TỊNH DANH HUYỀN LUẬN

QUYỂN 2

Hán dịch: Pháp sư Cát Tạng tạo.

3. THÍCH BẢN DANH MÔN:

Luận ghi: Do thể hội được lý bất nhị, nên có trí bất nhị; do có trí bất nhị nên ứng hợp giáo hóa tất cả; do ứng hợp giáo hóa, nên giáo chẳng phải một, giáo chẳng phải một cho nên tên gọi khác nhau. Vì thế bất nhị là gốc của các tên. Trên đã luận rõ về gốc của các tên rồi, đến đây lại thuật về tên kinh này. Thuật về tên kinh này, lược nêu ra hai phần, đó là luận chung các giáo, luận riêng kinh này.

A) Luận chung các giáo: Gồm năm môn: Lập danh bất đồng, chuyển bất chuyển, thích thủ đề, cụ nghĩa đa thiểu, người và pháp bất đồng.

1) Lập danh bất đồng: Chư Thánh diễn kinh, gồm có hai, đó là nói thẳng mà không lập tên riêng, như Đại phẩm… trong chín mươi chương, không có thị giả hỏi tên, Như Lai dạy đề. Bởi vì toàn một bộ nói về Bát-nhã, việc đã hiển rõ, tức biết là kinh Bát-nhã, không cần phải lập riêng. Hai là nói kinh và có lập tên gọi, như nói “Kinh này tên là Đại Niết-bàn”. Vì danh nghĩa chưa rõ, cho nên phải lập tên riêng. Đây là một đối lập danh và không lập danh, nếu nói về lập danh, thì gồm hai loại: một là: Phật tự lập, như nói: “Vì hàng Thanh văn nên nói kinh Đại thừa này tên là Diệu Pháp Liên Hoa”. Hai là đợi hỏi mới lập danh, như Kim Cang Bát-nhã, đợi Thiện Cát hỏi tên, Như Lai mới đáp, đây là một đôi tự tha. Nếu căn cứ theo tự lập danh thì lại có hai trường hợp, một là ở phẩm tựa đã lập tên, như các kinh Kim Quang Minh. Hai đến phần chánh thuyết mới lập tên, như phần lớn các kinh khác. Đây là một đôi tựa chánh. Trong phần đòi hỏi mới lập tên, lại có hai trường hợp, đó là trong lúc đang thuyết kinh, tùy theo một nghĩa nào đó mà lập danh, như kinh tiểu phẩm Bát-nhã. Hai là, thuyết kinh xong mới lập danh, như kinh này. Đây là một đôi trước sau. Lại trong phần thuyết kinh xong mới lập, được chia ra hai trường hợp, một chỉ lập một tên, như phần lớn các kinh; hai, lập nhiều tên, như kinh Tịnh Danh…, cho nên nói tên thứ nhất là Duy-ma-cật kinh, tên thứ hai là Bất Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn. Đây là một đôi một nhiều. Các kinh tuy nhiều nhưng nguyên do lập danh, lược có mười nghĩa như thế.

Hỏi: Một bộ kinh Hoa Nghiêm vì sao trong văn không thấy lập danh?

Đáp: Kinh này gồm mười vạn bài kệ, truyền dịch chưa hết, lập danh còn ở phần sau. Đến Trường An, thấy Đàm Pháp sư từ Vu Điền trở về, ở nơi kia, truyện về ngài Long Thọ rằng: “Hoa Nghiêm có ba bản, Đại bản có số bài kệ nhiều như vi trần trong tam thiên thế giới lớn và số phẩm nhiều bằng số vi trần trong một tứ thiên hạ. Trung bản có bốn trăm chín mươi tám ngàn tám trăm bài kệ, một ngàn hai trăm phẩm, hai bản này còn ở tại Long cung, ngài Long Thọ chưa tụng ra. Chỉ Trung, Tiểu bản một trăm ngàn bài kệ, ba mươi sáu phẩm. Ở Trung Quốc chỉ có ba mươi sáu ngàn bài kệ, ba mươi bốn phẩm. Vì thế nên biết danh số kinh Hoa Nghiêm còn vài phần vậy. Ngài Bồ-đề-lưu-chi nói: “Sau khi đức Phật diệt độ sáu trăm năm, ngài Long Thọ sẽ vào Hải cung mang về”.

2) Lập danh chuyển bất chuyển:

Kinh của chư Phật trong ba đời, lập danh có hai loại: Một là, danh tự không đổi, hai là, tùy theo thời Phật mà có biến chuyển khác. Như hai vạn đức Phật Nhật Nguyện Đăng Minh ở thời quá khứ nói kinh Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa; hiện tại đức Thích-ca cũng nói kinh có tên như thế. Tên kinh này không thay đổi. Tùy theo vị Phật xuất thế, mà tên kinh khác nhau, như Y-đế-mục-đa-già kinh, trong mười hai thể loại kinh, thì thời Đức Phật Câu-lưu-tôn xuất thế, loại này có tên là Cam lộ cốc, thời Phật Câu-na-hàm thì loại này có tên là Pháp cảnh, thời Phật Ca-diếp gọi là phân biệt, thời Phật Thích-ca xuất thế thì gọi là Khế kinh. Đó là tùy theo duyên bất đồng nên tên gọi tùy theo thời mà có khác.

3) Giải thích việc đặt tên kinh: (Thích thủ đề môn):

Các kinh ở Ấn Độ, đề kinh ghi ở phía sau, mà ở đầu đều ghi là Tất-đàn. Tất-đàn nghĩa là thành tựu, cũng gọi là pháp cát tường; mà chuyển từ sau đặt ra trước, là do ngài Đạo An lập danh.

Hỏi: Vì sao các kinh phải đặt tên?

Đáp: Vì muốn từ tên mà biết pháp, nhờ pháp mà khởi hạnh, được quả giải thoát. Vả lại vì căn cơ và ý thích bất đồng, nên giáo được thuyết cũng khác, nếu chẳng lập tên riêng thì không phân biệt được các bộ. Vì muốn các bộ kinh mỗi mỗi đều phân biệt, cho nên đặt tên riêng. Chư Phật thuyết pháp, có tóm lược và sâu rộng; rộng là toàn văn của một bộ kinh, tóm lược là đề của một bộ kinh. Thâu rộng về lược để thọ trì, mở lược thành rộng để giải nghĩa. Thâu rộng về lược, là vì người lợi căn, vừa nghe tên kinh liền ngộ được nghĩa, như ngài Long Thọ vào Hải Cung chỉ thấy tên kinh đã rõ được nghĩa lý. Mở lược thành rộng, là vì người độn căn, nghe tên chưa ngộ, cần phải tìm văn để hiểu. Vì thế đầu các bộ kinh đều có ghi tên.

4) Lập danh có bao nhiêu nghĩa (cụ nghĩa đa thiểu).

Có một nghĩa đặt tên, hoặc chỉ y nơi người (nhân), hoặc nhân nơi pháp, hoặc chỉ theo dụ. Hai nghĩa đặt tên, thì hoặc người và pháp đều nêu, hoặc pháp và dụ cùng đề, hoặc nhân quả đồng lập. Ba nghĩa đặt tên, như Thắng Man là nhân, Sư tử là dụ, Nhất thừa đại phương tiện là pháp. Kinh Hoa Nghiêm cũng thế, Đại Phương quảng là pháp, Phật là nhân, Hoa Nghiêm là dụ. Bốn nghĩa đặt tên, cũng như kinh Hoa Nghiêm, Đại Phương quảng là tên chung của các kinh, các kinh Đại thừa đều gọi là Phương đẳng, cũng gọi là Phương quảng. Như nói Đại Phương quảng Đại Tập kinh. Niết-bàn cũng gọi là Phương đẳng, là Cam lộ, tức là Tỳ-phật-lược trong mười hai thể loại kinh. Cho nên Phương quảng là tên chung. Phương quảng đã là tên chung thì Phật Hoa Nghiêm là tên riêng, nghĩa là gồm hai nghĩa chung và riêng. Trong nghĩa riêng thì Phật là nhân, Hoa Nghiêm là dụ, hợp với hai nghĩa chung và riêng đã nêu thì thành bốn nghĩa. Năm nghĩa đặt tên, Đại Phương quảng bao hàm hai nghĩa; một, đối với riêng thì đó là nghĩa chung; hai, đối với nhân thì đó là tên của pháp, cộng với bốn nghĩa trước thành năm nghĩa. Sáu nghĩa đặt tên, Phương quảng là pháp, thì đối Hoa Nghiêm là dụ, là một đối pháp dụ, hợp với năm nghĩa trên thành sáu nghĩa. Bảy nghĩa đặt tên, thêm chữ kinh, thì sáu nghĩa đã nêu là lý, kinh tức là văn, thành một đôi văn lý. Như phần bảy thiện trong Niết-bàn có ghi: “Tri pháp tri nghĩa, tri pháp tức mười hai thể loại kinh.”, cho nên Văn Kinh đối với nghĩa đã nêu. Nếu ghi là Đại Phương quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, thì bảy chữ này là theo bảy nghĩa lập tên, như đề mục kinh Hoa Nghiêm giải thích theo cách này. Còn tên các bộ kinh khác cũng tùy theo đó mà có nghĩa nhiều hoặc ít.

Hỏi: Các kinh đều do Phật thuyết, vì sao chỉ có Hoa Nghiêm có nêu từ Phật?

Đáp: Đó là muốn hiển thị giáo Hoa Nghiêm thì tròn, lý Hoa Nghiêm thì đủ, cho nên nêu từ Phật.

Hỏi: Các kinh Đại thừa khác cũng có giáo lý viên mãn, vì sao chỉ tán thán Hoa Nghiêm?

Đáp: Các kinh khác từ bán vào mãn, còn Hoa nghiêm thì mãn, mà chẳng nhờ nơi bán, cho nên chỉ xưng tán Hoa Nghiêm.

Hỏi: Đã chẳng nhờ bán, thì do đâu được mãn?

Đáp: Nhân thì có rất nhiều, đâu thể nêu một được, như chân lý mãn mà có giáo mãn, cũng do nơi nhân (người) mãn mà có pháp mãn, không nhất định phải nhờ nơi bán. Có người cho rằng bảy xứ tám hội, là từ Tam-muội Phật Hoa Nghiêm mà hiện ra pháp môn này, cho nên nêu từ Phật. Vả lại chỉ có Hoa Nghiêm là có ghi từ Phật, vì đây là một kinh đức Phật thuyết đầu tiên sau khi thành đạo, cho nên nêu lên từ Phật, từ đây về trước, chưa có Phật thuyết. Từ đây về sau không cần phải nêu từ Phật nữa. Vì thế chỉ có kinh này có nêu từ Phật. Lại bảy xứ tám hội của Hoa Nghiêm, do các Bồ-tát thuyết, nhưng đâu thể cho là Bồ-tát kinh, chẳng phải Phật nói, vì thế giải thích rằng các Bồ-tát nương vào thần lực của đức Phật, ở trước Phật tuyên thuyết, tức là Phật thuyết, cho nên đề là Phật.

Hỏi: Đã là kinh Phật vì sao không ghi là Phật thuyết mà chỉ ghi Phật mà thôi?

Đáp: Chẳng phải Phật tự nói, chỉ có Bồ-tát nói, cho nên không ghi là Phật thuyết.

Hỏi: Phật là giáo chủ vì sao không đề Phật trước, mà ghi Đại Phương Quảng đầu tiên?

Đáp: Vì muốn hiển thị chính pháp là thầy của chư Phật, cho nên trước nêu pháp. Lại như trước đã nói Tam-muội Phật Hoa Nghiêm, cho nên gọi là Phật Hoa Nghiêm kinh, thì Hoa Nghiêm và Phật hợp thành một câu, nếu trước tiên nêu Phật thì Phật cách biệt với Hoa Nghiêm, cho nên không thể được.

Hỏi: Đại Phương Quảng là tên chung của các kinh, vì sao chỉ có kinh Hoa Nghiêm mới được nêu lên?

Đáp: Giải thích cũng giống như việc chỉ ghi từ Phật. Vì giáo tròn lý đủ, chỉ giáo hóa bậc đại nhân, vì thuyết đầu tiên sau khi thành đạo, cho nên chỉ có kinh này nêu.

5) Người và pháp bất đồng: Các kinh từ nhân (người) lập danh, gồm bốn trường hợp: Một, từ người năng thuyết mà thành lập tên kinh, như kinh Duy-ma… Hai, từ người thực hành mà đặt tên, như kinh Đềvị… Ba, từ người hỏi đặt tên, như Văn Kinh-thù-sư-lợi Sở Vấn. Bốn, từ người làm sở thuyết đặt tên, như kinh Vô Lượng Thọ Phật… vì nói về việc của Phật Vô Lượng, nên lấy đó đặt tên. Căn cứ vào người năng thuyết đặt tên thì lại có năm trường hợp:

  1. Chính từ kim khẩu của Đức Phật thuyết.
  2. Do đệ tử của ngài thuyết.
  3. Do chư Thiên thuyết.
  4. Do Tiên nhân thuyết.
  5. Do hóa nhân thuyết.

Kinh này do đệ tử Phật thuyết.

Hỏi: Kinh do đệ tử thuyết, chỉ từ người (nhân) mà đặt tên, kinh mà Như Lai thuyết có như thế chăng?

Đáp: Theo nghĩa chung thì giống nhau, nhưng theo nghĩa riêng thì khác. Kinh do đệ tử thuyết phần nhiều đều từ người lập tên, kinh do Như Lai thuyết phần nhiều theo pháp mà có tên, vì sao? Vì kinh do Phật thuyết thì nhiều vô lượng nếu đều gọi là Kinh Phật, thì không thể phân biệt được các bộ, nay vì muốn phân biệt các bộ nên từ pháp đặt tên. Còn kinh do đệ tử thuyết nếu từ pháp đặt tên thì thầy trò lẫn lộn, như nói thắng là Bất tư nghị giải thoát kinh mà không đề là Tịnh Danh, thì cho rằng kinh này là Phật thuyết. Nay muốn phân biệt thầy trò khác nhau cho nên từ người mà đặt tên. Vì thế kinh Phật nói không từ người là vì muốn phân biệt về thầy. Kinh do đệ tử thuyết không từ pháp là muốn phân biệt người.

Hỏi: Người pháp đều nêu ra, gồm có mấy nghĩa.

Đáp: Lược có hai nghĩa:

  1. Người và pháp cùng nêu hợp thành một tên, như kinh Nhân Vương, Bát-nhã…
  2. Người và pháp cùng nêu, chia thành hai tên, nghĩa là người (nhân) một tên, như kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết và pháp một tên là kinh Bất Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn.

B) Luận riêng về tên kinh này:

Gồm ba môn: Giải thích chung người và pháp, luận riêng về người, giải thích riêng về pháp.

1) Giải thích chung người và pháp:

Hỏi: Kinh này vì sao người và pháp cùng nêu?

Đáp: Lược có mười nghĩa:

1. Đạo chẳng độc lập hưng khởi, phải do người hoằng truyền. Đề Tịnh Danh, là nêu lên chủ thuyết giáo, ghi Bất tư nghị là nói về pháp được hoằng truyền.

2. Muốn luận hai nghĩa chung và riêng; đề Tịnh Danh vì nói về người là riêng, nêu Bất tư nghị là luận về pháp chung. Vì sao? Kinh này gồm hai hóa chủ, đó là Phật thuyết và Duy-ma thuyết. Nếu chỉ đề người là Tịnh Danh, không ghi pháp Bất Tư Nghị, thì chỉ được bên Duy-ma thuyết mà không được bên Phật thuyết. Nay có nêu lên Bất Tư Nghị, thì được cả hai bên, cho nên người và pháp đều nêu.

3. Muốn hiển bày giải thích lẫn nhau, cho nên người và pháp cùng nêu. Sở dĩ gọi là Tịnh Danh là vì có đức giải thoát Bất Tư Nghị; ở nơi nhơ uế mà chẳng nhiễm ô, cho nên gọi là Tịnh Danh; đây là y cứ pháp để giải thích người (nhân). Lại để Bất tư nghị là nêu lên thể đại của kinh, ghi Tịnh Danh là luận về nguyên do phát khởi, cho nên nêu lên người để giải thích pháp.

4. Đề Tịnh Danh là kính người, ghi Bất tư nghị là trọng pháp. Vì Tịnh Danh, bên trong là tịnh đức đầy đủ, bên ngoài thì danh thanh vang khắp, người nghe danh tất cả đều quy ngưỡng. Văn kinh sau có ghi: “Tất cả người thấy nên cung kính, là tối thắng nhất trong pháp cúng dường”. Trọng pháp, đã nghe pháp môn Bất Tư Nghị giải thoát thì ai lại không tôn trọng?

5. Đề kinh này nếu luận rõ thì đầy đủ ba nghiệp Bất Tư Nghị, cho nên người pháp đều ghi. Duy-ma-cật là người để nói đến ý nghiệp, ghi Sở thuyết là luận đến khẩu nghiệp, đề Bất Tư Nghị Giải thoát là luận riêng thân nghiệp.

Hỏi: Vì sao chỉ có thân nghiệp được gọi Bất tư nghị?

Đáp: Vì từ sau xuyên suốt đến trước, thân nghiệp đã Bất Tư Nghị thì khẩu và ý nghiệp cũng như thế, cho nên nói sau cùng. Hơn nữa vì thân nghiệp hiện thần thông, là nói lên sự Bất Tư Nghị hiển bày, cho nên chỉ đề cập tại thân Bất Tư Nghị. Ba nghiệp theo thứ tự trước nói ý nghiệp quán xét duyên, kế đó miệng thuyết pháp, sau cùng thân hiện thần thông.

6. Người pháp đều nêu, tức ba việc đều thị hiện; đề Tịnh Danh là tha tâm luân, nêu Sở thuyết là Thuyết pháp luân, ghi Bất Tư Nghị là Thần thông luân. Nghĩa của ba luân này thì Pháp Hoa Huyền Nghĩa đã giải thích rõ. Ở đây về chỗ dụng thì Tha tâm luân, nghĩa là biết bệnh biết thuốc, thuyết pháp hiện thần thông; theo bệnh cho thuốc. Thuyết pháp luân, là luận về việc nghe sự Bất Tư Nghị. Thần thông luân tức nói về việc thấy sự Bất tư nghị; sáu trần cảnh đều là Phật sự, chỉ có việc thấy nghe là quan trọng, cho nên bậc Thánh chỉ nêu ra hình sắc. Vả lại thuyết pháp luân chỉ luận âm thanh là giáo môn, thần thông lấy sáu trần làm Phật sự; thần thông luân phần nhiều hiển hiện Tích Bất Tư Nghị; thuyết pháp luân thì nói đến Bản Bất Tư Nghị. Như mượn tòa, xin cơm… đều là do thần thông hiển hiện, cho nên gọi là tích. Thuyết sáu độ, bốn đăng, pháp môn Bất nhị, tức là bản. Tha tâm luân thì biết căn rõ thuốc, thần thông luân thì cứu khổ ban vui, thuyết pháp luân thì diệt hoặc sinh trí, gọi đó là lợi ích. Cứu khổ ban vui tức là an lạc, cho nên các kinh đều nói lợi ích an lạc tất cả chúng sinh, thì nghĩa đều đầy đủ.

7. Đề Duy-ma là nói về việc giả bệnh ở phương trượng, nêu Sở thuyết là nhờ bệnh mà thuyết giáo, ghi Bất tư nghị là luận về thần thông; toàn bộ kinh từ đầu đến cuối đều hàm chứa tại đề.

Đề Duy-ma là muốn phân biệt với Phật, biểu thị thầy trò khác nhau; nêu sở thuyết trước tuy đã ghi đệ tử, nên cho rằng là người đối cơ, nay lại đề sở thuyết là chỉ cho chủ hoằng giáo, nhưng sợ răng thuyết giáo thiển cận, cho nên kế đó lại ghi thêm từ Bất Tư Nghị giải thoát.

8. Đề Tịnh Danh là để phân biệt với tà sư. Tà sư thì trong không có tịnh đức, ngoài không có thanh danh; ghi Bất tư nghị là để phân biệt với tà pháp, tà pháp thì cạn hẹp kém cỏi, chẳng phải Bất tư nghị, còn chánh pháp thì sâu xa, không thể lường được.

9. Nêu Tịnh Danh, để hiển thị Bồ-tát khác với Nhị thừa, Nhị thừa chưa trừ kiết sử tập khí, không được gọi là Tịnh, như phẩm sau có ghi: “Xem các Bồ-tát hoa không dính vào thân”, kiết và tập đã sạch, tức là việc này, nên Bất tư nghị là để phân biệt với Tiểu thừa; nói Đại thừa sâu xa không thể tính lường, Tiểu thừa cạn hẹp, dễ suy lường.

10. Đề Tịnh Danh, là tán thán bậc Đại sĩ cao thanh, khác với Bồtát giai vị thấp; nêu Bất tư nghị là hiển thị tông chỉ rốt ráo, khác với thuyết bất liễu nghĩa. Trong năm thời, cho rằng kinh này là kinh Đại thừa chưa liễu nghĩa, nay nói đã gọi là Bất tư nghị, thì đây là gọi pháp cùng tuyệt rốt ráo vi diệu hóa độ tất cả.

2) Giải thích riêng về nhân (người): gồm có bốn môn; đó là giải thích danh, có nhân không nhân, đức vị, hiện sinh.

1. Giải thích danh: Phạm âm là Tỳ-ma-la-cật, ngài La-thập và Tăng Triệu dịch là Tịnh Danh; Đạo Sinh, Đàm-sằn dịch là Vô cấu xưng; Tam tạng Chân Đế nói rằng: Nếu giữ nguyên đủ âm Phạm thì phải gọi là Tỳ-ma-la-cật-lợi-đế, Tỳ là diệt, ma-la là cấu, Cát-lợi-đế là minh, gọi là Diệt cấu minh. Đầu tiên căn cứ theo sở đắc mà lập tên, kế đến theo sở ly (xa lìa) mà gọi. Diệt là sở ly, vì vang danh khắp thiên hạ, cho nên gọi là Minh, Minh giống như nghĩa của danh vậy. Lời nói tuy có rộng và lược, nhưng ý vẫn không khác.

2. Có nhân không nhân: Luận chung về việc đặt tên, gồm có hai nghĩa: Có nhân duyên và không có nhân duyên. Có nhân duyên, tên đã nhiều thì nhân duyên chẳng phải một. Nay lược nêu bốn loại:

a. Từ sinh đặt tên, như sáu đường, vì sinh lên cõi trời cho nên gọi là thiên.

b. Từ tướng mạo đặt tên, như có các tướng đen, trắng, cao, thấp…bèn lấy đó làm tên.

c. Từ lỗi lầm đặt tên, như trộm cắp…

d. Từ công đức đặt tên, như các bậc Hiền Thánh Tam thừa.

Không có nhân duyên, kinh Niết-bàn ghi: “Đê-la-bà-di, gọi là thực du (dầu ăn), thật chẳng phải là thực du”. Thích Luận ghi: “Thảo (cỏ) tên là mạt-mạt-lợi, Hán dịch là tặc thảo, không có cướp trộm mà bị gọi là tặc, đó đều là không có nhân duyên mà gượng đặt tên. Đặt tên Duy-ma gồm có hai nghĩa: Không có nhân duyên gượng đặt tên, vì sao? Đã nói chư Phật, Bồ-tát có tên giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, đó là tuyệt danh; vì tâm hành đã đoạn nên gọi là ý bất tư, ngôn ngữ đã diệt nên gọi là khẩu bất nghị; nhập vào vị pháp thân, thì hình không thể dùng ảnh tượng để biết, tâm không thể lấy trí để hay, như thế há lại có tên sao? Nhưng vì phương tiện độ sinh cho nên gượng lập tên vì thế mà không có nhân duyên.

Hỏi: Pháp thân đã không hình tướng không tên gọi, do Phật cảm nên có hình và tên, thế là có nhân duyên, vì sao lại là gượng lập?

Đáp: Nên biết nghĩa gượng lập này là pháp thân không thể đặt tên, nhưng vì pháp thân mà đặt tên, cho nên gọi là tên gượng lập, không có nhân duyên. Nếu theo vật cảm đặt tên, thì tên do cảm mà lập, vậy là có nhân duyên cho nên trong một tên bao hàm hai nghĩa.

Hỏi: Vì pháp thân đặt tên, vậy tên này thuộc pháp thân hay thuộc ứng tích?

Đáp: Nên xem xét cả hai bên, nếu vì pháp thân đặt tên thì tên thuộc pháp thân, nếu ứng vật đặt tên, thì tên thuộc tích. Nếu lấy vô danh làm bản, dụng danh làm tích, thì chẳng phải pháp thân là bản, ứng thân là tích. Cho nên bản tích gồm nhiều môn, chẳng thể nêu lên một đôi điều mà hết.

Hỏi: Pháp thân không có tên, giả đặt tên, vậy sinh tử cũng không tên có giả đặt tên chăng?

Đáp: Thể của pháp thân dứt bặt trăm lỗi, danh tướng không thể diễn tả hết được, cho nên có thể nói là không tên mà giả đặt tên; còn sinh tử là pháp danh tướng, chẳng thể nói sinh tử không tên gượng đặt tên được. Hai, không chỉ pháp thân không tên tạm đặt tên, mà sinh tử cũng không tên gượng đặt tên, kinh ghi: “Sinh tử không loạn động, Niết-bàn không vắng lặng”. Niết-bàn chẳng vắng lặng, gượng đặt là Niết-bàn, sinh tử không loạn động, cũng giả gọi là sinh tử.

Hỏi: Căn cứ vào môn nào mà có thuyết hai tên gượng đặt?

Đáp: Nếu căn cứ theo chánh đạo, thì chưa từng sinh tử, cũng chẳng phải Niết-bàn, cho nên sinh tử và Niết-bàn đều là gượng lập.

Hỏi: Đã nói sinh tử không tên gượng đặt tên, vậy Niết-bàn có tên chẳng phải là gượng đặt sao?

Đáp: Cũng có nghĩa này; sinh tử hư vọng thật chẳng có, cho nên gượng đặt tên là sinh tử; đối lại với sinh tử hư vọng mà tán thán Niếtbàn chân thật, cho nên Niết-bàn có thật đức, nương vào đức mà lập danh cho nên tên Niết-bàn chẳng phải gượng đặt ra.

Hỏi: Đây là căn cứ vào môn nào, mà nói sinh tử không tên, Niếtbàn có tên?

Đáp: Đó là nói về sinh tử không có gốc, cho nên sinh tử không, vì thế không có tên, còn Niết-bàn thì có gốc, Niết-bàn chẳng không, cho nên Niết-bàn có tên. Như kinh này ghi: “Thân lấy gì làm gốc? Tham dục làm gốc; tham dục lấy gì làm gốc, cho đến lấy điên đảo làm gốc”, đã gọi tướng điên đảo cho nên không có gốc, vì nó không gốc, thì không có sinh tử, cho nên sinh tử không, vì thế không tên gượng đặt tên. Để đối với sinh tử không gốc mà nói Niết-bàn có gốc. Niết-bàn có gốc tức là Phật tánh, cho nên ẩn thì gọi là Như Lai tạng, hiển hiện thì gọi là pháp thân. Vậy Phật tánh là gốc của Phật. Niết-bàn có gốc thì liền có Niết-bàn, cho nên Niết-bàn có tên, chẳng phải là gượng lập.

Hỏi: Có nghĩa sinh tử và Niết-bàn đều gượng đặt tên chăng?

Đáp: Lại cũng có nghĩa này. Đối với người sinh tử thì có sinh tử, cho nên tên sinh tử chẳng phải gượng lập. Đối với bậc đã Niết-bàn thì có Niết-bàn, cho nên tên Niết-bàn cũng chẳng phải gượng lập. Bốn môn này mỗi mỗi căn cứ theo một nghĩa, có thể tùy theo văn mà sử dụng. Tuy có bốn câu, nhưng nếu hợp lại chỉ thành hai câu sinh tử và Niết-bàn, tên và không tên; nếu lại hợp hai câu này để quy về một câu thì thành nghĩa một câu nhân duyên là không tên không có tên của tên. Không tên của tên, há lại là tên sao? Tên mà không tên, há lại không tên sao? Cho nên chẳng phải có tên cũng chẳng phải không tên; chẳng có sinh tử cũng chẳng có Niết-bàn. Kinh ghi: “Sinh tử và Niết-bàn cả hai đều bất khả đắc”. Vì thế dứt bặt có câu mà trở về không câu, không câu mà có câu, cho nên chẳng phải có tên chẳng phải không tên, mà có thể đặt tên, có thể không đặt tên. Tuy có thể đặt tên, có thể không đặt tên mà chẳng động đến chẳng có tên chẳng phải không tên. Vì mặc tình tự tại, trần lụy không thể trói buộc; đó là tịnh đức. Có được Tịnh đức này nên gọi là Tịnh Danh. Ngay nơi tịnh đức không còn phiền lụy này gọi là giải thoát. Chúng sinh không thể suy lường, gọi là Bất tư nghị; vì thế người và pháp chẳng hai (bất nhị), chẳng hai mà hai, cho nên thống lãnh là người, quy tắc là pháp. Từ trước đến đây là luận về không có nhân duyên mà gượng đặt tên, bây giờ luận đến nghĩa có nhân duyên nên đặt tên.

Không có nhân duyên mà đặt tên, tức là luận theo pháp thân, có nhân duyên mà đặt tên, là luận theo tích. Duy-ma đã thành tích ở Tỳ-da, hiện từ cha mẹ mà sinh ắt phải có tên gọi. Cha mẹ thấy đứa bé mới sinh đã có tịnh đức, theo đức này mà đặt tên, cho nên gọi là Tịnh Danh. Kế đó được Như Lai ấn khả tán thán, và mọi người đều khen ngợi, vì có ba nghĩa trên nên đặt Tịnh Danh.

Hỏi: Tất cả các Bồ-tát đều có tịnh đức, vì sao chỉ có Duy-ma được đặt làm tên?

Đáp: Ví như các Bồ-tát, tuy đều có từ tâm nhưng chỉ có ngài Dilặc dùng đức từ làm tên, nay cũng như thế. Đây là một vị Bồ-tát tại gia, ở trong năm trần mà chẳng nhiễm, sống trong các uế mà thường tịnh, cho nên được gọi tên này.

Hỏi: Cha mẹ ngài Tịnh Danh tên họ là gì?

Đáp: Luận chung phàm Thánh, thì có hai loại cha mẹ. Một, vô minh là cha, tham ái là mẹ, vì có si ái nên thọ sinh, đó là cha mẹ nhân của phàm phu. Hai là tuy có si ái, nhưng cần phải nhờ vào nam nữ làm duyên mới được thọ sinh, đó là cha mẹ duyên. Chư Phật và Bồ-tát cũng có hai loai cha mẹ, một là quyền thật, hai là huân, là cha mẹ pháp thân. Thật tuệ rỗng rang ngưng bặt đồng với âm tịch tỉnh, cho nên gọi như mẹ; quyền trí lưu động, cũng giống như dương, cho nên dụ như cha. Do hai tuệ này, mà pháp thân được sinh ra, cho nên gọi là cha mẹ pháp thân. Cha mẹ sinh thân, như kinh Phật Dụ ghi: “Tịnh Danh họ Thạc, tên Đại Tiên, thuộc dòng vua chúa”. Biệt Truyện ghi: “Họ Lôi, cha tên Na-đề, Hán dịch là Trí Cơ, mẹ họ Thích, tên Hỷ, năm mười chín tuổi lấy chồng, cha năm hai mươi ba tuổi lấy vợ, đến năm hai mươi bảy tuổi sinh Duy-ma ở thành Đề-bà-la. Duy-ma có con tên là Thiện Tư, có phong khí rất giống cha, được Phật thọ ký ở đời vị lai sẽ làm Phật, có thể thấy trong kinh Duy-ma Tử một quyển.

3. Đức vị:

Hỏi: Duy-ma là người thuộc giai vị nào, có thể chân tục cùng quán?

Đáp: Phẩm Phương Tiện ghi: “Tịnh Danh đắc Vô sinh nhẫn”, nên chẳng xét về chỗ sâu cạn, chỉ giải thích vô sinh và quán; tất cả gồm ba thuyết; Linh Vị Pháp sư cho rằng Sơ địa được Vô sinh nhẫn, tức có thể chân tục cùng quán; thuyết cũ ở Quan Trung cho rằng Địa thứ bảy được vô sinh mới được chân tục cùng quán. Như ngài Tăng Triệu ghi: Địa thứ bảy hành bố thí cùng tột, nơi bố thí mà chưa từng bố thí, trì giới rốt ráo, nơi giới mà chưa từng trì giới, cho nên Địa thứ bảy chân tục cùng quán. Thuyết xưa ở Giang nam cho rằng Địa thứ bảy tuy có thể chân tục cùng quán nhưng chưa thể thường hằng, đến Địa thứ tám mới được thường hằng đồng thời quán. Ngài Tịnh Danh là bậc đã đạt được Địa thứ tám trở lên. Có người giải thích rằng Bồ-tát Văn-thù và ngài Tịnh Danh đều là những Đức Phật ở thời quá khứ, thị hiện làm Bồ-tát. Như kinh Thủ-lăng-nghiêm ghi: “Ngài Văn-thù là Phật Long Chủng Tôn”. Kinh Phát Tích ghi: “Ngài Tịnh Danh tức Kim Túc Như Lai”. Nay luận về bậc Thánh thùy tích cùng khắp khó có thể suy lường. Nhưng về vô sinh và quán, thì có bốn đoạn văn kinh giải thích. Một, giai vị trước mười Địa, chỉ gọi là thuận nhẫn, cho nên chưa được vô sinh, cũng chưa được chân tục đồng thời quán. Sơ địa đã vào Thánh vị, mới được vô sinh, và được chân tục cùng quán, kinh Nhân Vương Anh Lạc và luận Nhiếp Đại Thừa đều có văn này. Hai là Sơ địa trở lên, Địa thứ sáu trở xuống vô sinh còn cạn, hai quán chưa rõ ràng, chỉ có tên là Thuận nhẫn, đến Địa thứ bảy, thì gọi là Đẳng định tuệ địa, cho nên được vô sinh, gọi là cùng quán (tịnh quán).

Hỏi: Địa thứ bảy vì sao gọi là Đẳng định tuệ?

Đáp: Thích Luận ghi: “Ba Địa trước tuệ nhiều, định ít, ba địa kế tiếp định nhiều tuệ ít, cho nên định tuệ không bằng, đến đây thì định tuệ bằng nhau cho nên gọi là Đẳng định tuệ, một nghĩa này cho hai tuệ là định tuệ. Địa thứ sáu Bát-nhã vắng lặng soi xét là định, phương tiện xao động chiếu cảnh là tuệ, Địa thứ sáu diệu ở chỗ lặng quán xét mà thiếu vụng ở chỗ xao động chiếu soi, cho nên định tuệ không bằng. Địa thứ bảy gọi là Phương tiện, thì hai tuệ đầy đủ, gọi là định tuệ bằng nhau.

Hỏi: Định tuệ đã bằng nhau, vì sao gọi là vô sinh?

Đáp: Thích Luận ghi: “Địa thứ bảy rõ biết chúng sinh và pháp đều vô sinh, gọi là Vô sinh nhẫn; không thiên chấp có, tâm có (hữu) không sinh, không trệ nơi không, tâm không chẳng khởi, cho nên tuệ mà thường phương tiện, phương tiện mà thường tuệ, không hữu đồng 26 thời dụng, không thiên chấp, vì thế nên gọi là vô sinh.

Địa thứ bảy tuy được vô sinh có thể chân tục cùng quán, nhưng còn có tâm dụng công, Địa thứ tám thì tâm này vĩnh viễn không sinh khởi. Nên gọi là vô sinh, tùy thuận tự tại thường hằng quán.

Địa thứ tám tuy vô công dụng nhưng chưa rốt ráo, rốt ráo vô sinh chỉ đạt được ở Phật địa. Phẩm Phương Tiện ghi: “Trụ trong Phật đạo đã lâu, tâm đã thuần thục”, vì thế biết Phật địa vô sinh. Về Đức Kim Túc Như Lai thì văn kinh này đã ghi rõ. Vì vô sinh có ở bốn đoạn văn kinh như thế, cho nên các Sư mỗi mỗi đều chấp trước một thuyết, mà mất đi yếu chỉ. Vả lại người chấp tướng, theo lời nói mà khởi chấp. Nghe nói ở giai vị sâu thì cho rằng nhất định là sâu sâu mà chẳng phải là cạn sâu; nghe nói ở giai vị cạn, thì cho rằng nhất định cạn cạn, chẳng phải là sâu cạn. Nếu nhất định là cạn há có thể từ cạn cho đến sâu, nếu nhất định là sâu, vì sao gọi là cạn? Nay nói vì nhân duyên nên có cạn sâu, không có tướng nhất định, cho nên cạn có đủ cạn sâu; sâu có thể là sâu cạn, cạn có thể là cạn sâu. Vì thế trong kinh có bốn câu: Cạn là dụng của sâu, đã là Bồ-tát sơ phát tâm hiện tám tướng thành đạo; sâu là dụng của cạn, thuở xưa Như Lai là đệ tử của bậc Năng Nhân; sâu là dụng của sâu, tức Phật là hóa Phật; cạn là dụng của cạn, nghĩa này dễ biết.

Hỏi: Sâu là dụng của cạn, cạn là dụng của sâu, đó có thể là phương tiện; sâu là dụng của sâu, cạn là dụng của cạn, có phải là phương tiện chăng?

Đáp: Xưa giải thích rằng sâu là dụng của cạn, là phương tiện, sâu là dụng của sâu, thì chẳng phải là phương tiện; nay giải thích, không chỉ sâu là dụng của cạn, là phương tiện, mà sâu là dụng của sâu cũng là phương tiện, vì đạo chưa từng cạn cạn hay sâu sâu, tất cả đều vì hóa độ chúng sinh, đều gọi là phương tiện. Các hạng người có sở đắc đều cho rằng tâm sau cùng là Tịnh Danh, tâm mới phát (sơ tâm) chẳng phải là Tịnh Danh, nay cho rằng tâm mới phát và tâm cuối cùng chẳng khác nhau, không chỉ tâm sau cùng là Tịnh Danh mà tâm ban đầu cũng gọi là Tịnh Danh, vì sao? Vì tâm sau cùng các kiến chấp đã thanh tịnh, đã gọi là Tịnh Danh, thì các kiến cũng gọi là Tịnh Danh.

Hỏi: Ba phẩm của kinh này phá ba kiến, trong đó phẩm phương tiện phá kiến chấp phàm phu, phẩm Đệ Tử phá kiến chấp Nhị thừa, phẩm Bồ-tát phá kiến chấp Bồ-tát. Tâm sau cùng là Tịnh Danh phá ba kiến chấp, thì sơ tâm gọi là Tịnh Danh có phá ba kiến chăng?

Đáp: Nếu tâm sau cùng phá ba kiến chấp, thì sơ phát tâm chưa phá ba kiến; nay nói phá ba kiến, là vì người đã đạt tâm sau cùng, vậy người sơ tâm có ích lợi gì? Vả lại khi Phật còn tại thế, có các A-la-hán, thì trong phẩm Đệ Tử đã thuyết phá, có các Bồ-tát như Di-lặc thì phẩm Bồ-tát đã phá chấp; vào thời mạt pháp không có hàng Đại Tiểu này, thì thời tượng pháp kinh lưu thông có lợi ích gì. Cho nên biết sơ phát tâm hay tâm sau cùng đều phá ba kiến.

Hỏi: Tâm đầu tiên và tâm sau cùng đều phá ba kiến, thì đầu và sau đâu khác?

Đáp: Vì thế kinh ghi: “Lúc mới phát tâm và khi đã đạt đến cứu cánh không khác nhau”. Sơ tâm gọi là Phật tâm là chủng tử của ba đời chư Phật thì không khác nhau, cho nên đầu tiên gọi là sơ tâm Phật, cuối cùng thì gọi là hậu tâm Phật. Sơ tâm Phật cũng thanh tịnh ba kiến, hậu tâm Phật cũng thanh tịnh ba kiến, nhưng sơ tâm tịnh ba kiến thì mờ tối, hậu tâm tịnh ba kiến thì sáng tỏ, cho nên chia ra sơ tâm và hậu tâm khác nhau. Vả lại hạng người có sở đắc nói rằng phàm phu sống trong bốn loài sinh, còn Tịnh Danh thì ra khỏi sáu đường, nhưng phàm phu cảm đến Tịnh Danh, Tịnh Danh ứng vào phàm phu, cho nên mới có việc thác bệnh ở Tỳ-da mà hưng khởi giáo môn này. Nay luận tất cả đều không ngoài nghĩa này nhưng e trở thành Phàm Thánh xa cách, trở thành hai kiến chấp cao thấp vậy. Nên biết trong một tâm cũng là chúng sinh cũng là Phật tạng, trong tâm này nếu khởi ba kiến chấp thì liền có phiền não, nếu thanh tịnh ba kiến này, tức là Tịnh Danh.

Hỏi: Vì sao trong một tâm khởi đủ ba kiến?

Đáp: Nếu nơi tâm này, khởi kiến chấp phàm phu thì gọi là phàm phu, khởi kiến chấp Nhị thừa thì gọi là Nhị thừa, khởi kiến chấp Bồ-tát thì gọi là Bồ-tát. Khi chưa tương ưng với Bát-nhã, thì mỗi một niệm đều rơi vào ba kiến này, liền thấy ba hoặc; nếu niệm đầu tiên khởi ba kiến này, niệm sau cùng có thể thanh tịnh ba kiến này, thì niệm trước gọi là phiền não, niệm sau là Tịnh Danh. Cho nên kinh ghi: “Trong thân chúng sinh đã có cỏ độc, tức có thuốc quý (Dược vương), mê ngộ chẳng lìa nhau, giống như lật bàn tay, há có thể ấn định rằng phàm phu hạn cuộc trong bốn loài sinh, chư Phật vượt ngoài sáu đường sao? Vì thế hành đạo, tọa thiền, giảng thuyết, sám hối… đều y cứ vào pháp môn này, nếu không, thì đối với các việc đều vô ích.

Hỏi: Đã khuyên tu quán hạnh, nay xin hỏi về cứu xét tâm tánh. Nếu tâm trước khởi ba kiến gọi là cấu, niệm sau phá ba kiến gọi là Tịnh Danh, thế thì không chỉ ba kiến gọi là kiến, mà Tịnh Danh cũng là kiến. Vì sao? Vì tâm trước khởi ba kiến là có, niệm sau phá ba kiến là không, đã là có không thì gọi là cấu nhiễm, vì sao gọi là Tịnh Danh?

Đáp: Không nói tâm trước khởi ba kiến là có, niệm sau tịnh ba kiến là không, chỉ nên liễu ngộ ba kiến ở niệm trước vốn tự chẳng có, nay cũng chẳng không, cho nên gọi là tịnh ba kiến.

Hỏi: Nếu liễu ngộ được ba kiến vốn chẳng có, nay cũng chẳng không, gọi là tịnh ba kiến, đó là dứt trừ có không, mà lại rơi vào chẳng có chẳng không, vì sao gọi là tịnh? Vả lại có cái có của có không gọi là có, không có cái có của không không tức là không, thì rơi vào có không, sao gọi là lìa nhiễm?

Đáp: Thích luận ghi: “Phá hai mà chẳng chấp một, gọi là pháp nhẫn”. Nay nếu có thể quên hai “thị” (phải), bặt hai “phi” (chẳng phải), rỗng rang vắng lặng mới gọi là tịnh.

Hỏi: Nếu trừ “thị” bặt “phi” là tịnh, vậy có “thị” có “phi”, thì gọi là có; không “thị” không “phi” mới gọi là “đại không”, vì sao gọi là tịnh?

Đáp: Vốn tiến thì lìa hai “thị”, thoái thì bặt hai “phi”, mong cầu huyền ngộ rỗng rang vắng lặng. Nay cứ xoay vần theo danh số, đuổi rong theo tâm tưởng thì chẳng thế nào chứng ngộ. Nếu trong ngăn dứt tình tưởng, thì trong vô tâm; ngoài bặt danh tướng, thì ngoài không danh số; ngoài không danh số thì duyên hết nơi quán; trong không tâm thì quán bặt nơi duyên. Duyên hết nơi quán, cho nên vô duyên, quán bặt nơi duyên thì vô quán, vô quán vô duyên thì những phiền lụy đều vắng lặng, gọi là tịnh, há lại nhiễm cái không?

Hỏi: Nếu duyên và quán đều vắng lặng thì đâu khác gì thân hoại trí diệt, vì thân hoại cho nên không còn duyên, trí diệt thì không có quán, muốn thực hành đạo lớn, lại thành Tiểu thừa?

Đáp: Duyên là sinh tâm động niệm tức thuộc người vấn nạn, quán là diệu ngộ vô sinh thuộc người trả lời, vì không có duyên thì ông không có việc để hỏi, vì lìa quán nên ta cũng không có điều gì để giải thích, chẳng cần phải xoay vần qua lại như thế!

Hỏi: Duyên quán đã dứt, hỏi đáp chẳng còn thì nhậm vận thành câm lặng sao?

Đáp: Ngài Thiên Thân và ngài Long Thọ đều chấp nhận vô ngôn, cho nên nói rằng: “Khi ông chứng pháp của ta thì lúc bấy giờ ông tự câm nín”. Các ông chưa đạt yếu chỉ này, nay ta sẽ lược giải thích thêm. Phàm luận về im lặng, tức là nói năng mà thường im lặng; luận về nói năng, thì im lặng mà thường nói năng. Nói năng mà chẳng thường im lặng, đó là phàm phu; im lặng mà chẳng thường nói năng đó là Nhị thừa quán, cho nên bậc chí nhân thì duyên quán đều vắng bặt mà cảnh trí đều rõ ràng. Ứng hiện càng động thì tâm thần càng tịnh, trí càng vắng lặng thì chiếu càng sáng tỏ; đâu thể dùng pháp im lặng để chỉ cho tâm Thánh, dùng khôi thân diệt trí để chỉ cho huyền đạo.

4. Hiện sinh:

Kinh ghi: “Đóng tất cả các cửa ác thú, mà sinh vào sáu đường, để hiện các thân ấy”. Phàm pháp thân vô sinh mà không nơi nào chẳng sinh; vì vô sinh cho nên các cửa ác thú đóng, vì không nơi chẳng sinh nên sinh vào năm đường. Sinh vào năm đường nên có năm loại sinh: Tức khổ sinh, tùy loại sinh, thắng sinh, tăng thượng sinh và tối hậu sinh. Tức khổ sinh nghĩa là các Bồ-tát dùng sức tự tại và sức bản nguyện thọ sinh vào ba cõi, rồi tùy theo quốc độ sinh vào mà dứt trừ các khổ cho chúng sinh. Tùy loại sinh, nghĩa là Bồ-tát dùng sức bản nguyện và sức tự tại sinh vào các loài, rồi dạy họ xa lìa pháp ác, tu tập pháp thiện. Thắng sinh, Bồ-tát dùng các công đức thiện nghiệp sinh vào cõi trời cõi người, thọ các quả báo thù thắng, tức có thọ mạng, sắc và lực đều thù thắng. Tăng thượng sinh, tức quả báo của Bồ-tát từ Sơ địa đến Thập địa. Tối hậu sinh, tức Bồ-tát đến giai vị cùng tột, thọ sinh vào nhà Sát-đếlợi, Bà-la-môn, chứng đạo vô thượng, làm tất cả các Phật sự.

Hỏi: Trong năm loại sinh, Tịnh Danh thuộc loai sinh nào?

Đáp: Luận theo bản thì đã thành chủng giác từ lâu xa, vị ở tại pháp thân, cho nên chẳng thuộc năm loại sinh. Nếu luậu theo tích, thì vì hóa độ tất cả, sâu cạn tùy chúng sinh, nên đầy đủ năm loại sinh; theo vị thì năm loại sinh này, có khắp trong các địa, nếu luận theo giai vị, thì ba loại sinh trước thuộc về trước Thập địa, hai loại sinh sau thì thuộc Hoan hỷ địa trở lên. Ngài Tịnh Danh đã được Vô sinh nhẫn, thì thuộc hai loại sinh sau, nhưng hai loại sinh sau được quả báo Thập vương là Tăng thượng sinh. Thân cuối cùng là Phật gọi là Hậu biên sinh. Tịnh Danh thùy tích thọ quả báo làm thân trưởng giả, chẳng phải quả báo Thập vương, chẳng phải làm thân Phật, nên khác với tối hậu sinh. Nếu luận theo sự thì gọi là Thắng sinh. Thuyết năm loại sinh trong kinh Địa Trì đã nói rõ.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8