.
  3. Cảnh trí.
  4. Đồng dị.
  5. Trường đoản.
  6. Trí.
  7. Khai hợp.
  8. Đoạn phục.
  9. Nhiếp trí.
  10. Thường vô thường.
  11. Đắc thất.

1) Phiên danh:

Khi xưa, lúc ở tại Giang nam soạn Pháp Hoa Huyền Luận đã nói lược về hai trí. Nhưng nghĩa này đã là cha mẹ của chúng Thánh quán tâm pháp thân, thì phải nên nghiên cứu kỹ, do đó mà nay lại luận thêm. Nếu thông được nghĩa này, thì các kinh Phương đẳng không đợi luận bàn mà tự hiển lộ.

Nếu theo bản Phạm, kinh này phải gọi là Bát-nhã ba-la-mật Âu hòa ba-la-mật. Cho nên kinh ghi: “Trí độ là mẹ Bồ-tát, phương tiện là cha, trí tức Ba-nhã, độ tức Ba-la-mật”. Nhưng phiên Ba-nhã thì không đồng, hoặc gọi là trí tuệ, như Pháp sư Duệ ghi: “Đời Tần gọi là trí tuệ, hoặc phiên là viễn ly”, xuất xứ từ kinh Phóng Quang, Thích Đạo An sử dụng nghĩa này. Hoặc phiên là minh độ, xuất xứ từ Lục Độ Tập Kinh; hoặc phiên là thanh tịnh, xuất xứ từ Đại phẩm, nghĩa này Tăng Duệ sử dụng. Nhưng Bát-nhã vốn bao hàm các nghĩa trí tuệ, minh tịnh, viễn ly, người dịch kinh chỉ dùng một nghĩa để phiên mà thôi. Bát-nhã đoạn được các hoặc, xa lìa các pháp danh tướng sinh tử, cho nên gọi là viễn ly. Sáng tỏ không mảy may tối tăm, cho nên gọi là minh, thể của Bátnhã xa lìa uế nhiễm nên gọi là thanh tịnh, chiếu soi rõ biết nên gọi là trí tuệ. Tuy có các nghĩa, nhưng phần nhiều dụng nghĩa trí tuệ. Trí tuệ có đơn và phức mỗi mỗi khác nhau; hoặc đơn thì gọi là trí, như Thích luận và kinh này gọi là trí độ; hoặc gọi là tuệ, như Thích Luận ghi: “Ba-nhã, đời Tần dịch là tuệ”; hoặc phiên đủ là trí tuệ. Kinh luận phần nhiều sử dụng theo nghĩa này. Nay hiểu rõ ý này, mỗi một nghĩa đều có nguyên do. Nói thông suốt, tức trí là tuệ, chỉ tuệ là trí, rộng và lược khác nhau, nhưng thể thì không khác.

* Phiên là tuệ, gồm có bốn nghĩa:

  1. Muốn phân biệt mười độ khác nhau.
  2. Chia hai nghĩa không và hữu khác nhau.
  3. Luận nhân quả sai biệt.
  4. Phàm Thánh khác nhau.

1. Mười độ khác nhau:

Độ thứ sáu là Bát-nhã, Hán dịch là tuệ, độ thứ mười là Xà-na, Hán dịch là trí.

Hỏi: Xà-na là trí thì Thuật xà là vật gì?

Đáp: Hán dịch là minh, giống như dòng tri kiến vậy.

2. Không hữu khác nhau:

Chiếu không gọi là tuệ, soi hữu gọi là trí, cho nên kinh ghi: “Vào môn nhất tướng, khởi tuệ nghiệp biết tâm niệm của tất cả chúng sinh, khởi nơi trí nghiệp”.

3. Nhân quả sai biệt: Luận ghi: “Nhân gọi là Bát-nhã, đến quả thì biến tên là Tát-bà-nhã, Tát-bà-nhã là Nhất thiết trí “, thế thì biết Bát-nhã gọi là tuệ. Tuệ, tên đã kém, nên phải ở trong nhân, trí thì quyết định nên ở tại quả địa. Phật chiếu rốt ráo không và hữu, còn Bồ-tát thì chưa cùng tận nên chỉ gọi là tuệ. Chẳng được nói trong nhân là trí, quả là nhất thiết trí, cũng không được gọi nhân là trí tuệ, quả là nhất thiết trí, chỉ nên gọi nhân là tuệ, quả là trí, thì nơi nhân quả, nghĩa hơn kém tự hiểu rõ.

4. Phàm Thánh khác nhau: Kinh Niết-bàn ghi: “Bát-nhã, nghĩa là tất cả chúng sinh gọi đó là tuệ. Tên gọi tuệ đã thông chung, thì phàm Thánh đều có, như số định tuệ trong mười đại địa. Tỳ-bà-xá-na gọi là kiến, nghĩa là tất cả Thánh nhân đều thấy rõ nghĩa lý. Xà-na là trí, thông đạt thấu suốt.

* Phiên là trí, gồm ba nghĩa:

  1. Tên là tuệ thì kém, trí thì thù thắng, nay muốn khen ngợi Bátnhã, nên gọi là trí.
  2. Muốn cho tên đọc được thuận tiện, cho nên gọi là trí độ, nếu nói tuệ độ thì không thuận tiện.
  3. Muốn hiển thị trí tức là tuệ, tên tuy khác nhưng thể lại đồng, cho nên tùy theo nghĩa mà chỉ nêu một tên.

* Hợp dịch là trí tuệ, thì cũng có ba nghĩa:

  1. Ba-nhã soi xét hữu vô cho nên bao hàm trí tuệ. Tuệ thì chiếu không, trí thì soi hữu.
  2. Ba-nhã chung cho nhân và quả. Bát-nhã trong nhân là tuệ, Bátnhã nơi quả là trí. Cho nên trong ba đức có đức Bát-nhã.
  3. Muốn nói sáu độ có mười nghĩa. Trong kinh chỉ nói sáu độ, chẳng nói mười vì danh từ Bát-nhã đã bao hàm trí tuệ, trí độ thứ mười ẩn trong đó.

Hỏi: Đã đầy đủ ba tên, vậy phải phiên theo từ nào là chính?

Đáp: Tuệ là chánh phiên, còn tất cả đều là nghĩa lập ra, vì sao? Vì theo số nhiều mà luận kinh này ghi: “Tuệ và phương tiện”, Thích Luận ghi: “Bát-nhã đạo, phương tiện đạo”, kinh Niết-bàn ghi: “Bát-nhã là tất cả chúng sinh”. Xà-na là trí, thì phối hợp với chư Phật, Bồ-tát, cho nên trí chẳng phải là Bát-nhã. Vả lại độ thứ sáu gọi là tuệ, độ thứ mười là trí đều có hai tên đây kia, do đó biết lấy tuệ làm chính. Luận ghi: “Bát-nhã chẳng thuộc Phật, cũng chẳng thuộc Nhị thừa, chỉ thuộc Bồ-tát, Bồ-tát thì có đạo tuệ, đạo chủng tuệ; Phật thì có Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí. Hơn nữa, Bát-nhã gọi là chư pháp thật tướng tuệ; các văn như thế chẳng phải một, đủ để chứng minh tuệ là chánh phiên.

Hỏi: Nếu tuệ là chánh phiên, vì sao trong kinh luận phần nhiều lại ghi là trí tuệ?

Đáp: Trong kinh phần nhiều nói Lục độ, cho nên phần nhiều dịch là trí tuệ; ít nói mười độ cho nên ít ghi tuệ. Trong Lục độ đều là từ phức như bố thí…. mà không gọi từ đơn như thí…., nên Bát-nhã cũng như thế, tuy đơn là tuệ, nhưng muốn hợp với năm độ trên dùng từ phức,cho nên gọi trí tuệ.

* Phiên nghĩa và không phiên nghĩa:

Có người cho rằng từ Bát-nhã gồm năm nghĩa không thể phiên dịch chính xác được, nên lấy tuệ làm tên. Như Thích luận quyển bảy mươi mốt ghi: “Bát-nhã định thật tướng,rất sâu nặng, còn trí tuệ thì cạn mỏng, cho nên không tương xứng với Bát-nhã”, nêu lên cách này để sử dụng. Ở đây cho rằng không như thế, Thích luận chỉ nêu lên nghĩa không tương xứng, mà chẳng phải không thể phiên dịch.

Hỏi: Tương xứng và phiên dịch có gì khác?

Đáp: Tương xứng thì từ của Thiên Trúc đã nói, phiên thì thành lời của Trung Quốc, lấy kia làm đây, trước sau không đồng, nghĩa môn mỗi mỗi khác nhau. Vả lại luận ghi: “Bát-nhã định thật tướng, cho nên không tương xứng, mà chẳng nói bao hàm nhiều nên không xứng: Giải thích như thế là lầm. Có người cho rằng Bát-nhã chẳng tương xứng, đây là nói trí tuệ quán chiếu không xứng với thật tướng Bát-nhã. Thật tướng Bát-nhã thì tánh tướng thường trụ, trí tuệ quán chiếu thì đối cảnh mới sinh, cho nên thật tướng thì sâu xa, trí quán chiếu thì cạn mỏng, đây là cách giải thích của các sư phương Bắc. Ý này cũng chẳng đúng. Kinh dùng năm việc để tán thán Bát-nhã mà chẳng tán thán thật tướng, sao lại nói thật tướng sâu xa? Vả lại nói Bát-nhã định thật tướng”, thì thật tướng là sở định, Bát-nhã là năng định; vậy nếu nói thật tướng sâu xa, lại dùng thật tướng mà định thật tướng sao? Có người cho rằng trí tuệ thì cạn mỏng, vì đó là trí tuệ Nhị thừa, không thể tương xứng với đại trí tuệ của Bồ-tát. Vì sao? Vì đại trí tuệ chiếu lý thật tướng, dẫn khởi các hạnh, vậy các trí tuệ cạn mỏng khác há có thể tương xứng sao? Đây là cách giải thích của các Sư ở phương Nam. Ở đây cho rằng chẳng phải như thế, chỉ nói trí tuệ không tương xứng với Bát-nhã, thì không nói là tuệ cạn, không nói là tuệ sâu; vả lại, sâu cạn đều gọi là tuệ, thì đều là cạn mỏng, đều không tương xứng với Bát-nhã. Nay căn cứ theo luận để giải thích. Luận ghi: “Bát-nhã định thật tướng cho nên sâu nặng, trí tuệ không thể tương xứng.” Nói định, định tức là khế hội. Phàm hóa độ muôn loài, không thể không có tông chỉ, mà tông là tông vô tướng rỗng rang; không gì mà không khế hợp, mà khế đó là khế vô tâm. Cho nên bậc Thánh dùng diệu tuệ vô tâm khế hội với tông chỉ rỗng rang vô tướng; thế thì trong ngoài thầm hợp, duyên trí đều bặt. Trí tuệ là tri chiếu, há có thể xứng với Bát-nhã tuyệt quán sao?

Hỏi: Vì sao Bát-nhã khế hội thật tướng?

Đáp: Từ thật tướng sinh Bát-nhã, cho nên Bát-nhã khế hội với thật tướng.

Hỏi: Theo sự giải thích này, thì còn là trí cạn mỏng, chẳng thể xứng với trí sâu xa sao?

Đáp: Sâu xa thì ngu trí đều bặt, cạn mỏng thì còn có tri chiếu, cho nên trí cạn mỏng không tương xứng với trí sâu xa.

Hỏi: Định thật tướng là tên của khế hội, có gì khác với nghĩa minh hội (thầm hội) của cách giải thích cũ?

Đáp: Lời thì đồng mà ý thì khác. Giải thích về minh hội, thì có hai sư. Sư thứ nhất cho rằng tức hội là minh, vì phù hợp cho nên minh; vì minh khế không trái nhau cho nên hội, không có hơn kém. Đây là nghĩa của Trang nghiêm long quang. Sư thứ hai cho rằng hội là phù hợp, minh là hòa lẫn thành một, nên minh thì hơn, hội thì kém. Vì sao? Vì trong nhân có bốn nghĩa cho nên chưa minh; một, chưa tận; hai; thể có sinh diệt; ba, trí chưa tròn đủ; bốn, thể còn nương vào phương sở, cho nên chỉ gọi là hội. Quả Phật lìa bốn nghĩa này cho nên gọi là minh. Minh và vô sinh nghĩa là một, thì cảnh trí không phân biệt, ứng và chiếu không khác, vô sinh chẳng trái tục, minh cũng không phương ngại đến hội. Phật quả toàn thể là minh, toàn thể là hội; vì hội cho nên ứng chiếu đầy khắp mười phương; vì minh cho nên tất cả đều bặt dứt.

Nay xin hỏi chung rằng, minh tức là trí và cảnh xen lẫn thành một, như vậy trí thành cảnh hay không thành cảnh? Nếu không thành cảnh vì sao nói là một, nếu thành cảnh, thì cảnh vô tri, trí cũng vô tri; mà trí đã tri thì cảnh cũng như thế, vì cả hai là một. Nếu nói cùng với pháp tánh đồng là tuyệt, cho nên minh hội, còn nếu khác với pháp tánh, thì khi hội minh, còn thấy cảnh trí là hai,vì sao kinh lại nói: “Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã, mà chẳng thấy ứng hay chẳng ứng, hợp hay chẳng hợp”. Vả lại có bốn nghĩa mới thành minh, thì trong giáo Bát-nhã, trí Phật còn có sinh diệt, vậy chẳng được gọi là minh. Vì nghĩa chiếu không bằng pháp tánh nên không có nghĩa minh thật tướng.

Hỏi: Vì sao gọi là rất sâu nặng?

Đáp: Phàm nói có thể cân, thì không gọi là cực trọng (nặng), vì cực trọng cho nên không thể cân lường. Luận chủ muốn giải thích nghĩa bất khả xứng của kinh cho nên nói là sâu (thâm).

Hỏi: Chỉ nên nói là trọng (nặng), vì sao lại nói rất sâu?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa nặng (trọng), chẳng phải là nặng của vật nặng, mà là rất sâu, cho nên nói là nặng.

Hỏi: Đã nói sâu nặng vì sao lại còn nói là cực (quá)?

Đáp: Ba thừa đồng quán, cùng khế hợp thật tướng, nhưng Nhị thừa như thỏ ngựa, chưa đạp đến tận nguồn, cho nên chẳng được gọi là Bátnhã, chẳng gọi là thậm thâm cực trọng (rất sâu nặng).

Nay muốn phân biệt Nhị thừa, nói rõ Bồ-tát chiếu soi đến tận nguồn, được gọi là Bát-nhã, cho nên gọi là thậm thâm cực trọng.

Hỏi: Vì sao gọi trí tuệ thì nhẹ mỏng?

Đáp: Vì thể của Bát-nhã bặt cả duyên quán, danh của trí tuệ định nơi quán; thể Bát-nhã dứt cả trí ngu, danh của trí tuệ chủ về tri chiếu; thể của Bát-nhã lìa danh tự, danh của trí tuệ còn dính đến ngôn từ. Cho nên đối với nghĩa nặng của Bát-nhã, mà nói trí tuệ nhẹ, đối với sâu của Bát-nhã, mà nói trí tuệ cạn; cạn cũng như mỏng.

Hỏi: Thể của Bát-nhã dứt cả trí ngu, vì sao còn lập danh trí tuệ?

Đáp: Chẳng biết dùng tên gì mà gọi, cho nên gượng đặt là trí tuệ. Tuy lập danh trí tuệ, thật chẳng tương xứng với thể của Bát-nhã.

Hỏi: Như vậy chỉ nên nói thể Bát-nhã sâu nặng, danh Bát-nhã nhẹ mỏng; thể của trí tuệ sâu nặng, danh trí tuệ nhẹ mỏng,vì sao lại nói Bátnhã sâu nặng, trí tuệ nhẹ mỏng?

Đáp: Nay căn cứ vào bản Phạm thì nói thể Bát-nhã sâu nặng, danh Bát-nhã nhẹ mỏng. Nhưng dùng âm Hán thì phải nói thể trí tuệ sâu nặng, danh trí tuệ nhẹ mỏng. Như thế e rằng nghĩa này khó hiển bày; cho nên người dịch kinh, mượn từ trí tuệ của Hán ngữ, mà không gọi Bát-nhã của âm Phạm.

Hỏi: Chẳng thể xứng và chẳng thể lượng có gì khác nhau?

Đáp: Kinh có năm lời khen, đó là: Vì việc lớn cho nên phát khởi, vì việc bất khả xứng cho nên phát khởi, vì việc bất khả lượng cho nên phát khởi, vì việc vô đẳng đẳng cho nên phát khởi, vì việc Bất Tư Nghị cho nên phát khởi. Đã có vô lượng việc riêng biệt mà phát khởi, thì xứng chẳng phải là lượng. Bất khả lượng thì không có bờ mé, bất khả xứng thì nói rất sâu nặng. Ví như phẩm Pháp Xứng nói Xá-lợi không tương xứng với số kinh quyển của Bát-nhã. Ở đây nói danh nghĩa trí tuệ không thể tương xứng với tuyệt quán Bát-nhã.

Hỏi: Luận ghi: “Trí tuệ thì ít, Bát-nhã thì nhiều, cho nên không xứng”, thế nào là nhiều ít?

Đáp: Có người cho rằng, thật tướng thì không có pháp nào không tự tại cho nên nhiều, trí tuệ thì cuộc hạn nơi tâm cho nên ít. Ở đây cho rằng chẳng phải như thế. Trước đã căn cứ vào việc định thật tướng, mà nói bất khả xứng, nay căn cứ vào nghĩa bao hàm nhiều mà nói bất khả xứng. Thể của Bát-nhã thì chẳng có ngu trí, mà có thể làm ngu hiện trí; trí tuệ chỉ chủ nơi trí mà thôi. Cho nên Bát-nhã thì nhiều, trí tuệ thì ít. Vả lại Bát-nhã định thật tướng, thật tướng đã cùng khắp, thì Bát-nhã cũng nhiều. Trí tuệ thì không như thế, cho nên nói là ít.

Hỏi: Đã biết nghĩa phiên và không phiên của Bát-nhã còn phương tiện thì thế nào?

Đáp: Thường đề nói: “âu hòa Câu-xá-la, sức phương tiện Đại sư”.

âu hòa là phương tiện, Câu-xá-la là thắng trí. Sự khéo léo của Bát-nhã gọi là âu hòa. Dụng của nó đã thù thắng nên gọi là thắng trí. Kinh Tịnh Danh cho phương tiện là cha, để nêu khả năng sinh thành. Đại Phẩm lấy âu hòa làm thầy để nói đến đức dạy dỗ. Kheó léo giáo hóa chúng sinh không chứng Nhị thừa, đó đều là do sức của bậc Đại sư.

2) Thích danh: Gồm ba nghĩa:

  1. Quyền thật.
  2. Đại nghĩa.
  3. Hai đạo.

1. Giải thích quyền thật:

Nói chung, hai trí đều chiếu như thật nên đều gọi là thật; đều có sự khéo kéo, nên đều gọi là phương tiện. Nếu nói riêng thì Bát-nhã là thật, âu hòa là phương tiện, gồm có tám nghĩa:

  1. Bát-nhã chiếu cảnh thật tướng, từ sở chiếu mà đặt tên, cho nên gọi là thật.
  2. Bát-nhã từ thật tướng sinh, từ năng sinh mà đặt tên, nên gọi là thật.
  3. Như thật mà chiếu, cho nên đương thể gọi là thật. Luận ghi: “Bát-nhã Ba-la-mật, thật pháp không điên đảo; thể đã lìa hư vọng, chẳng phải tuệ điên đảo, cho nên gọi là thật”.
  4. Đối với tuệ điên đảo, không thật của phàm phu, cho nên tán thán Bát-nhã là thật.
  5. Đối với việc chưa thật cho là thật của Nhị thừa, mà nói Bát-nhã là thật.
  6. Đối với dụng phương tiện, lấy Bát-nhã làm thể, cho nên gọi là thật.
  7. Nếu đối với hư vọng mà nói thật, thì chưa phải là chân thật, chẳng hư chẳng thật mới là chân thật (diệu thật).
  8. Nghĩa hư là hai, chẳng phải hư thật là chẳng hai, hai và chẳng hai, đều chẳng thật, chẳng phải hai và chẳng hai mới gọi là thật. Vì thế luận ghi: “Niệm tướng quán đã trừ, pháp ngôn ngữ đã diệt”

– Phương tiện là tên của thiện xảo. Nghĩa này rất nhiều, nay lược nêu lên mười đôi đối đãi.

1/ Chiếu thẳng vào không hữu gọi là Bát-nhã, vào không mà chẳng có chứng, nơi hữu mà chẳng bị nhiễm cho nên gọi là phương tiện. Chiếu và xảo không hai thể, vì xảo mà chiếu cho nên gọi là thật; vì chiếu mà xảo cho nên gọi là phương tiện.

Hỏi: Trí năng chiếu được gọi là thật trí. Cảnh sở chiếu, đồng gọi là thật cảnh; tronh thật trí có không trí hữu trí, trong thật cảnh có chân cảnh tục cảnh, đây là điều đương nhiên. Vậy đã có chân tục, vì sao đều gọi là thật cảnh?

Đáp: Vì trí cảnh như thật cho nên gọi là thật cảnh; từ trí lập danh, lại thật là chân tục, chẳng thể vọng xưng, đương thể gọi là thật.

2/ Chiếu không là thật, vào hữu là phương tiện. Thích luận ghi: “Bát-nhã là vào rốt ráo không, phương tiện là xuất rốt ráo không”. Thật tướng gọi là thật. Bát-nhã chiếu không, cho nên gọi là thật. Tuy chiếu không, nhưng liền có thể vào nơi hữu, dụng này rất khéo léo, nên gọi là phương tiện.

Hỏi: Nếu thế thì khi chiếu hữu, tức có thể soi xét không, dụng này cũng khéo léo, lẽ ra cũng là phương tiện?

Đáp: Chiếu này tuy khéo léo, nhưng thể là thật trí cho nên ẩn tên khéo léo, mà gọi tên là thật.

3/ Vì trong lặng lẽ soi xét là thật, ngoài thay đổi xao động là quyền.

Hỏi: Nghĩa này khác gì với nghĩa trước?

Đáp: Đây là nói về nghĩa chiếu và xảo đều lặng lẽ soi xét, đều gọi là thật, vì ngoài biến động nên mới gọi là quyền.

4/ Bát-nhã là thật, năm độ khác là phương tiện. Vì sao? Vì Bátnhã là giải không, vì giải không cho nên thật. Năm độ khác là hành nơi hữu, vì hành nơi hữu cho nên gọi là quyền.

Hỏi: Nghĩa này có gì khác với nghĩa chiếu không là thật vào hữu là quyền kể trên?

Đáp: Trước nói chiếu không chiếu hữu đều là trí tuệ, cho nên dùng hai giải mà phân làm quyền thật, ở đây lại căn cứ theo giải và hành để phân làm hai môn, giải không là thật, hành hữu là quyền, vì thế khác với nghĩa trên.

Hỏi: Hành hữu vì sao gọi là quyền?

Đáp: Tuy chiếu không nhưng có thể khởi hành, nghĩa này đã khéo léo ( xảo) cho nên gọi là quyền.

5/ Chiếu không là thật: Biết không cũng không tức chẳng chứng không, cho nên gọi là quyền. Vì sao? Vì Nhị thừa chẳng biết không cũng là không, cho không là cùng tột, nên gọi là đản không, tức có chứng không. Còn Bồ-tát biết không cũng không, gọi là không bất khả đắc, cho nên chẳng chứng không; lại có thể vào nơi hữu, nên gọi là quyền. Đây là nói về nghĩa hai lớp không, nghĩa không là thật, nghĩa thật tức cạn hẹp; biết không cũng không, tức có thể vào hữu, dụng này thù thắng nên gọi là quyền. Xét hai tuệ này thì không có hai thể. Đầu tiên quán tâm chưa thuần thục, cho nên chỉ có thể chiếu không, khi đã chuyển thành tinh xảo thuần thục, thì biết không cũng không. Đã biết không cũng không, mà chẳng hủy hoại giả danh, tức liền vào hữu. Luận cả trước sau, là một tuệ, căn cứ theo xảo và chưa xảo, cho nên phân làm quyền thật.

6/ Biết thân là khổ, không vô thường, cho nên gọi là thật, mà chẳng diệt độ cho nên gọi là phương tiện. Vì thân sinh tử thật là pháp hoạn lụy khổ không, vô thường, mà như thật chiếu soi nó, cho nên gọi là thật. Nhị thừa biết thế liền diệt cho nên không có phương tiện. Bồ-tát tuy biết thế, mà vẫn an thân ở nơi khổ hoạn, hóa độ chúng sinh, cho nên gọi là phương tiện.

7/ Biết rõ thân bệnh, chẳng cũ chẳng mới, cho nên thật; vì chẳng chán gét xa lìa, nên gọi là phương tiện. Đây là căn cứ theo hạnh, mà phân làm quyền thật.

8/ Ngài Tịnh Danh thùy tích tại Tỳ-da, thân không bệnh là thật, dấu tích hiện bệnh là quyền. Đây là căn cứ theo nghĩa hư thật để luận về quyền thật.

9/ Chiếu không hữu hai là phương tiện, chiếu phi không hữu chẳng hai là thật. Chẳng phải không, chẳng phải hữu là nhất thật đế, chiếu nhất thật đế cho nên gọi là thật. Tuy chẳng phải không hữu, mà không hữu rõ ràng; chẳng lay động Bất nhị mà khéo léo hiển bày nhị (hai), cho nên gọi là phương tiện.

10/ Không hữu là nhị, chẳng phải không hữu là bất nhị, chiếu

nhị và bất nhị, đều gọi là phương tiện; chiếu chẳng phải nhị, chẳng phải bất nhị, Tịnh Danh im lặng, Thích-ca đóng thất, mới gọi là thật. Quyền thật nhiều môn, lược nêu mười đôi, mười đôi này, là thứ bậc trong một đường, đều có kinh luận chứng minh, có thể tùy theo văn mà dẫn dụng.

2. Giải thích nghĩa đại:

Hỏi: Vì sao Bát-nhã gọi là Ma-ha, mà âu hòa chẳng gọi là Maha?

Đáp: Nói chung đều gọi là Đại, như trên đã nói: “âu hòa Câu-xála, sức phương tiện Đại sư ”. Nếu luận riêng Bát-nhã gọi là Đại, thì gồm mười nghĩa:

1. Thật tướng rộng lớn không bờ mé, sâu thẳm không cùng đáy, không có một pháp mà vượt ra ngoài pháp tánh của nó. Bát-nhã chiếu thật tướng, cho nên gọi là Đại tuệ. Âu hòa tuy khéo léo nhưng không chiếu thật tướng, cho nên không gọi là đại.

Hỏi: Nhị thừa cùng chiếu thật tướng, vì sao không gọi là đại?

Đáp: Nhị thừa chưa chiếu tận vô biên, còn Bồ-tát đã chiếu cùng nguồn đáy cho nên gọi là đại.

2. Thật trí của Tam thừa đều từ Bát-nhã sinh. Vì sao? Vì thật tướng được chiếu là một, thì Bát-nhã hay chiếu không có ba. Nhưng vì căn tánh chẳng thể kham nhận, cho nên nơi một Bát-nhã chia ra trí tuệ ba thừa. Trí tuệ ba thừa đều gom nhiếp vào Bát-nhã quán, cho nên gọi là đại.

Hỏi: Vì sao từ Bát-nhã xuất sinh trí tuệ ba thừa?

Đáp: Từ thật tướng sinh Bát-nhã, từ Bát-nhã mà có Bồ-tát, từ Bồtát mà có Phật, từ Phật mà có Tam thừa. Thế thì Bát-nhã là gốc, cho nên xuất sinh tuệ của ba thừa và được gọi là Đại.

Hỏi: Ba thừa đồng quán thật tướng, lẽ ra lấy thật tứơng làm gốc, vì sao lại lấy Bát-nhã làm gốc?

Đáp: Cần phải do Phật, Bồ-tát thể ngộ Bát-nhã, sau đó nói giáo Tam thừa, thì mới được gọi là đồng quán thật tướng, cho nên lấy Bátnhã làm gốc.

Hỏi: Bát-nhã là gốc, xuất sinh ba thừa, vậy có phải là giáo chung cho ba thừa chăng?

Đáp: Thắng Man nhiếp thọ chánh pháp, xuất sinh năm thừa, như Đại địa xuất sinh bốn kho báu. Kinh Niết-bàn ghi: “Tức Thanh văn tạng xuất sinh Thanh văn, Nhân duyên tạng xuất sinh Duyên giác, Đại thừa tạng xuất sinh Bồ-tát”. Có thể là giáo chung của ba thừa sao? Vả lại kinh Pháp Hoa đã ghi: Trong nhà của trưởng giả không chỉ có bảy báu, mà còn có cả các vật sành sứ… mà gọi là nhà lớn của trưởng giả, chẳng gọi là nhà chung. Bát-nhã cũng như thế, tuy có đủ tuệ của ba thừa, mà chỉ gọi là pháp của Bồ-tát, chẳng gọi là giáo chung của ba thừa.

Hỏi: Nếu chẳng phải là giáo chung cho ba thừa, vì sao lại khuyên bảo ba thừa cùng học?

Đáp: Khuyên ba thừa đồng quán thật tướng, mà chẳng bảo ba thừa cùng học Ma-ha Bát-nhã.

Hỏi: Ma-ha Bát-nhã vì sao chẳng phải là ba thừa cùng học?

Đáp: Luận ghi: “Bát-nhã chẳng thuộc Nhị thừa, chỉ thuộc Bồ-tát. Vì sao? Đã gọi là Ma-ha Bát-nhã, tức là Đại tuệ, phân biệt chẳng phải là Nhị thừa, cho nên biết Bát-nhã thuộc pháp Bồ-tát. Vả lại Bát-nhã này gọi là Ba-la-mật. Ba-la-mật tức là đến bờ kia Phật đạo, Nhị thừa chẳng đến bờ kia Phật đạo, chẳng phải ba-la-mật, cho nên Bát-nhã bala-mật, chỉ là pháp Bồ-tát, chẳng thuộc Nhị thừa.

Hỏi: Kinh chỉ nói: “Muốn được quả Thanh văn, nên học Bát-nhã’, vì sao lại nói nên học thật tướng Bát-nhã.

Đáp: Thích luận giải thích đoạn này, có thể dễ tìm thấy văn. Dùng lý suy luận ắt chẳng phải khuyên Nhị thừa học Ma-ha Bát-nhã. Ma-ha Bát-nhã đã là trí quán của Bồ-tát, há lại khuyên Nhị thừa học được sao? Niết-bàn ghi: “Hạ trí quán thì được Bồ-đề của Thanh văn, thượng trí quán thì được Bồ-đề Bồ-tát”. Đây là nói về Tam thừa đồng trung đạo, há có thể khuyên bậc trung hạ trí học pháp của bậc thượng trí sao?

Hỏi: Nếu Ma-ha Bát-nhã chỉ là pháp Bồ-tát, thì trong giáo Bátnhã, nói Tam thừa đồng quán thật tướng, vậy đó là giáo chung cho ba thừa ư?

Đáp: Nếu nói như thế, thì kinh Niết-bàn nói Tam thừa đồng qúan Trung đạo, vậy đó là giáo chung cho ba thừa sao.

Hỏi: Nếu chẳng phải giáo chung cho ba thừa, vì sao lại khiến cho hàng Nhị thừa tuyên thuyết?

Đáp: Trưởng lão giao phó tài sản, gồm có hai ý, một là muốn rõ dạy hàng Bồ-tát, hai là thầm dạy hàng Nhị thừa; đó là ngăn dứt hàng Nhị thừa mà đồng thành Bồ-tát, sao lại nói là giáo chung cho ba thừa?

3. Do thật tướng sinh Bát-nhã, thật tướng đã không có sở y thì Bátnhã cũng không có sở trước (chấp trước). Vì Bát-nhã không có chỗ chấp trước, thì năng dẫn dắt thành các hạnh cũng không có chỗ chấp trước, cho nên không trụ ở Tam giới, không ngăn dứt Nhị thừa, tiến thẳng vào Phật đạo, vì có năng lực dẫn đạo cho nên gọi là Đại.

Hỏi: Năm độ vốn chẳng phải độ, vì có Bát-nhã dẫn dắt, cho nên gọi là độ; vậy năm độ vốn chẳng phải nhẫn, nhờ có Bát-nhã dẫn dắt thì có nhãn sao?

Đáp: Nghĩa chung thì giống nhau, nhưng riêng thì lại khác biệt. Như năm người mù theo người mắt sáng dẫn đường vào thành, mà được gọi là độ, nhưng thể tánh của mù, rốt cuộc không có mắt. Năm độ tuy tùy theo Bát-nhã đi trên con đường Bát chánh đến thành Phật đạo nhưng thể tánh của năm độ, rốt cuộc chẳng phải là Bát-nhã, cho nên nếu phân biệt phước trí hai loại trang nghiêm, thì ý sẽ hiển rõ nơi đây.

Hỏi: Kim Cang Bát-nhã ghi: “Bồ-tát chẳng trụ tướng mà bố thí, như ánh sáng mặt trời chiếu rọi thấy các màu sắc”; vì sao lại nói Bátnhã dẫn dắt năm độ chẳng thành mắt?

Đáp: Bát-nhã vốn là mắt, năm độ chẳng phải là mắt, nhưng nhờ Bát-nhã dẫn dắt, mà thành vô sở đắc, chẳng trụ ba cõi, chẳng rơi vào Nhị thừa, tiến thẳng đến Phật đạo, vì thế mà gọi là có mắt, mà chẳng phải là thành Bát-nhã.

Hỏi: Nếu trong các hạnh lấy vô sở đắc làm mắt, thì lẽ ra cũng có thể lấy vô sở đắc làm tuệ, vì sao lại chia hai trang nghiêm là phước và trí.

Đáp: Vô sở đắc là chung, phước tuệ thì riêng; nếu lấy vô đắc làm tuệ, thật cũng có nghĩa này, nhưng chẳng phải tuệ Bát-nhã. Vì sao? Vì Bát-nhã đã có vô sở đắc lại có chiếu soi, còn năm độ chỉ có vô sở đắc mà không có chiếu soi cho nên chẳng gọi là tuệ.

4. Năm mươi hai giai vị đại Hiền Thánh, đều ở trong kho tàng Bátnhã, cho nên gọi là Đại. Vì sao? Vì hợp thì chỉ có một Bát-nhã nhưng sáng tối khác nhau. Cho nên chia thành năm mươi hai giai vị.

5. Ba a-tăng-kỳ kiếp lớn tu đại tuệ này cho nên gọi là đại.

6. Đoạn trừ hoặc chướng sâu nặng, đó là vô minh, vì thế kinh ghi: “Vô minh trụ địa, sức của nó rất mạnh”; Nhị thừa tuy phá được bốn trụ, nhưng chưa thể đoạn được vô minh này, còn Bồ-tát chiếu soi cùng tận thật tướng, mới trừ được nó, cho nên gọi là Đại.

7. Dứt trừ các khổ lớn trong và ngoài ba cõi cho nên gọi là đại.. Vì là pháp sở hành của các đại Bồ-tát cho nên gọi là Đại.

8. Trong các hạnh, thì Bát-nhã là thù thắng nhất, không hạnh nào vượt hơn, cho nên gọi là Đại.

9. Tin nó thì được phước báu lớn, hủy báng nó thì bị tội nặng, cho nên gọi là Đại.

Mười nghĩa này, tự có duyên cùng khắp và giới hạn, tự có chung hai tuệ, có thể tùy theo mỗi nghĩa mà phối hợp.

Hỏi: Bát-nhã đối với Tiểu mà gọi là Đại hay chẳng đối với Tiểu mà gọi là Đại?

Đáp: Có hai nghĩa:

1. Đối với tuệ kém nhỏ của Nhị thừa mà gọi là Đại.

Hỏi: Nhị thừa có tuệ kém nhỏ, Bồ-tát có tuệ rộng lớn (đại tuệ); Nhị thừa có Tiểu Bát-nhã, Bồ-tát có đại Bát-nhã. Vì sao nói Bát-nhã chẳng thuộc Nhị thừa? Trọng tâm Nhị thừa gọi là Đạo phẩm?

Đáp: Người giảng không thể hội được yếu chỉ, cho nên bị trệ ngại ở lời này. Luận ghi: “Bát-nhã chẳng thuộc Nhị thừa; đây là Ma-ha Bátnhã, Đại tuệ của Bồ-tát, cho nên không thuộc Nhị thừa, chẳng phải hàng Nhị thừa chẳng có “không tuệ”.

2. Chẳng đối với tiểu mà gọi là đại; thể tánh của Bát-nhã là đại, cho nên nói chẳng đối với tiểu, không như trí tuệ của Tiểu thừa đối với phàm phu thì Đại, đối với Bồ-tát thì tiểu.

Hỏi: Bồ-tát nếu sánh với Nhị thừa thì đại, so với Phật thì Bát-nhã là tiểu, cho nên trong tâm Phật, đổi tên là Tát-vân-nhã, đâu thể nói là thể tánh đại?

Đáp: Bát-nhã là cùng tột trong nhân, công ở tại Thập địa, cho nên gọi là đại, mà chẳng phải đối với Phật. Vả lại Bát-nhã chung cho nhân quả. Quả địa Bát-nhã thì tối thượng không quả nào hơn, cho nên có thể tánh đại. Như ngài La-thập nói: “Tát-bà-nhã tức lão Bát-nhã”. Nói đại tuyệt đối đãi, nghĩa là đối với tiểu gọi là đại, thì tuy tuyệt tiểu mà chưa tuyệt đại, vì danh ngôn có thể đạt đến, cho nên chẳng phải là đại rốt ráo. Đại tiểu đều tuyệt mới thật là đại cùng tột.

Hỏi: Văn nào chứng thật điều này?

Đáp: Đề kinh ghi là Ma-ha Bát-nhã: “Bát-nhã sâu nặng, trí tuệ không tương xứng. Ma-ha cùng sâu nặng, nói đại cũng không tương xứng”. Đó tức văn chứng minh. Phẩm Chiếu Minh ghi: “Chẳng phải Đại Tiểu, gọi là Ma-ha”. Đây là đoạn văn chứng thật rõ nhất.

Hỏi: Tuyệt đại tiểu, có thể gọi là tuyệt đại, nay chẳng phải đại chẳng phải tiểu, xưng tán là đại, lại là đối đãi với tiểu, sao gọi là tuyệt đối đãi?.

Đáp: Đại này tuyệt cả tiểu và đại, cho nên gọi là tuyệt đối đãi.

Hỏi: Tuyệt đại tuyệt tiểu, gọi là đại, thì đối đãi với đại với tiểu, đều gọi là tiểu, là đại tiểu đối nhau, sao gọi là tuyệt đối đãi?

Đáp: So với trước thì tuyệt, sánh với sau thì còn đối đãi, nghĩa không trái nhau.

Hỏi: Đại của Bát-nhã và Đại của Niết-bàn có gì khác nhau?

Đáp: Nói chung thì không có gì khác, vì Thế luận ghi: “Nếu như pháp mà quán Phật Bát-nhã và Niết-bàn thì cả ba chỉ là một tướng. Chiếu của Niết-bàn là Bát-nhã, diệt của Bát-nhã là Niết-bàn. Nơi Niếtbàn thì không khổ lụy nào chẳng bị diệt, đó là giải thoát, không cảnh nào chẳng chiếu, đó là Bát-nhã, chân thật cùng tột có thể làm quy tắc, đó gọi là pháp thân; cho nên đầy đủ ba đức gọi là Niết-bàn. Vì Bát-nhã tức Niết-bàn nên Bát-nhã cũng có ba đức. Bát-nhã chỉ gọi là trí tuệ, thì đó là riêng; Niết-bàn chỉ gọi là quả, thì quả đó cũng là riêng.

Hỏi: Bát-nhã là Niết-bàn, thì trong ba đức, một đức lẽ ra cũng là Niết-bàn, và Bát-nhã này là một đức trong ba đức?

Đáp: Cũng có nghĩa này, dùng nghĩa riêng của Bát-nhã mà thành Niết-bàn, cũng lấy nghĩa riêng của Niết-bàn để thành Bát-nhã. Riêng của Bát-nhã tức trí tuệ, riêng của Niết-bàn gọi là diệt độ, cho nên quả đức Niết-bàn, Phật địa Bát-nhã đều có hai nghĩa chung và riêng.

Hỏi: Ba đức giải thoát thành Niết-bàn, vì sao không nói ba đức thành Bát-nhã?

Đáp: Tùy theo nghĩa mà nêu lên một đức, thì đều gom nhiếp tất cả đức, sao lại là không? Nhưng giáo phát khởi, mỗi mỗi đều có nguyên nhân. Như giáo Niết-bàn phát khởi là muốn bài xích Tiểu thừa thân đoại trí diệt không đủ ba đức và tán thán đại Niết-bàn đầy đủ ba đức. Giáo Bát-nhã hưng khởi chính là muốn nói rõ về nhân hạnh, bài xích Tiểu thừa không đủ hai tuệ, và luận Bồ-tát có đủ hai trí quyền thật.

Hỏi: Vì sao Niết-bàn căn cứ theo quả, vì sao Bát-nhã căn cứ theo nhân?

Đáp: Niết-bàn là diệt độ. Diệt độ tức hoạn lụy lớn đã diệt, vượt qua bốn dòng, danh từ này ắt là cùng tột, cho nên căn cứ theo quả. Bátnhã là tuệ, tuệ còn chưa rốt ráo nên căn cứ theo nhân.

3. Giải thích hai đạo:

Hỏi: Thích luận ghi: “Bồ-tát có hai đạo, là Bát-nhã đạo, và phương tiện đạo. Thế nào là hai đạo này?

Đáp: Có người cho rằng Bát-nhã đạo tức thật tướng Bát-nhã, phương tiện đạo tức phương tiện Bát-nhã, việc này chẳng phải. Phán định rõ hai đạo, phải nêu ba điểm sau:

  1. Căn cứ theo bản Phạm, phải gọi là Bát-nhã, đạo và âu hòa đạo.
  2. Dịch đủ từ này phải gọi là tuệ đạo, phương tiện đạo.
  3. Phạm và Hán hợp xưng, như luận ghi: “Nói Bát-nhã là gọi theo  âm Phạm, gọi phương tiện là từ của Hán.

Nếu nay nói thật tướng Bát-nhã và phương tiện Bát-nhã, đều là Bát-nhã, thì hai đạo chẳng phân biệt. Vả lại thật tướng Bát-nhã là cảnh, phương tiện Bát-nhã là trí, há có thể dùng trí và cảnh làm hai đường được chăng? Dẫu có nói thật tướng Bát-nhã là thật tuệ, phương tiện Bát-nhã là phương tiện tuệ, cho là hai đạo, thì cũng chẳng đúng. Luận ghi: “Bát-nhã và phương tiện, đã cho là hai đạo, thì đâu được gọi chung là Bát-nhã”. Nếu thế thì hai đạo nên gọi là phương tiện. Vả lại lập ba Bát-nhã, đều từ Bát-nhã đạo phân chia, đó là thật tướng Bát-nhã, quán chiếu Bát-nhã và văn tự Bát-nhã. Thật tướng hay sinh Bát-nhã, cho nên gọi là Bát-nhã; văn tự hay diễn bày Bát-nhã, vì lấy sở thuyên làm tên, nên cũng gọi là Bát-nhã; quán chiếu đương thể, gọi là Bát-nhã.

Hỏi: Vì sao chỉ lập ba mà không phải là nhiều hơn hay ít hơn?

Đáp: Gồm ba nghĩa:

1. Thật tướng là cảnh năng sinh, quán chiếu là trí sở sinh, văn tự là văn năng thuyên. Cần phải đủ ba ý này mà không được tăng giảm. Lại hợp ba nghĩa này thì thành ba đôi, đó là thật tướng là cảnh, quán chiếu là trí, hợp thành một đôi cảnh trí; cảnh trí là sở thuyên, văn tự là năng hiển, hợp thành một đôi năng sở; cảnh trí tức tự hành, văn tự là hóa tha, hợp thành một đôi tự hành hóa tha.

2. Thật tướng tức vô vi Bát-nhã, quán chiếu là hữu vi Bát-nhã, vì sao? Luận ghi: “Thật tướng các pháp, là nơi mà tâm hành và ngôn ngữ đều bặt dứt, không sinh không diệt; vắng lặng như Niết-bàn”, thật tướng đã không sinh diệt, cho nên gọi là vô vi Bát-nhã; thật tướng lại hay phát sinh trí quán, trí quán mới sinh cho nên gọi là hữu vi Bát-nhã. Tất cả Bát-nhã chỉ có hai ý này. Văn tự diễn bày hai loại vô vi hữu vi này thì gọi là văn tự Bát-nhã. Văn tự từ sơ thuyên mà lập danh, nên thông với vô vi; vì từ đương thể mà luận nên thuộc hữu vi.

3. Thật tướng là vô vi Bát-nhã, văn tự là hữu vi Bát-nhã, quán chiếu thì gồm cả hữu vi và vô vi. Bồ-tát chưa tận trừ hoạn lụy thì chưa tránh khỏi sinh diệt, nên gọi là hữu vi. Chư Phật thì các hoặc đã dứt sạch, chẳng còn sinh diệt, nên gọi là vô vi Bát-nhã.

Hỏi: Vì sao có phiền não, tức có sinh diệt?

Đáp: Vì có phiền não thì không liễu ngộ được bản tánh tự vô sinh, cho nên có sinh diệt, nếu không có phiền não, tức ngộ quán tâm vốn tự vô sinh, tức là vô vi; chẳng phải là nói do chuyển hữu vi Bát-nhã mà thành vô vi. Cho nên ba môn này gồm nhiếp cảnh trí, hữu vi vô vi, nhân quả. Vì thế mà lập ba.

Hỏi: Có nghĩa thật tướng là thật tuệ, quán chiếu là phương tiện chăng?

Đáp: Nếu cho Phật tánh là thật tướng, vốn tự có thì gọi là thật tuệ, còn quán chiếu do tu tập mới sinh, nên gọi là phương tiện. Đây chẳng phải chiếu hữu gọi là phương tiện, chiếu không gọi là thật tuệ, dù quyền hay thật, đều là nghĩa mới có, đều gọi là phương tiện; nếu là nghĩa Phật tánh rõ biết chiếu soi vốn có, thì gọi là thật. Địa luận ghi: Chân tu Bátnhã, thì vốn tự có; duyên tu Bát-nhã, thì do tu tập mới sinh. Tánh tịnh Niết-bàn và phương tiện tịnh Niết-bàn cũng như thế. Nghĩa này cũng giống như nghĩa bản thỉ xưa.

Hỏi: Đối với nghĩa bản thỉ nay thì có gì khác?

Đáp: Bản tánh thanh tịnh, gọi là bản hữu, nhờ duyên mới ngộ bản tịnh, gọi là thỉ hữu. Nhưng chánh đạo chưa từng có bản thỉ, cũng chưa từng nhiễm tịnh. Vả lại các thuyết xưa cho hữu vi và vô vi nhất định là hai; nay thì cho rằng khi chưa đạt Bồ-đề, thì vô vi thành hữu vi, nếu đạt Bồ-đề thì hữu vi thành vô vi, há lìa hữu vi mà có một vô vi nào khác sao? Như trước đã giải thích. Hơn nữa hữu vi và vô vi lại rõ ràng, vì các pháp tánh vốn thanh tịnh nên gọi là vô vi, chưa ngộ được tánh vốn không sinh diệt nên gọi là hữu vi, nhưng Bát-nhã chưa từng hữu vi vô vi.

Hỏi: Bát-nhã đạo đã chia làm ba môn, phương tiện đạo có chia ba môn chăng?

Đáp: Cũng có ba môn là cảnh, trí và văn tự. Nhưng thật tuệ từ cảnh mà lập danh, cho nên cần phải luận đến cảnh; phương tiện từ xảo (sự khéo léo) lập tên, cho nên không cần luận về cảnh, còn văn tự thì chung cả hai đường. Nhưng phương tiện tuy không từ cảnh lập danh, mà lúc thật chiếu thế đế thì cũng đủ cả ba. Quán chiếu đã có hữu vi vô vi thì phương tiện cũng như thế. Hai trí của Như Lai đều vô vi, hai trí của Bồ-tát còn là hữu vi.

Hỏi: Chỗ biểu hiện của thật tướng chỉ là cảnh, hay cũng là trí?

Đáp: Có người cho rằng thật tướng Bát-nhã chỉ là tên của cảnh, dẫn văn Thích luận bốn mươi ba.

Hỏi: Trước đã nói trí tuệ là Bát-nhã, vì sao ở đây lại nói không là Bát-nhã?

Đáp: Trong quả nói nhân, như nói “thực bố” nghĩa này lẽ ra phải từ trong nhân nói quả, mà lại từ quả nói nhân, đó là theo nghịch để luận nghĩa, chẳng nên theo thuận để luận nghĩa. Trí tuệ chính là Bát-nhã, thật tướng hay sinh trí tuệ, vậy trí tuệ là con của thật tướng, mà từ trí sinh nói thật tướng là Bát-nhã, cho nên nói trong quả luận nhân. Hai nhà Nam Bắc đều giải thích như thế. Có người cho rằng Phật có ba, đó là pháp thân Phật, báo thân Phật và hóa thân Phật. Thật tướng tức pháp thân Phật, thật tướng có thể làm quy tắc, gọi là pháp, pháp này có thể nên gọi là thân, nhưng thật tướng chẳng phải là Phật, mà lại sinh Phật, nên gọi là Phật. Báo thân, tu hành thể hội được lý thật tướng, thật tướng đã thường trụ thì báo Phật cũng thường trụ. Vì pháp thường nên chư Phật cũng thường. Hóa Phật, tức là dụng ứng vật, đây là cách giải thích của các sư phương Bắc.

Có người cho rằng tu tập không vô tướng, hội được lý viên thông, phiền não nơi tâm ý thức đều thanh tịnh, vô vi Bát-nhã này tức là thật tướng; nếu còn cảnh của tâm hành thì chưa tránh được sinh tử, tức là Bồ-tát tu lục độ đạt được quả mười Địa khác nhau. Đó là hữu vi Bátnhã, đây là nghĩa của thiền sư Thượng ở phương Nam.

Có người lại cho rằng thật tướng tức lý chân đế, thể hội được lý này, thì phiền não tận trừ, nên xa lìa được sinh diệt, đồng với chân như, bằng pháp tánh, không tạo tác mà không gì chẳng tạo tác, thì chân thật nơi cảnh. Đây là nghĩa của Thành luận ở phương Nam.

Nay giải thích tường tận về ý này của luận, có thể phân làm năm câu:

  1. Trong nhân nói quả, như gọi thật tướng là Bát-nhã.
  2. Trong quả nói nhân, như nói Bát-nhã là thật tướng.
  3. Ngay nơi nhân nói nhân, như nói thật tướng chẳng phải Bátnhã.
  4. Ngay nơi quả nói quả, như nói Bát-nhã chẳng phải thật tướng.
  5. Chẳng phải nhân chẳng phải quả, chẳng phải cảnh chẳng phải trí.

Cho nên văn giải thích về thật tướng của luận ghi: “Nhân là một bên, quả là một bên, lìa hai bên này, gọi là trung đạo. Duyên là một bên, quán là một bên, lìa hai bên này, tức trung đạo”. Cho nên biết thật tướng chưa từng có nhân quả, cũng chẳng phải cảnh và trí, mà tùy duyên thuận theo nghĩa, nên có bốn câu khác nhau, các Sư chớ nên dẫn chung các văn để hội thông ý chỉ viên dung.

Hỏi: Xưa nói: Thật tuệ phương tiện tuệ, phương tiện và thật đều gọi là tuệ, vì sao hai đạo không được cùng gọi là Bát-nhã?

Đáp: Thiên Trúc gọi đó là Bát-nhã, Hán dịch là tuệ; bản Phạm ghi là Âu-hòa, Hán dịch là phương tiện. Người dịch kinh muốn phân định từ ngữ hai nước, cho nên chia ra hai đạo. Nếu cùng gọi là Bát-nhã, thì hai tên lẫn lộn nhau. Vì thế ngài Tăng Duệ thuật thể lệ dịch kinh của ngài La-thập rằng: Âm Hồ sai thì dùng âm Thiên-trúc để sửa chữa, từ Trung Quốc lầm thì dùng tự nghĩa để ấn định. Nếu từ chẳng thể phiên, thì nên viết như thế”. Cho nên biết hai đạo chẳng được cùng gọị là Bát-nhã.

Hỏi: Nếu thế, thì xưa đâu được nói là thật tuệ, phương tiện tuệ?

Đáp: Vì muốn chỉ rõ thật và phương tiện đều có công năng chiếu soi, cho nên cả hai đều gọi là tuệ. Đây là thích nghĩa, chẳng phải là đặt tên hai đạo. Nên đặt tên hai đạo, thì chỉ được gọi là tuệ và phuơng tiện mà thôi.

Hỏi: Vì sao Bát-nhã gọi là tuệ, phương tiện không gọi là tuệ?

Đáp: Nói chung thì Bát-nhã chiếu soi, cho nên gọi là tuệ, phương tiện cũng chiếu cũng được gọi là tuệ; phuơng tiện là xảo, Bát-nhã cũng là xảo. Nhưng đặt hai tên này là muốn mở đóng, ẩn hiện cùng nêu; gọi Bát-nhã là hiển bày tên chiếu, ẩn tên xảo; gọi phương tiện là hiển tên xảo, ẩn tên chiếu. Vì sao? Vì Bát-nhã từ cảnh thật tướng mà đặt tên, vả lại đó chính là thể, cho nên hiển chiếu mà ẩn xảo. Phương tiện chẳng từ chiếu cảnh tục mà đặt tên, chỉ căn cứ theo công dụng, cho nên hiển xảo ẩn chiếu. Hơn nữa, tuệ thì chiếu không, Bát-nhã đã không tuệ, cho nên gọi là tuệ. Phương tiện thì vào hữu, chẳng được gọi là tuệ.

Hỏi: Bát-nhã chiếu không gọi là tuệ, phương tiện vào hữu lẽ ra gọi là trí?

Đáp: Như trước đã giải thích, phương tiện chẳng phải không chiếu hữu, nhưng vì căn cứ theo công năng, cho nên chẳng gọi là trí.

Hỏi: Vì sao biết Bát-nhã là thể, phương tiện là dụng?

Đáp: Thích luận một trăm ghi: “Hỏi: Trên đã phó chúc rồi, vì sao nay lại chúc lụy nữa? Đáp: Trên nói Bát-nhã thể, đây nói phương tiện dụng”. Vì thế biết Bát-nhã là thể, phương tiện là dụng. Luận lại ghi: “Bát-nhã và phương tiện, chỉ một bản thể, nhưng tùy theo nghĩa mà có khác nhau. Ví như từ vàng làm ra các món trang sức”. Đây là luận về quyền thật một thể, theo nghĩa mà phân hai. Vàng dụ cho thể Bát-nhã, sự khéo léo (xảo) từ vàng là dụ cho phương tiện, phương tiện tức là dụng.

Hỏi: Bát-nhã vì sao gọi là thể, phương tiện là dụng?

Đáp: Thật tướng là gốc, Bát-nhã chiếu thật tướng, cho nên Bátnhã cũng là gốc. Vì thế Bát-nhã là thể; các pháp là ngọn, phương tiện chiếu các pháp nên phương tiện là dụng.

Hỏi: Làm sao biết được thật tướng là gốc?

Đáp: Luận quyển đầu ghi: “Ba Tất-đàn có thể phá, nhưng Đệ nhất nghĩa Tất-đàn chẳng thể phá được, hoại diệt tất cả ngôn ngữ, vượt trên tất cả hý luận. Đệ nhất nghĩa Tất-đàn tức thật tướng”. Luận còn ghi: “Ngoài thật tướng, thì tất cả đều gọi là ma”. Vì thế biết thật tướng là gốc. Vả lại mê thật tướng mà có sáu đường, ngộ thật tướng thì có ba thừa. Vậy thật tướng là nguồn gốc của mê ngộ, vì thế gọi nó là gốc. Đây là đối với hư vọng, mà gọi là thật, nếu không có hư vọng thì sẽ không có thật. Như trước ghi: “Chẳng phải cảnh, chẳng phải trí, chẳng phải quả, chẳng phải nhân, chẳng giống với cảnh thật tướng, tự nhiên mà các thuyết xưa lập”.

Hỏi: Nếu Bát-nhã là gốc thì Bát-nhã thù thắng, phương tiện thua kém. Vì sao Địa thứ sáu gọi là Bát-nhã, Địa thứ bảy gọi là phương tiện?

Đáp: Tuy vàng là thể, nhưng khi chưa tạo thành các vật đẹp đẽ, thì vàng còn kém sút. Khi vàng đã được tạo thành các vật tinh xảo thì vật tinh xảo đẹp đẽ đó lại hơn vàng. Địa thứ sáu tuy được thể Bát-nhã, nhưng chưa được diệu dụng, cho nên nói Bát-nhã thì kém, đến Địa thứ bảy, được diệu dụng Bát-nhã, gọi là phương tiện, cho nên phương tiện thù thắng hơn; vì thế, luận ghi: “Bát-nhã thanh tịnh, biến thành tên phương tiện”. Biến, nghĩa là tuệ chiếu không, chưa vào hữu, không tuệ chưa có sự khéo léo (xảo), chỉ được gọi là Bát-nhã, tuệ chiếu không đã vào hữu, cho nên chuyển thành tên phương tiện.

Hỏi: Đã chuyển thành tên phương tiện, lẽ ra mất tên Bát-nhã, thì không có hai tuệ. Vì sao? Vì khi có Bát-nhã thì chưa đạt được phương tiện, được phương tiện thì lại không có Bát-nhã?

Đáp: Hai tuệ không hai thể, không tuệ mà xảo gọi là phương tiện Bát-nhã; xảo mà không tuệ tức Bát-nhã phương tiện; thí như vàng mà xảo, xảo mà vàng, xảo mà chẳng mất vàng, vàng chưa thành xảo.

Hỏi: Không tuệ có hai xảo: một, chiếu không chẳng dính mắc. Hai, có thể vào hữu mà không trệ ngại. Vậy trong hai xảo, xảo nào phương tiện?

Đáp:Bát-nhã có bốn năng lực:

  1. Chiếu thật tướng.
  2. Vô sở trước.
  3. Đoạn hoặc.
  4. Dẫn dắt.

Bốn công dụng này theo tứ tự như sau: Do chẳng thấy tất cả tướng mà thấy thật tướng, thật tướng đã vô sở y thì Bát-nhã cũng vô sở trước. Vì vô sở trước, thì các phiền não vắng lặng, vì không phiền não trói buộc, không dính mắc, cho nên có thể phương tiện dẫn dắt, khiến vào hữu mà chẳng nhiễm. Vì sao? Vì chiếu không mà chẳng chấp không, là năng lực của Bát-nhã, thuộc về thật tuệ. Ngay nơi không tuệ mà có thể vào hữu, là thuộc về phương tiện, cho nên hai xảo khác nhau.

Hỏi: Phương tiện vào hữu, có mấy lực?

Đáp: Có ba lực đó là:

  1. Có sự khéo léo chiếu cảnh.
  2. Có năng lực chẳng chứng không.
  3. Có công dụng thực hành các hạnh.

Hỏi: Vào hữu mà không dính mắc, là công dụng của phương tiện hay thuộc về năng lực của Bát-nhã?

Đáp: Vào hữu là thuộc về công dụng của phương tiện, không dính mắc là thuộc về sức của Bát-nhã; vì Bát-nhã vô trước, nên trong Bát-nhã quán có dụng xảo phương tiện, vì thế phương tiện này lại vô trước.

Hỏi: Phương tiện vì sao lại chẳng thể chứng không?

Đáp: Bát-nhã chiếu thật tướng các pháp, phương tiện lại có năng lực chiếu các pháp thật tướng, cho nên chẳng trầm trệ nơi quán không, cho nên gọi là chẳng chứng không. Thích luận ghi: “Bát-nhã là nhập rốt ráo không, không còn các hý luận; phương tiện là xuất khỏi rốt ráo không, trang nghiêm quốc độ, giáo hóa chúng sinh”. Đây là văn chứng minh cho nghĩa về các lực nói trên. Nhập rốt ráo không tức là chiếu thật tướng; không còn các hý luận tức là công năng đoạn hoặc không chấp trước. Phương tiện là xuất rốt ráo không, tức là chỗ dẫn dắt của Bát-nhã, đó là năng lực chẳng chứng không và chiếu cảnh khởi hạnh của phương tiện.

Hỏi: Vì sao Bát-nhã chiếu thật tướng các pháp, phương tiện chiếu các pháp thật tướng?

Đáp: Gọi là thật tướng các pháp, các pháp thật tướng, nghĩa là các pháp rõ ràng mà thật tướng, thật tướng như thế mà là các pháp. Các pháp và thật tướng chẳng hai mà lại hai, hai mà thường hằng chẳng hai. Hai cảnh đã như thế, thì hai tuệ cũng như thế. Bát-nhã chiếu thật tướng các pháp mà phương tiện chiếu các pháp thật tướng.

Hỏi: Tuy thật tướng nhưng rõ ràng là các pháp, Âu hòa chiếu thì đã gọi là xảo; tuy là các pháp, mà rõ ràng là thật tướng, thuộc Bát-nhã chiếu, vì sao chẳng gọi là xảo?

Đáp: Nghĩa chung thì như thế, giống nghĩa ẩn hiện đã giải thích ở trên. Vả lại Bát-nhã chiếu thật tướng, mà chỉ có nghĩa không chấp trước, thì Nhị thừa cũng có phần này, vậy nghĩa xảo không hiển rõ, nên không gọi là phương tiện; tức không mà có thể khởi hữu, dụng này rất kì diệu, hàng Thanh văn không có phần, chỉ Bồ-tát mới có, cho nên được gọi là phương tiện.

Hỏi: Nếu tức không mà khởi hữu, là kì diệu, thì cũng tức hữu mà chiếu không cũng là diệu vậy.

Đáp: Đã có thể tức hữu mà chiếu không, thì cũng có thể tức không mà chiếu hữu. Tức không mà chiếu hữu này, là tuệ có phương tiện giải, phương tiện có tuệ giải. Hai tuệ này không có hơn kém. Nhưng đối với Nhị thừa chiếu không mà chẳng thể vào hữu, cho nên mới nói chiếu không mà khởi hữu là diệu, gọi là phương tiện. Vả lại để đối với Địa thứ sáu chỉ được Bát-nhã không quán, chưa được tức không mà vào hữu, cho nên ở đây nói tức không vào hữu là phương tiện.

Hỏi: Chẳng chấp trước hữu, chẳng chứng đắc không, đầy đủ thiện xảo, vì sao cái xảo chẳng chấp trước gọi là Bát-nhã, Bát-nhã thì kém, ở tại Địa thứ sáu; cái xảo chẳng chứng gọi là phương tiện, thì phương tiện lại thù thắng ở tại Địa thứ bảy?

Đáp: Như trên đã giải thích; hơn nữa hữu là tục đế, lìa hữu thì dễ, cho nên cái xảo của Bát-nhã kém. Không là chân đế, tránh không thì khó, cho nên phương tiện lại hơn. Vào thật tướng quán, chẳng chấp trước hữu, là xa lìa vị phàm phu; tức thật tướng quán mà chiếu các pháp, cho nên chẳng trệ ngại nơi không, là lìa vị Nhị thừa. Vượt phàm thì dễ,cho nên Bát-nhã kém, siêu Thánh thì khó, cho nên phương tiện hơn. Vì thế nêu Địa thứ sáu, thứ bảy để phân biệt nghĩa hơn kém.

Hỏi: Nếu thế thì ở Địa thứ sáu, hai tuệ chẳng đồng, vì sao ở trên lại nói Sơ địa đã đồng?

Đáp: Sơ địa nếu so với địa tiền (trước mười Địa) thì được gọi là đồng, nếu sánh với Địa thứ bảy thì chưa đồng. Vì sao? Vì Sơ địa đến đây đã được vô sinh, động tịch không ngại, nhưng tịch hơi mạnh, còn động thì yếu kém,cho nên nói không đồng. Đến Địa thứ bảy, động tịch vô ngại, hai tuệ song song, cho nên gọi là đồng.

Hỏi: Vì sao biết như thế?

Đáp: Nếu Địa thứ sáu về sau chưa đồng thì vào không chẳng thấy được hữu, ra hữu chẳng thấy không, Nhị thừa cũng như thế, đâu khác Bồ-tát, cho nên biết từ Sơ địa về sau hai tuệ đồng nhau, nhưng có sự chênh lệch về mạnh yếu rất vi tế, mà nói là chưa đồng.

Hỏi: Chẳng chấp không và chẳng chứng không có gì khác biệt?

Đáp: Nhị thừa vào không, chẳng còn bốn câu, chỉ có thể chẳng chấp trước, nhưng không thể không chứng. Bồ-tát vào không đã không có gì tồn tại, mà có thể ngay nơi không liền vào hữu, cho nên gọi là chẳng chứng.

Hỏi: Nhị thừa và Bồ-tát vào không đồng một vô sở y, vì sao hàng Thanh văn lại trụ nơi không, mà Bồ-tát thì chẳng chứng không?

Đáp: Nhị thừa cho rằng không là cùng tột, rồi nương vào vô y này, vì thế mà trụ không. Bồ-tát chẳng cho không là cùng tột, biết không cũng không, gọi là bất khả đắc không, mà chẳng nương vào vô y này, cho nên chẳng chứng không. Đại phẩm ghi: “Hành cũng chẳng thọ, chẳng hành cũng chẳng thọ, cũng hành cũng chẳng hành, chẳng hành chẳng phải chẳng hành, cho đến chẳng thọ cũng chẳng thọ, đó gọi là dụng Vô thọ Tam-muội rộng lớn của Bồ-tát, chẳng cùng chung với Thanh văn và Bích-chi-phật”. Vì thế chẳng thể chứng không. Vả lại Nhị thừa không có nguyện hạnh giúp đỡ “không” nên vào không liền chứng, còn Bồ-tát có hạnh nguyện lớn hỗ trợ “không”, nên vào không chẳng chứng không.

Hỏi: Luận ghi: “nhân thì gọi là Bát-nhã, đến Phật quả thì trái lại gọi là Tát-bà-nhã”, vì sao Địa thứ sáu gọi là Bát-nhã, đến Địa thứ bảy Bát-nhã thanh tịnh thì chuyển thành tên phương tiện?

Đáp: Như trước đã giải thích, khi ở vào Địa thứ sáu, thì thể Bátnhã mạnh, dụng phương tiện yếu. Vì thể mạnh nên diệu ở nơi tịnh quán, nên quán không mà chẳng chấp trước. Ví dụng yếu kém chưa có thể ngay nơi không mà vào hữu, vô ngại nơi hữu, đến Địa thứ bảy, thì thể dụng bằng nhau, đã có thể quán không mà chẳng nhiễm ô, vào hữu mà chẳng chấp trước, cho nên gọi là Địa Đẳng định tuệ (giai vị định tuệ bằng nhau). Định tuệ bằng nhau thì dụng của Bát-nhã khéo léo, cho nên mới nói trái ngược. Từ Địa thứ tám trở lên thì hai tuệ đều thiện xảo, đến quả vị Phật thì hai tuệ đều biến tên, thật tuệ thì chuyển thành tên Tát-bà-nhã, tức Nhất thiết trí, phương tiện tuệ chuyển thành tên Nhất thiết chủng trí.

Hỏi: Nếu đến quả đều biến tên thành hai trí, thì trong nhân phải gọi là hai tuệ, vì sao ở đoạn trước gọi Bát-nhã là tuệ, phương tiện chẳng gọi là tuệ?

Đáp: Đặt tên nhân và quả thì mỗi mỗi đều có nghĩa riêng; quả thì chiếu tất cả cảnh không, cho nên gọi là Nhất thiết trí; chiếu tất cả cảnh hữu thì gọi là Nhất thiết chủng trí, nhưng trừ cảnh mà đặt tên cho nên đều gọi là trí. Theo nhân thì thật tuệ từ cảnh, phương tiện theo dụng cho nên cả hai không cùng gọi là tuệ.

Hỏi: Nếu thế vì sao đạo tuệ, đạo chủng tuệ của Bồ-tát đều gọi là tuệ?

Đáp: Tuệ trong nhân, phân biết có nhiều môn, cho nên đặt tên mỗi mỗi có khác. Đạo tuệ và đạo chủng tuệ đều theo cảnh đặt tên, cho nên cũng gọi là tuệ.

Hỏi: Nếu thế thì chỉ nên nói Đạo tuệ, Đạo chủng tuệ, đến quả sẽ đổi tên là Nhất thiết trí, Nhất thiết chủng trí; vì sao nói Bát-nhã và phương tiện đổi tên thành hai trí?

Đáp: Luận ghi: “Trong nhân gọi là Bát-nhã, đổi tên là Tát-bànhã”; trong nhân phương tiện thiện xảo, đổi tên là Nhất thiết chủng trí. Hai tuệ đổi tên thành hai trí, cho nên không cần phải nói.

Hỏi: Luận ghi: “Bát-nhã chuyển tên thành Tát-bà-nhã”, còn nơi nào nói phương tiện chuyển tên thành Nhất thiết chủng trí?

Đáp: Bát-nhã gọi là tuệ, là tên của chiếu cảnh, Nhất thiết trí ở quả địa cũng từ chiếu cảnh đặt tên, hai tên cùng là chủ, nếu nói trong nhân là Bát-nhã, trong quả là Nhất thiết trí. Phương tiện thì theo dụng đặt tên, Nhất thiết chủng trí thì căn cứ theo cảnh đặt tên hai nghĩa không đồng, nên trong các kinh luận không gọi phương tiện biến tên là Nhất thiết chủng trí. Nhưng phương tiện, tuy chẳng từ cảnh đặt tên, mà thể của nó thật có chiếu hữu, cho nên biến thành chủng trí, tuy là văn, nhưng lý quyền biến. Vả lại trong nhân gọi là hai tuệ quyền thật, trong quả gọi là hai trí quyền thật, thì cũng đúng với đoạn văn kia.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8