Sự Phát Triển của Ðại Thừa
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Tiết mục:
I. Tam giới
II. Tứ sanh
III. Thất thú
IV. Sắc thân của hữu-tình
V. Thọ lượng của hữu-tình
VI. Thọ dụng của hữu-tình
Pháp tạng trích dẫn: Luận Hiển-Dương-Thánh-Giáo, Luận Câu-Xá, Kinh Giải-Thâm-Mật, Lục-Đạo-Tập, Kinh Trường-A-Hàm, Luật Tứ-Phần, Kinh Bồ-Tát-Xử-Thai, Luận Du-Già-Sư-Địa, Luận Bà-Sa, Luận A-Tỳ-Đàm, Kinh Khởi-Thế-Nhân-Bản, Luận Đại-Trí-Độ, Kinh Giảo-Lượng-Thọ-Mạng, Kinh Chánh-Pháp-Niệm.
Đề yếu: Do nghiệp sai biệt của loài hữu-tình, nên thế gian chia ra ba cõi: Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Dục-giới là nơi chúng sanh còn nhiễm năm dục lạc; Sắc-giới là nơi chúng sanh đã ly dục, nhưng còn có sắc tướng trang nghiêm của thân và cảnh; Vô-sắc-giới có thể gọi là tinh thần giới, vì nơi đây tuyệt tướng thân cảnh, người đồng bích lạc, cõi tợ hư không, duy có bốn ấm vi tế của chúng sanh. Các hữu-tình trong ba cõi chia thành bốn loại: loại sanh thai, loại sanh trứng, loại sanh nơi chỗ ẩm ướt và loại hóa sanh. Trong bốn loại nầy, y theo thứ tự cao thấp, lại có bảy nẻo: Trời, Tiên, Người, A-tu-la, Quỷ-thần, Bàng-sanh, Địa-ngục. Trong bảy nẻo, tùy theo nghiệp nhân lành dữ sai biệt, nên chúng sanh từ sắc thân, thọ lượng, cho đến sự thọ dụng, có xấu đẹp, dài ngắn, tinh thô, vui khổ không đồng. Trên đây là đại khái của sáu tiết trong bản chương.
Chúng sanh là chánh-báo, hoàn cảnh là y-báo; chánh-báo là phần chính, y-báo là phần phụ. Trong bản thiên diễn tả hữu-tình trước phần thế-giới do bởi ý nầy.
Tiết I: Tam Giới
Tam giới là gì? Là Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Dục-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình chưa ly dục, còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Sắc-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình đã ly dục, nhưng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Vô-sắc-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình đã ly dục và sắc, song cũng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Trong tam giới lại còn có năm thứ sai biệt khác là tướng sai biệt, thô trọng sai biệt, phương xứ sai biệt, thọ dụng sai biệt và nhiệm trì sai biệt.
Tướng sai biệt là trong cõi Dục có nhiều sắc tướng, những tướng không trong sạch và các thứ tạp tướng; trong cõi Sắc có ít sắc tướng, những tướng trong sạch và không có tạp tướng; còn cõi Vô-sắc tuy thuộc về không nghiệp nhưng cũng có sắc, mà sắc thuộc về định, về vô kiến, vô đối. Lại nữa, trong cõi Dục có tướng khổ thọ tương ưng, tướng sân nhuế tương ưng và tướng nhiều tùy phiền não tương ưng. Trong cõi Sắc và Vô-sắc có tướng khổ thọ bất tương ưng, tướng sân nhuế bất tương ưng và tướng ít tùy phiền não tương ưng.
Thô trọng sai biệt là trong Dục có những sự thô trọng thô mà tổn hại, trong cõi Sắc và Vô-sắc sự thô trọng tế mà không tổn hại.
Phương xứ sai biệt là cõi Dục ở phương dưới, cõi Sắc ở phương trên, còn cõi Vô-sắc thì không phương xứ.
Thọ dụng sai biệt là chúng-sanh cõi Dục thọ dụng cảnh giới bên ngoài, chúng-sanh cõi Sắc và Vô-sắc thọ dụng cảnh giới bên trong.
Nhiệm trì sai biệt là chúng-sanh ở cõi Dục nương nơi bốn sự ăn mà trụ, chúng-sanh cõi Sắc và Vô-sắc nương nơi ba sự ăn mà trụ. (Luận Hiển-Dương-Thánh-Giáo)
Trong ba cõi, Dục-giới thuộc về xứ sở hạ phương. Được mệnh danh là Dục-giới, vì chúng-sanh ở nơi đây nhiễm năm thứ dục lạc: sắc dục, tiền của, danh vị, ăn mặc, ngủ nghỉ. Dục-giới cũng gọi là chỗ Ngũ-thú-tạp-cư. Ngũ-thú là: Trời, Người, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Tạp-cư có hai nghĩa: 1. Trong cõi Dục gồm có năm chủng loại ở. 2. Trong mỗi chủng loại lại có các chủng loại khác ở lẫn lộn, như nơi cõi trời cũng có Súc-sanh, Quỷ-thần, nơi cõi người có Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Nếu nói đại khái theo thứ bậc thấp cao, thì trong Dục-giới có ba loại: loại ác thú, loại người, loại trời. Loại ác thú có bốn: A-tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Loại người gồm có nhơn chúng ở bốn nơi: Nam-Thiệm-Bộ-Châu, Tây-Ngưu-Hóa-Châu, Đông-Thắng-Thần-Châu và Bắc-Câu-Lư-Châu. Loại trời có sáu cõi từ thấp đến cao: trời Tứ-Vương, trời Đao-Lợi, trời Dạ-Ma, trời Đâu-Suất, trời Hóa-Lạc và trời Tha-Hóa-Tự-Tại. Trong cõi Dục, về hữu-tình giới thì kể từ cõi Tha-Hóa đến ngục Vô-Gián; nếu về khí thế-giới, phải kể đến phong luân.
Trên Dục-giới là Sắc-giới, gồm nhiếp-hữu-tình và khí-thế-gian. Sở dĩ gọi Sắc-giới, vì chúng-sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục, từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi nầy chia ra làm 18 thiên vức khác nhau; ba Thiền-thiên trước mỗi nơi có ba, đệ tứ thiền có chín. Ba thiên vức ở Sơ-thiền Ly-sanh-hỷ-lạc-địa là: Phạm-Chúng-Thiên, Phạm-Phụ-Thiên, Đại-Phạm-Thiên. Ba thiên vức ở Nhị-thiền Định-sanh-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Quang-Thiên, Vô-Lượng-Quang-Thiên, Quang-Âm-Thiên. Ba thiên vức ở Tam-thiền Ly-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Tịnh-Thiên, Vô-Lượng-Tịnh-Thiên, Biến-Tịnh-Thiên. Chín thiên vức ở Tứ-thiền Xả-niệm-thanh-tịnh-địa là: Vô-Vân-Thiên, Phước-Sanh-Thiên, Quảng-Quả-Thiên, Vô-Tưởng-Thiên, Vô-Phiền-Thiên, Vô-Nhiệt-Thiên, Thiện-Kiến-Thiên, Thiện-Hiện-Thiên, Sắc-Cứu-Cánh-Thiên. Trong chín thiên vức, năm cõi ở sau cùng tên là Ngũ-Tịnh-Cư-Thiên, cũng gọi là Ngũ-Bất-Hoàn-Thiên, vì là chỗ ở của bậc thánh A-na-hàm.
Theo các đại luận-sư ở xứ Ca-Thấp-Di-La thì Sắc-giới chỉ có 16 thiên vức, vì Đại-Phạm-Thiên nguyên là một vùng lâu các rộng lớn ở cõi Phạm-Phụ, chớ không phải biệt trí nơi khác. Còn trời Vô-Tưởng thì nhiếp về Quảng-Quả-Thiên, vì hai thiên chúng nầy đồng một thân lượng và thọ lượng.
Trên Sắc-giới là Vô-sắc-giới. Được mệnh danh là Vô-sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện, nên không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Nhưng về phần dị thục sanh sai khác thì có bốn bậc: Không-Vô-Biên-xứ, Vô-Sở-Hữu-xứ, và Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-xứ. Bốn bậc nầy không phải có riêng xứ sở cao thấp, mà do nghiệp chúng-sanh hơn kém khác nhau. (Luận Câu-Xá, Lục-Đạo-Tập)
Tiết II: Tứ Sanh
Trong sáu nẻo luân-hồi, loài hữu-tình chết nơi đây sanh nơi kia, hoặc do thai-sanh, hoặc do noãn-sanh, hoặc do thấp-sanh, hoặc do hóa-sanh. (Kinh Giải-Thâm-Mật)
Thai-sanh là chúng-hữu-tình từ nơi thai tạng mà sanh ra, như loài: voi, ngựa, trâu, dê, heo, lừa… Noãn-sanh là chúng-hữu-tình từ nơi trứng mà sanh ra, như loài ngỗng, công, se sẻ, anh võ, nhạn… Thấp-sanh là chúng-hữu-tình từ nơi chỗ ướt mà sanh ra, như loài trùng, muỗi, đỉa… Hóa-sanh là chúng-hữu-tình chẳng nương nơi nào, từ nơi không mà bỗng hiện ra đủ thân mình và chi phận, như chư thiên, loài ở Địa-ngục….
Loài người sanh ra có đủ bốn cách: thai, noãn, thấp, hóa. Người do thai tạng sanh ra thì dễ biết, như nhơn loại hiện nay. Người thuộc về noãn sanh như ông Ô-Ba-Thế-La sanh từ trứng hạc, và trường hợp ba mươi hai người con của bà Lộc-Nữ, năm trăm người con của vua Bà-Giá-La. Người thuộc về thấp-sanh như các vị: Ô-Ba-Giá-Lư, Cáp-Man-Am-La-Vệ. Người thuộc về hóa-sanh như loài người vào thuở kiếp sơ.
Chúng Bàng-sanh có đủ bốn loại: thai, noãn, thấp hoá. Chư thiên, chúng Địa-ngục và thân Trung-hữu duy thuộc về hóa-sanh. Quỷ thú chỉ có hai loại: thai và hóa.
Trong bốn loại thai, noãn, thấp, hóa, loài nào thắng hơn cả?
Chỉ có loài hóa-sanh là tối thắng.
Nếu thế tại sao bậc hậu thân Bồ-Tát có thể sanh tự tại mà lại thọ thai sanh?
Bồ-Tát thọ thai sanh vì có những điều lợi ích như sau: Vì muốn dẫn dắt các hàng Thích chủng và thân thuộc vào chánh-pháp. Vì muốn cho mọi người biết Bồ-Tát dòng dõi Luân-vương mà sanh lòng cung kính, bỏ tà về chánh. Vì muốn cho chúng-sanh phát lòng hướng thượng nghĩ rằng: “Ngài cũng là người, ta cũng là người, tại sao ta không siêng năng tu tập để được như ngài?” Vì nếu không thị hiện như thế, thì khó biết tộc tánh, mọi người sẽ nghi là trời hoặc quỷ. Vì muốn dứt lòng nghi báng của ngoại-đạo, bởi họ có truyền thuyết: “Qua một trăm kiếp sau, sẽ có nhà đại huyễn thuật ra đời, dẫn dụ chúng-sanh”. Vì muốn lưu thân giới cho chúng-sanh cúng dường để được phước sanh cõi trời và gieo nhân giải thoát. Nếu Bồ-Tát thọ hóa-sanh, thì không tộc tánh, sau khi chết như ngọn đèn tắt, không còn lưu xá lợi để chúng-sanh nương theo đó phát lòng tín ngưỡng.
Trong tứ sanh, loài nào nhiều hơn hết?
Chỉ có loài hóa-sanh là nhiều hơn cả; vì trong ngũ thú, nhơn, súc, quỷ có thiểu phần hóa-sanh, còn chư thiên, chúng Địa-ngục và tất cả thân Trung-hữu đều thuộc về hóa-sanh. (Luận Câu-Xá)
Tiết III: Thất Thú
Thất-thú cũng gọi là thất đạo, gồm có: Thiên, Tiên, Nhơn, A-tu-la, Quỷ-thần, Bàng-sanh và Địa-ngục. Trong kinh có nơi chỉ gọi là lục đạo, vì Tiên đạo ở cõi Thiên, Nhơn, Quỷ, Súc đều có, nên nhiếp về các nẻo kia. Có nơi ước kết lại chỉ còn ngũ thú, không kể Tiên và A-tu-la, vì A-tu-la ở cõi Thiên, Nhơn, Quỷ, Súc đều có, cũng nhiếp các nẻo ấy. Tuy nhiên, Tiên cùng A-tu-la thật ra đều có chủng loại và nơi cư trú sai biệt, người học Phật cũng cần biết đến, nên xin kể đủ ra đây.
Sao gọi là “đạo” hoặc “thú”? “Đạo” chỉ cho đường nẻo, “thú” có nghĩa là nơi đến; đường nẻo của chúng-sanh luân chuyển gọi là “đạo”, chúng-sanh do nghiệp thiện ác phải đến đó để thọ sanh, cư trụ, gọi là “thú”. Cho nên kinh Pháp-Hoa nói: “Lục đạo chúng-sanh, sanh tử sở thú”. Thất-thú chúng-sanh như sau:
1. Thiên-thú: Sao gọi là Thiên-thú? Thiên-thú là nẻo trời, chữ Thiên có nghĩa: thiên nhiên, tự nhiên. Đây là chỉ cho chúng-sanh ở các cõi trời do tu thượng phẩm Thập-thiện và các thiền định, nên được hưởng phước thiên nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện, không cần phải tạo tác. Lại chữ Thiên ở đây còn có bốn ẩn nghĩa: tối thắng, tối thiện, tối lạc, tối tôn. Sáu hạng trời ở cõi Dục đều có hình tướng nam nữ, dục nhiễm tùy theo cao thấp mà có nặng nhẹ. Mười tám hạng trời ở cõi Sắc, không hình tướng nam nữ, không có sự dục nhiễm, dùng thiền định để trưởng dưỡng sắc thân. Còn bốn hạng trời ở cõi Vô-sắc thì không hình tướng sắc thân, duy có tâm thức, vì là báo thể của không-định.
2. Tiên-thú: Sao gọi là Tiên-thú. Tiên-thú là nẻo tiên: “Tiên” là an nhàn, tự tại, không còn bị sự phiền lụy của tục trần ràng buộc. Lại “tiên” cũng có nghĩa là “thuyên”, vì hạng nầy có thể thuyên chuyển hình thần khiến cho dung sắc tươi trẻ, mạng sống lâu dài. Tiên có nhiều bậc như thiên-tiên, nhơn-tiên, địa-tiên, hoặc dạo chơi nơi nhơn gian, hoặc ở ẩn nơi non sâu, hải đảo. Theo kinh Lăng-Nghiêm thì có mười hạng tiên:
Hạng chuyên tu về cách chế luyện các thức ăn, làm hoàn hoặc bánh để dùng. Các vị nầy do thực đạo mà thành, có thể mạnh khỏe sống lâu, nhưng chưa được nhẹ nhàng bay đi, gọi là Địa-hành-tiên.
Hạng chuyên phục thực các thứ thảo mộc như tử chi, huỳnh tinh, xương bồ. Hạng nầy được đạo mà thành, thân được nhẹ nhàng bay đi, gọi là Phi-hành-tiên.
Hạng chuyên phục thực các chất kim thạch, như thu thạch, hồng diên… Các vị nầy do hóa đạo mà thành, luyện đơn thành tiên cốt, điểm đá hóa vàng ròng, trong chớp mắt có thể đi xa muôn dặm, gọi là Du-hành-tiên.
Hạng chuyên luyện về sự động chỉ tu cách điều khí cố tinh. Các vị nầy do khí tinh mà thành, có thể dời hình ẩn bóng, đi trên hư không, gọi là Không-hành-tiên.
Hạng chuyên luyện về tân dịch, như nhả thứ cũ nuốt thứ mới, làm cho lửa xuống nước lên. Các vị nầy do nhuận đức mà thành, mặt sáng rỡ như ngọc, hay dạo chơi nơi cõi trời, gọi là Thiên-hành-tiên.
Hạng chuyên luyện về tinh sắc, mỗi ngày hớp thanh khí của trời đất, tống hết cặn bã, thâu lấy tinh hoa. Các vị nầy do hấp túy mà thành, có thể đi xuyên qua núi non, đạp trên nước lửa, gọi là Thông-hành-tiên.
Hạng chuyên luyện về chú cấm, nhờ công phu trì chú lâu ngày, nên tâm thần được ngưng tịnh. Các vị nầy do thuật pháp mà thành, có thể trị bịnh, dứt trừ ma quái để giúp ích cho quần sanh, gọi là Đạo-hạnh-tiên.
Hạng chuyên kiên cố về tư niệm, luyện theo lối buộc tâm tưởng nơi đơn điền, đưa chân khí xuống vĩ lư, thăng lên giáp tích, đạt đến nê hoàn, rồi xuất thần nơi đảnh. Các vị nầy do tư ức mà thành, có thể hồi quang phản chiếu, gọi là Chiếu-hạnh-tiên.
Hạng kiên cố về sự giao cảm luyện cách phối hợp khảm ly, thâu nhiếp tinh huyết. Các vị nầy do cảm ứng mà thành, làm cho thân xinh đẹp sống lâu, gọi là Tinh-hạnh-tiên.
Hạng chuyên luyện về biến hóa, hằng tồn tưởng nơi lý hóa, đến khi tỏ ngộ thì làm được sự huyễn hóa to tát. Các vị nầy do giác ngộ mà thành, có thể di sơn đảo hải, biến hiện nhiều cách, gọi là Tuyệt-hạnh-tiên.
Các hạng tiên trên đây, gọi trường sanh thì có, nhưng bất tử thì không; đến khi số hết phải đọa luân-hồi, vì họ chấp hình thần hữu vi mà không rõ suốt chân tánh. Tuy nhiên, họ cũng sung sướng hơn người một bậc nên ở trên Nhơn-thú.
3. Nhơn-thú: Sao gọi là Nhơn-thú? Nhơn-thú là nẻo người. “Nhơn” có nghĩa là nhẫn, chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Lập-Thế-Luận nói: “Loài người do tu trung phẩm Thập-thiện mà được sanh. Trong ngũ thú chỉ có nhơn thú là nhiều kiêu mạn, nhưng về phần trấn định tâm ý lại hay hơn các nẻo kia”. Chúng-sanh thuộc nẻo nầy có hình tướng nam nữ, ở rải rác khắp bốn đại-châu. Chúng-sanh trong bốn châu phần nhiều theo đường nhiễm dục, song cũng có người trọn đời giữ nếp sống tu hành thanh tịnh. Luận về phước báo, người ở ba châu: Tây-Ngưu-Hóa, Đông-Thắng-Thần, Bắc-Câu-Lư thù thắng hơn, nhưng về nhân duyên giải thoát thì họ lại kém thua người ở Nam-Thiệm-Bộ-Châu, vì nơi đây có ba điều đặc biệt: con người trí lanh lợi nhớ dai; nhiều kẻ siêng tu phạm hạnh; thường có Phật ra đời.
4. A-tu-la-thú: Sao gọi là A-tu-la? A-tu-la là loại chúng-sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A-tu-la cũng gọi A-tố-lạc, dịch là Vô-đoan-chánh, Phi-thiên. Hai danh từ nầy có nghĩa: không xinh đẹp, có phước trời mà đức không bằng trời. Trong Kinh-luận có chỗ cho rằng loài A-tu-la do gây nhân hạ phẩm Thập-thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện mà thôi, cho đến danh từ Phi-thiên cũng như thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy do hay nóng giận, hiếu thắng ưa tranh cãi mà được sanh. A-tu-la chia thành bốn bậc: loài ở cõi trời thì giống trời, loại ở cõi người thì giống người, loài ở cõi quỷ thì giống quỷ, loài ở cõi súc thì giống súc. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú. A-tu-la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên. Nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kiện kém hơn người, nên ở sau loài người: Dù loài nầy có ăn các món trân vị, song miếng sau rốt tự nhiên hóa ra bùn. Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước, cõi A-tu-la mưa xuống những binh khí dao gậy. Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh-pháp của Như-Lai, loài A-tu-la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.
5. Quỷ-thần-thú: Sao lại gọi là Quỷ-thần? “Quỷ” có nghĩa là “úy”, là hay khiếp sợ; “Thần” có nghĩa linh thông biến hóa. Trong kinh có nói loài quỷ do nhân trung phẩm thập-ác mà được sanh, và sắp quỷ đạo sau súc đạo. Nhưng đó là chỉ nói riêng về phương diện Ngạ-quỷ. Sự thật, nếu nói rộng, phải gọi là Quỷ-thần thú, vì loài nầy chia làm hai hạng: hạng có uy phước và hạng không uy phước. Đây là do những nghiệp nhân thiện ác bất định từ thuở tiền sanh. Loại Quỷ-thần uy phước cũng có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những trân vị cam lồ, hoặc được người thờ cúng. Loại nầy lại chia ra làm hai hạng: chánh thần và tà thần. Bậc chánh thần thì giữ lòng chân chánh hay giúp đỡ nhơn gian; hạng tà thần tâm niệm quỷ quyệt không chân thật, hoặc đa dâm đa sát, thường làm tổn hại cho người. Loại quỷ không uy phước thì vất vả, ở chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.
Xứ sở của Quỷ-thần có hai nơi: chánh trụ và biên trụ. Chánh trụ là như trong kinh Chánh-Pháp-Niệm nói: “Có thành Diêm-La, nơi ở chánh thức của vô số Ngạ-quỷ do Diêm-La-Vương thống lãnh. Thành nầy ở dưới châu Diêm-Phù-Đề, chu vi rộng 7.500.000 dặm. Nơi đây không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng”. Biên trụ là những chỗ như mé biển, triền núi, rừng bụi, đình miếu, hang hố, đồng trống, mồ mả, cho đến vườn nhà cùng các nơi bất tịnh. Chánh trụ là xứ sở riêng của loài quỷ nghiệp nặng, thuộc về thế-giới Ngạ-quỷ. Biên trụ là xứ sở của các Quỷ-thần nghiệp nhẹ hoặc có phước nghiệp, thuộc về hạng ở lẫn lộn trong loài người.
6. Bàng-sanh-thú: Sao gọi là Bàng-sanh? Bàng-sanh là loại chúng-sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ “bàng” còn có nghĩa “biến mãn”, vì Bàng-sanh có nhiều chi loại, và ở các nẻo kia đều có loài nầy. Trong sách Phật có chỗ gọi nẻo nầy là Súc-sanh-đạo, nhưng danh từ Súc-sanh chỉ ở trong phạm vi loài sanh vật được người nuôi dưỡng, vẫn không rộng rãi và đầy đủ bằng danh từ bàng-sanh. Chủng loại bàng-sanh tuy nhiều, song đại ước có ba: loại bay trên hư không, loại ở mặt đất và loại sống dưới nước. Theo kinh Chánh-Pháp-Niệm, Bàng-sanh có đến 40 ức chi loại khác nhau. Duyên phận của loại nầy cao thấp không đồng, cao như Kim-súy-điểu-vương, Long-vương, có uy phước thần thông; thấp như dòi, đỉa, côn trùng, sống một khung cảnh nhơ nhớp tối tăm, ngắn ngủi. Bàng-sanh cũng có nghiệp nhân thiện ác bất định như Quỷ-thần và A-tu-la; nhưng nếu lấy phần đại khái về đa số, thì loài nầy do nhân hạ phẩm thập-ác mà được sanh.
7. Địa-ngục-thú: Sao gọi là Địa-ngục? Danh từ nầy do người Trung-Hoa y theo nghĩa mà lập danh, để chỉ cho lao ngục ở dưới đất, và chữ “ngục” có nghĩa là bó buộc không được tự do. Nhưng theo Luận-Bà-Sa, thì Địa-ngục-thú không phải đều ở dưới đất, mà có khi ở trên mặt đất, hoặc dưới nước, hoặc trên hư không. Vì thế bổn kinh Phạm-văn không gọi Địa-ngục, mà gọi là Nại-lạc-ca có những nghĩa: khổ cụ, phi đạo, ác nhơn, chỉ cho nơi người tội ác làm điều trái đạo ở, nơi có đủ sự khốn đốn khổ đau. Địa-ngục tuy nhiều, nhưng đại ước có hai loại: chánh ngục và biên ngục. Chánh ngục vị trí ở dưới châu Diêm-Phù-Đề và giữa núi Thiết-Vi. Chánh ngục lại có hai thứ: hàn-ngục và nhiệt-ngục. Hàn-ngục và nhiệt-ngục mỗi thứ có tám nơi, mỗi nơi có 16 ngục phụ, mỗi ngục phụ lại có nhiều tiểu ngục khác nữa. Biên ngục cũng gọi là độc-ngục, thì ở lẻ loi trên núi, nơi mé biển, dưới nước, chỗ đình miếu, giữa đồng trống, hoặc trong hang sâu. Ở châu Nam-Thiệm-Bộ có đại Địa-ngục, còn ba châu kia chỉ có biên, độc Địa-ngục mà thôi. Theo kinh Nghiệp-Báo thì Địa-ngục là nơi thác sanh của loài hữu-tình tạo mười điều ác về thượng phẩm.
Tóm lại, y-báo và chánh-báo của Thất-thú đều như huyễn. Chúng-sanh do nghiệp duyên lành dữ mà đổi thay hình dạng, chịu sự khổ vui lên lên xuống xuống, luân chuyển không cùng. (Lục-Đạo-Tập)
Tiết IV: Sắc Thân Của Hữu Tình
1. Thân-lượng: Thân chúng-sanh ở Nại-lạc-ca, cao thấp lớn nhỏ không định, có đủ các màu sắc và hình tướng nhơn, quỷ, súc, vì do các nẻo khác sanh về. Nếu loài hữu-tình tạo nghiệp cực ác, tự cảm thấy thân thể to lớn vô cùng, chịu đủ các sự khổ. (Luận Du-Già-Sư-Địa)
Thân chúng-sanh ở Bàng-sanh-thú cũng lớn nhỏ không định. Như Nan-Đà và Bạt-Nan-Đà Long-vương thân hình rất lớn, quấn núi Tu-Di bảy vòng, đầu gác trên đỉnh núi, đuôi chấm xuống dưới biển. Loài chim lớn nhất không chi bằng Kim-súy-điểu-vương. Chim nầy đầu và đuôi cách nhau tám ngàn do-tuần, bề cao thấp cũng như vậy. Khi nó cất cánh thì bay luôn một mạch từ núi Tu-Di nầy đến núi Tu-Di kia, giữa chừng không nghỉ. Ở đại hàm hải có loài cá Ma-Kiệt, thân dài từ 300 đến 700 do-tuần, mắt mũi cực to, miệng như hang máu. (Kinh A-Hàm, Luận Tứ-Phần, Kinh Bồ-Tát-Xử-Thai)
Thân chúng-sanh ở Quỷ-thần-thú có tốt xấu, lớn nhỏ khác nhau. Đại khái, hạng quỷ lớn nhất, thân hình cao một do-tuần; hạng bậc trung thì thân hình không nhất định; hạng nhỏ hơn hết, thân hình như đứa trẻ mới vừa biết nói. Hạng Quỷ-thần có uy phước thân hình cao lớn xinh đẹp như chư thiên. Các Quỷ-thần ở non núi, sông ngòi, biển cả, phần nhiều thân thể đều trang nghiêm đoan chánh. Hạng quỷ không uy phước; thân hình thô xấu không thể kể xiết. Có loại bụng lép như chó đói, đầu rối nùi, chân-như khúc củi khô, miệng mũi thường chảy ra nước mũi, nước dãi, lỗ tai sanh mủ, nơi mắt chảy ra máu. Có loại cao lênh khênh, bụng lớn như cái trống, cổ họng nhỏ như mũi kim, miệng thường phựt ra lửa, thân mình hôi hám, lông cứng nhọn như gai. Các Ngạ-quỷ khác thân thể còn ghê gớm xấu xa hơn nữa. (Luận Bà-Sa)
Thân thể của A-tu-la tùy theo chủng loại không định, hoặc giống người, hoặc giống quỷ, hoặc giống súc. Các loại A-tu-la ở cõi nhơn thiên, người nam thì xấu, trái lại người nữ rất xinh đẹp. Còn các bậc vua A-tu-la, bản thân cao từ một trăm đến bảy trăm do-tuần, hóa thân cao mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, chân đứng dưới đáy biển, đầu cao bằng núi Tu-Di. A-tu-la-vương có đại huyễn thuật, thường đánh với chư thiên, vì phước kém hơn trời nên hằng bại trận. (Lục-Đạo-Tập)
Thân lượng chúng-sanh ở nhơn thú thuộc châu Nam-Thiệm-Bộ tùy theo kiếp tăng giảm, lớn nhỏ không định. Người ở châu Đông-Tỳ-Ha-Đề, thân lượng quyết định. (Luận Du-Già-Sư-Địa)
Người ở Nam-châu thân cao ba chẩu rưỡi hoặc bốn chẩu. Người ở Đông-châu cao tám chẩu, ở Tây-châu cao mười sáu chẩu, ở Bắc-châu cao ba mươi hai chẩu (Luận A-Tỳ-Đàm),
Ở tám trung-châu, con người thân hình thấp nhỏ. Ngoài ra lại có 500 tiểu-châu, hoặc do loài người ở, hoặc do loài phi nhơn ở, hoặc không có ai ở. (Luận Bà-Sa)
Người ở Bắc-châu mắt có thể thấy suốt tường vách núi non, tai có thể nghe rõ ràng những tiếng hoặc lớn hoặc nhỏ ở xa hay gần. Người ở Đông-châu mắt có thể thấy rõ ràng màu sắc hình dáng trong chỗ tối, tai có thể nghe tiếng ở cách xa một làn tên. Người ở Tây-châu mắt có thể nghe được tiếng và thấy suốt tường vách núi non; tai nghe được những âm thanh ở các nơi xa xôi cách ngại. Nhơn loại ở Nam-châu có đủ các sắc da, ở hai châu Đông, Tây cũng có các sắc da nhưng không có giống người da đen. Nhơn dân ở Bắc-châu chỉ toàn là người da trắng. (Luận A-Tỳ-Đàm)
Về thiên phú, nơi Dục-giới, chư thiên trời Tứ-Vương thân lượng cao nửa dặm, áo nặng nửa lượng. Chư thiên trời Đao-Lợi cao một dặm, áo nặng sáu thù. Chư thiên trời Dạ-Ma cao một dặm rưỡi, áo nặng ba thù. Chư thiên trời Đâu-Suất cao hai dặm, áo nặng hai thù. Chư thiên trời Hóa Lạc cao hai dặm rưỡi, áo nặng một thù. Chư thiên trời Tha-Hóa cao ba dặm, áo nặng nửa thù.
Ở Sắc-giới, chư thiên trời Phạm-Chúng thân lượng cao nửa do-tuần, trời Đại-Phạm cao một do-tuần rưỡi, trời Thiểu-Quang cao hai do-tuần, trời Vô-Lượng-Quang cao bốn do-tuần, trời Quang-Âm cao tám do-tuần, trời Thiểu-Tịnh cao 16 do-tuần, trời Vô-Lượng-Tịnh cao 32 do-tuần, trời Biến-Tịnh cao 64 do-tuần, trời Vô-Vân cao 125 do-tuần, trời Phước-Sanh cao 250 do-tuần, trời Quảng-Quả cao 500 do-tuần, trời Vô-Tưởng cao 500 do-tuần, trời Vô-Phiền cao 1000 do-tuần, trời Vô-Nhiệt cao 2000 tuần, trời Thiện-Kiến cao 4000 do-tuần, trời Thiện-Hiện cao 8000 do-tuần, trời Sắc-Cứu-Cánh cao 16000 do-tuần.
Chư thiên cõi Sắc tuy không mặc y phục, song cũng như có mặc; tuy không đội thiên quan, cũng như có đội, vì do thân quang chiếu hiện.
Chư thiên ở Vô-sắc-giới chỉ có định-quả-sắc, nên không có thân lượng. (Luận Câu-Xá, Khinh-Khởi-Thế, Kinh Trường-A-Hàm)
2. Thân-Quang: Chư thiên ở Dục-giới do tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thanh tịnh nên thân thường có ánh sáng rực rỡ. Chư thiên cõi Sắc do ly dục tu thiền định, nên nơi thân phát ra ánh sáng nhiệm mầu, hơn cả ánh nhật, nguyệt và quang minh của thiên chúng cõi Dục. Ánh sáng đây là do tâm thanh tịnh mà có. (Luận-Trí-Độ)
Chư thiên ở cõi Dục thân hình có bốn sắc: biếc, hồng, vàng, trắng tươi sáng như ngọc. Thiên chúng ở đây khi mới hóa sanh, nếu thấy bích hoa hiện thì người sắc biếc, hồng, vàng, trắng cũng như thế. Chư thiên ở cõi Sắc đa số thân hình có hai sắc: huỳnh kim và bạch ngân. Nhưng cũng có số thiên chúng thân sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, vì do nhân tu về Biến-xứ-định. (Luận A-Tỳ-Đàm)
Tiết V: Thọ Lượng Của Hữu Tình
Loài hữu-tình ở Địa-ngục tội ác sâu nặng, nên thọ mạng rất lâu dài. Chúng-sanh ngục Đẳng-Huợt thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 16200 câu-đê năm cõi người. Chúng-sanh ngục Hắc-Thằng thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 32400 câu-đê năm cõi người. Chúng-sanh ngục Chúng-Hiệp thọ 2000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 64800 câu-đê năm cõi người. Chúng-sanh ngục Kiếu-Hoán thọ 4000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 129600 câu-đê năm cõi người. Chúng-sanh ngục Đại-Kiếu-Hoán thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 259200 câu-đê năm cõi người. Chúng-sanh ngục Viêm-Nhiệt thọ 16000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 518400 câu-đê năm cõi người. Như thế cứ tăng gấp đôi cho đến ngục Cực-Nhiệt, chúng-sanh thọ nửa trung-kiếp; ngục Vô-Gián chúng-sanh thọ một trung-kiếp. (Kinh Giảo-Lượng-Thọ-Mạng, Luận A-Tỳ-Đàm)
Loài hữu-tình ở Quỷ-thần và Bàng-sanh thú, thọ lượng dài ngắn không định, hoặc trong sát-na như cực vi trùng, hoặc muôn ức năm như loài Ngạ-quỷ. Các loại rồng và Kim-súy-điểu thọ lượng một trung-kiếp, cũng có khi giữa chừng chết yểu. (Luận Du-Già, Kinh Khởi-Thế)
Loài hữu-tình ở A-tu-la-thú thọ lượng cũng bất định, tùy theo súc, quỷ, nhơn, thiên, mà có ít nhiều, hơn kém. Thiên A-tu-la thọ lượng bằng chư thiên, như La-Hầu A-tu-la-vương và thuộc chúng ở thành Quang-Minh thọ 5000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 500 năm cõi người. Dõng-Kiện A-tu-la-vương và thuộc chúng ở thành Tinh-Mang thọ 6000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 600 năm cõi người. Hoa-Man A-tu-la-vương và thuộc chúng ở thành Tỳ-Xá-La thọ 7000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 700 năm cõi người. Tỳ-Ma-Chất-Đa A-tu-la-vương và thuộc chúng ở thành Xá-Tỳ-La thọ 8000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người. (Kinh Chánh-Pháp-Niệm)
Chúng-sanh ở Nhơn-thú, thọ lượng tùy nơi có hơn kém. Người ở châu Nam-Thiệm-Bộ thọ lượng bất định, như ở vào lúc kiếp cực tăng thì sống đến 84000 tuổi, ở vào lúc kiếp cực giảm chỉ sống có 10 tuổi. Người ở châu Đông-Tỳ-Đề-Ha thọ 250 tuổi. Người ở châu Tây-Cù-Đà-Ni thọ 500 tuổi. Người ở châu Bắc-Uất-Đan-Việt thọ 1000 tuổi. Nhơn loại ở Bắc-châu thọ lượng nhất định, không có yểu chiết; còn ba châu kia thì có khi yểu chiết giữa chừng. (Luận Du-Già-Sư-Địa)
Thọ lượng của chúng-sanh ở Thiên-thú cũng có hơn kém tùy mỗi từng trời. Như về Dục-giới, trời Tứ-Vương thọ 500 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 50 năm cõi người. Trời Đao-Lợi thọ 1000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 100 năm cõi người. Trời Dạ-Ma thọ 2.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 200 năm cõi người. Trời Đâu-Suất thọ 4.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 400 năm cõi người. Trời Hóa-Lạc thọ 8.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 800 năm cõi người. Trời Tha-Hóa thọ 16.000 tuổi, một ngày đêm nơi đây bằng 1600 năm cõi người.
Thọ mạng chư thiên ở cõi Sắc thì lấy kiếp làm lượng. Như về Sơ-thiền, trời Phạm-Chúng thọ nữa trung-kiếp, trời Phạm-Phụ thọ một trung-kiếp, trời Đại-Phạm thọ một trung-kiếp rưỡi. Về Nhị-thiền, trời Thiểu-Quang thọ hai đại-kiếp, trời Vô-Lượng-Quang thọ bốn đại-kiếp, trời Quang-Âm thọ tám đại-kiếp. Về Tam-thiền, trời Thiểu-Tịnh thọ 16 đại-kiếp, trời Vô-Lượng-Tịnh thọ 32 đại-kiếp, trời Biến-Tịnh thọ 64 đại-kiếp. Về Tứ-thiền, trời Vô-Vân thọ 128 đại-kiếp, cứ như thế tăng gấp đôi cho đến trời Sắc-Cứu-Cánh thọ 16.000 đại-kiếp. Trong đây trừ Vô-Tưởng thiên thọ lượng đồng với Quảng-Quả-Thiên.
Ở cõi Vô-sắc, trời Không-Vô-Biên thọ 20.000 đại-kiếp, cứ tăng gấp đôi cho đến trời Phi-Phi-Tưởng thọ 80.000 đại-kiếp. (Luận Câu-Xá, Luận A-Tỳ-Đàm, Kinh Giảo-Lượng-Thọ-Mạng)
Tiết VI: Thọ Dụng Của Hữu Tình
1. Khổ lạc thọ dụng: Sự thọ dụng của loài hữu-tình như về khổ lạc thọ dụng, thì chúng-sanh ở Địa-ngục chịu đựng nhiều phần hình phạt khổ sở. Chúng-hữu-tình thuộc Bàng-sanh-thú chịu nhiều phần khổ về sự ăn nuốt lẫn nhau, chút ít phần vui. Chúng-hữu-tình thuộc Quỷ-thần-thú chịu nhiều phần khổ về sự đói khát, chút ít phần vui; trừ loại Quỷ-thần có uy phước. Chúng-hữu-tình thuộc A-tu-la và Nhơn-thú thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tùy theo tội phước hơn kém. Chư thiên ở cõi Dục thọ dụng nhiều phần vui, ít phần khổ về sự suy não đọa lạc. Thiên-chúng ở cõi Hóa-Lạc tự biến ra lạc cảnh để làm vui. Thiên-chúng ở cõi Tha-Hóa lấy hóa cảnh dục lạc của trời Hóa-Lạc làm vui. Ở Sắc-giới từ Sơ-thiền đến Tam-thiền chư thiên lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi Tam-thiền. Từ trời Tứ-thiền cho đến cõi Vô-sắc thì không có khổ lạc thọ. (Luận Du-Già, Luận Câu-Xá)
2. Ẩm thực thọ dụng: Về ẩm thực thọ dụng, chúng-hữu-tình ở Nại-lạc-ca đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loài nầy cũng có thọ dụng phần đoạn thực vi tế, là ở nơi tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên nầy mà được sống lâu. Các Bàng-sanh, Quỷ-thần đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng cá, rùa, trùng, ếch nhái làm thức ăn. Những vị Long-vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau rốt hóa thành ếch nhái. Loài Kim-súy-điểu dùng rồng làm thức ăn. Loài Quỷ-thần có uy phước thọ dụng những trân vị. Loại Quỷ-thần không uy phước thường đói khát, khi ăn đồ bất tịnh. Loại Ngạ-quỷ nghiệp nặng khi dùng nước hoặc thức ăn, thì những thứ nầy đều hóa thành máu, lửa, hoặc cát, sạn.
Chúng A-tu-la và Nhơn-thú thọ dụng thô đoạn thực và tế đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức: cơm, bánh, trái, cá, thịt, hoặc các thứ trân vị khác. Các A-tu-la ở cõi trời cũng dùng vị tô đà như chư thiên. Trong bốn châu ở cõi người, riêng về Bắc-châu thì do phước báo nhiều, nên sự ăn mặc tự nhiên mà có, không cần phải tạo tác như ba châu kia. Nói rộng ra ngoài việc ăn uống, các sự thọ dụng khác như phòng nhà, chăn gối, tắm gội, xông ướp hương, thoa dầu phấn, xoa nắn thân thể… cũng gọi là vi tế thực.
Chư thiên ở Dục-giới thọ dụng những trân vị như cam lộ, tô đà, cùng trăm món quí lạ khác, khi ăn vào liền tiêu hóa không có đại tiểu tiện. Còn các sự thọ dụng vi tế như những âm nhạc, xướng hát, du ngoạn, cung điện thất bảo… thì rất thù thắng nhiệm mầu. Tuy nhiên, chư thiên phước báo cũng có dày mỏng nên có vị thì sự thọ dụng đầy đủ, có vị sự thọ dụng lại không xứng tâm. Như chư thiên ăn chung trong một bảo khí, vị phước đức bậc thượng thấy cơm sắc trắng, vị phước đức bậc trung thấy cơm sắc vàng, vị phước đức bậc hạ thấy cơm sắc đỏ, mùi vị cũng có thứ bậc ngon dở hơn kém. Chư thiên ở Sắc-giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi dưỡng sắc thân. Còn chư thiên ở cõi Vô-sắc thì chỉ có thức thực. (Kinh Chánh-Pháp-Niệm, Kinh Khởi-Thế, Luận Du-Già)
3. Dục nhiễm thọ dụng: Về dục nhiễm thọ dụng, thì loài hữu-tình ở Địa-ngục không có sự dâm, vì bị nhiều hình phạt quá đau khổ. Các hữu-tình thuộc Bàng-sanh, Quỷ-thần, A-tu-la và Người, do vì khổ vui xen lẫn, nên có sự dâm dục. Ở các cõi nầy, khi hai giống giao hợp, liền có chất bất tịnh thoát ra. Thiên-chúng ở Dục-giới khi gần gũi nhau, không có thứ bất tịnh ấy, duy nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra, dục niệm liền tiêu. Trời Tứ-Vương và Đao-Lợi sự giao hợp cũng như loài người. Trời Dạ-Ma, nam nữ chỉ ôm nhau là dục niệm đã thỏa mãn. Trời Đâu-Suất, hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hóa-Lạc, chư thiên nam nữ chỉ chăm chú nhìn nhau cười, là dục sự đầy đủ. Trời Tha-Hóa, chư thiên nam nữ chỉ liếc nhau là đã xong rồi dục sự. Chư thiên cõi Sắc và Vô-sắc đều tu phạm hạnh, không có dục nhiễm thọ dụng.
Các loại Bàng-sanh, Quỷ-thần, A-tu-la, tùy theo hạng cao thấp, hoặc có giá thú, đôi bạn, hoặc si mê giao hợp xen tạp. Loài người ở Nam, Tây, Đông-châu, có lễ giá thú, đôi bạn và thê thiếp riêng. Loài người ở Bắc-châu, vì không ngã sở nên không có sự giá thú. Đại-lực-quỷ và chư thiên cõi Dục cũng có đôi bạn thê thiếp riêng như người ở ba châu kia, duy trừ trời Hóa-Lạc và Tha-Hóa-Tự-Tại. (Luận Du-Già-Sư-Địa)
Chúng-sanh trong ba cõi chen chúc nhau nhiều đến số vô lượng, nhưng do đâu mà bị luân chuyển và sẽ đi về đâu? Kinh nói: “Tất cả hữu-tình đều nương sự ăn mà trụ. Tất cả chúng-sanh đều lấy dâm dục làm phần chánh cho mạng sống”. Chữ “dâm” ở đây cũng có nghĩa là tham nhiễm, dù là tham nhiễm thiền lạc, không định. Sự khổ của thế gian bắt nguồn từ điểm nầy. Muốn thoát khổ phải trừ lòng tham, muốn trừ tham nhiễm phải dứt ngã chấp. (Lục-Đạo-Tập)