Thọ Giới Khó, Sau Khi Thọ Giới Lại Càng Khó!
Tác giả: Đại Sư Ấn Thuận
Dịch giả: Sakya Minh-Quang

 

​Nghe nói núi Đại Sơn ở Gia Nghĩa (Đài Loan) sắp có giới đàn truyền thọ giới luật. Đây là sự kiện lớn, công đức lớn của Phật giáo Trung Quốc, không thể không tùy hỷ tán thán! Phật Pháp có thể trụ thế hay không hoàn toàn quyết định nơi việc có hay không Tăng-già như luật như Pháp. Thường thì mọi người cho rằng việc truyền thọ giới là điều vô cùng quan trọng. Nhưng thật ra, theo luật Phật chế, việc thọ giới không quá khó. Theo luật định, việc truyền giới cần có “tam sư thất chứng”, tức ba vị Hòa Thượng, Yết-ma, Giáo thọ và bảy vị tôn chứng sư. Đây không phải chỉ cần có đủ số lượng là được, mà vị truyền giới sư phải có đầy đủ giới lạp (năm thọ giới) và trì giới thanh tịnh. Tốt nhất là vị đó phải thông hiểu giới luật, tức nắm rõ nguyên tắc và cách hành trì giới luật. Nhưng đây không chỉ là học biết Truyền Giới Chánh Phạm (sách hướng dẫn nghi thức truyền giới như Giới Đàn Tăng), mà còn phải nắm rõ thế nào tác trì và chỉ trì? Khai giá trì phạm ra sao? Nếu bảo việc truyền giới là điều khó khăn, thì có lẽ việc khó khăn nhất là thỉnh được “tam sư thất chứng” trì giới thanh tịnh! Còn người cầu thọ giới (giới tử) chỉ cần có y bát, không phạm già nạn. Nếu cả hai giới sư và giới tử có đủ điều kiện như trên, thì việc truyền giới pháp tỳ-kheo chỉ mất khoảng một đến hai giờ đồng hồ là hoàn thành xong tất cả. Hiện nay ở Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện cũng truyền giới như vậy.

Ở Trung Quốc, trước nay coi trọng việc truyền thọ giới, nên đề xướng việc truyền giới tập thể. Khi số lượng giới tử nhiều, vấn đề cũng thêm nhiều, đương nhiên thời gian truyền giới cũng kéo dài hơn. Tuy nhiên, chân chính thọ giới Sa-di, Tỳ-kheo hay thêm Bồ-tát giới cũng không cần quá nhiều thời gian. Chẳng qua nhân lúc này mà dạy cho giới tử cách lễ bái, đắp y, thọ trai, ngủ nghỉ, đi đứng, sinh hoạt hằng ngày có oai nghi lễ tiết thì cũng là điều rất tốt. Có người thấy rằng Phật giáo Trung Quốc (không chỉ ở Đài Loan) suy vi là do việc truyền thọ giới quá qua loa. Do đó, họ bảo rằng giới đàn tổ chức phải ít nhất ba tháng, hoặc một năm, hai năm. Những vị bảo như vậy không biết giới luật là gì, việc truyền giới là gì. Thọ giới chỉ ở trước Đại Tăng lập thệ phát nguyện, quyết ý thọ trì giới phẩm nào đó (Sa-di hay Tỳ-kheo), trải qua việc chứng nhận của Đại Tăng thì thành tựu. Điều này giống như nghi thức tuyên thệ tuân thủ quy ước, điều lệ khi gia nhập một đoàn thể, đảng phái nào. Đây là điều quan trọng, trang nghiêm, nhưng không phải quá phiền tạp. Việc khó thật sự là sau khi thọ giới!

​Theo luật Phật chế, sau khi thọ giới phải tu học nghiêm khắc, trường kỳ, ít nhất cũng phải năm năm. Như vậy mới có thể rèn đúc hiền thánh, tạo thành bậc long tượng Phật Pháp trong tương lai! Tuy nhiên, ở Trung Quốc (và Việt Nam cũng vậy) đều xem việc truyền thọ giới là việc lớn, đáng vui mừng, đợi khi có giới điệp trong tay rồi thì tìm họ không ra! Những vị này tùy ý nay ở chùa này, mai ở chùa kia, hay lo việc cúng kiến phục vụ tín ngưỡng! Đây mới là bệnh nặng khiến Phật giáo suy vi! Vì vậy việc truyền thọ giới một cách long trọng bị phê phán là không có thật chất, chỉ “trang điểm lên đài, diễn xuất một phen!” (phần mặc đăng tràng, tố tác nhất phiên).

​Giáo Hội Phật Giáo Trung Quốc (Trung Quốc Phật Giáo Hội) nên coi trọng việc lập giới đàn truyền thọ giới ở Chùa Đại Tiên mà hướng dẫn việc truyền thọ này như luật như Pháp. Đây thật là một công đức vĩ đại! Giới luật không thể qua loa, không thể truyền thọ mà không dạy bảo, huấn luyện! Xin Giáo Hội Phật Giáo Trung Quốc cho đến quý Cao Tăng Đại Đức tham gia truyền giới, hãy vì việc thạnh suy của Phật giáo mà khởi tâm đại từ bi, không những khiến giới đàn như luật như Pháp, mà sau khi truyền thọ giới, còn nhận lấy trách nhiệm dạy bảo, huấn luyện người đã xuất gia thọ giới! Như vậy, việc mở giới đàn mới có ý nghĩa, như luật như Pháp. Nếu không, cho dù việc tổ chức giới đàn truyền giới khó khăn như ở Đại Lục, cũng khó tránh khỏi bị Ấn Quang Đại Sư cảm khái, than thở, cho rằng “lạm truyền thọ giới”! Tóm lại, muốn chấn chỉnh Tăng-già, chấn hưng Phật giáo, đây là một điều cần phải hết sức coi trọng!

Trích trong Phật Giáo là Ánh Sáng Cứu Thế của Đại Sư Ấn Thuận, viết năm 1952.

Sakya Minh-Quang dịch xong sáng ngày 04/10/2022