Sự Lợi Ích Của Việc Tụng Kinh, Niệm Phật
Hòa thượng Thích Đức Niệm
Hành giả đạo Phật là người đem trọn tâm chí hướng về quả vị giác ngộ Phật đà. Thế nên, người tu theo đạo Phật là người đích thực dụng công thực hành những điều lành thiện và tu sửa tâm tánh để được thanh tịnh, từ đó phát sanh trí huệ. Muốn được trí tuệ đạt đạo giác ngộ giải thoát, tức là thành Phật, thì phước đức và trí huệ phải vẹn toàn. Bởi thế nên cổ đức đã từng khuyến thị: “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật.”
Đạo Phật có vô lượng pháp môn, tùy căn cơ hành giả chọn sao cho thích hợp với mình, rồi chuyên tâm tinh tiến tu hành để đạt đạo. Xét ra tụng kinh niệm Phật là pháp môn đã được phổ cập và thích hợp với đa số người tu học Phật xưa nay. Tụng kinh thì miệng đọc lời Phật dạy, tránh nói điều phàm tục thị phi. Niệm Phật trì chú thì tâm tưởng nhớ Phật, nhất tâm chánh niệm tránh được vọng tâm loạn tưởng. Tụng kinh niệm Phật trì chú là phương cách dễ dàng để cho thân tâm an trụ trong cảnh giới thanh tịnh, đưa đến nhất tâm bất loạn, tránh được ngữ ngôn hành động buông lung, tâm ý vọng tưởng, tổn thương căn lành. Thường tụng kinh trì chú niệm Phật thì thúc liễm được ba nghiệp thân miệng ý hằng thanh tịnh, từ đó phước huệ phát sanh.
Xưa nay hành giả đạo Phật không luận là tăng hay tục thường áp dụng phương pháp này. Tụng kinh niệm Phật vừa dễ thực hành, dễ thu nhiếp tam nghiệp thanh tịnh, dễ đưa đến chánh niệm, dễ phát sanh phước huệ. Do vậy mà các cổ đức tiên hiền miệng không rời câu niệm Phật, lời kinh. Phương pháp này không chỉ lợi ích cho riêng mình mà còn cảm hóa được tha nhân phát khởi Phật tâm nữa. Lục Tổ Huệ Năng [Huineng] do nghe tụng kinh Kim Cang mà hoát nhiên phát tâm tìm thầy học đạo. Ngài Thế Thân [Vasubandhu] nghe tổ Vô Trước [Asanga, cũng là anh của ngài Thế Thân] tụng kinh mà chuyển tâm từ tiểu thừa sang đại thừa. Bác Sĩ Cao Văn Trí giám đốc bệnh viện Chợ Rẩy [trước 1975 tại Sài Gòn] do nghe chư tăng tụng kinh mà phát tâm quy y Tam Bảo. Bác Sĩ Lê Văn Cầm giám đốc Sở Vệ Sinh Nam Việt nhờ nghe chư tăng chùa Ấn Quang tụng kinh mà phát tâm tin Phật Pháp. Biết bao người nghe tụng kinh niệm Phật mà phát tâm cải tà quy chánh hành thiện tin Phật.
Người tu học Phật mà chỉ tham cầu hiểu biết giáo lý để lý thuyết suông cho sướng miệng khoái tai, xem nhẹ phần hành trì tu niệm thúc liễm thân tâm, thì không cách nào vun bồi phước trí, có khác gì máy hát, kẻ làm công đếm bạc ngân hàng, người ở chăn cừu cho chủ. Muốn an lành hạnh phúc trong hiện đời và đạt đạo chứng quả ở đời sau, hành giả phải chánh tâm nhiếp niệm trì kinh niệm Phật. Đó là phương pháp căn bản cho những ai thật tâm tu hành thiết tha cầu đạo quả giải thoát. Những gì chư Phật chư tổ các bậc cổ đức tiên hiền đã thực hiện có hiệu quả và thiết tha khuyến thị, thì chúng ta nên y theo đó chuyên tâm hành trì nhất định sẽ có kết quả lợi ích. Nếu đem tâm ý hiếu kỳ thích tìm phương pháp mới lạ của kẻ phàm nhân bịa đặt ra rồi a dua theo đó cho vui, thì vô tình tự thiêu hủy thời gian và năng lực của mình, tự đánh bật ra khỏi chánh pháp chánh hạnh, đời đời kiếp kiếp không sao kiến tánh, hiển lộ Phật tâm.
Đời nay lắm kẻ học đạo thích vui, dong ruỗi tìm phương pháp tu mới lạ, xa lìa lời Phật huấn thị, không để ý đến lời chư tổ dạy khuyên, làm thiên lệch Phật tánh, dần dần đánh mất chơn tâm, không chịu định thần tư duy trau dồi tâm tánh, thúc liễn hành nghi, nghe ai xưng Phật thánh thì dong ruỗi mê theo, chỉ muốn thành đạo chứng quả liền! Có khi nào ngọc không mài dủa mà sáng, người không học mà thông bác làm quan?
Trích “Thay Lời Tựa” trong Kinh Nhật Tụng do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản năm Phật Lịch 2540 – dương lịch 1997.)