LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Thừa Ân

Thư nhận được đầy đủ. Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, vốn không có tư cách làm thầy người khác, nhưng do một người truyền hư, mọi người đều tin là thật! Đến nỗi mười mấy năm qua thường có người viết thư hỏi han duyên do tu trì. Bất luận người ta ăn nói như thế nào, Quang đều trả lời. Chỉ có ai xin quy y mà chẳng chịu nhún mình thì Quang sẽ nói mềm mỏng, hoặc nói rõ ràng nguyên nhân để đôi bên chẳng bị mắc tội khinh pháp, mạn pháp mà thôi! Nên biết rằng Phật pháp có hai loại “trụ trì pháp đạo” (duy trì pháp đạo) và “trực thị Chân Tế” (dạy thẳng vào Chân Thể, Thật Tướng) khác biệt. Mang phận phàm phu thì phải hành theo luật nghi. Nếu không, sẽ trở thành khinh pháp! Khinh pháp sẽ chẳng thể tăng trưởng thiện căn cho người ấy được (trong Luật đã nói rộng về hình tướng này). Nếu như người cầu pháp lễ mạo không cung kính thì sẽ chẳng nói với người ấy, huống là cầu quy y Tam Bảo ư?

Đối với người hỏi pháp, cố nhiên Quang chẳng quá cố chấp. Chỉ có kẻ cầu quy y mà chẳng tự nhún mình, Quang quyết chẳng dám chấp nhận. Không phải vì mong được người ta cung kính để tự đại, mà chính là muốn cho người ấy sanh lòng kính tín [Tam Bảo] sâu xa hòng được lợi ích thật sự. Dẫu là bậc Pháp Thân đại sĩ đã chứng Thánh Quả, nhưng nếu hiện thân phàm phu thì vẫn phải tuân theo lễ nghi thế gian mà làm! Nếu hiện thân thánh nhân thì hoàn toàn chẳng theo quy củ nhất định nào! Như trong kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát lễ khắp tứ chúng, thọ ký cho họ rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài. Quý ngài đều sẽ thành Phật”. Thậm chí tứ chúng dùng roi, gậy, ngói, đá, đánh ném, bèn chạy né ra xa đứng, rồi lại lễ bái, xưng tán. Đấy chính là quy củ rộng lớn của bậc Đại Bồ Tát nhằm chỉ thẳng vào Chân Tế, phàm phu nào dám bắt chước bừa bãi! Bắt chước bừa bãi sẽ hoại loạn pháp đạo, mắc lỗi cực lớn! Quang sợ lỡ cư sĩ thấy trong kinh có hành vi ấy, chắc sẽ nghĩ cách “trụ trì pháp đạo” là sai, nên mới nói đại lược duyên do của hai thứ sai khác, ngõ hầu ông không còn nghi ngờ, bàn bạc gì nữa!

Đã muốn quy y thì đành đem lầm đáp lạc. Nay đặt pháp danh cho cư sĩ là Đức Thành. Thành (誠: lòng thành) là cội gốc của hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian, nhưng càng phải nên chú trọng pháp môn Tịnh Độ. Vì pháp này có thể dùng Nhân Địa Tâm khế hợp được Quả Địa Giác. Dẫu là phàm phu sát đất vẫn có thể thoát khỏi cõi Ngũ Trược này, lên chín phẩm sen kia ngay trong đời này, cùng bầu bạn với Quán Âm, Thế Chí. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không ghi cặn kẽ. Quang mục lực quá suy, chớ nên gởi thư tới. Nếu thường đọc Văn Sao thì đối với một pháp Niệm Phật sẽ không nghi ngờ nghĩa lý nào nữa! Nếu cứ nghiên cứu kinh luận tràn lan thì Quang chẳng thể nào tuyên nói được! (Ngày mồng Bảy tháng Năm năm Ất Hợi – 1935)