Sư Bảo Chí

Trích dịch từ Thần tăng truyện
Đức Nghiêm-Đức Thuận dịch

Sư họ Chu, người Kim Thành.[1] Lần nọ, Chu thị nghe tiếng trẻ con khóc trên tổ chim ưng, bèn trèo lên cây bế xuống, đem về nuôi. Năm lên bảy, sư nương ngài Tăng Kiệm ở Chung Sơn[2] xuất gia tu tập pháp thiền, thường qua lại vùng Hoãn Sơn,[3] Kiếm Thủy. Sư có khuôn mặt chữ điền rất thanh tú, tay, chân như chân chim.

Sư ở chùa Đạo Lâm vùng Giang Đông. Niên hiệu Thái Thỉ thứ nhất (465) nhà Tống, sư có những biểu hiện kỳ lạ, đi lại không cố định, ăn uống chẳng đúng thời, để tóc dài mấy tấc, thường đi bộ vào làng xóm, cầm tích trượng, đầu trượng thường treo một cái kéo và chiếc gương, có khi treo một xấp lụa.

Đến niên hiệu Kiến Nguyên (479) nhà Tề, người ta thấy sư có những biểu hiện kì lạ. Mấy ngày liền sư không ăn mà vẫn không lộ vẻ đói khát. Sư nói chuyện, lúc đầu mọi người nghe khó hiểu, nhưng sau nghiệm lại thấy rất đúng. Thỉnh thoảng sư làm thi phú, lời như sấm ký, rất được mọi người ở Giang Đông kính phụng. Vũ Đế nhà Tề cho rằng sư mê hoặc nhân dân, nên bắt sư nhốt vào ngục tại Kiến Khang. Thế nhưng, sáng sớm hôm sau mọi người lại thấy sư đi vào chợ. Quân lính trở về nhà giam kiểm tra thì thấy sư vẫn còn ở đó. Sư nói với quan canh gác:

– Ngoài cửa có hai xe mang thức ăn đến, bát vàng đựng đầy cơm. Ông hãy ra nhận đi.

Lát sau, quả nhiên thái tử Huệ Văn nhà Tề và Cánh Lăng Vương Tiêu Tử Lương đều mang thức ăn đến. Huyện lệnh Kiến Khang Lã Văn Hiển trình việc này lên vua. Vũ Đế liền thỉnh sư vào cung, cho trú tại hậu đường.

Lần nọ, buổi yến tiệc trong cung đã tàn, sư cũng theo mọi người ra ngoài. Lúc ấy, trên núi Cảnh Dương, cũng có một Bảo Chí và bảy vị tăng. Vua tức giận cho người kiểm tra nơi ở của sư, một viên quan đến tâu:

– Sư Bảo Chí đã bỏ đi lâu rồi, bằng cách lấy mực đen thoa lên thân.

Bấy giờ, có Tăng chánh[4] Pháp Hiến muốn cúng dường sư một pháp y, nên đã sai người đến chùa Long Quang và Kế Tân để thỉnh, nhưng tăng chúng nơi đây đều bảo là sư đã đi từ tối qua. Lại cho người đến nhà Lệ Hầu Bá nơi mà sư thường lui tới để tìm. Nhưng Hầu Bá nói:

– Hôm qua, sư Bảo Chí có đến giáo hóa ở đây, nhưng sáng sớm nay đã đi rồi.

Người hầu trở về trình lại với Pháp Hiến, mới biết sư đã phân thân ngủ ba nơi.

Vào những ngày đông giá rét, sư luôn mặc áo bày vai. Sa-môn Bảo Lượng muốn cúng duờng chiếc y bá nạp, nhưng chưa kịp thưa thì sư đã đến lấy đi. Sau đó, sư dùng thần lực khiến cho Vũ Đế thấy Cao Đế chịu cực hình đao bén ở địa ngục. Từ đó về sau, Vũ Đế vĩnh viển không dùng đến đao.

Vũ Đế thường đến Hoa Lâm viên cầu thỉnh sư. Hôm nọ, tự nhiên sư đội mũ vải ba ngấn vào yết kiến. Không lâu sau, Vũ Đế băng, thái tử Văn Huệ và Dự Chương Vương cũng nối tiếp qua đời.

Đến niên hiệu Vĩnh Minh (483), sư thường ở hậu đường tại Đông Cung. Một hôm, khi ánh bình minh vừa chiếu vào cửa, sư chợt bảo:

– Trên cửa có áo dính máu!

Sư vén đi ngang qua. Đến khi vùng Uất Lâm bị hại, dùng xe ngựa chở ra. Đó là máu trên cổ của vua, chảy xuống ngạch cửa.

Khi Vệ úy nước Tề là Hồ Hài bị bệnh, ông ta cho người đến thỉnh sư. Sư bảo:

– Sáng mai ta đến!

Thế nhưng sư không đến, ngay hôm đó Hồ Hài qua đời. Mọi người chở thi thể về nhà. Sư lại bảo:

– Ngày mai hãy chở thi thể trở lại.

Thái úy[5] nhà Tề là Tư mã Ân Tề Chi theo Trần Hiển Đạt trấn giữ Giang Châu, ông ta đến từ biệt sư. Sư vẽ lên giấy một cây cổ thụ, trên đó có con quạ, rồi dặn:

– Lúc nào gặp nguy hiểm, ông hãy trèo lên cây này.

Không lâu sau, Hiển Đạt tạo phản, bảo Tề Chi ở lại trấn giữ Giang Châu. Đến khi thất bại, Tề Chi bỏ chạy đến Lô Sơn, khi kị binh đuổi theo đến gần, Tề Chi thấy trong rừng có một cội cây, trên đó có con quạ giống như bức tranh sư đã vẽ, nên tức tốc trèo lên, nhưng quạ vẫn không bay. Bọn lính đuổi theo thấy quạ đậu trên cây, cho là không có người, bèn quay trở về. Tề Chi nhờ đó được thoát chết.

Truân kị Tang Yển nhà Tề, có ý tạo phản, đến chỗ sư, từ xa trông thấy, sư vừa bỏ chạy vừa nói lớn:

– Bao vây đài thành, muốn phản nghịch, sẽ bị chém đầu mổ bụng.

Khoảng mười ngày sau, âm mưu phản nghịch của Tang Yển bị bại lộ. Ông ta trốn chạy đến Chu Phương thì bị bắt, đem chém đầu mổ bụng, như lời sư tiên đoán.

Lần nọ, Trung Liệt Vương ở Bà Dương đất Lương, thỉnh sư đến nhà. Bỗng nhiên, sư bảo tìm gấp một cây gai, rồi đem đặt trên cửa, chẳng ai hiểu được lí do. Không lâu sau, quả nhiên Liệt Vương nhậm chức thứ sử ở Kinh châu. Những lời tiên đoán của sư linh nghiệm như thế rất nhiều. Sư thường đến ở chùa Hưng Hoàng[6] và Tịnh Danh.[7] Đến khi Lương Vũ Đế[8] lên ngôi, liền hạ chiếu thư:

“Chí Công, thân tuy giống phàm nhưng tâm chí thoát tục, nước chẳng thể thấm ướt, lửa không thể thiêu cháy; thú dữ không thể làm hại; nói về Phật lý thì từ thanh văn[9] trở lên; bàn về thần bí còn cao hơn cả đạo sĩ. Há lại đem những điều thường tình của kẻ thế tục để luống ước thúc ư? Sao lại hạn hẹp đến như thế? Từ nay về sau, sư tùy ý ra vào, không ai được ngăn cấm”.

Từ đó, sư tự do ra vào cấm cung. Lần nọ, sư đi vào Đài thành đem cá ăn trước mặt Lương Võ Đế, thái tử Chiêu Minh[10] và các vương tử đều đứng hầu một bên. Đợi sư ăn xong, Lương Vũ Đế hỏi:

– Trẩm không biết vị cá thịt đã hơn hai mươi năm nay rồi, sao sư lại làm như thế?

Sư liền nhổ ra con cá nhỏ, nó nhẹ nhàng vẩy đuôi. Vũ Đế thật sự kinh ngạc. Ngày nay, loài cá đó vẫn còn sống ở Mạt Lăng.

Mùa đông niên hiệu Thiên Giám thứ năm (506), đất nước bị hạn hán, tất cả quan dân dốc lòng cúng tế, nhưng trời vẫn không mưa. Thấy thế, sư liền tâu lên vua:

– Chí Công tôi bệnh mà chữa không bớt, đến xin các quan sức sống. Nếu không tâu lên, e rằng các quan sẽ bị trừng phạt nặng. Xin bệ hạ cho người tụng kinh Thắng Man[11] ở điện Hoa Quang để cầu mưa.

Lương Vũ Đế liền thỉnh sa-môn Pháp Vân[12] tụng kinh Thắng Man. Quả nhiên, cuối đêm đó trời mưa rất lớn. Sư bèn nói:

– Phải đặt một con dao lên trên bát nước.

Lát sau, mưa càng lúc càng lớn, khắp nơi thảy đều thấm ướt.

Tiềm Sơn ở Thư Châu là ngọn núi tuyệt đẹp, cảnh vật dưới chân núi lại càng đẹp hơn. Sư và đạo nhơn Bạch Hạc đều muốn đến đó ở. Niên hiệu Thiên Giám thứ sáu (507), hai người cùng đem việc này trình lên Võ Đế. Vì cả hai đều là bậc linh thông, nên Vũ Đế bảo mỗi người hãy chọn một vật làm dấu để xác định vùng đất của mình, nếu vật ấy dừng chỗ nào thì chủ nhân sẽ đến ở đó.

Đạo nhơn nói:

– Tôi sẽ dùng con hạc này.

Còn sư thì nói:

– Tôi sẽ lấy tích trượng này.

Bấy giờ, con hạc bay trước, khi sắp dừng tại chân núi, thì chợt nghe tiếng tích trượng bay trên hư không, chim hạc hoảng sợ bay đến đậu nơi khác, còn tích trượng của sư bay đến dựng dưới chân núi. Đạo nhơn không vui, nhưng vì đã hứa thì không thể nuốt lời. Mỗi vị xây một ngôi thất đúng nơi đã định.

Bấy giờ, gia đình ông Trần Chánh Lỗ phụng sự sư rất trọng hậu. Có lần, sư cho họ thấy chân tướng của mình, có hào quang như tượng Bồ-tát. Sư nổi tiếng hiển thị những điều kì dị đã hơn bốn mươi năm. Tuy được người phụng sự cúng dường rất nhiều, nhưng sư chỉ thích dùng nước tiểu để gội đầu nên những kẻ phàm tăng luôn chế diễu sư. Sư cũng biết trong chúng tăng có nhiều người chưa đoạn việc ăn uống rượu thịt mà chê trách mình.

Một hôm, nhiều người đang uống rượu ăn thịt, đột nhiên sư nói:

– Các ông cười ta lấy nước tiểu gội đầu, nhưng sao các ông cũng lại ăn đãy phân dơ.

Nghe vậy, những người chê bai đều sợ hãi và kính phục.

Lúc Tấn An vương Tiêu Can mới sinh, Lương Vũ Đế sai sứ đến hỏi sư. Sư chắp tay bảo:

– Hoàng tử sinh ra rất may mắn, nhưng cũng chính là ngày sinh của kẻ thù.

Sau này tìm hiểu mới biết, ngày tháng năm sinh của hoàng tử, trùng với Hầu Cảnh.

Bấy giờ, chùa Lâm Hải ở Cối Kê có một đại đức nghe tin trong thành Dương Châu có sư Chí Công nói năng điên cuồng, tự do phóng túng. Vị tăng ấy thầm nghĩ: “Đây chính là hồ li mê hoặc người, ta sẽ đến kinh đô dùng chó săn để đuổi đi”.

Thế rồi, vị tăng lên thuyền nhẹ vượt biển vào Phố Khẩu, khi sắp lên phía tây, chợt bị gió lớn thổi mạnh trôi về hướng đông nam, sáu bảy ngày sau, dạt vào một hòn đảo. Vị tăng nhìn thấy một ngôi chùa bằng vàng, ẩn trong mây đẹp rực rỡ, bèn tìm đường lên, thì thấy chánh điện nguy nga, cỏ hoa thơm ngát, bên trong có năm, sáu vị tăng trạc tuổi ba mươi, tướng mạo đoan trang, đều khoác ca-sa bằng lụa quí, đang tựa gậy cạnh gốc cây trước cổng chùa nói chuyện. Vị tăng liền đến hỏi:

– Bần tăng muốn đến kinh , nhưng bị trôi dạt đến đây, xin hỏi quí vị nơi này là đâu. Nay bốn bề biển cả mênh mông, e rằng tôi không về lại được quê cũ.

Chư tăng trong chùa đáp:

– Ngài muốn đến Dương Châu lập tức sẽ đến được. Nay ngài hãy mang bức thư này đến trao tận tay sư Hoàng Đầu, ở phòng thứ hai đầu phía nam của dãy tây, chùa Chung Sơn.

Vị tăng nhắm mắt ngồi trên thuyền, chỉ nghe một tiếng gió lướt qua liền mở mắt ra, thì quả nhiên đã đến bờ phía tây. Nơi đó, chỉ cách kinh đô khoảng mấy mươi dặm. Vị tăng lên đường, đến chùa Chung Sơn hỏi thăm nhưng không có vị nào tên là Hoàng Đầu. Vị tăng trình bày tường tận sự việc, bỗng có người chỉ:

– Đó chính là phòng của đạo nhơn Phong Tật.

Sư tuy nói mình ở chùa này, nhưng thường ở trong tụ lạc tại kinh đô, trăm ngày mới về chùa một lần, trong phòng thường vắng vẻ. Trong lúc hai người đang nói chuyện, bất chợt thấy sư mang bầu rượu đi tìm thức ăn trong nhà bếp. Quản trù cho rằng đã quá ngọ nên không trao cơm cho sư, sư bực tức liền chưởi mắng. Chư tăng sai một sa-di đi quanh nhà bếp gọi: “Hoàng Đầu”. Sư liền nói:

-Ai gọi ta vậy?

Sư liền đi theo sa-di đến chỗ vị tăng, và bảo:

– Ông đã hứa đem chó săn đuổi bắt tôi, nhưng sao không dẫn đến?

Vị tăng kia biết sư là người phi thường, bèn đỉnh lễ sám hối và trao bức thư. Xem xong, sư nói:

– Phương trượng đạo nhơn gọi ta, không lâu nữa tự ta sẽ trở về.

Sư bấm đầu ngón tay, bảo:

– Đến ngày tháng ấy ta sẽ đi.

Vị tăng ấy bèn nói với đại chúng:

– Các vị hãy ghi nhớ ngày tháng đó.

Mùa đông niên hiệu Thiên Giám thứ 13 (514), tại hậu đường ở Đài thành, sư bảo với mọi người:

– Bồ-tát sắp đi rồi.

Chưa đến mười ngày sau, sư không bệnh mà an nhiên thị tịch. Thi hài tỏa hương, diện mạo tươi tỉnh. Lúc sắp viên tịch, sư đốt một cây nến trao cho xá nhân[13] Ngô Khánh. Ngô Khánh liền trình lên vua. Vũ Đế than:

– Đại sư không còn ở đây nữa rồi, trao cây đuốc này hàm ý là sư đem hậu sự phó chúc cho ta ư.

Nhân đó, vua cử hành tang lễ rất long trọng, thi thể sư được an táng trên ngọn đồi cao tại Độc Long, Chung sơn. Bên mộ sư, vua cho dựng chùa Khai Thiện và sắc lệnh cho Lục Thùy khắc một bài minh trên ngôi mộ và Vương Duẩn khắc văn bia trên cổng chùa.

Khắp nơi truyền tả di tượng của sư để tôn thờ.

———————————————————-

[1] Kim Thành 金城 : tên một quận thời xưa, nay thuộc Tây bắc, Lan Châu, Cam Túc.
 
[2] Chung Sơn 鍾山: Cg: Tưởng Sơn, Bắc Sơn, Kim Lăng Sơn…Ở núi Nam Kinh tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cao 468 mét, Đông giáp với núi Thanh Long, Nhạn Môn; Bắc nối liền hai núi Phú Chu và Trĩ Đình; Tây đến Thanh Khê; Nam cận sông Chung Phố.
 
[3]Hoãn Sơn 皖山: tên một ngọn núi, (Cg: Tiệm Sơn, Thiên Trụ Sơn) nay thuộc Tây bắc, huyện Tiệm Sơn, tỉnh An Huy.Tương truyền Hán Vũ Đế đã đặt tên núi này là Nam Nhạc.
 
[4] Tăng chánh 僧正: chức tăng quan thống lãnh giáo đoàn toàn quốc hoặc một địa phương, có nhiệm vụ chấn chỉnh hành vi sai phạm của các tăng ni. Chế độ này bắt đầu từ Nam Bắc triều thuộc ngụy Tấn, là một chức vụ cao nhất ở trung ương, nhưng từ đời Tống về sau thì ở các châu huyện cũng lập chức vị này.
 
[5] Thái úy 太尉: tên một chức quan, được thành lập từ đời Tần đến Tây Hán, là chức vụ cao nhất cùng chức Thừa tương và Ngự sử đại phu gọi là Tam công. Thời Hán Vũ Đế gọi Đại tư mã. Thời Đông Hán gọi chức Thái úy là Ti đồ.
 
[6] Hưng Hoàng tự 興皇寺: chùa ở hyện Giang Ninh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, do vua Minh Đế sáng lập vào khoảng năm 465-471. Đầu tiên ngài Đạo Mãnh được vua thỉnh làm trụ trì chùa này. Về sau, có các vị Đạo Kiên, Huệ Loan, Huệ Phu, Tăng Huấn, Đạo Minh, Bảo Chí tiếp tục kế thừa, mỗi vị đều tận lực giáo hóa.
 
[7] Tịnh Danh tự 淨名寺: chùa ở núi Thiên Thai, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Lưng chùa dựa vào núi Cao Minh, nên thường gọi là chùa Cao Minh. Xưa, khi đại sư Trí Giả giảng kinh Tịnh Danh ở Phật Lũng thì mặt đất bỗng nỗi gió, thổi bay quyển kinh đến hơn năm dặm mới rơi xuống; sau đó ngài Trí Giả đi theo, thấy vùng này rất có linh khí, lại cảm thấy núi sông tưoi đẹp, liền cất am Tịnh Cư để ở. Khoảng năm 904-907 đời Đường, trên nền am cũ ấy sáng lập chùa này, đặt tên là chhuaf Cao Minh. Năm 936 đời Hậu Đường, chùa được đặt tên là Trí Giả U Khê đạo tràng. Năm 1008 đời Tống, đổi tên là chùa Tịnh Danh.
 
[8] Lương Vũ Đế 梁武帝: vị vua thời Nam Triều, Trung Quốc, người Lan Lăng (Nay ,à huyện Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô) họ Tiêu tên Diễn, tự Thúc Đạt. Ông vốn là quan thứ sử Ung châu đời Nam Tề, do vua Tề tàn nhẫn vô đạo giết chết anh mình là người đức hạnh, nên ông đem quân đánh chiếm Kiến Khương. Vào năm 502, ông cướp ngôi đặt quốc hiệu là Lương. Trong thời gian tại vị, ông sửa đổi về văn hóa, giáo dục, thế lực quốc gia nhờ đó mà hưng thịnh. Vua Vũ Đế rất kính tin Phật giáo, hành trì bồ-tát giới, trai giới bái sám đến chết không bỏ. Phí Trường Phòng khen tặng ông là “vua Bồ-tát Bất Khả Tư Nghì”.
 
[9] Thanh Văn 聲聞 (S: śrāvaka): những người nghe thanh giáo của Đức Phật, chứng ngộ lí tứ đế, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc mà vào Niết-bàn.
 
[10] Chiêu Minh thái tử 昭明太子: trưởng nam của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn thuộc Nam triều tên Thống, tự Đức Thi. Thưở nhỏ ông rất thông minh, 3 tuổi học Hiếu Kinh, Luận Ngữ, 5 tuổi học hết Ngũ Kinh. Năm 502, được lập làm Hoàng thái tử. Thái tử là người rất sùng kính Phật giáo; ông thụ giới bồ-tát và thường nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ yếu chỉ Phật pháp trong các kinh điển.
 
[11] Kinh Thắng Man 勝鬘經 ( S: Śrīmālā-siṃha-nāda-sūtra, gđ: Thắng Man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng kinh, cg: Sư tử hống kinh, Thắng Man sư tử hống kinh, Sư tử hống phương quảng kinh, Thắng Man đại phương tiện phương quảng kinh): Kinh, 1 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào đời Lưu Tống thuộc Nam triều, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng tập 12.
 
Kinh này là một trong tác phẩm đại biểu cho kinh điển thuộc hệ thống Đại thừa Như Lai Tạng. Trong kinh cho rằng giáo pháp Tam thừa quy về Nhất thừa của Đại thừa, được Nhất thừa tức là được pháp thân Như Lai. Tư tương Nhất thừa của kinh này chính là kế thừa kinh Pháp Hoa và trở thành trọng điểm của Phật giáo Đại thừa.
 
[12] Sa-môn Pháp Vân 沙門法雲: cao tăng Trung Quốc, sống vào thời Nam Tống, họ Qua, người tỉnh Trường châu (nay là huyện Ngu, tỉnh Giang Tô), tự là Thiên Thoại, hiệu là Vô Cơ Tử.Năm 9 tuổi sư xuất gia với ngài Từ Hạnh Phworng Công. Năm 10 tuổi học Thiên Thai với thiền sư Thống Chiếu. Năm 1117, trụ trì chùa Đại Giác ở Tùng Giang, được vua ban hiệu là Phổ Nhuận Đại sư
 
[13]Xá nhân 舍人: tên một chức quan, trông coi tài chính chi thu ở trong cung.