SÁU KINH DI LẶC
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt
Lời Tựa
Người Phật tử đại thừa luôn có lòng tin rằng chư Phật ra đời là một „đại sự nhân duyên‟ nhằm khai, thị cho chúng sinh được ngộ, nhập vào tri kiến của Phật. Nhân duyên này hi hữu, hiếm có, như hoa ưuđàm ngàn năm mới nở một lần. Bởi vì Phật ra đời là một cơ hội hiếm có, ngàn năm một thuở. Vì vậy sinh trước Phật, sinh sau Phật đều là các bất hạnh lớn đối với người Phật tử đại thừa, vì không thể trực tiếp được khai thị ngộ nhập vào tri kiến Phật.
Chúng ta ngày nay đều là đệ tử Phật Thích-Ca, nhưng Phật Thích-Ca đã niết-bàn hơn hai mươi lăm thế kỷ nay rồi. Chúng ta sinh sau Phật, lại vào thời mạt pháp, bánh xe thời gian không quay ngược lại mà chỉ tiến tới, pháp Phật trước sau gì cũng mạt tận, người Phật tử đi về đâu, nương vào ai?
Đã là Phật tử thì dứt khoát chỉ nương vào Phật, chỉ đi theo hướng Phật. Song có ý kiến rằng, tuy Phật hiện tại không còn nữa, nhưng pháp Phật vẫn còn đó, sao không nương vào pháp để tự thắp đuốc lên mà đi? Ngoài ra, truyền thống các bậc cao tăng truyền thừa vẫn còn đó, chúng ta vẫn có thể học hỏi chính pháp để mà tu tập. Nhưng càng ngày, dị kiến càng tràn lan, đôi khi muốn học mà học không nổi, học rồi mà hành chẳng xong, lực đạo càng dần càng giảm, lực đời càng dần càng lấn. Niềm tin èo uột, tham vọng dâng cao, truyền thống, truyền thừa gì cũng từ từ chỉ còn là hình thức, chỉ là mẩu danh xuông. Pháp Phật lại thâm sâu, vi diệu khó hiểu, không gặp được chính Phật để quyết nghi, thì có tận lực mà học hỏi và tu tập thì cũng chỉ là tự thắp lên ngọn lửa sai lầm để tự thiêu thân, uổng công vô ích.
Đã theo Phật, thì phải gặp Phật. Đã say mê tin tưởng đạo Phật, thì lại càng dứt khoát không thể thiếu Phật được. Đã muốn đạt tri kiến toàn hảo về Phật pháp, thì tại sao lại tìm học nơi ai khác mà không tìm đến Phật? Ai có thẩm quyền về chân lý của đạo Phật hơn là Phật đây? Thế nên đã tu học Phật mà không tìm kiếm Phật để học thì đó là lý lẽ gì vậy? Nếu bảo rằng vì không gặp Phật nên phải học với đệ tử của Phật. Đúng, nhưng nếu chúng ta có được cơ hội để gặp Phật, thì sao lại không chịu đi gặp? Nếu Phật Thích-Ca đã qua đời rồi mà không còn Phật nào khác nữa trong tương lai, thì chúng ta phải nương chắc vào các bậc thầy hiện tại, điều này đúng. Nhưng nay Phật tương lai chắc chắn có, thì sao lại không tìm đến? Nếu chúng ta chỉ sống có một đời này thôi, thì đúng là phải tìm đạo được chút nào hay chút nấy ngay trong đời này. Nhưng nếu chúng ta còn luân hồi bất cùng tận kiếp nữa, thì sao không lo chuẩn bị mọi cách để gặp Phật trong tương lai?
Đức Phật không ép người ta theo mình, dù tâm lượng của ngài bao trùm trọn tam thiên đại thiên giới. Độ là độ người hữu duyên. Thế nên người nào cũng có quyền tự do sống theo quan điểm riêng tư của mình. Nhưng nếu ai đã thực sự tin Phật, cần Phật, nếu ai thực sự tin vào kinh điển đại thừa, thì chúng ta cũng có con đường của mình mà tiến bước. Phật Di-Lặc sẽ ra đời trong 56 ngàn tỉ năm nữa. Một thời gian quá lâu, nhưng hiện giờ Ngài đang ngự nơi Thiện Pháp Đường trong nội viện cung trời Đâu-Suất, để thuyết pháp cho thiên chúng nơi đó. Chúng ta có thể tham dự vào chúng ấy và ở bên Ngài nghe pháp. Cho đến khi thời duyên hội đủ, sẽ theo Ngài hạ sinh xuống nhân gian, để khi Ngài thành Phật, chúng ta sẽ thân tự trực tiếp thọ nhận chính pháp từ Ngài. Mọi thắc mắc, nghi ngờ hiện tại về giáo pháp sẽ được giải quyết ngay trên cung trời Đâu-Suất, và sẽ thành quả viên mãn nơi ba hội Long Hoa ở Diêm-Phù. Vậy không phải là vô cùng khánh khoái hay sao!
Sáu kinh Di-Lặc này nhằm mở ra con đường an lạc tự tại ấy:
– Kinh thứ nhất Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân Từ Tâm Nhân Duyên Bất Thực Nhục Kinh, nói về nhân duyên tu từ tâm và nguyện không ăn thịt của bồ-tát Di-Lặc từ kiếp xa xưa. Từ nhân duyên này mà Di-Lặc bồ-tát mới có họ là Từ Thị, tức Di-Lặc vậy.
– Kinh thứ hai, Di-Lặc Bồ-Tát Sở Vấn Hội, nói về sự khác biệt giữa hai bổn nguyện xa xưa của Phật Thích-Ca và Phật Di-Lặc.
– Kinh thứ ba, Di-Lặc Bồ-Tát Thượng Sinh Đâu-Suất Thiên Kinh, nói về sự sinh lên trời Đâu-Suất của bồ-tát Di-Lặc, nơi đó với vô lượng trang nghiêm, Ngài thuyết pháp độ sinh; cũng nói lên pháp môn quán tưởng nguyện sinh lên trời ấy để gặp Ngài.
– Kinh thứ tư Di-Lặc Hạ Sinh Kinh và thứ năm Di-Lặc Đại Thành Phật Kinh, nói về thời tương lai, quốc độ trang nghiêm khi bồ-tát Di-Lặc thành Phật tại cõi Diêm-Phù. Hai Kinh này cùng một đề tài, nhưng một Kinh ngắn, coi như „tiểu bổn‟ (tức Kinh Hạ Sinh) và một Kinh dài, coi như „đại bổn‟ (tức Kinh Đại Thành Phật), và cũng có ít nhiều các chi tiết sai khác, bổ túc cho nhau.
– Kinh thứ sáu trích trong phẩm Nhập Pháp Giới thuộc Hoa Nghiêm Kinh, nói về cảnh giới báo độ của bồ-tát Di-Lặc, không phải là cung trời Đâu-Suất mà là tòa lâu các Quảng Đại Tỳ-Lô-Già-Na Trang Nghiêm Tạng.
Các Kinh chính yếu là nói về Phật Di-Lặc, nhưng thực ra cũng là để nói lên tấm lòng tha thiết để chính pháp được cửu trụ và công hành độ sinh tích cực của Phật Thích-Ca, đặc biệt là nói lên sự liên hệ chặt chẽ giữa hai vị Phật, từ quá khứ hành nhân cho đến thành quả vô thượng trong hiện tại và tương lai của cả hai Ngài. Hai vị hợp lực cùng nhau để cứu độ chúng sinh từ ngay trong hoàn cảnh trược ác nơi thành CaTỳ-La-Vệ cho đến thời đại huy hoàng của thành Sí-Đầu-Mạt. Thật ít nghe có hai vị Phật nào lại liên hệ mật thiết với nhau đến vậy.
Và với Phẩm Nhập Pháp Giới sau cùng, chúng ta sẽ được thấy cảnh giới chân thật của Di-Lặc bồ-tát và sẽ được nghe Ngài tuyên thuyết về bồ-đề tâm, bản thể và là năng lực gốc của tất cả chư đại bồ-tát, thao thao bất tuyệt, mênh mang vô bờ. Có thế mới rõ được tâm lượng và công năng hành trì của bồ-tát bao la đến mức nào.
Vậy, nếu ai đã có lòng tin Phật, tin kinh điển đại thừa, ai thực tâm muốn gặp Phật, muốn học Pháp, muốn thể nhập vào chân lý vô thượng, xin mời cứ tự tiện trì tụng và tu tập theo sáu Kinh này.
Các thuật ngữ trong Kinh đều có đánh dấu hoa thị, xin tham khảo ở bảng giải thích thuật ngữ đặt ở cuối sách. Bảng giải thích này hầu hết đều dựa theo Phật Quang Đại Từ Điển, nên có tính cách chuyên môn và có thể phức tạp với các Phật tử phổ thông. Do đó quý vị có thể tùy nghi mà tham khảo, chọn lấy nghĩa chính mà hiểu, không cần phải quan tâm đến toàn thể giải thích. Còn phần cước chú trong mỗi Kinh là để giải thích các chữ hay từ ngữ khó hiểu, dễ gây hiểu lầm, cũng như để so sánh với các bản Hán dịch khác.
Nhất Chân An Thiền Thất, tháng 4 năm 2008