Sư Huệ Ước

Trích dịch từ Thần tăng truyện
Đức Nghiêm-Đức Thuận dịch

Sư họ Lâu tên Đức Tố, người Điểu Thương, Đông Dương,[1] tổ tiên nhiều đời làm quan ở Đông Nam. Trước đó, có người xem mồ mã của dòng họ sư, nói rằng: “Sau này, gia đình có người tu khổ hạnh, đắc đạo, sẽ làm thầy của vua.”

Mẹ sư họ Lưu, đêm nọ mộng thấy một người cao lớn, cầm tượng vàng đến bảo bà nuốt vào, lại thấy hào quang sắc tía vây khắp thân, nhân đó bà mang thai. Thức dậy, bà cảm thấy tinh thần sảng khoái nhẹ nhàng, trí huệ minh mẫn khác thường. Lúc sinh sư, ánh sáng và hương thơm tỏa khắp nhà. Sư có làn da trắng như tuyết, do đó mọi người gọi sư là “Linh Xán”.

Thuở nhỏ, sư thường chơi trò đắp cát làm tháp Phật, chất đá thành tòa cao. Đến bảy tuổi sư đi học, không bao lâu làu thông Hiếu kinh và Luận ngữ, ngay cả sử truyện[2] chỉ xem qua một lần liền hiểu hết nghĩa lí. Phía nam nhà sư, có một vườn cây ăn trái, bọn trẻ trong làng thường đến tranh nhau hái, nên thường xảy ra tai nạn. Thấy vậy, sư luôn đem hết trái của mình hái được cho bọn chúng, rồi trở về tay không.

Mọi người trong làng làm nghề trồng dâu nuôi tằm, thấy vậy sư động lòng thương xót, nên từ đó tuyệt đối không mặc y phục bằng tơ lụa. Sư có người chú thích đi săn bắn, sư can ngăn mãi nhưng không được. Sư thường than: “Cầm thú khác xa con người, nhưng vẫn tham sống sợ chết, có khác gì ta đâu!”. Từ đó, sư tuyệt đối không ăn thịt, cá.

Người chú bèn lánh sang làng bên cạnh, tha hồ săn bắn. Đêm đó, ông ta mộng thấy một người mặc áo đỏ, cầm giáo nhọn đến bảo:

– Ngươi suốt ngày sát sinh hại vật, bồ-tát giáo hóa cũng không sửa đổi, nay ta bắt ngươi phải chết.

Tỉnh giấc, mồ hôi vã như tắm. Đến sáng, ông phá hủy các dụng cụ săn bắn và hối cải những lỗi lầm trước. Có lần, sư đến nơi săn bắn, thấy vài chục con nai hoặc nhảy hoặc đứng tựa trông theo sư như cảm tạ.Làng sư ở, từ trước đến không có chùa, một hôm chợt một vị tăng xuất hiện, sư tìm đến xin được chỉ giáo, vị ấy đưa tay chỉ về hướng đông, bảo:

– Ở Diêm Trung,[3] Phật giáo rất hưng thịnh.

Nói rồi biến mất, sư mới biết đây là thần nhơn.

Năm mười hai tuổi, sư đến Diêm Trung đỉnh lễ tháp miếu, thấy cảnh núi sông, bỗng hợp với nguyện xưa nên ở đây nghiên cứu kinh điển..

Niên hiệu Thái Thủy thứ tư (468) đời Tống, vừa tròn mười bảy tuổi sư từ biệt cha mẹ đến chùa Đông Sơn, Thượng Ngu xuất gia và thờ ngài Tuệ Tĩnh ở chùa Nam Lâm làm thầy. Sau đó, sư theo Tuệ Tĩnh đến ở chùa Phạm Cư, Diêm Trung, ân cần phụng dưỡng thầy tổ suốt mười hai năm. Đến lúc, ngài Tuệ Tĩnh viên tịch, sư dốc lòng lo việc tang lễ và cư tangcho đến khi mãn.

Sau đó, sư mang ít bánh gạo vào ở ẩn trong rừng, hái thuốc trị bệnh cho nhiều người. Thái tể Văn Giản Công nhà Tề tên Trữ Uyên, từng đến thỉnh sư giảng kinh Tịnh Danh[4] và Thắng Man.[5] Có lần, Trữ Uyên bị bệnh, mộng thấy một vị tăng Thiên Trúc đến bảo:

– Bồ-tát sắp xuất hiện! Chính là vị đạo nhân đến đây!

Không bao lâu thì sư đến, bỗng nhiên Trữ Uyên hết bệnh, ông liền xin thụ trì năm giới và hết hết lòng kính trọng, phụng sự.

Quan cấp sự trung đời Tề, Lâu Ấu Du là ông nội của sư, có ít chú thuật, nhưng mỗi lần gặp sư, ông đều đứng dậy chào, thấy vậy nên có người hỏi:

– Người kia là hàng con cháu, sao ông lại cung kính như thế?

Ấu Du đáp:

– Bồ-tát xuất hiện ở thế gian sẽ là thầy của thiên hạ. Đâu chỉ một mình lão phu đây cung kính mà thôi!

Mọi người không hiểu, chỉ có Vương Văn Hiến cho là đúng.

Sau đó, sư trở lại kinh đô, ở chùa Thảo Đường. Thiếu phó Thẩm Ước vào niên hiệu Long Xương (494), nhậm chức bên ngoài, thỉnh sư cùng đi. Sư chỉ lấy việc tỉnh lặng làm vui, tụng kinh tọa thiền làm thú. Hương lạ thường bay vào thất sư, thú dữ chung quanh trở nên thuần thiện. Sư thường vào núi Kim Hoa[6] hái trái hoặc xuống khe Xích Tùng lấy nước.

Bấy giờ, đạo sĩ Đinh Đức Tĩnh bị bạo bệnh chết trong Đạo quán. Người dân tương truyền: “Trong núi có yêu tinh hại chết người”. Mọi người muốn tổ chức lễ lớn để diệt trừ yêu tinh, bèn dùng rượu cúng tế, nhưng chúng lại càng tụ tập nhiều hơn. Trường Sơn lệnh, Từ Bá Siêu cùng nhau bàn bạc, thỉnh sư đến ở chỗ đó. Sư ở chưa được mười ngày, tất cả yêu tinh đều chấm dứt.

Đêm đó, sư mộng thấy hai người nữ mặc y phục màu xanh, từ trong khe nước đi ra, đến đảnh lễ, sám hối sư:

– Chúng con vì túc nghiệp quá nặng, nên đọa làm yêu tinh trong khe nước này, đau khổ suốt ngày đêm, xin ngài cứu giúp.

Sư liền truyền Tam qui cho chúng. Từ đó, tuyệt nhiên không còn các tai họa.

Ngày mồng 8 tháng 4 năm Kĩ Hợi niên hiệu Thiên Giám thứ mười tám (519), vua phát tâm thụ giới bồ-tát, vua đến điện Đẳng Giác, từ hoàng tử trơe xuống cũng đều đến, đạo tục, nhân dân, sĩ thứ, cầu mong được độ. Bấy giờ, đệ tử của sư ghi lại, có đến bốn vạn tám ngàn người thụ giới.

Lúc truyền giới, chợt có một con chim Can thước[7] bay qua như lảnh thụ giới, truyền giới xong nó liền bay đi. Lại nữa, lúc thuyết giới, bỗng xuất hiện hai con Khổng tước, đuổi nó cũng không bay. Vua ra lệnh đừng đuổi, nó đi đến trước đàn tràng, kính cẩn cúi đầu nghe pháp. Vua bảo:

– Chim này hẳn sắp chết, nên muốn đến thụ dư báo.

Sư thương xót lòng chí thành nên thuyết pháp cho nó, nghe xong không lâu, hai con chim đều chết.

Có lần, sư tĩnh tọa trong thất, chợt có một bà lão cầm đến vài quyển sách đặt trên bàn kinh, im lặng bỏ đi ra, đồng thời mang một loại cây lạ trồng trong sân rồi nói:

– Đây là cây Thanh đình!

Sư bảo:

– Sách này hay cũng không cần đợi mà lập tức xem, còn như dở thì cũng chẳng đọc làm gì cho nhọc công.

Qua bảy ngày, chợt thấy một ông lão đến mang sách ấy đi. Còn cây kia, lá xanh, hoa hồng vẫn còn xum xuê. Lại nữa, cây ấy cảm đến các loài chim lạ, thân đỏ đuôi dài như chim Phỉ thúy, thường cùng nhau bay đến ở trên cây ấy.

Niên hiệu Đại Thông thứ tư (531), sư mộng thấy một ngôi nhà cũ, tường trắng cửa đỏ, rực rỡ tráng lệ. Sư bèn phát nguyện xây chùa. Sau khi xây xong, vua hạ chiếu sắc phong là “chùa Bản Sanh”. Lại hạ lệnh đổi tên làng sư đang ở là Trúc Sơn thành Trí Giả.

Tháng 8, niên hiệu Đại Đồng thứ nhất (535), sư sai người chặt những cành cây bên ngoài cửa và bảo:

– Xa giá sẽ đến, chớ để cản đường!

Mọi người không hiểu. Đến ngày mồng 6 thánng 9, sư có chút bệnh nhẹ, nằm nghiêng bên phải, đầu quay hướng bắc, tinh thần an lạc sáng suốt, hoàn toàn không có chút đau đớn, bảo đệ tử:

– Ta mộng thấy bốn bộ đại chúng cưỡi mây, mang vô số hoa hương, tràng phan từ trên không đến đón ta, phúc báo ở cõi này sắp hết.

Đến ngày 16, vua ra lệnh xá nhân[8] Từ Nghiễm đến thăm sư, sư bảo:

– Đêm nay tôi đi!

Vào canh hai, chợt có mùi hương lạ bay khắp nhà, tất cả mọi người tỏ vẻ lo sợ.

Sư bảo:

– Phàm có sanh thì có tử, đó là định luật tự nhiên. Các ông phải siêng năng tu huệ, niệm và chớ nên vọng tưởng.

Sư nói rồi chắp tay, an nhiên thị tịch, thọ thế 84 tuổi, hạ lạp 63 năm.

Lúc sư đang bệnh, thấy một ông lão cầm tích trượng đi vào, đến ngày sư viên tịch chư tăng trong chùa bàn bạc an táng sư ở phía đông ngọn núi cạnh chùa. Về sau, vua lệnh cải táng ở Độc Long. Lúc này, mọi người mới biết ông già trước đó chính là ngài Chí công đến đón sư đi.

Lại nữa, đêm sư viên tịch, con thanh ngưu mà sư thường cưỡi, bỗng rống lên những tiếng bi ai, hai dòng lệ chảy không ngừng. Lúc an táng sư, vua ra lệnh dẫn nó theo hàng đội. Từ chùa đến núi, trâu luôn rống lên và hai dòng lệ chảy không ngừng. Lúc mới nhập tháp, có con chim hạc trắng lượn quanh, nước mắt tuôn rơi và kêu lên những tiếng rất bi thương. Ba ngày sau khi an táng, bỗng nhiên nó chết.

————————————————————–

[1] Đông Dương 東陽: tên một vùng đất nước Lỗ thời Xuân Thu. Nay thuộc huyện Phí, tỉnh Sơn Đông.
 
[2] Sử truyện 史傳: là sử sách, lịch sử.
 
[3] Diêm Trung 剡中: một vùng đất thuộc huyện Diêm.
 
[4] Tịnh Danh kinh 淨名經 (Cg: Duy-ma-cật kinh): Kinh, 3 quyển, 14 phẩm, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần. Mục đích kinh này nói về pháp môn giải thoát không thể nghĩ bàn mà ngài Duy-ma đã chứng ngộ.
 
[5] Thắng Man kinh 勝鬘經 (Cg: Sư tử hống kinh, Thắng Man sư tử hống kinh): Kinh, 1 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la dịch vào thời Lưu Tống, thuộc Nam triều, Trung Quốc. Nội dung nói về phu nhân Thắng Man lập mười đại thệ và ba đại nguyện ước trước đức Thế Tôn.
 
[6] Kim Hoa sơn 金華山: tên một ngọn núi, thuộc phía bắc chợ Kim Hoa tỉnh Triết Giang. Tương truyền rằng, trên đó có một thạch thất các vị thần tiên ở.
 
[7] Can thước 乾鵲 (cg: chim Hỉ thước): bản tính nó rất hiền lành, tiếng hót trong thanh.
 
[8] Xá nhân 舍人: tên của một chức quan, nắm giữ việc hành chánh trong cung, coi về việc