TÂM KINH GIẢNG KÝ
Nguyên tác: Thánh An Pháp sư
Thích Thiện Phước dịch
MA HA BÁT – NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không sắc thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Xá Lợi Tử! Thị chư Pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc; vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị ,xúc, pháp; vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận. Nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề Tát đỏa y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn. Tam Thế Chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa thị Đại Thần chú, thị Đại Minh chú, thị Vô Thượng chú, thị Vô Đẳng Đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thật bất hư. Cố chú thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết Đế, Yết Đế, Ba La Yết Đế, Ba La Tăng Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.
Các vị thiện tri thức, các vị Pháp sư, các vị cư sĩ.
Hôm nay, chùa Bảo Liên chủ trì pháp hội giảng kinh liên tục trong ba ngày. Kinh văn này rất phổ thông, ai ai cũng hiểu biết, tên gọi là: “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh”, hay gọi gọn là “Tâm kinh”.
Chữ Tâm ở đây rất là quan trọng: thành Phật cũng do tâm, tạo chúng sanh cũng do tâm, thiên đường cũng do tâm, địa ngục cũng do tâm. Thế nên, kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm chép:
“Nhược nhơn dục liểu tri
Tam thế nhất thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo”
Dịch:
(Nếu ai muốn hiểu rõ
Chư Phật trong ba đời
Nên quán chiếu pháp giới
Tất cả do tâm thôi).
Hương Cảng nầy là do tâm tạo, tức do tâm của những người có phước đức tạo thành. Sơn hà gấm vóc của Tổ quốc cũng do tâm của các bậc thiện nhơn quân tử tạo thành. Cho đến thế giới Ta Bà của chúng ta cũng do tâm của chúng sanh toàn cõi Ta Bà tạo ra. Còn Cực Lạc thế giới, là do tâm thanh tịnh của Phật A Di Đà và tâm thanh tịnh của hải chúng thanh tịnh tạo ra. Chỉ vì còn rất nhiều người vẫn chưa nhận thức được tâm này, mê muội tâm này, nên chịu khổ vô lượng, chịu sanh tử luân hồi không dứt kỳ hạn.
Chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới nhìn thấy rõ được tâm này. Khi viên mãn minh bạch tâm này thì gọi là Phật; còn hiểu rõ được mỗi một phần tâm này thì gọi đó là Bồ Tát. Bồ Tát là nhân của Phật, còn Phật là quả của Bồ Tát. Nhưng cho dù là Phật nhân hay Phật quả thì cũng không ly khai minh tâm. Nếu tâm của bạn chưa tỏ rõ thì Phật nhân không có phần cho bạn, Phật quả lại cũng không có phần. Thế nên, người học Phật chỉ có một điều kiện là: Chư Phật Như Lai đã làm như thế thì chúng ta cũng phải làm theo như thế. Chư Phật Như Lai đã tu như thế thì chúng ta cũng phải tu theo như thế. Vậy phải tu như thế nào? Cũng chính là minh tâm thôi!
Đại Thừa Khởi Tín Luận chép: “Tâm này có bốn tướng: sanh, trụ, dị, diệt”. Trong bốn tướng trên thì hạng phàm phu chỉ rõ được diệt tướng. Tâm diệt rồi thì hạng phàm phu cho là tỏ rõ, nhưng kỳ thật chẳng được tỏ rõ. Vì tâm đã qua rồi, diệt rồi, không còn nữa, thì lúc ấy làm sao mà minh tâm được ? Cho nên gọi là sau khi giặc qua rồi mới cử binh, mà giặc đi rồi thì cho dù binh đến đi nữa cũng là vô dụng. Chính vì vậy mà hàng phàm phu không gọi là giác, Tâm diệt rồi mới giác, thì còn dùng vào việc gì?
Sao gọi là tướng diệt? Ví như ta vừa mới đánh đuổi được một vọng tưởng, ngay trong lúc đánh vọng tưởng đó, chẳng biết mình là người đánh đuổi vọng tưởng. Khi đánh dẹp xong vọng tưởng thì mới “biết” rằng mình vừa đánh dẹp vọng tưởng. Vậy thì vọng tưởng ở chỗ nào? Bạn có nắm bắt được nó hay không? Đã diệt nó rồi mà! Cho nên hạng phàm phu giác tướng diệt mà không gọi là giác. Lại như vừa khởi lên một niệm ác thì bạn có biết niệm ác đó không? Diệt rồi mới giác, chưa diệt trở về trước là bất giác, mà sau khi diệt mới giác thì không gọi là giác. Cho nên, hàng phàm phu đối với tâm của chính mình một điểm thôi cũng bất giác, vì sau khi diệt rồi mới biết nên gọi là bất giác.
Dị tướng lại là thế nào? Nếu biết được dị thì không dị. Nghĩa là một khi chúng ta biết được dị tướng của tâm thì dị tướng ấy liền trở thành không rồi ! Đó là biết được dị thì không dị. Ví như khi người nhận ra mộng, biết được mộng thì không còn mộng nữa. Nghĩ lầm mà hễ biết lầm thì không còn lầm nữa.
Hàng nhị thừa hiểu dị tướng của tâm, theo kiểu dị tức là biến khác vậy, như phải cùng với trái là dị tướng, thiện với ác, sanh với tử, nhân với ngã, oán với thân … đó gọi là các thứ dị tướng. Hàng nhị thừa nếu hiểu dị tướng của tâm, theo kiểu biết dị không phải là dị liền không có phải trái, thiện ác, sanh tử, nhơn ngã, oán thân. Vô dị đó là Niết Bàn. Thế nên hàng nhị thừa cũng không có cái gì mà chẳng hiểu được, chẳng qua là chỉ cần họ dụng công tu tập mà thấy được dị tướng của tâm, biết được dị là vô dị, sanh tử cũng thế.
Hàng bồ tát thì tiến xa hơn một bước, biết được “trụ” tướng, rõ được trụ vốn vô trụ, khi mê thì có trụ tướng, khi giác thì không. Ví như, lúc làm ác là mê, khi giác rồi thì chẳng còn làm nữa; không tu thiện là mê, một khi đã giác liền tu thiện nên chẳng còn mê. Cho nên biết trụ vốn vô trụ – Lúc giác trụ thì tất cả điều vô trụ. Nếu có chỗ trụ thì liền thành vọng tâm, còn mọi bất trụ đều là chơn tâm.
Bồ tát vô trụ, vậy bất trụ lại là tướng gì? Bất trụ chính là vô tướng. Bất trụ thì ở trong không có ngã tướng, bên ngoài không có nhơn tướng, giữa không có vật tướng, gọi là tam luân thể không. Ví như lúc bố thí, không có ngã tướng năng thí, không có vật tướng sở thí, và cũng không có nhơn tướng thọ thí. Thế nào là vô? Bất trụ là vô, còn trụ là có.
Người đời chọn Phật để lạy, chọn Tăng để cúng dường, cũng là trụ tướng. Nếu chúng ta chọn Phật để lạy thì công đức ấy sẽ không lớn đâu! Còn chọn Tăng để cúng dường thì ta sẽ mất đi tâm phổ cúng rồi đó, không còn gọi là phổ cúng dường mà gọi là biệt thỉnh cúng dường. Tâm đã nhỏ thì công đức cũng nhỏ.
Nếu ta không trụ ở nơi tướng mà bố thí, thì cúng một là cúng tất cả. Tâm không trụ thì giống như hư không, công đức cũng tựa như hư không. Kinh Kim Cang chép: “Bồ Tát ở nơi pháp, phải không có chỗ trụ để thi hành bố thí. Cho nên mới gọi là không trụ vào sắc để bố thí, không trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí. Này Tu Bồ Đề! Bồ tát phải nên như thế mà bố thí, không trụ ở nơi tướng, là cớ vì sao? Vì nếu Bồ Tát không trụ tướng để bố thí thì phước đức ấy chẳng thể suy lường được này. Tu Bồ Đề! Ý ông nghĩ sao? Hư không của hướng Đông có thể lường không? Bạch thế tôn! Không ạ. Tu Bồ Đề! Hư không các hướng Nam, Tây, Bắc, Tây Nam, Đông-Nam, Đông Bắc, Tây Bắc và bên trên phía dưới có thể lường không? Thưa Thế Tôn! Không a. Này Tu Bồ Đề! Bậc Bồ Tát không trụ tướng bố thí thì phước đức cũng lại không thể nghĩ bàn như thế ”.
Bồ Tát giác trụ mà vô trụ, cho nên không trụ ở trong sanh tử, không trụ ở Niết Bàn. Nếu như trụ ở nơi bố thí thì không thể tu trì giới. Nếu trụ ở nhẫn nhục thì không thể tu thiền định. Bồ Tát vô sở trụ như thế, thì lục độ vạn hạnh đều tu được.
Sanh tướng của tâm, lại là thế nào? Nếu giác sanh là vô sanh, vậy vô sanh là thế nào? Vô sanh chính là Phật. Bậc đẳng giác Bồ Tát còn có một phần sanh tướng vô minh. Thập địa Bồ Tát lại còn có hai phần sanh tướng vô minh. Sơ địa Bồ Tát thì còn 10 phần sanh tướng vô minh; Phật vì thấy được sanh tướng của tâm, nên ngài biết được sanh tức là vô sanh, thấy được tâm vô sanh và quán tất cả pháp đều vô sanh nên chứng đươc vô sanh pháp nhẫn; phiền não là sanh pháp, nếu phiền não không sanh, thì chính là Bồ Đề. Nghiệp chướng không sanh, thì chính là giải thoát. Sanh tử không sanh, tức là Niết Bàn. Chúng sanh không sanh, đó là Chư Phật. Thế nên, chúng sanh thành Phật rất dễ dàng, chỉ cần biết rõ được sanh tức là vô sanh thì đó chính là Chư Phật rồi! Nhân đây mà Phật mới được xưng là bậc “Đại Viên Mãn Giác”.
Phật là bậc rất minh bạch, rất tinh tường đối với bốn tướng của tâm, cho nên xưng là minh tâm – Biết được sanh vốn vô sanh, biết được trụ vốn vô trụ, biết được dị vốn vô dị, biết được diệt cũng chẳng diệt, bốn tướng; sanh, trụ, dị, diệt đều không, thì đó chính là Bồ đề Tâm, thanh tịnh Tâm, và cũng chính là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm. Chỉ có Chư Phật mới giác ngộ rốt ráo cùng tột, còn hàng phàm phu vì mê nên bất giác. Tu hành chính là muốn được minh tâm nhưng tâm thì không dễ dàng tỏ rõ đâu! Sơ Tổ Đạt Ma có bài kệ rằng :
“Tâm tâm tâm, nan khả tầm
Khoan thời biến pháp giới
Trách dã bất dung châm.”
Dịch:
(Tâm tâm tâm, khó có thể tìm
Rộng thì toàn khắp pháp giới
Hẹp cũng chẳng chứa được cây kim)
Tâm tâm tâm ở đây cũng chỉ cho:
Tâm quá khứ, tâm hiện tại, và tâm vị lai. Kinh kim cang chép: “Quá khứ tâm bất khả đắc” (Tâm quá khứ không thể tìm được). Đã không thể được thì làm sao tìm. Có thể được thì mới đi tìm chứ ! Ví như hư không chẳng thể được thì làm sao sờ mó nắm bắt được, vì ba tâm chẳng thể được nên gọi là khó có thể tìm. “Khoan thời biến pháp giới” khoan tức là rộng lớn vậy. Khi lớn thì trùm khắp pháp giới. “Trách dã bất dung châm”. Lúc hẹp thì không chứa được một mũi kim. Hai câu sau là chỉ cho tướng mạo của tâm vậy.
Ngài lại nói rằng:
“Ngã bổn cầu tâm, bất cầu Phật
Liễu tri tam giới không vô vật
Nhược dục cầu Phật đản cầu tâm
Chỉ giá tâm tâm tâm thị Phật”
Dịch:
(Ta vốn cầu tâm không cầu Phật.
Biết ba cõi rỗng chẳng có vật
Nếu cần cầu Phật chỉ cầu tâm
Thì ba tâm này chính là Phật).
Đạt Ma sư tổ nói: “Ta vốn cầu tâm không cầu Phật”. Ở phương Đông có hằng hà sa số Phật; phương Nam, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam Đông Bắc, Tây Bắc, trên dưới cũng có hằng hà sa số Phật. Ngươi sao lại chỉ đi tìm có một vị Phật hà? ho nên nói ta vốn cầu tâm chớ chẳng cầu Phật.
“Biết ba cõi rỗng chẳng có vật”, ba cõi chỉ do tâm tạo ra, khi minh tâm thì tam giới liền không. Cho nên cổ nhân nói :
“Tam giới vô biệt pháp
Duy thị nhất tâm tác
Nhược nhơn thức đắc tâm
Đại địa vô thốn thổ”
Dịch:
(Ba cõi chẳng pháp khác!
Chỉ do tâm tạo tác
Nếu ai biết được tâm
Đại địa chẳng tấc đất).
Cho nên ba cõi là chỉ do tâm, không phải ngoài tâm mà có. Chúng ta ở trong ba cõi này hoàn toàn là do tâm tạo ra. Thế nên Tổ sư nói là: Biết ba cõi rỗng chẳng có vật. Nếu cần cầu Phật chỉ cần tâm, tâm, tâm, tâm là Phật). Muốn thành Phật thì phải minh tâm, Phật là do tâm tạo, chẳng phải do Phật làm nên Phật, mà là do tâm tạo tác nên Phật. Cho nên, kinh Tịnh Độ có chép : “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (Tâm đó là Phật, tâm đó làm Phật). Đạt Ma sư tổ dạy chúng ta minh tâm, tâm đó chính là Phật.
Lại có bài kệ rằng:
“Ngã bổn cầu tâm, tâm tự trì
Cầu tâm bất đắc đãi tâm tri
Phật tánh bất tùng tâm ngoại đắc
Tâm sanh tiện thị tội sanh thì”.
Dịch:
(Ta vốn tìm tâm tâm tự trì
Tìm tâm chẳng được, đợi tâm tri
Phật tánh chẳng từ ngoài tâm được
Tâm sanh tội sanh liền một khi)
Hai câu đầu là ý nói: nếu chúng ta muốn cầu tâm, thì cái tâm này một sớm đã nắm giữ chính bạn rồi. Thuở xưa, trưởng giả Tu Đạt Đa kiến lập Tịnh Xá Kỳ Hoàn, Xá Lợi Phất cùng với ông đi chọn đất. Ngài Xá Lợi Phất hốt nhiên cười lên. Trưởng giả hỏi ông ta: “Vì sao mà Ngài lại cười?”. Xá Lợi Phất bèn nói: “Tịnh Xá Kỳ Hoàn chưa kiến tạo, hiện tại chỉ mới chọn đất nhưng quả báo ở cõi lục dục thiên của ông đã xuất hiện rồi đấy!”.
Trưởng giả nói: “Con chỉ cầu mong sanh lên cõi trời Đâu Suất Đà mà thôi, để con được gần gũi với Bồ Tát Di Lặc”. Sau khi nói xong câu này thì năm tầng trời trong lục dục thiên đều ẩn mất, chỉ còn lại cõi trời Đâu Suất ứng hiện ở trước mặt. Đó là: Tâm tự nắm giữ vậy.
Trì tức là nắm giữ, Tịnh Xá Kỳ Hoàn dù chưa được kiến tạo nhưng chỉ trong một niệm, thì phước báo liền hiện đến. Chúng ta chưa cầu tâm mà đã bị tâm nắm giữ chính mình rồi!
Cầu tâm chẳng được đợi tâm tri. Tâm rất nhạy bén, lúc cầu tâm thì không được để tâm biết. Tuy nhiên, vì tâm là tâm của chính mình nên gọi là Bồ Đề Tâm, lại gọi là bổn tâm. Nhưng từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng ta đã bị mê mờ bản tâm này, nếu muốn tìm trở lại bản tâm này thì không thể khởi tâm động niệm để đi tìm. Một khi khởi tâm động niệm mà bị tâm biết thì liền cầu không đến được. Người xưa tu hành đều do vô tâm mà ngộ đạo, có kẻ nào là người hữu tâm mà ngộ đạo, đâu tất cả họ đều là vô tâm đạo nhơn. vô tâm ngộ đạo. Nếu có tâm thì đạo sẽ không hiện ở trước mắt. Cho nên gọi là “vô tâm hợp đạo”.
“Phật tánh chẳng từ ngoài tâm được”. Không phải ngoài tâm có Phật tánh, đó chính là nước trong thì trăng hiện, tâm trong thì Phật hiện. “Khi tâm sanh thì tội liền sanh”. Lúc tâm khởi, chẳng những không thấy được Phật tánh, mà tội lỗi đã hiện ở trước mắt rồi. Thế nên, người học Phật cần phải thận trọng vì khi tâm sanh thì tội liền sanh. Tâm khởi thì liền sai, động niệm có thì liền méo mó. Khởi tâm và động niệm đều có tội. Như vậy, đã có tội thì còn thấy được Phật tánh ư? Có tội thì phải chịu quả báo. Chúng ta phải nhận thức cho rõ ràng tâm này là tâm nào? Đó là Bồ Đề Tâm, Niết Bàn Tâm, Chơn Như Tâm, Phật Tâm, còn gọi là Thường Trụ Chơn Tâm. Các vị có thể chưa được rõ ràng lắm! Bay giờ tôi xin hiển bày cạn cợt giải thích:
Sở dĩ gọi là minh tâm, chính là cái tâm minh bạch lúc phiền não chưa sanh trở về trước. Phiền não là phần có sau, vì có vô minh chính là có phiền não, một niệm bất giác thì có vô minh. Từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay, tâm của chúng ta bị phiền não làm mê muội, mà phiền não thì xưa nay vốn không có,vậy cái tâm xưa nay không phiền não là thế nào? Chúng ta cần hiểu rõ. Nếu phiền não xưa nay vốn có thì không ai có thể thành Phật được. Vì phiền não vốn không, cho nên chúng ta có được cơ hội để thành Phật, chỉ cần tỏ ngộ được phiền não xưa nay vốn là không thì liền biết rõ được cái tâm thanh tịnh xưa nay vốn không có phiền não, sẽ thẳng tu đến khi thành Phật.
Cái tâm xưa nay không phiền não là cái gì? Là bổn lai diện mục của chúng ta, bổn lai diện mục không có phiền não, nếu có phiền não thì chẳng phải là bổn lai diện mục, bổn lai diện mục thì không có sanh tử, sanh tử là cái có về sau. Sanh tử chưa phát sinh trở về trước, xưa nay vốn không có sanh tử. Cái tâm xưa nay không có sanh tử là Bồ Đề tâm, Niết Bàn tâm, Chơn Như tâm, Phật tâm. Chúng ta nếu đem cái tâm Niết Bàn vô sanh tử này để tu hành thì sẽ thẳng tiến đến Phật quả.
Phải chăng cần phải đợi đến lúc phiền não diệt rồi mới có thể thấy được tâm Bồ Đề Thanh tịnh này? Không phải như vậy đâu! Ngay khi có phiền não cũng có thể thấy được, bởi vì phiền não không thể làm ô nhiễm Bồ Đề tâm. Lúc có phiền não, thì cũng có thể ở trong phiền não mà biết được tâm thanh tịnh xưa nay không có phiền não, điều nhất định là phải có thiện tri thức chỉ dẫn, lại chính mình phải cố gắng hết sức tu hành, hai loại nhơn duyên này hòa hợp thì có thể không cần đoạn phiền não mà cũng thấy được Bồ Đề.
Sanh tử xưa nay vốn không có, chúng sanh có sanh tử, tâm thanh tịnh thì không có sanh tử; không nhất định phải lìa bỏ sanh tử mới có thấy được tâm Niết Bàn. Như vậy, ở nơi thân sanh lão bệnh tử vài mươi năm này thì có thể thấy được tâm thanh tịnh Niết Bàn vô sanh tử. Có điều là cũng cần phải nhờ thiện tri thức chỉ bảo, và chính mình thì dũng mãnh tinh tiến.
Vậy thì chúng ta phải dụng công như thế nào mới thấy được tâm Niết Bàn? Kinh đề là: Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nếu muốn thấy được tâm thanh tịnh thì phải nương vào sức mạnh của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bát Nhã là gì? Bát Nhã chính là mẹ của chư Phật. Người đời có hạng thông minh gọi là thế trí biện thông, quay lưng với tâm mà đi nắm cảnh, ấy là chấp thủ vào ngoại cảnh mà trái nghịch lại tâm. Khi chấp thủ cảnh thì tất nhiên có một cái ngã tại. Nếu trái tâm mà chấp thủ vào ngoại cảnh để nghiên cứu thế pháp thì gọi đó là hướng ngoại để học, không thể ly khai chữ nga được. Hễ có một cái ngã tụ hội học vấn thì gọi là thông minh. Vì vậy, trí tuệ thông minh của người ở thế gian khẳng định là hữu ngã. Nhưng cái ngã kiến của người thông minh thì rất nặng, học vấn càng nhiều thì ngã kiến càng sâu nặng.
Hữu ngã là Hữu vi pháp, còn Bát Nhã không phải là pháp hữu vi, mà là trái nghịch với ngoại cảnh để tìm tâm minh bạch của chính mình. Tâm minh rồi thì nhất định là không có ngã tại, tâm minh thì muôn Pháp đều quán. Muôn Pháp thì không lìa nơi tự tâm đâu nha! Sau khi minh bạch tâm này rồi thì ba đời chư Phật đều ở trong đó, mười phương thế giới cũng ở trong đó nên mười phương thế giới cũng được rõ ràng. Sau khi hiểu rõ tâm này rồi, thì trong hay ngoài văn tự, thậm chí ngôn ngữ của chim muôn cũng điều biết rõ. Vì chứng được ngôn ngữ Đà La Ni, cho nên lúc minh tâm thì vạn pháp đều thông suốt. Nhưng nhất định là phải vô ngã, vì vô ngã thì muôn Pháp đều thông, đó chính là Bát Nhã trí vậy.
Bát Nhã được một số người gọi là trí tuệ. Nhưng tôi thì cho rằng, phải thêm vào hai chữ “Bồ đề” nữa. Bởi vì Bồ Đề trí mới là Bát Nhã, Bồ đề chính là Phật tánh, mà trí tuệ thì từ Phật tánh lưu xuất nên gọi là Bát Nhã. Không phải do hướng bên ngoài học mà có được tâm Bát Nhã nầy. Nếu hướng ngoài thì chỉ gọi là thông minh thôi, chớ không thể gọi là Bát Nhã, chỉ có lìa cảnh mới được minh tâm, hễ minh tâm thì trí tuệ phát sanh, ấy gọi là Bát Nhã.
Bỏ cảnh quán tâm, mắt ta tự xem; xem lại chính mình, chứ không phải xem người. Bởi vì xem chính mình thì biết được lỗi lầm của chính mình, mới có thể phản tỉnh, đem lỗi lầm của mình ra rữa sạch trơn. Thế nên Lục Tổ nói:
“Nhược chơn tu đạo nhơn
Thường tự kiến kỷ quá”.
(Nếu người tu chơn thật
Thường tự thấy lỗi mình)
Vì sao chúng ta không thể thường tự thấy lỗi lầm của chính mình? Đều là do mắt của chúng ta không thể xem lại chính mình, mà là xem người khác. Nhìn người thì sao thấy được lỗi lầm của chính mình được?. Nhất định là ta phải hồi quang phản chiếu, rồi sau đó mới thấy được lỗi lầm của chính mình.
Mắt tự nhìn lại mình phải chăng là tiêu cực, chớ không tích cực? Không phải như vậy đâu, tự xem lại chính mình là hành động rất tích cực chớ không phải tiêu cực. Vì tự mình xem xét đến một trình độ nào đó, thì nhục nhãn liền phát sanh ra thiên nhãn, thiên nhãn hiện tiền, thì trên trời dưới đất đều thấy được. Thiên nhãn vô ngại, và cũng có thể thấy được Cực Lạc thế giới nữa kia! Xem lại chính mình thì sẽ được tiến thêm một bước nữa, lúc đó huệ nhãn hiện tiền, vô ngã, mà sanh tử ngay đó trở thành không, và có thể xuất ly ba cõi; lại tiến thêm một bước nữa ở việc tự xem mình thì khi ấy pháp nhãn cũng hiện ra. Vì vậy mà tất cả pháp đều biết, lục độ, vạn hạnh cho đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, cũng đều được rõ biết một cách chính xác thôi. Sau đó, Phật nhãn cũng hiện tiền, thấy được cảnh giới của chư Phật. Cho nên đó gọi là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mười lực, bốn món vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, công đức của chư Phật đều rõ ràng.
Nếu như mắt chúng ta có thể tự xem, mà không hướng xem ở bên ngoài thì ngũ nhãn liền được đầy đủ. Nhân đây mới nói Bát Nhã không phải là do hướng cầu bên ngoài, mà Bát Nhã chính là tự nhìn, tự thấy.
Thuở xưa, Ngũ Tổ bảo Lục Tổ đi làm công việc. Lục Tổ mới nói rằng: “Nơi tự tâm của đệ tử thường sanh trí tuệ, chẳng lìa tự tánh. Như vậy, chính là phước điền rồi, thế thì xin hỏi Hòa thượng dạy con làm việc gì?”. Trí tuệ là từ nơi tự tâm mà sanh ra, nó vốn chẳng lìa tự tánh, thì đây chính là phước điền rồi! Có thể biết, Lục Tổ ngay ban đầu đã hiểu được pháp tự xem. Nhưng tự xem là một việc rất khó khăn. Vì thế thường mắt ta nhìn xét người thì quá dễ dàng, còn trông lại chính mình là một việc khó lắm thay!.
Cho nên mắt không dễ tự thấy, tai không dễ tự nghe, tâm không dễ tự hiểu, ý không dễ tự biết. Tự mình quán xét không phải là chuyện dễ. Nhưng chúng ta nhất định phải hướng vào điểm này để hạ thủ công phu mới được.
Thuở xưa, Mã Tổ có một vị đệ tử tên là Thạch Củng Thiền sư. Khi chưa xuất gia Ngài vốn là một vị đại tướng quân, rất thích bắn nai. Có một hôm ông tạt ngang qua chỗ đạo tràng của Mã Tổ.
– Mã Tổ hỏi: “Ông là ai? “
– Ông ta trả lời: “Tôi là thợ săn đi bắn nai.”
– Mã Tổ hỏi: “Thế thì một mũi tên, ông bắn được bao nhiêu con nai?”
– Ông ta đáp: “Một mũi tên chỉ bắn được một con nai mà thôi!”.
– Mã Tổ nói: “Ông không rành bắn!”.
– Người thợ săn nói:”Tôi không rành bắn ?! Vậy dễ thường Hòa thượng biết bắn chăng?.
– Tổ trả lời: “Ta rành bắn lắm!”
– Người thợ săn hỏi: “Vậy một mũi tên đó, ngài bắn được bao nhiêu con?”
– Tổ nói: “Một mũi tên ta bắn được cả bầy”
– Người thợ săn nói: “Ta và chúng đều là chúng sanh cả thì hà tất một mũi tên bắn cả bầy ?”
– Tổ nói: “Ông đã rõ được đạo lý này, sao không tự bắn đi?”.
Nếu bảo tôi tự bắn thì không có chỗ để ra tay đâu!.
Bạn thấy đấy nếu bắn nai thì còn có chỗ ra tay, còn tự bắn mình thì đâu có chỗ ra tay!. Cho nên khi ấy Tổ mới khen rằng:”Người này trãi nhiều kiếp không tỏ rõ, nay một lúc đều tiêu tan hết u tối”. Tự bắn không có chổ ra tay tức là không có xét tự kỷ thế nên mới trãi qua nhiều kiếp vô minh. Nay thì một lúc đã rũ hết sạch. Nhân đó mà người kia xuất gia.
Bạn nên biết đó nha! Đoạn phiền não nếu mà đem từng cái, từng cái để đoạn thì cần phải trải qua thời gian rất lâu. Nếu có thể tự đoạn thì tất cả phiền não đã có tự giờ, cùng lúc đều rũ sạch. Vậy thì phiền não từ nơi nào sanh ra? Chính từ nơi ta mà sanh ra, nếu không có ta thì phiền não liền diệt hết. Cho nên, tự nhìn, tự thấy, là pháp môn tối diệu. Tuy nhiên đây là điều không có chỗ để ra tay. Nhân đây mà Bát Nhã chẳng phải là do hướng bên ngoài mà tìm. Bỏ tâm mà hướng đến ngoại cảnh tức “hữu ngã”, thuộc về thế trí biện thông. Còn quay mặt với cảnh mà đi cầu tâm đó là Vô ngã thuộc về minh tâm sanh trí huệ, mà trí tuệ thì chẳng lìa nơi tự tánh, đó chính là Bát Nhã. Một khi có được Bát Nhã rồi thì lại phải như thế nào? Bát Nhã Ba La Mật vậy!
Sao gọi là Ba La Mật? Tức là “đến bờ bên kia” đến bờ bên kia của chư Phật, thánh nhơn, Phật độ, đến bờ bên kia của Niết Bàn đến bờ của bên kia của Bồ Đề và đến bờ bên kia của “thường tịch quang”, hay nói một cách đơn giản là trở về nhà xưa của chúng ta.
Đến bờ bên kia giải thích như thế nào?
Đức Lục Tổ đã giải thích rất rõ rằng: “Tiếng Phạn Ba La mật, là Đáo bỉ ngạn, nghĩa là lìa sanh diệt, hễ còn chấp cảnh thì sanh diệt khởi như nước có sóng, chính gọi là bờ bên đây. Còn lìa cảnh không sanh diệt, như nước bình thường chảy êm, chính gọi là bờ bên kia”. Chấp cảnh thì có sanh diệt, giống như biển rộng thì có sóng. Vì vậy gọi là bờ bên này. Lìa cảnh thì không còn sanh diệt, tức là bờ bên kia. Do đó lấy Bát Nhã Ba La Mật quán mọi pháp không sanh, không diệt, gọi là bờ bên kia Niết bàn. Nếu người thông minh chấp có ngã thấy tất cả Pháp đều có sanh diệt, thì đó là sanh tử bờ bên này. Tại thế giới đó mọi thứ đều có sanh diệt. Quốc độ có sanh diệt, người có sanh diệt, sự tình có sanh diệt, như nước có sóng. Sóng ở bờ bên này thì không đồng với sóng ở bờ bên kia như Hương Cảng không phải là Luân Đôn. Nếu đến được bờ kia rời cảnh vô sanh diệt thì đó là Tịnh Độ, như nước thường xuôi chảy. Nước đó với nước ở bờ kia không còn phân biệt, Cực Lạc chính là Ta Bà mà Ta Bà cũng chính là Cực Lạc, cho nên gọi là lưu thông.
Một khi đã có trí tuệ bát nhã rồi thì quán tất cả pháp đều không sanh, không diệt; tất cả pháp đều thanh tịnh, thanh tịnh hòa hợp, muôn pháp không đối đãi sai biệt nên gọi là đến bờ bên kia vậy. Hễ muôn pháp thanh tịnh thì đó chính là Ba la Mật Đa tâm. Tâm thì vốn là thanh tịnh, không sanh tử, không phiền não, không nghiệp chướng. Một khi đến được bờ kia rồi thì sau đó ta mới thấy được tâm chơn như, tâm thanh tịnh, tâm Niết Bàn. Nhưng Bát Nhã không phải là một món vật, Bát Nhã chưa từng ly khai mọi pháp, mà lại cũng chẳng phải là mọi pháp. Như vậy, Bát Nhã là vô tướng. Kinh Bát Nhã chép:“Vì vạn vật không, nên Bát Nhã cũng không; vì vạn vật vô ngã nên Bát Nhã cũng vô ngã; vì vạn vật vô tận nên Bát Nhã cũng vô tận; vì vạn vật không hoại diệt nên Bát Nhã cũng không hoại diệt, vì vạn vật thanh tịnh nên Bát Nhã cũng thanh tịnh, vì thọ – tưởng – hành – thức thanh tịnh nên Bát Nhã cũng thanh tịnh, vì thọ tưởng hành thức vô ngã nên Bát Nhã cũng vô ngã, vì thọ tưởng hành thức không, nên Bát Nhã cũng không”. Thế nên Bát Nhã chẳng ly khai tất cả Pháp, mà Bát Nhã cùng với tất cả Pháp không sai biệt. Khi Đức Như Lai giảng kinh Bát Nhã ngài giảng suốt hai mươi hai năm, đó chính là vì không có một pháp nào mà ly khai Bát Nhã.
Dùng quán chiếu Bát Nhã để tự nhìn tự nghe, tự biết, tự soi, bỏ cảnh quán tâm vô ngã, cho nên hay liểu thoát sanh tử. Thuở xưa có một vị Tăng hỏi thiền sư Duy Chánh rằng: “Xin hỏi Hoà Thượng, đạo ở chổ nào vậy?”.
– Thiền sư đáp: “Đạo ở ngay trước mắt”.
– (Vị Tăng lại hỏi thêm): “Đạo ở trước mắt sao con không thấy?”.
– Thiền sư đáp: “Vì có ngã, nên không thấy”
– Tăng hỏi: “Nói có ngã thì không thấy, vậy chớ Hoà Thượng có thấy không?”.
– Sư đáp: “Có ngươi, có ta xoay vần không thấy”.
– Tăng hỏi: “Không Thầy không con, thì có thấy không ?”
– Sư đáp: “Không người không ta. Ai cầu thấy làm chi?”
Do đó, nếu muốn cầu Bát Nhã thì phải hết sức đem ngã chấp giảm thấp xuống, giảm đến lúc trống không (thì sẽ trở thành vô ngã), mà vô ngã tức là thấy đạo, hể thấy đạo là sanh trí huệ, đó chính là Bát Nhã.
Bây giờ xin đi vào chánh văn:
Quán tự tại Bồ Tát, hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
Bài tâm kinh này vì sao mà không có sáu món thành tựu: “Tôi nghe như vầy, một thuở, Phật tại … để chứng minh đây là lời của Phật nói vậy?”.
Vào đời Đường Thái Tông, có một vị quốc sư tên là Huyền Tráng pháp sư, họ ở nhà là Trần. Năm 12 tuổi theo cùng người anh đi xuất gia. Sau khi xuất gia xong, Ngài đọc hết tất cả mọi kinh điển, có vài loại kinh điển do pháp sư Cưu Ma La Thập phiên dịch, và có một số loại kinh điển do người khác ngoài pháp sư phiên dịch. Pháp sư đối với những ngữ cú ấy sinh nghi, nên ngài rất muốn sang Ấn Độ để thỉnh kinh tham học.
Sau đó, Ngài dừng bước vân du hành cước tại Thành Đô ở Tứ Xuyên, gặp một vị lão Hòa Thượng mình mẫy đang bị bệnh ghẻ lỡ. Không có người nào dám đến gần, chỉ có pháp sư trẻ tuổi Huyền Tráng, đã đem tấm lòng đồng tình, mà hầu hạ phụng sự Hòa Thượng, rửa sạch máu mủ, xoa thuốc, chẳng bao lâu bệnh ghẻ lỡ của lão Hòa Thượng dần dần thuyên giảm rồi lành hẳn. Lão Hòa Thuợng rất cảm kích công ơn điều trị, không biết lấy gì đền đáp, duy chỉ có một bộ kinh Phạn có thể truyền miệng lại cho pháp sư Huyền Tráng. Đó chính là bộ Tâm Kinh này, tổng cộng có 260 chữ. Sau khi đọc nhẫm một lần, Huyền Tráng pháp sư liền ghi nhớ vào nội tâm, về sau đem nó ra để phiên dịch, một chữ cũng không sửa lại. Pháp sư Cưu Ma La Thập cũng có phiên dịch bộ Tâm kinh này, gọi là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh, có cả các câu: “Như thị ngã văn …” nhưng không bằng bộ kinh mà hòa thượng đã truyền cho Huyền Tráng pháp sư với lời lẽ rất ngắn gọn, trơn bén, rõ ràng. Như vậy vị lão Hòa Thượng đó là ai? Ngài chính là Bồ Tát Quan Âm. Về sau Huyền Tráng pháp sư đến Ấn Độ thỉnh kinh, phải trải qua 800 dặm sa mạc, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, trong khoảng giữa không có một bóng người, chỉ có rất nhiều quỷ quái, niệm kinh gì cũng không thể hàng phục được chúng, chỉ khi niệm tâm kinh này, thì mọi tà ma quỷ quái đều ẩn trốn hết. Nhờ vào công đức và thần lực của tâm kinh này mà Ngài đã thành công đến được Ấn Độ thỉnh kinh. Mười mấy năm sau, ngài trở về Trung thổ thành quốc sư, chuyên tâm phiên dịch kinh điển.
Thần lực của tâm là Bồ Tát Quan Âm, trí lực của tâm là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, pháp lực của nội tâm chính là Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền, nguyện của tâm là Bồ Tát Địa Tạng Vương.
Bộ Tâm kinh này là Bồ Tát Quan Thế Âm dạy cho chúng ta phải biết minh tâm. Phàm phu chưa minh tâm, dấy khởi phiền não mà tạo ra tội nghiệp, chịu vô biên sanh tử khổ. Thế nên trong văn chép : “Bồ Tát quán tự tại, khi thực hành sâu xa Bát Nhã Ba La Mật Đa, vì soi thấy năm uẩn đều không, nên vượt qua mọi khổ ách”. Mở đầu dạy cho chúng ta phải tự nhận biết chính mình. Nếu không tự nhận biết chính mình thì không thể nào độ được chính mình. Một khi tự mình đã tự nhận biết rồi thì có thể độ được tự thân. Lại còn phải nhận biết chúng sanh nữa. Nếu nhận thức được chúng sanh thì mới có thể độ chúng sanh. Chư Phật đã nhận thức được tự kỷ mà cũng nhận thức được chúng sanh, cho nên chư Phật mới thành Phật mà độ chúng sanh.
Kinh Hoa Nghiêm chép: “Thập Phương Chư Như Lai, đồng cộng nhất Pháp thân, nhất tâm nhất trí huệ, Lực vô úy diệc nhiên”. (Mười phương các Đức Như Lai, đều cùng một pháp thân, một tâm một trí tuệ, lực vô úy cũng vậy). Mười phương các Đức Như Lai cùng một tâm chớ không phải hai tâm. Tâm của Phật A Di Đà cùng với tâm của Phật Thích Ca thì tương đồng, mà tâm của Đức Thích Ca cùng với tâm của Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai lại cũng tương đồng. Cho nên Vô Lượng Phật ở mười phương đều là một tâm đó. Nhìn lại tâm của chúng sanh mỗi mỗi đều chẳng đồng nhau là bởi vì tâm của chúng sanh là vọng tâm, đã là vọng tâm thì sao tương đồng được. Anh có vọng tâm của anh, tôi có vọng tâm của tôi. Một trăm người thì có cái vọng chấp của một trăm người. Cho nên gọi là nhân tâm bất đồng, mỗi người mỗi vẻ là thế.
Sao gọi là Quán Tự Tại? Tùy căn cơ mà thuyết pháp, tùy căn bệnh mà cho thuốc. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay đã trái nghịch lại với Bồ Đề tâm của chính mình, mà đi quán vạn pháp. Trái nghịch lại Bồ Đề mà đi quán vạn pháp là một vấn đề hết sức nguy hiểm đấy! Cho nên ở nơi tất cả Pháp đều chẳng được tự tại. Bị pháp ràng buộc còn lìa tâm Bồ Đề mà đi quán sắc thì liền dính mắc vào sắc, bị sắc ràng buộc, không được tự tại. Nếu lìa tâm Bồ Đề mà nghe âm thinh thì liền bị nhiễm ở thinh trần, bị thinh trần ràng buộc, không được tự tại. Lìa tâm Bồ Đề mà ngửi mùi hương thì bị hương làm nhiễm, bị hương ràng buộc nên chẳng được tự tại. Lìa tâm Bồ Đề mà giảng nói thì bị chấp chặt vào văn tự, ngôn ngữ nên cũng không được tự tại. Lìa tâm Bồ Đề mà xúc chạm mê mờ dính chặt vào xúc, bị xúc trần ràng buộc, không được tự tại. Thế thì lỗi lầm ở chỗ nào mà có? Đều do lấy cái tâm bỏ tự kỷ mà đi quán tất cả pháp rồi chấp trược vào tất cả pháp, nơi tất cả pháp không được tự tại. Nếu ta có thể bỏ pháp mà quán tâm, thì tâm sẽ rõ ràng, pháp sẽ rỗng không, được tự tại nơi tất cả pháp. Cho nên chữ quán của Bồ Tát Quán Thế Âm là chẳng phải bảo chúng ta quán các pháp. Nếu quán vàng ròng thì có thể khởi tâm trộm cắp. Quán sắc thì bị chấp trược bởi nơi sắc; Quán danh thì cầu danh. Cho nên phải lìa cảnh của ba cõi, lìa cảnh của sáu trần, lìa cảnh của nhơn thiên, lại còn phải lìa cảnh ở trước mắt để quán tâm của chính mình. Quán tâm thì sẽ được vô tâm, tâm không thì cảnh tịch, thấy tất cả pháp như huyễn như hóa thì lúc ấy được tự tại ở nơi tất cả pháp.
Trong Đại Bi Sám, Bồ Tát Quán Thế Âm nói rằng: “Ta nếu hướng đến núi đao, thì núi đao tự gãy đổ. Ta nếu hướng đến nước sôi lửa bỏng thì nước sôi lửa bỏng tự khô cạn. Ta nếu hướng đến địa ngục thì địa ngục tự tiêu diệt. Ta nếu hướng đến ngạ quỉ, thì ngạ quỉ được no đủ. Ta nếu hướng đến Tu La, thì tâm ác tự điều phục. Ta nếu hướng đến súc sanh, thì tự được đại trí tuệ”. Quán Thế Âm Bồ Tát quán tâm cho nên ở nơi tất cả pháp đều được tự tại. Vì vậy gọi là Quán Tự Tại.
Phẩm Phổ Môn chép:
– Giả sử có người sanh lòng hại, xô rớt vào hầm lửa lớn, nhờ sức niệm Quán Âm, thì hầm lửa biến thành ao. Ở hầm lửa được tự tại.
– Hoặc trôi dạt trong biển lớn, gặp nạn dữ cá rồng, nhờ sức niệm Quán Âm, sóng gió không thể nhận chìm. Ở nơi nước được tự tại.
– Hoặc bị khổ nạn phép vua, khi đem hành hình sắp chịu chết, nhờ sức niệm Quán Âm, sau đó đao liền gãy từng khúc. Ở nạn phép vua được tự tại.
– Hoặc bị oán tặc vây, đều cầm đao làm hại, nhờ sức niệm Quán Âm, đều liền sanh lòng lành. Ở nơi oán tặc được tự tại.
Bồ Tát Quán Thế Âm không chỉ ở các nạn khổ được tự tại mà ở trong ba độc – tham – sân – si cũng được tự tại, và cũng khiến cho người thọ trì thánh hiệu Bồ Tát Quán Âm được tự tại.
– Nếu có người nữ muốn cầu sanh con trai, mà lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát thì liền sanh được con trai, có phước đức trí huệ. Nếu cầu sanh con gái, thì liền sanh được con gái nết hạnh đoan chánh, tướng mạo đẹp đẽ. Ở việc cầu nam, cầu nữ được tự tại.
– Chỉ cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát cùng với thọ trì cúng dường hằng hà sa số Bồ Tát, thì công đức hai đằng tương đồng. Cho nên gọi một hay nhiều đều được tự tại.
– Đáng dùng thân nào để độ được người thì Ngài liền hiện ra thân đó để vì chúng mà thuyết pháp. Ở tất cả thân được tự tại.
Có một số người đem từ “Quán tự tại” ra giải thích là: Quán cái sở tại của chính mình. Như vậy thì tự mình là thế nào? Tự mình phải nên nhận biết chính mình. Chính mình là chúng sanh, chỉ vì chúng sanh mê mờ Phật tánh, hễ biết được chúng sanh chính là biết được Phật. Không phải vì Phật làm mê chúng sanh, nên nếu giờ đây độ thoát chúng sanh thì chúng sanh liền hết mê, mà là không mê thì liền thấy Phật. Phật là do chúng sanh thành. Vậy nhất định ta cần phải nhận biết chúng sanh. Giống như bánh bò, bánh xủi cảo, đều do bột mì làm thành. Chính vì vậy mà ta cần phải nhất định nhận biết được bột mì.
Câu văn sau đây: “Soi thấy năm uẩn đều không”, năm uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như thế nào là soi thấy năm uẩn đều không? Phải dùng Bát Nhã lực, nhưng Bát Nhã thì chẳng phải là hướng cầu bên ngoài mà do hướng vào nội tại để phát hiện. Tự mình chính là năm uẩn. Như thế khi năm uẩn rỗng không thì sẽ vượt qua tất cả khổ ách. Còn nếu như ta bị năm uẩn ngăn che, thì liền không thể nhận biết được chính mình. Vì vậy mà người người niệm Phật, nhưng họ cũng chẳng biết ông Phật mà họ đang niệm là ai nữa, nhân vì bị năm uẩn che đậy. Nhân đây mà ta phải thêm vào Bát Nhã lực. Cho nên mới gọi là Hành Thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.
Nhưng chữ Thâm ở đây rất là trọng yếu, đại thừa thì gọi là Thâm Bát Nhã, còn tiểu thừa thì gọi là Tiểu Bát Nhã. Riêng tôi thì cho rằng Thâm Bát Nhã ở đây chính là Bát Nhã của đại thừa, đã vậy thì Bát Nhã này nhất định là phải sâu xa rồi. Chúng ta niệm Phật, vậy Phật từ chỗ nào đến? Bạn phải nên xem xét!
Càng nhìn thì càng được sâu xa, dĩ nhiên là không phải dễ dàng thấy đến nơi đến chốn. Sở dĩ nói: Như Lai là “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” (Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai). Chúng ta phải nên xem xét Đức Phật mà ta đang niệm đây là ai, và cũng không có nơi đến, chỉ có việc là ta phải xem xét Ngài xuất hiện ở nơi nào. Vậy thì chúng ta phải ngay từ nơi đó mà xem đi. Các pháp vì không có chỗ từ đó đến, nên không thể được nơi đến. Nếu có nơi đến thì Như Lai liền chẳng phải là “không từ đâu đến”, mà phải nói là “có chỗ từ đó đến”. Dĩ nhiên nếu Như lai không từ nơi đâu đến thì Phật hiệu cũng không có chỗ từ đó đến, hễ không có chỗ từ đâu đến thì chính là sâu xa rồi. Thế nên Bát Nhã là rất sâu xa, không thể cùng tột được. Tuy nhiên, dù xem xét không được Phật hiệu từ nơi nào đến, nhưng Phật hiệu đã vào trong thế giới nào, thì thế giới ác trược đó liền trở thành không, thì bất cứ bạn nhìn cái gì, xem Phật mà ta đang niệm là ai, xem chính mình lễ Phật, xem xét chính mình giảng nói, xem sanh từ nơi đâu đến. Và khi chết trở về đâu, tất cả pháp đều không có chỗ từ đâu đến thật là: Thậm thâm, thậm thâm! Cho nên, Bát Nhã gọi là Thâm Bát Nhã.
Có vài người được thiện căn, nên khi tọa thiền, thân thể họ trống rỗng, và họ liền sợ hãi lên. Nhất thiết ta không nên kinh sợ như vậy. Bởi vì thân thể tuy trống không nhưng tâm còn chưa rỗng rang. Trong khi thân thể ta rỗng không, thì tâm liền hiện ra. Bạn xem xét lại tâm này, cái tâm có vô lượng vọng tưởng. Và nếu bạn thường xem xét những vọng tưởng này thì vô lượng vọng tưởng khác sẽ không khởi sanh nữa. Lúc ấy, tâm Niết Bàn của bạn liền hiện ra. Cho nên ở trong “Thâm Bát Nhã”, Bồ Tát Quán Thế Âm nói là soi thấy năm uẩn đều không.
Năm uẩn chính là chúng sanh, năm uẩn cũng chính là tự mình. Các vị nếu muốn nhận thức chính mình thì chính thân bạn là năm uẩn. Uẩn tức là che đậy. Vì năm uẩn che đậy Phật tánh nên Bồ Đề tâm bị năm uẩn ngăn che. Điều tất yếu là phải trống rỗng được năm uẩn thì tâm Bồ Đề mới xuất hiện. Cái tâm hiện tại của chúng ta đây gọi là tâm vọng tưởng, không phải là Bồ Đề tâm, mà cũng chẳng gọi là đạo tâm. Có thể nói: là tâm nhơn ngã thị phi, tham danh tham lợi. Khi năm uẩn trống không thì thấy được Bồ Đề tâm, rồi từ nơi tâm Bồ Đề mà khởi tu, thẳng tu cho đến khi thành Phật . Muốn sanh về thế giới Cực Lạc, thì phải rỗng không năm uẫn, Kiếp trược chính là sắc uẩn, phiền não trược chính là tưởng uẩn, kiến trược chính là thọ uẩn, chúng sanh trược chính là hành uẩn, mạng trược chính là thức uẩn. Nếu rỗng suốt được năm uẩn này thì liền có thể đến thế giới Cực lạc, thấy được tự tánh Di Đà và duy tâm Tịnh Độ.
Tất cả kinh điển mà Phật Thích Ca nói ra, đều dạy chúng ta phải rổng không được năm uẩn. Cố nhiên là tâm kinh cũng như thế. Kinh A Di Đà chép, nếu lìa được năm trược thì liền rỗng không được năm uẩn. Còn kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì chép: phải trải qua 500 do tuần thì mới đến được bảo sở, mà 500 do tuần cũng chính là năm uẩn, cho đến trong kinh Giải Thâm Mật chép: Rỗng không Bát Thức, chuyển Bát Thức thành tứ trí, mà bát thức cũng chính là năm uẩn Nhãn, Nhỉ, Tỵ, Thiệt, Thân, Thức chính là Thọ uẩn, còn cái đối với năm trần là Sắc uẩn, Ý thức thứ sáu là Tưởng uẩn, thức thứ bảy là Hành uẩn, A lại da thức thứ tám chính là Thức uẩn. Vì thế nên tám thức chính là năm uẩn. Duy thức học dạy chúng ta phải chuyển bát thức thành tứ trí, không phải là dạy chúng ta phân biệt danh tướng. Chuyển bát thức tức là rỗng không được năm uẩn, còn tứ trí tức là Phật tánh cũng chính là Bồ Đề tâm.
Chữ “thời” trong câu “Hành Thâm Bát nhã Ba La mật đa thời” cũng phải được giải thích như sau: Tất cả các pháp đều từ nơi thức mà biến, từ nơi tâm mà hiện. Thời là chỉ cho quá khứ thời, hiện tại thời vị lai thời. Quá khứ thời, hiện tại thời và tương lai thời đều là hành thâm bát nhã . Cho nên nói là quá khứ không thể được, thì quá khứ luôn có Bát Nhã; hiện tại không thể được thì hiện tại luôn có Bát nhã; vị lai không thể được thì vị lai luôn có Bát Nhã. Thời là quá khứ hiện tại và vị lai đều không thể được .Cho nên gọi là “Hành thâm Bát nhã Ba La mật đa thời”.
Đem sáu trăm quyển trong kinh Đại Bát Nhã tóm gọn lại 5000 chữ, đó là kinh Kim Cang, lại đem từ 5000 chữ của kinh Kim Cang tóm gọn lại còn hơn 200 chữ, đó chính là bộ Tâm Kinh nầy. Bây giờ tôi đem Tâm kinh này rút lại còn một câu , đó chính là “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”? Bồ Tát Quán Âm soi thấy năm uần đều không, Bồ Tát ở đời vị lai cũng soi thấy năm uẩn đều không, các Bồ Tát ở đời quá khứ lại cũng đã soi thấy năm uẩn đều không, người học Phật hiện tại cũng cần soi thấy năm uẩn đều không. Đường cứ theo kiểu đó mà đi vậy! Nay đem câu “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”; rút lại nữa thì chỉ còn một chữ “Chiếu”.
“Chiếu” tức là chiếu cố, mọi người đều có thể chiếu cố, như ta dắt đứa bé ra ngoài thì nhất định phải chiếu cố nó. Nếu ta không chiếu cố (không để ý đến) thì nó liền bị té nhào, hoặc là bị lạc đó nha. Đi đường cũng phải vậy, nếu không trông chừng thì liền dẫm đạp trên phân dơ, hay lại bị rơi vào trong hầm hố. Giảng nói cũng phải để ý, nếu không để ý, thì sẽ giảng nhầm ngay! Lễ Phật cũng phải để ý ngay trong lúc để ý liền phát giác được. “Năng lễ và Sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. (Tánh của người năng lễ và những bậc được lạy vốn rỗng lặng, cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn). Thế nên, lễ Phật một lễ thì hằng sa tội tiêu diệt. Khi tụng kinh thì miệng tụng tâm phải tư duy, tùy văn mà nhập quán, để ý ý nghĩa, thì ta liền phát hiện ra được nghĩa lý vô cùng trong kinh, và liền có thể diễn thuyết được đạo lý trong kinh. Khi trì chú cũng phải để ý, xem âm thanh đó từ nơi nào đến, nếu hay để ý thì cùng với thần chú vào được bên trong, liền hay nhập định, mà một khi đã vào trong định rồi thì thế giới này liền trở thành trống không. Từ bờ sanh tử bên nầy, mà đến được bờ Niết Bàn bên kia, từ uế độ của thế giới Ta Bà, mà đến được Tỳ Lô Tánh Hải.
Thuở xưa, có một vị Hòa Thượng, tánh tình rất là tệ. Vị tri khách sư yêu cầu ông ta sửa sai. Khi ấy ông liền cầu xin tận tình sám hối, và cũng kể từ khi ấy ông tịnh khẩu, làm hương đăng ở trên gác chứa kinh, nhất tâm trì chú Đại Bi, dụng công cả ngày lẫn đêm. Sau khi niệm được ba năm, thì cùng với mỗi chữ mỗi chữ trong chú Đại Bi đến được bên kia Niết Bàn.
Trì chú là một phương pháp không phân biệt pháp môn. Nếu có thể cùng với từ chữ một mà nhập quán, thì liền có thể ly khai được thế giới này, đến một cõi nước thiền định khác, tục xưng là tam muội.
Tham thiền thì thế nào? Tham thiền thì phải thêm vào sự chú ý, trong thiền đường gọi là chú ý thoại đầu, mỗi giờ mỗi khắc phải chiếu cố thoại đầu. Nhưng chiếu cố thoại đầu thì chúng ta không hiểu đâu, thành ra là phải chiếu cố một việc không hiểu. Bởi vì trong lúc không hiểu nên phải đi tìm tòi, mò mẫn, tham cứu trong không hiểu, ai mà không biết khi không hiểu một thì tất cả đều không hiểu. Người khác mắng bạn, bạn không hiểu. Người khác đánh bạn, bạn không hiểu, người khác cầu danh, bạn không hiểu. Người khác tranh quyền đoạt lợi, bạn không hiểu. Thị phi nhơn ngã, bạn không hiểu. Niệm Phật là ai? Không hiểu. Ở địa phương không hề chi chuyện không hiểu một năm, không hiểu hai năm, ba năm. Hư Vân Lão Hòa Thượng tham: “Kéo tử thi là ai”, hành không biết hành không hiểu; ăn không biết ăn – không hiểu; nhìn mà không thấy – không hiểu. Sau cùng tình nghi không hiểu đã đứt lìa, thì lúc ấy liền chứng ngộ, rồi soi thấy năm uẩn đều không. Ngũ uẩn không thì đó chính là Bát Nhã, mà Bát Nhã chính là Phật tánh. Cho nên, nhất định phải khổ công tu luyện, dùng chữ chiếu để mỗi thời khắc phải xem xét lại chính mình. Trong một động niệm đều phải chiếu cố, vậy thì mới có thể bảo tồn được thiện niệm. Và phải tiêu diệt ác niệm. Chúng ta một niệm đều phải nên xem xét nó từ nơi đâu đến, rồi chiếu cố niệm này sẽ đi về phương nào. Nếu bạn có thể chiếu cố được tâm niệm của chính mình thì thọ tưởng hành thức sẽ rỗng không. Nếu soi lại sắc thân của mình thì thân thể sẽ rỗng không, nhưng tâm chưa rỗng không. Vọng tưởng thì luôn sanh sanh diệt diệt. Nếu ta thấy được vọng tưởng thô sơ này thì sau đó vọng tưởng thô sơ biến thành vọng tưởng vi tế. Vọng tưởng vi tế giống như dòng nước chảy, người xưa thường gọi là dòng chảy sanh diệt, còn Triệu Châu đại sư gọi đó là: “Bọt nỗi trên dòng nước chảy xiết”, niệm niệm không dừng lại, giống như một thác nước vậy. Xa thấy không sanh diệt, nhưng kỳ thật vi tế sanh diệt, không dừng một khoảnh khắc nào. Lại để ý sanh diệt rồi, tịch diệt hiện tiền, thì liền được tâm rỗng rang thi đỗ trở về, hoàn toàn nhờ vào chữ chiếu này vậy. Vì thế mà người tu không cần dùng nhiều phương pháp, chỉ soi thấy năm uẩn đều không, và lưu ý đến chữ chiếu. Vậy chiếu cái gì? Chiếu chính mình, mình chính là năm uẩn. Người nào lại chẳng có năm uẩn? Mà năm uẩn thì xưa nay vốn không, khi mê thì mới có, khi ngộ thì liền không. Người xưa nói rằng: “Sắc uẩn giống như chùm bọt nổi, còn thọ uẩn thì giống như bong bóng nước” không luận là khổ thọ hay lạc thọ, trong một phút chốc liền qua mất. Tưởng uẩn giống như ánh nắng mặt trời, nắm bắt thế nào cũng là vọng tưởng không thật. Hành uẩn thì giống như thân cây chuối, cứ lột vỏ ra từng bẹ, lột đến tận cùng thì liền trở thành không. Thức uẩn giống như là huyển hoá.
Độ nhứt thiết khổ ách
Do Bát Nhã soi thấy năm uẩn đều không, nên mới được ra khỏi nhà lửa ba cõi.
Xá Lợi Tử sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Đây là giải thích về chân lý năm uẩn vốn là không! Xá Lợi Tử: Tức là Xá Lợi Phất. Là bậc trí tuệ đệ nhất, là chúng đương cơ vào thời Phật Thích Ca giảng tâm kinh. Vì thế nên được Phật gọi tên ngài để nói.
Hàng phàm phu thì bảo tất cả sắc ở ngoài tâm, ngoài tâm có sắc, đem tâm này và sắc chia làm hai dạng, mà không biết sắc từ tâm sanh ra. Nếu tìm tâm không thể được, thì sắc nào từng có thể được. Thế nên sắc chính là không và sắc cũng chẳng khác không.
Lại nữa, hàng phàm phu thì cho không là ở ngoài tâm, mà họ chẳng biết không là một pháp, một pháp đó cũng chưa từng ly khai tâm nầy. Không do tâm sanh, không nhân ở tâm mà có, nên tìm tâm không thể được. Tâm không nên cái không do tâm sanh ra cũng không. Cho nên không chẳng khác sắc.
Không cùng với sắc không phải là hai mà là một. Sắc tức là không, sắc từ không mà sanh ra. Vậy đương thể cũng là không cho nên gọi ”tánh chất của sắc vốn là không”, chẳng phải đợi sắc diệt rồi mới không. Ví như bóng trăng ở trong nước, đương thể của nó chính là không, chẳng cần đợi đến trăng ở trong nước mất rồi mới không, cho nên nói sắc tức là không. Lại nữa, trong nước vốn không có trăng, nay lại hiện đến một vầng trăng, đây là nói không tức là sắc. Tánh không thì sanh ra tất cả sắc, mà tất cả sắc thì cuối cùng quay về ở nơi không. Như thế, tất cả pháp từ nơi không mà sanh, rốt lại cũng quay về không. Thiên đường không, địa ngục không, nghèo giàu khổ vui không, cho nên gọi sắc tức là không, không tức là sắc.
Bây giờ xin giải thích thêm để cho rõ: Sao gọi là sắc? Ngôn ngữ văn tự và tất cả vật thể có tướng, mà mắt thấy thì đều gọi là sắc. Mà sắc vì sao gọi là không? Ví như Chú Đại Bi: có rất nhiều người hiểu lầm, họ cho rằng chú Đại Bi là thuộc về sắc. Từng chữ từng chữ sau khi học hiểu lưu lại ở nội tâm, giờ hãy xem lại nội tâm, phải chăng là có chú Đại Bi tồn tại? Không vậy, một chữ cũng không có. Đại Bi chú đã không mà chú Đại Bi là sắc, cho nên sắc tức là không. Lại do vì chú Đại Bi là không cho nên có thể dung nạp những thứ khác ở bên ngoài. Nếu cho là có thì không thể học thêm được những thứ khác. Và không thể đem kinh chú khác Đại Bi chú ở bên ngoài mà dung nạp vào nội tâm. Nhân vì “không”, nên có thể học thêm được chú Lăng Nghiêm, mỗi chữ mỗi chữ chen thêm vào. Xem lại một chữ cũng không thể được tức cũng là không. Như thế thì đọc thuộc chú Đại Bi , trở về không, đọc thuộc chú Lăng Nghiêm trở về không, đọc thuộc kinh Kim Cang cũng trở về không. Điều này minh chứng được sắc tức là không.
Sao gọi không tức là sắc? Chú Đại Bi ở trong tâm là không, một chữ cũng không thể được. Vậy mà ta có thể tụng thuộc lòng không sót một chữ. Điều này chứng minh được không tức là sắc.
Sắc tức là không, không tức là sắc, hiện hiện thành thành, cho nên Phật Pháp hiện thành. Đức Như Lai là người đã phát minh ra, cho nên Phật pháp gọi là phát minh tâm địa, chớ không nói là sáng tạo đươc. Vậy ai phát minh chơn lý? Ai chính là Bồ Tát? Ai không phát minh chơn lý? Ai chính là phàm phu? Vì thế nên Phật pháp là bình đẳng, tức một người phát minh thì một người thành Phật, hai người phát minh thì hai người thành Phật. Kẻ giác trước giác ngộ hậu giác, kẻ hậu giác học nơi bậc tiên giác.
Đem chú Đại Bi, Lăng Nghiêm niệm ra cho đó chính là sắc, mà tính của sắc này xưa nay vốn là không, cho nên chẳng phải sắc diệt là không, cũng chẳng phải sắc diệt rồi mới là không. Mà là tánh của sắc tự nó vốn là không. Ngay trong khi bạn quán không thì “tánh không vốn là sắc, chẳng phải không diệt rồi mới gọi là sắc”. Chẳng phải không diệt rồi mới có sắc, vì tánh của không tự nhiên sanh ra tất cả sắc. Cho nên sắc chẳng khác không, không cũng chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc.
Thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị
Một pháp là như thế, mọi pháp cũng đều như vậy.
Xá Lợi Tử! Thị chư Pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Công dụng của Bát Nhã là soi thấy năm uẩn đều không. Nếu năm uẩn không thì hay vượt qua hết tất cả khổ ách, vượt qua hết tất cả khổ ách rồi thì sau đó mới thấy được chơn tướng thanh tịnh của các pháp. Vì thanh tịnh chính là biệt danh của không, cho nên gọi là không tướng của các pháp.
Bản lai diện mục của các pháp chính là không tướng, thật tướng của các pháp cũng chính là không tướng. Các pháp chưa từng rời khỏi không tướng, cho nên gọi là chư pháp không tướng. Ví như sanh tử là một không tướng, khi mê thì cho là có, còn nếu đem Bát Nhã để quán soi thì sanh tử chính là không vậy. Chẳng phải ly khai sanh tử rồi sau mới có Niết Bàn, hễ sanh tử liền không thì chính là Niết Bàn. Bát Nhã soi thấy phiền não xưa nay vốn là không. Phiền não không là Bồ Đề. Chúng sanh cũng vốn là không. Thật ra không có một chúng sanh nào để được độ thoát. Vì thật tướng của tất cả các pháp là không, cho nên tất cả các pháp từ xưa đến nay không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không thêm, không bớt.
Tất cả pháp đều không sanh, nhưng thử hỏi trăng ở trong nước có sanh chăng? Không sanh. Trăng ở trong nước có diệt chăng? Không diệt. Trăng ở trong nước không sanh, không diệt thì tất cả các pháp cũng không sanh không diệt. Lại nữa, trăng ở trong nươc có hay không có dơ bẩn ? Không dơ. Trong nước dơ cũng có ánh trăng lồng, nhưng không bị nước dơ làm nhuộm bẩn. Ở nước trong lắng cũng có trăng mà trăng này cũng không bị nước trong lắng thấm nhiễm. Cho nên nói là bất cấu bất tịnh (không dơ không sạch).
Bất tăng bất giảm (không thêm không bớt). Trong đại hải thì một ngày thủy triều hai lần dâng lên, nhưng nước biển cũng chẳng từng thêm. Và một ngày hai lần thủy triều rút xuống, nước biển cũng không từng giảm bớt. Cho nên, chúng sanh lúc thành Phật thì Phật tánh không từng tăng thêm, và khi chưa thành Phật thì Phật tánh cũng không từng bớt đi. Khi sanh về cõi tịnh thì Phật tánh không từng thanh tịnh, còn khi đọa vào địa ngục thì Phật tánh cũng không bị nhuộm dơ. Hàng phàm phu thì có luân hồi sanh tử, còn Phật tánh thì không sanh cũng không tử, giống như hư không, tuy sáng tối đến đi, nhưng tánh không vẫn không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.
Ở trong tướng không của thật tướng các pháp, không có năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nhân đó mà chư Phật Như Lai tuyệt đối không chấp trược vào sắc, không chấp vào thọ, tưởng, hành, thức, trong tướng không của các pháp năm uẩn cũng không có thể đắc. Thế nên trong tướng không của các pháp, một chúng sanh cũng không. Kinh Kim Cang chép: “Vô lượng vô biên chúng sanh diệt độ, kỳ thật không có một chúng sanh nào được diệt độ cả”. Chính là nói ý nghĩa này vậy.
Ở trong thật tướng của các pháp, cũng không có tướng của sắc có thể đắc, còn tánh của sắc chính là tướng không của các pháp. Trong tướng không đó, không có tướng của vô sắc có thể đắc, không có chữ nghĩa của chú Lăng Nghiêm, và chú Đại Bi có thể đắc. Và cũng không có văn của kinh Kim Cang có thể được. Thế nên gọi là không trung vô sắc.
Vô sắc thì thân liền trở thành không. Không có thọ, tưởng, hành, thức, và tâm cũng không. Điều đó gọi là thân tâm cả hai đều tiêu mất. Thân không mà tâm cũng không nữa, thì Phật liền hiện tiền. Chính là do thân thể của chúng ta chẳng rỗng không, cho nên có sanh lão bệnh tử khổ, vì tâm chẳng rỗng không, cho nên có sanh trụ dị diệt. Nếu thân không thì không có sanh lão bệnh tử khổ, còn tâm không thì liền không có sanh trụ dị diệt. Thân và tâm cả hai đều tiêu mất, Phật tánh hiện tiền. Cho nên, học Phật là một việc rất hiện thực và đơn giản.
Vô nhãn nhỉ tỵ thiệt thân ý.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý gọi là sáu căn. Căn nghĩa là năng sanh ra, căn là do chứa nhóm nghiệp mà sanh. Như mắt nhìn sắc thì ngay trong lúc thấy sắc đó hoặc nhìn bậy, hoặc nhìn trộm, thì từ đó liền tạo ra nghiệp. Lại như mắt thấy vàng ròng thì khởi tâm trộm cắp, thấy mỹ nữ thì khởi tâm dâm loạn, thấy danh thì tham danh, thấy ăn thì tham ăn. Đây là do nhãn căn mà chất chứa nghiệp.
Sáu căn rỗng không tức là thanh tịnh, chớ chẳng phải là không hiểu biết. Đức Như Lai vì nhãn căn rỗng không nên sanh ra đầy đủ ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn, cho nên nhãn căn phải rỗng không. Nếu chẳng như vậy thì liền có thể tạo nghiệp. Nhĩ căn cũng lại như vậy. Nếu nhĩ căn chẳng rỗng không thì tất cả những việc thị phi, dâm từ, ca khúc, sẽ khiến cho người tạo nghiệp.
Tỵ thiệt thân ý cũng lại như vậy. Cho nên nó làm cò mồi cho lục tặc, để cướp chính gia bảo mình. Lục căn tức là lục tặc. Nó đã cướp đi của báu chơn như Phật tánh của chúng ta. Nếu ta đem Bát Nhã ra để quán chiếu, thì thấy được thật tướng của các pháp là không tướng. Thế nên, trong không tướng ấy không có nhãn, nhỉ, tỵ, thiệt, thân, ý. Và cũng chẳng phải là chẳng có, mà là trống rỗng, là thanh tịnh.
Vô sắc thinh hương vị xúc pháp
Sắc thinh hương vị xúc pháp là sáu trần, trần là vấy bẩn. Nó hay ngăn che Phật tánh vốn thanh tịnh xưa nay của chúng ta. Như mắt xem sắc trần thì khởi niệm tham, đây là sắc trần che đậy Phật tánh. Cũng thế, tai nghe thinh trần thì khởi đắm chấp, mũi ngửi hương trần thì khởi đắm thủ, lưỡi nếm vị trần thì đắm chấp lạc trước, thân chấp trược vào xúc trần, ý bám theo pháp trần, tất cả đều hay ngăn che Phật tánh.
Sáu căn đối chọi với sáu trần thì khi sáu căn rỗng không, sáu trần cũng theo đó mà không. Nếu sáu căn chấp lấy sáu trần thì liền có sanh tử. Và nếu sáu căn hồi quang phản chiếu, phản lưu toàn nhất thì đó chính là Niết Bàn. Vì vậy mà Bồ Tát Quán Thế Âm, từ nơi văn, tư, tu, mà vào được trong tam ma địa. Đó là ngài dùng nhĩ căn để “phản văn văn tự tánh” (phản lại cái nghe để nghe tự tính), để chuyển tính thành vô thượng đạo. Nhĩ căn nghe lời thị phi, lời nói không đâu có thể tạo tội. Nếu nhĩ căn phản lại cái nghe, xa lìa được thinh trần, cũng từ đó mà khiến cho bạn được thành tựu ngôi vị Đẳng Chánh Giác.
Người tu nhất định là phải lìa sáu trần, xuất gia chính là ly khai sáu trần. Cái gọi là xuất gia là ra khỏi nhà sáu trần. Ví như giới Sa Di là hoàn toàn bỏ sáu trần. Sát, đạo, dâm, vọng, uống rượu đây là năm giới của người cư sĩ tại gia được thọ trì. Nhưng Sa Di giới thì lại thêm vào: Giới thứ sáu là không ca hát, không nhảy múa, và cũng không đến chổ ca múa để xem nghe. Đây chính là nói lìa bỏ nhà thinh và sắc trần. Giới thứ bảy là không đeo vòng hoa thơm, thân không xoa dầu thơm. Đây là ra khỏi nhà hương trần. Giới thứ tám là không nằm giường lớn cao rộng. Đây là lìa khỏi nhà xúc trần. Giới thứ chín là quá giờ ngọ không ăn, nên không tham trước mùi vị của thức ăn uống. Đây là lìa khỏi nhà vị trần. Giới thứ mười là tay không cầm tiền bạc vật báu. Đây là ra khỏi nhà pháp trần (Còn như ta phân biệt mình có bao nhiêu của báu là pháp trần).
Vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới
Nhãn thức, nhỉ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, gọi chung là sáu thức, nếu thêm vào sáu trần, sáu căn nói trên thì gọi là mười tám giới, mà mười tám giới chính là chúng sanh. Ở trong thì có sáu căn, ở ngoài thì có sáu trần, chính giữa là sáu thức. Sáu trần thì vô tri, sáu căn thì có hiểu biết, sáu thức thì hay phân biệt. Nhưng lục căn thì không phân biệt như mắt nhìn vật, chính nó chưa từng thể phân biệt được dài ngắn vuông tròn, mà do nhãn thức phân biệt. Nhĩ căn thì chỉ có thể nghe âm thanh, nhưng không thể phân biệt là tiếng nam, tiếng nữ, tiếng gió, tiếng lửa … mà là do nhĩ thức phân biệt. Chúng sanh không chịu lìa khỏi sanh tử, đều do lưu luyến vào sáu căn, sáu thức, sáu trần, mà mà mình có rồi tự nhốt mình trong trong mười tám giới. Nếu lìa khỏi 18 giới thì liền chẳng có chúng sanh. Vì thế mà gọi là hễ đây không thì kia không. Nếu 18 giới hòa hợp nhau thì liền có chúng sanh, cho nên gọi đây có thì kia có. Chúng sanh xưa nay vốn là không. Nếu không có sáu căn, sáu trần, sáu thức thì từ bao giờ có chúng sanh đâu? Chỉ vì chúng sanh không chịu đem 18 giới ra để buông xả, nên bị 18 giới nó che đậy Phật tánh. Vì thế nơi nơi mới có thọ sanh, rồi trôi nổi trong lục đạo, không có dứt kỳ hạn.
Thuở xưa có một vị phạm chí (Bà La Môn) dâng hoa cúng Phật, Thế Tôn mới bảo vị ấy: “Buông xuống đi!”. Vị phạm chí mới bỏ cành hoa đang cầm ở trên tay trái xuống đất. Thế Tôn lại bảo: “Buông xuống đi!”. Phạm chí lại bỏ cành hoa đang cầm ở trên tay phải xuống đất. Thế Tôn lại bảo: “Buông xuống đi!”. Vị phạm chí mới hỏi Phật rằng: “Hoa ở trên hai tay con đã buông xuống hết rồi, vậy Thế Tôn lại muốn con buông xuống cái gì nữa?”. Thế Tôn nói: “Ta bảo ngươi, ở trong thì buông xuống sáu căn, bên ngoài thì buông xuống sáu trần, chính giữa thì buông xuống sáu thức, 18 giới cùng một lúc buông xuống hết buông cho tới chỗ không còn gì để buông nữa, thì đó chính là chỗ ngươi an thân lập mạng”. Vị Phạm chí liền ngộ đạo ngay.
Vì hiện tại sáu căn, sáu trần, sáu thức của chúng ta đều chưa được buông xuống, nên bị 18 giới che đậy Phật tánh. Muốn thấy được Phật tánh thì nhất thiết phải đem 18 giới buông xuống. Dùng Bát Nhã để quán chiếu, vô nhãn giới cho đến vô ý thức giới, cả 18 giới đều trở thành không. Nếu 18 giới không, thì 18 giới thanh tịnh. Đó chính là thật tướng của các pháp, chính là Phật tánh.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận
Sao gọi là vô minh? Chúng sanh không chịu buông bỏ 18 giới, cho nên lại bị 18 giới che ngăn Phật tánh, mà Phật tánh không tỏ rõ thì gọi là vô minh. Thế nên Kinh chép: “Chơn như không giữ được tự tánh, do vì một niệm bất giác, mà có vô minh”.
Chân như thì mọi người đều có, nhưng không thể giữ được cương vị của chính mình. Kinh chép: “Do pháp trụ nơi cương vị của pháp, nên tướng của thế gian mới thường trụ”. Đó chính là chơn như giữ đúng tự tánh, hàng phàm phàm phu thì chơn như không giữ được tự tánh. Cho nên trong một niệm bất giác mà lại vọng động, thì có vô minh. Mà vô minh thì không thật thể, hễ có vô minh thì nhất định có hành, cho nên gọi bất giác là vô minh, mà vọng động chính là hành. Hành thì chia ra thiện hành, ác hành và bất động hành, gọi chung là nghiệp hành. Hành thì hẳn nhiên là có thức, thiện hành thì có thiện thức, còn ác hành thì có ác thức, bất động hành thì có bất động thức. Hành tức là nghiệp. Nhơn nghiệp thì có nhơn thức, ví như thấy nước là nước. Thiên nghiệp thì có thiên thức – thấy nước là lưu ly. Ngạ quỷ nghiệp thì có ngạ quỷ thức, thấy nước thì nước ấy liền biến thành lửa dữ.
Nếu đã có thức rồi thì nghiệp dẫn thức đi đầu thai. Thức cùng với tinh cha, huyết mẹ, ba nhân duyên này hòa họp nhau mà tạo thành thai. Đó gọi là danh sắc. Sắc là tinh cha huyết mẹ, còn thần thức của mình gọi là tâm. Do vì tâm kia chỉ có tên mà không có tác dụng cho nên xưng là danh sắc. Danh sắc thì bảy ngày thay đổi một lần, sau 49 ngày thì có sinh ra năm bào: tức là đầu, hai tay, hai chân. Mãi đến mười tháng sau lục căn mới thành thục, lục căn thì có công năng vào trong lục trần, cho nên cũng gọi là lục nhập. Đứa bé sau khi chào đời thì cùng với lục trần cảm xúc nhau, cho nên gọi là lục nhập duyên xúc. Xúc cảnh thì có khổ có vui, đây là thuộc về thọ, nên gọi xúc duyên thọ, thọ là quả báo. Lúc thọ quả báo thì tâm sanh ràng buộc, nên thọ duyên ái. Nếu vui thọ thì ái luyến ấy hòa hợp lâu dài, còn khổ thọ thì sự luyến ái ấy thường lìa nhau, do ái hợp ái ly mà sanh ra thủ, mà thu tức là tạo nghiệp. Nếu y cứ theo lý mà chấp lấy thì thuộc về thiện nghiệp, còn y cứ theo phi lý mà chấp lấy thì thuộc về ác nghiệp, nên gọi là thủ duyên hữu, mà hữu tức là nghiệp, có nghiệp cho nên mới có sanh, vì có sanh nên mới có lão bệnh tử, ưu bi khổ não.
Do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh lão bệnh tử, ưu bi khổ não. Đây gọi là mười hai nhơn duyên. Nếu đem trí Bát Nhã ra để quán soi thức: vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão bệnh tử, ưu bi khổ não diệt. Nếu mười hai nhơn duyên này không thì có thể chứng được quả Phật Bích Chi. Còn nếu đem Bát Nhã để quán chiếu thật tướng của các pháp thì không những “Vô vô minh” (không có vô minh), không có vô minh của hàng phàm phu, mà lại cũng không có hết vô minh của Bích Chi Phật.
Nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận
Không có lão tử của hàng phàm phu mà cũng không có lão tử tận của Bích Chi Phật. Nếu dùng Bát Nhã để quán soi tất cả pháp thì có thể vượt qua pháp thế gian – vô minh, vượt qua pháp xuất thế gian – vô minh tận.
Vô khổ tập diệt đạo
Khổ, tập, diệt, đạo gọi là Tứ Thánh Đế. Đế có ý nghĩa là chân thật. Tứ Thánh Đế không phải là đạo quả của Bích Chi Phật mà là đạo quả của A La Hán. Thế Tôn ba lần chuyển mười hai vòng pháp (còn gọi là Tam chuyển Tứ Thánh Đế), để chỉ bày cho hàng nhị thừa pháp môn Tứ Đế.
1/ Thị Tướng chuyển:
Đây là khổ, mang tánh bức bách: Chỉ quả báo của chúng sanh hoàn toàn là khổ đau, đã sanh lão bệnh tử, lại thêm nghèo bệnh hùa nhau bức bách. Đó là khổ khổ. Cho đến khoái lạc cũng vô thường. Khi niềm vui tàn hoại thì khổ đau phát sanh, thế nên gọi là hoại khổ. Cho đến hưởng thụ cái vui của thiền định cũng vô thường. Đây thuộc về hành khổ. Thế nên ở trong tam giới thì có khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Đó gọi là tam khổ. Ngoài ra còn có tám thứ khổ, là: Sanh, già, bịnh, chết, thương phải xa, ghét phải gần, cầu không được, khổ ngũ ấm lẩy lừng. Vì chúng sanh không biết khổ nên Đức Như lai đã chỉ bày cái tướng khổ.
Đây là tập, mang tánh chiêu cảm. Khổ từ đâu đến? Khổ là tự mình vẩy gọi đến, nên gọi là tập đế. Tập nghĩa là chiêu cãm. Mọi người đều có phiền não, tham sân si. Do đây mà ba phiền não tạo nên các thứ nghiệp sát, đạo, dâm, vọng … Do nghiệp mà chiêu cảm, 8 thứ khổ đã thuật ở trên. Khổ là quả khổ, còn phiền não nghiệp là nhân khổ.
Đây là diệt mang tánh có thể chứng: Nếu diệt được khổ nhân và khổ quả rồi thì gọi là Diệt Đế. Khổ hết thì chính là Niết Bàn.
Đây là đạo, mạng tánh có thể tu : Diệt khổ nhân, khổ quả cần yếu phải tu đạo. Đạo Đế là một pháp môn vô lậu, nếu tu pháp môn vô lậu này thì sẽ không còn rơi lọt vào trong vòng sanh tử nữa.
2/ Khuyến tu chuyển:
Đây là khổ, ngươi nên biết: Biết tức là giác vậy. Hiểu được cái khổ của sanh thì vô sanh, hiểu được cái khổ của trụ thì trụ. Hiểu được cái khổ trụ của diệt thì vô diệt. Biết khổ vốn là vô sanh, thì nào lại có khổ? Cho nên gọi: đây là khổ, ngươi nên biết.
Đây là tập, ngươi nên đoạn: Tập là phiền não, phiền não thì có thể đoạn được. Làm sao đoạn được đây? Nhất định là phải biết, biết rõ được tập vốn là vô tập, thì tức là đoạn tập. Cho nên gọi: đây là tập, ngươi nên đoạn.
Đây là diệt, ngươi nên chứng : Chứng thế nào đây? Tức là khổ nhân và khổ quả đã diệt xong, mà diệt ở đây là do sanh mà có. Nếu không có sanh thì không có diệt, “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền” (Sanh diệt diệt rồi, thì tịch diệt hiện ở trước). Cho nên gọi là chứng.
Đây là đạo, ngươi nên tu: Đạo là có thể tu, như trì giới thì có giới, còn không trì giới thì không có giới. Tu định thì có định, nếu không tu định thì chẳng có định. Nếu đoạn được vọng hoặc thì có trí tuệ. Nếu chẳng đoạn trừ thì trí huệ chẳng phát sanh. Vì thế mới nói là: ngươi nên tu.
Gọi tu tập đạo chính là tu 37 món trợ đạo phẩm: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, ngoài ra còn có tam vô lậu học là: Giới, định, tuệ (huệ).
3/ Đắc Chứng Chuyển:
Đây là khổ, ta đã biết: nên không cần phải biết nữa.
Đây là tập, ta đã đoạn: nên không cần phải đoạn nữa
Đây là diệt, ta đã chứng: nên không cần phải chứng nữa.
Đây là đạo, ta đã tu: nên không cần phải tu nữa.
Vì sao không cần phải biết nữa, đoạn nữa, chứng nữa, tu nữa vậy? Nhân vì Như Lai đã ngộ lý chơn thật của tứ đế. Ví như khổ là Hữu vi pháp, hữu vi thì không lìa ba tướng: sanh, trụ, diệt. Như Lai đã ngộ được sanh tướng của khổ là không thể đắc, ngộ trụ tướng của khổ là không thể đắc, ngộ diệt tướng của khổ là không thể đắc. Nếu ngộ đến ba tướng sanh, trụ, diệt của khổ là không thể đắt. Thế thì đương thể của khổ tức là không, mà không chính là lý thật đế của khổ. Vì thế gọi là khổ đế.
Tập cũng là pháp hữu vi, nó chẳng lìa khỏi ba tướng. Vậy thì phiền não có sanh chăng? Khi ngộ thì “vô sanh tướng” có thể đắc. Phiền não có trụ chăng? Khi ngộ thì “vô trụ tướng” có thể đắc. Phiền não có diệt chăng? Khi ngộ thì “vô diệt tướng” có thể đắc. Như vậy, khi mê thì thấy có phiền não sanh trụ, diệt có thể đắc. Còn lúc ngộ rồi thì phiền não sanh, trụ diệt, ba tướng này đều không thể đắc, vì đương thể của nó chính là không. Đây là tướng chân thật của tập cho nên gọi là tập đế.
Diệt lại là như thế nào? Có sanh thì phải có diệt? Nếu giác thì không có khổ sanh, và cũng không có khổ có thể diệt. Tịch diệt hiện tiền tức là chơn đế của diệt. Như Lai nói diệt là do khổ diệt mà kiến đế, một khi kiến đế rồi thì không còn khổ, không còn tập. Cho nên gọi là vô diệt.
Như thế nào gọi là đạo? Ví như tu đạo giới, định, tuệ. Vậy thì giới có sanh chăng? Giới thì không có tướng sanh. Giới có trụ chăng? Giới thì không có tướng trụ. Giới có diệt chăng? Giới không có tướng diệt. Như vậy, Giới, định, tuệ đều không có ba tướng sanh, trụ, diệt có thể đắc, không có ba tướng sanh, trụ, diệt thì chính là pháp vô vi. Đương thể của giới, định, tuệ chính là không, đạo tức là không tướng, tu tức là vô tu. Cho nên gọi rằng: đây là đạo ta đã tu, nên không cần phải tu nữa.
Lục Tổ nói:
Tâm địa vô phi tự tánh giới
Tâm địa vô si tự tánh tuệ
Tâm địa vô loạn tự tánh định
(Tâm địa không sai quấy thì tự tánh giới
Tâm địa không si mê thì tự tánh tuệ
Tâm địa không tán loạn thì tự tánh định)
Đây là chơn lý của giới định tuệ, và cũng chính là chơn lý của đạo vậy.
Ở trong không tướng và thật tướng của các pháp, vốn không có pháp khổ tập của phàm phu. Và cũng không có pháp diệt đạo của thánh hiền, cho nên gọi là vô khổ tập diệt đạo.
Vô trí diệc vô đắc
Tất cả các pháp đều không, không tướng chính là thanh tịnh tướng. Ở trong tướng thanh tịnh ấy, lục căn thanh tịnh nên không có nhãn, nhỉ, tỵ, thiệt, thân, ý. Vì sáu trần thanh tịnh nên không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì lục thức cũng thanh tịnh nên không có nhãn giới, thậm chí không có ý thức giới. Vì vô minh thanh tịnh nên không có vô minh. Vì vô minh tận cũng thanh tịnh nên không có vô minh tận. Vì lão tử thanh tịnh nên không có lão tử. Vì lão tử tận cũng thanh tịnh nên không có lão tử tận. Không có trí năng tu lục độ vạn hạnh của hàng Bồ Tát nên trí cũng thanh tịnh, đó là vô trí. Vạn hạnh đã thanh tịnh rồi thì nào có thể đắc? Cho nên gọi là vô đắc. Pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều thanh tịnh, cho nên gọi là vô sở đắc.
Đây là pháp môn của hàng Bồ Tát. Bồ Tát lấy lục độ làm trí, trí là đoạn hoặc. Trước khi chưa chứng được tất cả pháp tịch diệt thì cần phải dùng trí để đoạn hoặc. Nhưng vì tất cả pháp xưa nay vốn vắng lặng, nên không có trí năng đắc, không có pháp sở đắc, cũng không có trí năng tu, không có pháp sở tu. Nếu thấy có năng sở thì đó là tâm sanh diệt. Còn không thấy có năng sở thì tức là tâm tịch diệt, cho nên nói là vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa
Khi ngộ tất cả tâm không thì gọi là Bồ Đề, mà rõ được tất cả pháp không thì gọi là Tát Đỏa. Tâm và Pháp nhất như đều không có năng đắc và sở đắc. Do vì không có sở đắc cho nên đó chính là Bồ Đề Tát Đỏa.
Y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng
Sao gọi là quái ngại? Ví như con ngươi cùng với tròng trắng của mắt họp nhau đó là không quái (ngăn) ngại, mắt cùng với cát thì không thể họp nhau, đó là quái ngại, lại như da cùng thịt họp nhau đó là không quái ngại, cũng nếu như trong thịt có gai thì có quái ngại. Do quái ngại và tâm Bát Nhã chẳng đồng nhau, nên Tâm Bát Nhã là không, mà tất cả pháp là có. Nếu tất cả pháp chẳng không, có cùng với không, chẳng thể họp nhau thì liền có quái ngại.
Nếu như tất cả các pháp không, thì pháp không cùng với tâm Bát Nhã rỗng suốt họp nhau thì liền không có quái ngại. Thế nên tất cả pháp không tức là Bát Nhã, Bát Nhã tức là nhứt thiết pháp không, Bát Nhã cùng với tất cả “Pháp không” còn sai biệt. Tức là tất cả các “Pháp không” chẳng ngại Bát Nhã, mà Bát Nhã cũng chẳng ngại tất cả Pháp không. Giống như chú Đại Bi lưu vào nội tâm thì rỗng không, cho nên không từng ngăn ngại chú Lăng Nghiêm. Chú Lăng Nghiêm ở nội tâm lại cũng là không, thế nên không kia không đây, “không” cùng với “không” họp nhau, thì không có ngăn ngại. Giả như có một pháp chẳng không thì liền có quái ngại.
Thuở Bồ Tát Lục Tổ còn tại thế, có một vị Tăng tên là Pháp Đạt đến đảnh lễ Lục Tổ, nhưng đầu không chạm đến đất.
Lục Tổ nói: “Trong tâm của ông ta tất nhiên phải có một vật”.
Pháp Đạt nói:”Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã được 3000 bộ”. Hể tự cho là đã đọc kinh Pháp Hoa 3000 bộ, thì cần gì phải lạy đầu chạm đến đất. Vậy thì 3000 bộ kinh Pháp Hoa kia chưa không, vẫn còn đặt ở nội tâm thì liền thành khối trở ngại của ông”.
Vì pháp thế gian chẳng không thì chẳng thể hợp cùng với Bát Nhã nên liền có quái ngại. Xuất thế gian Pháp cũng chẳng không nên cùng với Bát Nhã không thể hợp được thì cũng có quái ngại. Nếu thế gian pháp không, xuất thế gian pháp cũng không, cùng với không tướng của Bát Nhã họp nhau thì không có quái ngại. Mà không quái ngại thì không có khủng bố. Khủng bố tức là buồn rầu lo lắng. Như trong mắt có hạt cát, nếu không lấy bỏ thì sẽ bị mù, mà mù chính là khủng bố. Nếu trong mắt không có cát thì không có sợ chi phải mù. Lại nữa như trong thịt có gai, nếu không lể bỏ thì sẽ có mối rầu lo về chuyện nung mũ, rồi trở thành ghẻ nhọt.
Phàm phu thì có mối khủng bố về sanh tử. Còn kẻ nhị thừa thì khủng bố vì chìm trong trống vắng và cô tịch. Điều quan trọng là có một pháp nào dấn vào tâm khiến chẳng thể không thì pháp đó liền dẫn bạn vào sanh tử?.
Thuở xưa, có một vị tên là Kim Bích Phong nhập được không định, nên quỷ vô thường tìm kiếm ông không được. Quỷ vô thường bèn mời xin thổ địa giúp đỡ.
Ông thổ địa nói: “Kim Bích Phong này vật gì cũng có thể coi là không, nhưng có một cái bát thủy tinh thì ông ta rất yêu quý. Vậy thì hai anh hãy cùng biến thành chuột, rồi đem cái bát thủy tinh của ông ấy ra giỡn chơi, một tay thì cầm sẳn dây xích, chuẩn bị chờ khi ông ta xả định thì xiềng ông ấy lại”.
Kim Bích Phong khi nhập định thì thân thể không lay động. Nhưng ở trong định, lại nghe tiếng con chuột đùa giỡn với bát thủy tinh thì lập tức xuất định, rồi liền mắng to rằng: “Ai dám đụng vào cái bát thủy tinh của ta đấy?”. Ngay khi ấy một con quỷ vô thường lập tức xiềng ông lại. Sau khi Kim Bích Phong biết được cái bát thủy tinh là một vật ngăn ngại khiến cho quỷ vô thường đến bắt ông, ông bèn năn nỉ xin quỷ hãy nới mạng sống ông thêm bảy ngày nữa. Sau khi quỷ vô thường đi khỏi rồi, thì Kim Bích Phong liền đem bát thủy tinh ra đập bỏ. Đoạn ông nhập thiền định, trước khi nhập định ông viết trên vách bài kệ 4 câu rằng.
“Dục lai trảo ngã Kim Bích Phong
Du như thiết luyện tỏa hư không
Hư không nhược nhiên tỏa bất đắc
Mạc lai trảo ngã Kim Bích Phong
(Muốn đến tìm ta Kim Bích Phong
Giống như xiềng sắt khóa hư không
Hư không nếu như không thể xích
Chớ đến tìm ta Kim Bích Phong)
Nếu thế gian pháp chẳng không thì cùng với Bát Nhã có sự ngăn ngại. Như ở trong mắt có cát, nhận sanh tử luân hồi là thật có, pháp xuất thế gian chẳng không, nên cùng với Bát Nhã cũng có sự ngăn ngại. Như ở trong thịt có gai, nhận hóa thành làm bảo sở.
1. Hoá thành: do Phật tạm hóa ra chỉ hiểu thừa giáo là Pháp Phật tạm thuyết cho căn cơ thấp kém có thể nghe hiểu được cũng chỉ cho tiểu thừa Niết Bàn làm bảo sở.
2. Bảo sở: Là phản nghĩa của hóa thành, tức cứu cánh Niết Bàn.
Cho nên mới có điên đảo mộng tưởng về sanh tử của phàm phu và Niết Bàn của hàng nhị thừa.
Sanh tử của hàng phàm phu có bốn món điên đảo:
1. Thân bất tịnh mà kể chấp cho là tịnh.
2. Thọ là khổ mà kể chấp cho là vui.
3. Tâm vô thường mà kể chấp cho là thường.
4. Pháp vô ngã mà kể chấp cho là ngã.
Đây là tướng điên đảo của hàng phàm phu.
Niết Bàn của hàng Nhị Thừa cũng có bốn món điên đảo:
1. Chấp vào bất tịnh: nên không thấy pháp thân thanh tịnh
2. Chấp vào khổ: nên không thấy cái vui của tịch diệt
3. Chấp vô ngã: nên không thấy tự tại ngã
4. Chấp vô thường: nên không thấy Phật tánh hằng thường.
Đó gọi là mộng tưởng điên đảo của hàng Nhị Thừa.
Cho nên Bát Nhã soi thấy năm uẩn đều không, há chỉ lìa tất cả khổ ách mà sau khi lìa được tất cả khổ ách rồi thì mới thấy được tướng không của các Pháp, năm uẩn không, sắc không, mà cái không đó cũng không luôn. Tất cả các pháp đều không, đó chính là không tướng của các pháp và cũng là không tướng của năm uẩn. Cho nên trước giảng độ tận nhất thiết khổ ách rồi sau mới nói chư pháp không tướng. Nếu năm uẩn chưa rỗng không thì chính là tất cả pháp chẳng không, chẳng những tất cả khổ ách không thể độ tận mà lại còn có thể sanh ra khủng bố và điên đảo mộng tưởng. Đây chính là phàm phu nhận sanh tử là chân thật, còn hàng Nhị Thừa thì nhận Niết Bàn là thật hữu. Người mà ngộ đạo rồi thì xem sanh tử Niết Bàn giống như hoa đóm ở giữa hư không, sanh tử không thì Niết Bàn cũng không.
Do vì không có sở đắc cho nên Bồ Tát chứng được Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nếu có sở đắc thì không chứng được Bát Nhã Ba La Mật Đa. Mà chứng được Bát Nhã Ba La Mật Đa thì thấy được tất cả pháp chính là tâm, tâm chính là tất cả pháp. Cho nên tâm cùng với tất cả pháp không có ngăn ngại. Không quái ngại thì không có khủng bố của thế pháp và xuất thế pháp. Nếu đã không có tứ đảo sanh tử của thế gian phàm phu, lại không có tứ đảo Niết Bàn của xuất thế gian nhị thừa, thì đó chính là lìa xa được điên đảo mộng tưởng, rốt ráo chứng được Đại Bát Niết Bàn.
Cứu cánh Niết Bàn
Tâm không thể đắc, Pháp không thể đắc. Tâm và Pháp nhất như đều không có chỗ đắc. Đó chính là cứu cánh Niết Bàn. Lại gọi là Đại Bát Niết Bàn. Đại Niết Bàn là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, thường Tịch Quang Tịnh Độ là quê hương của chúng ta. Thường là pháp thân đức, tịch la giải thoát đức, quang la Bát Nhã đức. Tam Đức bí tạng thì đó gọi là hành xứ của chư Phật. Bồ Tát do nương vào Bát Nhã mà tu hành nên tâm không còn quái ngại, không có khủng bố, xa lìa được điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đắc Đại Niết Bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề
Vô minh trần lao phiền não vọng tưởng của đời quá khứ rỗng không, thì là Phật quá khứ, vô minh trần lao phiền não vọng tưởng của đời hiện tại rổng không, thì là Phật hiện tại. Vô minh trần lao vọng tưởng phiền não của đời vị lai rỗng không thì là Phật vị lai. Đem Bát Nhã để quán chiếu, quá khứ phiền não không, nên quá khứ thành Phật, hiện tại phiền não không, nên hiện tại thành Phật, vị lai phiền não không, nên vị lai thành Phật. Ba đời chư Phật đều nương vào Pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa này mà vô minh vọng tưởng phiền não trần lao được rỗng không. Vì thế nên ba đời chư Phật đều thành tựu được quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề là tiếng Phạn, nghĩa là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bồ Đề là tối thượng, Bồ Đề là tối bình đẳng, Bồ Đề là tối chơn. Thế nên lại xưng là đạo vô thượng chánh chơn.
Phần trên chỉ nói về tướng không của các Pháp, chứ không nói Pháp năm uẩn, mười tám giới của phàm phu, cùng không nói Pháp Tứ Đế, khổ tập diệt đạo của hàng Thinh Văn, cũng không nói đến Pháp 12 nhân duyên của Duyên Giác, cũng không có trí năng đắc và Pháp sở đắc của Bồ Tát, nói chung chính là không nói đến tam thừa pháp. Ba thừa đều rót về một Phật thừa, chín pháp giới cùng rót về một Phật giới.
Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa, thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đảng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chơn thật bất hư.
Do y cứ vào Bát Nhã Ba La Mật Đa tu hành, nên Phật thành tựu được diệu quả Bồ Đề, Bồ Tát chứng đại Niết Bàn. Cho nên Bát Nhã Ba La Mật Đa là :
Đại thần chú – thần lực thật lớn, hay độ cho chúng sanh được thành Phật.
Đại minh chú – hay phá trừ được vô minh phiền não của chúng sanh.
Vô Thượng chú – Bát Nhã là tối thượng, chẳng có gì hơn.
Vô đẳng đẳng chú – Bát Nhã là Phật mẫu, hay sanh ra tất cả Phật, không có một pháp nào mà có thể cùng sánh.
Năng trừ nhất thiết khổ – y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa mà tu hành, thì vượt ra khỏi nhà lửa ba cõi, đồng thời cũng xa lìa được khổ não của sanh tử luân hồi.
Chơn thật bất hư – Tức tâm tức Phật (tâm ấy là Phật) quyết không có hư dối.
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết.
Tâm kinh có hiển thuyết mà cũng có mật thuyết. Bây giờ đang giảng là mật thuyết. Mật thuyết rất đơn giản:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ Đề tát bà ha.
Đã nói mật thì không thể nào giải thích, mà cũng không để người biết được. Trong nhà Phật có rất nhiều người y theo hiển giáo mà tu hành hoặc theo mật giáo mà tu hành. Các chú Lăng Nghiêm, Đại Bi… đều không thể giải thích. Nếu như đi giải thích, thì không được gọi là mật rồi. Mật là giống như người uống nước nóng lạnh tự biết, giảng không được, và hiểu cũng chẳng tới. Chỉ có tự mình biết, chẳng qua hôm nay tôi đem ý nghĩa của chú này để nói sơ lược ra thôi.
Yết đế yết đế: đi đi
Ba La yết đế: đi đến bờ kia
Ba La tăng yết đế: Đại chúng đi đến bờ kia
Bồ Đề tát bà ha: mau chóng thành tựu chứng quả Bồ Đề./.
Viên Giác mùa đông năm 2000