Sám Hối và Bồ-tát Tam Tụ Tịnh Giới
Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch và giới thiệu
Ai biết sám hối đúng như Pháp
Tất cả phiền não đều tiêu trừ
Giống như kiếp lửa hoại thế gian
Đốt sạch tu-di và biển cả.
Sám hối đốt cháy củi phiền não
Sám hối bước lên đường sinh thiên
Sám hối chứng được vui tứ thiền
Sám hối mưa xuống ngọc ma-ni
Sám hối thêm thọ mạng kim cang
Sám hối vào được cung thường lạc
Sám hối ra khỏi ngục ba cõi
Sám hối nở đóa hoa Bồ-đề.
Sám hối thấy gương tròn lớn Phật
Sám hối đến được nơi bảo sở.
(Kinh Tâm Địa Quán-Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch)
Sám hối là pháp hành trì căn bản trong Phật Pháp, dù chúng ta tu phước đức đạo, giải thoát đạo, hay Bồ-tát đạo. Sau đây bút giả xin giới thiệu phương pháp sám hối mà đức Phật đã dạy cho những vị phát tâm Bồ-đề thọ Bồ-tát giới. Bồ-đề tâm đặt nền tảng trên tâm đại bi, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh.
Người vừa phát Bồ-đề tâm liền trở thành Bồ-tát, gọi là Bồ-tát sơ phát tâm. Bồ-tát có nghĩa là “đại đạo tâm chúng sinh”, hay chúng sinh có tâm đạo lớn. Cho nên, người vừa phát tâm Bồ-đề liền trở thành Bồ-tát vì có tâm rộng lớn cần cầu Phật đạo lâu dài và dấn thân cứu khổ chúng sinh trong nhiều kiếp.
Muốn giữ gìn, nuôi dưỡng và thực hành Bồ-đề tâm và Bồ-tát nguyện này, người sơ phát tâm cần phải thọ giới Bồ-tát. Giới Bồ-tát chính là tư lương, là kim chỉ nam cho Bồ-tát sơ phát tâm hành trì. Giới Bồ-tát y theo Kinh Điển Đại Thừa thành lập có nhiều loại. Ví dụ Phạm Võng Bồ-tát Giới, Du-già Bồ-tát giới, Ưu-bà-tắc Bồ-tát giới v.v…, nhưng tựu trung không ngoài Tam Tụ Tịnh Giới. Tam tụ tịnh giới của Bồ-tát gồm: (1) Nhiếp luật nghi giới, tức Bồ-tát phát thệ giữ gìn luật nghi, không làm tất cả các điều ác; (2) Nhiếp thiện pháp giới, tức Bồ-tát phát thệ tu tập thiện pháp, làm tất cả việc lành; (3) Nhiêu ích hữu tình giới, tức Bồ-tát phát thệ từ bi cứu độ tất cả chúng sinh.
Thực ra, hằng ngày trong Thiền môn khi thọ trai, cúng quá đường đều có Tam tụ tịnh giới. Đây chính là phần tam đề, tức ăn ba miếng cơm để quán tưởng. Miếng cơm thứ nhất đọc: “Nguyện không làm các điều ác.” Đây là “nhiếp luật nghi giới.” Miếng cơm thứ hai đọc: “Nguyện vâng làm các việc lành.” Đây là “nhiếp thiện pháp giới.” Miếng cơm thứ ba đọc: “Thệ nguyện độ tất cả chúng sinh.” Đây chính là “nhiêu ích hữu tình giới”. Như vậy, mỗi ngày chúng ta đều thọ Bồ-tát giới, tụng Bồ-tát giới! Nhưng phần lớn chúng ta lại không biết được việc này. Thậm chí có người chỉ cúng quá đường như một nghi thức hằng ngày (routine) mà không có chánh niệm để huân tu đạo nghiệp.
Bút giả thiết nghĩ, mỗi bữa ăn không những tu sĩ mà cư sĩ tại gia, nhất là những vị đã thọ Bồ-tát giới, ít nhất nên thực hành pháp “tam đề” này để thực tập chánh niệm, nuôi dưỡng đạo tâm và huân tu đạo nghiệp.
Lại nữa, theo lời Phật dạy, muốn thọ “Bồ-tát tam tụ tịnh giới” đúng như Pháp, chúng ta phải sám hối tội lỗi từ vô lượng kiếp đến nay. Vì sao? Vì tội lỗi trong quá khứ là chướng ngại khiến chúng ta không đắc giới. Giới Pháp vô thượng của đức Phật cũng giống như vị ngon cam lộ cần phải đựng vào đồ sạch sẽ. Cũng vậy, chúng ta phải sửa soạn thân tâm mình thanh tịnh trước khi lãnh thọ giới pháp. Không những thọ Bồ-tát giới cần sám hối làm tiền phương tiện, mà muốn thọ tất cả giới pháp khác, từ năm giới tại gia cho đến tỳ-kheo giới, đều cần phải sám hối.
Nhưng ý nghĩa sám hối sâu xa, có “sự tướng” và có “lý tánh”. Sám hối về sự là phải một lòng tha thiết bày tỏ lỗi lầm đã gây tạo nơi ba nghiệp sáu căn, ăn năn sám hối, quyết không tái phạm. Sám hối về lý là phải có trí tuệ Bát-nhã quán chiếu tội tánh vốn không, chứng ngộ chân như, tội liền tiêu diệt. Ví như nhà tối trăm năm vừa thắp sáng đèn bóng đêm liền hết! Sự và lý viên dung, tùy theo căn cơ mà ứng dụng. Cho nên, người phát Bồ-đề tâm, thực hành sám hối cần phải “thâm nhập kinh tạng” để có chánh kiến vững chắc với pháp môn mình hành trì.
Sáng sớm hôm nay thức dậy, bút giả duyệt Đại Tạng Kinh bỗng gặp một đoạn kinh văn tuyệt hay trong Kinh Tâm Địa Quán nói về Sám Hối và Tam Tụ Tịnh Giới. Sự tín giải của bút giả trước đây về sự lý sám hối như được ấn chứng một lần nữa từ những lời dạy này của đức Phật! Trong niềm Pháp hỷ này, bút giả đã phiên dịch ra Việt ngữ để giới thiệu đến quý Phật tử và học trò đang theo nghe giảng “Sám Hối Sáu Căn” hằng tuần online với Tu Viện Thiện Tường. Đây cũng được xem như là tài liệu tham khảo cho phần tu học hằng tuần của chúng ta.
Kính mời đại chúng đọc kỹ và khéo tư duy đoạn kinh Tâm Địa Quán, được bút giả trích dịch để mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa, công đức và phương pháp sám hối như thế nào.
Vì nhân duyên này chúng hữu tình
Nếu muốn tu chứng đại Bồ-đề
Khởi lòng đại bi với chúng sinh
Nên thọ ba tụ Bồ-tát giới.
Nếu muốn thọ giới đúng như pháp
Phải nên sám hối diệt tội lỗi
Có mười nhân duyên sinh khởi tội
Thân ba, miệng bốn, ý có ba.
Sinh tử vô thủy tội vô cùng
Biển cả phiền não sâu không đáy
Nghiệp chướng cao như núi tu-di
Tạo nghiệp vì do hai loại khởi.
Đó là hiện hành và chủng tử
Tạng thức giữ gìn mọi hạt giống
Như bóng theo hình chẳng rời thân
Tất cả các thời chướng Thánh đạo.
Gần thì chướng quả vui nhân thiên
Xa lại chướng quả vô thượng giác
Tại gia hay rước nhân phiền não
Xuất gia cũng phá giới thanh tịnh.
Ai biết sám hối đúng như Pháp
Tất cả phiền não đều tiêu trừ
Giống như kiếp lửa hoại thế gian
Đốt sạch tu-di và biển cả.
Sám hối đốt cháy củi phiền não
Sám hối bước lên đường sinh thiên
Sám hối chứng được vui tứ thiền
Sám hối mưa xuống ngọc ma-ni.
Sám hối thêm thọ mạng kim cang
Sám hối vào được cung thường lạc
Sám hối ra khỏi ngục ba cõi
Sám hối nở đóa hoa Bồ-đề.
Sám hối thấy gương tròn lớn Phật
Sám hối đến được nơi bảo sở
Nếu ai sám hối đúng như pháp
Nên tu theo hai loại quán môn.
Một là quán môn: sự diệt tội
Hai là quán môn: lý diệt tội
Quán sự diệt tội có ba phẩm
Chia làm ba căn thượng, trung, hạ.
Nếu có thượng căn cầu tịnh giới
Phát đại tinh tấn tâm bất thoái
Thiết tha thành khẩn rơi nước mắt
Thương cảm khắp thân máu rướm ra.
Để tâm Tam Bảo khắp mười phương
Và các chúng sinh trong sáu nẻo
Quỳ thẳng chắp tay lòng chẳng loạn
Tỏ bày, rửa tâm cầu sám hối:
“Kính nguyện ba đời mười phương Phật
Xin đại từ bi thương xót con
Trong nẻo luân hồi không nương tựa
Đêm dài sinh tử mãi đắm mê.
Con là phàm phu đầy triền phược
Cuồng tâm điên đảo khắp phan duyên
Nhà lửa ba cõi khổ não phiền
Vọng nhiễm sáu trần không ai cứu.
Con sinh trong nhà nghèo hạ tiện
Không được tự tại thường chịu khổ
Cha mẹ của con người tà kiến
Vì con tạo tội, nghiệp thế này.
Kính nguyện chư Phật đại từ tôn
Thương con hộ niệm như con một
Sám hối một lần khống tái phạm
Như Lai ba đời xin chứng minh.”
Sám hối dũng mãnh người như vậy
Gọi là thượng phẩm cầu tịnh giới
Nếu có trung căn cầu tịnh giới
Một lòng dũng mãnh sám hối tội.
Ràn rụa nước mắt không tự biết
Xuất hạn mồ hôi tha thiết thưa:
“Con nay bày tỏ từ vô thủy
Đã tạo sinh tử nghiệp trần lao
Ngưỡng nguyện Phật dùng nước đại bi
Rửa bụi trần bao bao phiền não
Giúp sáu căn con sạch tội chướng
Ban cho ba tụ Bồ-tát giới.
Con nguyện kiên trì không thoái chuyển
Tiến tu độ thoát chúng sinh khổ
Tự chưa được độ trước độ người
Tận cùng vị lai không đứt đoạn.”
Siêng tu dũng mãnh người như vậy
Không tiếc thân mạng cầu bồ-đề
Cảm ứng Tam Bảo tướng linh dị
Gọi là trung phẩm đại sám hối.
Có người hạ căn cầu sám hối
Phát khởi vô thượng Bồ-đề tâm
Rơi lệ thương khóc lông tóc dựng
Sinh tàm quý sâu tội mình làm.
Đối trước Tam Bảo trong mười phương
Cho đến chúng sinh trong sáu nẻo
Chí thành giãi bày từ vô thủy
Đến nay đã làm khổ chúng sinh
Khởi tâm đại bi không chướng ngại
Không tiếc thân mạng sám ba nghiệp.
Tội mình đã làm đều kể hết
Điều ác chưa làm không còn tạo.
Ba hạng sám hối như thế ấy
Là giới thanh tịnh vào bậc nhất.
Dùng nước hổ thẹn rửa trần lao
Thân tâm thành pháp khí thanh tịnh.
Này thiện nam tử ông nên biết
Đã nói tịnh quán các loại sám
Nơi đó sự lý không sai biệt
Chi do căn duyên nên chẳng đồng.
Nếu muốn tu tập quán chánh lý
Xa lìa tất cả mọi tán loạn
Mặc áo mới sạch ngồi kiết già
Nhiếp tâm chánh niệm lìa các duyên
Thường quán diệu pháp thân chư Phật
Thể tánh không lặng bất khả đắc.
Tất cả các tội tánh như như
Vì duyên điên đảo vọng tâm khởi.
Tướng tội như vậy xưa nay không
Trong ba đời đều bất khả đắc.
Không trong không ngoài không chính giữa
Tánh tướng như như đều bất động
Chân như diệu lý vượt danh ngôn
Chỉ có Thánh trí thông đạt được.
Chẳng có, chẳng không, chẳng có không
Chẳng phải không có, chẳng không không
Bao hàm pháp giới chẳng sinh diệt
Chư Phật xưa nay một thể đồng.
Kính nguyện chư Phật thương gia hộ
Diệt được tất cả điên đảo tâm
Nguyện con sớm ngộ nguồn chân tánh
Mau chứng được Phật đạo Vô thượng.
Nếu có thiện nam đủ lòng tin
Ngày đêm quán chiếu diệu lý không
Tất cả tội chướng tự tiêu trừ
Đây là tối thượng trì tịnh giới.
Nếu người quán biết thật tướng không
Diệt được tất cả các trọng tội.
Giống như gió lớn thổi lửa dữ
Đốt cháy cỏ cây số vô lượng.
Các thiện nam tử quán chân thật
Môn bí yếu này của chư Phật.
Nếu muốn giảng rộng cho mọi người
Không nên nói cùng kẻ vô trí.
Tất cả chúng sinh hạng phàm ngu
Nghe xong sinh nghi, tâm bất tín.
Còn người trí nghe sinh tín giải
Niệm niệm quán sát ngộ chân như.
Mười phương chư Phật đều hiện tiền
Diệu quả Bồ-đề tự nhiên chứng.