Thư gởi cư sĩ Quách Phụ Đình

(năm Dân Quốc 21 – 1932)

Hôm qua nhận được thư, biết lệnh nghiêm đã về Tây trong ngày Hai Mươi Tám tháng trước, khôn ngăn cảm khái, than thở. Cố nhiên trong đời trước lệnh nghiêm đã có vun bồi, nên trong đời này tay trắng làm nên sự nghiệp, giàu có cự vạn, thọ quá tuổi “cổ hy” (bảy mươi), con cháu đầy nhà, bình sinh ưa làm lành không mệt mỏi, hộ trì Tam Bảo. Nếu có tín nguyện sẽ vãng sanh Tây Phương. Nếu không có tín nguyện, chắc sẽ sanh lên trời, hoặc sanh trong nhà đại phú quý cõi nhân gian để hưởng đại phước. Nhưng phước thế gian chẳng thường hằng, hãy nên bảo các hiếu quyến đều cùng nhau chí tâm niệm Phật, để mong cụ chưa được vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh sẽ tăng cao phẩm vị, đấy mới là lòng hiếu có ích. Ai nấy hãy nên bớt đau thương niệm Phật, đừng học theo người đời chỉ cốt sướng tai khoái mắt người khác, chẳng màng thần thức của cha mẹ có được lợi ích hay chăng?

Hơn nữa, lúc lệnh nghiêm còn sống đã tin vào Phật pháp, nay ma chay cho cụ, theo đúng lý, hãy nên thuận theo chí của cụ lúc sinh tiền, nhất loạt đừng dùng đồ mặn. Phàm tế thần, cúng linh, đãi khách đều dùng món chay, điều này đem so với phóng sanh, công đức càng lớn hơn. Nếu chẳng dùng đồ chay thì xong đám tang này, số lượng sanh mạng bị giết quá nhiều. Nỡ nào vì bọn ta thể hiện lòng hiếu mà khiến cho cha mẹ ta phải kết sát nghiệp với vô số sanh mạng ấy?

Năm Dân Quốc 13 (1924), tiên sinh Châu Ngọc Sơn mất (vị này từng làm Tổng Đốc Lưỡng Giang), con ông là Tập Chi quen biết với Quang, gởi cho Quang một tờ cáo phó. Quang khuyên đừng dùng đồ mặn. Do ông ta là quan chức có tiếng tăm rất lớn, nếu dùng đồ mặn sẽ chẳng tránh khỏi “làm cho cha nở mày nở mặt lại hóa thành gây lụy cho cha!” Thư Quang gởi đến, ông Tập Chi chẳng quyết đoán, bảo những người lo việc bàn bạc. Những kẻ lo việc toàn là bọn tham ăn tục uống, đều chẳng tán thành dùng món chay. Thiết lễ điếu tang tại Thiên Tân, [khách viếng tang] ngồi hơn bốn ngàn bàn. Năm sau, rước linh về đất Hoàn (An Huy): Đến Nam Kinh làm lễ điếu tang, tới Vu Hồ (thuộc tỉnh An Huy) lại làm lễ điếu tang, về đến nhà lại thiết lễ điếu tang. Con cháu dòng trưởng làm lễ điếu tang tại Dương Châu. Chỉ năm lần thiết lễ điếu tang này, những sanh mạng bị giết đã chẳng thể tính nổi số. Chôn cất xong, trở về Thiên Tân, có kẻ cầu cơ, tiên sinh Ngọc Sơn giáng đàn, đau đớn oán hận người nhà dùng đồ mặn, nói công đức thuở làm quan khi còn sống đã bị tiêu diệt hết mà vẫn chưa đủ [để bù đắp cái tội ấy]!

Tập Chi quá sức hối hận nhưng không làm sao được, muốn lập một đại tùng lâm tại Thiên Tân để chuộc lỗi. Đã chọn được cuộc đất thỏa đáng rồi, gặp phải cuộc chiến ở Phụng Thiên – Trực Lệ[1] nổ ra, vẫn chưa thực hiện được, chỉ tìm cách kết những duyên nho nhỏ, ngõ hầu người lui tới có chỗ nghỉ ngơi mà thôi. Lệnh nghiêm khá có duyên với Quang, cư sĩ cũng có duyên với Quang. Trong lúc này, Quang chẳng vì cư sĩ nói chuyện lợi – hại này thì là thiếu sót tình bè bạn. Sợ cư sĩ có thể nghĩ là chuyện không quan trọng, khẩn yếu, nên dẫn đầy đủ chuyện của Châu Tập Chi để chứng minh. Đối với chuyện làm Phật sự, hãy nên coi niệm Phật là bậc nhất; những chuyện khác đều là bày vẽ bề ngoài cho dễ coi mà thôi. Trong khóa tụng sớm – tối, Quang đọc tên của lệnh nghiêm để hồi hướng trong hai mươi mốt ngày. Do đối với bạn thân thiết, Quang đều một mực chẳng làm theo lễ nghi thế tục, chỉ dùng niệm Phật để hồi hướng nhằm biểu lộ tình bạn mà thôi! (Cầu cơ là tác dụng của linh quỷ, trong ấy có khi là thật, nhưng Quang chẳng tán thành cầu cơ, xin đừng hiểu lầm)

***

[1] Cuộc chiến Phụng Thiên Trực Lệ xảy ra hai lần, sử thường gọi là Phụng Trực Chiến Sự, hoặc Trực Phụng Chiến Tranh. Lần thứ nhất kéo dài từ ngày Hai Mươi Tám tháng Tư đến ngày Năm tháng Năm năm 1922. Phe Tôn Trung Sơn liên minh với các quân phiệt Đoàn Kỳ Thụy và Trương Tác Sâm tại Phụng Thiên để triệt hạ thế lực của phe quân phiệt Tào Côn, Ngô Bội Phu tại Trực Lệ. Cuộc chiến rất khốc liệt vì phe Tào Côn có đến bảy sư đoàn, năm lữ đoàn. Hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, phải nhờ các giáo sĩ Tây Phương làm trung gian điều đình ngưng chiến. Lần thứ hai xảy ra vào ngày Mười Lăm tháng Chín đến ngày mồng Ba tháng Mười Một năm 1924, Trương Tác Sâm đem năm mươi vạn quân từ Phụng Thiên kéo sang Trực Lệ rửa hận bại trận lần trước. Hai bên giao tranh khốc liệt tại Sơn Hải Quan. Tổn thất nhân mạng, tài lực trong lần thứ hai gần gấp đôi lần thứ nhất.