Đ a n g t i d l i u . . .
Sớ giải về Luận mười hai cửa (pdf)

Sớ giải về Luận mười hai cửa
(thập nhị môn luận sớ)
Sa môn Thích Cát Tạng soạn
Tỳ kheo T. Nhất Chân dịch

 

Có một nghĩa lý u huyền để đi vào một lãnh vực rộng lớn. Ai mà chưa tường tận hết ý nghĩa ấy, thì sẽ được giải thích qua năm ý [được gọi là năm cửa để theo đó nhập vào thật nghĩa như] sau đây: 1. Cửa thứ nhất là giải thích tựa đề của Luận. 2. Cửa thứ hai nói về thứ tự [của mười hai cửa]. 3. Cửa thứ ba nói về ý nghĩa căn bổn của Luận. 4. Cửa thứ tư xét xem [các bài kệ trong Luận này] có hay không có [ở trong Luận Giữa]. 5. Cửa thứ năm nói về [các điểm] giống nhau và khác nhau [giữa hai Luận].

(1) Cửa thứ nhất: giải thích tựa đề của Luận

Tên của bộ Luận này gồm ba phần : một là “mười hai”, hai là “cửa”, ba là “luận”.

Nghĩa của mười hai

Hỏi : Tại làm sao không nhiều không ít mà chỉ là “mười hai”? Đáp : Ý thì vô cùng, song tóm lại mà giải thích thì có năm nghĩa như sau :

(2) Con số mười hai ở đây là thông suốt hết tất cả mọi lý lẽ, lắng dứt hết tất cả mọi vướng bận, là tùy theo bệnh mà cho thuốc, một đơn cho ra là hoàn hảo trọn vẹn, cho nên chỉ nói lên mười hai cửa này thôi.

(3) Tuy tạng Pháp có đến tám mươi ngàn, song tóm thu lại thì chỉ gồm mười hai loại bộ của Kinh, nay để giải thích trọn mười hai loại bộ của Kinh này nên Luận cũng gồm có mười hai cửa.

Hỏi: Làm sao biết được là như vậy?

Đáp: Mười hai loại bộ của Kinh cũng chỉ để nói rõ lên một lý, mười hai cửa ở đây cũng chỉ để thông suốt về lý. Do thông suốt về lý nên biết rõ hết mọi giáo pháp. Cho nên thấy rõ là do để giải thích về mười hai loại bộ của Kinh mà thành nói lên về mười hai cửa.

(4) Ba là chúng sinh trôi nổi qua lại trong sinh tử là do mười hai nhân duyên, Luận này cũng quán mười hai nhân duyên đến mức tột cùng thì hoàn toàn là không tịch, nhờ thế mà con sông mười hai nhân duyên vơi cạn và con sông Phật tính tràn đầy.

Hỏi: Làm sao mà biết là Luận này nói lên việc sông mười hai nhân duyên vơi cạn và sông Phật tính tràn đầy ?

Đáp: Kinh Niết Bàn có nói : Phật tính chính là nghĩa Không cao siêu nhất. Luận này quán sát nhân duyên để nói lên nghĩa Không hết sức thâm sâu, nên [trong phần mở đầu, Luận] có nói: Phần lớn nghĩa thâm sâu chính là nghĩa Không, nếu thông suốt được nghĩa Không này thì sẽ thông suốt được Đại thừa. Đó là một lời minh chứng hết sức rõ ràng vậy.

Hỏi: “Sông” có mấy loại?

Đáp: Nói tóm thì gồm hai loại. Một là sông mười hai nhân duyên, hai là sông Phật tính. Sinh tử sâu rộng trôi chảy luân lưu không ngừng, cuốn chìm trọn hết được mọi chúng sinh trong sáu nẻo, nên [ở đây] được gọi là sông. Phật tính cũng vậy, sâu không có đáy, rộng không bến bờ; trọn cả năm mươi hai địa vị hiền thánh của Đại thừa cũng đều nằm gọn trong đó, nên được gọi là sông.

Song sự thể hai sông vơi đầy thì gồm đến bốn trường hợp như sau : (i) Sông nhân duyên đầy sông Phật tính vơi. (ii) Sông Phật tính đầy sông nhân duyên vơi. (iii) Hai sông đều vơi. (iv) Hai sông đều đầy. Vọng tưởng mà sinh thì chính quán sẽ diệt, đó là trường hợp sông sinh tử đầy sông Phật tính vơi. Chính quán mà sinh thì điên đảo sẽ diệt, đó là trường hợp sông sinh tử vơi sộng Phật tính đầy. Vốn đối lại với tà tâm mà xưng là chính quán, nay tà tưởng mà chấm dứt thì chính cũng đâu còn nữa, nên cả hai sông đều vơi. Lại do vì chúng sinh mà bày ra có sinh tử phương tiện vào Niết bàn, nên cả hai sông đều đầy.

Trong bốn trường hợp trên thì trường hợp đầu là đối với những gì phải phá đi, còn ba trường hợp sau là những gì cần phải đưa ra. (4) Bốn là con số mười hai là con số cùng cực, như trong Kinh Tịnh Danh thiên nữ trả lời ngài Thân Tử như sau : Tôi ở tại phòng này có đến mười hai năm, mà tìm mãi tướng nữ cho đến cuối cùng cũng không sao có được. Long Thụ (Nàgàrjuna) cũng vậy, ngài theo mười hai cửa ấy mà tìm kiếm sinh tử hí luận cho đến tận cùng thì đều là Không, nên chỉ nói lên mười hai cửa mà thôi.

(5) Năm là không nên hỏi như thế, bởi hỏi như thế là làm phát sinh mọi vấn đề. Chỉ nên quên ngón tay đi mà đón lấy mặt trăng, thì đâu có cần gì phải thắc mắc là tại sao lại nói nhiều nói ít như vậy.

 

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận