Sớ quyên mộ để chuộc cá, chuyển dời ao phóng sanh từ Tây Hồ [sang nơi khác]
Phàm [kẻ nào] ở trong sanh tử luân hồi sẽ đều phải theo nghiệp thọ sanh. Thoạt là người, lại thoạt biến thành vật. Lúc đang làm người, cậy mạnh hiếp yếu, cậy đông hiếp ít, chẳng biết vun bồi phước cho mai sau, mặc tình tạo các ác nghiệp; đến khi phước đời trước đã hết, sát nghiệp đã sâu, khó khỏi đọa trong dị loại: Miệng chẳng nói được, tâm không trí huệ, mưu mẹo, thân không có sức mạnh chống chọi, chỉ đành mặc cho con người mổ, nấu, cắn, nhai. Nhưng xét tới tận cùng cái tâm loài vật thì lòng ham sống sợ chết, ý niệm khi gặp nguy hiểm mong được cứu vớt, thảm thê không thể nào diễn tả được! Do vậy, các bậc hiền triết thời cổ phần nhiều yêu tiếc sanh mạng loài vật, chẳng nỡ sát thương. Như Tử Sản[1] nuôi cá, Tương Tử thả chim bồ câu, Tùy Hầu giúp rắn[2], Dương Bảo cứu chim sẻ[3]. Đấy đều vốn do cái tâm bất nhẫn mà làm chuyện cứu vớt, chứ vẫn chưa biết đến những nghĩa “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, trong vị lai sẽ đều thành Phật và từ vô lượng kiếp đến nay, lần lượt làm cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc” v.v…
Đến khi Phật giáo truyền sang phương Đông, những nghĩa này được tỏa sáng rực rỡ trong cõi đời. Do vậy, những bậc quân tử sẵn lòng nhân từ nhằm để báo ân, nhằm tránh tai kiếp, đã hết sức chú ý kiêng giết, phóng sanh, trì trai, ăn chay. Nhưng đại đa số chưa nghe Phật pháp vẫn quen thói coi đó là thường, mặc tình giết chóc nhằm thỏa thích cái miệng. Do bởi lẽ ấy, ươm thành tai kiếp đao binh. Hãy thử nghĩ trong tai kiếp đao binh, con người bị giết chóc có khác gì loài vật bị mổ xẻ để cung ứng cho bụng miệng cho mấy? Nếu nghĩ như vậy thì ý niệm giết thân chúng nó để thỏa thích miệng ta chẳng bị tiêu diệt hay sao? Hơn nữa, ta đã tham sống, há chúng thích chết? Như ta vừa bị cỏ sắc đâm vào ngón tay liền cảm thấy khó thể chịu đựng được; thân chúng nó bị mổ chặt, há lẽ cam lòng? Tuy sức chẳng thể chống chọi được, không làm cách nào được, nhưng cái tâm oán hận cố kết chẳng thể cởi gỡ được! Đời đời kiếp kiếp ắt sẽ báo thù. Do vậy, bậc hiền triết muốn khiến cho người đời cùng dứt sát nghiệp, hòng hợp với đạo “dân là đồng bào, loài vật giống như ta” của cha trời mẹ đất, lập đủ mọi cách mua loài vật phóng sanh khiến cho chúng được sống trọn hết tuổi trời.
Cần phải biết hành động này chú trọng nơi cứu người, chứ không phải đơn thuần nhằm cứu vật! Vì [phóng sanh là] nhằm mong người ta trông thấy [người khác] mua [loài vật] phóng sanh sẽ đều chẳng nỡ giết chóc; đã chẳng nỡ giết chóc thì chẳng kết oán đối, có thể tiêu diệt được sát kiếp trong vị lai, phước thọ trong đời sau sẽ vĩnh viễn tồn tại. Đấy chính là tông chỉ rốt ráo, lợi ích chân thật của phóng sanh vậy. Kẻ chẳng biết thường chê bai phóng sanh lãng phí tiền tài, trọn chẳng có ích lợi gì! Hãy thử đặt mình vào trong hoàn cảnh đó thì kẻ ấy có muốn được người khác thả đi hay là mong bị người khác giết mình để ăn hay chăng?
Từ thời Tống Chân Tông, Tây Hồ ở Hàng Châu đã là ao phóng sanh. Sau đấy, dù có lúc lơ là, nhưng chẳng lâu sau lại được khôi phục. Nay chánh phủ do thấy Tây Hồ quá nhiều cá đến nỗi nước hồ dơ đục, gây trở ngại cho vệ sinh, tính ra lệnh đem bán hết, cho ngư nhân quăng lưới bắt sạch nhằm tạo lợi ích cho dân sinh. Các đại cư sĩ từ thiện ở Hàng Châu, Thượng Hải chẳng nỡ lòng để cho những con cá được phóng sanh qua các đời lại trở thành thức ăn, đặc biệt phái cư sĩ Tôn Hậu Tại tới Hàng Châu, khẩn cầu chánh phủ cho phép mua lại số cá ấy để chuyển sang chỗ khác thì đối với hai lẽ vệ sinh và phóng sanh đều được thích nghi. Chính phủ đã chấp thuận cho mua lại số cá ấy với giá tám ngàn đồng, trả tiền thành ba đợt, ngay hôm ấy liền giao ra ba ngàn đồng. Ngày Hai Mươi Chín tháng Hai dương lịch và ngày mồng Mười tháng Tư năm sau, mỗi lần giao hai ngàn năm trăm đồng nữa. Lấy ngày Ba Mươi tháng Sáu làm hạn chót để hoàn tất việc chuyển dời số cá ấy.
Số khoản tiền chánh thức để chuộc cá là tám ngàn đồng, nhưng dời chuyển cho hết số cá từ cái hồ rộng mấy chục khoảnh thật chẳng phải dễ dàng. Phải chuẩn bị rất nhiều thuyền đánh cá, hằng ngày giăng lưới. Lại phải cử người vận chuyển, và mỗi thuyền lại phải có mấy người trông nom, đốc thúc. Chi phí thuê thuyền, vận chuyển ấy và những khoản chi phí ăn uống hằng ngày cũng cần đến mấy ngàn. Khẩn cầu mười phương thiện tín tùy lực, tùy tâm, ai nấy bỏ ra tịnh tài để những con cá đang chờ bị nấu sẽ được sống yên vui, các vị đại cư sĩ được viên thành sở nguyện. Những người có sẵn đủ thiện căn từ đời trước trông thấy hành động tốt lành ấy sẽ đều yêu tiếc sanh mạng loài vật, chẳng nỡ giết hại. Do nhân duyên ấy sẽ tiêu diệt được cơ duyên giết hại, tăng trưởng phong thái nhân từ, công đức ấy làm sao diễn tả được? Ông tăng già Thích Ấn Quang sắp vùi thân nơi ngòi rãnh, kính vì vô số vô lượng cha mẹ trong quá khứ, chư Phật trong vị lai, chí thành khẩn cầu xin cứu mạng. Nếu được quý vị sáng suốt xét soi thì chẳng khác gì chính Quang được quý vị cứu vớt vậy. Kính cẩn giãi bày.
***
[1] Tử Sản (không rõ năm sinh – 522 trước Công Nguyên), họ Công Tôn, tên Kiều, tự Tử Sản. Còn có tên tự là Tử Mỹ, vốn thuộc dòng dõi hoàng tộc nước Trịnh, cháu nội của Trịnh Mục Công. Thông minh từ nhỏ, rất thông thạo chánh trị, làm Khanh Đại Phu (Tể Tướng) nước Trịnh thời Trịnh Giản Công, chấp chánh 23 năm, được coi là một chính trị gia lỗi lạc thời ấy. Chuyện Tử Sản thả cá được biết tới qua câu nói của Mạnh Tử trong thiên Vạn Chương sách Mạnh Tử: “Tích giả phất quỹ sanh ngư ư Trịnh Tử Sản, Tử Sản sử giảo nhân súc trì chi. Giảo nhân phanh chi, phản mạng viết: ‘Thỉ xả chi, ngữ ngữ yên, thiểu tắc dương dương yên, du nhiên đắc thệ’. Tử Sản viết: ‘Đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai!’ Giảo nhân xuất, viết: Thục vị Tử Sản trí? Dư ký phanh nhi thực chi, viết: Đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai. Cố quân tử khả khi dĩ kỳ phương, nan võng dĩ phi kỳ đạo” (Xưa kia chợt có người đem cá sống biếu cho Tử Sản nước Trịnh. Tử Sản bảo người hầu đem thả trong ao nuôi cá. Người hầu bèn đem nướng, trở về thưa: ‘Lúc mới thả, cá nằm ngoi ngóp, một lúc sau bèn sống động, tung tăng bơi đi mất rồi’. Tử Sản nói: ‘Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi! Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi!’ Người hầu đi ra, nói: “Ai bảo Tử Sản có trí? Ta nướng ăn mất rồi mà còn nói: ‘Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi! Nó đã đến được chỗ sống yên vui rồi!’ Do vậy, có thể dùng lời lẽ hợp lý để lừa quân tử, chứ khó thể dùng lời phi lý để dối gạt được).
[2] Đời Xuân Thu, Tùy Hầu (vua nước Tùy) đi ra ngoài chơi thấy một con rắn bị người ta đánh gần chết, vứt trên vệ đường, động lòng thương xót, liền sai tùy tùng đem thuốc cứu rắn, rồi đem thả đi. Ít lâu sau, rắn từ sông ngoi lên, nhả tặng vua một viên minh châu để báo ân cứu mạng. Do vậy, viên ngọc ấy thường được gọi là Tùy Hầu Châu, hoặc Linh Xà Châu. Sách Sưu Thần Ký mô tả viên ngọc ấy như sau: “Kích thước tròn trặn chừng một tấc, trắng muốt, ban đêm tỏa ánh sáng, có thể soi sáng cả gian phòng”.
[3] Theo Âm Chất Văn Đồ Chứng, có lần Dương Bảo vào Hoa Sơn thấy con chim sẻ bị thương rơi xuống đất, máu me bê bết, cảm thương ông liền đem về băng bó, chăm sóc, khi chim lành bèn thả đi. Chim tha đến bốn cái chén ngọc, lại nói: “Mong con cháu ông sẽ trắng trong, tinh thuần như bạch ngọc”. Đêm ấy, ông mộng thấy một vị trời mặc áo vàng đến bảo: “Tôi là con chim sẻ vàng được ông cứu mạng. Tôi vốn là sứ giả của Tây Vương Mẫu, bị thương giữa đường. May được ông cứu giúp, nay được trở về Nam Hải nên đến đáp tạ”. Về sau, con cháu ông đều nổi tiếng đức hạnh, hiển đạt.
Có sách lại chép hơi khác như sau: Dương Bảo là người huyện Hoa Âm, sống vào thời Hậu Hán. Lúc bé, Dương Bảo ra ngoài đồng chơi thấy một con sẻ bị cú mèo đuổi đánh bị thương rớt xuống đất. Dương Bảo liền cứu đem về, nuôi đến khi chim lành vết thương bèn thả đi. Đêm ấy, Dương Bảo nằm mộng thấy có một đứa bé trai mặc áo vàng đến biếu bốn chiếc vòng ngọc, tạ ơn, cho biết: “Con cháu ông ta sẽ được vinh hiển đến bốn đời như bốn vòng ngọc này”. Về sau, con Dương Bảo là Dương Chấn, cháu là Dương Bỉnh, chắt là Dương Tứ, chút là Dương Bưu, lần lượt kế tiếp nhau làm đến chức Tam Công, được cõi đời xưng tụng là “tứ thế tam công, đức nghiệp tương kế” (bốn đời làm Tam Công, kế thừa đức nghiệp).