LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Bái Trúc

(thư thứ nhất)

Quang già rồi, tinh thần lẫn mục lực đều không đủ; lại còn [tu chỉnh] ba bộ Sơn Chí chưa xong, đấy là chuyện cấp bách chẳng thể trì hoãn được. Vì thế, gần đây cự tuyệt hết thảy mọi sự sai khiến viết lách, ngõ hầu những bộ Sơn Chí ấy sớm được hoàn thành. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Trúc, nghĩa là nương theo Phật tu trì, giống như cây trúc lòng rỗng, đốt thẳng, thách đố sương tuyết, chẳng thuận theo thói tục! Những điều khác đã viết tường tận trong Một Lá Thư Trả Lời Khắp, hãy nên hành theo đó. Từ nay về sau đừng gởi thư tới nữa; gởi tới quyết chẳng trả lời. Cũng đừng giới thiệu người khác đến quy y để đôi bên khỏi nhọc trí, tốn công, mà cũng chẳng có ích lợi gì! (Ngày mồng Mười tháng Chạp năm Quý Dậu – 1933).

(thư thứ hai)

Ông muốn mẹ vãng sanh Tây Phương, muốn cho cha thân tâm mạnh khỏe, sống hưởng yên vui, mất về Tịnh Độ, hãy suất lãnh gia quyến già – trẻ – trai – gái cùng nhau sốt sắng niệm Phật để mong Phật từ gia bị tiêu diệt tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn, há chỉ nên chú trọng lấy trăm câu hay ngàn câu niệm Phật [làm hạn]? Trong cõi đời, kẻ làm công cho người khác vì một hai cắc bạc mà vất vả suốt ngày chẳng nghỉ. Ông lại ngược ngạo coi chuyện lớn lao này chẳng đáng siêng nhọc bằng cầu một hai cắc bạc, cho nên không có cảm ứng cũng chẳng lạ gì! Nếu cảm đến cùng cực, chắc chắn chẳng lẽ nào không ứng! Ông cảm kiểu đó vẫn là hời hợt, hờ hững, làm sao tiêu được nghiệp chướng lớn lao trong đời này, đời trước cơ chứ? Các quyến thuộc của ông niệm Phật cho cha mẹ, so với chuyên niệm cho chính mình công đức càng lớn hơn vì có tấm lòng hiếu thảo vậy!

Hiện tại, thời cuộc nguy hiểm, chẳng biết chiến sự sẽ nổ ra lúc nào mà vẫn chẳng chịu niệm. Nếu tới lúc phải đương đầu với sát kiếp, thử hỏi sẽ trông cậy vào đâu? Bệnh của cháu ông cũng là do túc nghiệp. Xem [tình trạng của] cha mẹ và cháu ông, đủ biết nhà ông nhiều đời rất thiếu đức. Nay hãy nên luôn lưu tâm, tận lực vun bồi, lại còn khuyên hết thảy mọi người cùng tu Tịnh nghiệp để vãn hồi. Sau này sẽ được sự mừng vui “tai lui, hên nhóm”. Thượng Bân đã muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông ta là Tông Nguyên. Nguyên (元) là tăng trưởng các điều lành, mà cũng là ý nghĩa đầu tiên của quẻ Càn. Càn là trời, “Thiên Hành Kiện: Quân tử dĩ tự cường bất tức” (Quẻ Thiên Hành Kiện: Quân tử tự gắng sức mạnh mẽ không ngừng), đấy là [lời giải thích trong phần] Tượng Từ [của kinh Dịch]. Nếu có thể tự gắng sức mạnh mẽ không ngừng niệm Phật, tự gắng sức mạnh mẽ không ngừng sửa lỗi, tu thiện, thân tâm chắc chắn được mạnh khỏe, có thành tựu lớn lao. Một Lá Thư Trả Lời Khắp chính là phương pháp để hết thảy mọi người cầu phước, cầu thọ, cầu lành bệnh, cầu sanh con. Nếu có thể y theo [lá thư ấy] để tự hành, dạy người thì vô biên lợi ích sẽ đều đích thân đạt được (Ngày mồng Năm tháng Chín năm Giáp Tuất – 1934)

 (thư thứ ba)

Thư đặt pháp danh quy y cho Thượng Bân đã sớm gởi đi rồi, chắc là bưu điện làm mất, hoặc là người phát thư giao lầm. Nay lại đặt pháp danh khác cho ông ta là Tông Thành. Tông (宗) là chủ, là gốc, nghĩa là lấy lòng Thành làm chủ, làm gốc, sẽ tự được tiêu nghiệp lành bệnh, chuyển yếu thành mạnh. Nói đến chuyện nàng dâu cả của người con trai thứ nhà ông bị điên cuồng cũng là do túc nghiệp gây nên; hoặc cũng do bọn ngoại đạo thấy ông phản lại giáo pháp của chúng bèn sai tà quỷ, tà thần quấy rối, muốn cho ông vẫn sùng tín giáo pháp của bọn chúng. Ông chẳng bị lay chuyển thì người bệnh cũng chẳng bị lay chuyển, bọn tà quỷ tà thần kia cũng không làm gì được người chánh khí đâu! Vì thế, ắt sẽ lành bệnh. Ngoại đạo phần nhiều có loại tà pháp ấy để lừa gạt, khiến cho những kẻ vô tri vô thức u mê.

Nói đến chuyện đối trước đức Phật tự thọ Tam Quy Ngũ Giới thì qua lá thư gởi cho bà Từ Phước Hiền ở Từ Châu trong bộ Văn Sao, Quang đã có nói đến chuyện này, mong hãy tìm đọc. Thượng Bân đau khổ vì là người tàn phế, nhưng mỗi ngày chỉ niệm Phật hai ba ngàn câu; cớ sao mong mỏi lớn lao mà tu tập lại nhỏ nhoi đến thế? Hãy nên thường niệm suốt ngày, sẽ tự có thể đi lại như người mạnh mẽ được. Nói đến chuyện niệm Phật có lắm vọng tưởng thì hãy nên nhất tâm niệm, lắng tai nghe kỹ từng chữ từng câu, đừng để luống qua, lâu ngày chầy tháng, tâm tự quy nhất. Đấy là pháp niệm Phật tuyệt diệu nhất. Chương Đại Thế Chí [Niệm Phật] Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. “Nghe” chính là pháp “nhiếp trọn sáu căn”. Pháp này bất luận người thượng trung hạ căn sử dụng đều có lợi, không có điều tệ. Phàm với hết thảy mọi người đều nên lấy chuyện “lắng nghe” để bảo ban. Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không viết cặn kẽ (Ngày mồng Năm tháng Mười năm Giáp Tuất – 1934).

Tam-ma-địa (Samadhi) chính là tên khác của tam-muội, cõi này (Trung Hoa) dịch là Chánh Định hay Chánh Thọ; ý nói nhất tâm niệm Phật, chẳng bị ngoại cảnh lay động, chẳng bị tạp niệm xâm lấn. Vì thế, gọi là Chánh Định, Chánh Thọ.

 (thư thứ tư)

Tịnh Độ Ngũ Kinh chính là căn bản của pháp môn Niệm Phật, hãy nên tặng cho người thông hiểu văn lý, có tín tâm, biết cung kính. Đọc kỹ hai lời Tựa và một lời Bạt của Quang sẽ liền biết được duyên do của pháp môn Tịnh Độ; rồi đọc năm kinh ấy sẽ biết được pháp ấy rộng lớn, cao sâu, phàm lẫn thánh đều cùng hướng về. Niệm Phật vọng niệm nhiều thì hãy nên lắng tai nghe kỹ. Đức Đại Thế Chí nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là ý này. Còn nói về Phổ Cập Niệm Phật Hội thì chính là bày ra cách để khuyên mọi người niệm Phật, niệm Quán Âm, chứ chẳng có dụng ý chi khác. Tổng Hội cũng chẳng có quyền cai quản, bất quá nhờ vào [danh nghĩa] đó để làm cho người khác phát tâm mà thôi.

Đấy là duyên do đại lược vì sao cư sĩ Ổ Sùng Âm đề xướng vậy ([ông Ổ] biệt hiệu Hàn Thế Tử, người huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Thượng Hải Đạo Đức Thư Cục do ông ta sáng lập). Ông ta khá hiểu Phật học, chưa mười phần thấu triệt, nhiệt tâm đề xướng, thật hiếm có trong thời gần đây. Những sách cần thiết sẽ gởi riêng cho ông. Mười ba đồng năm cắc ấy đều dùng để gởi sách, chẳng lâu nữa sẽ có năm gói Kỹ Lộ Chỉ Quy được gởi tới. Trong tháng Bảy sẽ gởi tới hai gói Vật Do Như Thử, xin hãy chia ra tặng. Hiện tại, thời cuộc nguy hiểm, bất luận già – trẻ – trai – gái đều nên niệm Phật và niệm Quán Âm để dự phòng. Nếu không, khi đại kiếp đối đầu sẽ nương cậy vào đâu? Quang già rồi, mục lực suy đến cùng cực. Từ nay về sau đừng gởi thư tới nữa. Dẫu sách được gởi đến cũng chỉ gởi thiệp báo “đã nhận được rồi” mà thôi. Từ rày, để thỉnh kinh sách hãy tiếp xúc trực tiếp với Hoằng Hóa Xã, đừng nhờ Quang chuyển, cũng đừng giới thiệu [người khác] đến quy y vì mục lực chẳng đủ, chẳng thể thù tiếp được! Chỉ để đọc và trả lời lá thư lần này, đã phải dùng cả kính lão lẫn kính lúp để gắng gượng thù tiếp vậy (Ngày mồng Tám tháng Năm năm Bính Tý – 1936)

(thư thứ năm)

Kẻ ngu trong thế gian thường thích lập môn hộ, lấy trộm những lời lẽ từ Tam Giáo lập ra đạo “bí mật, chẳng được nói công khai với người khác!” Do đạo ấy “bí mật” nên người khác chẳng biết nội dung, đều xúm xít đi theo đạo ấy như nhặng xanh bu theo mùi thối. Do trước khi được truyền trao đạo pháp, [người xin nhập đạo] phải thề độc, nên kẻ ngu dẫu chết cũng chẳng dám phản bội. Hết thảy ngoại đạo trong thế gian đều cậy vào hai pháp này (tức “chẳng được kể với người khác về pháp mình đã được truyền” và “thề độc sẽ gặp tai ương dữ dội nếu bỏ đạo”) để truyền khắp thiên hạ, không sao diệt được! Nếu bọn chúng không có hai pháp này thì không một loại ngoại đạo nào có thể tồn tại trên thế gian được! Các ông may mắn thoát khỏi nẻo mê, trở về đường chánh, hãy nên giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, nghiêm túc tuân phụng Phật pháp. Pháp danh của hai ông Vũ và Tả được viết trong một tờ giấy khác, gởi cho hai người ấy mỗi người bốn gói sách thay cho lời khai thị, mong ông hãy nói rõ với bọn họ. Trong năm nay sẽ có hai lần gởi chừng đó cuốn sách nữa (Ngày Mười Ba tháng Tám)