TAM QUY và NGŨ GIỚI
trong KINH PHÁP CÚ
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
TAM QUY
Muốn tu học theo Đạo Phật, muốn trở thành Phật tử thời chính bản thân mình phải có chí muốn thành Phật và tự nguyện sẽ thành Phật, vì biết mình có sẵn Phật tánh nên tự tin là mình sẽ thành Phật. Ai tu cũng được cả, dù giàu sang hay nghèo hèn, dù thông minh hay dốt nát, dù già hay trẻ. Tu càng sớm càng hay. Tu chỉ có nghĩa là “sửa đổi”, sửa xấu thành đẹp, sửa ác thành hiền, sửa si mê thành giác ngộ… Tu ở nhà, tu ngoài xã hội, tu ở chùa, nơi đâu cũng được.
Muốn tu đạo Phật thời bước đầu tiên trong con đường tu tập là “Quy Y”. Quy là trở về. Y là nương tựa. Quy y là sự trở về để nương tựa. Có tất cả ba sự trở về nên gọi là “Tam Quy”. Đó là quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng.
Phật, Pháp, Tăng là ba thứ tôn quý nhất của người Phật tử, cho nên gọi là “Tam Bảo”. Bảo là quý. Công việc đầu tiên của người bước vào Đạo Phật là “Quy Y Tam Bảo”, nghĩa là đến chùa, xin làm lễ được nhận vào hàng đệ tử của Phật, và xin chư Tăng truyền giới cho.
Giáo chủ một đạo khác chuyên tu khổ hạnh, dạy đệ tử tìm nương tựa nơi núi, rừng v.v… để thoát khỏi đau khổ. Ðức Phật khuyên rằng vì sợ hãi mà đến quy y thần núi, quy y thần rừng và tại các đền miếu thời đó không phải là chỗ quy y tối thượng, không phải là chỗ nương tựa an toàn. Quy y như thế khổ não vẫn còn nguyên. Trái lại người đi tìm quy y Phật, Pháp, Tăng, được mở trí tuệ để hiểu rõ “Bốn điều chân lý nhiệm mầu” (Tứ Diệu Đế), hiểu biết “Tám con đường chân chính phải theo” (Bát Chánh Đạo) để thoát khỏi mọi điều đau khổ. Quy y như vậy mới hòng được giải thoát:
(Pháp Cú 188 – 192)
Loài người hãi sợ kinh hoàng
Nên tìm nhiều chỗ vội vàng quy y
Thánh thần núi nọ, rừng kia
Hoặc nơi cây cối, tháp bia, miếu đền
Nào đâu nương tựa được yên
Quy y như vậy não phiền còn vương,
Nếu quy y Phật, Pháp, Tăng
Riêng phần trí tuệ vinh thăng nhiệm mầu
Hiểu ra Tứ Đế thâm sâu:
Biết rằng trần thế khổ đau là gì,
Hiểu ra nguồn gốc khổ kia,
Biết đường diệt hết khổ đi là rồi
Biết Bát Chánh Đạo tuyệt vời
Tám đường chân chính con người nên theo
Quy y chỗ đó cao siêu
An toàn, giải thoát trăm điều khổ đau.
1. Chúng sinh cần trở về để nương tựa vào Đức Phật. Con người trước khi được nghe Phật Pháp, sống trong cảnh mê lầm, như người lạc đường trong đêm tối. Muốn ra ngoài ánh sáng và đi cho đúng đường, cần phải đổi hướng, quay đầu theo sự chỉ dẫn của Phật, xem đó là vị đạo sư. Ðức Phật là ông thầy cao quý nhất đã vạch ra con đường giải thoát. Đây là “Quy Y Phật”, còn gọi là “Nam Mô Phật”. Nam Mô Phật thường được nói tắt thành “Mô Phật”. Nam Mô Phật là nói theo tiếng Phạn, có nghĩa là “Chí tâm đảnh lễ Đức Phật”.
Ta chính thức trở thành Phật tử sau khi thọ lễ quy y Tam Bảo. Người Phật tử quy y, hay tìm nương tựa nơi Ðức Phật, không phải để cầu xin hay hy vọng được chính Ngài ra tay giải thoát giùm mình. Niềm tin mà người Phật tử trọn vẹn đặt vào Ðức Phật giống như niềm tin của người bệnh đặt vào danh y, hay của trò đặt vào nơi thầy. Ta phải thường xuyên suy niệm về Phật, suy niệm về các phẩm hạnh của Phật:
(Pháp Cú 296)
Những người đệ tử Phật Đà
Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy
Nghĩ về Đức Phật từ bi
Một lòng tưởng niệm sớm khuya chuyên cần.
2. Đã quay về với ánh sáng của Phật thì phải tuân theo lời giảng dạy của Phật, nghe giáo lý của Phật. Giáo Pháp là con đường duy nhất. Đây là “Quy Y Pháp”. Thường xuyên suy niệm về chánh pháp, suy niệm về đặc tính của chánh pháp, tức là những lời giáo huấn của Phật:
(Pháp Cú 297)
Những người đệ tử Phật Đà
Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy
Nghĩ về Chánh Pháp từ bi
Một lòng tưởng niệm sớm khuya chuyên cần.
3. Khi Đức Phật còn tại thế thì nghe lời giảng của Đức Phật. Khi Đức Phật đã tịch diệt thì nghe lời giảng của chư Tăng. Tăng là các vị Sư, những người đã xuất gia tu tập, hy sinh đời riêng để làm sứ mạng giữ gìn giáo pháp và tuyên dương giảng dạy giáo lý cho người khác. “Tăng Già” là đoàn thể tu sĩ Phật Giáo, đại diện cho các vị Thinh văn đã theo đúng con đường và trở thành những gương sống. Khi “Quy Y Tăng” ta cần thường xuyên suy niệm về Tăng Già, suy niệm về phẩm hạnh của giáo hội Tăng Già, giáo hội cao quý của chư đệ tử Phật:
(Pháp Cú 298)
Những người đệ tử Phật Đà
Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy
Nghĩ về Giáo Hội từ bi
Chư Tăng hòa hợp sớm khuya tu hành.
NGŨ GIỚI
Bước thứ nhì sau khi làm lễ quy y là giữ giới, nghĩa là tuân theo những lời răn cấm của Đức Phật dạy, mà chư Tăng đã truyền giảng sau khi làm lễ quy y. Có tất cả năm điều răn cấm, gọi là năm giới hay “Ngũ Giới”. Người phát tâm quy y Tam Bảo là đã bước chân lên nấc thang giải thoát, nhưng nếu không giữ ngũ giới là chỉ mới bước một nấc đầu rồi dừng lại. Năm giới không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể.
Ðối với người tại gia, Ðức Phật khuyên giữ năm giới. Năm giới đó là: “không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm và không uống rượu say sưa”. Những ai phạm năm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân, bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. Ðức Phật dạy chúng ta nên cố tránh những hành động tạo nghiệp bất thiện kể trên. Nhân có nhiều thiện tín than phiền rằng thật là khó giữ tròn năm giới, vì mỗi người có một hay hai giới không giữ được. Nghe câu chuyện, Ðức Phật dạy rằng không giới nào kém quan trọng hơn giới nào. Tất cả các giới đều khó giữ, nhưng phải giữ cho thật đầy đủ thì mới được giải thoát:
(Pháp Cú 246 – 247)
Ai mà có thói sát sinh
Nói năng gian dối, tính tình tà dâm
Say sưa, trộm cắp, hư thân
Sống đời như thế trầm luân vô vàn
Coi như ngay cõi nhân gian
Tự đào bỏ mất thiện căn của mình.
1. Không sát sinh tức là không được giết hại, không được làm tổn hại đến đời sống của người và sinh vật. Phải có lòng từ bi thương hết mọi loài.
Một nhóm “sáu vị tỳ kheo” ỷ mình cao tuổi đạo nên tranh chấp giành chỗ ở, tấn công một nhóm khác gồm “mười bảy vị”, Ðức Phật hay được câu chuyện, cho ban hành giới luật có liên quan đến việc cấm hành hung hoặc sát hại kẻ khác vì ai cũng sợ hình phạt và đều quý trọng đời sống:
(Pháp Cú 129)
Sợ thay gậy gộc, gươm đao
Sợ tay thần chết hại bao cuộc đời
Suy lòng mình ra lòng người
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.
(Pháp Cú 130)
Sợ thay gậy gộc, gươm đao
Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời
Suy lòng mình ra lòng người
Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.
Thứ nhất không sát sinh là tôn trọng sự công bằng. Chúng ta, ai cũng coi sinh mạng của mình là quý. Tất cả loài vật đều quý thân mạng của chúng như chúng ta và cũng biết đau khổ như người. Thứ hai, không sát sinh là tôn trọng Phật tánh bình đẳng. Chúng ta mỗi loài tuy thân hình khác nhau, mà vẫn đồng một Phật tánh. Sát hại một sinh vật là sát hại Phật tánh. Thứ ba không sát sinh là nuôi dưỡng lòng từ bi. Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha. Đây là một trong những yếu tố cốt tủy của Phật Giáo.
Đang đi khất thực Ðức Phật thấy một đám trẻ con dùng gậy đánh đập một con rắn. Ngài hỏi lý do, chúng nói sợ rắn cắn. Ngài khuyên:
(Pháp Cú 131)
Ai cầu hạnh phúc cho mình
Mà dùng dao gậy gian manh hại người
Khiến người tan nát cuộc đời,
Kiếp sau mình chẳng an vui được nào.
Người sống ác không những sống lo âu mà cũng chết trong tâm trạng sợ hãi và mê muội. Hồi tưởng lại những việc ác làm trong đời, với tâm trạng sợ hãi và lo âu, người đó qua đời tái sinh vào các cõi ác, như súc sinh, quỷ đói và địa ngục. Người sống thiện, sau khi chết sẽ được tái sinh vào các cõi lành vì khi gần chết thường hồi tưởng lại những việc thiện mình làm trong đời, nghĩ tới Phật, Pháp, Tăng luôn luôn hướng dẫn mình trong cuộc sống hiền thiện và hướng thượng:
(Pháp Cú 132)
Ai cầu hạnh phúc cho mình
Không dùng dao gậy gian manh hại người
Không gây tổn hại cho đời,
Kiếp sau mình sẽ an vui vô cùng.
Không sát sinh cũng để tránh nhân quả báo ứng oán thù. Nếu mỗi ngày ta đều gieo căm hờn cho người và vật thời tích lũy lâu ngày, khối oan gia ấy to hơn sức ta, chừng ấy ta bị nó sát hại lại. Càng tạo nghiệp sát, càng lao mình vào đau khổ.
Một chàng thanh niên mang một cái tên có nghĩa là “Thánh Hiền”. Chàng làm nghề đánh cá. Ðức Phật dạy rằng không phải bằng cách gây tổn thương cho chúng sinh khác, cho các sinh vật có mạng sống, có tình cảm như loài người, loài thú, mà có thể trở thành thánh hiền, cao thượng được:
(Pháp Cú 270)
Sinh linh sát hại triền miên
Thánh hiền đâu xứng là tên của mình,
Không còn sát hại sinh linh
Thánh hiền mới thật xứng danh vô cùng
Đức Phật muốn khuyên chúng sinh diệt sân hận và rải tâm từ đến muôn loài để cho cuộc sống chung được hài hòa nên Ngài luôn luôn ngăn cấm đệ tử gây tổn hại cho người khác:
(Pháp Cú 300)
Những người đệ tử Phật Đà
Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy
Về niềm vui lớn kể chi:
Chớ gây tổn hại chút gì cho ai.
Một vị Tỳ kheo đã đắc quả, từ trong rừng trở về hầu Phật. Một thiếu phụ, có chuyện cãi vã với chồng, bỏ nhà, cũng vào đám rừng ấy và muốn trở về cha mẹ. Ông chồng thấy mất vợ, vào rừng tìm, thấy bà vợ đi theo sau vị A La Hán. Ông sinh lòng ganh tị, đánh đập vị Tỳ kheo túi bụi, mặc dầu bà vợ hết lòng bào chữa van lơn. Tỳ kheo không sân giận, không nổi xung. Khi về tới chùa, các vị Tỳ kheo khác thấy vết thương bèn hỏi thăm và không tin khi nghe thuật lại câu chuyện. Ðức Phật hay rõ bèn khen rằng:
(Pháp Cú 405)
Ai không dao gậy bạo hành
Trong khi tiếp xúc chúng sinh ở đời
Dù người mạnh, yếu vậy thôi
Không gây thương tổn hay đòi sát sinh
Bà La Môn thật xứng danh.
Không sát sinh thì khỏi phạm hai tội lớn sau đây: Một là giết hại các bực Phật vị lai, vì Đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều là chư Phật vị lai”. Hai là giết lộn bà con nhiều đời, ăn lầm bà con nhiều kiếp, vì trong kinh Bồ Tát Giới có nói: “Tất cả lục đạo chúng sinh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta, đã chết đi rồi sinh lại trong nhiều đời nhiều kiếp”.
Người không sát sinh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân chính để tu thành Phật và được hưởng các pháp lành như kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” đã kể: “Tất cả chúng sinh đều kính mến; Trừ sạch thói quen giận hờn; Thân thể thường được khỏe mạnh; Tuổi thọ được lâu dài; Thường được thiên thần hỗ trợ; Ngủ ngon giấc và không có ác mộng; Trừ hết các mối oán thù; Khỏi bị đọa vào ba đường ác; Sau khi chết, được sinh lên cõi trời”.
2. Không trộm cắp tức là không lấy những tài vật thuộc quyền sở hữu của người khác mà không có sự ưng thuận của họ. Đức Phật cấm trộm cắp vì lý do tôn trọng sự công bằng, tôn trọng sự bình đẳng, tôn trọng quyền tư hữu, diệt trừ lòng tham, nuôi dưỡng lòng từ bi và tránh nghiệp báo oán thù. Trong khi cố gắng lánh xa hành động trộm cắp người Phật tử cũng phát triển đức tính liêm khiết, chân thật và chính trực.
Một vị A La Hán trên đường đi khất thực về thấy một miếng vải bị gió bay rơi dưới đất, vừa lượm lên thì chủ khúc vải nhận thấy, tri hô là ngài lấy trộm. Ngài giải thích rằng ngài không có ý định trộm cắp và trao trả vải lại cho chủ. Nhưng người kia đem câu chuyện thuật cho các vị khác nghe, và các vị ấy cười chê ngài. Ðức Phật giải thích rằng chư vị A La Hán không khi nào còn trộm cắp của người:
(Pháp Cú 409)
Thế gian hễ cứ một ai
Không hề lấy vật mà người không cho
Dài hay ngắn, nhỏ hay to
Dù tốt hay xấu, dù hư hay lành
Bà La Môn thật xứng danh.
Không lấy của người, không lấy của không cho, mà trái lại còn lấy của mình để đem bố thí cho những kẻ thiếu thốn. Nếu không gian tham trộm cắp, mà lại làm hạnh bố thí thì theo kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” được những pháp lành như sau: “Tiền của có dư không bị nạn giặc giã cướp mất hay bị chính quyền tịch thâu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán; Ðược nhiều người tin cậy; Không bị lừa dối, gạt gẫm; Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình; Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả; Khi chết rồi được sinh lên cõi trời”.
3. Không tà dâm là không được lấy vợ hay lấy chồng của kẻ khác. Nếp sống tình dục lang chạ bừa bãi của con người sẽ phá hoại thiết chế gia đình. Dù trong cuộc sống vợ chồng chính thức nhưng nếu giao tiếp không đúng lúc, không đúng chỗ và không chừng mực thì cũng bị xem là tà dâm.
Cháu của cư sĩ Cấp Cô Độc là một chàng thanh niên đẹp trai, thường có hành động tà dâm, hay đeo đuổi vợ người. Nhiều lần chàng bị bắt nhưng lại được nhà vua tha tội cho nhờ tiếng tăm của gia đình. Cuối cùng gia đình dẫn chàng đến thỉnh cầu Ðức Phật khuyên dạy. Ðức Phật dạy rằng tà dâm là tạo nghiệp ác. Ngài cũng giảng cho chàng về hậu quả tai hại của tật xấu tà dâm, nêu rõ những tai họa chờ đợi kẻ phóng dật tà dâm, nêu rõ bốn điều bất hạnh sẽ đến với kẻ buông lung theo vợ hay chồng người khác:
(Pháp Cú 309)
Buông lung theo vợ, chồng người
Mắc vào bốn nạn khiến đời bất an:
Bản thân tội lỗi vương mang,
Ngủ đêm trằn trọc, tâm can rối bời
Bà con khinh bỉ chê cười
Chết vào địa ngục là nơi đọa đày.
Đức Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay”. Đức Phật cấm tà dâm là muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh oán thù và quả báo xấu xa, tránh bị đọa làm ác thú, tránh bị trừng phạt:
(Pháp Cú 310)
Mang về vô phước cho mình,
Đọa làm ác thú. Cuộc tình vui chi
Vì đang lo sợ mọi bề,
Thêm vua phạt tội nặng nề bản thân,
Cho nên phải giữ thân tâm
Vợ, chồng người chớ tà dâm hoang đàng
Riêng đối với hàng xuất gia, Đức Phật dạy nên dứt hẳn dâm dục. Vì dâm dục là nhân đi đến sự đọa lạc, luân hồi trong sinh tử. Ái càng nặng thì trói buộc càng chặt, sự đau khổ do đó mà tăng trưởng. Động cơ của ái là si, tựa vào gốc si mê, ích kỷ để yêu thương. Do đó, ái chỉ làm cho mình và người đau khổ. Nếu sự yêu thương bị ngăn chặn hoặc bị từ chối thì yêu thương biến thành oán thù. Nếu yêu thương được thỏa màn thì càng mê đắm, mù quáng. Giáo lý Đạo Phật nhằm thoát khỏi khổ đau, mà nguyên nhân chính của khổ là ái. Thế nên, Đạo Phật dạy nên xa lìa ái dục và tán thán người xa lìa ái dục. Đạo Phật khuyên chỉ nên hưởng những thú vui cao quý của tinh thần, đạo lý.
Khi bà Tỳ kheo ni A La Hán nọ bị một người trước kia thương bà, hãm hiếp, chư tỳ kheo bắt đầu thắc mắc rằng chư vị A La Hán còn có thể bị dục lạc cám dỗ, còn cảm thấy khoái lạc về nhục dục nữa không. Ðức Phật giải thích trạng thái của các vị này là “Bà La Môn không luyến ái dục lạc”:
(Pháp Cú 401)
Người mà ái dục thoát ly
Không còn đắm nhiễm chút gì dài lâu
Tựa như giọt nước trôi mau
Chẳng còn dính lại trên tàu lá sen
Hay hột cải đặt đầu kim
Không còn dính lại ở trên được nào,
Bà La Môn xứng danh sao!
Người xuất gia muốn chứng quả, thành đạo, phải triệt để đoạn trừ dâm dật ở thân cũng như ở tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lòng dâm không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao”. Còn đối với người tại gia, Phật chỉ ngăn tà dâm, ngăn sự lang chạ, ngoại tình.
Không tà dục và giữ được tịnh hạnh sẽ được các điều lợi như Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” nói: “Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn; Ðoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu; Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái; Ðược tiếng tốt, người đời khen ngợi”.
4. Không nói sai sự thật là không nói dối, tránh vọng ngữ. Chỉ nói đúng với điều đã làm, đúng với sự thật đã trông thấy, nghe thấy mà thôi. Nói dối, chỉ trong trường hợp để cứu khổ độ nguy cho người và vật mới không phạm tội, vì như vậy là thực hành được “hạnh từ bi”.
Một thời các tu sĩ ngoại đạo rất ghen ghét với Đức Phật nên lập mưu bêu xấu Ngài. Họ nhờ một nữ đệ tử trung thành của họ giả làm như thường tới lui và ngủ lại tại chùa Kỳ Viên nơi Ngài cư trú. Ít lâu sau bà này nói là đã có thai với Ngài. Bà độn bụng cho to rồi đến đến chùa công khai phỉ báng Ngài. Nhưng mưu gian bị khám phá. Mọi người đánh đuổi bà đi. Vừa ra khỏi chùa thời đất nứt ra hút bà rơi vào địa ngục. Ðức Phật dạy: “Một người đã chà đạp sự thật thời còn có điều ác nào mà chẳng dám làm, chẳng hề nghĩ đến ác báo vào kiếp sau”. Ngài đọc câu kệ sau khi đề cập đến lời vu oan của thiếu phụ:
(Pháp Cú 176)
Ai vi phạm giáo pháp rồi,
Ai ưa gian dối thốt lời dài lâu,
Ai tin chẳng có đời sau,
Bao điều xấu, ác họ đâu sợ gì
Sẵn sàng làm, có ngại chi.
Ðể hạ uy tín của Ðức Phật, một giáo phái khác thuê một thiếu phụ giả bộ nói rằng “thường hay lui tới chùa Kỳ Viên nơi Đức Phật cư ngụ và ngủ lại đêm tại đây với Ngài”. Ít lâu sau họ thuê bọn côn đồ say rượu rình giết thiếu phụ này rồi chôn vùi dưới đống rác gần tịnh thất của Đức Phật để tạo sự nghi oan xấu xa cho Ngài. Về sau, những người giết thuê ấy bị nhà vua ra lịnh truy tầm, bắt được, chúng thú thật mọi chuyện. Thanh danh Đức Phật chẳng hề thương tổn. Khi giảng về tật xấu của người gian dối, Ðức Phật dạy “Người hay vọng ngữ, người làm điều sai trái mà chối đều sẽ lâm vào cảnh khổ, chết sẽ bị đọa xuống địa ngục”:
(Pháp Cú 306)
Nói lời xảo trá dối gian,
Làm rồi lại chối không làm, không hay
Ai mà tạo những nghiệp này
Chết vào địa ngục đọa đày tránh đâu
Làm người ty tiện dài lâu..
Người Phật tử tại gia có học Phật nên nói đúng thời, đúng lúc, nói lời có ích, có đạo lý, tránh nói nhảm nhí, nói lời vô nghĩa. Người không nói dối thì được những điều lợi ích như sau theo Kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo”: “Miệng thường thơm sạch; Thế gian và nhân, thiên đều kính yêu; Lời nói không lầm lộn và vui vẻ; Trí tuệ thù thắng, không ai hơn; Ðược hưởng lạc thú như ý nguyện và ba nghiệp đều sạch”.
5. Không uống rượu và các chất say khác. Phật cấm uống rượu vì muốn bảo toàn hạt giống trí tuệ và ngăn ngừa những nguyên nhân sinh ra tội lỗi. Rượu làm người mất bình tĩnh, mất sáng suốt và không thể giữ được bốn giới nói trên.
Ðối với những người Phật tử tại gia, tu tập điều thiện, chính là giữ giới. Giữ cho đủ năm giới. “Ngũ giới” là căn bản, là mức đạo đức tối thiểu cho một con người, sống xứng đáng là con người, có nhân cách, có nhân phẩm. Năm giới Phật Giáo là chuẩn mức đạo đức cho loài người nói chung. Ðó là một bài học công dân thông thường mà bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào muốn phồn thịnh, hùng cường cũng không thể bỏ sót được. Nếu Tam Quy là nền tảng, thì Ngũ Giới là năm nấc thang của người Phật tử tại gia để bước dần lên Thánh quả. Trong bước đầu, người Phật tử nếu có thể phát nguyện giữ cả năm giới thì càng tốt, nếu vì nhiều sự ràng buộc chưa thể giữ được cả năm giới thì nên cố giữ vài giới mà mình thấy có thể thực hành được. Nhưng đã phát nguyện giữ giới nào thì giữ cho trung kiên.