Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần
Thuốc Nhuộm Tóc Có Gây Ung Thư?
Nhiều năm nay, câu hỏi “thuốc nhuộm tóc có gây ung thư?” là câu hỏi thường xuyên nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng.
Thống kê cho thấy khoảng 50% phụ nữ dùng thuốc nhuộm tóc thường xuyên tại Mỹ. Tỉ lệ nam giới nhuộm tóc thường xuyên có vẻ thấp hơn mặc dù không có con số cụ thể. Phụ nữ da màu gốc Phi thường dùng thuốc nhuộm tóc kèm với thuốc duỗi thẳng tóc, với tỉ lệ còn cao hơn, đến 75%. Thuốc nhuộm tóc là thị trường 20 tỉ đô tại Hoa Kỳ (năm 2019).
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) có bài khuyến cáo về thuốc nhuộm tóc và ung thư. ACS kết luận là chưa có bằng chứng rõ ràng trong việc thuốc nhuộm tóc có thể gây ra ung thư, cụ thể là ung thư bàng quang và ung thư máu (1). Một điểm quan trọng là nhiều nghiên cứu này dựa trên các thuốc nhuộm tóc những năm 1970s, dùng chất Aromatic Amines. Đây là chất có thể gây ra ung thư trong các thí nghiệm trong lab. Sau này nhiều nhà sản xuất thuốc nhuộm đã thay đổi thành các chất khác nhưng 2 thành phần chính của thuốc nhuộm cho đến ngày nay vẫn là ammonia và peroxide.
Ung thư là một bệnh phức tạp, có nhiều nguyên nhân khác nhau, và rủi ro xảy ra bệnh ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố như sức khỏe nền tảng, giới tính, tuổi tác, cách sống, và nơi sống. Vì vậy, để tìm ra một yếu tố gây ra ung thư là một thách thức.
Trường hợp thuốc nhuộm tóc càng khó hơn vì có rất nhiều loại thuốc nhuộm trên thị trường, sản xuất bởi hàng ngàn nhãn hiệu trên nhiều nước khác nhau. Mặc dù thành phần chính của thuốc nhuộm nhìn chung là giống nhau, nhưng các thành phần phụ, cách sử dụng, và người sử dụng thường khác nhau, ở nhiều nơi trên thế giới nên câu trả lời cho thuốc nhuộm có gây ra ung thư hay không càng khó trả lời.
Tuy nhiên, một nghiên cứu quan sát (Observational Study) gần đây, đăng trên tạp chí International Journal of Cancer ngày 3 tháng 12 năm 2019, có thể cho chúng ta thêm thông tin về câu hỏi về sự liên hệ giữa thuốc nhuộm tóc và ung thư.
Đây là nghiên cứu chị em (SISTER study) với trên 46,000 bệnh nhân, theo dõi từ năm 2003 đến 2009 (2). Trong nghiên cứu này, các bệnh nhân đều có chị hay em mắc ung thư vú và nghiên cưu tìm hiểu xem người chưa mắc ung thư vú có hay không và nếu có thì các rủi ro có thể là gì. Vì hai (hai nhiều) chị em có thể có nhiều điểm tương đồng về môi trường sống, gene, và cách sống nên nghiên cứu này có thể tìm ra các rủi ro trong việc phát triển ung thư vú.
# Thuốc nhuộm tóc là gì?
Là hoá chất để làm thay đổi màu tóc. Có 3 loại thuốc nhuộm, chia theo thời gian thuốc giúp nhuộm tóc.
– Thuốc nhuộm tạm thời ngắn hạn: các hoá chất màu bám vào bề mặt tóc nhưng không đi vào thân tóc, thường loại nhuộm này chỉ kéo dài trong 1-2 lần gội đầu.
– Thuốc nhuộm tạm thời dài hạn: các hoá chất thấm vào thân tóc, giữ màu tóc trong 5 đến 10 lần gội.
– Thuốc nhuộm màu lâu dài: Đây là loại thuốc oxy hóa (oxydative hair dyes) làm biến đổi màu cho đến tóc được mọc mới.
Đây là loại thuốc nhuộm thông dụng nhất, gồm các chất không màu như Aromatic amines và Phenols. Thuốc nhuộm màu càng đen thì càng dùng nhiều hoá chất.Thuốc nhuộm tóc có trên 5000 thành phần hoá học, trong đó có nhiều chất có thể nguy hiểm đến sức khỏe do ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hormone và các cơ quan khác.
Có hai thành phần chính trong thuốc nhuộm tóc là Amonia (hay MEA) để trung hoà (do tóc là acid), mở thân tóc ra, và Peroxide là phần còn lại để làm đổi màu lâu dài. Các thành phần còn lại thường có trong thuốc nhuộm bao gồm PPD (Paraphenylene Diamine, để làm màu bám chặt vào thân tóc), Resorcinol, Persulfates, Paraben, Propylene Glyco, và kim loại như Nickle. Các chất như Resorcinol và Paraben được xem là ảnh hưởng đến sản xuất hormone trong khi PPD và Persulfates có thể gây ra dị ứng da đầu (3)
# Nghiên cứu SISTER STUDY cho thấy tăng rủi ro ung thư vú với bệnh nhân nhưng chưa tìm đủ ra mối liên hệ gây ra (Causal Relation) giữa ung thư vú và thuốc nhuộm tóc/ thuốc duỗi tóc (4)
Cụ thể là trong 8.3 năm theo dõi, có 2,794 ca ung thư vú được phát hiện với các bệnh nhân (mà có ít nhất 1 chị/em đã mắc bệnh ung thư vú).
– Nhìn chung, phụ nữ dùng thuốc nhuộm thường xuyên 1 năm trước khi tham dự nghiên cứu có 9% thêm rủi ro mắc ung thư vú hơn là phụ nữ không nhuộm tóc.
– Phụ nữ da màu gốc Phi dùng thuốc nhuộm mỗi 5 đến 8 tuần trong 1 năm trước khi tham gia nghiên cứu tăng 60% khả năng mắc ung thư vú hơn phụ nữ không dùng thuốc nhuộm.
– Trong khi đó, Phụ nữ da Trắng dùng thuốc nhuộm mỗi 5 đến 8 tuần trong 1 năm trước khi tham gia nghiên cứu chỉ tăng 8% khả năng mắc ung thư vú hơn phụ nữ không dùng thuốc nhuộm.
– Có chút tăng rủi ro của ung thư vú trong các trường hợp thuốc nhuộm tạm thời
– Phụ nữ dùng thuốc duỗi tóc mỗi 5 đến 8 tuần trong 1 năm trước khi tham gia nghiên cứu tăng 30% khả năng mắc ung thư vú hơn phụ nữ không dùng thuốc duỗi tóc
– Sự liên hệ giữa thuốc duỗi tóc và tăng rủi ro mắc ung thư vú là giống nhau giữa phụ nữ Mỹ da màu và da trắng.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có nhiều điểm yếu. Thứ nhất, đây là nghiên cứu quan sát (observational study) nên không thể trả lời câu hỏi gây ra hay không (Causal Question). Nghiên cứu trên bệnh nhân đã có ít nhất chị em mắc ung thư vú nên rủi ro phát triển ung thư vú sẽ cao hơn và nghiên cứu này sẽ khó đại diện cho tất cả mọi giới tính (Nam và Nữ).
Nghiên cứu SISTER cũng không chỉ ra loại hoá chất nào trong các thuốc nhuộm mà các bệnh nhân đã dùng (vì bệnh nhân không thể nhớ hay không biết các chất hoá học phức tạp đó). Kết quả nghiên cứu thống kê (HR = 1.45, 95% CI: 1.10–1.9 phụ nữ da màu, HR = 1.07, 95% CI: 0.99–1.16; heterogeneity p = 0.04 phụ nữ da trắng) cho kết quả yếu (HR = 1 nghĩa là không có sự khác biệt).
Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu kêu gọi cẩn thận với kết quả của nghiên cứu này và chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu khác để tìm xem thuốc nhuộm tóc có thật sự gây ra ung thư.
# Có nên ngưng sử dụng thuốc nhuộm tóc?
Các báo đài lớn tại Mỹ (CNN, Fox, NPR) đã công bố nghiên cứu này, tạo ra nhiều tranh luận sau đó. Câu hỏi là có nên ngưng sử dụng thuốc nhuộm hay không?
Đây là câu hỏi khó, mặc dù có thêm kết quả từ nghiên cứu SISTER.
Trang Dr Weil (một BS nổi tiếng tại Mỹ) thì ông khuyên không nên dùng (quý vị luôn ý BS Weil không có tóc và ông để râu bạc tự nhiên).
Riêng tôi thì câu trả lời có nên sử dụng thuốc nhuộm sẽ tùy từng trường hợp. Ví dụ quý vị đã dùng thuốc nhuộm tóc lâu, thường xuyên, không có dị ứng, dùng vừa phải, và không có tác dụng phụ nào khác, và đặc biệt là cơ thể quý vị khỏe mạnh thì vẫn có thể nên dùng.
Quý vị nên hạn chế hoặc ngưng các yếu tố đã chứng minh gây ra ung thư như hút thuốc lá hay uống rượu bia, tập thể dục, ăn uống cân bằng, thay vì ngưng thuốc nhuộm tóc. Như tôi đã nói phía trên, ung thư là một bệnh lý phức tạp và thuốc nhuộm tóc vẫn chưa có đủ bằng chứng là gây ra ung thư.
Trang nhà của Hội Ung Thư Hoa Kỳ (ACS) cập nhật ngày 5 tháng 12 năm 2019, sau ngày công bố nghiên cứu SISTER, vẫn chưa thay đổi các khuyến cáo về thuốc nhuộm tóc, nghĩa là vẫn chưa có bằng chứng thuốc nhuộm tóc gây ung thư. Các tổ chức khác như IARC (International Agency for Research on Cancer) không cho rằng thuốc nhuộm tóc gây ung thư (5)
# Thuốc nhuộm tóc tại Mỹ kiểm soát thế nào?
Thuốc nhuộm tóc là mặt hàng mỹ phẩm, chịu sự kiểm duyệt của Cục Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA (6) nhưng FDA không thể kiểm tra và chấp thuận các thành phần thuốc nhuộm tóc trước khi sản
xuất Vì vậy, sự an toàn của thuốc nhuộm tóc thường do nhà sản xuất chịu trách nhiệm. Quý vị nên mua nhãn hiệu thuốc nhuộm được tin dùng và không gây ra tác dụng phụ cho quý vị.
1. https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/hair-dyes.html
2. https://dermnetnz.org/…/allergy-to-paraphenylenediamine/
3. https://www.nih.gov/…/permanent-hair-dye-straighteners…
4. https://www.breastcancer.org/…/hair-dye-and…
5. https://monographs.iarc.fr/wp…/uploads/2018/06/mono99.pdf
6. https://www.fda.gov/cosme…/cosmetic-products/hair-products