SINH NHẬT, NẠN NHẬT
(Trích Phần phụ lục của quyển Kinh Địa Tạng do Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải.)
Lời Bình: Hạnh Đoan
Hỏi: Tuần lễ thứ ba của tháng sau là sinh nhật của Sư phụ, chúng con có thể tổ chức lễ mừng sinh nhật cho Sư Phụ chăng?
Đáp: Tôi không ăn mừng sinh nhật! Về sau, tôi đều không có sinh nhật. Ngày nào mà quý vị làm sinh nhật cho tôi, thì tôi sẽ chết. Nếu quý vị muốn cho tôi chết, thì cứ làm; còn nếu không muốn cho tôi chết, thì đừng làm! Nói tóm lại, tổ chức lễ mừng sinh nhật là điều không nên. Vì sao lại không nên?
Bởi vì “sinh nhật” là ngày chúng ta được sinh ra đời, song, đồng thời cũng là ngày “thập tử nhất sanh” của mẹ chúng ta! Đó là “nạn nhật,” một ngày mà người mẹ lâm nạn, nguy hiểm đến tánh mạng. “Nạn nhật” của mẹ thì chúng ta phải niệm Phật nhiều hơn, làm công đức nhiều hơn, làm điều tốt nhiều hơn. Nếu chúng ta tụ tập ăn uống linh đình, ồn ào náo nhiệt, lại còn thâu nhận đồ cúng dường, quà cáp của người khác, thì đây là một việc rất không đúng! Có điều, tôi không muốn nói ra, vì nếu tôi nói ra thì sẽ làm cho rất nhiều người trong quý vị không được vui, lại còn phàn nàn: “Chúng con ai nấy đều có làm sinh nhật cả; Sư phụ nói như vậy khiến cho chúng con không biết nên làm thế nào cho phải?”
Tôi lại hỏi quý vị: Quý vị có biết tổ chức ăn mừng sinh nhật, bất luận là người xuất gia hay tại gia, ai nấy cũng đều có tham cái gì không? Tham náo nhiệt—đó là điều thứ nhất. Còn điều thứ hai là gì? Ấy là tham quà tặng, tham lễ vật. Mừng sinh nhật mà—người thì đem tặng món quà này, kẻ thì biếu cho món quà nọ. Cha mẹ cũng tặng quà sinh nhật cho con cái. Sinh nhật của đứa trẻ con, ít nhất cũng phải tặng cho nó vài món đồ chơi, khiến cho nó mừng rỡ, thích thú.
Thật ra, đây là việc không cần thiết. “Sinh nhật” là ngày mình sinh ra đời—vì sao cần phải ăn mừng? Chúng ta vừa đến cõi đời này là bật khóc ngay, thế thì có gì đáng để ăn mừng nữa chứ? Quý vị cũng thấy đó—trẻ con vừa mở mắt chào đời là khóc thét lên: “Khổ a! Khổ a!”! Lúc đó đứa bé vì chưa biết nói, cho nên chỉ biết dùng tiếng khóc để bày tỏ nỗi niềm: “Khổ a! Khổ a! Đây là khổ a!”
Vì vậy, tôi muốn sửa đổi tập tục này. Quý vị đừng nên cố chấp; chúng ta cần phải phá bỏ mọi chấp trước mới được. Quý vị nghĩ xem, tôi dạy quý vị đừng tham lam, đừng tranh giành, đừng truy cầu, đừng ích kỷ, đừng tự lợi, đừng nói dối; thế mà nếu chính tôi lại mượn cớ làm sinh nhật để nhận “phong bì đỏ” (đựng tiền cúng dường) của mọi người, thì quả thật là chẳng có giá trị gì cả!
Có một đệ tử quy y của tôi nói rằng: “Sư phụ không ăn mừng sinh nhật, khiến con không có cơ hội để bày tỏ lòng thành của mình được. Vậy thì con phải làm sao đây?”
Tôi mách cho quý vị một biện pháp: Quý vị hãy niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát cho thật nhiều! Mỗi ngày, quý vị hãy thay tôi mà niệm danh hiệu các Ngài mười vạn tiếng, như thế chính là chúc mừng sinh nhật cho tôi vậy. Quý vị có làm được không? Đó mới là thật sự làm sinh nhật cho tôi; người tính không bằng trời tính vậy!
Bình:
Lời ngài dạy thật hay!
Theo tôi sinh nhật đôi khi không phải là nạn nhật của mẹ, mà của cả đứa con, nhất là con trai nhà giàu!
Chợt nhớ cách đây rất lâu, có nhà giàu nọ mừng sinh nhật con trai năm tuổi, tổ chức nơi nhà hàng nổi tiếng, đãi tiệc hải sản trên du thuyền hai tầng, gặp mưa gió nổi lên, du thuyền chìm, bản thân cậu bé cùng thân nhân lẫn khách mời, toàn bộ đều chết cả.
Lại nhớ một cặp anh em sinh đôi tổ chức sinh Nhật 17 tuổi. Và họ cùng nhau lái xe tiễn khách về, bỗng bị tông xe và hai anh em tử nạn.
Chợt nhớ các cô gái 13-15, dự sinh nhật đến nửa khuya, quên là con gái không nên rời nhà đi chơi khuya. Tiệc tàn các cô bị cưỡng hiếp tập thể.
Nên lời ngài Tuyên Hoá dạy, thật là tuyệt chí lý!
Có ai tự mừng sinh nhật mình bằng cách niệm Phật hai vạn?
Có ai tặng quà sinh nhật cho mình bằng công phu tu?
Có ai tu thật nhiều, tạo phúc nhiều vào ngày sinh của mình, cho người mình yêu quý?
Nguồn: A Xú Chung